LÀM QUEN VỚI CUỘC SỐNG MỚI
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Nhật Bản Học tại Đại học KHXH Nhân Văn, mình vào làm việc cho 1 công ty liên quan tới phái cử kỹ sư sang Nhật tại Hà Nội 1 năm trước khi kết hôn và chuyển vào Sài Gòn làm việc. Khi bé đầu nhà mình được hơn 1 tuổi rưỡi thì anh trai của chồng mình (khi đó đang điều hành 1 công ty về phái cử nhân sự ở Nhật) đánh tiếng rủ vợ chồng mình sang Nhật sinh sống và làm việc cho công ty của anh. Mình thì có sẵn vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm làm trong ngành nhân sự nên có thể phụ giúp công việc cho anh luôn. Còn chồng mình tuy không biết tiếng Nhật nhưng vẫn có thể hỗ trợ 1 số công việc không cần tới tiếng Nhật trong công ty và lái xe đưa đón lao động nên có thể làm 28h/tuần ở công ty anh trai mình theo visa gia đình. Tính toán thấy như vậy khá hợp lý, nên dù công việc và sinh hoạt của 2 vợ chồng mình ở Việt Nam đã tương đối ổn định, gia đình mình vẫn quyết định cùng nhau sang Nhật.
Do có sẵn vốn tiếng Nhật từ trước, cuộc sống và công việc khi mới sang đều được anh trai của chồng mình hỗ trợ rất nhiều nên gia đình mình ổn định được chỗ và môi trường sống ở Nhật khá nhanh. Duy chỉ có vấn đề làm sao để vừa đảm bảo được sinh hoạt điều độ cho con, vừa thu xếp được công việc là 2 vợ chồng mình phải mất gần nửa năm trời mới giải quyết được. Vì sang Nhật hơi sớm so với đợt nhập học ở Nhật, nên phải gần 4 tháng sau khi sang bé nhà mình mới xin được vào nhà trẻ. Con chưa tới 3 tuổi, mới đi học lại hay ốm nên cứ thi thoảng chồng mình đang làm việc lại phải chạy về đón. Còn công việc của mình thì thường phải đi khá xa tới các tỉnh để gặp gỡ trao đổi với lao động và các công ty, nên nhiều hôm mình tới tận 7-8 tối mình mới về tới nhà. Dù chồng mình cũng hỗ trợ việc chăm con và làm giúp việc nhà khá nhiều, nhưng dù sao thì vẫn không thể thay thế vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. Nhiều hôm đang đi gặp khách hàng ở xa, nhận được điện thoại báo tin con ốm mà dù biết chồng đã về đón giúp, mình vẫn bồn chồn, nóng ruột không yên.
Về phần công việc thì thời gian đầu khi mới đi làm mình cũng gặp khá nhiều khó khăn. Khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, tuy vốn tiếng Nhật đã ở mức N2 rồi nhưng kinh nghiệm làm việc thực tế với người Nhật của mình rất ít, nên thời gian đầu mình khá bối rối trong việc xử lý những xung đột giữa công ty tiếp nhận và người lao động do những khác biệt về cách làm việc, suy nghĩ của hai bên. Ví dụ như người Việt Nam mình khi làm sai thì thường có thói quen cười trừ, nhưng người Nhật ở nhà máy thì không hiểu nên cứ thắc mắc tại sao các bạn lao động làm sai, quản lý nhắc nhở mà các bạn lại không xin lỗi, cứ đứng cười. Rồi các bạn hay có thói quen đi làm sát giờ, nghe giải thích tiếng Nhật nhiều khi không hiểu nhưng sợ bị trách là kém tiếng không làm được việc nên cứ gật đầu cho xong…Mỗi lần gặp những phát sinh như vậy, mình lại phải gặp và trao đổi với cả 2 phía để xem nguyên nhân chính của vấn đề ở đâu để tìm cách tháo gỡ và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Cứ túc tắc thu xếp công việc và cuộc sống như vậy, thì sau khoảng hơn nửa năm, mọi việc cũng dần đi vào quỹ đạo.
Xem thêm:
Phụ nữ làm thế nào để vừa có một sự nghiệp phát triển vừa chăm lo được việc nhà
ĐÓN THÀNH VIÊN MỚI
Công việc dần vào guồng được một thời gian thì mình có bầu và chuẩn bị sinh bé thứ 2. Vì sinh mổ (biết trước ngày sẽ sinh) nên mình không nghỉ sinh sớm trước 6 tuần như các mẹ khác mà đi làm tới sát tận 2 tuần trước khi lên bàn mổ. Thấy mình bụng bầu to tướng hơn 8 tháng trời vẫn đi tới tận các tỉnh xa để xử lý công việc, các bác ở công ty khách hàng cũng rất tạo điều kiện. Ví dụ như khi mình đi dịch ở các công ty hàn thì chỉ khi nào thật cần thiết các bác mới chạy ra nhờ mình dịch giúp, còn đều nhắc mình đứng cách xa xưởng hàn ra để không ảnh hưởng tới em bé.
Thời gian có bầu tuy đi hơi mệt một chút, nhưng được mọi người ưu tiên để ý nên mình thấy mọi thứ trôi qua cũng khá nhẹ nhàng. Chỉ tới khi em bé ra đời, rồi phải vừa chăm đứa bé, vừa lo cho đứa lớn, vừa đi làm full- time 8 tiếng một ngày, mình mới thấm thía sự vất vả của việc “1 nách 2 con” mà các cụ ngày xưa vẫn nói. Để sắp xếp được mọi thứ ổn thoả nhất có thể, hai vợ chồng mình phải thống nhất phân công việc nhà với nhau và thức tới tận khuya để chuẩn bị sẵn đồ ăn cho ngày hôm sau và đồ đi học cho con.
Rồi khi bé lớn lên lớp 1, việc đưa đón nhàn đi được một tí thì mình lại được phân công vào ban truyền thông của hội PTA trong trường. Hàng tháng, nhóm mình phải lo viết bài, chụp ảnh về các hoạt động của trường, rồi tham gia bán hàng trong lễ hội do trường tổ chức. Công việc tuy không quá nhiều, nhưng thi thoảng 1 tháng 1 lần mọi người lại hẹn họp bàn phân công công việc với nhau vào lúc 8h tối. Vì đi làm về muộn nên khung giờ này đối với mình thường là khung giờ bận nhất, phải lo cơm nước, ăn uống, tắm rửa cho con rồi chuẩn bị cho ngày hôm sau, nhưng vì cũng không thể lấy lý do bản thân bận để thoái thác được nên mình vẫn xoay xở để tham gia thật đầy đủ. Đối với một mẹ đi làm full-time như mình thì việc tham gia các hoạt động PTA này tuy làm mình mất thêm kha khá thời gian, nhưng cũng là dịp để mình có thể làm quen và nói chuyện với các mẹ Nhật khác, có thêm nhiều trải nghiệm và hiểu hơn về sự kết nối giữa nhà trường- gia đình trong việc giáo dục các bé nhỏ ở Nhật.
Xem thêm:
Phụ nữ đã có gia đình ở Nhật nên đi làm fulltime hay baito!?
MỘT NÁCH 3 CON
Khi bé đầu học cấp 1 được một thời gian và bé thứ 2 bắt đầu cứng cáp và ít ốm vặt hơn, mình quyết định sinh thêm bé nữa để gia đình thêm đông vui, các con có thêm anh chị em chơi cùng.
Do lần thứ 2 đã sinh mổ rồi nên lần thứ 3 mình lại tiếp tục sinh mổ nữa. Thấy ông bà 2 bên đợt đó sức khoẻ không được tốt, bản thân lại đã có kinh nghiệm chăm 2 bé rồi, nên 2 vợ chồng mình quyết định tự chăm 3 đứa mà không nhờ ông bà sang giúp. Tuần đầu ở trong viện mọi chuyện trôi qua khá êm đẹp, nhưng mọi thứ chỉ thực sự khủng khiếp khi mình ra viện và phải tự xoay xở trông đứa bé mới sinh và đưa đón 2 bạn lớn.
Vừa ra viện được vài ngày, vết mổ vẫn còn đau, nhưng vì chỉ có 1 mình ở nhà nên mình vẫn phải lom khom tự đi lại, lo cơm nước, bỉm sữa cho bé thứ 3, đưa đón bé thứ 2 đi học mẫu giáo, và dẫn bé đầu đi học ngoại khoá sau giờ học. Cố được tới tháng thứ 6 thì mình quyết định phải đón bà ngoại sang phụ giúp để chuẩn bị đi làm lại. Cũng may là sau 3 tháng bà sang phụ giúp thì bé thứ 3 nhà mình được vào học cùng trướng với bé thứ 2, và bé đầu cũng bắt đầu quen với việc tự đi về được sau giờ học, nên cuộc sống của gia đình mình dần đi vào quỹ đạo. Mình trở lại với công việc, vẫn hàng ngày phối hợp cùng chồng xoay xở để cân bằng giữa việc chăm 3 đứa con và công việc cần làm ở công ty.
Sau khi đi làm trở lại, mình cũng đi đến nhiều công ty ở địa phương là khách hàng của bên mình để làm việc hơn, và đây chính là quãng thời gian mình nhận ra là hình như sau 7 năm làm ở Nhật, vốn tiếng Nhật của mình có vẻ vẫn không khá khẩm lên chút nào. Khi nói chuyện với các bác già ở các công ty này nhiều khi mình vẫn không hiểu mấy, có lẽ do các bác dùng tiếng địa phương. Thấy nếu xác định sinh sống ở Nhật lâu dài mà cứ để tiếng Nhật của mình dậm chân tại chỗ mãi như vậy cũng không ổn, mình quyết tâm học thêm tiếng Nhật với mục tiêu là phải lấy bằng được chứng chỉ N1.
6 LẦN THI N1 & 2 LẦN THI CHỨNG CHỈ PHIÊN DỊCH Y TẾ
Dù đã sống ở Nhật được 7 năm, công việc cũng thường xuyên sử dụng tiếng Nhật nhưng vì ngôn ngữ sử dụng trong các bài thi N1, đặc biệt là phần từ vựng và đọc hiểu khá đặc thù, nên mình xác định muốn thi đỗ thì phải dành thời gian học thật cẩn thận. Hàng ngày sau khi đi làm về và lo việc ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ cho các con xong là mình lại chong đèn ngồi học N1 tới khuya. Công việc thường xuyên phải đi tàu khá xa để tới gặp khách hàng, nên mình cũng tận dụng luôn khoảng thời gian ngồi trên tàu này để tranh thủ nghe thêm tin tức, học từ vựng và làm đề các năm cũ.
Vừa đi làm, vừa chăm 3 con nhỏ, vừa cố gắng sắp xếp thời gian để ôn thi mỗi ngày như vậy, nhưng phải tới lần thi thứ 6, sau nhiều lần rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, mình mới đạt được số điểm cần thiết để có được chứng chỉ N1. Suốt trong gần 3 năm, từ 7/2017 đến 12/2019, cứ nửa năm một lần mình lại đi thi rồi lại nhận kết quả trượt. Nhưng bản tính hiếu thắng đã không cho phép mình bỏ cuộc khi chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đối với mình, hành trình học và thi N1 không chỉ đơn thuần là việc ôn thi để có thêm được 1 chứng chỉ ghi vào cho đẹp CV, mà còn là hành trình mình vượt qua được cảm giác tự thoả hiệp với bản thân, cho phép mình lấy lý do bận rộn con cái, công việc để từ bỏ việc cố gắng học hành, trau dồi và đạt tới mục tiêu mà mình đã đặt ra.
Sau khi hoàn thành xong kỳ thi N1, mình bắt đầu tìm hiểu thêm cả về phần tiếng Nhật y tế. Do đặc thù công việc, nên không ít lần mình phải dẫn lao động người Việt đi tới các bệnh viện, phòng khám để khám bệnh, và hướng dẫn, giải thích cách làm các thủ tục bảo hiểm liên quan cho các bạn. Mỗi lần như vậy, mình lại có dịp tiếp xúc với nhiều từ ngữ liên quan tới các triệu chứng, tên bệnh, xét nghiệm chụp chiếu khác nhau nên bắt đầu tò mò và muốn học thêm về phần kiến thức này. Đúng lúc đó thì trên 1 số hội nhóm của người Việt tại Nhật mà mình tham gia có thông tin chia sẻ về kỳ thi Chứng chỉ Phiên dịch Y tế Nhật- Việt được tổ chức lần đầu tiên vào 10/2020 (kỳ thi cho tiếng Anh và tiếng Trung thì đã có từ trước đó rất lâu), thế là mình quyết định đăng ký thi và tự học theo bộ tài liệu đề cương được phía bên công ty hỗ trợ việc tổ chức thi cung cấp. Lần đầu được tiếp xúc với một lượng lớn kiến thức y tế từ giải phẫu cơ thể, cho tới tên của rất nhiều loại bệnh và triệu chứng khác nhau, mình vừa thích thú vừa hồi hộp. Suốt 2 tháng liền trước khi thi, mình lại tiếp tục hành trình tận dụng thời gian sau khi con ngủ và khi ngồi tàu đi làm như trước đây khi học N1 để ôn thi. Kết quả là sau 2 tháng chăm chỉ cày cuộc, mình đã trót lọt vượt qua vòng 1 của kỳ thi với điểm số tương đương với mức độ 2kyu của kỳ thi này.
Vòng 2 của kỳ thi là thi nói, thí sinh sẽ thi dưới hình thức nhập vai phiên dịch, dịch cho 2 vị giám khảo đóng vai bác sĩ và bệnh nhân trong vòng 15 phút về 1 căn bệnh mà mình không biết trước. Dù khá căng thẳng trước kỳ thi viết, nhưng tới kỳ thi nói thì mình lại tương đối tự tin vì nghĩ mình đã từng có kinh nghiệm dẫn các bạn Việt Nam đi khám nhiều rồi. Tuy vậy, khi vào phòng thi, ở trong tình trạng không có smartphone, không được sử dụng từ điển và gặp phải tên bệnh lạ chưa từng nghe thấy trước đó, mình đã khá lúng túng và dịch sai, dịch sót khá nhiều nên đã không vượt qua vòng thi thứ 2 này.
Khá hụt hẫng vì kết quả không như kỳ vọng, nhưng đây cũng là dịp rất tốt để mình nhìn nhận lại năng lực của bản thân và cảm thấy sự quyết tâm, nỗ lực của mình dành cho việc luyện thi nói riêng và học tiếng Nhật y tế nói chung thời gian vừa qua là chưa đủ. Dù những người trượt vòng 2 vẫn được thi lại 1 lần nữa vào kỳ thi sau, nhưng mình đã bỏ qua quyền lợi đó và quyết tâm ôn lại vòng 1 từ đầu. Mục tiêu lần này của mình là phải đỗ 1kyu ở ngay vòng thi đầu, và vòng 2 thì sẽ ôn thật tốt để cũng đạt 1 kyu. Có như vậy thì mình xét tổng thể mình mới được cấp thẻ và chứng chỉ Phiên dịch Y tế cấp 1, là chứng chỉ được nhiều bệnh viện lớn công nhận và chỉ cho phép người có chứng chỉ cấp 1 mới được phụ trách phiên dịch các ca bệnh ở chỗ họ.
Rút kinh nghiệm từ lần thi trước, nếu chỉ học theo mỗi đề cương không thì chắc chắn không đủ kiến thức để đạt được 85 điểm trở lên (mức để đạt 1kyu), nên ngoài phần đề cương được phát lần trước, lần này mình còn chủ động tìm tòi thêm các tài liệu liên quan như các video về các loại bệnh, cấu tạo cơ thể người có trên Youtube, hay ứng dụng Kanguru hỗ trợ các y tá của Nhật luyện thi chứng chỉ y tế quốc gia,…Mỗi ngày mình dành 3-4 tiếng để ôn thi, trong đó có khoảng 1 tiếng tới 1.5 tiếng là thời gian ngồi trên tàu, còn lại là buổi tối khuya sau khi con đã đi ngủ. Mình lưu ý học có hệ thống hơn, không chỉ học đâu biết đấy như trước, mà khi học về hệ tuần hoàn thì mình sẽ học về cấu tạo tim mạch trước, xem có những bộ phận gì, chức năng các bộ phận đó ra sao. Sau đó mới học tiếp về các triệu chứng, tên bệnh và xét nghiệm liên quan. Nhờ cách học này mà ở lần thi lại thứ 2, mình đã đạt được mức độ 1kyu cho vòng thi đầu tiên.
Để chuẩn bị cho vòng thi thứ 2, lần này mình chú ý ôn luyện thêm về cách ghi chép, cách bắt từ khoá, rồi lập nhóm với các bạn cùng thi để hàng ngày cùng phân vai luyện tập với nhau, vừa giúp nhớ từ, vừa phản xạ nhanh khi chẳng may gặp từ không biết, mà cũng quen dần với không khí thi để hôm thi chính bớt run hơn. Và sau hơn 1 tháng trời ngày nào cũng thức tới tận 1-2h sáng để học nhóm ôn thi như vậy, thì lần thi roleplay thứ 2 này, mình đã đạt đủ điểm số cho cấp độ 1 và chính thức được cấp chứng chỉ và thẻ phiên dịch y tế Nhật- Việt cấp độ 1.
*Giới thiệu sách hay: 人体解剖図
Nếu bạn đang quan tâm tới kỳ thi chứng chỉ phiên dịch y tế thì ngoài vốn tiếng Nhật ra, bạn cũng cần có kiến thức nhất định về giải phẫu cơ thể người. Các bạn có thể tham khảo cuốn sách 人体解剖図 này nhé! Sách được đánh giá là dễ hiểu, phù hợp với những người không có chuyên môn về y khoa.
NGÃ RẼ MỚI CHO SỰ NGHIỆP
Trong thời gian học để luyện thi chứng chỉ phiên dịch y tế, mình ngày càng cảm nhận rõ niềm đam mê của mình với lĩnh vực này. Mình muốn được làm nhiều công việc liên quan tới mảng phiên dịch y tế hơn, muốn được thực hành nhiều hơn,và hơn hết, muốn được thử ra ngoài làm để tự phấn đấu bằng sức mình xem thế nào, nên bắt đầu nhem nhóm ý định chuyển việc.
Thời gian đầu chồng mình và các anh chị em trong gia đình cũng phản đối rất nhiều, nhưng rồi sau dần thấy mình quyết tâm nên chồng cũng không nói gì nhiều, để mình được tự quyết. Sau khi xin nghỉ việc tại công ty anh trai chồng, mình bắt đầu lên mạng tìm kiếm các công việc liên quan, và may mắn được nhận vào làm công việc hỗ trợ các em thực tập sinh người Việt làm hộ lý trong 1 bệnh viện ở Osaka. Công việc này vừa có phần gần gũi với công việc trước đây mình từng làm ở chỗ cũng liên quan tới việc phiên dịch, hỗ trợ đời sống cho các em thực tập sinh, lại vừa được làm trong môi trường bệnh viện, được tiếp xúc thường xuyên với các bác sĩ, y tá, các thiết bị chụp chiếu, …Thi thoảng khi có bệnh nhân người Việt tới khám, mình cũng được phân công phiên dịch cho các bệnh nhân và bác sĩ, y tá trong viện nên các kiến thức đã học được trong thời gian học thi chứng chỉ phiên dịch y tế đã hỗ trợ mình rất nhiều.
Hiện mình mới làm công việc này được hơn 1 năm, mọi thứ vẫn còn ở phía trước và cũng còn rất nhiều khó khăn phải khắc phục (ví dụ như giờ giấc đi làm sẽ không được chủ động như trước nữa, phải làm quen với một môi trường mới toàn người Nhật), nhưng mình cảm thấy rất vui vì được đi trên con đường riêng mà mình chọn, và mỗi ngày đều được học hỏi và tiếp xúc với những kiến thức mới.
LỜI NHẮN
Khi thấy mình chia sẻ về hành trình tương đối vất vả để thi đỗ N1 và chứng chỉ phiên dịch y tế của bản thân, bạn bè mình thường hỏi sao vẫn đi làm full-time và có tới 3 đứa nhỏ phải chăm mà mình vẫn có động lực để học và thi nhiều như thế. Đúng là đối với một bà mẹ có con nhỏ rồi lại đi làm cả ngày như mình thì lúc nào cũng thấy bản thân bận rộn và thiếu thời gian, nhưng nếu mình có một mục tiêu thực sự để hướng tới và phấn đấu, thì vẫn hoàn toàn có thể sắp xếp tận dụng được rất nhiều khoảng trống trong ngày. Việc dành thời gian để học hỏi, trau dồi mỗi ngày giúp mình cảm thấy bản thân trưởng thành hơn và có thêm nhiều cơ hội cho các công việc trong tương lai.
Osaka, tháng 6/2022
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận