TIẾNG NHẬT VÀ CÚ SHOCK ĐẦU TIÊN
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình thi đỗ vào trường ĐH Ngoại Thương và quyết định chọn học tiếng Nhật, một phần vì hồi đó tiếng Nhật cực kì hot ở Việt Nam, phần nữa là vì muốn trang bị thêm cho bản thân 1 ngoại ngữ nữa ngoài tiếng Anh.
Vừa chân ướt chân ráo vào trường được 1 thời gian, mình liền đăng ký ngay để tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ tiếng Nhật của trường. Thời cấp 3, trường mình học hầu như không có một hoạt động ngoại khoá nào cho học sinh, nên khi vào đại học, thấy có câu lạc bộ vừa giúp tạo network với các anh chị, bạn bè cùng khoa, vừa có cơ hội trau dồi thêm ngoại ngữ, mình xông xáo tham gia ngay. Việc tham gia vào các hoạt động ngoại khoá của CLB ngoài việc giúp mình học thêm được nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tổ chức các sự kiện lớn nhỏ, còn giúp mình có có cơ hội biết thêm nhiều anh chị sempai từng có cơ hội đi Nhật. Càng nghe những chia sẻ của anh chị về những trải nghiệm thú vị mà mọi người có ở Nhật, ý muốn được đi Nhật du học để trải nghiệm của mình lại càng bùng lên mạnh mẽ. Vậy là mình quyết định đặt mục tiêu sẽ giành được học bổng quốc phí để sang Nhật du học.
Đối với các sinh viên tiếng Nhật như bọn mình thời đó, thì học bổng MEXT do đại sứ quán (viết tắt: ĐSQ) Nhật Bản tại Việt Nam tiến cử là học bổng quốc phí có tiếng nhất, nên mình đặt mục tiêu sẽ cố hết sức để dành được 1 suất đi theo học bổng này. Để được trường tiến cử lên Đại sứ quán, mình cần phải lọt vào top một vài bạn sinh viên có điểm tổng kết các môn cũng như trình độ tiếng Nhật nổi bật ở khoa. Vậy là mục tiêu lớn là đi Nhật du học của mình, được cụ thể hoá thành các mục tiêu nhỏ hơn, đó là giành được thành tích thật tốt trong các môn thi tại trường vào năm 2, và lấy được chứng chỉ N2 ngay trước thời điểm xét tuyển. Những nỗ lực “cày bừa” sau nhiều tháng ròng cuối cùng cũng được đền đáp, hết năm thứ 2, mình là một trong số ít các sinh viên trong khối thi đỗ chứng chỉ N2. Cộng thêm điểm trung bình tổng kết các môn khá tốt, mình đã lọt được vào danh sách 1 trong 3 người được trường tiến cử lên ĐSQ. Sau đó, mình tiếp tục trở thành sinh viên duy nhất của trường Ngoại Thương năm đó lọt qua được vòng thi tuyển chọn của ĐSQ và được ĐSQ tiến cử sang trường tại Nhật.
Trước giờ hầu hết mọi người nếu đã lọt qua được tới vòng này rồi thì đều được trường bên Nhật chấp nhận, nên dù vẫn có một chút lo lắng, không tự tin lắm vào hồ sơ của bản thân, nhưng được các thầy cô động viên nên mình cũng tự an ủi chắc mọi chuyện sẽ ổn cả thôi và bắt đầu sắp xếp các kế hoạch tiếp đó theo hướng là 6 tháng tới mình sẽ ở Nhật.
Nhưng người tính không bằng trời tính, không hiểu vì lý do gì nhưng mình trở thành sinh viên hiếm hoi trong vài năm trở lại đây dù đã lọt vào vòng tiến cử của ĐSQ rồi nhưng vẫn bị trường phía Nhật từ chối hồ sơ. Khi nhận được tin báo kết quả, dù trong thâm tâm tự cảm thấy đó là kết quả đúng vì ngay từ đầu bản thân cũng đã có chút linh cảm, nhưng mình vẫn thấy buồn và thất vọng vô cùng.
(Buổi phát biểu kinh doanh của sinh viên quốc tế ở Niigata)
Xem thêm:
Học bổng du học đại học tại Nhật Bản
LỠ HẸN VỚI NƯỚC NHẬT LẦN THỨ 2
Phải mất gần 1 tháng sau đó, mình mới dần sốc lại được tinh thần để quay trở lại với đường đua hướng tới mục tiêu đi Nhật du học. Cơ hội đi Nhật theo học bổng quốc phí đã qua, nhưng mong muốn được đi sang Nhật du học vẫn còn rất mạnh, nên mình quyết định chuyển hướng sang tìm hiểu các chương trình trao đổi với các trường của Nhật mà Đại học Ngoại Thương có hợp tác. So với học bổng quốc phí được đài thọ 100%, thì các chương trình này thường chỉ được miễn học phí, còn sinh viên sẽ phải tự túc toàn bộ các khoản còn lại, từ vé máy bay, tới chi phí ăn ở, sinh hoạt tại Nhật. Chính vì mất chi phí nên mức độ cạnh tranh cũng thấp hơn, lựa chọn cũng nhiều hơn.
Trong số các trường có chương trình hợp tác với trường mình năm đó, mình chọn nộp hồ sơ vào trường Đại học Kinh tế Osaka vì ngoài việc miễn học phí, trường còn miễn phí cả kí túc xá cho sinh viên, lại gần trung tâm, dễ đi tìm hiểu, khám phá mọi thứ. Với bảng điểm đẹp và hồ sơ hoạt động ngoại khoá tương đối năng nổ, hồ sơ của mình được duyệt ngay sau đó không lâu. Sau một thời gian làm thủ tục, tháng 2/2020, mình hoàn thành xong toàn bộ việc xin visa, đặt vé máy bay và chỉ còn chờ đúng 2 tuần nữa là đặt chân được tới Nhật thì…nhận được tin trường báo dừng tất cả các chương trình tiếp nhận sinh viên quốc tế do lo ngại vấn đề lây nhiễm Corona.
Lần này thì mình thất vọng thật sự. Lần đầu dù gì mình cũng đã có chút sự chuẩn bị trong tâm lý vì không tự tin lắm về hồ sơ của bản thân, nhưng lần này mọi thứ đã sẵn sáng hết rồi, vậy mà lại bị cancel trong nháy mắt, nên mình thực sự thấy buồn và thậm chí còn có cảm giác “Phải chăng mình thật sự không có duyên với nước Nhật ?”
Các sinh viên bị huỷ kết quả do Corona năm đó như mình được trường đưa cho 2 sự lựa chọn, một là bảo lưu kết quả 6 tháng, tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương muộn để chờ Corona lắng dịu rồi sẽ lại sang tiếp, hai là sẽ tốt nghiệp đúng hạn và bỏ luôn cơ hội sang Nhật du học tại trường. (Nếu tốt nghiệp Ngoại Thương rồi thì sẽ không đủ tư cách để đi theo diện học bổng trao đổi nữa).
Dù cũng khá tiếc cơ hội đi Nhật bị hụt ngay trước mắt, nhưng mình quyết định bỏ qua cơ hội này, tốt nghiệp đúng hạn, đi làm và chờ tới lúc nào đó mối duyên với nước Nhật sẽ tới với bản thân mình.
Xem thêm:
Chia sẻ của sempai: Thi cao học tại Nhật có khó không
DUYÊN RỒI CŨNG TỚI
Sau khi ra trường, mình xin vào làm vị trí sales tại một công ty IT làm nhiều với khách hàng Nhật. Sở dĩ mình chọn làm IT sales vì nó giúp cho mình có thể sử dụng được thường xuyên tiếng Nhật trong công việc. Ngoài ra, nghề sales theo mình cũng là nghề sẽ giúp các sinh viên mới ra trường như mình nhanh chóng cọ sát và trau dồi được nhiều kỹ năng mềm nhất, từ khả năng giao tiếp, đàm phán, tới đề xuất, thuyết trình, hay làm việc nhóm.
Bẵng đi một thời gian, ngày nọ, đang đi làm thì mình nhận được điện thoại từ cô giáo cũ ở trường Ngoại Thương thông báo cơ hội ứng tuyển học bổng của MEXT (học bổng chính phủ Nhật) đi học MBA tại trường Jigyou Souzo Gakuin Daigaku ở Niigata. Thời gian còn ở trường, do mình từng tham gia nhiều hoạt động của khoa và CLB tiếng Nhật, lại từng là sinh viên hiếm hoi bị “hụt” học bổng quốc phí hồi năm 3 nên được các cô rất “nhớ”. Cõ lẽ vì vậy mà khi thấy có cơ hội đi du học cao học tại trường, cô vẫn nhớ đến mình luôn và gọi thông báo.
Trường Jigyo Souzo Gakuin Daigaku ở tỉnh Niigata có khá nhiều sinh viên Ngoại Thương theo học. Trường có chương trình đào tạo MBA, nên khá nhiều sempai của mình đã chọn sang đây học cao học sau khi tốt nghiệp để lấy thêm được một tấm bằng chuyên môn, bổ sung cho tấm bằng cử nhân Tiếng Nhật ở bậc Đại học. (Mình học Ngoại Thương nhưng lại là khoa tiếng Nhật Thương mại, nên bằng tốt nghiệp của mình chỉ là cử nhân Ngoại ngữ, không phải là cử nhân Kinh tế).
Thời gian suy nghĩ để trả lời có quyết định ứng tuyển học bổng này khá ngắn, nên mình đã tận dụng hết các mối quan hệ có trong network của bản thân, từ cô giáo chủ nhiệm cũ, tới các anh chị sempai từng học ở Nhật để hỏi ý kiến mọi người xem có nên đi hay không. Cũng có sempai khuyên mình nếu không quá vội thì cứ thử chờ cơ hội đi 1 trường khác có rank cao hơn, ở gần các khu trung tâm hơn xem sao,…Nhưng cuối cùng, mình vẫn quyết định thử sức với cơ hội này, vì cảm nhận đây có lẽ là lúc mà cái duyên của mình với nước Nhật đã tới. Nếu bỏ qua cơ hội này, không biết bao giờ “duyên” mới lại ghé thăm.
Nhờ các thầy cô giáo cũ ở trường Ngoại Thương và cô chủ nhiệm hỗ trợ khá nhiều, nên hồ sơ ứng tuyển của mình đã được hoàn thiện trong một khoảng thời gian vô cùng chóng vánh, và 6 tháng sau đó, mình nhận được kết quả chính thức đỗ học bổng MEXT cho 2 năm học cao học tại Nhật.
Thời điểm mình nhận được kết quả đỗ visa (10/2021), Nhật Bản vẫn đang trong khoảng thời gian đóng cửa biên giới, hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên rất may là các du học sinh đi theo học bổng MEXT được xếp vào diện ưu tiên nhập cảnh, và sau vài tuần chờ đợi tới lượt bay, tháng 11/2021, cuối cùng thì mình cũng chính thức đặt chân được tới Nhật sau 2 lần “du học hụt”.
(FTU Business meeting)
TRẢI NGHIỆM HẾT MÌNH
Cho tới giờ mình vẫn nhớ như in thời khác mà mình bước xuống máy bay, nhập cảnh thuận lợi vào Nhật và về được tới khách sạn cách ly ở gần sân bay Narita. Một cảm giác vô cùng là sung sướng và “thở phào”.
Thời điểm mình sang là đúng giữa mùa đông, tuyết ở Niigata bắt đầu rơi khá dày và trời rét vô cùng. Thời gian đầu mới sang, chưa quen được nhiều bạn, các anh chị sempai quen biết qua hội người Việt Nam thì ai ai cũng bận rộn tất tả với việc học và việc baito mỗi ngày, nên suốt mấy tháng đầu mình cảm thấy rất chán vì đi học về là cứ thui thủi 1 mình.
Nhưng rồi nghĩ lại, mình thấy cứ chán nản, buồn bã thế thì cũng chả giải quyết được điều gì, bản thân mình phải thay đổi, thích nghi và năng động lên thôi. Phải mất bao nhiêu lâu, qua 2 lần “đi hụt”, mình mới đặt chân được tới Nhật cơ mà, vậy thì phải tìm cách để sống, trải nghiệm và tận hưởng hết mình chứ.
Vốn thích các hoạt động giao lưu, ngoại khoá mà từ hồi sang Nhật chưa có dịp để bùng nổ, mình bắt đầu lên mạng, lên toà thị chính của quận, thành phố và cả bảng tin dành cho sinh viên của trường để tìm kiếm thông tin và biết tới Hội giao lưu Quốc tế ở Niigata. Thấy thông tin hội đang tuyển thành viên mới vào 4/2022, mình vội đăng ký tham gia và được nhận vào luôn.
Hoạt động chủ yếu của hội là đến các trường tiểu học, trung học…giới thiệu về văn hoá, đất nước, trò chơi của Việt Nam. Tần suất hoạt động thì tuỳ thời điểm, có đợt hè cao điểm thì có khi mình tham giá tới 5-6 lần/tháng, còn vào năm học thì ít hơn.
Dạo gần đây mình thấy do các thông tin tiêu cực về người Việt ở Nhật được đưa lên truyền thông khá nhiều, hình ảnh người Việt Nam trong mắt một vài người Nhật không còn được đẹp như trước. Qua các hoạt động giới thiệu văn hoá của bản thân, mình cũng muốn được góp 1 chút công sức dù là nhỏ bé để nâng cao hình ảnh của người Việt trong mắt người Nhật hơn.
Ngoài việc học ở trường và tham gia các hoạt động giao lưu của Hội, mình còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi làm thêm ở combini và thi thoảng đi dịch cho các bạn thực tập sinh. Việc làm ở combini giúp mình hiểu hơn về cách tiếp đón khách hàng của người Nhật, biết hơn về các đồ ăn, nguyên liệu món ăn, và các loại trà, đồ uống của người Nhật,…Đối với một cậu sinh viên vừa chân ướt chân ráo sang Nhật được vừa tròn 1 năm như mình, thì tất cả những kiến thức, trải nghiệm đời sống đó đều giúp mình mở mang tầm mắt, biết nhiều thứ hơn về cuộc sống thường ngày của người dân Nhật.
Ngoài công việc ở combini, thi thoảng có thời gian rỗi, mình cũng đi làm công việc phiên dịch cho các bạn thực tập sinh ở một vài công ty ở Niigata. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ, giúp mình hiểu hơn về cuộc sống của người Việt Nam ở Nhật, những khó khăn mà các bạn đang gặp phải.
(Đại sứ ẩm thực)
LỜI NHẮN
Nhìn đi nhìn lại trong những bạn bè, người quen xung quanh, mình thấy hiếm ai mà đường sang Nhật lại “lận đận” như mình. Mỗi lần đi hụt, mình đều cảm thấy rất ngậm ngùi, tiếc nuối, nhưng khi mọi chuyện qua đi, nghĩ lại mới thấy nhờ có những lần như vậy, mình mới càng trân trọng hơn quãng thời gian ở Nhật hiện tại để gắng tích cực trải nghiệm, khám phá nhiều điều mới mẻ ở nước Nhật hơn.
Cuộc sống luôn có những bất ngờ, vì thế việc luôn có cho mình một kế hoạch dự trù vô cùng quan trọng. Và nếu đã chuẩn bị hết sức rồi mà mọi thứ vẫn không như ý, thì cũng không nên quá buồn, vì mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó. Biết đâu trải nghiệm thất bại lần này, lại là lý do để mình tiến gần đến 1 trải nghiệm thành công khác tốt đẹp hơn ở thì tương lai thì sao. Cũng giống như việc đi hụt Nhật ở lần thứ 2, có khi lại là bước lùi hợp lý để mình có cơ hội nhận được học bổng MEXT hiện tại và có những trải nghiệm vô cùng thú vị với nước Nhật trong 1 năm qua.
Niigata, 11/2022.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận