ĐI NHẬT VỀ LÀM GÌ?
Trong một khoảnh khắc nào đó ở Nhật, chắc chắn chúng ta đã có đôi lần tự hỏi bản thân “Đi Nhật về rồi làm gì?”, “Đi Nhật về rồi sao?” kèm theo nhiều lo lắng và dè chừng, mông lung và vô định.
Trừ một số ít các anh chị đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, thông tin và nền tảng kiến thức cho hành trình trở về thì đa số chúng ta vẫn loay hoay không biết liệu về Việt Nam mình sẽ làm gì.
Các chương trình định hướng đa phần cũng hướng tới các thông tin, kinh nghiệm cho người Việt sắp đi Nhật, cho cuộc sống ở Nhật chứ ít có các chương trình định hướng cho hành trình về nước.
Hôm nay mình xin phép chia sẻ cùng anh chị và các bạn những trải nghiệm về hành trình trở về nước lập nghiệp của bản thân, hi vọng có thêm góc nhìn cho những bạn cũng có ý định về nước sau thời gian sinh sống và học tập tại Nhật. Tất cả những chia sẻ bên dưới đều là trải nghiệm của bản thân, có thể đúng với người này và sai với người khác, hi vọng anh chị và các bạn sẽ đón nhận bằng một góc nhìn rộng mở.
Trước hết xin kể một chút về quãng thời gian ở Nhật và trước khi đi Nhật.
Xem thêm:
Điểm mục những thứ sinh viên đại học cần chuẩn bị cho quá trình xin việc
CUỘC SỐNG MỚI Ở NHẬT
Sinh ra ở một vùng quê nghèo Nghệ An, mình cũng như những người khác ít có cơ hội được định hướng nghề nghiệp một cách bài bản, chỉ có một điều duy nhất mà ai cũng đau đáu, là phải thoát nghèo, phải ra đi để tìm con đường thay đổi cuộc đời, để không phải tiếp tục làm nông như bố mẹ.
Vào những năm 2014 là những năm phong trào đi Nhật đang rất phát triển, người người đi Nhật, nhà nhà đi Nhật, sau khi lưỡng lự giữa những lựa chọn, bố sợ mình chọn ở nhà nên hết lời bắt đi bằng được, đi đâu cũng được nhưng phải đi, đi để thoát khổ. Một phần sợ con ở nhà khổ như mình, một phần chắc ông cũng muốn con thực hiện giúp ước mơ dang dở của ông ngày xưa, ngày xưa ông học giỏi nhưng lựa chọn ở nhà vì muốn ở gần chăm ông nội là thương binh bị mù cả hai mắt do bom đạn chống Pháp, chống Mỹ.
Và không vì một lý do gì cả, mình chọn đi Nhật vì có bà chị trong làng đi du học Nhật về lấy chồng và bảo hay là đi Nhật một chuyến.
Hành trình với Nhật Bản bắt đầu đơn giản như vậy.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT
Mình ở Nhật hơn 4 năm, thì 2 năm đầu không có gì nhiều để nói ngoài việc ngày đi học tối đi làm, làm đủ thứ công việc từ rửa bát, bốc vác, nhà hàng, quán nhậu. Sau 2 năm trường tiếng, mình lựa chọn ngành học global business tại một trường Senmon ở Tokyo. Lúc đấy cũng chỉ nghĩ học nhanh để đi làm kiếm tiền. Nhưng đó cũng là 2 năm quan trọng giúp mình tìm thấy đam mê với marketing và kinh doanh, là nền tảng quan trọng cho những hoạt động sau này.
Năm 2018 khi vẫn đang học ở trường Senmon, mình đã gặp anh Đinh Hưng, mọi người vẫn hay gọi là Sempai Đinh Hưng, một hành trình mới bắt đầu từ lúc đó.
Mình tham gia vào cùng công ty của anh Hưng và cùng nhiều đồng sự khác bắt đầu các hoạt động giáo dục tiếng Nhật, hoạt động cộng đồng dành cho người Việt tại Nhật. Từ lúc đó một mục tiêu mới, rõ ràng hơn bắt đầu xuất hiện, mục tiêu vì một cuộc sống thành công và hạnh phúc hơn cho người Việt tại Nhật, qua đó thay đổi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Nếu ai ở Tokyo chắc sẽ nghe tới Phòng trà X-Tokyo, đây chính là dự án mà mình dành nhiều tâm huyết nhất và chắc là một khoảng thời gian đáng nhớ nhất suốt hành trình ở Nhật. Mình bắt đầu tìm kiếm và tập hợp những anh chị em đam mê âm nhạc tại Tokyo và thành lập X-Tokyo, mình định vị cho nó là “Nơi thứ ba của những người xa nhà”. Nơi thứ nhất là nhà, nơi thứ hai có thể là công ty hoặc trường học, nơi thứ ba chính là X-Tokyo, nơi có những trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời nhất, hạnh phúc nhất, chân thật nhất dành cho người Việt xa nhà.
Người Việt ở Nhật thiệt thòi nhiều thứ, đặc biệt là cảm xúc và sự kết nối. X-Tokyo có sứ mệnh kết nối người Việt tại Nhật thông qua cảm xúc và âm nhạc. Mỗi tháng sẽ có 1-2 đêm âm nhạc dành cho người Việt tại Tokyo, mỗi đêm có đến 80-120 người Việt cùng nhau đến nghe nhạc, chia sẻ, cùng khóc cùng cười. Thậm chí có những sự kiện ở Osaka và Nagoya có đến 500, 600 người Việt tham gia. Thật hạnh phúc khi nhìn thấy nhiều ảnh hưởng tích cực của X-Tokyo đến tinh thần của người Việt ở Nhật.
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp senmon, mình vào làm chính thức cho công ty của anh Đinh Hưng tại Nhật, phụ trách mảng công việc liên quan tới giáo dục tiếng Nhật. Được khoảng gần 1 năm thì mình về nước trong một chuyến công tác, và không nghĩ đó là chuyến công tác dài gần 3 năm đến bây giờ vẫn chưa có dịp quay lại Nhật lần nữa.
Xem thêm:
Tại sao lương của các công ty Nhật thường thấp hơn các nước phát triển khác
ĐI NHẬT VỀ LÀM GÌ?
Mình về nước cuối tháng 2 năm 2020, khoảng gần 1 tháng trước khi Nhật đóng cửa vì dịch Covid. Việc hạn chế nhập cảnh của chính phủ Nhật thời gian đó khiến mình không thể quay lại Nhật được như dự kiến, và đành ở lại Việt Nam lập nghiệp trong 1 tâm thế khá bị động.
Sau khi về nước, mình và anh Hưng mỗi người có một định hướng riêng nên hai anh em không tiếp tục làm chung nữa . Thú thực thời gian 6 tháng đầu tiên về nước, mình vô cùng hoang mang vì không biết sẽ phải làm gì tiếp theo tại Việt Nam đây. Một phần là do không có sự chuẩn bị trước bởi vì không có ý định về hẳn, một phần lớn là không thể bắt nhịp ngay với sự thay đổi chóng mặt của môi trường tại Việt Nam.
Xét về các yếu tố bên ngoài, thực tế những công việc, lĩnh vực để số đông người Việt ở Nhật về nước có thể đảm bảo được sự ổn định là quá ít và hạn chế. Tính đi tính lại cũng quay quanh 3-4 lĩnh vực: Xuất khẩu lao động, du học, dạy tiếng Nhật, các công việc dịch vụ liên quan đến Nhật…
Khác xa so với lúc bắt đầu tìm hiểu đi Nhật: “Đi Nhật mấy năm vừa có tiền lại vừa có tấm bằng, về xin việc ngon lành, hơn hẳn khối đứa học đại học ở Việt Nam”.
Tốc độ phát triển và tính chất cạnh tranh ở Việt Nam khiến cho chúng ta – những người đi Nhật về phải tự đặt câu hỏi cũng như đối mặt với nhiều thực tế khốc liệt. Đặc biệt là cạnh tranh với chính những bạn trẻ, các bạn sinh viên ở Việt Nam. Các bạn trẻ ở Việt Nam quá năng động, sáng tạo và dám dấn thân. Việc biết một đến hai ngoại ngữ đối với các bạn ấy là câu chuyện quá cơ bản. Chưa kể đến những bạn mới 18-19 tuổi nhưng đã tự mình xây dựng những cộng đồng rất lớn để lan tỏa các văn hoá đọc sách, hoạt động thiện nguyện tại các tỉnh miền núi và chăm sóc các em nhỏ mồ côi. Đối mặt với các bạn ấy có khi chúng ta còn câm như hến. Bằng chứng là chính những bạn Sensei đang dạy tiếng Nhật cho người Việt ở Nhật đa số lại là các bạn sinh viên các trường đại học tại Việt Nam.
Vậy là cái chúng ta vẫn coi là vũ khí cạnh tranh – ngoại ngữ, đối với các bạn ấy là thứ bắt buộc phải có, giống như muốn làm việc trong công ty Nhật Bản thì giỏi tiếng Nhật cũng là điều kiện bắt buộc.
Xét về các yếu tố bên trong, chính chúng ta cũng có nhiều vấn đề khó giải quyết dẫn đến chần chừ, lãng phí nhiều thời gian và cơ hội.
Chúng ta đã quá quen với cuộc sống ở Nhật, một người bình thường chỉ cần có một vài công việc làm thêm, chỉ cần lao động chân tay như chạy bàn, bán hàng ở combini, làm dọn dẹp khách sạn thì mỗi tháng cũng dễ dàng có được một mức thu nhập khoảng 20-30 triệu.
Nhưng sau khi về Việt Nam, để có được một công việc với mức thu nhập 15-20 triệu là cả một vấn đề rất lớn. Với một mức thu nhập như thế đòi hỏi chúng ta phải có đủ năng lực bao gồm tư duy, kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm và nhiều khi là cả các mối quan hệ. Trong khi chi phí cuộc sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng không hề rẻ.
Sự chênh lệch về thu nhập này là một phần khiến chúng ta có tâm lý ngại đi phỏng vấn xin việc, phần còn lại mình nghĩ là do sự thiếu tự tin về năng lực của bản thân, sợ không đáp ứng được các đòi hỏi của các doanh nghiệp.
Vậy nếu không đi tìm kiếm một công việc tốt để làm thì chúng ta sẽ làm gì?
Phần lớn thì một là sẽ tìm cách để quay lại Nhật, hai là quay lại công việc trước khi đi Nhật và ba là tự tập tành kinh doanh bằng số vốn đã tích góp được sau mấy năm ở Nhật. Cái thứ ba này chính là cái bẫy của sự lựa chọn, một sự lựa chọn bị chi phối nhiều bởi cảm xúc trong khi nguồn lực, năng lực của bản thân chưa đủ và thiếu một cái nhìn khách quan về bối cảnh, về sự khắc nghiệt của thị trường.
Nhiều bài học đau đớn bắt đầu từ đây!!!
Các bạn đang có nhu cầu rèn luyện, cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Nhật của mình thì có thể tham khảo lớp học giao tiếp tiếng Nhật của #Skillism. Chỉ với ~700 yên/buổi học là bạn có thể luyện Kaiwa trực tiếp cùng giáo viên người Nhật. Tại #Skillism, chương trình học được thiết kế phù hợp với từng học viên. Các bạn có thể tự chọn giáo viên phù hợp trong đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, có thể tự chọn giờ học cũng như liên hệ trực tiếp với giáo viên để sắp xếp, điều chỉnh. Thật tiện lợi và dễ dàng phải không nào?
Hiện tại #Skillism đang có chương trình tặng 1000 point cho tài khoản đăng ký mới. Các bạn đăng ký theo link này nha: Form đăng ký nhận point tại Skillism
NHỮNG NGÀY BẾ TẮC Ở VIỆT NAM
Đây cũng chính là một trong những bài học đau đớn mà bản thân mình đã trải qua và không muốn những người khác lặp lại.Đó là việc ngại đi xin việc nên quyết định tự tập tành kinh doanh, khởi nghiệp khi chưa chuẩn bị đủ tâm thế, năng lực, kiến thức và tài chính, kể cả là khởi nghiệp một công ty với quy mô lớn hay đơn thuần chỉ là tự nhập hàng về và kinh doanh online nhỏ lẻ. Khởi nghiệp kinh doanh thực sự không phải là một lựa chọn dễ dàng nhưng thường chúng ta lại dễ dàng lựa chọn bởi vì lầm tưởng nó tự do và thoải mái.
Sau 3-6 tháng loay hoay không biết mình nên làm gì ở Việt Nam, như nhiều người khác mình cũng bắt đầu hành trình khởi nghiệp, mở văn phòng, tìm kiếm sản phẩm, huy động vốn nhập hàng, tuyển dụng nhân sự, bắt đầu các hoạt động marketing, bán hàng, xây dựng thương hiệu.
Và kết quả là sau 1 năm từ một số vốn ít ỏi tích góp được sau mấy năm ở Nhật, mình có thêm một khoản nợ hơn 1 tỷ và khuôn mặt già đi mấy tuổi. Đó là một khoảng thời gian thật sự đáng sợ, nếu không có nền tảng và điều kiện đủ tốt, khi thất bại một lần bạn sẽ khó lòng đứng dậy hoặc phải mất rất nhiều thời gian, tâm huyết và tuổi trẻ.
Có những ngày không biết mình sẽ ăn gì, sống bằng gì khi trong túi hết sạch tiền. Có những ngày điện thoại là hàng loạt tin nhắn hoá đơn đến ngày cần thanh toán, tiền văn phòng, tiền nhà, tiền lương, tiền đủ thứ! Có những quãng thời gian không liên lạc với ai, mất kết nối với gia đình, mất niềm tin vào chính mình. Đó chính là “đường đua chuột” (rat race), khi rơi vào rồi khó mà thoát ra được.
Thất bại là mẹ thành công nhưng chắc chắn là không nên thất bại. Tất nhiên không phải mình thất bại thì tất cả mọi người đều thất bại, ý chính mình muốn đề cập ở đây là SỰ LỰA CHỌN!
Có rất nhiều yếu tố tác động đến những sự lựa chọn và hành trình lập nghiệp của chúng ta tại Việt Nam, bao gồm cả các yếu tố bối cảnh bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong của bản thân mình. Nhưng nếu yếu tố bên ngoài không thể thay đổi được thì hãy TẬP TRUNG VÀO CHÍNH MÌNH, học tập, rèn luyện, tìm hiểu và chuẩn bị thật tốt cho hành trình trở về.
“Không có sự chuẩn bị chính là chuẩn bị cho sự thất bại”
Nếu đang ở Nhật thì quan trọng nhất là giữ gìn sức khoẻ, đừng đánh đổi sức khoẻ để lấy bất cứ một sự vội vàng hay thăng hoa nào hết. Đi làm thật chăm chỉ và cố gắng dành dụm số tiền kiếm được khi ở Nhật, tiết kiệm số tiền đó để làm vốn cho sau khi về Việt Nam.
Đừng phụ thuộc vào bất cứ ai, anh em, bạn bè, Sempai, công ty, trường học… Mình không quan trọng đến thế nên có lúc sẽ chỉ còn lại chính mình mà thôi, vì chính mình phải chịu trách nhiệm 100% cuộc đời của mình, không ai thay mình làm điều đó.
Vì thế ngoài vốn ra hãy chuẩn bị cho mình tư duy, kiến thức, kỹ năng cần thiết để không bị phụ thuộc vào bất cứ ai, có công việc tốt và phù hợp sau khi về nước, và đặc biệt là học để biết cách sử dụng số vốn mình đã dùng cả tuổi trẻ ra để đánh đổi một cách hợp lý và hiệu quả.
Xem thêm:
Sách tham khảo dành cho những bạn sắp và đang làm nghề sales
ĐỨNG DẬY VÀ BẮT ĐẦU LẠI
Sau hai năm với nhiều bài học và đánh đổi, mình lại tiếp tục đứng dậy với một tâm thế mới, có phần điềm đạm, trưởng thành hơn. Không còn bất chấp và bay bổng như ngày xưa, nhưng vẫn giữ cho mình sứ mệnh: “Góp phần giúp người Việt ở Nhật thành công và hạnh phúc hơn, qua đó nâng tầm vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới”
Lần này không còn đi một mình nữa, mà bên cạnh còn có hai người anh em, hai người đồng sự cùng chí hướng, anh Trần Thế Anh (người đã từng xuất hiện trong Voice of Asean Sempai – Vol 11 và anh Đinh Thành Hưng).
Bọn mình ngồi lại và lập nên 1 công ty mới, lấy tên là Japankai Group-Hệ sinh thái toàn diện vì thành công và hạnh phúc của người Việt ở Nhật. Thành công và hạnh phúc được 3 anh em mình định nghĩa là sự đầy đủ về cả 5 yếu tố: thể chất, vật chất, trí tuệ, cảm xúc và tinh thần. Người Việt mình ở Nhật thiếu nhiều lắm, thiệt thòi nhiều lắm.
Từ những ngày đầu cho đến khi công ty có thêm 20, 30 nhân sự, nhìn lại tất cả những điều đã trải qua đều có ý nghĩa vô cùng lớn cho con đường hiện tại và tương lai mình sẽ đi. Mình thấy thật sự biết ơn hành trình ở Nhật Bản và những người đã gặp, những bài học đã trải qua trong suốt những tháng ngày ý nghĩa đó.
LỜI NHẮN
Hành trình đến với Nhật Bản và hành trình về nước lập nghiệp của mình hoàn toàn là một sự tự nhiên không có tính toán và kế hoạch, nhưng nếu có lời khuyên thì mình vẫn khuyên chúng ta cần đủ lý trí, đủ góc nhìn khách quan về bối cảnh và một kế hoạch phù hợp cho mọi sự lựa chọn. Nếu chúng ta chỉ đâm đầu bước lên phía trước mà không rõ ràng về đích đến, không có kế hoạch và sự chuẩn bị, thì chắc chắn sẽ phải đánh đổi và trả giá cho nhiều bài học thất bại mà lẽ ra chúng ta có thể tránh được bằng việc lên kế hoạch cẩn thận hoặc là học từ thất bại của những người khác. Còn nhiều vấn đề nữa muốn phân tích cùng mọi người nhưng chắc mình sẽ để lại cho một dịp khác, chốt lại các chia sẻ bên trên mình muốn đưa ra một số thông điệp hy vọng có thể cung cấp thêm góc nhìn cho mọi người, đặc biệt là những anh chị đang muốn về Việt Nam lập nghiệp:
– Sự lựa chọn đúng quan trọng hơn nỗ lực, lựa chọn sai thì càng nỗ lực càng vất vả, mệt mỏi, thậm chí là phải trả giá đắt cho những sai lầm không có cơ hội làm lại.
Sự lựa chọn đúng con đường sẽ đi sau khi về Việt Nam cũng là một sự lựa chọn quan trọng. Bởi vì về nước không phải là về đích, về nước mới chỉ là bắt đầu, một bắt đầu mới nhiều chông gai hơn, nhiều thử thách hơn và không kém phần thú vị.
– Muốn lựa chọn được một công việc tốt, việc đầu tiên là phải thấu hiểu chính mình, hiểu mình muốn gì, mạnh ở đâu, yếu chỗ nào, ai sẽ là người cạnh tranh trực tiếp với mình cho công việc này.
Khi lựa chọn hãy dùng lý trí để đánh giá một cách khách quan nhất bối cảnh, mục tiêu và nguồn lực của bản thân, đừng bị chi phối bởi những nỗi sợ hãi, tự ti hay là tham vọng ảo tưởng.
– Hãy liên tục trau dồi và nâng cao giá trị bản thân bằng việc học tập ngay cả khi đang ở Nhật, hãy luôn mở rộng tư duy để đón nhận và học hỏi như một chiếc ly rỗng, đừng bám chấp vào những gì mình biết hay những kinh nghiệm trong quá khứ, bởi vì thế giới luôn thay đổi và cạnh tranh khắc nghiệt.
– Đã quyết định được đích đến rồi thì hãy toàn tâm toàn ý, tập trung tinh tấn mà đi cho đến cùng, vì cái gì càng tập trung thì càng mở rộng. Làm hời hợt, qua loa sẽ chỉ phí thời gian mà không thể đạt được bất kỳ thành tựu nào.
– Đừng bao giờ bỏ cuộc và hãy tìm cho mình một mục đích đủ ý nghĩa cho con đường của bạn.
“Về nước không phải là về đích, về nước là bắt đầu một hành trình mới nhiều chông gai hơn, nhiều thử thách hơn và không kém phần thú vị, thành công hay thất bại đều do sự lựa chọn và nỗ lực không ngừng nghỉ của chính mình ngày hôm nay”.
Hoàng Cường
Hà Nội, tháng 10/2022
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận