MỐI DUYÊN VỚI CHƯƠNG TRÌNH EPA ĐIỀU DƯỠNG
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp khoa điều dưỡng trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá, mình được nhận vào làm tại khoa sơ sinh & hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Nhi của tỉnh. Có lẽ mình sẽ cứ mãi an phận với công việc ở bệnh viện tỉnh như vậy nếu như năm 2012, mình không được Ban Giám Đốc cử tới bệnh viện Pháp Việt để tham giá học 1 khoá Quản lý Điều dưỡng kéo dài 2 tháng. Lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến cách làm việc của các điều dưỡng ở một bệnh viện tư của nước ngoài, mình thật sự cảm phục trước cách chăm sóc bệnh nhân vô cùng chuyên nghiệp và ân cần của họ. Cùng làm điều dưỡng nhưng trong khi mình chỉ biết mỗi tiếng Việt thì các nhân viên ở đây rất nhiều người nói được tiếng Anh và chăm sóc được cho cả các bệnh nhân người ngoại quốc.
Sau khi trở về, vài tháng sau đó mình lại tiếp tục được cử đi tham gia tập huấn một khoá 6 tháng khác ở bệnh viện Nhi Đồng 2 trong thành phố Hồ Chí Minh. Quãng thời gian tập huấn ở đây không chỉ giúp mình học hỏi thêm được nhiều kỹ năng trong nghề, mà còn tiếp tục cho mình nhận ra sự chênh lệch quá lớn giữa mức thu nhập của các điều dưỡng làm ở bệnh viện tỉnh với các bạn điều dưỡng làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cảm thấy quãng thời gian 5 năm làm ở bệnh viện tỉnh đã tương đối dài, và nếu vẫn tiếp tục gắn bó thì có lẽ trong nhiều năm tới mức thu nhập cũng như sự nghiệp của mình cũng không có nhiều khác biệt so với hiện tại, mình quyết định nghỉ việc và ứng tuyển vào một bệnh viện tư khá lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. Rất may mắn là với kinh nghiệm làm việc 5 năm, cộng thêm các chứng chỉ có được sau 2 lần tập huấn, mình đã được nhận vào làm việc tại bệnh viện với mức lương cao hơn tương đối nhiều so với công việc cũ.
Mức lương mới khá ổn, môi trường ở bệnh viện mới năng động hiện đại nên mình rất hài lòng và đã định sẽ gắn bó với nơi đây lâu lâu. Tuy vậy, đúng trong thời gian này, mình lại vô tình đọc được thông tin về chương trình đưa đưa điều dưỡng người Việt sang Nhật học tập và làm việc nằm trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (hay còn được gọi là chương trình EPA điều dưỡng). Chương trình cho phép các bạn đã có kinh nghiệm làm điều dưỡng ở Việt Nam được học tiếng Nhật và sang Nhật vừa làm tại bệnh viện, vừa học để thi lấy chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật mà không hề mất bất kỳ một chi phí nào.
Thấy cơ hội đi ra nước ngoài học tập và làm việc quá hấp dẫn, mình rất quan tâm. Tuy vậy, để đăng ký tham gia chương trình cần phải nộp các bằng cấp đang có, mà khi đó các giấy tờ này của mình lại đều do bệnh viện lưu giữ, nên muốn đăng ký chương trình EPA thì mình buộc phải xin nghỉ làm ở bệnh viện và bay ra Bắc để thi. Chưa biết đỗ hay không đã phải xin nghỉ việc nên mình cũng khá trăn trở và run trước quyết định có phần hơi…đánh đổi này. Nhưng nghĩ nếu bỏ qua cơ hội này thì chắc sau này khó có dịp nào để được ra nước ngoài tu nghiệp nữa, cộng thêm nghĩ nếu chẳng may không đỗ thì với kinh nghiệm của mình, chắc cũng không quá khó khăn để thi vào một bệnh viên tư khác ở Việt Nam, thế là mình đánh liều nộp hồ sơ.
Thật may là ông trời cũng không phụ lòng người, mình vượt qua được vòng tuyển chọn của chương trình EPA và chính thức bắt đầu tham gia học tiếng Nhật cùng chương trình vào tháng 11/2012.
LÀM QUEN VỚI TIẾNG NHẬT Ở TUỔI 30
Khoá mình là khoá đầu tiên của chương trình EPA. Năm đó hệ điều dưỡng của mình có 11 người tham gia tất cả, ngoài 2 chị lớn hơn tuổi mình còn đâu các bạn khác đều còn khá trẻ, mình thuộc nhóm khá “đứng tuổi” ở trong nhóm. Gần 30 tuổi mới bắt đầu vác sách đi học tiếng Nhật, nhưng do trong thời gian chờ kết quả tuyển chọn EPA mình đã chủ động đăng ký học thêm 1 khoá tiếng Nhật 2 buổi/tuần ở TPHCM nên cũng biết trước bảng chữ cái và vài mẫu câu tiếng Nhật cơ bản, đâm ra cũng tự tin hơn.
Khoá bọn mình được chương trình cho học tiếng Nhật tập trung ở Hà Nội trong 1 năm, toàn bộ học phí và tiền ở đều được đài thọ, thậm chí hàng tháng còn có mấy triệu tiền lương để lo ăn uống, sinh hoạt. Được tạo điều kiện tốt như vậy nên trong 1 năm này, mình đã dồn toàn tâm toàn ý vào để học tiếng Nhật. Ngày ngày, ngoài giờ học trên lớp, mình còn tự học thêm sau khi về nhà và luôn luôn hoàn thành đầy đủ các bài tập được giao.
Sau 12 tháng học tại trung tâm, mình thi đậu N3, đủ điều kiện để được xuất cảnh. Tuy vậy, từ lúc đó cho tới lúc được phỏng vấn và bay còn tận nửa năm nữa, sợ về quê không dùng tới tiếng Nhật thì chả mấy chốc chữ thầy lại trả thầy hết, nên mình quyết định ở lại trung tâm tiếp tục học. Chương trình vẫn tạo điều kiện cho bọn mình học tập bằng cách tổ chức miễn phí các lớp học tiếng Nhật, các buổi giao lưu văn hoá, cho bọn mình ở lại ký túc xá của trung tâm với giá rẻ, bọn mình chỉ cần tự túc lo thêm tiền ăn uống, sinh hoạt thôi.
Sau vài tháng vừa túc tắc ở lại Hà Nội vừa học, vừa đi làm thêm để chờ bệnh viện sang phỏng vấn, cuối cùng mình cũng đỗ được vào một bệnh viện ở Niigata và chính thức đặt chân sang Nhật vào tháng 6/2014.
Các bạn đang có nhu cầu rèn luyện, cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Nhật của mình thì có thể tham khảo lớp học giao tiếp tiếng Nhật của #Skillism. Chỉ với ~700 yên/buổi học là bạn có thể luyện Kaiwa trực tiếp cùng giáo viên người Nhật. Tại #Skillism, chương trình học được thiết kế phù hợp với từng học viên. Các bạn có thể tự chọn giáo viên phù hợp trong đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, có thể tự chọn giờ học cũng như liên hệ trực tiếp với giáo viên để sắp xếp, điều chỉnh. Thật tiện lợi và dễ dàng phải không nào?
Hiện tại #Skillism đang có chương trình tặng 1000 point cho tài khoản đăng ký mới. Các bạn đăng ký theo link này nha: Form đăng ký nhận point tại Skillism
LUYỆN THI CHỨNG CHỈ QUỐC GIA
2 tháng đầu khi mới sang, mình được ở cùng với các bạn khác trong chương trình tại Chiba để tập huấn chung, sau đó tới tận tháng 8 mới đi Niigata làm việc.
Tuy chỉ có một mình mình là người Việt Nam ở nơi làm việc mới, nhưng có lẽ do bản tính của mình cũng không phải dạng hay rụt rè và lúc đó cũng đã khá cứng tuổi rồi, nên mình bắt nhịp khá nhanh với cuộc sống và công việc ở chỗ mới. Mấy năm đầu mới sang chưa thi đỗ chứng chỉ quốc gia nên chưa được giao các công việc của 1 điều dưỡng, mình bắt đầu công việc từ vị trí của người hỗ trợ điều dưỡng (Kango hoshu). Buổi sáng mình đi cùng với các sempai là điều dưỡng, vừa hỗ trợ các công việc như chuẩn bị đưa đón bệnh nhân vào viện, thay chăn ga, vệ sinh khoa phòng,.. vừa qua sát cách sempai làm và trao đổi với bệnh nhân để học việc. Buổi chiều mình vào phòng học riêng do bệnh viện sắp xếp cho để tự học ôn chứng chỉ điều dưỡng quốc gia.
Để được hành nghề như 1 điều dưỡng ở Nhật, mình cần phải thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật. Chương trình khá nặng, tuy kiến thức chuyên môn mình đã nắm được khá nhiều do đã tốt nghiệp ngành điều dưỡng và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, nhưng khi phải học và thi những kiến thức đó bằng tiếng Nhật thì mọi chuyện lại không hề đơn giản. Phần lớn thời gian mình đều phải tự học và tra cứu, thi thoảng 2-3 tháng mới có một buổi học tập trung ở Tokyo dành cho toàn bộ các ứng viên EPA.
Chương trình cho phép muộn nhất sau 4 năm kể từ ngày sang bọn mình phải thi đỗ chứng chỉ quốc gia, nếu không sẽ phải về nước, không được ở lại Nhật tiếp tục làm việc nữa. Thời hạn là 4 năm, nhưng bên ngạch điều dưỡng của bọn mình thì được phép thi ngay từ năm đầu khi mới sang (khác với các bạn bên hộ lý phải làm đủ 3 năm ở Nhật mới được thi), nên mình quyết định thi luôn từ năm đầu để được cọ sát. Năm đầu mình thi là khi mới sang Nhật được 8 tháng, vốn từ vựng, chữ Hán còn yếu nên bị thiếu mất tầm 30 điểm. Tuy vậy, nhờ lần thi này mà mình hiểu rõ hơn về dạng bài cũng như tâm lý thi.
Sang năm thứ 2, bệnh viện hỗ trợ mình thêm bằng cách giới thiệu cho mình vào học luyện thi 1 tuần 2 buổi cùng các bạn sinh viên năm cuối của một trường senmon chuyên về điều dưỡng. Ở lớp luyện thi có thầy giáo người Nhật rất giỏi chuyên môn và rành về cách luyện thi, nhờ có thầy giải thích mà mình hiểu sâu về các kiến thức được đề cập tới trong đề hơn nhiều so với lúc tự học. Xác định đây là khoảng thời gian cần tập trung học tập để nhanh chóng đỗ chứng chỉ sớm còn đi làm, nên mình dồn sức học rất nhiều. Buổi sáng làm ở bệnh viện, chiều từ 1-5h học ở phòng tự học, tối về ăn cơm tắm rửa nghỉ ngơi một lúc là tới 7h mình lại ngồi cày tới 11-12h khuya. Cày nhiều tới nỗi mà các bài thi thử ở trường senmon mình đều làm đúng hết vì đã làm đi làm lại quá nhiều các câu hỏi trong đề cũ, quyển sách chuyên môn dày cộp mình đọc đi đọc lại nhiều tới múc gần như thuộc lòng.
Nhờ cố gắng cày đề, dốc sức học hành nên tới lần thứ 2 thi lại, mình đã đỗ kỳ thi chứng chỉ quốc gia và chính thức được hành nghề điều dưỡng tại Nhật.
*Giới thiệu sách hay: 第31回-第33回完全解説+第29回-第30回問題&解答
Tuyển tập 375 câu hỏi của kỳ thi hộ lý quốc gia trong 3 năm gần nhất.
Các câu hỏi được giải thích bởi các giáo viên trực tiếp đào tạo hộ lý và những hộ lý có nhiều năm kinh nghiệm, giúp các bạn hiểu rõ và có thể ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn.
BƯỚC NGOẶT
Đậu xong chứng chỉ quốc gia được một tháng thì mình quyết định đi học bằng lái ô tô để tiện hơn cho việc đi lại. Suốt thời gian gần 2 năm ở Nhật, do mải tập trung đi làm rồi lại ôn thi nên mỗi ngày của mình hầu như chỉ xoay quanh phòng trọ và bệnh viện, cùng lắm là tới lớp luyện thi, hầu như không có thời gian để đi giao lưu, thăm thú xung quanh. Kể từ sau khi đậu bằng lái xe, chủ động hơn trong việc đi lại, mình mới nhận thấy nếu cứ tiếp tục cuộc sống “ru rú” như trước đây thì không ổn tí nào, thế là mình bắt đầu tìm hiểu các chỗ giao lưu cho người nước ngoài để tham gia thử. Qua vài lần tham gia các buổi giao lưu do quận, thành phố tổ chức, mình có dịp làm quen với các bạn Việt Nam khác ở Niigata, rồi được mọi người rủ đi đá bóng, rủ tới nhà ăn uống, đi xem pháo hoa,…Cuộc sống ở Nhật của mình từ đó mới trở nên màu sắc hơn, chứ đúng là hồi chưa thi đỗ thì chỉ biết cắm đầu vào làm rồi lại về nhà học.
Sau 1 năm làm quen với công việc mới ở vị trí điều dưỡng, mình dần được sếp tin tưởng hơn. Khi bệnh viện tuyển thêm kohai người Việt, mình cũng được sếp cho về Việt Nam để giới thiệu bệnh viện và phỏng vấn cùng. Khi các bạn sang tới nơi, mình lại được giao phụ trách hỗ trợ đời sống và chỉ bảo công việc cho các bạn, có thêm được nhiều trải nghiệm mới trong công việc và cuộc sống.
Công việc đang thuận lợi như vậy thì tới năm 2018, mình và vợ (cũng đi theo chương trình EPA nhưng bên ngạch hộ lý) quyết định kết hôn. Vợ mình khi đó đang làm việc ở Tokyo nên cả 2 cũng đắn đo rất nhiều giữa việc vợ cùng chuyển về Niigata với mình hay mình lên Tokyo với vợ. Dù bác giám đốc bệnh viện ở Niigata có hứa nếu vợ mình về sẽ lo công việc cho vợ, nhưng cuối cùng, bọn mình vẫn quyết định chọn đoàn tụ ở Tokyo vì dù sao nơi đây cũng có nhiều cơ hội công việc hơn.
Chuyển xuống Tokyo nghĩa là phải tự mình đi tìm việc ở một bệnh viện mới, và đây cũng lại là một trải nghiệm mới đối với mình. Khi còn theo học chương trình EPA ở Việt Nam, mình không có tiêu chuẩn riêng gì khi chọn bệnh viện. Lúc đó chỉ mong có bệnh viện nào chịu tiếp nhận để mình có cơ hội sang Nhật làm là mừng lắm rồi. Nhưng sau 4 năm, khi đã có kinh nghiệm làm việc thực tế tại Nhật và thi đỗ được chứng chỉ quốc gia, hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng của ngành, mình bắt đầu có những suy nghĩ và tiêu chuẩn lựa chọn bệnh viện để ứng tuyển riêng.
Ở Nhật có rất nhiều trang tìm việc dành riêng cho ngành điều dưỡng và hộ lý, các công việc đều được công khai rõ về yêu cầu tuyển dụng và chế độ đãi ngộ nên chỉ cần tiếng Nhật tốt và chịu khó tra cứu một chút là có thể tiếp cận được các nơi cần tuyển không mấy khó khăn. Mình thường lên các trang tin tuyển dụng tổng hợp để lấy thông tin về các bệnh viện đang tuyển, sau đó vào trực tiếp phần tuyển dụng trên website của bệnh viện để tìm hiểu thêm và gửi hồ sơ. Đợt đó mình gửi đơn ứng tuyển đi tổng cộng là 4 nơi. Có bệnh viện thì từ chối nói không nhận người nước ngoài, có bệnh viện nhận thì lại xa chỗ vợ mình đang làm quá, cuối cùng chỉ có duy nhất một bệnh viện ở Kawasaki là mình có duyên đi tiếp vào vòng trong và cuối cùng là được nhận naitei.
Chắc hẳn các bạn trên Page đã rất quen thuộc với các khoá học Shukatsu Benkyokai miễn phí và các buổi One Day Shukatsu Seminar giúp hỗ trợ các bạn du học sinh VN có nhu cầu tìm việc tại Nhật do MPKEN tổ chức nhiều năm qua.
Trong quá trình vận hành các khoá học trên, MPKEN nhận được yêu cầu nhờ hỗ trợ luyện phỏng vấn – sửa CV, đưa ra lời khuyên dạng feedback 1:1 từ rất nhiều bạn, trong đó có cả các bạn đã đi làm và đang có nhu cầu chuyển việc…
Để có thể vận hành chỉn chu và duy trì được lâu dài việc hỗ trợ 1:1, từ tháng 3 này, MPKEN ra mắt thêm 1 dịch vụ (career support service) có phí mới dành cho các bạn thực sự có nhu cầu.
Với #5500y (đã bao gồm thuế), các bạn sẽ được chuyên viên tuyển dụng người Nhật có kinh nghiệm của MPKEN hỗ trợ:
Sửa 履歴書、職務経歴書 theo công ty mà bạn dự định nộp hồ sơ
Luyện phỏng vấn 1:1 trong 45p (kèm feedback các điểm cần lưu ý sau khi phỏng vấn thử).
—-> Link đăng ký: Bit.ly/careersupport-mpken
** Có thể toán phí dịch vụ qua PAYPAY hoặc chuyển khoản.
TRỞ VỀ
Dù mới chuyển xuống Tokyo nhưng do thời gian ở Niigata mình thường xuyên đi xe bus xuống thăm vợ (lúc đó mới là người yêu), nên mình cũng bắt nhịp với cuộc sống mới khá nhanh.
Giữa năm 2019, một người bạn của mình giới thiệu cho mình công việc mới tại một công ty du lịch y tế chuyên đưa người Việt Nam sang khám bệnh tại Nhật. Làm điều dưỡng cũng đã nhiều năm, lắm lúc cũng muốn được trải nghiệm với công việc mới có thể giúp mình vừa tận dụng được kiến thức y tế tích luỹ qua nhiều năm, lại năng động, có cơ hội gặp gỡ nhiều người, mở rộng thêm network hơn so với nghề điều dưỡng nên mình quyết định ứng tuyển. Dù mức lương tại chỗ mới kém hơn so với công việc điều dưỡng đang làm, nhưng mình vẫn quyết định chuyển để thử thách bản thân.
Tuy vậy người tính nhiều khi không bằng trời tính. Vừa chuyển việc được chưa đầy nửa năm, khi công việc vùa mới bắt đầu vào guồng thì đại dịch Covid ập tới, Nhật Bản đóng cửa biên giới nên không có bệnh nhân nào qua được Nhật. Bệnh nhân không qua thì mình cũng không có việc gì làm, công ty không cho nghỉ việc nhưng hàng ngày cứ đến văn phòng chỉ học Word, Excel, chẳng làm gì mà vẫn nhận lương mình cảm thấy áp lực rất lớn. Vậy là tới tháng 4/2020, mình quyết định quay trở lại với nghề điều dưỡng và chuyển sang làm việc tại một bệnh viện khác ở Tokyo.
Công việc ổn định trở lại, có thu nhập tốt ngay cả trong mùa dịch, 2 vợ chồng bắt đầu nghĩ để làm sao ổn định cuộc sống hơn. Bọn mình thậm chí còn tìm hiểu thêm về các hình thức để tiết kiệm và đầu tư hiệu quả tại Nhật, đi xem nhà để mua,…
Tuy vậy, Covid cũng làm mình suy nghĩ nhiều hơn về quyết định về hay ở. Mỗi lần trò chuyện với mẹ qua mạng, thấy mẹ chăm lo cho mình từ nhỏ tới lớn, đến lúc con cái ổn định rồi thì lại thân già lủi thủi 1 mình chẳng ai chăm sóc, mình cũng rất băn khoăn. Về Việt Nam làm việc thì gia đình sẽ được quây quần bên nhau, nhưng làm thế nào để kiếm được công việc có thu nhập đủ duy trì mức sống như hiện tại ở Nhật trong khi vật giá đắt đỏ ở Việt Nam những năm gần đây ngày một đắt đỏ cũng làm mình phải suy nghĩ nhiều. Quyết định về hay ở cứ luẩn quẩn mãi trong đầu mình suốt nhiều tháng trời.
Đúng lúc này thì mình lại vô tình đọc được thông tin tuyển dụng liên quan tới một chuỗi phòng khám chuẩn Nhật ở thành phố Hồ Chí Minh với nội dung công việc hấp dẫn, vô cùng phù hợp với những kinh nghiệm của bản thân mà mức lương lại giữ được ngang với ở Nhật. Thế là mình quyết định liều ứng tuyển thử. Quá trình xét tuyển kéo dài qua mấy tháng trời, trải qua 3-4 vòng phỏng vấn từ online tới offline, nhưng có lẽ nhờ duyên tới nên cuối cùng mình cũng được nhận vào làm.
Ngày nhận được kết quả báo đỗ, tâm trạng mình vẫn vô cùng lẫn lộn, vẫn băn khoăn giữa về hay ở,..Nhưng cuối cùng 2 vợ chồng mình vẫn quyết định lựa chọn về Việt Nam làm việc và sinh sống sau gần chục năm phiêu bạt nơi xứ người.
ONE DAY SHUKATSU SEMINAR
THAM GIA ONE DAY SHUKATSU SEMINAR – TĂNG KHẢ NĂNG PASS VÒNG PHỎNG VẤN
Đến hẹn lại lên, One Day Shukatsu Seminar – Event hỗ trợ du học sinh Việt Nam tìm việc tại Nhật của MPKEN sẽ lại lên sóng vào ngày 16/9 tới.
Các bạn du học sinh năm cuối, các chị em theo chồng sang Nhật đang muốn tìm hiểu về hành trình tìm việc ở Nhật để kiếm 1 công việc full-time đều có thể tham gia MIỄN PHÍ.
Tất cả những điểm quan trọng cần lưu ý khi tìm việc tại Nhật sẽ được tổng hợp và truyền tải ngắn gọn tới các bạn trong nửa đầu của buổi seminar. Còn nửa sau của seminar sẽ là phần luyện tập phỏng vấn với các staff người Nhật & người Việt của MPKEN ^^.
ĐẶC BIỆT, buổi seminar còn có sự tham gia chia sẻ của 1 bạn người Nhật vừa trải qua quá trình xét tuyển của….gần 30 công ty nữa. Các bạn đang băn khoăn ko biết mình phải làm thế nào để cạnh tranh được với các bạn Nhật thì rất nên tham khảo quá trình tìm việc và những kinh nghiệm đúc kết được của bạn ấy nhé.
THAM GIA NGAY VÌ SEMINAR HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ & VÔ CÙNG CÓ ÍCH CHO HÀNH TRÌNH TÌM VIỆC CỦA BẠN.
==========
– Link đăng ký: https://www.mpkenhr.jp/register
– Thời gian: 14h ~16h30 ngày 16/9 (Thứ 6)
– Hình thức: Online qua Zoom (Có bao gồm luyện phỏng vấn MIỄN PHÍ)
– Giới hạn: Tối đa 20 người (để đảm bảo chất lượng luyện phỏng vấn).
Xem thêm:
Tỷ lệ người Việt Nam đỗ kỳ thi lấy chứng chỉ Hộ lý quốc gia Nhật Bản tăng cao
LỜI NHẮN:
Từ tháng 9 này mình sẽ chuyển vào TPHCM và bắt đầu công việc mới tại một bệnh viện tư đang hướng tới việc triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh chuẩn Nhật. Công việc mới của mình không đơn thuần chỉ là điều dưỡng trong bệnh viện nữa mà còn được phụ trách cả khâu đào tạo và quản lý. Sẽ có nhiều thử thách hơn nhưng đó cũng cơ hội để mình có thể phát huy được những kinh nghiệm đã tích luỹ được lâu nay theo một hướng mới nhiều trải nghiệm hơn, và quan trọng là nó giúp mình được về gần hơn bên gia đình.
Hiện nay chương trình EPA vẫn đang tiếp tục tuyển thành viên mới hàng năm, và mình vẫn hay nhận được tin nhắn hỏi kinh nghiệm từ các em kohai. Nếu có thể gửi 1 lời nhắn tới các lớp đàn em đi sau, mình muốn nhắn nhủ rằng nếu có cơ hội thì các em hãy cứ mạnh dạn thử sức. Việc vừa đi làm, vừa học thi ở một đất nước mới với một ngôn ngữ mới chắc chắn sẽ rất vất vả, nhưng nó cũng sẽ mở ra cho mình nhiều cơ hội mới mà nếu chỉ ở trong nước thì chúng ta sẽ khó có thể có được. Và nếu đã chọn đi Nhật thì việc học tốt tiếng Nhật là vô cùng cần thiết, vì chỉ có tiếng Nhật tốt thì mình mới có thể tự xoay xở và làm chủ cuộc sống của mình ở nơi xứ người thôi.
Việt Nam, tháng 8/2022
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận