Voice of Asean sempai (Vol 92)

MỐI DUYÊN CHA TRUYỀN CON NỐI VỚI NHẬT BẢN

Khác với nhiều người, mối duyên của mình và nước Nhật đến từ khá sớm, khi mình mới chỉ là một cô bé 5 tuổi. Hồi đó, bố mẹ mình được học bổng du học tiến sĩ tại một trường Đại Học Ehime, nên mình và chị gái cũng đi theo bố mẹ sang Nhật sinh sống và học tập. Mình ở đây tới hết năm học lớp 3 thì cùng bố mẹ về nước, còn chị gái khi đó đã 15 tuổi, vừa đúng tuổi lên cấp 3 nên chị ở lại để học tiếp lên tới hết Đại Học.

Nhờ có lợi thế về tiếng Nhật khi đã biết đọc, biết viết ở tuổi đó nên sau khi về nước, mình không đi học ở 1 trung tâm ngoại ngữ nào mà vẫn túc tắc tự học để duy trì vốn tiếng Nhật. Chị gái mình vẫn ở Nhật nên thi thoảng có dịp lại gửi sách giáo khoa và truyện tranh tiếng Nhật về cho mình. Mình cũng thích chơi game của Nhật, mà muốn đi đến các bàn kế tiếp, lên được các level cao thì bắt buộc phải hiểu tiếng Nhật, nên mình cứ vừa tra từ mới vừa chơi, vốn từ cũng nhờ thế mà lên kha khá.

Tự học tiếng Nhật tới hết mấy năm cấp 2 thì tới cấp 3 mình thi đỗ và vào học lớp chuyên tiếng Nhật của trường Chu Văn An. Tính mình rất thích giao lưu, kết bạn nên bắt đầu thử tìm kiếm những câu lạc bộ tiếng Nhật trong thành phố để tăng cơ hội được tiếp xúc và sử dụng tiếng Nhật. Khi biết ở trường ĐH Ngoại Thương có câu lạc bộ VJSC chuyên tổ chức các hoạt động giao lưu liên quan tới Nhật Bản với thành viên là các anh chị sinh viên đang theo học tại khoa tiếng Nhật của các trường đại học tại Hà Nội, mình đã mạnh dạn liên lạc xin tham gia sinh hoạt cùng và được các anh chị đặc cách đồng ý dù vẫn chưa phải là SV đại học.

VJSC có rất nhiều hoạt động rất thú vị, trong đó phải kể tới chương trình giao lưu cùng các bạn sinh viên Nhật hiện đang học ở các trường ĐH tại Tokyo vào tháng 8 hàng năm. Cứ mỗi dịp các bạn sang giao lưu là tụi mình lại có gần cả tuần được trò chuyện, hoạt động cùng nhau qua các buổi giao lưu, homestay tại nhà các thành viên,… Nghe các bạn chia sẻ về cuộc sống của các sinh viên đại học ở Nhật, mình thấy rất vui và lâu dần bắt đầu nhen nhóm trong tim ý muốn được quay trở lại Nhật một lần nữa để trải nghiệm thêm và so sánh những cảm nhận về nước Nhật của bản thân khi đã trưởng thành và khi còn bé khác nhau như thế nào.

Nghĩ là làm, mình bắt đầu đi đến các hội chợ du học và tìm hiểu về thông tin của rất nhiều trường Đại học ở Nhật để xem nếu đi thì trường nào sẽ phù hợp. Trong số các trường đã tìm hiểu, mình đặc biệt có hứng thú vào trường Đại học Meiji (Tokyo) vì 2 lý do. Lý do thứ nhất là do trường có khoa quan hệ quốc tế, học về rất nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả xã hội học, kinh tế học nên rất hợp với phong cách thích học rộng nhưng không quá sâu vào 1 vấn đề nào đó của mình. Lý do thứ 2 thì hơi tuổi teen một tí, nhưng mà cũng rất quan trọng, đấy là do trường Đại học Meiji chính là trường mà anh Yamashita Tomohisa – idol của mình đang theo học.

Tuy vậy, khi mình trao đổi với bố mẹ về ý muốn đi Nhật du học, bố mẹ chưa đồng ý ngay vì cho rằng tiền học cũng như sinh hoạt phí ở Nhật rất đắt đỏ, không phù hợp để đi du học tự túc. Vậy nên để đảm bảo việc học của bản thân không bị gián đoạn, bố mẹ đề nghị mình vẫn thi Đại học ở Việt Nam như bình thường và vào học tại đây cho tới khi nào tìm được học bổng thích hợp để sang Nhật du học tự túc.

Nghe theo lời khuyên của bố mẹ, mình một mặt vẫn chăm chỉ ôn luyện để thi vào trường Đại học Ngoại Thương, nhưng song song với đó vẫn tìm kiếm các cơ hội học bổng du học Nhật. Mình nhận được tin thi đỗ học bổng của Lawson cũng gần như cùng thời điểm với thông báo trúng tuyển vào đại học.

Điều kiện để nhận học bổng Lawson là sau khi sang tới Nhật, mình phải đi làm thêm tại các combini thuộc hệ thống quản lý của Lawson và phải thi đỗ vào một trường đại học ở Tokyo (nhưng học bổng sẽ được cấp từ lúc học dự bị để thi vào đại học). Những năm trước, học bổng Lawson thường chỉ hỗ trợ 3 man/tháng cho du học sinh, nhưng có lẽ do số tiền 3 man quá ít so với chi phí du học tự túc ở Nhật nên các bạn sinh viên không mấy mặn mà nữa. Có thể đó chính là lý do mà đúng vào năm mình thi thì Lawson lại quyết định tăng số tiền học bổng hàng tháng lên tới tận 13 man, và với mức học bổng này cộng với công việc và kí túc xá cho sinh viên được Lawson sắp xếp cho sau khi sang, mình đã thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho sang Nhật du học.

NUÔI NẤNG ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH NGƯỜI XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

Sau vài tháng chuẩn bị và chờ visa, tháng 10/2010, mình chính thức quay trở lại Nhật Bản và nhập học tại Trường tiếng Nhật Shinjuku. Vì đã có sẵn vốn tiếng Nhật từ trước, lại từng có thời gian sinh sống ở Nhật, người quen của bố mẹ mình khi còn ở tỉnh Ehime cũng hay quan tâm giúp đỡ, nên mình bắt nhịp được khá nhanh với cuộc sống mới ở Tokyo. Trong khoảng thời gian 6 tháng học tại trường tiếng, do không mất thời gian để học lại tiếng Nhật, nên mình tận dụng phần lớn thời gian để ôn thi và tham gia vào các lớp luyện thi của trường. Sau vài tháng chăm chỉ ôn luyện, mình thi đỗ và chính thức vào học tại ĐH Meiji từ tháng 4/2011, đúng 1 tháng sau khi xảy ra trận động đất lịch sử làm rung chuyển cả vùng Đông Bắc Nhật Bản. 

Giữa năm thứ 1, khi việc học ở trường đã dần quen, mình đăng ký đi làm tình nguyện viên hỗ trợ người dân và chính quyền tỉnh Miyagi dọn dẹp mảnh vỡ của các toà nhà bị huỷ hoại sau thảm hoạ cũng như các công việc giúp tái thiết thành phố như làm ruộng.

Vốn ban đầu mình chỉ định đi để đóng góp sức mình cho cộng đồng và có thêm trải nghiệm cho bản thân, nhưng không ngờ chuyến đi này lại chính là dấu mốc đầu tiên đưa mình tới gần hơn với công việc mà mình làm sau này. Trong thời gian đi làm tình nguyện, leader của câu lạc bộ trong một lần đi ra ngoài có việc đã lái xe đi và suýt chút nữa thì đâm phải 2 em bé nhỏ đang chơi bóng ngay giữa lòng đường. Sau khi xuống xe và hỏi chuyện 2 bé, anh mới biết là do công viên đã bị phá hoại hết sau thảm hoạ động đất sóng thần hồi tháng 3, nên giờ các em chẳng có chỗ nào khác để chơi cả.

Sau khi biết sự tình, nhóm mình đã tìm đến sự giúp đỡ của toà thị chính thành phố Minami Sanrikucho thuộc tỉnh Miyagi, trình bày mong muốn được góp công, góp sức xây dựng một công viên nhỏ để người dân quanh khu có nơi để giao lưu, vui chơi, trò chuyện. Thành phố cho tụi  mình sử dụng một mảnh đất trống để làm công viên, nhưng toàn bộ các khâu khác, từ việc lên kế hoạch xây dựng, kêu gọi tài trợ, tới chuẩn bị nguyên vật liệu, thi công,…nhóm bọn mình sẽ phải đứng ra làm người thực hiện chính. 

Đối với nhóm sinh viên chưa hề có kinh nghiệm xây dựng công viên hay quy hoạch đô thị như nhóm bọn mình thì đây quả thực là một thử thách lớn. Nhưng với mong muốn cháy bỏng được đem tới cho người dân ở khu vực quanh đó một nơi để giao lưu và vui chơi đúng nghĩa, bọn mình đã cố gắng rất nhiều. Kết quả sau vài tháng, nhờ sự hỗ trợ về máy móc thiết bị của thành phố, vốn quyên góp từ các doanh nghiệp và sự phối hợp giúp đỡ của người dân xung quanh, bọn mình đã hoàn thành xong việc xây dựng cho cộng đồng cư dân quanh đó 1 công viên nhỏ với những bồn hoa xinh xinh, bàn và ghế gỗ để ngồi trò chuyện và khu chơi cát cho các em bé nhỏ. Nhìn gương mặt vui vẻ, hoan hỉ của người dân xung quanh khi lại có một nơi để giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, mình thấy rất xúc động và cảm thấy công việc xây dựng lên những địa điểm làm chỗ dựa tinh thầnh cho người dân thật ý nghĩa biết bao. Đây chính là sự kiện đánh dấu thời điểm mình bắt đầu có quan tâm và hứng thú tới công việc quy hoạch đô thị – công việc mà mình đã gắn bó suốt mấy năm về sau ở tập đoàn Tokyu.

CUỘC GẶP GỠ KHỞI ĐẦU CHO MỐI DUYÊN CÙNG TOKYU 

Vốn tính thích giao lưu và tham gia các hoạt động nên lên tới năm thứ 3 đại học, mình xin gia nhập VYSA (Hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật) và phụ trách các công việc trong ban đối ngoại. Mỗi năm 1 lần, VYSA lại tổ chức một buổi tổng kết hoạt động và mời các công ty lớn, các nhà tài trợ tới để gặp gỡ, tri ân.

Vào năm 2014, mình là phó ban đối ngoại và được giao đảm nhiệm vai trò MC của chương trình nên có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với đại diện của khá nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có bác phó phòng nhân sự của tập đoàn Tokyu là công ty đang cân nhắc tài trợ cho VYSA. Khi được bác hỏi về công việc mà bản thân muốn làm trong tương lai, mình rất say sưa kể lại câu chuyện ở tỉnh Miyagi và mối quan tâm của bản thân với công việc quy hoạch xây dựng đô thị. Trùng hợp thế nào mà đây lại chính là 1 trong những lĩnh vực then chốt của tập đoàn Tokyu, thế là mình được bác mời đến dự buổi phỏng vấn để đi thực tập tại tập đoàn ngay ngày hôm đó.

Tokyu là tập đoàn chuyên về phát triển các tuyến đường sắt và xây dựng đô thị. Khác với các công ty bất động sản khác chỉ chủ yếu tập trung lo khâu xây dựng, Tokyu rất chú trọng tới việc phát triển cộng đồng ở các khu vực dân cư men theo các tuyến đường sắt của họ. Tokyu thường xuyên tổ chức rất nhiều hoạt động để xây dựng, phát triển và quảng bá về các cộng đồng dân cư này, và trong suốt khoảng thời gian thực tập tại Tokyu, mình đã phụ trách làm mới lại trang web giới thiệu về dự án cũng như được tận mắt chứng kiến nhân viên công ty đồ mồ hôi công sức cho việc điều phối giữa các bên liên quan để thực hiện sự kiện xây dựng cộng đồng ở Shibuya. Qua mỗi hoạt động được tham gia, mình lại càng cảm nhận được rõ hơn niềm vui của việc cộng đồng phát triển qua khu đất, toà nhà mình xây dựng và thấy đây chính xác là công việc mà mình thật sự muốn làm.

Tuy vậy, do thấy bản thân nên có thêm trải nghiệm và kiến thức trước khi chính thức lựa chọn công việc mà mình sẽ làm, nên sau khi tốt nghiệp ĐH Meiji, mình không đi tìm việc luôn mà quyết định thi lên tiếp cao học. Trải qua quãng thời gian ôn luyện khá căng thẳng, mình đỗ vào cao học ngành Quan hệ Quốc tế tại ĐH Tokyo. Giáo sư hướng dẫn mình có hai phòng lab, một phòng nghiên cứu vễ kỹ thuật xây dựng có sức ứng phó với thiên tai, một phòng nghiên cứu về cách xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia, chính quyền và người dân là nơi mình trực thuộc. Ngoài các nghiên cứu liên quan tới ngành QHQT và xây dựng sự đồng thuận này, thầy đã khuyên mình nên tham gia một studio riêng nghiên cứu các dự án liên quan tới tái thiết các thành phố sau thiên tai, có sự tham gia của sinh viên phòng lab khác của thầy cũng như sinh viên ngành Kiến trúc và ngành Xây dựng, rất hợp với những gì mà mình đang muốn tìm hiểu thêm.

Trong khoảng thời gian 2 năm ở cao học, mình cũng tăng cường đăng ký đi thực tập ở nhiều nơi để mở mang thêm tầm mắt. Mình từng đi theo chương trình thực tập của JICA để về huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) tham gia vào dự án xây dựng cộng đồng có sức phòng chống và đối phó với thiên tai tại đây. Ngoài ra, mình cũng thực tập ở Mitsui Fudousan – 1 tập đoàn bất động sản lớn khác của Nhật để hiểu thêm về văn hoá làm việc ở các công ty bất động sản khác ngoài Tokyu và học về cách xây dựng Nihon Bashi, khu vực trọng điểm về kinh tế trong Tokyo.

Tuy vậy, có lẽ do mối duyên với Tokyu quá lớn (sau khi vào cao học, mình thi đỗ học bổng của Tokyu nên dù không thực tập ở đây nữa nhưng vẫn thường xuyên tham gia vào các hoạt động giới thiệu về các dự án mới của Tokyu cũng như hơn 200 công ty con của họ vì là một phần chương trình của quỹ học bổng), nên sau khi ra trường, dù cũng nhận được naitei của 1 vài công ty khác, mình vẫn quyết định chọn vào làm việc tại Tokyu.

NĂM ĐẦU VẤT VẢ NHƯNG NHIỀU TRẢI NGHIỆM 

Tokyu hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng đường sắt, tới trung tâm mua sắm, chung cư, bệnh viện,..tóm lại là phát triển và xây dựng đô thị quanh các nơi mà tuyến đường sắt của Tokyu đi qua. Ngoài ra, công ty cũng triển khai nhiều dự án ở nước ngoài, trong đó có cả ở Việt Nam nữa.

Hồi mới vào, mình cũng định xin vào bộ phận quản lý dự án ở Bình Dương ngay vì nghĩ như vậy sẽ tận dụng được thế mạnh là người Việt của bản thân. Nhưng sau khi trao đổi với với phòng nhân sự, mình nhận thấy nếu chưa có kinh nghiệm đi làm ở Nhật nhưng lại đảm nhận công việc đua hình mẫu phát triển thành phố của Nhật về Bình Dương thì sẽ không hiệu quả, nên mình quyết định xin làm dự án tại Shibuya .

Theo quy định của công ty, toàn bộ nhân viên mới trong 1 năm đầu sẽ phải làm việc khoảng 6 tháng ở một trong các công ty con của Tokyu, 6 tháng còn lại thì tiếp tục làm việc tại các ga tàu điện của tập đoàn. Mục đích của 1 năm này là để nhân viên hiểu rõ về quy trình vận hành ngành then chốt của công ty là đường sắt, có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng và xây dựng mối quan hệ với nhiều bộ phận, công ty con của tập đoàn. Tất cả những yếu tố này đều rất quan trọng để  nhân viên rèn luyện khả năng hài hòa giữa các bên liên quan và xây dựng thành phố đúng với nhu cầu của người tiêu dùng.

Khoảng thời gian 6 tháng làm ở ga tàu điện, mình phải làm tất cả các công việc mà 1 nhân viên nhà ga hay phải làm, như phất cờ ra hiệu đóng mở cửa tàu điện, ủn khách lên tàu vào giờ cao điểm, lau dọn nhà vệ sinh ở ga, nấu ăn, trải ga đệm cho các nhân viên khác trực đêm, giải quyết các vấn đề liên quan tới vé tàu mà hành khách gặp phải,…Nhiều hôm gặp phải khách khó tính, vừa nhìn thấy bảng tên gắn trên áo và biết mình là người nước ngoài họ đã từ chối nói chuyện luôn, nói chỉ muốn nói chuyện với người Nhật làm mình thấy tủi thân vô cùng. Lắm lúc đi chơi với bạn bè cùng trường đại học hay cao học, thấy các bạn được phụ trách dự án nước này nước kia mà mình vẫn chẳng có gì trên tay lại thấy xấu hổ. Tuy vậy, quãng thời gian 1 năm khá vất vả này cũng giúp rèn luyện cho mình 1 tinh thần thép hơn, để sau này mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, mình lại tự động viên bản thân là ngày đó vất vả thế mình còn vượt qua được thì mấy khó khăn này liệu có là gì. 

VAI TRÒ CỦA ĐIỀU PHỐI VIÊN – LÀM DÂU TRĂM HỌ, DỌN ĐƯỜNG CHO CẢ CÔNG TY

Sau 1 năm trải nghiệm công việc tại công ty con và ga đường sắt, mình trở lại trụ sở chính của công ty và được phân vào dự án quy hoạch đô thị của khu vực Shibuya. Các sinh viên mới tốt nghiệp ai nghe tới tên dự án này thì đều rất thích, vì hình ảnh “Shibuya” vốn đã quá lung linh rồi mà. Nhưng thực tế vào làm rồi mình mới biết, là các nhân viên lâu năm ở công ty đều rất “sợ” bị điều vào bộ phận này vì khối lượng công việc và độ khó nhằn của dự án này.

Shibuya là đô thị mà tập đoàn đã xây dựng từ những năm 1920, mối quan hệ giữa tập đoàn Tokyu với người dân nơi đây khá là khăng khít nên các hoạt động để phát triển và duy trì mối quan hệ với cộng đồng dân cư quanh các công trình mà Tokyu xây dựng cũng phải tổ chức thường xuyên hơn. Và chính vì là khu đô thị đã phát triển từ lâu, nên khi chuẩn bị bắt tay vào 1 dự án mới, việc đàm phán, trao đổi các vấn đề liên quan tới quy hoạch đô thị với chính quyền quận và thành phố cũng phức tạp hơn, mọi người đặt rất nhiều kì vọng vào công ty

Công việc của mình tại đây bao gồm rất nhiều mảng, như phụ trách PR cho các dự án mà Tokyu đang xây dựng ở Shibuya, đàm phán với chính quyền thành phố Tokyo và quận Shibuya để xin cấp phép sửa đổi các điều luật liên quan tới xây dựng đô thị giúp các dự án sắp triển khai của tập đoàn được thuận lợi hơn.

Các dự án xây dựng quanh khu vực Shibuya thường liên quan tới rất nhiều bên, như chính quyền quận Shibuya, chính quyền thành phố Tokyo, các công ty đường sắt khác có ga ở Shibuya, Bộ Xây Dựng- Đất đai và Môi Trường,.. Mỗi bên khi tham gia vào dự án đều có mục tiêu chung là làm cho thành phố phát triển tốt hơn, nhưng bên nào cũng có cách làm và chủ trương riêng. Vì vậy, trước mỗi cuộc họp chung, mình và các đồng nghiệp ở Tokyu đều phải đi gặp riêng từng bên để đàm phán, hiểu rõ sự tình của bên liên quan mà chỉ khi nói chuyện riêng họ mới dám nói và tìm cách giải quyết sao cho cả tập thể có thể tìm được tiếng nói chung (tiếng Nhật gọi là Nemawashi) tốn rất nhiều thời gian (nhiều khi để đưa ra một quyết định thì phải đàm phán riêng với hơn 20 bên liên quan) mà nhiều khi kết quả cuối cùng cũng chỉ phản ánh được khoảng 20-30% những dự định mà công ty thực sự muốn làm. 

Quá trình phụ trách công việc điều phối dự án ở Shibuya tuy rất vất vả, số giờ tăng ca nhiều không đếm hết được, nhưng qua đó mình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Mình nhớ sếp mình từng dạy, là khi làm công việc điều phối thì đừng quá để ý đến cái tôi của bản thân hay chính công ty, phải biết trong một loạt những điều cần đàm phán kia, cái gì mình có thể nhường, cái gì không thể nhường được. Nhiều khi trong 10 điều, mình thua tới 9 điều nhỏ nhưng thắng được 1 điều lớn  cũng sẽ dẫn đến lợi ích về lâu về dài cho cả tập đoàn, mình không chỉ đóng vai trò điều phối cho dự án ở quanh ga Shibuya mà còn là người dẹp đường cho các nhóm dự án khác làm việc với các bên liên quan được thuận lợi hơn về sau này. Dĩ nhiên được cả vào thời điểm đàm phán thì là tốt nhất, nhưng khi điều phối việc gì cũng phải nghĩ đến hình tượng thành phố mà công ty muốn hướng đến trong vòng 10 năm hay 100 năm sau. Đôi khi mình thua bây giờ, nhưng sau này khi nhìn lại bàn cờ, có khi nước đi đó lại giúp cho công ty “chiến thắng” về lâu về dài. 

 

CÂN BẰNG GIỮA CÔNG VIỆC & GIA ĐÌNH

Sau hơn 4 năm làm công việc điều phối dự án ở khu vực Shibuya, tháng 10/2021, mình được công ty điều sang phụ trách dự án tái xây dựng khu vực Miyamasuzaka của thành phố Shibuya, đây là dự án đang đệ trình lên Thủ tướng và Nội các Nhật Bản xin công nhận là dự án cấp quốc gia. Tuy vậy, mới bắt tay vào làm được hơn 7 tháng thì chồng mình nhận được quyết định của công ty cử sang Anh du học. 

Dù ở lại Nhật sẽ có cơ hội thăng tiến hơn trong công việc, nhưng vì nghĩ đã là gia đình thì chồng ở đâu vợ cũng nên ở cùng đó, và thực hành theo kinh nghiệm “thua bây giờ nhưng thắng về sau” khi đi làm dự án xây dựng Shibuya, nên mình quyết định tạm dừng công việc tại Tokyu trong 2 năm để sang Anh cùng chồng, cũng coi như đó là một trải nghiệm mới. 

Hiện mình cũng vừa mới sang Anh được khoảng hơn 4 tháng thôi. Mình dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi sau 4 năm làm việc vất vả, chuyên tâm làm công việc nội trợ, nấu các bữa ăn thuần Nhật cho ông xã và tranh thủ học thêm những kỹ năng, kiến thức mà mình hứng thú. 

Hiện mình có đang tranh thủ học online một khoá luyện thi chứng chỉ phiên dịch y tế Nhật- Việt để vừa trang bị cho mình thêm kiến thức y tế, vừa chuẩn bị sẵn cho mình thêm 1 kỹ năng để sau này có thêm nhiều lựa chọn công việc khi cần.

Ngoài ra mình cũng tranh thủ thời gian ở Anh để đăng ký học một khoá học có kèm workshop của University College London về xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng khi phát triển đô thị ở đây. Anh là nước rất phát triển về xây dựng đô thị, người Nhật cũng học hỏi rất nhiều các kinh nghiệm quy hoạch và phát triển đô thị từ quốc gia nên mình cũng muốn được tham gia để học hỏi thêm, biết đâu có thể áp dụng được điều gì đó khi về Nhật.

LỜI NHẮN

Cuộc sống quá ngắn ngủi để sống theo thói quen, hãy sống bằng trải nghiệm. Khi bạn sống với những gì bạn đã biết rõ, những lựa chọn quen thuộc sẽ khiến bạn thấy rất yên bình, nhưng nó sẽ chôn vùi khả năng tiềm ẩn của bạn và bó hẹp tương lai của bạn. Vì vậy, bạn đừng chần chừ thử sức với những điều mới, những mảnh đất mới. Những trải nghiệm của bạn thoạt nhìn sẽ không có ích ngay tức thì hay không có mối liên kết với nhau, nhưng chúng sẽ được tích tụ lại trong kho tàng kiến thức của bạn và biết đâu đó, một ngày kia chúng sẽ kết nối thành một đường thẳng dẫn bạn đến với thành công.

London, 12/2022.

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...