Voice of Asean sempai (Vol 84)

HỌC IT NHƯNG CÓ THÙ VỚI CODE

 Vốn xuất thân từ một ngôi trường ở vùng nông thôn của Nghệ An, nơi học sinh hầu như không được học mấy về định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường, nên việc chọn trường để thi đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3 của mình hồi đó dựa hoàn toàn vào những “lời đồn đại” nghe được từ người xung quanh. Hồi đó ai cũng nói vào Bách Khoa sau này ra trường dễ kiếm việc, nên mình quyết định chọn thi Bách Khoa và may mắn đỗ được vào nhóm ngành có điểm đầu vào khá cao ở trường. Ngày đầu lên trường nhập học, mình được một anh khóa trên phát cho tờ giới thiệu mời tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật dành cho đối tượng là sinh viên chuyên ngành IT của trường (gọi tắt là HEDSPI), đúng nhóm ngành mà mình trúng tuyển. Thấy chương trình khá hay vì vừa được học kiến thức chuyên môn, vừa được học tiếng Nhật, mình quyết định đăng ký luôn mà không suy nghĩ, cân nhắc gì nhiều.

 Ai cũng bảo học tiếng Nhật khó lắm vì hệ chữ khác với chữ latinh, nhưng mình lại cảm thấy học tiếng Nhật rất vui nên càng học càng ham. Ngược lại, việc học code lại không hề đem lại cho mình một chút hứng thú nào. Hồi đó chưa có nhiều thông tin về ngành IT như bây giờ nên mình cứ nghĩ học IT ra là chỉ có đi làm lập trình. Mà càng học mình lại càng cảm thấy việc ngồi viết code thật sự không thích hợp với tính cách hướng ngoại, thích tiếp xúc với mọi người của bản thân chút nào nên không ít lần đã định nghỉ học giữa chừng để chuyển qua ngành khác. Thật may là hồi đó mẹ mình nhất quyết không cho, nên mình đành cố gắng duy trì học nốt cho tới khi ra trường. Tuy vậy, thay vì tập trung vào việc học các ngôn ngữ lập trình, mình dành phần lớn thời gian để học và làm các công việc làm thêm, các hoạt động ngoại khóa liên quan tới tiếng Nhật – môn học mà mình yêu thích.

 Công việc làm thêm đầu tiên của mình là làm giáo viên bán thời gian tại một trung tâm tiếng Nhật ở Hà Nội. Vốn ban đầu chỉ định đi dạy cho vui và kiếm thêm chút thu nhập để tự chủ hơn về mặt tài chính, nhưng khi đi dạy và có dịp gặp gỡ với nhiều học viên, nghe được nhiều câu chuyện khác nhau, tầm nhìn được mở rộng hơn, mình ngày càng cảm thấy hứng thú với ngành đào tạo hơn. Thời gian đầu mình quan tâm, học hỏi nhiều về cách làm thế nào để truyền đạt một cách dễ hiểu các kiến thức mình biết cho người khác, sau dần mình bắt đầu chú tâm tìm hiểu nhiều hơn về mô hình kinh doanh giáo dục và cách thức quản lý ở các trung tâm tiếng Nhật. Để có thêm nhiều kiến thức thực tế cũng như trải nghiệm được nhiều cách thức quản lý, kinh doanh giáo dục khác nhau, trong 5 năm gắn bó với công việc dạy tiếng Nhật (từ 2014 cho tới 2019 trước khi sang Nhật), mình đã đi dạy ở hầu hết các trung tâm có tiếng ở Hà Nội.

 Bên cạnh công việc dạy tiếng Nhật, trong 2 năm cuối đại học, mình còn làm 2 công việc bán thời gian khác, đó là làm đại diện truyền thông tại Việt Nam cho trường Đại học Ritsumeikan (Kyoto), và là đại diện tại Việt Nam cho chương trình đào tạo business manner kiểu Nhật của Morisemi.

 Hội thảo Morisemi là sự kiện thường niên do VJSC (câu lạc bộ gồm các sinh viên học tiếng Nhật đến từ các trường ĐH tại Hà Nội mà mình tham gia hồi học năm thứ 2) kết hợp với thầy Mori (phó giáo sư trường Đại học Teikyo) tổ chức hàng năm nhằm mục đích chia sẻ các thông tin liên quan tới business manner và văn hoá doanh nghiệp Nhật cho các bạn trẻ người Việt muốn làm việc tại Nhật. Mình gặp thầy Mori trong thời gian sinh hoạt tại câu lạc bộ vào năm 2012-2013, rồi sau đó có dịp gặp lại thầy ở trung tâm tiếng Nhật mà mình làm giáo viên vào năm 2014, đúng lúc thầy cần tìm người đại diện ở Việt Nam cho trường đại học Ritsumeikan và cho cả chương trình Morisemi của thầy nữa. Vậy là cơ hội tốt đến với mình.

 Công việc đại diện truyền thông cho trường Ritsumeikan giúp đem lại cho mình nhiều kinh nghiệm về marketing và truyền thông, ví dụ như cách để có thể đặt lịch hẹn gặp với đại diện các trường cấp 3 trên toàn quốc, cách tổ chức các sự kiện online/offline. Những kinh nghiệm quý báu này giúp mình có góc nhìn đa chiều hơn, và là vốn sống, kinh nghiệm vô cùng quý giá giúp mình rất nhiều trong công việc IT sales và tư vấn sau này vì mình có thể nói chuyện với những bên liên quan về nhiều mảng như: quảng cáo, đào tạo, hay chiến lược kinh doanh. Còn công việc ở Morisemi thì giúp cho mình có thêm nhiều kinh nghiệm về các tác phong làm việc, cách suy nghĩ trong công việc của người Nhật.

 Sau hơn 5 năm đại học, dù thành tích liên quan tới các môn IT không được khả quan cho lắm, nhưng bù lại, những kinh nghiệm có được từ các công việc làm thêm bán thời gian và đi dịch giúp cho mình có một profile khá sáng, cộng thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết mà không trường lớp nào có thể dạy được, giúp mình gặp nhiều thuận lợi trong quá trình tìm việc về sau.

Xem thêm:
Tìm hiểu công việc kỹ sư cầu nối
Sinh viên nên học ngôn ngữ lập trình nào để tạo lợi thế khi xin việc?
Tìm hiểu công việc liên lạc- điều phối dự án tại công ty IT

MUÔN NẺO ĐƯỜNG NGHỀ IT 

 Sau 1 thời gian làm nhiều công việc khác nhau ở Việt Nam, mình bắt đầu tìm hướng để sang nước ngoài sống và làm việc nhằm thay đổi môi trường, tạo cơ hội để bản thân có thể học hỏi và phát triển thêm. Mình cũng đã từng suy nghĩ tới một vài điểm đến khác, nhưng sau cùng vẫn quyết định chọn sang Nhật làm việc vì đã học tiếng Nhật từ lâu, làm khá nhiều công việc liên quan tới tiếng Nhật mà chưa có dịp sang Nhật sinh sống.

 Mình tìm cơ hội ở nhiều nơi khác nhau, nhận được offer từ một vài công ty, và quyết định đầu quân cho một công ty IT của Việt Nam có trụ sở tại Nhật. Công việc liên quan tới IT, nhưng ko phải là vị trí lập trình viên, mà là sales. 

 Trước khi sang Nhật làm việc chính thức, mình đã có dịp sang Nhật công tác vài lần khi còn làm việc cho Ritsumeikan,…nên khi mới sang, mình bắt nhịp với cuộc sống sinh hoạt thường ngày rất nhanh. Nhưng việc bắt nhịp với công việc thì không đơn giản như vậy. 

 Thời điểm mới vào làm, mình không hiểu gì nhiều về cách sales, thiếu kiến thức về sản phẩm nên gặp vô vàn khó khăn. Mình không biết khi đi sales thì sẽ phải làm những bước gì, đi theo sempai thấy các anh chị làm như thế nào thì chỉ biết bắt chước theo y hệt chứ nhiều lúc cũng không hiểu rõ tại sao phải làm như vậy, hay có cách nào làm hiệu quả hơn không. Mình như người bị vứt giữa mê cung, mò mẫm dò dẫm tìm đường đi mà chẳng biết mình đang ở đâu và phải đi tới chỗ nào. 

 Việc làm các bản đề xuất gửi cho khách hàng cũng là ác mộng đối với mình ngày đó. Không có kinh nghiệm nên mỗi lần làm tài liệu mình đểu phải mất tới 1-2 tuần mới làm xong, mà mỗi lần làm đều cảm thấy rất stress. Mình không hiểu rõ mục đích tại sao phải nộp bản đề xuất đó cho khách, chỉ biết làm theo mẫu sẵn có của sempai rồi xào đi xào lại, thêm chỗ này một ít, bớt chỗ kia một tẹo, vô cùng chắp vá. 

 Rất may là sau một vài tháng khổ sở vì không biết cách làm việc và cảm thấy bản thân vô dụng, không đem lại lợi ích gì cho công ty thì mình cũng dần vực đứng lên được nhờ may mắn gặp được một mentor (người hướng dẫn) tốt. Vốn có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại một công ty tư vấn lớn của nước ngoài nên chị có lối tư duy rất khác biệt và cách làm việc thì vô cùng chuyên nghiệp. Nhờ được chị hướng dẫn tỉ mỉ, sửa cho từng tí một mỗi lần làm tài liệu hay viết mail cho khách trong suốt 6 tháng trời, các kỹ năng này của mình dần tiến bộ lên trông thấy. 

 Bên cạnh đó, trong quá trình thực tế làm việc, nhờ được công ty tạo điều kiện cho trải nghiệm qua nhiều vị trí khác nhau ngoài sales, như làm BA (Business Analyst: chuyên viên phân tích kinh doanh), BrSE (kỹ sư cầu nối), …nên mình dần hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ của công ty, các hình thái khác nhau mà một công ty hoạt động trong lĩnh vực IT có thể có, cũng như biết rõ hơn về nội dung công việc & những kiến thức, kỹ năng cần có đối với từng vị trí công việc trong các công ty IT. Ví dụ như trước đây, mình cứ nghĩ ai giỏi ngôn ngữ nhưng không biết code mà muốn làm trong ngành IT thì chỉ có một con đường duy nhất là làm IT Comtor (phiên dịch trong các dự án IT) rồi học thêm các kiến thức về IT để chuyển lên làm BrSE (kỹ sư cầu nối), hay làm sales là đồng nghĩa với việc phải tìm danh sách khách hàng rồi gọi điện xin apo suốt ngày,…Nhưng qua thực tế, mình biết rất nhiều suy nghĩ của mình trước đây về nghề chỉ là sự lầm tưởng. Hiểu rõ hơn về nghề giúp mình nhìn rõ được lộ trình phía trước hơn, biết được những career path (hướng đi cho sự nghiệp) khác nhau mà một người “không thích code nhưng vẫn muốn làm IT” có thể lựa chọn. Và mình nhận ra cái đích tiếp sau mà mình muốn hướng tới sau nghề sales IT, đó là trở thành một Consultant (chuyên viên tư vấn). 

 Sau khi xác định được hướng đi mới, mình bắt đầu hoạt động chuyển việc và sau một thời gian thử sức và tìm kiếm, tháng 2 vừa rồi mình đã chính thức chuyển việc thành công sang một công ty về Tư vấn giải pháp IT với vị trí SAP BA. Đích đến của mình là trở thành một chuyên viên tư vấn, nên hiện mình vẫn đang tiếp tục trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau (ví dụ như học thêm về kế toán, thi thêm chứng chỉ Boki) để career up lên thành một Junior Consultant, rồi sau đó sẽ tiếp tục tích lũy kinh nghiệm thực tế và các chứng chỉ khác để trở thành một Senior Consultant. Hiểu rõ hơn về đích đến của bản thân và những gì mình cần trang bị để có thể sớm về đích sớm giúp mình cảm thấy tự tin hơn trong hành trình phía trước. 

Xem thêm:
Kỳ thi IT Passport và những điều cần biết
Khi phụ nữ là BrSE
Các chứng chỉ tạo lợi thế khi đi xin việc

KẾT NỐI & CHIA SẺ

 Trong quá trình sinh sống và làm việc ở Nhật, mình cũng thường xuyên tham gia vào các group cộng đồng để học hỏi thêm kinh nghiệm của các sempai đi trước. Tại đây, mình bắt gặp rất nhiều câu hỏi hay tâm sự của các bạn cũng đang gặp những vấn đề về định hướng công việc giống mình ngày xưa. Ví dụ nhiều bạn tiếng Nhật tốt nghe nói ngành IT nhiều cơ hội nên cũng muốn thử sức, nhưng ngoài vị trí IT comtor ra thì các bạn không biết mình có thể bắt đầu bằng những vị trí gì khác, và hoang mang không biết mình cần học thêm kiến thức, chứng chỉ gì để có thể level up  lên. 

 Bản thân đã từng là người trải qua quãng thời gian hoang mang tương tự, lại thích viết lách, chia sẻ nên mình bắt đầu tổng hợp và post lên những group mà mình tham gia những bài viết liên quan đến định hướng nghề nghiệp và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ các bạn. 

 Mình cũng nhận thấy hiện nay số lượng các bạn du học sinh hay sinh viên mới ra trường có chứng chỉ N2, N1 rất nhiều, nhưng lại thiếu các hard skill & soft skill khác để tạo điểm nhấn PR bản thân trong mắt nhà tuyển dụng. Ví dụ rất nhiều bạn có tiếng Nhật tốt và muốn làm IT nhưng không biết làm cách nào để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được nhiệt huyết của & tiềm năng học hỏi các kiến thức IT của bản thân. 

 Dựa trên kinh nghiệm từng thu được rất nhiều kiến thức hữu ích có thể áp dụng trực tiếp trong công việc comtor, sales hay đi tư vấn giải pháp IT khi học và thi đỗ IT Passport của bản thân, mình quyết định viết loạt bài viết giới thiệu về kỳ thi này để phổ cập nó tới mọi người trên các diễn đoàn liên quan tới làm việc ở Nhật, học tiếng Nhật & làm IT ở Nhật. Bên cạnh các bài viết chia sẻ kinh nghiệm chung, mình cũng từng tổ chức các lớp ôn thi IT Passport dành cho người Việt Nam và thu hút được khá nhiều bạn tham gia học. Kinh nghiệm đi dạy và tổ chức lớp học có được trong 5 năm làm giáo viên tiếng Nhật ở Hà Nội đã giúp mình rất nhiều trong việc tổ chức, đứng lớp giảng dạy & vận hành các lớp học này. 

 Trong số các bạn từng tham gia luyện thi IT Passport cùng mình, hiện có 3 bạn đang làm ở các công ty IT lớn của Việt Nam ở Nhật, trong đó có bạn thì chuyển tay ngang từ ngành giới thiệu việc làm sang, có bạn thì là du học sinh học khối ngành xã hội mới vừa tốt nghiệp ra trường. 

 Ngoài việc hỗ trợ về kiến thức và chia sẻ những kinh nghiệm luyện thi hiệu quả, điều mà mình thấy vui nhất khi tổ chức lớp học này, đó là có thể tạo được network giúp kết nối các bạn có cùng chung định hướng với nhau, tạo ra được không khí học hỏi sôi động, giúp nhiều bạn gỡ bỏ được tâm lý ngại học, ngại thi vì công việc bận rộn. 

 Hiện nay, sau 1 năm dạy và tích cực tuyên truyền cho mọi người biết nhiều hơn về chứng chỉ IT Passport, mình cảm thấy đã tạm đủ (mọi người đã biết về kỳ thi nhiều hơn và các bạn cũng đã có thể tự lập nhóm học và chia sẻ kinh nghiệm ôn thi cho nhau nhiều hơn) nên quyết định dừng việc tổ chức các lớp luyện thi IT Passport lại và chuyển sang hướng chia sẻ nhiều bài viết liên quan tới các kỹ năng mềm như logical writing, hay critical thinking hơn để mọi người có thể nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng này khi làm việc tại bất cứ đâu. 

Giới thiệu sách hay:

1. Sách về sales:

TỰA SÁCH:「あなたから買いたい」と言われる 超★営業思考
TÁC GIẢ: 金沢 景敏 

Ngoài các tip hay dành cho dân đi sales, sách còn có nhiều chia sẻ về cách mà tác giả đã sử dụng để mở rộng network, cách nói chuyện để sao cho đối phương có thể dễ mở lòng với mình, cách để vượt lên khó khăn trong công việc… và quan trọng là mỗi phần chia sẻ đều đi kèm ví dụ cụ thể về chính tác giả nên rất dễ hiểu.
Sách chia làm nhiều phần, nhiều mục, nói về nhiều skill khác nhau của 1 người đi sales nhưng vẫn có mạch xuyên suốt dựa trên sự nghiệp của tác giả nên dù không có tính drama như tự truyện nhưng rất dễ theo dõi.

 

2. Một số đầu sách luyện thi chứng chỉ IT passport:

 

LỜI NHẮN

 Theo mình, điều quan trọng nhất với một người trẻ là việc sở hữu tầm nhìn, nghĩa là hiểu rõ được mục đích của việc mình đang làm và kết quả có thể nhận được trong tương lai. Bởi vì nếu có tầm nhìn tốt, chúng ta có thể dễ dàng lên kế hoạch và thực hiện nó. Ngày xưa mình không thích học IT vì mình không hiểu được học IT ra sẽ làm gì ngoài code. Nhưng hiện tại, mình có thể học rất thoải mái các chứng chỉ IT vì mình biết nó sẽ giúp mình đạt được những thành tựu gì. 

 Việc có được tầm nhìn tốt tất nhiên không phải là chuyện dễ. Nhưng mình nghĩ chúng ta có thể rút ngắn thời gian tìm được nó bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như: Đọc nhiều thông tin về vấn đề chúng ta quan tâm trên internet, trải nghiệm những hoạt động thực tế để tự bản thân đánh giá, hỏi những anh chị đi trước để rút ngắn thời gian tìm hiểu,… 

 Bản thân mình may mắn đã tìm được mục tiêu trong tương lai nhờ việc cố gắng xây dựng một network tốt. Nhờ đó mình có nhiều cơ hội được trò chuyện với các anh chị sempai và được mọi người hỗ trợ rất nhiều. 

 Hy vọng những trải nghiệm của mình có thể giúp cho các bạn đi tắt trên con đường chinh phục sự nghiệp của bản thân. 

Tokyo tháng 4/2022

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...