Voice of Asean sempai (Vol 96)

MỐI DUYÊN VỚI TIẾNG NHẬT TỪ KHI HỌC LỚP 8

 Do công việc của bố có liên quan tới tiếng Nhật, nên năm mình học lớp 8, khi trung tâm ngoại ngữ gần nhà mở lớp tiếng Nhật sơ cấp, mẹ đã động viên mình đi học thử cho biết vì đây cũng là thứ ngôn ngữ có chút duyên với gia đình. Học được khoảng nửa năm, mới biết được chút kiến thức cơ bản thì mình phải tạm nghỉ một thời gian vì lịch học ôn thi vào cấp 3 bận quá.

 Sau khi đỗ vào Đại học Ngoại thương và chọn học tiếng Anh làm ngoại ngữ chính ở trường, mình tiếp tục việc học tiếng Nhật đang dở dang từ 3 năm trước ở một trung tâm bên ngoài. Càng học mình càng cảm thấy bản thân có duyên với ngôn ngữ và đất nước này, nên suốt 4 năm đại học, mình cứ túc tắc học thêm tại trung tâm tuần 3 buổi, đến khi gần tốt nghiệp thì thi đỗ được chứng chỉ N3. Thấy đã có N3 rồi, chỉ cần cố thêm tí nữa lấy được chứng chỉ N2 là có thể đi dạy tiếng Nhật buổi tối để tăng thêm thu nhập, nên sau khi đã ra trường và đi làm, mình vẫn tiếp tục duy trì việc học thêm tiếng Nhật vào buổi tối để tiếp chứng chỉ N2. Văn phòng luật nơi mình làm việc dù chủ yếu sử dụng tiếng Anh, nhưng thi thoảng có việc giao dịch với khách hàng người Nhật, mình thử sử dụng tiếng Nhật để giao tiếp đôi chút thì thấy họ rất thích, nên mình lại càng có thêm động lực để học thêm tiếng Nhật mỗi ngày. 

 Dù đã đi làm full-time ở văn phòng luật, nhưng mình vẫn nung nấu ước mơ được làm công việc liên quan tới giáo dục – giảng dạy trong tương lai, nên hàng ngày sau giờ làm, mình tranh thủ thời gian tìm hiểu thông tin về các học bổng đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Dự định của mình là nếu kiếm được học bổng nào ổn một chút sẽ học lên tiếp bậc cao học, sau đó đi làm một thời gian để tích luỹ kinh nghiệm rồi tìm kiếm cơ hội để được giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học. Khi cân nhắc lựa chọn nơi để đi du học, mình cảm thấy Nhật là điểm đến phù hợp nhất với bản thân, một phần vì cảm giác gần gũi từ nhỏ đã được tiếp xúc nhiều với văn hóa Nhật (qua công việc của bố), một phần vì cảm thấy bản thân cũng có nhiều nét tính cách giống với người Nhật như: chỉn chu, tỉ mỉ, thích nhường nhịn người khác…

 Hai học bổng mà mình chọn ứng tuyển để đi Nhật đợt đó là học bổng MEXT của Bộ Giáo dục Nhật và học bổng của ngân hàng ADB. Hai học bổng đều cho phép học bằng tiếng Anh, số tiền học bổng cũng ngang nhau nhưng MEXT thì yêu cầu phải liên hệ với giáo sư trước, còn ADB thì thì có thể nộp trực tiếp với văn phòng tuyển sinh của nhà trường. Đợt đó chắc do không có duyên nên hồ sơ của mình nộp bên phía MEXT không nhận được phản hồi tích cực của giáo sư, còn hồ sơ nộp bên phía ADB thì được trường APU chấp nhận và mình chính thức có 1 tấm vé sang Nhật học thạc sĩ tại trường APU (tỉnh Oita). 

Xem thêm:
Những giấy tờ cần thiết khi nộp đơn dự tuyển vào Đại học Nhật Bản

DỒN SỨC CHUẨN BỊ HÀNH TRANG TÌM VIỆC NGAY TỪ NĂM ĐẦU 

 Mặc dù đã có N2 từ khi còn ở Việt Nam, nhưng thời gian đầu khi mới qua Nhật mình gần như không hiểu mọi người đang nói gì. Tốc độ nói của mọi người xung quanh rất nhanh, cộng thêm phương ngữ của vùng Oita cũng khác nhiều so với những gì mình được học trong sách vở, nên thời gian đầu mình cực kỳ shock. Vậy nên dù số tiền học bổng được cấp hoàn toàn đủ để mình có thể trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng mà không cần đi làm thêm, mình vẫn quyết tâm phải duy trì việc đi baito đều đặn để tiếp xúc nhiều hơn với người Nhật, nhanh chóng cải thiện khả năng nghe nói. 

 Ngoài công việc làm thêm 2-3 buổi/tuần xin được ở combini gần nhà, mình còn được giáo sư bố trí cho làm thêm cả công việc TA (Teaching Assistant) hỗ trợ dạy toán và tiếng Anh cho các sinh viên năm 3 trong khoa. Trong quá trình dạy, thi thoảng mình lại thấy các bạn sinh viên xin nghỉ học để đi phỏng vấn tìm việc. Đối với một sinh viên đến từ Việt Nam, nơi mà hầu hết mọi người thường chỉ dành tầm vài tuần, một tháng để tìm việc sau khi ra trường như mình thì việc các bạn sinh viên Nhật đi phỏng vấn xin việc từ sớm như vậy thật sự rất lạ. Tò mò hỏi thêm các bạn và tự tìm hiểu thêm về quy trình xin việc ở Nhật, mình mới biết hóa ra sinh viên Nhật đi xin việc từ trước khi tốt nghiệp tới tận cả năm. Tức là nếu như mình định ở lại Nhật làm việc, thì cũng phải chuẩn bị sớm như vậy. 

 Biết được thông tin quý giá này từ sớm làm mình thay đổi hẳn suy nghĩ. Mình quyết định lên lại toàn bộ kế hoạch học tập và chuẩn bị xin việc ở Nhật của bản thân sao cho phù hợp nhất với quy trình tuyển dụng của các công ty Nhật. Mình đặt mục tiêu phải cố gắng hoàn thành hết tất cả các môn, lấy được đủ số tín chỉ cần thiết và viết xong phần khung cho luận văn tốt nghiệp ngay trong năm đầu để năm sau có thể dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho việc đi tìm việc. Lấy được chứng chỉ N1 cũng là mục tiêu được mình đưa vào trong bản kế hoạch năm này, vì mình biết đây là chứng chỉ rất cần thiết để mình có thể mở rộng cơ hội xin được các công việc tốt ở Nhật. 

 Hoàn thành khối lượng kiến thức của 2 năm học chỉ trong 1 năm, lại thêm cả ôn và thi N1 là một thử thách không hề đơn giản. Để dành trọn được toàn bộ thời gian buổi tối cho việc học ôn N1, hàng ngày mình đều cố gắng làm xong hết tất cả bài tập thầy cô giao về ngay sau giờ học trên lớp. Môn nào cần viết nhiều thì mình sẽ tranh thủ thời gian ngồi trên xe bus để phác thảo sẵn trong đầu những ý tưởng cho bài viết, về tới nhà là chỉ cần lao vào bật máy tính lên và viết ngay. 

 Do toàn bộ các môn học trên trường đều bằng tiếng Anh, các lớp tiếng Nhật tình nguyện ngoài giờ do trường tổ chức lại chủ yếu chỉ loanh quanh ở trình độ nghe nói sơ cấp, nên toàn bộ quá trình ôn thi N1 mình đều phải chủ động tự mua sách và ôn tập một mình. Thời gian để luyện thi chỉ vỏn vẹn có 4 tháng, nên mình phải cố gắng sắp xếp, phân chia lịch rất chi tiết để ôn được đều các kỹ năng. Hàng ngày sau khi đi học về, tranh thủ ăn cơm tắm rửa xong là mình lao vào bàn ngồi học tới 12h, sau đó tranh thủ chợp mắt ngủ một lát cho đầu óc tỉnh táo trở lại rồi 4h lại thức dậy học tiếp cho tới sáng. Công sức vất vả suốt 4 tháng ròng rã tự học ôn ở nhà như vậy của mình cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng, mình đỗ N1 với số điểm suýt soát vào kỳ thi tháng 7/2018. 

(Cùng học viên học môn tiếng Anh là nhân viên của tập đoàn Idemitsu)

(Trợ giảng cho giáo sư các môn chuyên ngành Quan hệ Quốc tế (bằng tiếng Anh))

(Tham dự buổi Welcome các ứng viên học bổng ADB)

Xem thêm:
Sinh viên xin việc: Cách để bắt đầu thu thập thông tin các ngành nghề

TÌM KIẾM CƠ HỘI CÔNG VIỆC TẠI TOKYO 

 Sau khi có kết quả đỗ N1, mình dành nốt khoảng thời gian cuối của năm 2018 để lấy hết các tín chỉ cần thiết cho 2 năm Master rồi chính thức khăn gói lên Tokyo để bắt đầu hành trình tìm việc. Tuy đã lấy xong hết các tín chỉ, phần luận văn gần như cũng đã hoàn thành xong, nhưng mình vẫn phải lên trường ít nhất 1 tháng 1 lần để dự zemi và ký nhận học bổng, nên trong suốt 9 tháng ở Tokyo, đều đặn tháng nào mình cũng đặt vé máy bay về lại Oita 1 lần. Bạn bè mình cũng nhiều người thắc mắc tại sao lại cầu kỳ như vậy, cứ ở Oita rồi gửi hồ sơ ứng tuyển qua mạng, khi nào được gọi đi phỏng vấn thì lên Tokyo cũng được chứ sao. Nhưng mình vẫn quyết chuyển hẳn lên Tokyo với hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để tham gia các buổi giới thiệu công ty, tiếp xúc được với nhiều nguồn thông tin tuyển dụng và tiện đi phỏng vấn hơn.

 Trong thời gian ở Tokyo, mình có tham gia một số lớp hỗ trợ tìm việc do Hellowork và 1 số nơi khác tổ chức. Theo trải nghiệm của bản thân, mình thấy nội dung các buổi hướng dẫn này cũng không có quá nhiều điểm khác biệt, nên bạn nào đang chuẩn bị tìm việc giống mình ngày xưa có lẽ chỉ cần tham gia 1-2 buổi để nắm được quy trình cơ bản là đủ, còn lại quan trọng là tự nâng cao kỹ năng tìm việc, kỹ năng phỏng vấn của bản thân qua thực chiến.

 So với lý thuyết thì thực chiến bao giờ cũng khó khăn hơn rất nhiều. Những ngày đầu, mình cứ phỏng vấn tới đâu là nhận được kết quả trượt tới đó dù đã có N1, một phần vì không hiểu hết được những gì người phỏng vấn nói, một phần vì lúc đó khả năng hiểu và trả lời vào đúng ý nhà tuyển dụng muốn hỏi, cũng như kỹ năng trình bày ý kiến của bản thân còn rất yếu. Để khắc phục những nhược điểm đó, sau mỗi lần phỏng vấn mình luôn ghi lại cẩn thận những câu được hỏi, những điểm chưa thật sự cảm thấy hài lòng trong câu trả lời của bản thân để tìm hướng trả lời cho phù hợp hơn, sau đó ghi âm lại câu trả lời để nghe và sửa lại những chỗ chưa ổn. 

 Cứ sau mỗi lần như vậy, khả năng ứng biến của mình ở lần phỏng vấn sau lại cao hơn một chút, và tới công ty thứ 6, mình đã vượt qua được tất cả các vòng phỏng vấn để nhận được naitei. Đây là một tập đoàn giáo dục khá lớn của Nhật, quản lý nhiều trường tiếng và trường senmon khác nhau, nếu có nguyện vọng có thể xin chuyển qua lại giữa các trường, nhiều cơ hội để phát triển và làm về mảng giáo dục mà mình yêu thích nên mình quyết định chọn vào làm tại đây luôn.

(Giờ làm trợ giảng tại văn phòng cùng giáo sư người Nhật)

(Cùng giáo sư hướng dẫn luận văn người Mỹ)

(Cùng giáo sư môn kinh tế phát triển đi hội thảo ở Tokyo)

(Trợ giảng cho giáo sư người Hàn)

Xem thêm:
Top 50 câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn xin việc ở Nhật (phần 1)

GIỚI THIỆU DỊCH VỤ CAREER SUPPORT


Với #5500y (đã bao gồm thuế), các bạn sẽ được chuyên viên tuyển dụng người Nhật có kinh nghiệm của MPKEN hỗ trợ:

* Sửa 履歴書、職務経歴書 theo công ty mà bạn dự định nộp hồ sơ

* Luyện phỏng vấn 1:1 trong 45p (kèm feedback các điểm cần lưu ý sau khi phỏng vấn thử).

—-> Link đăng ký: Bit.ly/careersupport-mpken

** Có thể toán phí dịch vụ qua Paypay hoặc chuyển khoản.

KHÓ KHĂN & BIẾN CỐ NHỮNG NĂM ĐẦU ĐI LÀM

 Vượt qua được chặng đường nửa năm tìm việc vất vả, tưởng mọi việc đã ổn thoả nhưng đến khi đi làm mình lại tiếp tục shock vì trình độ tiếng Nhật của bản thân. Nhân viên mới đi làm thường ai cũng được phân công nghe điện thoại, và đây thực sự là cơn ác mộng đối với mình những ngày đầu mới vào làm. Mỗi lần điện thoại tới là mình lại giật bắn người vì sợ sẽ không nghe ra người ở đầu dây bên kia đang nói gì, thi thoảng còn bị khách hàng phàn nàn vì nhân viên kiểu gì mà nghe điện thoại cũng không xong. Việc nghe điện thoại đã vậy, khi làm việc trực tiếp ở văn phòng, có khi sếp nói nhanh quá mình cũng không hiểu được hết hoặc không biết phải trả lời sếp ra sao. Mới đi làm, chưa nhớ hết việc, hay quên nọ quên kia, ngày nào đi làm cảm tưởng cũng bị sếp nhắc không việc nhỏ thì việc to, thật sự khổ tâm vô cùng. 

(Tròn 1 tháng trở thành “Shakaijin”)

 Gặp “phốt” nhiều quá, riết rồi mình sinh ra tâm lý thấy điện thoại tới là không dám nghe, sáng mở mắt ra nghĩ phải đi làm là sợ. Nhưng rồi mình tự thấy nếu cứ trốn tránh mãi thế này cũng chẳng giúp bản thân giải quyết được vấn đề. Thế là mình lại quyết định phải đối mặt và tìm cách giải quyết thôi, mà muốn như vậy thì chỉ có 1 cách: đó là tự học để nâng cao thêm khả năng giao tiếp tiếng Nhật.

 Mỗi ngày sau khi đi làm về, mình dành nhiều thời gian để vào Youtube nghe các kênh các video chia sẻ về 1 ngày đi làm của nhân viên văn phòng ở Nhật, các kênh liên quan tới sở thích của bản thân (chăm mèo, nuôi cá,..) để tập quen với tốc độ nghe nói nhanh, cách ngắt âm khi nói chuyện của người Nhật. Ngày nghỉ hoặc giờ nghỉ trưa mình chủ động rủ đồng nghiệp, các bạn trẻ người Nhật quen đi ăn uống để tạo mối quan hệ, luyện giao tiếp. Cứ bền bỉ như vậy một thời gian, khả năng nghe nói tiếng Nhật của mình được cải thiện đáng kể, công việc dần quen hơn nên cũng bớt sai xót đi, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo. 

 Tuy vậy, mọi thứ yên bình chẳng được bao lâu. Sang năm thứ 2, tưởng chừng như đã quen việc và từ nay cứ thể chăm chỉ làm việc là mọi chuyện sẽ ngày một tốt lên thì biến cố ập đến. Buổi trưa hôm đó, khi đang đứng mua đồ ăn trong tiệm, mình đột nhiên bị một chiếc xe hơi đi quá tốc độ đâm trúng vào người, bị gãy xương chân khá nặng và nhập viện điều trị gần 2 tháng. Sau khi xuất viện, mình vẫn chưa đi lại được ngay nên phải ở nhà nghỉ dưỡng, kết hợp tập vật lý trị liệu thêm, tổng cộng thời gian nghỉ kéo dài tới gần 9 tháng. Đợt mình bị tai nạn rơi đúng thời điểm dịch bệnh Corona bùng phát, ba mẹ ở Việt Nam không qua chăm được, chỉ có bạn bè thi thoảng chạy qua thăm hỏi động viên chút xíu, còn lại phần lớn thời gian chỉ có mình mình, công việc đang đà quen lại đột ngột bị dừng giữa chừng nên thời gian đầu mình đã rất stress. 

 Tuy vậy, lại một lần nữa mình tự an ủi bản thân phải lạc quan lên, tận dụng thời gian được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng hoàn toàn mà vẫn được lãnh đủ 100% lương (từ công ty bảo hiểm) này để phát triển bản thân, học thêm những gì trước đây muốn học mà chưa có thời gian,.. chứ cứ ủ rũ, chán nản mãi cũng chẳng giải quyết được gì. Kết quả là trong 9 tháng nghỉ dưỡng, mình đã tranh thủ học và lấy được chứng chỉ giáo dục tiếng Anh Tesol của Mỹ, chứng chỉ về chăm sóc sức khoẻ của Nhật.

 Ngoài ra, trong thời gian nghỉ làm, mình cũng nộp đơn ứng cử và phỏng vấn thử vị trí đại biểu hội đồng nhân dân người nước ngoài ở thành phố Kawasaki. Lý do mình quyết định tham gia hoạt động này là vì muốn có cơ hội tiếp xúc và hiểu nhiều hơn về các chế độ, chính sách của Nhật – những kiến thức mà người nước ngoài nào đang sinh sống và làm việc ở Nhật cũng nên nắm rõ. Tuy hội đồng chỉ họp 1 tháng 1 lần vào ngày cuối tuần, nhưng cũng là cơ hội rất quý giá giúp mình quen thêm được nhiều bạn bè, cả người Nhật lẫn người nước ngoài, ai cũng rất giỏi và hiểu biết, nên bản thân mình cũng cảm thấy được học hỏi và truyền thêm động lực rất nhiều. 

 Sau gần 9 tháng nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, và 2 tháng khởi động làm việc trở lại qua hình thức remote, cuối cùng mình cũng được quay trở lại làm việc tại công ty vào cuối tháng 10 năm ngoái. Khác với những ngày đầu mới đi làm, cứ nghĩ đến việc đi làm là lại sợ bị khách hàng mắng, bị sếp la rầy,…hiện giờ với mình mỗi ngày đi làm đều là một ngày vui, vì được học hỏi thêm nhiều điều mới, và được tiếp xúc, giao lưu với nhiều đồng nghiệp, sinh viên. Sau gần 1 năm trời phải tĩnh dưỡng ở nhà, mình thật sự cảm thấy việc được đi làm trở lại như một người bình thường là một món quà vô cùng quý giá của cuộc sống mà bản thân cần nâng niu, trân trọng. 

(Nhận quyết định của thị trưởng TP.Kawasaki làm đại biểu HDND người nước ngoài)

(Các đại hiểu HDND chụp ảnh cùng thị trưởng TP.Kawasaki)

Xem thêm:
Lời khuyên từ CEO #2: Làm việc mà không có nhiệt huyết là phí phạm cuộc đời

LỜI NHẮN

 Tổng thời gian mình sống và học tập ở Nhật cho tới nay mới được hơn 5 năm, không quá dài nhưng là quãng thời gian với rất nhiều trải nghiệm giúp mình trưởng thành hơn, biết đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống với một tâm thế lạc quan hơn và biết trân trọng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hơn. 

 Định hướng sắp tới của mình là sẽ cố gắng tích luỹ kinh nghiệm ở mảng giáo dục tại công ty hiện tại trong khoảng 2-3 năm nữa, sau đó tìm hướng học lên tiến sĩ về ngành giáo dục để có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu hơn về giảng dạy, từng bước tiến dần đến mục tiêu được đứng trên bục giảng dạy tiếng Anh ở các trường đại học, senmon ở Nhật trong tương lai. 

 Mình nghĩ ai khi mới sang Nhật hay mới đi làm ở Nhật cũng sẽ đều gặp những thử thách, trở ngại trong cuộc sống giống như mình ngày trước. Đường bằng phẳng thì ai cũng thích đi, nhưng chính khó khăn thử thách, mới tạo ra động lực để chúng ta tự vượt lên những giới hạn của bản thân để rèn luyện và trưởng thành hơn. Hy vọng các bạn sẽ có những năm tháng sinh sống và làm việc ở Nhật thật ý nghĩa và hãy luôn giữ vững tâm thế lạc quan trước mọi khó khăn nhé. 

Tokyo, tháng 4/2023

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...