NHỮNG NGÀY ĐẦU SANG NHẬT
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình được mẹ (khi đó đang làm việc tại Nhật theo visa đi làm) đón sang ở cùng theo visa đoàn tụ gia đình và theo học tại một trường tiếng Nhật gần nhà trong 1.5 năm đầu khi mới sang. Hồi đó ở Nhật chưa có nhiều trang web, hội nhóm hướng dẫn du học sinh học thi lên đại học như bây giờ, nên các thông tin mình biết về kì thi đại học hầu như chỉ từ sự hướng dẫn của các thầy cô trong trường. Theo như thông tin mình được biết, thì khi đó có rất ít trường ở khu vực Nagoya chấp nhận cho học sinh đang ở Nhật theo visa gia đình thi vào đại học theo diện đặc biệt dành cho du học sinh, mà thi theo diện dành chung cho học sinh Nhật thì mình không đủ sức, thế là mình quyết định tạm nghỉ ở nhà 1 năm để đi làm baito rồi xem tình hình thế nào lại tính tiếp.
Trong thời gian 1 năm này, mình đi làm baito để phụ thêm sinh hoạt phí cho mẹ tại tại 1 quán nhậu nhỏ chuyên phục vụ cho nhân viên các quán snack. Thời gian làm ở đây giúp mình có dịp được tiếp xúc với nhiều người Nhật hơn, nên tiếng Nhật hội thoại nghe nói cũng khá lên nhiều. Nhưng cũng chính qua những câu chuyện nghe được ở quán, mình cảm nhận được là nếu không có bằng cấp gì, chỉ học xong cấp 3 rồi đi baito thôi thì sau này sẽ rất khó mà sống tốt ở Nhật được, nên lại quyết tâm quay trở lại con đường học hành, thi cử. Rất may là sau 1 thời gian tìm hiểu, mình tìm được trường Đại học Kinh tế Nagoya cho phép người đang ở Nhật theo visa gia đình có thể thi vào theo diện dành cho các du học sinh nước ngoài, nên đã đăng ký và may mắn thi đỗ ngay sau lần thi đầu tiên.
Xem thêm:
Những giấy tờ cần thiết khi nộp đơn dự tuyển vào Đại học Nhật Bản
LÀM MẸ
Vào đại học được một thời gian không lâu thì mình kết hôn với anh bạn trai mà mình quen trong thời gian làm baito ở một quán Việt Nam gần nhà. Quán là địa chỉ tụ họp quen thuộc của các bạn hội viên VYSA Tokai, nên cũng nhờ vậy mà mình quen biết và có cơ hội tham gia cùng với mọi người trong các hoạt động của hội.
Không biết mọi người thế nào, nhưng ngay từ khi mới kết hôn thì mình đã dự định sẽ sinh con trong lúc học đại học, để tới khi ra trường thì cũng vừa lúc con đủ cứng cáp, mình sẽ yên tâm đi làm và xây dựng sự nghiệp luôn mà không lo bị gián đoạn nghỉ sinh giữa chừng. Chính vì thế mà ngay từ khi mới vào đại học, mình đã sắp xếp học dồn rất nhiều môn, cố để lấy được tương đối các tín chỉ trong 2 năm đầu để nếu tới năm thứ 3 có sinh con thì mình cũng vấn có thể tốt nghiệp được đúng lịch trình.
Bé đầu nhà mình sinh vào đầu tháng 8/2017, khi mình đang trong kỳ nghỉ hè của năm học thứ 3. Sinh đúng kỳ nghỉ dài nên rất may là mình không cần phải xin nghỉ học quá nhiều vẫn có đủ thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe sau sinh trước khi quay trở lại trường học. Chồng mình khi đó vừa mới đi làm được một thời gian, ngày nào cũng phải ở lại làm thêm giờ tới tận 8-9h tối mới về tới nhà nên mình cũng tương đối vất vả để xoay sở cân bằng việc nhà, việc học và việc…chăm con.
Khi bé được 2 tháng, mình có xin thử cho bé đi nhà trẻ để bản thân yên tâm đi học được hơn, nhưng rất tiếc là lúc đó đang giữa năm học, trường không có chỗ trống nên bé không được nhận vào. Vậy là chẳng còn cách nào khác, hai mẹ con lại phải bồng bế nhau đi học.
Bé còn nhỏ quá nên trong giờ học không tránh khỏi những lúc quấy khóc, gây ảnh hưởng khá nhiều tới mọi người xung quanh. Dù biết bồng bé theo đi học như vậy vừa khổ thân bé, vừa ảnh hưởng tới mọi người, nhưng mình vẫn quyết tâm không để bị chậm tiến độ đi học. Rất may là thầy giáo phụ trách mình khi đó thấy tình hình như vậy nên đã thông cảm, không yêu cầu mình nghỉ học mà đặc cách cho mình có thể tự học ở nhà rồi định kỳ trao đổi với thầy qua điện thoại là được. Nhờ vậy mà mình cũng tranh thủ túc tắc hoàn thành được một số môn. Tới lúc bé được 6 tháng tuổi thì 1 nhà trẻ gần nhà có chỗ trống nên mình gửi được con học để tới trường học bù những tiết không tham dự được lúc nghỉ sinh.
Bé đầu đi học được một thời gian, bắt đầu cứng cáp hơn cũng là thời điểm mình bước vào đầu năm thứ 4. Đây là thời điểm các sinh viên đại học ở Nhật bắt đầu lục tục chuẩn bị đi tìm việc, và mình cũng lên dây cót chuẩn bị tinh thần để cùng tham gia vào cuộc chiến tìm việc đầy cam go ấy. Tuy nhiên, đúng vào lúc ấy thì mình biết tin “trót” có bầu bé thứ 2, và 9 tháng mình mang bầu bé cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất của một sinh viên khi đi xin việc tại Nhật.
Biết sức mình không thể vừa ôm đồm việc học trên trường, vừa chăm sóc bé lớn, mang bầu bé nhỏ lại còn đi xin việc như các sinh viên đại học bình thường được, nên dù rất tiếc, nhưng mình đành gác lại mọi dự tính ban đầu để tập trung vào việc chăm con và chuẩn bị tốt nghiệp sao cho đúng hạn. Dù kế hoạch ban đầu buộc phải thay đổi, nhưng lúc đó mình vẫn chỉ nghĩ sẽ chỉ tạm hoãn lại việc đi tìm việc 1 thời gian, khi bé thứ 2 cứng cáp hơn 1 chút sẽ lại bắt đầu lại từ đầu. Nhưng đúng là cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi như mình suy tính, và mọi khó khăn trên hành trình làm mẹ của mình mới thực sự bắt đầu từ đây.
Xem thêm:
Nhận trợ cấp sinh con của Nhật Bản khi sinh tại Nhật & tại Việt Nam
BIẾN CỐ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
Khi sinh bé đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên để cẩn thận, mình có đăng ký khám thai và sinh con ở bệnh viện. Bệnh viện lớn, đông bệnh nhân nên mỗi lần khám xếp hàng rất mất thời gian, vì thế mà tới bé thứ 2, để tiết kiệm thời gian, mình chọn khám và sinh luôn ở một clinic gần nhà.
Clinic nhỏ lại gần nhà nên mỗi lần đi khám thai rất tiện, chỉ hiềm một nỗi là trang thiết bị y tế không hiện đại được như bệnh viện nên mỗi lần khám bác sĩ cũng chỉ hỏi han, kiểm tra nước tiểu, đo huyết áp, rồi siêu âm xem em bé thôi. Chính vì thế mà mãi cho tới khi em bé ra đời, các bác sĩ đỡ đẻ mới phát hiện em bé bị bệnh tim bẩm sinh, phải tách luôn khỏi mẹ, chuyển lên bệnh viện lớn để cho thở oxy và chăm sóc đặc biệt.
Vừa sinh con ra, chưa kịp nhìn thấy con đã nghe tin động trời con bị bệnh tim bẩm sinh, sẽ phải tách khỏi mẹ và nhập viện điều trị vô thời hạn, mình hoang mang lo lắng vô cùng. Tinh thần mình vô cùng suy sụp, suốt 4 tháng đầu tiên dù vào chăm con ở viện mỗi ngày, nhưng mình vẫn không chấp nhận được sự thật ấy. Thậm chí khi nghe người của bệnh viện nói nếu bố mẹ không sẵn sàng và không đủ điều kiện để nhận nuôi con có thể để con lại để bệnh viện họ chăm, mình đã từng có ý nghĩ cứ để con lại để bệnh viện nuôi như này, hàng ngày mình tới chăm thôi, chứ làm sao mình có thể chăm nổi một em bé bị bệnh bẩm sinh phải ở hàng tháng, hàng năm trong bệnh viện thế này?
Nhưng ý nghĩ thoáng qua ấy đã hoàn toàn tan biến, khi trong 1 lần tới thăm con, mình thấy cảnh một em khác cũng bị bệnh tương tự giống bé nhà mình nhưng bố mẹ không nhận nuôi mà chỉ thi thoảng tới thăm. Em ấy có người của viện đi cùng, chăm sóc cẩn thận, biết đầy đủ các thông tin cần thiết của em, nhưng mình cảm nhận đó chỉ là sự chăm sóc như của 1 điều dưỡng dành cho bệnh nhân của mình, không có sự ấm áp, tình cảm của gia đình ở trong đó. Lúc đó mình mới chợt nhận ra, là dù khó khăn vất vả thế nào, mình cũng vẫn phải nhận con về nuôi, không thể để con ở bệnh viện thế này được, vì chắc chắn dù cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc y tế tốt tới đâu, không ai có thể chăm sóc, nuôi nấng tốt cho con mình bằng bản thân mình được.
Mình quyết định gác lại hết mọi dự định còn dang dở, chỉ cố gắng hoàn thành nốt những bài thi, bài luận còn thiếu ở trường để tốt nghiệp đại học cho đúng hạn, rồi sau đó tập trung vào một mục tiêu mới duy nhất: Đó là chăm sóc – đồng hành cùng 2 con cho thật tốt.
Xem thêm:
Hướng dẫn cách hạn chế chi phí khi nhập viện dài ngày tại Nhật
CÙNG CÁC CON TRƯỞNG THÀNH
Bé thứ 2 nhà mình phải nhập viện khá lâu và trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ khác nhau. Khi mới sinh, bé phải ở trong viện điều trị suốt 4 tháng mới được về nhà 1 tháng, sau đó lại tiếp tục hành trình dài vào viện rồi lại xuất viện liên tục trong gần 2 năm sau đó.
Bé phải nhập viện và điều trị liên tục, nên 2 vợ chồng mình bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về các khoản bảo hiểm, trợ cấp,..mà gia đình có thể nhận được, cũng như khoản nenkin mà con có thể được hưởng về sau. Khi đi sâu vào tìm hiểu rồi mình mới biết, là ở Nhật có rất nhiều khoản trợ cấp hỗ trợ những gia đình có bé nhỏ bị bệnh, nhưng không phải khoản trợ cấp nào cũng được bệnh viện hướng dẫn, mà có những khoản mình phải tự chủ động tìm hiểu, rồi liên hệ nhờ bác sĩ viết giấy để làm thủ tục thì mới được hưởng. Trong quá trình chăm con ở viện bản thân mình cũng đã từng gặp một chị người Việt Nam khác có con cũng bị bệnh và phải nhập viện thời gian dài giống nhà mình, nhưng vì không biết tiếng Nhật, không nắm được các chế độ hỗ trợ của Nhật nên chị đã bỏ qua rất nhiều khoản trợ cấp mà đáng lẽ ra gia đình có thể được hưởng. Vì vậy mà các mẹ có con nhỏ ở Nhật mình nghĩ dù ít hay nhiều cũng nên cố gắng học tiếng Nhật thật tốt để chủ động nắm được và tìm hiểu những quyền lợi mà gia đình cũng như con mình có thể được hưởng.
Ngoài các chế độ hỗ trợ dành cho bé thứ 2, nhà mình cũng tìm hiểu thêm cả các chế độ dành cho bé đầu nhà mình nữa. Năm bé 3 tuổi, thấy bé có biểu hiện hơi chậm nói hơn so với các bạn cùng tuổi, mình đã chủ động tìm hiểu các chế độ hỗ trợ của thành phố, và biết tới chế độ Home Helper Service và chế độ trợ cấp cho trẻ đi trung tâm hỗ trợ phát triển của Nhật. Tuy nhiên, khi lên quận trao đổi lần đầu thì quận chưa đồng ý để nhà mình sử dụng dịch vụ này luôn, vì bé vẫn còn nhỏ, chưa đủ tuổi để xác nhận được rõ sự chênh lệch trong giao tiếp của bé với các bạn đồng lứa.
Trong thời gian bé chưa được sử dụng dịch vụ, nhà mình vẫn kiên trì đồng hành cùng con, chồng cũng thu xếp công việc để nghỉ chăm con(iku kyu) gần 2 năm, có thêm thời gian đồng hành cùng vợ trong việc chăm sóc các con mỗi ngày. Tới năm bé lớn 4 tuổi, vừa đủ điều kiện để quận cho phép sử dụng chế độ hỗ trợ là mình đăng ký ngay. Từ đó tới giờ mỗi ngày nhà mình đều có các cô người Nhật tới nhà khoảng 1.5 tiếng/ngày để vừa hỗ trợ mình luyện cho bé nói tiếng Nhật, vừa đỡ đần một phần việc nhà cho mình.
Hiện sau hơn 3 năm kể từ ngày sinh bé thứ 2, hàng ngày mình vẫn bận rộn với việc chăm 2 bạn nhỏ và vẫn chưa đi làm được. Bé thứ 2 sau một thời gian đi nhà trẻ và cứ chốc chốc mẹ lại bị cô giáo gọi điện yêu cầu phải tới trường để trực tiếp cho bé ăn vì cô không cho bé ăn được, thì hiện cả cô và bé đều quen với nhau hơn và mình không còn bị gọi tới trường liên tục nữa. Bé thứ nhất đã lớn hơn và cũng đang chuẩn bị vào lớp 1. Vì chưa dạy được gì nhiều cho bé nên mình vẫn chưa có dự định đi làm ngay, mà sẽ đồng hành full-time với các bé thêm 1 vài năm nữa để các con quen dần, rồi mình cũng sẽ có thời gian tự do cho bản thân nhiều hơn.
Tuy không đi làm ở ngoài, nhưng từ cuối năm 11/2022, mình cũng bắt đầu một dự án nhỏ của bản thân cùng chồng, đó là lập trang web có tên là phatxit.net để chia sẻ những thông tin mà 2 vợ chồng tìm hiểu được trong quá trình sinh sống ở Nhật tới các bạn người Việt khác. Tên website có phần hơi lạ này là vì hồi xưa bạn mình lập Facebook giúp mình, lấy tên là Phát Xít, từ đó mọi người quen gọi mình bằng biệt danh đó rồi, nên khi lấy tên miền website mình cũng quyết định giữ tên đó luôn để bạn bè dễ nhớ. Ban đầu mục đích lập website của vợ chồng mình đơn giản chỉ là để chia sẻ thông tin cho người nhà, bạn bè thân thiết, vì mọi người hay hỏi thông tin, kinh nghiệm, mình phải trả lời đi trả lời lại nhiều lần, nên nghĩ viết luôn thành bài để có ai hỏi thì sẽ có sẵn câu trả lời. Nội dung hoàn toàn là những gì thực tế từ trải nghiệm mà 2 vợ chồng đã biết và đang thực hiện. Nhưng sau đó khi thấy mọi người phản hồi rất tốt, khen cách tổng hợp thông tin chi tiết, dễ hiểu, rồi nhờ viết thêm các chủ đề khác liên quan thì bọn mình bắt đầu mở rộng hướng triển khai hơn. Mình tổng hợp các chủ đề được nhiều người hỏi và quan tâm rồi nhờ chồng mình tổng hợp và đưa lên trang web. Có những chủ đề mà 2 vợ chồng đã trải qua nên thấy bình thường nhưng không nghĩ là còn nhiều người chưa biết đến và rất quan tâm. Từ hồi làm web và chia sẻ nhiều hơn trên các hội nhóm của cộng đồng người Việt ở Nhật, mình quen biết thêm được nhiều anh chị em bạn bè hơn, và cũng học thêm được nhiều kỹ năng mới về cách tổng hợp thông tin, tìm hiểu nhu cầu của mọi người qua các bài viết, comment trên mạng xã hội. Trang web mới ra đời được khoảng nửa năm, lượng bài viết chưa thực sự nhiều nhưng hai vợ chồng mình vẫn chăm chỉ tìm hiểu và cập nhật mỗi ngày, với hy vọng trang web sẽ đem tới được thật nhiều thông tin hữu ích và chính xác tới cho các anh chị em người Việt khác trong cộng đồng. Mình quyết tâm làm cho phatxit.net sẽ còn tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn mỗi ngày. Các bạn hãy ghé thăm nha.

Sinh nhật 1 tuổi của bé thứ 2 trong bệnh viện

Y tá tới nhà theo dõi sức khỏe định kỳ vào các ngày thứ 2, 3, 4, 6 hàng tuần
Các PT, ST đến nhà đều đặn hàng tuần để tập đi, tập ăn, tập nói cho các con.
* PT: Physical Therapy, ST: Speech Therapy

4 tuổi và những bước đi đầu tiên
Home Helper đến để trợ giúp mình làm việc nhà
Xem thêm:
Hướng dẫn cách khai giảm trừ các loại bảo hiểm trong Điều chỉnh thuế cuối năm
LỜI NHẮN
Dù có lập kế hoạch kỹ càng tỉ mỉ cho cuộc sống của mình tới đâu đi nữa, đôi khi chúng ta vẫn phải chấp nhận thay đổi hoàn toàn vì những biến cố bất ngờ xảy đến trong cuộc đời. Giống như dự định sinh con sớm từ khi học đại học để ra trường cứ thế đi làm rồi xây dựng sự nghiệp luôn của mình cũng vậy.
Nhưng dù có xảy ra vấn đề gì đi nữa, nếu mình có vốn tiếng Nhật tốt, có tinh thần tra cứu, tìm hiểu mọi thứ để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất, thì mọi khó khăn rồi dần dần cũng sẽ qua. Chính vì thế, việc dành thời gian để học tiếng tốt tiếng Nhật rất quan trọng.
Mình hy vọng những chia sẻ của mình trong bài viết này, cũng như trong website của nhà mình sẽ giúp các bạn có thêm động lực để học tiếng Nhật tốt hơn mỗi ngày và biết thêm được nhiều thông tin hữu ích cho cuộc sống của các bạn ở Nhật.
Nagoya, tháng 5/2023
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận