QUYẾT ĐỊNH DU HỌC
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, mình cùng 5 bạn cùng trường khác may mắn giành được cơ hội sang Israel thực tập. Trong thời gian ở Israel, mình thường tranh thủ thời gian rảnh để tìm kiếm thông tin về cơ hội để học tiếp lên cao học vì mình rất đam mê ngành Nông nghiệp và muốn học lên cao thêm để có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu nhiều kiến thức hơn về ngành này. Hồi đó thầy trưởng khoa của mình ở đại học có giới thiệu cho mình một chương trình học thạc sĩ liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó học viên sẽ vào học tại Huế một thời gian rồi sau đó mới sang Nhật học tiếp. Thấy chương trình này khá hay nên mình rất hứng thú, còn tự tìm hiểu thêm khá nhiều thông tin liên quan tới việc học cao học cũng như sinh sống ở Nhật để chuẩn bị. Nhưng thật tiếc là tới khi mình từ Israel trở về thì chương trình học cao học liên kết Việt – Nhật này lại kết thúc mất rồi. Không còn cơ hội sang Nhật học cao học như dự kiến, mình có cơ hội ở lại và làm việc tại phòng Quan hệ Quốc tế của trường, nhưng do một phần là mức lương cảm nhận thấy không đủ trang trải cuộc sống, nên mình quyết định một mình xuống Hà Nội làm nhân viên kinh doanh tại một công ty chuyên về cà phê tại Hà Nội.
Dù mức lương mình nhận được từ công việc mới khá cao vì thành tích kinh doanh tốt, nhưng vì vẫn ấp ủ mong muốn sang Nhật du học, nên ngoài giờ làm việc, mình vẫn tranh thủ tìm hiểu thêm các hướng để có thể học tiếp lên cao học ở Nhật. Trong một lần nói trò chuyện, mình được người quen gợi ý đi theo hướng mới, không phải xin thẳng vào cao học ở các trường của Nhật ngay, mà sang học 1-2 năm ở các trường tiếng Nhật, trong thời gian đó vừa kết hợp học tiếng Nhật để có N2, vừa tìm hiểu thông tin các trường và tìm hướng tiếp cận giáo sư. So với việc đi theo học bổng Nhà nước, hay các chương trình học liên kết khác thì hướng này tốn kém hơn, nhưng có thể đi sớm vì điều kiện để đi cũng không yêu cầu gì nhiều về bằng cấp, học lực, kinh nghiệm. Thấy đây cũng là một hướng đi hay, và khoản tiền phải bỏ ra cũng nằm trong khả năng chuẩn bị của bản thân (mình cũng tiết kiệm được một khoản tiền vừa đủ để trang trải chi phí này trong thời gian đi làm ở Israel và làm nhân viên kinh doanh dưới Hà Nội), mình quyết định đăng ký làm hồ sơ du học luôn và chính thức đặt chân sang Nhật.
Xem thêm:
Du học Nhật Bản – Những điều nên biết
Tự học tiếng Nhật – không khó như bạn tưởng
BƯỚC NGOẶT VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM KHÓ QUÊN
Thời gian đầu khi mới sang Nhật, công việc còn kiếm khó lắm, nhiều bạn phải mất 2-3 man (4 -6 triệu) để vào các trung tâm giới thiệu mất phí, làm công việc chân tay. Mình không chịu để mất cái phí này nên có tự lên mạng tìm hiểu và biết được trung tâm giới thiệu việc miễn phí của quận Tokyo là Hello Work để xin tìm việc. Khi tiếng khá hơn một xíu thì mình bắt đầu xuất hiện tâm lý sốt ruột vì bạn bè ở Việt Nam ai cũng công ăn việc làm ổn định cả rồi, có mỗi mình tự dưng lại quay trở lại cuộc sống sinh viên từ đầu, nên mình rất ham kiếm tiền, lao đầu đi làm thêm bất kể giờ giấc. Mải làm quá không có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức khoẻ nên chỉ sau 2 tháng sang Nhật, mình từ gần 78kg sụt xuống còn có chưa tới 68kg. Nhiều hôm đi làm mệt mình vào phòng tắm ngâm mình trong bồn, mà nhiều hôm thức dậy đã thấy khoảng 3-4 tiếng ngủ quên trong đó. Hay đi học lúc nào cũng phải đứng ở cửa tàu dựa lưng vào đó để ngủ, và đặt hẹn đồng hồ, vì chỉ khi cửa mở mới giật mình tỉnh dậy để xuống đúng nhà ga, chứ không dám ngồi, vì có lần ngồi mà ngủ quên trên tuyến tàu Yamanote chạy 2-3 vòng mà mình vẫn chưa tỉnh ngủ. Kỷ niệm mà mình nhớ nhất là một hôm học ở trường thì mình gục luôn ở trong lớp, có lẽ vì hôm trước đi làm mệt quá. Thầy cô giáo thấy vậy vội dìu mình lên phòng y tế của trường để nghỉ, do đi làm nhiều nên giầy của mình nó bốc mùi, mà trong sự miên man đó, trước khi nằm ở trên giường cô giáo định cởi cho mà mình nhất quyết không dám để cô cởi vì sợ cô giáo cũng ngất theo vì mùi từ giày bay ra. Từ sau lần đó, mình chợt nhận ra nếu cứ tiếp tục mải mê cày cuốc baito như vậy thì thật sự không ổn. Cứ như vậy thì sẽ tới ngày sức khoẻ mình kiệt quệ, và ước mơ sang Nhật để học lên tiếp cao học rồi cũng chả đi tới đâu mất thôi. Vậy là mình quyết định phải thay đổi.
Xem thêm:
Làm gì sau khi tốt nghiệp trường tiếng?
Tìm hiểu công việc hỗ trợ du học sinh trường tiếng Nhật
Chia sẻ của sempai: Thi Cao học tại Nhật có khó không
Mình giảm bớt số giờ làm thêm lại, tập trung vào việc học tiếng Nhật nhiều hơn để nhanh đạt tới mục tiêu thi đỗ N2. Bên cạnh việc chú tâm hơn vào việc học trên lớp, mình cũng tích cực tham gia vào các hoạt động khác do trường tổ chức, trong đó dấu mốc đáng nhớ nhất là cuộc thi hùng biện tiếng Nhật (Japanese Speech Contest). Cuộc thi có tổng cộng gần 500 bạn tham gia, cuối cùng chỉ có 8 người được chọn vào vòng chung kết và mình may mắn là 1 trong số đó. Vì có niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp nên hồi đó mình cũng chọn phát biểu về đề tài này. Qua buổi hôm đó, hầu hết mọi người trong trường có tham gia nghe hùng biện đều biết mình thích ngành nông nghiệp và đang muốn tìm trường để học lên cao học. Đây cũng chính là cơ duyên giúp mình kết nối được với giáo sư hướng dẫn mình sau này, vì một người chị cùng lớp sau khi nghe và biết mình muốn học tiếp về ngành này đã giới thiệu cho mình một người bạn có người thân trong lĩnh vực liên quan, và người bạn đó của chị đã giới thiệu mình với thầy. Các bạn đã từng học cao học ở Nhật chắc đều biết, để được nhận vào học thạc sĩ tại 1 trường nào đó, thì ngoài thi các bài thi của trường thôi chưa đủ, mình còn phải được giáo sư chấp nhận nữa. Vì vậy việc kết nối được trước với giáo sư như vừa kể ở trên thực sự đã giúp mình gặp thuận lợi hơn rất nhiều trên con đường thi và đỗ vào khoá học thạc sĩ tại trường Tokyo Nokodai sau này.
Ngoài tập trung vào học tiếng Nhật tốt, mình cũng tích cực dành thời gian vào việc tham gia các hoạt động cộng đồng hơn. Tính mình vốn thích tham gia các hoạt động đoàn, hội đội từ bé, suốt từ lớp 1 tới lớp 9 mình đều giữ chức lớp trưởng, lên cấp 3 thì tham gia vào hoạt động trong Đoàn trường, vào đại học thì giữ chức Thư kí hội sinh viên của trường, hay Hội sinh viên của khoa và của lớp, các hoạt động tiếp sức mùa thi, hỗ trợ đồng bào miền núi xây đắp sửa đập, cắt lúa cho nông dân,…mình đều có mặt đầy đủ. Hoạt động nhiều đến nỗi ở trường ai cũng quen mặt. Thời gian đầu khi sang Nhật, do mải làm thêm quá nên mình có bỏ qua các hoạt động này, nhưng sau khi thu xếp giảm bớt giờ làm thêm lại được, mình lại tiếp tục tìm kiếm nơi để đam mê đoàn hội đội của mình có thể tiếp tục được phát triển, và mình đã quyết định tham gia vào VYSA (Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản). Đúng thời điểm mình gia nhập VYSA thì hội lại đang khuyết vị trí Trưởng ban thông tin, và mình đã được các anh chị đi trước tin tưởng giao phó cho vị trí này dù mới vừa chân ướt chân ráo vào hội chưa được bao lâu.
Từ khi tham gia và đảm nhận vị trí này, mình có động lực để mày mò tự học thêm rất nhiều các phần mềm, ứng dụng làm poster và dựng video khác nhau nhằm phục vụ cho công việc thông tin – truyền thông cho các hoạt động của Hội. Video có số lượng view nhiều nhất cho đến nay cũng là video file ngắn làm về chủ đề học sinh Việt Nam đón Tết tại Nhật Bản. Mình cũng có cơ hội được gặp và quen biết nhiều doanh nhân ở Nhật hơn sau mỗi lần đại diện VYSA đi xin tài trợ từ các doanh nghiệp. Và cũng chính nhờ hoạt động tại VYSA mà mình có dịp quen nhiều anh chị người Việt Nam làm việc trong đại sứ quán, được anh chị giới thiệu cho nhiều mối quan hệ mới mà có những nơi cho tới giờ mình vẫn duy trì liên lạc.
Kể từ khi nhìn nhận lại định hướng của bản thân khi sang Nhật và sắp xếp, cân bằng lại thời gian cho việc học, làm thêm và các hoạt động xã hội, cuộc sống của mình ở Nhật dần đi theo đúng lộ trình hơn và bản thân mình cũng có thêm được rất nhiều trải nghiệm đáng quý. Trong đó có trải nghiệm 1 tuần làm trưởng đoàn của Hội VYSA tham gia chương trình homestay tưởng nhớ cụ Phan Bội Châu, người tiên phong cho phong trào Đông Du cứu nước. Ở nơi này mình có bố mẹ nuôi, và vẫn giữ liên lạc hơn nửa thập kỷ qua, đám cưới của mình diễn ra tại Tokyo cũng có sự góp mặt của họ tới dự và trực tiếp hát các bài hát của Nhật để chúc mừng.
*Giới thiệu sách hay: 言いかえ図鑑
Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, chỉ cần chúng ta để ý một chút cách dùng từ thôi thì cũng tạo được ấn tượng tốt hơn với người đối diện, có thể đạt được hiệu quả khác hơn. Cuốn sách 言いかえ図鑑 đưa ra những tình huống cụ thể, sau đó giải thích tình huống, phân tích tâm lý người nghe, cũng như đưa ra ví dụ cách nói hay hơn. Các bạn nhớ tìm đọc thử nhé!
NGHỀ CHỌN NGƯỜI
Trong thời gian học tại cao học, mình có duyên gặp gỡ và thành đôi với vợ mình hiện nay. Hai vợ chồng cùng tốt nghiệp một năm, vợ mình thì nhận được naitei từ một công ty ở Shibuya, còn mình thì đỗ vào một công ty đúng ngành học nhưng lại ở tận Saitama. Dù vẫn ở trong Kanto, và nếu chịu khó mỗi ngày đi làm xa một chút thì bọn mình vẫn sắp xếp được, nhưng vì nghĩ về lâu dài nếu khi có con cái mà đi làm xa thế này cũng khá vất vả, nên cuối cùng mình đã quyết định từ chối công ty ở Saitama và nhận lời ở lại làm công việc hỗ trợ du học sinh tại trường Nhật ngữ ở Shinjuku nơi mình đã làm thêm từ hồi còn học năm 1 cao học.
Đam mê nông nghiệp, cất công học lên tận cao học để hiểu thêm về ngành mà cuối cùng lại làm một công việc không liên quan gì tới ngành đã học, nhiều người cũng từng hỏi mình có cảm thấy tiếc không. Nhưng thật sự công việc mình đang làm cũng liên quan chút xíu đến đề tài và khoa mình học hồi còn ở Cao học đó là ngành quốc tế, vì thế dù các anh chị vào trường trước mình chỉ xin visa được 1 năm, nhưng mình đã xin được 3 năm ngày từ lần đầu tiên. Mình nghĩ nhiều khi là nghề chọn người chứ cũng không phải là người chọn nghề. Công việc hiện nay tuy không liên quan gì tới ngành mình học lắm, nhưng lại cực kỳ hợp với tính cách thích tham gia các hoạt động cộng đồng của mình từ trước tới nay. Những kinh nghiệm, mối quan hệ và kỹ năng mềm có được trong thời gian hoạt động trong VYSA cũng phát huy được rất nhiều trong công việc hỗ trợ du học sinh trường tiếng hiện tại, nên mình cảm thấy không hề hối tiếc về lựa chọn của bản thân, và hiện cũng đã gắn bó với công việc này được hơn 5 năm rồi.
Trong suốt 5 năm làm việc ở trường, số lượng du học sinh mà mình tiếp xúc và đồng hành đã lên tới con số vài trăm. Có nhiều bạn rất chăm chỉ, suốt 2 năm học không nghỉ buổi nào, khi ra trường nhận được 3 loại học bổng lớn và đỗ vào trường đại học nổi tiếng, nhưng cũng có bạn sang đây gặp phải nhiều cám dỗ trong cuộc sống xa nhà nên có va vấp, thậm chí có bạn không theo học được tới cùng phải về Việt Nam giữa chừng. Mỗi bạn du học sinh là một câu chuyện khác nhau, với những trăn trở, khúc mắc khác nhau về cuộc sống, về tương lai phía trước, và việc được đồng hành cùng một quãng đường dù là ngắn trong hành trình ấy của các bạn, luôn là điều khiến mình rất vui và là động lực lớn để mình tiếp tục duy trì làm công việc này cho tới hiện tại.
Ngoài việc hỗ trợ các bạn du học sinh trong trường, mình cũng lập ra một nhóm gồm các bạn làm cùng nghề để trợ giúp lẫn nhau. Trong quá trình làm việc, mình thấy có rất nhiều điều khó khăn trong công việc của người Việt tại các trường tiếng, và trong một lần tình cờ dẫn học sinh đi khám bệnh, mình gặp một bạn đang làm ở trường tiếng khác cũng có trăn trở tương tự nữa cũng dẫn học sinh đi. Ý tưởng lớn gặp nhau, mình bày tỏ ý tưởng và kêu gọi các bạn quen cùng làm nghề thành lập nên một nhóm gồm các staff người Việt Nam đang làm công việc hỗ trợ du học sinh tại các trường tiếng, trường senmon tại Nhật để cùng tương trợ nhau trong công việc. Nhóm lúc đầu chỉ gồm vài thành viên và đa phần được kết nạp thêm qua các buổi buổi đào tạo để lấy chứng chỉ đại diện làm visa dành cho nhân viên trường Nhật ngữ, nhưng sau 3 năm, nhóm dần phát triển hơn, thường tổ chức offline mỗi lần sinh nhật, và coi nhau như người trong gia đình. Trong nhóm bọn mình thường xuyên post bài về những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình làm việc, các khúc mắc gặp phải mọi người cũng đưa lên nhóm để cùng bàn cách giải quyết, chia sẻ các tình huống có thể gặp phải với nhau.
Ngoài các công việc ở trường và nhóm, hiện mình cũng đang làm cộng tác viên tại Nhật cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) nữa. Đây cũng là một mối duyên mà mình có được qua một lần quay và dựng video giới thiệu về thông tin hỗ trợ người Việt Nam ăn Tết ở Nhật trong mùa dịch giúp một người quen. Có lẽ nhờ các kỹ năng quay, dựng video có được khi còn làm ở VYSA nên đoạn clip của mình được bên đài đánh giá khá tốt. Sau đó 2 tháng thì, khi cần một người làm clip liên quan đến người Việt ở Nhật, phía bên đài đã nhờ mình luôn khâu lên ý tưởng kịch bản, quay và dựng clip và cứ thế tiếp tục làm cho tới giờ. Công việc bên lề này giúp mình có thêm cơ hội để giới thiệu các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật tới mọi người ở nhà hơn nên mình thấy khá vui và coi nó như một công việc để giúp cuộc sống của mình ở Nhật thêm phong phú và giàu trải nghiệm.
Xem thêm:
Làm gì sau khi tốt nghiệp trường tiếng?
Tìm hiểu công việc hỗ trợ du học sinh trường tiếng Nhật
LỜI NHẮN
Qua những thăng trầm của bản thân khi sống ở Nhật và qua cả những câu chuyện mà bản thân từng chứng kiến trong suốt 5 năm hỗ trợ các em du học sinh tại trường, mình nhận thấy việc xác định rõ được định hướng thành công cho bản thân có ý nghĩa rất quan trọng. Khi biết được rõ được mục đích thực sự của mình, chúng ta sẽ dễ dàng tiến tới cuộc sống mà mình dự định sống trong tương lai hơn. Và nếu chẳng may có một phút giây nào đó mình có trót lạc lối, thì định hướng chính là thứ sẽ dẫn chúng ta quay trở về đúng con đường mà mình cần đi. Nếu bạn không biết mình hiện tại đang là ai, việc mình đang làm có ý nghĩa gì thì nên sống chậm lại một chút. Lắng nghe bản thân, tìm gặp các sempai giàu kinh nghiệm, và có tâm trong lĩnh vực đó. Điều này rất quan trọng và sẽ giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, dễ dàng quay lại đúng con đường thành công của mình đã đặt ra trước đó.
Tokyo tháng 5/2022
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận