CHUẨN BỊ TỪ SỚM CHO CÁC MỤC TIÊU
Mình bắt đầu học những chữ cái tiếng Nhật đầu tiên từ năm 2007 khi vào học tại Khoa Tiếng Nhật Trường Đại học Hà Nội. Vốn là người có thói quen xác định trước những mục tiêu cho bản thân từ sớm để có được sự chuẩn bị tốt nhất, ngay từ năm đầu tiên, khi biết những sinh viên khoa Nhật có kết quả học tập tốt sẽ có cơ hội được sang Nhật du học 1 năm vào năm thứ 3, mình đã lên kế hoạch học tập tiếng Nhật và các môn học cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho vòng tuyển chọn này.
Nhờ chuẩn bị tốt, mình giành được 1 suất học bổng sang Nhật vào năm 3 và có được rất nhiều trải nghiệm quý giá trong quãng thời gian 1 năm sang du học theo diện sinh viên trao đổi. Những kỷ niệm đẹp có được trong lần đầu sang Nhật đã trở thành động lực thôi thúc mình quay trở lại đây lần nữa, và mục tiêu lớn tiếp theo mà mình đặt ra cho bản thân sau khi về nước, đó là đỗ được học bổng cao học của Bộ Giáo dục Nhật Bản (MEXT).
(Lần đầu sang Nhật)
Để ứng tuyển được học bổng này, mình cần có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm tại các cơ quan nhà nước, nên vừa tốt nghiệp đại học là mình xin vào dạy tiếng Nhật tại chương trình HEDSPI của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngay. Trong thời gian dạy tại đây, mình vừa trau dồi thêm tiếng Nhật, vừa tìm hiểu các thông tin cần thiết khác cho kì thi học bổng. Một lần nữa, việc chuẩn bị và lên kế hoạch từ sớm lại giúp mình đạt được mục tiêu đề ra. Cuối năm 2013, mình thi đỗ học bổng sang Nhật học tiếp cao học của Bộ Giáo dục Nhật Bản và chính thức quay trở lại Nhật vào 4/2014.
(Thời gian dạy tiếng Nhật tại HEDSPI)
Xem thêm:
Học bổng du học đại học tại Nhật Bản
Chia sẻ của sempai: Thi cao học tại Nhật có khó không
CÂU CHUYỆN CON GÀ VÀ QUẢ TRỨNG
Quãng thời gian 3 năm học cao học (bao gồm 1 năm học nghiên cứu sinh và 2 năm học cao học) tại trường ĐH Nữ sinh Ochanomizu của mình có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ, nhưng có lẽ mình sẽ tập trung chia sẻ với mọi người nhiều hơn về khoảng thời gian sau đó, khi mình vừa ra trường, chuẩn bị sinh em bé và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới việc đi làm part-time, full-time cùng cuộc chiến tìm nhà trẻ phù hợp cho con mà mình đã trải qua, vì đây có lẽ những vấn đề mà rất nhiều bà mẹ Việt Nam đang sống ở Nhật như mình đã, đang, hoặc sẽ gặp phải.
Mình kết hôn khi đang học năm thứ 1 cao học. Trong thời gian học cao học, tuy nhận được học bổng từ chính phủ Nhật và không cần lo lắng gì nhiều về sinh hoạt phí, nhưng mình vẫn đi làm thêm công việc giảng dạy kỹ năng biên-phiên dịch tại một trường senmon ở Tokyo để tích lũy thêm kinh nghiệm. Khi mình chuẩn bị tốt nghiệp, phía trường senmon từng ngỏ ý muốn giữ mình ở lại để làm luôn theo dạng full-time. Nhưng do tính tới thời điểm đó thì hai vợ chồng mình cũng đã kết hôn được một thời gian rồi, cả 2 đã lên kế hoạch sẽ có em bé trong tầm 1 năm sau khi mình tốt nghiệp, mà nếu như vậy thì thời gian mình có thể làm chính thức tại trường trước khi nghỉ sinh khá ngắn, có con nhỏ rồi dù có gửi được nhà trẻ thì con cũng hay ốm, nghĩ cứ vài hôm lại phải nhờ đồng nghiệp dạy hộ để ở nhà trông con cũng quá phiền cho phía nhà trường, nên mình đành từ chối vì muốn ưu tiên việc có em bé hơn.
(Nhập học và tốt nghiệp thạc sĩ)
Tháng 2/2017, ngay trước khi tốt nghiệp cao học, mình có bầu và sinh em bé vào tháng 11 năm đó. Trong khoảng thời gian này, mình vừa túc tắc duy trì công việc part-time tại trường senmon cho tới sát khi sinh, vừa nhận làm thêm công việc Academic Assistant tại trường Đại học Nữ sinh Ochanomizu nơi mình vừa tốt nghiệp. Lý do mình quyết định làm thêm công việc này là vì trong trường có chỗ gửi trẻ và các nhân viên (kể cả part-time) làm việc tại trường có thể gửi con tại đây. Quận Edogawa mà mình ở khi đó tỉ lệ trẻ em chờ vào nhà trẻ rất cao, dù mình đã đi hỏi từ rất sớm khi em bé còn chưa ra đời nhưng tất cả các nhà trẻ trong quận đều đã kín chỗ từ trước đó rất lâu rồi. Nếu không cho bé đi học được, thì đừng nói tới công việc full-time, mà ngay cả việc part-time thôi mẹ cũng khó mà đi làm được, nên công việc part-time có kèm cả chỗ gửi được con thật sự là cứu cánh cho mình lúc đó.
(Con gái nhỏ chào đời)
Các chị em người Việt sống ở Nhật có lẽ ai có ý định đi làm chắc đều từng trải qua những ngày tháng đau đầu với bài toán “con gà-quả trứng” này. Không gửi con đi học được thì không thể đi làm, nhưng nếu không đi làm thì lại chẳng đủ điều kiện mà xin học cho con. Không có kinh nghiệm thì khó mà xin được 1 công việc văn phòng full-time, nhưng không ai nhận đi làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Mình cũng từng ở tình huống tương tự như vậy, và chẳng còn cách nào khác, phải tìm cách tháo gỡ dần dần từng thứ một mà thôi. Trong trường hợp của mình, mình đã gỡ nút thắt đầu tiên bằng cách làm thêm công việc part-time ở trường và hàng ngày chịu khó đưa con đi học bằng tàu, dù trường cách nhà mình khá xa. Khoản tiền lương hàng tháng mình nhận được từ công việc ở trường khi đó bằng đúng tiền gửi con, nhưng cũng phải chấp nhận và coi như một giải pháp tạm thời, là bước đệm để cho tới lúc mình tìm được phương án khác hợp lý hơn.
Quận Edogawa khó xin nhà trẻ như vậy, nên 2 vợ chồng mình bàn nhau quyết định chuyển qua một quận khác được đánh giá là thân thiện với các mẹ đi làm hơn – quận Kita. Tuy vậy, thời gian làm thêm 10 tiếng/tuần của công việc part-time ở trường khi đó không đủ thỏa mãn số giờ làm việc tối thiểu để mình có thể nộp đơn xin nhà trẻ cho con. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, mình quyết định tìm thêm 1 công việc baito khác thoả mãn 2 tiêu chí: ở gần trường Ochanomizu để tiện đưa con đi học rồi đón con về, và có số tiếng làm đủ để mình được phép đăng ký nhà trẻ cho con.
Rất may là đúng vào thời điểm đó, thì 1 tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người Việt Nam mà mình hay theo dõi bấy lâu lại đăng tin tìm người vào làm part-time 3 buổi/tuần, vừa đúng số tiếng còn thiếu cần thiết để mình đủ điều kiện xin học cho con. Sau một buổi phỏng vấn dài với 2 chị phụ trách người Việt và anh giám đốc người Nhật, mình được nhận vào làm. Đây cũng chính là nơi giúp mình nhận ra mối quan tâm của mình đối với 1 mảng công việc mới khác hoàn toàn với những công việc thiên về giáo dục tiếng Nhật mà mình từng làm trước đây, và là bước đệm để mình xin được công việc full-time hiện tại.
Xem thêm:
Cách tính tiền học phí nhà trẻ công của bé theo tiền thuế của bố mẹ
BƯỚC ĐỆM VỮNG CHẮC
Việc kết hợp làm thêm 2 công việc part-time cùng lúc giúp mình đạt đủ điều kiện số tiếng cần thiết để đăng ký xin nhà trẻ cho con. Trong lúc chờ đợi kết quả xin nhà trẻ ở quận Kita, 2 mẹ con mình vẫn ngày ngày cùng nhau tới nơi gửi trẻ ở trường Ochanomizu trên những chuyến tàu đông nghẹt người vào giờ đi làm và giờ tan tầm. Những hôm làm ở trường thì thư thả hơn, còn những hôm làm bên NPO thì 2 mẹ con phải đi sớm hơn 1 chút để mình gửi con ở trường xong còn kịp chạy tới chỗ làm. Cũng may là giai đoạn này không kéo dài quá lâu thì mình nhận được kết quả con được đỗ vào nhà trẻ gần nhà mới ở quận Kita. Vậy là mỗi ngày 2 mẹ con cũng bớt vất vả hơn 1 chút vì bé không phải cùng mẹ chen chân trên những chuyến tàu đông nghẹt người vào buổi sớm để đi nhà trẻ nữa.
Ngoài việc giúp mình đủ điều kiện đăng ký nhà trẻ cho con, công việc mới ở bên NPO cũng giúp mình học hỏi thêm được nhiều điều. Vốn trước giờ chỉ chủ yếu làm các công việc liên quan tới giáo dục tiếng Nhật, nên trước đây khi cân nhắc tìm các công việc full-time, mình cũng không có nhiều hình dung về các ngành nghề khác, không rõ mình có hứng thú hay có thể làm các công việc gì khác ngoài đi dịch hoặc giảng dạy tiếng Nhật. Bản thân công việc hỗ trợ tuyển dụng mà bên chỗ NPO đang làm, thực chất hồi đầu trước khi vào mình cũng cảm thấy không hứng thú lắm, vì thấy nó không khác gì công việc đi phát tờ rơi, cứ đi khắp các hội nhóm online để rải thông tin tuyển dụng cả. Nhưng khi làm cùng mọi người rồi mình mới thấy, những gì bản thân từng thấy trên mạng chỉ mới là 1 phần nhỏ của cả quy trình tuyển dụng có sự liên quan của rất nhiều người phía sau. Đầu tiên là các bạn phụ trách người Nhật sẽ phải làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để xác nhận nhu cầu tuyển dụng, lấy job về, sau đó các nhân viên người Việt bọn mình lại dịch tin, làm ảnh, đăng bài. Khi có người ứng tuyển lại sắp xếp luyện phỏng vấn, sửa CV, đồng hành cùng các giai đoạn tiếp theo,…Để thu hút mọi người theo dõi trang cũng như hiểu rõ hơn các kỹ năng cần thiết khi ứng tuyển công việc ở Nhật, lại cần cập nhật thường xuyên các bài viết, thông tin chia sẻ hữu ích trên các trang cộng đồng. Mỗi công đoạn trong cả quy trình tuyển dụng lại có những điểm cần chú ý riêng, mà dù mình chỉ tham gia trực tiếp vào một phần nhỏ thôi, còn lại chủ yếu là đứng ngoài quan sát, nhưng cũng học hỏi được rất nhiều điều và cảm thấy “nghề nhân sự” cũng là một hướng đi mới mà mình có thể cân nhắc trong giai đoạn tìm việc tiếp theo.
(Cùng anh chị em ở NPO chạy event)
Làm công việc part-time tại NPO được khoảng gần 1 năm thì mình bắt đầu cân nhắc tới việc đi xin việc full-time trở lại. Bé nhà mình khi đó cũng đã hơn 2 tuổi, bắt đầu cứng cáp hơn, và mình cũng đã trên 30, độ tuổi mà mình nghĩ là nếu không quyết dấn thân đi làm full-time sớm thì để lâu hơn nữa sẽ bắt đầu ngại. Thời điểm mà mình cân nhắc tới việc tìm việc là vào khoảng tháng 10/2019. Lý do là vì nhà trẻ mà bé nhà mình đang học khi đó chỉ cho gửi tới 6h tối, trong khi nếu muốn đi làm full-time thì mình bắt buộc phải tìm được một trường nào nhận trong tới ít nhất là sau 7h, tức là sẽ lại phải nộp hồ sơ xin chuyển trường cho bé. Ở Nhật thì thời điểm dễ xin vào nhà trẻ nhất thường là tháng 4, mà nếu muốn vào được thời điểm đó, thì tháng 12 là phải nộp hồ sơ rồi, tức là mình sẽ phải cân nhắc tới việc chuyển việc và có hướng đi nhất định từ tầm 1-2 tháng trước đó. Tính toán thấy các mốc thời gian cần lưu ý như vậy xong, mình bắt tay vào việc tìm việc.
Thời điểm mà mình cân nhắc tìm công việc full-time cũng đúng vào thời gian mà công ty Rikkei Japan – công ty IT mà mình đang làm hiện tại đang cần mở rộng việc tuyển dụng người Nhật nhiều hơn nên cần tuyển gấp 1 người vào phụ trách công việc tuyển dụng nhân sự trong công ty. Bạn mình khi đó đang làm việc tại đây thấy mình đang có ý định tìm việc full-time, công việc part-time đang làm ở bên NPO khi đó lại cũng có ít nhiều liên quan tới tuyển dụng nên đã động viên mình thử sức.
Kinh nghiệm liên quan tới nhân sự không có nhiều nên lúc đầu mình cũng không tự tin lắm khi ứng tuyển, nhưng sau đó nghĩ thôi cứ thử, nếu không được thì cũng coi như 1 lần luyện phỏng vấn, cọ sát cho lần sau. Tuy chưa từng đi làm full-time ở Nhật, nhưng những kinh nghiệm nhỏ tích lũy được trong gần 1 năm làm công việc văn phòng và hỗ trợ tuyển dụng ở bên NPO và ở trường Ochanomizu, cùng lý lịch từng học ở Nhật cũng giúp mình có tạo thành những mẩu chuyện nhỏ để PR bản thân với công ty tuyển dụng. Sau buổi trao đổi, phỏng vấn với giám đốc, mình chính thức nhận được nhận vào làm full-time tại Rikkei.
Thời điểm nhận mình được tin trúng tuyển vào Rikkei, bé nhà mình vẫn chưa có kết quả ở nhà trẻ mới. Rikkei làm tới 6h30 tối mới tan, phải 7h30 gần 8h tối mình mới có thể về đón con được nên khoảng thời gian chờ đợi này thật sự vô cùng hồi hộp. Để dự phòng, nhà mình cũng nhờ bà ngoại sang giúp cho 3 tháng đầu, với dự tính nếu chẳng may không đỗ nhà trẻ thì lại nhờ bà thêm 3 tháng nữa rồi có gì tính sau. Rất may là ngay trước khi mẹ chính thức đi làm, thì bé nhà mình nhận được thông báo đỗ vào nhà trẻ mới và có thể gửi được muộn nhất là 8h15 tối cũng như được gửi thêm thứ 7 khi bố mẹ đi làm. Gỡ được tảng đá to đè nặng trong lồng ngực suốt bấy lâu nay, mình háo hức sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị cho công việc full-time đang chờ đợi phía trước.
Xem thêm:
Giải mã nghề nhân sự tại Nhật: Công việc thực tế và những kỹ năng cần có
KHAI GIẢNG KHOÁ HỌC OFFLINE HỖ TRỢ KỸ NĂNG TÌM VIỆC CHO DU HỌC SINH—-> Link đăng ký: bit.ly/mpken-eduNội dung lớp học sẽ là toàn bộ những kiến thức vô cùng cần thiết cho các bạn DHS trong hành trình tìm việc ở Nhật, bao gồm:– Cách tìm thông tin tuyển dụng,– Cách viết phần PR bản thân và lý do ứng tuyển súc tích, đủ ý,– Cách để soạn một bản CV tiếng Nhật đúng chuẩn,– Cách tìm kiếm thông tin tuyển dụng và tìm hiểu, nghiên cứu công ty– Các lưu ý khi phỏng vấn với công ty tuyển dụng,Các bạn có phần thông tin đăng ký đầy đủ, phù hợp sẽ được trao tặng học bổng từ Quỹ KHM để tham gia lớp học mà không mất học phí.Các bạn du học sinh dự kiến tốt nghiệp 9/2023 hoặc 3/2024 mau nhanh tay đăng ký tham gia để nhận được 1 suất học bổng tham gia khoá học cực hữu ích này của MPKEN nhé.=================THÔNG TIN LỚP HỌC:– Link đăng ký: bit.ly/mpken-edu– Thời gian: 9h30 ~ 11h30 sáng Chủ Nhật các ngày 19/2, 26/2, 5/3 và 12/3.– Địa điểm: Học trực tiếp tại hội trường gần ga Hanzomon (cách ga khoảng hơn 10p đi bộ).– Đối tượng: Các bạn DHS tốt nghiệp 9/2023 hoặc 3/2024, có trình độ tiếng Nhật N3 trở lên (vì giảng viên là người Nhật).
NHỮNG THỬ THÁCH MỚI
Đang quen làm part-time tới 5h là đi về đón con suốt mấy năm, nên khi chuẩn bị bắt đầu công việc full-time mới kéo dài tới tận 6h30 và thậm chí khi cần có thể sẽ phải ở lại, mình cũng có đôi chút lăn tăn, lo lắng. Lo không biết bản thân có chu toàn cả việc công ty lẫn việc nhà không, con về muộn thế không biết có buồn, có vất vả không. Nhưng đã đâm lao rồi phải theo lao, dù sao bà ngoại cũng sang giúp được cho 3 tháng đầu nên mình quyết định vừa làm, vừa thu xếp ổn định mọi thứ dần dần. Tuy nhiên, mọi thứ lại đi theo một hướng hoàn toàn khác so với dự kiến bao đầu của mình.
Vừa vào công ty và trải nghiệm cảm giác tất bật vì công việc được chưa đầy 1 tháng thì Covid-19 ập đến, chính phủ Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp. Rất nhiều các công ty, trong đó có công ty mình chuyển gần như hoàn toàn sang chế độ làm việc tại nhà, mọi người không tập trung đông trên công ty nữa mà chỉ thay phiên từng nhóm nhỏ lên văn phòng. Đương nhiên là các buổi giao lưu lớn, các buổi meeting với anh em trong toàn công ty- một trong những thứ từng làm mình ấn tượng nhất về văn hóa làm việc tại công ty cũng tạm thời dừng việc tổ chức.
Khối lượng công việc của bộ phận nhân sự cũng giảm sút đáng kể. Thời điểm đó, tình hình lây nhiễm, bùng dịch ở Nhật khá nghiêm trọng nên hầu như không có ai muốn sang, nhiều bạn đang làm việc tại Nhật còn có nguyện vọng muốn về nên việc tuyển người từ Việt Nam sang gần như dậm chân tại chỗ. Tình hình lây nhiễm khó dự đoán ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, các công ty khách hàng đều ít nhiều không chắc chắn về việc là liệu dự án đang làm có triển khai đúng như kế hoạch không nên cũng dè chừng việc nhận người hơn. Công ty mình vì thế cũng phải thận trọng hơn khi tuyển người, các sếp yêu cầu cao hơn, cân nhắc kỹ hơn. Bản thân các bạn ứng viên cũng rón rén hơn, ngại chuyển việc hơn trong thời kỳ mà mọi thứ đều đang bất ổn.
THAM KHẢO JOB IT HIỆN CÓ TẠI MPKENhttps://www.mpkenhr.jp/jobs/j0902
– KS phát triển hệ thống điều khiển tự động:
https://www.mpkenhr.jp/jobs/j0875
– Kỹ sư PHP dự án hệ thống tài chính :
https://www.mpkenhr.jp/jobs/j0832
Nhu cầu tuyển dụng ít hẳn đi nên lượng công việc mình cần làm trong ngày cũng giảm xuống rất nhiều. Công việc không dồn dập nữa, lại được làm tại nhà nên mình không quá vất vả để thu xếp cân bằng việc nhà và việc công ty. Ngược lại, việc quá nhàn nhã trong giờ làm lại làm mình cảm thấy vô cùng áy náy với công ty.
Nghĩ thấy nếu cứ để tình trạng cả ngày ngồi chơi không chờ việc kéo dài suốt như vậy cũng không ổn, mình và bạn cùng bộ phận nhân sự quyết định tự nghĩ ra việc để làm và đề xuất với sếp. Chúng mình lên kế hoạch tổ chức các seminar online chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nhật, trải nghiệm của bản thân để anh em tuy không gặp mặt được trực tiếp như trước có thêm cơ hội giao lưu, trò chuyện với đồng nghiệp. Rồi sau đó là tìm hiểu các thông tin liên quan tới chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp.
Nhờ tổ chức các hoạt động này mà mình có cơ hội giao lưu và được biết nhiều hơn mọi người ở trong công ty, không chỉ là các anh chị em ở khu vực Kanto mà còn kết nối được với nhiều nhân viên của công ty ở các vùng miền. Các hoạt động này sau đó đã giúp mình thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tuyển dụng, cũng như đã có những mối liên hệ nhất định với những anh chị em nhiệt tình để hỗ trợ tổ chức hoạt động trong công ty sau khi Covid qua đi, hoạt động tuyển dụng và các sự kiện định kỳ dần quay trở lại.
(Du lịch cùng công ty)
Sau gần 3 năm vào công ty với rất nhiều biến động không lường trước được do Covid, hiện công việc và các hoạt động tuyển dụng của bên mình cũng đã dần khôi phục trở lại. Các chị em ở phòng nhân sự lại ngày ngày tất bật với việc đăng các bài tuyển dụng, giới thiệu về công ty trên các nền tảng, lọc hồ sơ ứng viên và sắp xếp phỏng vấn,..Khối lượng công việc nhiều và khó hơn so với những ngày đầu, nhưng mình lại có dịp gặp gỡ trực tiếp nhiều anh chị em đồng nghiệp hơn, có cơ hội thử sức với những thứ mới mẻ hơn.
Với mình hiện nay, dù công việc full-time thời gian dành cho con buổi tối ít, nhưng bù lại là có nhiều ngày nghỉ phép hơn khi làm part-time, cũng như công ty vẫn tạo điều kiện remote nên mình có thể linh hoạt làm ở nhà một phần, đón con rồi về làm việc tiếp,… mình thấy những gì đã đi qua đều có giá trị và phù hợp với những gì mình mong muốn.
Xem thêm:
LỜI NHẮN
Các chị em người Việt ở Nhật sẽ khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều khi gặp quá nhiều rào cản, bài toán “con gà – quả trứng” về việc sinh con, nuôi dạy con song song với việc đi làm. Không có lựa chọn đúng – sai cho việc ở nhà chăm con hay đi làm, và mình nghĩ lựa chọn nào cũng đều có điểm tuyệt vời cũng như những thứ phải đánh đổi chứ không thể toàn vẹn mọi thứ. Nếu bạn thấy bản thân muốn đi làm thì cứ thử, và chuẩn bị hết sức trong khả năng có thể, còn những việc ngoài khả năng kiểm soát của bản thân thì đừng quá lo lắng, vì chỉ cần bạn cố gắng thì mọi thứ đều sẽ có cách giải quyết. Thậm chí nếu không giải quyết được thì bạn cũng thấy rất thoải mái để dừng lại khi biết mình đã cố gắng đủ.
Mình đã từng có những ngày đưa con đi học trên tàu điện đông nghẹt buổi sáng, khi mọi người chèn ép nhau để có thể lên cố được tàu, với nỗi lo con bị đau khi mọi người xô đẩy, máy vắt sữa luôn mang theo đến trường để tranh thủ vì con đi học khi vẫn đang uống sữa mẹ, cũng như những buổi chiều đưa con về luôn là một túi bánh mỳ nhỏ để con ăn cho đỡ đói. Cả mẹ và con đều vất vả nhưng tiền đi làm của mẹ chỉ đủ tiền đi học của con. Cũng như sau này đi làm hai nơi để đủ điều kiện xin nhà trẻ thì thời gian di chuyển cũng nhiều hơn, dù làm part-time nhưng một tuần 5 buổi, và khi về tới nhà thì gần như trời đã tối mịt. Nhiều khi vất vả quá, mình cũng ngồi nghĩ “giá như” để quay lại quá khứ, “giá như” học tiếp lên tiến sỹ với mức học bổng MEXT thì cuộc sống thoải mái hơn nhiều, “giá như” cứ nhận lời vào làm toàn thời gian ở trường Senmon đã dạy, ổn định rồi mới con cái,… Nhưng cuộc sống là không quay trở lại được, và nếu tập trung vào quá khứ thì sẽ mãi dừng lại tại đó. Bạn hãy lựa chọn điều mình thực sự muốn hướng đến, và chấp nhận những giai đoạn vất vả, rồi chắc chắn những điều tốt đẹp sẽ đến.
Mình xin gửi lời chúc tới các chị em, đang băn khoăn tìm lối đi cho mình, giữa rất nhiều khó khăn và rào cản của xã hội, sẽ luôn có động lực để cố gắng và tìm kiếm con đường thực sự phù hợp với bạn. Mình tin mọi sự nỗ lực luôn được đền đáp, và chỉ cần bạn cố gắng thì không có trải nghiệm nào là lãng phí.
Tokyo, tháng 1/2023
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận