Voice of Asean sempai (Vol 98)

MỐI DUYÊN VỚI NGÀNH XUẤT NHẬP KHẨU

 Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, mình quyết định không đi làm ngay mà sẽ đi du học để có thêm trải nghiệm ở một đất nước khác. Giữa các lựa chọn về địa điểm du học có thể cân nhắc tới ở thời điểm đó, mình quyết định chọn Nhật vì chi phí ban đầu cần thiết không quá cao, không có yêu cầu khắt khe về tiếng, lại có người nhà (gia đình cô mình đã sinh sống ở Nhật khá lâu và có công ty tại Nhật).

 Mình tuy ở cùng tỉnh nhưng cũng không gần chỗ gia đình cô lắm, nên thời gian đầu mới sang cũng phải tự lực làm quen với cuộc sống và đi xin baito ở xưởng rau, xưởng mì, quán ăn Hàn Quốc như nhiều bạn du học sinh khác. Sau khi học xong 1.5 năm trường tiếng, mình thi đỗ vào chi nhánh Fukuoka của trường chuyên môn Tokyo Kokusai Business College (chuyên ngành phiên dịch) và chuyển về sống gần chỗ gia đình cô mình ở.

Cả cô và chú mình đều từng xuất hiện trong các số trước của Voice of Asean Sempai, mọi người nếu muốn tìm hiểu thêm có thể đọc lại các bài viết trước đây về hành trình khởi nghiệp của cô chú mình nhé:

Xem thêm:
Voice of Asean Sempai (Vol 17) – Chị Vũ Thu Hà

Voice of Asean Sempai (Vol 54) – Anh Đỗ Phú Sơn

 Sau khi chuyển về gần nhà cô chú, mình không làm baito ở quán nữa mà chuyển qua baito tại HSC Japan – công ty thương mại do cô chú mình thành lập và điều hành. Thời điểm bấy giờ công ty còn khá non trẻ, chưa làm việc được với đối tác lớn nên mỗi đợt cần xuất các hàng Việt Nam là mình lại được giao nhiệm vụ đi thu mua hàng hoá tại các siêu thị, đại lý lớn ở Nhật rồi đóng container gửi về Hà Nội. Từ bỉm, sữa, tới các món đồ nhựa gia dụng,…cứ món đồ nào mà khách hàng ở Việt Nam có nhu cầu, có thể bán được ở chuỗi siêu thị hàng Nhật của công ty là bên mình gom rồi đóng về. 

 Ngoài việc thu mua các mặt hàng tiêu dùng để đóng container xuất về Việt Nam, mình còn được chú cho đảm nhận khâu tìm kiếm và kết nối khách hàng Việt Nam cho các kho phế liệu của Nhật. Các quận wrap, bao tải, bao bố đựng thóc, đựng hàng,…mà các công ty ở Nhật sử dụng xong thường họ sẽ bán lại cho 1 bên chuyên thu gom phế liệu. Nhiệm vụ của mình là hỗ trợ các kho phế liệu này của Nhật trong việc tìm kiếm khách hàng ở Việt Nam có nhu cầu gom mua phế liệu về để tái chế (ví dụ tái chế ra các túi nilon mà mọi người hay dùng), hỗ trợ thủ tục đàm phán, giao dịch, vận chuyển giữa 2 bên.

 Đương nhiên các công việc trên không phải một mình mình làm hết, mà còn có sự hỗ trợ của cô chú và mọi người ở công ty nữa. Nhưng qua công việc baito này ở HSC Japan, mình đã học hỏi và trải nghiệm được rất nhiều về công việc kinh doanh, thương mại giữa 2 nước. Cảm thấy đây thực sự là một môi trường rất tốt để phát triển, nên sau khi hoàn thành hết 2 năm học tại trường senmon, mình quyết định xin vào làm chính thức tại công ty của cô chú luôn chứ không đi shu ở ngoài nữa. 

MỞ CỬA HÀNG ĐỒ VIỆT Ở FUKUOKA

 Sau khi vào làm nhân viên chính thức tại công ty, mình tiếp tục được phụ trách phần công việc đã từng đảm nhận từ thời baito, dĩ nhiên là phạm vi công việc rộng hơn một chút. 

 Công việc liên quan tới xuất nhập khẩu giữa Nhật và Việt Nam nên mình cũng có cơ hội đi đi lại lại giữa hai nước khá nhiều. Hồi đó ở Fukuoka vẫn chưa có shop nào bán đồ ăn Việt Nam, nên mỗi lần có dịp về Việt Nam mình lại tay xách nách mang đủ thứ đồ sang dự trữ. Mà đồ khô như bún miến phở, hay đồ hải sản kiểu mực, cá còn mang sang được, chứ mấy đồ có dính thịt vào là không dám mang luôn. Thành ra mỗi lần thèm món đồ gì của Việt Nam là toàn phải lên Facebook đặt hàng từ mấy shop đồ Việt trên Tokyo ship về. 

 Thấy nhu cầu của bản thân và cả bạn bè xung quanh về nơi mua được đồ ăn Việt Nam có sẵn ở Fukuoka khá cao, mình quyết định thăm dò thị trường bằng cách đặt từ đồ từ các quán ở trên Tokyo rồi về thử bán online qua Facebook. Hồi đó bán thử, mặt hàng không nhiều, nên để tiết kiệm phí ship cho khách mình toàn…tự đi ship luôn. Nhiều khi khách chỉ mua 1 chai tương ớt mình cũng đi ship. Bán thăm dò được khoảng 4-5 tháng như vậy, thấy lượng bán ra khá ổn, tăng lên đều đặn hàng tháng nên mình quyết định trình đề án lên sếp (chính là cô mình), xin cô góp vốn đầu tư cùng, mình 100 man, cô 100 man để mở cửa hàng bán đồ Việt Nam riêng ở Fukuoka. Cô mình thấy kế hoạch cũng khả thi, lại thấy cháu cũng quyết tâm kinh doanh nên đồng ý hỗ trợ góp vốn 100 man luôn. Thế là đề án của mình được thông qua và cửa hàng bán đồ Việt Nam đầu tiên ở khu vực Fukuoka có tên HSC Station ra đời. 

 Thời gian đầu mới mở cửa, nguồn nhập hàng chính vẫn chủ yếu là từ các shop hàng Việt lớn ở Tokyo nên mã hàng chưa phong phú mấy. Ấy vậy mà chỉ vừa khai trương được 1-2 ngày thôi là khách đã kéo tới đông nườm nượp, nhất là vào các ngày cuối tuần. Kiểu như nhu cầu mua sắm đồ Việt trực tiếp bấy lâu nay chưa được đáp ứng, giờ có 1 shop mở ra ngay vị trí trung tâm tiện đi lại, nên mọi người ủng hộ rất nhiều. Nhờ thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ ngày mở shop, bên mình đã thu hồi lại được số vốn bỏ ra. 

 Thấy công việc kinh doanh quán đồ Việt khá thuận lợi, số lượng người Việt Nam sang Fukuoka ngày một đông hơn nên mình quyết định mở rộng HSC Station ra dưới dạng chuỗi. Một mình mình thì không thể vận hành hết mấy quán được, nên mình lại liên hệ lại với một số anh em chơi cùng từ xưa, người thì đang làm ở công ty khác, người thì đang ở Việt Nam mà rất “máu” muốn sang Nhật sống và kinh doanh,…về làm cùng. Dưới sự góp sức của anh em, trong 2 năm 2019 và 2020, hai cửa hàng tiếp theo của HSC Station lần lượt ra đời tại các ga trung tâm khác của Fukuoka. Sau đó bọn mình còn hỗ trợ thêm 1 vài bạn khác có nhu cầu ở lại Nhật theo visa kinh doanh mở quán dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu, giới thiệu văn phòng luật sư làm visa cho các bạn, hỗ trợ set up cửa hàng và nguồn nhập hàng trong thời gian đầu.

Khai trương HSC Station

Xem thêm:
Đăng ký giấy phép đủ điều kiện kinh doanh nhà hàng

MỞ RỘNG KINH DOANH

Sau khi chuỗi cửa hàng đồ Việt đã đi vào hoạt động ổn định, mình cùng anh chị em trong công ty lại bắt tay vào thực hiện 1 giấc mơ lớn hơn, đó là mở một siêu thị đồ ăn châu Á lớn nhất khu vực Kyushu, trong đó ngoài đồ ăn Việt Nam ra còn có cả đồ ăn của Trung Quốc, Hàn Quốc, với quy mô lớn hơn để phục vụ cả các khách hàng người Nhật, Hàn và Trung. Lý do bọn mình quyết định bắt tay vào triển khai siêu thị này là vì khi tìm hiểu phần comment của khách hàng tại các trang bán đồ ăn Việt – Hàn – Trung trên Amazon, Rakuten, mình thấy có khá nhiều người Nhật comment, chứng tỏ tiềm năng khách mua hàng là có, nhưng lượng khách Nhật xuất hiện tại các cửa hàng của HSC Station lại không nhiều. Có lẽ do đặc thù các quán chuyên bán đồ Việt thường hơi nhỏ, chỉ có người nước ngoài ra vào, mặt hàng lại hơi hạn chế nên khách hàng Nhật ngại bước vào. Chính vì thế mà bọn mình quyết định đa dạng hoá mặt hàng và mở với quy mô to hơn để thu hút được hơn các đối tượng khách này. 

 Ý tưởng là vậy, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì bọn mình cũng gặp không ít khó khăn. Trước đây, với mỗi cửa hàng mới của HSC Station, bọn mình chỉ mất vài ngày để set up, còn với siêu thị hàng Á lần này, cả công ty huy động gần hết lực lượng mà cũng phải mất gần như cả tháng trời để hoàn thiện. Quy mô cửa hàng to (lớn gấp 5 lần so với các cửa hàng của HSC Sation) nên thời gian set up cũng lâu hơn, lượng hàng chuẩn bị cũng phải rất nhiều. Ngoài ra, do nhắm tới đối tượng khách hàng là người Nhật và người Trung, người Hàn, nên cách PR cũng phải khác so với trước đây. Nếu từ trước tới nay bọn mình chỉ chủ yếu quảng bá cửa hàng qua Facebook bằng tiếng Việt, thì giờ lại phải học cách PR thêm trên các nền tảng khác mà người Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc thường dùng như Instagram, Wechat,…Rồi các bài viết giới thiệu quảng bá cũng phải viết bằng cả 3 thứ tiếng. Và thật vui là tất cả công sức chuẩn bị suốt mấy tháng trời của mọi người cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng, khi vào ngày đầu tiên khai trương cửa hàng, đã có rất nhiều khách hàng Trung Quốc tới ghé thăm và mua đồ. Trong suốt 10 năm ở Nhật cho tới ngày khai trương cửa hàng, đó là lần đầu tiên mình thấy nhiều người Trung Quốc tập trung ở một chỗ tới như vậy. 

 Sau gần 2 năm triển khai, siêu thị hàng Nhật Asia no Eki của bên mình cũng đã đi vào quỹ đạo. Để mở rộng hơn nữa việc kinh doanh, mình cho triển khai mở cả cửa hàng trên các trang thương mại điện tử của Nhật nữa. Trước giờ hầu hết các anh chị em trong công ty đều chỉ quen làm offline, nên việc đưa các sản phẩm thực phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng là một thử thách mới đối với bọn mình, vì khi bán các đồ thực phẩm lên mạng cần phải đưa khá nhiều thông tin về thành phần của đồ ăn lên (ví dụ có chất bảo quản ko, có chất gây dị ứng không,..), mà trước giờ việc tem mác của các lô hàng cũng chưa thực sự chuẩn hoá, nên qua quá trình làm, bọn mình lại vừa học, vừa mày mò khá nhiều để mọi thứ được hợp lý, suôn sẻ hơn. 

Siêu thị Asia no Eki

Xem thêm:
Thủ tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam sang Nhật

 

ƯỚC MƠ ĐEM HÀNG VIỆT TỚI VỚI NHIỀU NGƯỜI Ở NHẬT HƠN

 Ngoài việc mở rộng chuỗi cửa hàng, từ năm 2021, bên mình bắt đầu chuyển dần qua hướng chủ động nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam sang để kinh doanh chứ không nhập qua các đầu mối ở Tokyo nữa. 

 Lý do của quyết định này là vì mình thấy việc nhập lại từ đầu mối khác cũng có nhiều hạn chế về mã hàng và kinh phí, trong khi nhu cầu các mặt hàng nhập từ Việt Nam thì bùng nổ mạnh trong đợt Corona nên muốn được chủ động về nguồn hàng hơn. Công ty mình vốn đã làm trong mảng thương mại Nhật Việt từ nhiều năm, có công ty thương mại chuyên hỗ trợ tìm kiếm đối tác ở Việt Nam từ trước, có kinh nghiệm và các đối tác lâu năm trong mảng logistic 2 chiều Nhật – Việt và nội địa Nhật, có hệ thống kho bãi sẵn nêu nếu tận dụng được thì sẽ là một hướng kinh doanh mới rất thuận lợi, vừa giúp cho hệ thống các quán của bên mình không bị phụ thuộc nguồn hàng vào bên khác, vừa mở rộng được thêm đối tượng khách hàng. 

 Nghĩ là làm, mình cùng các anh chị em trong công ty bắt tay ngay vào kế hoạch lớn. Sau một thời gian, hiện bên mình đã nhập được thường xuyên, với số lượng mã hàng phong phú các mặt hàng từ Việt Nam. Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống các cửa hàng của HSC Station và Asia no Eki, bên mình còn bán ngược lại được cho các cửa hàng vốn là đối tác mà bên mình nhập hàng về để bán trước đây. 

 Bên cạnh việc chủ động nhập khẩu và mở rộng phân phối đi khắp cả nước, đầu năm nay, mình còn vừa bắt tay vào triển khai một sản phẩm mì ăn liền mới mang thương hiệu HSC chuyên bán cho thị trường Nhật. Vốn dĩ, ước mơ của mình là đưa đồ ăn Việt Nam tới gần với người Nhật hơn, nhưng nếu chỉ nhập khẩu các sản phẩm có sẵn trên thị trường Việt Nam hiện nay vào Nhật để bán thôi thì sẽ gặp khá nhiều hạn chế trong việc tiếp cận khách hàng Nhật: ví dụ như không phải ai cũng có kinh nghiệm chế biến đồ ăn Việt Nam, các sản phẩm có thể chế biến nhanh như mì ăn liền sản xuất trong nước thì lại thường lại không đủ tiêu chuẩn bán ở Nhật do các tiêu chuẩn về lượng iod, chất điều vị, chất tạo hương vị,…

 Vậy nên mình quyết định đánh một ván bài lớn: đàm phán với đối tác ở Việt Nam để sản xuất 1 loại mì mang thương hiệu riêng, dành cho thị trường Nhật, đủ tiêu chuẩn bán được trong các chuỗi siêu thị lớn của Nhật như AEON, Donkihote,..để tiếp cận được dễ dàng hơn với khách hàng người Nhật.

 Hiện thương hiệu mì này của bên mình mới ra đời được vài tháng, đang bắt đầu được bày bán ở một số siêu thị của Nhật, bán online trên Rakuten và cũng đang vừa bán, vừa lắng nghe phản hồi từ khách hàng cả Việt và Nhật để có thể cải thiện dần sản phẩm, đưa sản phẩm phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. 

Thương hiệu mì HSC

LỜI NHẮN 

Cộng đồng người Việt ở Nhật mấy năm trở lại đây ngày một lớn mạnh, cơ hội kinh doanh và khởi nghiệp cũng vì thế mà nhiều lên. Để khởi nghiệp đương nhiên cần nhiều yếu tố, không chỉ là vốn, mà còn cả kiến thức, kinh nghiệm và đôi khi là một chút liều. Sẽ có rất nhiều khó khăn và thậm chí có thể là thất bại, nhưng mình tin là nếu có đủ khát vọng, đủ tự tin thì rồi chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt. Vừa học vừa làm, đi từng bước rồi sẽ có ngày hái được trái ngọt.

Mình rất hy vọng trong cộng đồng người Việt ở Nhật sẽ ngày càng có thêm nhiều bạn khởi nghiệp, góp phần đem các sản phẩm – dịch vụ của Việt Nam sang Nhật để nâng tầm thương hiệu Việt Nam của chúng ta.

 

Fukuoka, tháng 6/2023

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...