3 LẦN ĐI NHẬT VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM QUÝ
Theo học tiếng Nhật từ năm thứ 1 đại học và luôn muốn được đến Nhật để có thể trực tiếp trải nghiệm nền văn hoá của đất nước bạn, nhưng do không đủ điều kiện kinh tế để đi các chương trình giao lưu, du học tự túc, nên ngay từ năm thứ 2, mình đã tích cực tìm kiếm và tham gia các cuộc thi lớn nhỏ để săn học bổng và giải thưởng sang Nhật.
Cuộc thi đầu tiên mà mình tham gia là Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật (Speech Contest) do trường Đại học Hosei và Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội phối hợp tổ chức. Năm đó là lần đầu tiên tham gia một cuộc thi hùng biện, thời gian chuẩn bị không có nhiều, lại chưa có kinh nghiệm “chinh chiến” nên mình chỉ được một giải phụ nhỏ. Tuy không nhận được giải thưởng đi Nhật, nhưng cảm giác hồi hộp pha chút vui sướng khi được trình bày ý kiến của mình bằng tiếng Nhật trước nhiều người, được mọi người lắng nghe và vỗ tay tán thưởng làm mình cảm thấy thực sự phấn khích và nó đã tạo động lực để mình tiếp tục nỗ lực học tiếng Nhật tốt hơn nữa nhằm chinh phục tiếp các cuộc thi sau.
Vài tháng sau đó, mình lại tiếp tục đăng ký tham gia 1 cuộc thi hùng biện rất nổi tiếng trong giới sinh viên học tiếng Nhật ở Hà Nội hồi đó là Speech Contest NASIC CUP 2016. Lần này, do đã có kinh nghiệm nên mình chuẩn bị được kỹ lưỡng hơn, lại được các thầy cô trong khoa tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại Thương hỗ trợ góp ý giúp phần nội dung, được các thầy cô người Nhật luyện phát âm trực tiếp cũng như cách phát biểu trước đám đông nên mình đã giành được giải đặc biệt của chương trình và được sang Nhật tham quan, khám phá văn hoá nước bạn trong 10 ngày tại 3 vùng đất Tokyo, Osaka và Kyoto.
Xem thêm:
Lời khuyên từ CEO #1: Bí quyết để có một bài thuyết trình hay
Sang năm thứ 3, mình bắt đầu chuyển hướng sang tìm kiếm các cuộc thi có tính chuyên môn cao hơn, và trong một lần tình cờ đọc thông tin trên mạng, mình đã biết tới chương trình internship hè dành cho sinh viên nước ngoài của tập đoàn Pasona – một trong những tập đoàn lớn về nhân lực tại Nhật Bản (chương trình có tên Pasona Internship Program 2017). Nhờ kinh nghiệm có được qua những cuộc thi trước đó, nên dù biết đây là một kỳ sát hạch mới mẻ và có tỉ lệ chọi khá cao (thường cả nước sẽ chọn được 1-2 ứng viên đỗ mỗi năm), trong khi khả năng tiếng Nhật của bản thân chỉ mới ở mức N3, nhưng mình vẫn rất tự tin đăng ký tham gia. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng (tìm kiếm và liên hệ thông tin từ sempai đi trước), cũng như bộ hồ sơ khá ấn tượng với các giải thưởng lớn nhỏ từ các cuộc thi hùng biện trước đó, nên mình đã may mắn vượt qua nhiều người khác để giành được 1 suất sang Nhật thực tập tại trụ sở chính của Pasona Tech Japan – công ty con thuộc hệ thống tập đoàn Pasona trong vòng 3 tháng.
Khác với lần sang Nhật trước chủ yếu chỉ với mục đích tham quan và giao lưu, đợt này mình được trải nghiệm nhiều hơn về môi trường làm việc của một công ty Nhật. Tập đoàn Pasona được xây dựng theo xu hướng hội nhập hóa nên môi trường làm việc vô cùng đa dạng với nhiều nhân sự tới từ các quốc gia khác nhau chứ không giống như 1 công ty thuần Nhật bình thường, được trải nghiệm trong một không gian làm việc đa văn hóa như vậy khiến cho sự sáng tạo của cá nhân mình được phát triển hơn, khiến mình ngày càng hứng thú với vai trò “cầu nối giao lưu” tại Nhật. Mình được tham gia vào quy trình phỏng vấn các ứng viên nước ngoài, được thực tập tại nhiều phòng ban của Pasona, được cho đi cùng khi các sempai đi gặp khách hàng,… Tất cả những trải nghiệm quý báu đó đã làm thay đổi hẳn cảm quan của mình về nước Nhật, khiến mình thêm yêu và muốn tới sống làm việc lâu dài tại đất nước này hơn.
Thành công ở kỳ thi hùng biện NASIC CUP cùng những trải nghiệm có được sau chuyến sang Nhật qua chương trình Pasona Internship giúp mình có thêm tự tin tiếp tục đăng ký tham gia một cuộc thi hùng biện khác do Japan Foundation tổ chức vào năm 2018. Rất tiếc lần này mình chỉ được giải Nhì và không được chọn nhận giải thưởng đi Nhật, nhưng có lẽ vì ấn tượng trước sự cố gắng của mình khi tham gia cuộc thi, nên sau đó phía Japan Foundation đã liên hệ tiến cử mình tham gia 1 chương trình khác của Chính quyền Tỉnh Fukuoka – Chương trình trao đổi văn hóa và giao lưu tiếng Nhật tại thành phố Fukuoka. Nhờ vậy, mình lại có dịp được sang Nhật lần thứ 3 và có cơ hội được giao lưu với nhiều bạn bè tới từ các nước khác nhau trong khoảng 10 ngày. Điều đặc biệt là lần này mình chỉ đi có một mình, đại diện cho màu cờ sắc áo của Việt Nam đi giao lưu với 11 bạn trẻ tới từ 11 quốc gia khác nên mình cảm thấy vô cùng hãnh diện, từ đó thêm yêu thành phố Fukuoka nói riêng và Nhật Bản nói chung.
Xem thêm:
Tìm hiểu công việc cho tổ chức phi chính phủ quốc tế (International NGO)
Học bổng du học đại học tại Nhật Bản
Du học Nhật Bản – Những điều nên biết
Hiện tại MPKEN đang có nhóm “Anh chị em bunkei cùng học thi chứng chỉ“dành cho các bạn khối ngành Bunkei chuyên để trao đổi về việc thi cử lấy chứng chỉ để career up tại Nhật ^^ Bạn nào quan tâm có thể click vào đường link phía dưới và join group nhé. Trong group các thành viên sẽ cùng nhau bàn luận cách thức thi cử, tiến hành thi lấy chứng chỉ tại Nhật cũng như những tips thi chứng chỉ của các sempai đi trước.Link Group: Anh chị em bunkei cùng học thi chứng chỉMột số hình ảnh về các bài đăng trong group cho các bạn tham khảo nhé ^^
CƠ HỘI ĐẾN TỪ NHỮNG TRẢI NGHIỆM
Sau kỳ thực tập và giao lưu này, mình quay trở lại trường Đại học Ngoại Thương để hoàn thành nốt chương trình học còn đang dang dở.
Vốn bản tính ưa hoạt động, nên vừa về nước là mình lại lao vào tìm kiếm các cơ hội công việc giúp bản thân vừa có môi trường sử dụng và nâng cao được vốn tiếng Nhật, vừa rèn luyện thêm được các kỹ năng văn phòng khác. Công việc part-time tại phòng hồ sơ của Đại Sứ Quán Nhật khi còn học năm thứ 2, và công việc gần như là full-time tại một công ty chuyên về mảng phái cử nhân sự sang Nhật khi học năm thứ 4 là 2 trong số những công việc mà mình đã trải nghiệm trong thời gian này.
Công việc mà mình đảm nhận ở công ty phái cử nhân sự hồi năm 4 có tên là “nhân viên phát triển thị trường”. Hồi đó còn sinh viên, chưa có kiến thức gì nhiều về phái cử nhân sự, xuất khẩu lao động,… nên nghe vị trí “nhân viên phát triển thị trường”, mình cứ tưởng là được làm các công việc liên quan tới marketing, phân tích hay đánh giá thị trường gì đó. Vào làm rồi mình mới biết đây là công việc đi sales, cần sang Nhật thường xuyên để liên hệ tìm kiếm các khách hàng là những nghiệp đoàn, công ty có nhu cầu tuyển thực tập sinh, kỹ sư người Việt, nói chung là khá vất vả.
Công việc khác so với tưởng tượng ban đầu, lại thường xuyên phải đi công tác dài ngày nên làm được một thời gian mình đã định nghỉ để tìm một công việc khác phù hợp hơn. Nhưng tình cờ trong một lần có duyên gặp được bác chủ tịch người Nhật, thấy bác vừa giỏi lại vừa rất tâm lý, cảm thấy đây là người mình có thể học hỏi được nhiều điều nếu làm việc chung nên mình lại tiếp tục cố gắng để trụ lại.
Tuy vậy, người tính không bằng trời tính. Năm đó, do các công ty phái cử Việt Nam ồ ạt cử nhân viên phát triển thị trường sang Nhật công tác dài ngày nên Đại Sứ Quán Nhật đã quyết định thắt chặt việc cấp visa cho nhóm này hơn. Hậu quả là mình đã bị đánh trượt visa sang Nhật công tác 2 lần liên tiếp, trong khi hồ sơ liên quan tới Nhật Bản của mình từ trước tới giờ đều rất đẹp.
Vốn có dự định sau này sẽ quay lại Nhật, nên việc trượt liên tiếp visa sang Nhật 2 lần làm mình khá hoang mang, sợ nếu tiếp tục với công việc hiện tại mà lại bị trượt visa lần nữa thì khéo mình bị cấm sang Nhật mất. Thế là mình quyết định xin nghỉ việc để tìm hướng đi khác phù hợp hơn.
Đúng khoảng thời gian này thì mình vô tình đọc được thông tin về chương trình JET PROGRAM tuyển chuyên viên điều phối quốc tế (CIR – Coordinator for International Relations) sang làm việc tại uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố của Nhật do đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đứng ra tổ chức. Chương trình nhận được sự hậu thuẫn của Bộ Ngoại Giao và Bộ Giáo Dục Nhật Bản nên các ứng viên sau khi trúng tuyển sẽ được Đại Sứ Quán Nhật tại các nước cấp thẳng visa mà không cần phải xin tư cách lưu trú (COE) qua Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản nữa.
Cảm thấy đây là chương trình sẽ giúp mình quay trở lại Nhật làm việc nhanh và an toàn nhất, lại rất hứng thú với nội dung công việc là làm cầu nối ngoại giao giữa Nhật Bản- Việt Nam, thúc đẩy giao lưu văn hoá quốc tế tại các địa phương mà các CIR sẽ đảm nhận, mình đã liên hệ ngay với chị sempai nhờ tư vấn, kết hợp tìm hiểu thêm nhiều nguồn thông tin khác về chương trình trên mạng và cấp tốc chuẩn bị hồ sơ để tham gia ứng tuyển.
Vì là chương trình tuyển điều phối viên quốc tế, đảm nhận các công việc liên quan tới giao lưu- cầu nối giữa 2 nước nên ngoài các yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Nhật, các ứng viên cũng phải biết cách để PR về sự năng nổ, hướng ngoại, thích tham gia các hoạt động cộng đồng của bản thân. Và đây chính là lúc để những kinh nghiệm có được qua những lần tham gia các cuộc thi hùng biện và các chương trình học bổng cùng những trải nghiệm quý báu có được sau những chuyến thực tập ở Nhật của mình được phát huy tác dụng.
Với bộ hồ sơ gồm 2 thư tiến cử từ thầy giáo người Nhật ở ĐH Ngoại Thương và cô hướng dẫn ở Pasona Tech Japan nơi mình từng đi internship trước đây, cùng bài luận tiếng Nhật lồng ghép được rất nhiều trải nghiệm phù hợp với tinh thần của chương trình, một loạt các chứng chỉ chứng nhận việc từng tham gia và đạt giải ở các cuộc thi hùng biện và các cuộc thi liên quan tới văn hoá Việt Nhật khác, mình đã may mắn vượt qua được vòng xét hồ sơ và phỏng vấn khá cam go của chương trình để trở thành CIR tới Nhật trong độ tuổi trẻ nhất từ trước tới nay (khi đi mình vẫn đang ở độ tuổi 21).
Xem thêm:
Những khó khăn của Nhật Bản trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao người nước ngoài
Nhật hạn chế cấp thị thực đối với đối tượng du học sinh do lo ngại rò rỉ thông tin kỹ thuật liên quan tới an ninh quốc gia
CHUYÊN VIÊN ĐIỀU PHỐI QUỐC TẾ Ở TỈNH SHIMANE
Nơi mình được điều tới làm việc là thành phố Hamada thuộc tỉnh Shimane của Nhật Bản. Khác với vẻ đông đúc, tấp nập và hiện đại của Tokyo và Fukuoka – những nơi mình từng đặt chân tới trong 3 lần sang Nhật trước đó, thành phố Hamada là một vùng quê yên bình đúng nghĩa. Cảnh sắc ở đây rất thơ mộng, vừa có núi, lại vừa có biển, người dân thì hiền lành và thân thiện, duy chỉ có đi lại hơi khó khăn do phương tiện công cộng không phát triển lắm.
Tuy chỉ là một thành phố nhỏ ở địa phương, nhưng Hamada-shi đã có truyền thống nhận CIR từ nhiều năm nay, những người tiền nhiệm trước đó của mình cũng đã xây dựng khá nhiều khung chương trình hay cho các hoạt động của CIR ở tỉnh, nên chỉ sau 1 tháng sang tới nơi và ổn định cuộc sống, mình đã nhanh chóng bị cuốn theo vòng quay của công việc.
Chương trình đầu tiên mà mình đảm nhận sau khi tới nhận nhiệm vụ ở Shimane là tổ chức chuỗi các buổi giao lưu kéo dài suốt mùa hè nhằm giới thiệu văn hoá và trò chơi địa phương cho các bé tiểu học ở thành phố Hamada. Các bé tuy còn nhỏ nhưng rất hoà đồng và thoải mái trong giao tiếp với người nước ngoài, nhiệt tình tham gia vào tất cả những hoạt động mà bọn mình tổ chức và tới cuối đợt còn làm thiệp tặng bọn mình nữa.
Ngoài ra, mình còn thường xuyên được đồng hành cùng các anh chị ở shi (thành phố) hay các quỹ giao lưu quốc tế của tỉnh tổ chức những buổi học ngắn giới thiệu về văn hoá, ẩm thực và đất nước con người Việt Nam, trong đó hoạt động mình yêu thích nhất là việc tổ chức các lớp học hướng dẫn nấu món Việt. Hồi còn ở Việt Nam mình rất ít nấu ăn, nhưng từ khi sang Nhật làm CIR, mình bắt đầu chú tâm tìm hiểu và mày mò học cách nấu nhiều món hơn để có thể giới thiệu được một cách dễ hiểu, đúng vị nhất các món ăn Việt Nam tới mọi người. Một trong những món mà mình từng mất công mày mò để học nhất là món chè bưởi. Ở nhà ăn chè bưởi không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa từng nấu lần nào nên khi quyết định giới thiệu món chè bưởi tới các bạn Nhật trong giờ học nấu ăn, mình đã phải lên mạng tìm đặt đủ thử nguyên liệu rồi về nhà mày mò tập nấu đi nấu lại tới 5 lần cho tới khi ra được đúng vị chè bưởi Việt Nam nhất mới đem công thức đó đi dạy lại mọi người.
Xem thêm:
Viet Nam’s soul food: Mì Quảng miền Trung
Viet Nam’s soul food: Cơm hến miền Trung
Bên cạnh việc giới thiệu văn hoá Việt Nam tới người dân địa phương, bọn mình còn được giao nhiệm quảng bá du lịch của tỉnh – thành phố nơi mình đang sống tới cộng đồng người Việt Nam đang sống tại Nhật. Bọn mình thường xuyên được người của thành phố dẫn đi tham quan các thắng cảnh du lịch trong vùng (đi hái trái cây, ngắm lá đỏ,…), trải nghiệm văn hoá – ẩm thực địa phương (đi xem điệu múa truyền thống của tỉnh, làm giấy washi – văn hoá phi vật thể của tỉnh Shimane, đón Tết kiểu truyền thống cùng gia đình người Nhật ở địa phương), được giao cho dịch nhiều tài liệu hay liên quan tới du lịch (thông tin vé xe bus giá rẻ, các thông tin liên quan tới chương trình Go to Eat,…) để lấy tư liệu đăng lên Facebook hay Instagram và chia sẻ cho các bạn người Việt khác trong cộng đồng. Ngoài ra, với tư cách là cầu nối Việt-Nhật, mình còn hỗ trợ cho những bạn người Việt (thực tập sinh, kỹ sư, du học sinh) đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Shimane khi gặp khó khăn trong giao tiếp, pháp luật,v…v…
Không chỉ đảm nhận việc giới thiệu văn hoá, du lịch 2 nước, trong thời gian làm CIR tại Shimane, mình đã đứng ra đảm nhận việc điều phối, liên hệ giữa Đại Sứ Quán Việt Nam với các uỷ ban quận – thành phố thuộc tỉnh Shimane để chuyển tới tận tay hơn 100 bạn Việt Nam đang sống tại địa phương tổng cộng hơn 1 tấn gạo mà Đại Sứ Quán hỗ trợ cho cộng đồng người Việt khu vực này.
Xem thêm:
Xem gì để hiểu thêm về văn hóa dating của các bạn Nhật?
Giao tiếp liên văn hoá Nhật – Việt
Một số vấn đề giao tiếp liên văn hoá Việt-Nhật (1)
TÌM KIẾM NHỮNG TRẢI NGHIỆM CÔNG VIỆC MỚI
Quãng thời gian 2 năm làm CIR ở thành phố Hamada (tỉnh Shimane) thực sự đã đem lại cho mình rất, rất nhiều trải nghiệm cũng như những mối quan hệ gắn bó không thể nào quên với những người dân hiền lành, chất phác nơi đây. Tuy vậy, do vốn tính thích tự do, bay nhảy, khám phá, nên sau 2 năm làm việc tại đây, mình quyết định xin kết thúc sớm nhiệm kỳ (nhiệm kỳ của một CIR có thể kéo dài tối đa 5 năm) để tìm một hướng đi mới nhiều thử thách hơn.
Dù đã nghỉ công việc cũ ở Việt Nam khá lâu, nhưng mình vẫn duy trì giữ liên lạc với bác chủ tịch người Nhật cho tới tận bây giờ. Tháng 8 vừa rồi, đúng lúc mình đang cân nhắc về việc sẽ tìm một công việc khác để thử thách bản thân ở Nhật thì bác liên lạc và nói đang cần người về phụ giúp bác làm công việc liên quan tới tìm kiếm khách hàng ở tỉnh Iwate và hỏi mình có muốn về giúp sức cho bác không. Vốn mến mộ tài năng của bác từ xưa, lại thấy đây là một cơ hội rất tốt để mình có thể mở rộng hơn network của bản thân nên mình quyết định nhận lời mời của bác, chuyển tới Iwate làm công việc liên quan tới mảng điều phối, phái cử nhân sự. Bên cạnh đó, bác đồng ý hỗ trợ để mình được tự do phát triển bản thân chứ không bị bó buộc trong môi trường công sở, mình vừa có thể đi sales, lại vừa có thể làm một phiên dịch freelancer, thậm chí cho mình trải nghiệm các công việc khác nhau trong business của bác (đến thăm quan viện dưỡng lão, thử sức làm tencho – cửa hàng trưởng trong hệ thống quán ăn chuyên gà rán,…) hay bay nhảy tới bất cứ đâu mình muốn.
Xem thêm:
Xin việc tại Nhật: Cách tìm hiểu thông tin của công ty (企業研究)
5 bước để bắt đầu tìm việc tại Nhật ngay hôm nay
TOP những sách mà sinh viên nên đọc
Khác với công việc ít áp lực lại an nhàn, một ngày chỉ làm có đúng 7 tiếng ở uỷ ban thành phố trước đây, công việc mới của mình áp lực hơn và cũng bận rộn hơn do thường xuyên phải đi công tác để liên hệ, gặp gỡ tìm kiếm khách hàng mới về cho công ty. Tuy vậy, do được tiếp xúc với nhiều khách hàng làm ở nhiều mảng khác nhau nên tầm nhìn của mình cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước đây.
Những kinh nghiệm trong 2 năm làm CIR nghe qua có vẻ không liên quan, nhưng thật ra lại giúp ích cho mình khá nhiều trong công việc mới. Ngày trước khi làm CIR, mình thường xuyên phải làm các tài liệu giới thiệu về văn hoá Việt Nam, sự khác biệt trong cách suy nghĩ của người Việt Nam với người Nhật. Và giờ khi đi sales về mảng nhân sự, mình cũng thường xuyên phải chia sẻ những thông tin đó cho khách hàng là các công ty, nghiệp đoàn đang có ý định tiếp nhận lao động người Việt để họ hiểu hơn về văn hoá, con người Việt Nam. Chính vì thế mà những kiến thức, hiểu biết có được trong công việc CIR trước đây hiện đã giúp ích cho mình rất nhiều khi chuẩn bị tài liệu đi sales cũng như khi nói chuyện với khách hàng.
Ngoài ra, trong các cuộc trò chuyện với những đối tác mới gặp, khi biết mình từng đi sang Nhật làm việc theo chương trình của chính phủ, từng có thời gian công tác ở uỷ ban thành phố của Nhật thì họ đều có vẻ tin tưởng và trao đổi cởi mở với mình hơn.
Hiện mình cũng mới chỉ chuyển sang công việc mới được chưa đầy 3 tháng. Phía trước vẫn còn rất nhiều thứ mới mẻ phải học và nhiều thử thách cần phải vượt qua, nhưng mình vẫn đang hào hứng đón nhận và học hỏi những thứ mới từng ngày.
Xem thêm:
Giới thiệu sách hay về xin việc tại Nhật
Giải pháp giúp kinh doanh online hợp pháp tại Nhật
LỜI NHẮN
Mình rất thích câu nói “If you try hard to find me, you just find a dark hole. Inside it, is there a galaxy.” (Tạm dịch: nếu bạn cố gắng để tìm hiểu tôi, bạn sẽ chỉ nhìn thấy một hố đen. Nhưng bên trong đó lại là một vũ trụ rộng lớn.)
Trong suy nghĩ của mình, mỗi con người chúng ta đều là những cá thể riêng biệt với những tiềm năng vô hạn, nên bản thân mình luôn cố gắng từng ngày để mở rộng giới hạn đó ra, tìm kiếm cơ hội để được thử thách những thứ mới mẻ, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ luôn dũng cảm đối đầu và tận hưởng từng phút giây. Mình rất mong những chia sẻ của mình qua bài viết ở trên sẽ phần nào đem tới cho mọi người những cảm nhận tích cực và rất mong tất cả những người trẻ chúng ta sẽ luôn nỗ lực hơn nữa để biến bản thân thành một người giàu trải nghiệm, một con người thú vị với cuộc sống luôn đầy ắp sắc màu!
Iwate, tháng 11/2021
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận