Voice of Asean Sempai (Vol 80)

TỪ KIẾN TRÚC RẼ NGANG QUA…TIẾNG NHẬT

 Vốn từ nhỏ đã có chút năng khiếu hội hoạ, suốt mấy năm học cấp 2 và cấp 3 lại đều học khối tự nhiên nên khi chọn trường để thi vào đại học, mình đã quyết định chọn ngành kiến trúc vì thấy nó phù hợp với năng lực của bản thân, lại là ngành khá hot lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp, mình xin vào làm tại một công ty kiến trúc ở thành phố HCM, nhưng chưa được bao lâu thì gặp một vài sự cố ngoài ý muốn nên mình quyết định nghỉ việc.

 Trong thời gian chờ tìm công việc mới, mình đăng ký đi học thử tiếng Nhật như một giải pháp để tận dụng thời gian rảnh. Khởi đầu chỉ định “học chơi cho biết” chứ không hề có dự định sâu xa gì, nhưng càng học mình càng cảm thấy bị cuốn theo thứ ngôn ngữ mới lạ và hấp dẫn này. Các nội dung được học mình đều nhớ và bắt chước được theo thầy cô rất nhanh, nên càng học càng cảm thấy hay và phấn khởi. Ngoài các nội dung được học trong giáo trình, mình còn chịu khó đi sưu tầm các bài hát tiếng Nhật trên mạng rồi học thuộc lòng theo (dù hồi đó còn chưa đọc nhuần nhuyễn mặt chữ). Mình thích xem cả video của các anh chị phát thanh viên người Nhật, nghe họ phát âm rồi lên bổng, xuống trầm theo từng ngữ điệu của câu nói mà cảm thấy họ カッコいい vô cùng, chỉ ước một ngày nào đó bản thân cũng có thể nói tiếng Nhật được hay và diễn cảm như vậy thôi.

 Vốn ban đầu chỉ định học cho biết, nhưng càng học mình lại càng thấy say và muốn dành thời gian để trau dồi, tìm hiểu sâu hơn nữa về thứ ngôn ngữ đẹp đẽ này. Thế là sau một thời gian cân nhắc mình quyết định bỏ hẳn việc tiếp tục đi xin việc ở ngành kiến trúc để đầu tư toàn bộ thời gian học sâu hơn nữa về tiếng Nhật. Hồi đó khi quyết định bỏ ngang ngành kiến trúc mình cũng suy nghĩ nhiều và gia đình bè bạn cũng can ngăn rất nhiều. Nhưng rồi cân nhắc thấy kinh nghiệm mà mình có ở mảng kiến trúc thật ra mới chỉ chưa đầy 1 năm, chưa có gì quá sâu sắc, trong khi tiếng Nhật lại như là “mối duyên” có từ rất lâu, có một mãnh lực vô cùng to lớn với mình nên mình không thể dứt ra được. Nếu cứ dần dứ cả 2 bên mỗi thứ một tí thì có khi chẳng đi tới đâu và có thể sẽ hối hận về sau, nên mình quyết định đánh liều, quyết chạy theo niềm đam mê của bản thân một lần xem sao (dù thật sự lúc đó cũng chưa biết nếu theo tiếng Nhật thì sẽ đi theo lộ trình nào, làm công việc gì,…).

NHỮNG KỶ NIỆM ĐẦU TIÊN VỚI NƯỚC NHẬT

  Sau khi quyết định đầu tư toàn bộ thời gian hiện có để học tiếng Nhật, mình không học lớp ngắn hạn nữa mà chuyển sang học khoá full cả ngày tại trung tâm Đông Du.

 Tháng 8/2014, sau chưa đầy một năm học tiếng, mình quyết định tự thử thách khả năng tiếng Nhật của bản thân bằng cách đăng ký tham gia Nihon Taiken Contest – một cuộc thi đòi hỏi người tham gia phải nắm được tổng hợp nhiều kiến thức và tin tức mới về Nhật Bản.

 Trong lần tham gia Contest này, mình đã có dịp quen biết cô – một giáo viên trẻ đang du học ở Nhật nhưng thi thoảng vẫn về Đông Du để dạy mỗi khi có dịp về nước. Thấy mình rất chăm chỉ, chịu khó học tiếng Nhật, lại vô cùng tâm huyết với việc dự thi Contest, nên cô đã hỗ trợ mình rất nhiều từ việc sửa cách phát âm cho tới tổng hợp và cung cấp các kiến thức cần nhớ cho mình. Thậm chí cô còn tặng cho mình một chiếc máy ghi âm và dặn mình mỗi lần tập nói hãy thử thu âm lại rồi tự mình nghe và chỉnh lại những chỗ chưa được. Trước giờ mình vẫn luôn tự hào về khả năng bắt chước phát âm tiếng Nhật của bản thân, chỉ tới khi được cô chỉ cho cách này mình mới có dịp tự nghe lại giọng nói tiếng Nhật của mình và thấy bản thân vẫn còn rất nhiều điểm cần cố gắng. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cô, mình đã lọt vào vòng thuyết trình, đứng trong top 5 của cuộc thi và được giải thưởng sang Nhật 8 ngày để tham quan, khám phá. Lần đầu đặt chân sang Nhật, mình đã vô cùng choáng ngợp trước sự đông đúc, nhộn nhịp của thành phố Tokyo và tò mò khám phá mọi thứ mà mình có dịp được tiếp xúc ở Nhật.

 Trở về Đông Du sau chuyến thăm thú đất nước Mặt trời mọc trong 8 ngày, mình càng thêm yêu tiếng Nhật nhiều hơn và lại tiếp tục dồn hết tâm sức vào việc học tiếng Nhật ở trung tâm những ngày sau đó. Nhờ vậy, mình đã thi đỗ N2 chỉ sau hơn 1 năm từ khi bắt đầu học tiếng Nhật, và cũng duy trì được bảng thành tích khá tốt ở trung tâm Đông Du nên lại được trung tâm chọn đưa đi tham gia một chương trình giao lưu 3 tháng ở tỉnh Shiga.

 Khác với chuyến tham quan chỉ kéo dài hơn 1 tuần của lần đầu tiên, lần này mình và các bạn cùng đoàn được sắp xếp làm việc theo diện internship tại một Trung tâm thể thao dưới nước gần hồ Biwa. Hàng ngày, ngoài việc tham gia giao lưu, dạy tiếng Việt, giới thiệu văn hoá Việt Nam cho các bé tiểu học, trung học ở Nhật Bản, bọn mình còn phụ các staff người Nhật những công việc như: hỗ trợ dạy chèo thuyền kayak cho các bé, chuẩn bị đồ để phục vụ BBQ cho khách hàng,… Lần đầu được tiếp xúc với tiếng Nhật đời sống trong một thời gian đủ lâu, mình cảm thấy phấn khích vô cùng.

 Kỷ niệm đẹp nhất mà mình có trong thời gian này đó chính là tình cảm và sự quyến luyến của các bé mỗi lần kết thúc các chương trình giao lưu (các bé tiểu học hay trung học tham gia các chương trình giao lưu của Trung tâm thể thao thường sẽ trọ lại vài ngày nên có tình cảm tương đối gắn kết với tụi mình). Mình nhớ có 1 lần, một em bé nhỏ mới học tiểu học năm 1 khi chia tay có tặng mình một phong bì thư trong đó có ảnh bé chụp cùng gia đình cùng một vài hòn đá nhặt ở hồ Biwa, và lá thư nhỏ ghi vài dòng chữ nguệch ngoạc. Nội dung lá thư chỉ vỏn vẹn 1 dòng “ハオさん、かんじのべんきょう、がんばってください” (anh Hảo cố gắng học chữ Kanji nhé) nhưng mình đã giữ nó bên mình suốt nhiều năm nay, và chính lá thư cùng lời động viên của cậu bé lớp 1 năm nào đã trở thành nguồn động lực to lớn giúp mình cố gắng học tiếng Nhật nói chung và Kanji nói riêng nhiều năm sau đó.

Xem thêm:
Tự học tiếng Nhật – không khó như bạn tưởng
Chia sẻ về làm giáo viên tiếng Anh ở Nhật
Đi Nhật về rồi sao

MÌNH LÀ GIÁO VIÊN TIẾNG NHẬT

 Trở về Việt Nam sau chuyến đi 3 tháng, mình lại tiếp tục niềm đam mê với tiếng Nhật theo một hình thức khác, đó là dạy tiếng Nhật. Vốn ban đầu mình định mở một lớp học tiếng Nhật tại gia, nên có mua bảng về để chuẩn bị cho việc dạy học rồi chụp hình đăng lên Facebook chia sẻ với bạn bè về ý định của bản thân. Không ngờ là các thầy cô ở trường Nhật ngữ Đông Du khi thấy bài đăng của mình và biết mình có hứng thú với việc dạy tiếng Nhật nên đã đề xuất với mình việc về trung tâm đào tạo du học sinh ở Củ Chi để dạy cho các bạn học sinh đang ôn luyện tập trung để chuẩn bị sang Nhật du học.

 Nhận được lời đề nghị từ các thầy cô ở trung tâm, mình nửa mừng nửa lo. Mừng vì được các thầy cô tin tưởng, tín nhiệm, lo vì không biết năng lực của mình đã đủ để đứng lớp dạy học trò hay chưa. Nhưng khi xuống tận nơi để tham quan không khí học tập ở chi nhánh Bình Mỹ (Củ Chi), thấy các em học sinh ai ai cũng tràn đầy quyết tâm, ngày ngày dạy từ 5h sáng để tập thể dục rồi ngồi vào bàn học ôn tới tận 8-9h đêm, mình cảm thấy vô cùng ấn tượng và quyết định nhận lời về dạy.

 Lần đầu tiên đứng lớp, mình được phân công phụ trách dạy môn “Đọc truyện tiếng Nhật”. Bình thường tự mình đọc sách tiếng Nhật thì không sao, nhưng có lẽ do lần đầu đứng nói trước học sinh run quá nên mình đã rất khớp. Giờ học đầu tiên không thuận lợi như dự kiến, nhưng các em học sinh đều rất thông cảm và thậm chí còn động viên ngược lại mình. Cô giáo từng kèm mình khi dự thi contest trước đây khi đó đang ở Việt Nam cũng chia sẻ và hướng dẫn thêm cho mình rất nhiều bí quyết hay trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, nên sau vài buổi, mình đã vượt qua được những bỡ ngỡ đầu tiên để tiếp tục đứng lớp.

 Các bạn học viên mình dạy đều là những bạn có nguyện vọng thi đỗ N2 để có thể xin xét thẳng vào đại học ở Nhật, vì vậy mọi người đều học với tâm thế vô cùng quyết tâm. Trong guồng quay đó, bản thân mình cũng như bị cuốn theo và có thêm động lực phải học tốt tiếng Nhật hơn để xứng đáng là thầy giáo của các bạn. Học trò quyết tâm ôn thi N2 thì mình quyết tâm luyện thi N1. Thậm chí 1 tháng trước khi thi ngày nào mình cũng thức tới tận 3-4 sáng để học thi. Những nỗ lực không ngừng nghỉ cuối cùng cũng được đền đáp, tháng 12/2015, mình thi đậu N1 sau hơn 2 năm bền bỉ học tiếng Nhật ở Việt Nam.

Xem thêm:
Tổng hợp: Kinh nghiệm làm bài thi EJU
Kỳ thi EJU – Điểm sàn và điểm chuẩn

 Vì là trung tâm luyện thi tập trung dành cho các bạn dự kiến đi du học nên vào mỗi đợt làm hồ sơ hay có kết quả báo đậu tư cách lưu trú, là cả trung tâm lại vô cùng nhộn nhịp. Mỗi lần có học sinh đỗ COE chuẩn bị đi du học, là mình lại cảm thấy vô cùng xao xuyến. Cảm xúc khi sắp phải xa học trò, và bồi hồi, háo hức trước tương lai rộng mở phía trước của các bạn, là một thứ cảm xúc rất lạ mà mình chưa từng có trước đây.

 Và có lẽ việc liên tục chứng kiến học sinh mình dạy lần lượt đi sang đất nước Nhật mà mình vô cùng yêu quý ấy đã thôi thúc cảm giác muốn quay lại Nhật trong mình từ lúc nào không hay. Mình bắt đầu tìm kiếm các hướng đi để có thể quay lại Nhật, và khi nhìn thấy tờ rơi giới thiệu về chương trình “Cầu nối châu Á” – ABP miễn học phí 4 năm của Đại học Shizuoka, rồi trường lại có ngành ngôn ngữ văn hoá Nhật mà mình vô cùng yêu thích, mình biết cơ hội quay lại Nhật của mình đã tới và đây rồi.

 Mình lao vào ôn thi EJU cùng các học trò ở trung tâm và vận dụng tất cả các nguồn thông tin có được để chuẩn bị cho kỳ thi vào trường. Và rất may mắn, là một lần nữa, những nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng, mình thi đỗ vào trường Đại học Shizuoka và chính thức quay trở lại Nhật Bản vào tháng 9/2016.

 Đối với các bạn tốt nghiệp 3/2023 thì chắc hẳn năm 2022 này sẽ là 1 năm rất đặc biệt, vì là năm cuối của đời sinh viên và cũng là quãng thời gian chúng ta cần tăng tốc để chuẩn bị thật tốt cho hành trình xin việc cam go đang đợi phía trước.

 Nhưng đừng lo, vì MPKEN sẽ luôn đồng hành với các bạn du học sinh Việt Nam trong hành trình tìm việc tại Nhật đầy cam go này với lớp học miễn phí hướng dẫn kỹ năng tìm việc tại Nhật được tổ chức định kỳ 2 lần/năm.

 Với mục tiêu giúp các bạn du học sinh nắm rõ được quy trình xin việc ở Nhật, tự biết được những việc cần làm và lên được kế hoạch hành động hợp lý cho mùa xin việc năm sau, nên chương trình lần này sẽ được thiết kế tập trung vào giúp các bạn:

Định hướng rõ được điểm mạnh, điểm yếu, nguyện vọng công việc của bản thân thông qua #自己分析

Nắm được thông tin về các ngành nghề phù hợp với chuyên môn đang học và cách tìm kiếm thông tin các công việc, công ty đó.

Nắm được list các việc cần làm, các kiến thức cần chuẩn bị để tự tin khi xin việc tại Nhật để chuẩn bị thật sớm khi còn thời gian

Học cách viết một CV thật ấn tượng và các bước cần chuẩn bị để sẵn sàng cho 1 buổi phỏng vấn

—> LINK ĐĂNG KÝ: www.mpkenhr.jp/register

============

Thời gian: Từ 18h30 ~20h (giờ Nhật Bản) tối thứ 5 hàng tuần từ 20/1 tới 10/2 ( tổng cộng 4 buổi)

Hình thức: Online qua Zoom

– Yêu cầu: Du học sinh dự kiến tốt nghiệp 3/2023

Trình độ tiếng Nhật: N3 trở lên (Nội dung học hoàn toàn bằng tiếng Nhật, do giáo viên người Nhật đứng lớp).

TRỞ LẠI NƯỚC NHẬT ĐỂ TIẾP TỤC LÀM SINH VIÊN

 Sáu tháng đầu sau khi nhập học, mình được học riêng một khoá bổ trợ tiếng Nhật và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên đại học dành riêng cho du học sinh trước khi chuyển lên học chung cùng các bạn sinh viên người Nhật khác. Tại đây, mình đã được gặp và được sự hỗ trợ rất lớn từ thầy Nashio- một người mà mình vô cùng kính trọng. Thầy ít khi khen những câu cửa miệng mà luôn rất thẳng thắn chỉ rõ cho bọn mình những nhược điểm cần khắc phục. Trong 6 tháng học ở đây, mình được thầy rèn cho rất nhiều về cách viết báo cáo, tiểu luận hay các điều cần lưu ý khi thuyết trình,… Những kỹ năng được thầy rèn cho trong 6 tháng này đã giúp ích cho mình rất nhiều trong việc đạt được thành tích tốt trong kỳ đầu tiên chính thức học chung với các bạn sinh viên người Nhật.

 Với bảng thành tích đạt được, mình đánh liều đăng ký ứng tuyển học bổng Satoyo- một học bổng dành cho các bạn du học sinh tư phí có giá trị khá lớn. Nhờ được thầy Nashio hỗ trợ khá nhiều trong khâu chuẩn bị hồ sơ cũng như luyện phỏng vấn, nên mình đã may mắn dành được học bổng này. Nhờ vậy, mình không còn phải lo lắng nhiều về kinh tế nữa mà có nhiều thời gian để tập trung vào học và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, tham gia nhiều cuộc thi học thuật lẫn nghệ thuật và khám phá nhiều vùng đất ở Nhật hơn.

 Một trong những trải nghiệm mà mình nhớ nhất trong quãng đời du học sinh ở Nhật, đó là lần khi mình tham gia thi chương trình giọng hát hay của NHK (NHK Nodou Jiman). Mình biết đến cuộc thi này trong một lần tình cờ đến nhà một người bạn chơi và thấy thông tin về cuộc thi được phát trên TV. Vốn thích hát tiếng Nhật từ lâu, khi còn ở Sài Gòn cũng từng tham gia thi hát tiếng Nhật và đạt giải nên khi thấy thông tin về kỳ thi, mình cảm thấy háo hức lắm. Nhưng một phần vì tâm lý ngại ngùng, một phần vì nghĩ mãi không biết viết lý do chọn bài hát dự thi ra sao, nên mình cứ đắn đo mãi và chỉ quyết định nộp trước hạn đăng ký đúng vài phút.

 May mắn thế nào mà mình lại lọt được vào tới tận vòng chung kết, phần dự thi của mình được phát trên TV và được rất nhiều bạn bè người Nhật chụp màn hình gửi tới nhắn tin chúc mừng. Thậm chí có rất nhiều bạn bè Việt Nam chưa từng quen nhưng khi thấy hình ảnh mình mặc áo dài đỏ hát trên sóng truyền hình trực tiếp của Nhật thì đã gửi tin nhắn chúc mừng qua Facebook và nói các bạn ấy cảm thấy rất tự hào khi nhìn thấy hình ảnh áo dài Việt Nam trên truyền hình Nhật.

BƯỚC NGOẶT VÀ KHỞI ĐẦU SỰ NGHIỆP

 Nhờ có học bổng nên 4 năm du học của mình trôi qua khá yên ả. Không phải quá lo lắng về vấn đề kinh tế, mình cũng có thêm nhiều thời gian để đi đây đi đó, tìm hiểu thêm về văn hoá Nhật Bản – chuyên ngành chính của mình ở ĐH Shizuoka. Để hiểu thêm về “Nghệ thuật Kabuki trẻ em” – đề tài mà mình chọn để làm luận văn tốt nghiệp, mình đã chủ động liên lạc với một đoàn kịch Kabuki Yoko-o ở Hamamatsu và trong nhiều tháng liền thường xuyên đi đi về về giữa Shizuoka và Hamamatsu để lấy thông tin. Nhờ có được những thông tin chi tiết từ đoàn kịch mà mình đã hoàn thành được tốt đề tài tốt nghiệp khó nhằn mà bản thân đã ấp ủ từ lâu này.

Xem thêm:
Học bổng du học đại học tại Nhật Bản
Một vài tips khi viết luận văn đại học
Tầm quan trọng của GPA? Cách thức để đạt điểm GPA cao dành cho sinh viên đại học

 Vì muốn học thêm nhiều nữa về ngôn ngữ và văn hoá Nhật Bản, nên năm cuối đại học mình có định hướng sẽ học lên cao học chứ chưa đi tìm việc ngay. Tháng 3/2020, nhân dịp đã hoàn thành xong luận văn tốt nghiệp và chỉ chờ tới ngày tốt nghiệp, một người họ hàng của mình ở Việt Nam lại chuẩn bị kết hôn nên mình sắp xếp lịch tranh thủ về nước vài ngày. Không ngờ là sau đó dịch bệnh bùng phát, Nhật cấm nhập cảnh trong một thời gian dài nên mình bị kẹt suốt ở Việt Nam không sang lại được Nhật nữa. Đến cả lễ tốt nghiệp mình cũng phải dự online và nhà cửa, đồ đạc còn nguyên ở Shizuoka mình cũng phải nhờ bạn bè thu xếp giúp. Cuộc chia tay không hẹn trước với Shizuoka, với nước Nhật này vẫn làm mình lưu luyến mãi tới tận bây giờ, dù đã phần nào ổn định lại công việc, cuộc sống ở Việt Nam.

 Tuy nhiên, cũng thật may mắn là dù mới về nước được một thời gian, nhưng mình đã có duyên gặp và được làm một công việc đúng với đam mê tiếng Nhật của mình: thời gian đầu là phụ trách team sáng tạo nội dung cho ứng dụng Hack Kanji – ứng dụng về học chữ Hán cho người Việt, và hiện giờ là làm trưởng ban Lưu học tại một công ty lớn chuyên về mảng du học tại thành phố Hồ Chí Minh. Công việc tại đây giúp mình phát huy được nhiều sở trường của bản thân: như khả năng về chữ Hán, những trải nghiệm về nước Nhật, khả năng truyền lửa, truyền tình yêu với tiếng Nhật và nước Nhật cho các em học sinh và các thanh niên trẻ còn chưa có định hướng rõ về tương lai của mình.

 Và mặc dù đã bỏ không làm kiến trúc từ rất lâu, nhưng khả năng thiết kế, đồ hoạ, khả năng tổ chức, quản lý công việc, khả năng chạy deadline,..những kỹ năng mình có được qua thời gian học và làm đồ án ở trường kiến trúc hiện lại đang giúp mình rất nhiều trong công việc hiện tại. Hiện giờ dù mỗi ngày đều rất bận rộn với khối lượng công việc lớn, nhưng mình cảm thấy rất vui vì được làm việc với tiếng Nhật mỗi ngày và vẫn không bỏ phí những kiến thức, kỹ năng học được từ trường kiến trúc.

Xem thêm:
Tầm quan trọng của “trục xin việc” khi tìm việc tại Nhật
Những công việc các sinh viên khối kinh tế – xã hội có thể làm sau khi tốt nghiệp

LỜI NHẮN

 Chỉ có bản thân bạn mới biết rõ nhất 2 điều : KHẢ NĂNG MÌNH CÓ LÀ GÌ và MÌNH THẤY HAPPY NHẤT KHI LÀM CÔNG VIỆC GÌ. Dù muộn cũng không sao, nhưng nhất định phải tự trả lời cho chính mình 2 câu hỏi trên, trước khi tiến đến bước cuối cùng là DÁM QUYẾT ĐỊNH TRƯỚC NHỮNG NGÃ RẼ. Chỉ khi được làm điều mình thực sự yêu thích và kết hợp được cả năng lực của mình, chúng ta mới có thể lâu bền và bứt phá khỏi những giới hạn. Thân chúc các bạn, dù ở đâu làm gì cũng đều tìm thấy cho mình một con đường – chỉ – dành – cho – bạn – mà – thôi.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12/2021 

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp

MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.

Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức

Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)

Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man  ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu

Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken

 

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...