NĂM ĐẦU TIÊN ĐẦY THỬ THÁCH
Đầu năm 2014, mình sang Nhật đoàn tụ cùng chồng theo diện visa gia đình. Hồi đó mọi người sử dụng Facebook cũng khá nhiều rồi, nhưng các hội nhóm cộng đồng chia sẻ thông tin dành cho mẹ Việt ở Nhật hay các chị em theo chồng sang Nhật thì chưa phát triển như bây giờ, nên trước khi sang mình gần như không có chút thông tin thực tế nào về cuộc sống đang chờ đợi mình phía trước.
Do chuẩn bị đi cũng khá cập rập, lại nghĩ chắc sang tới nơi học tiếng cũng không muộn, nên mình không học trước chút tiếng Nhật nào ở nhà cả. Thành thử khi mới sang, vốn tiếng Nhật của mình chính xác là một con số 0 tròn trĩnh. Nơi mình sinh sống là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Shizuoka, dù không đến mức bao quanh là đồi núi, ruộng vườn nhưng cũng khá hẻo lánh nên việc làm thêm cũng không có nhiều như ở Tokyo hay các thành phố lớn. Công việc đầu tiên mình ứng tuyển là của một xưởng đóng gói nhỏ nơi có nhiều du học sinh đang làm, nhưng do tiếng mình kém quá, nhà lại xa nên đã bị từ chối thẳng luôn. Khoảnh khắc lúc bị từ chối công việc này, mình đã hụt hẫng vô cùng. Cứ nghĩ hồi xưa ở nhà bố mẹ mất bao công cho mình ăn học tử tế, trước khi sang Nhật cũng có công việc đàng hoàng, thế mà giờ sang đây đến xin một công việc đóng gói đơn giản cũng không được nhận là mình lại thấy nản chỉ muốn bỏ về luôn.
Nghĩ bụng nếu cứ để vốn tiếng Nhật như vậy thì có khi đến cả 1-2 năm nữa cũng không có khả năng xin baito được mất, nên mình quyết định đăng ký đi học tiếng Nhật tại một trường tiếng ở Shizuoka. Khác với các bạn du học sinh phải học theo từng kỳ, từng năm, các chị em theo visa gia đình như mình có thể đăng ký học và đóng tiền theo tháng, mỗi tội học phí cũng không hề rẻ. Tuy vậy mới vào học được vài tháng, tiếng tăm còn chưa đâu vào đâu thì mình biết tin có bầu bé đầu lòng. Trường học cách nhà mình tận 50km, hàng ngày tính cả thời gian đạp xe từ nhà ra ga, rồi lên tàu và đi bộ từ ga tàu vào trường là mình mất tổng cộng hơn 1 tiếng/chiều để di chuyển. Từ nhà đến trường thường phải đi qua 1 con dốc rất cao, không đạp xe được nên thường cứ đến đoạn đó mình lại phải xuống đi bộ rồi dong xe lên. Chính vì thế mà sau khi biết tin có bầu được 1 thời gian thì mình đành phải nghỉ học ở nhà dưỡng thai vì bác sĩ nói nếu cứ tiếp tục đi xe đạp mỗi ngày như vậy thì sẽ nguy hiểm cho em bé.
Hiện tại MPKEN đang có nhóm “Anh chị em bunkei cùng học thi chứng chỉ“dành cho các bạn khối ngành Bunkei chuyên để trao đổi về việc thi cử lấy chứng chỉ để career up tại Nhật ^^ Bạn nào quan tâm có thể click vào đường link phía dưới và join group nhé. Trong group các thành viên sẽ cùng nhau bàn luận cách thức thi cử, tiến hành thi lấy chứng chỉ tại Nhật cũng như những tips thi chứng chỉ của các sempai đi trước.Link Group: Anh chị em bunkei cùng học thi chứng chỉMột số hình ảnh về các bài đăng trong group cho các bạn tham khảo nhé ^^
Bỏ ra một số tiền không nhỏ để học tiếng Nhật, nhưng chưa đâu vào đâu đã phải nghỉ học ở nhà, mình cảm thấy khá buồn chán. Nhưng mọi chuyện thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn khi trong một lần đi khám thai định kỳ mình bị phát hiện có nguy cơ sinh non và yêu cầu phải nhập viện sau 1 tuần uống thuốc và theo dõi tại nhà mà không có tiến triển. Đột nhiên bị bác sĩ bắt phải nhập viện mình cảm thấy rất sợ, nhưng vì thấy bản thân vẫn khoẻ mạnh, bên ngoài cũng không có biểu hiện gì cụ thể nên thời gian đầu mới vào viện, mình vẫn cứ nghĩ có lẽ do bác sĩ Nhật cẩn thận nên làm quá lên chút thôi, vài ngày nữa tình hình ổn hơn rồi sẽ được cho về nhà. Vậy mà mọi chuyện nghiêm trọng hơn mình nghĩ rất nhiều.
Sau 2 tuần nằm theo dõi ở bệnh viện gần nhà, bác sĩ lại quyết định chuyển mình lên một bệnh viện lớn hơn cách nhà tận 50km vì bệnh viện mình đang nằm lúc đó chỉ xử lý được các ca trên 28 tuần, mà tình trạng doạ sinh non của mình thì không cải thiện được mấy trong khi em bé vẫn còn nhỏ quá. Vì trường hợp của mình được xếp vào diện khá nặng, nên được xếp riêng 1 mình một phòng, hàng ngày ngoài các cô y tá hay bác sĩ thi thoảng chạy vào hỏi han, đo huyết áp, lấy máu hay thăm khám ra thì mình gần như chẳng được giao tiếp cùng ai. Bệnh viện cách nhà xa, chồng vẫn phải đi làm cả ngày nên chỉ cuối tuần mới đến thăm được, wifi thì không có, mạng 3G của máy điện thoại thì tậm tịt chỉ tranh thủ nhắn được tin thôi còn không xem phim hay đọc báo gì được, thành thử ngày qua ngày mình chỉ biết nằm 1 mình trong phòng bệnh, nhìn qua cửa sổ đếm những chú vịt bơi bơi ngoài bờ ruộng gần đó rồi đếm xem bao nhiêu ngày đã trôi qua kể từ khi mình chuyển vào đây. Ngày nào bác sĩ vào mình cũng chỉ biết dùng vốn tiếng Nhật bập bẹ để hỏi bao giờ thì mình được về nhà, mà lần nào bác sĩ cũng chỉ trả lời là phải theo dõi thêm đã. Lần đầu mang bầu lại phải một mình nhập viện, tiếng tăm không hiểu mấy, nhiều lúc khó chịu trong người cũng không biết làm sao để diễn tả, xung quanh không có người thân, mình cảm thấy bất lực tới mức stress.
Cũng may là sau 5 tuần chịu khó nằm yên dưỡng thai trên giường bệnh thì tình hình của mình cũng ổn hơn, em bé đã trên 30 tuần thai nên mình được cho về lại bệnh viện cũ gần nhà để điều trị tiếp cho đến khi em bé được 35 tuần thì mình được xuất viện và sinh bé vài ngày sau đó.
Tuy em bé sinh ra có hơi nhỏ so với tiêu chuẩn và phải nằm trong phòng điều trị tích cực dành cho trẻ sơ sinh (NICU) của bệnh viện gần 1 tháng trời, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các y bác sĩ trong bệnh viện và sự đỡ đần của bà ngoại nên mọi thứ sau đó cũng dần ổn định và thuận lợi hơn. Tuy vậy, năm đầu tiên sang Nhật đầy những biến cố đó cho đến giờ vẫn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với mình.
Xem thêm:
Tự học tiếng Nhật – không khó như bạn tưởng
Học bổng du học đại học tại Nhật Bản
Du học Nhật Bản – Những điều nên biết
HÀNH TRÌNH ĐI XIN HỌC CHO CON
Khi con được hơn 1 tuổi, dần cứng cáp lên một chút thì mình bắt đầu nghĩ tới việc xin cho bé đi nhà trẻ. Lý do chính mình muốn con được đi học là vì muốn bé có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người hơn và có bạn bè đồng trang lứa để chơi cùng, vì không hiểu sao mình luôn lo lắng việc con sẽ bị chậm nói nếu chỉ ở nhà một mình với mẹ. Tuy vậy, có lẽ do mức độ ưu tiên của mình thấp so với các mẹ đang đi làm (mình đăng ký xin học theo diện mẹ đang tìm việc), nên dù đã sống ở khu vực được đánh giá là tương đối dễ xin đi nhà trẻ so với các thành phố lớn khác, nhưng bé nhà mình vẫn bị trượt.
Không cho con đi nhà trẻ được như dự kiến, nhưng cũng không muốn để con suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, lủi thủi 1 mẹ 1 con với nhau, nên mình đã nhờ chồng gọi điện hỏi các trường mẫu giáo xung quanh xem có trường nào có chế độ nhận giữ trẻ theo giờ (一時保育) không để mình cho con đi học, dù chỉ 2 tiếng/ngày thôi cũng được. Rất may là trong số các trường chồng mình gọi thì có một trường có chế độ này và cô hiệu trưởng đã hẹn vợ chồng mình tới nói chuyện trực tiếp. Khi nghe chồng mình trình bày những lo lắng của vợ khi chỉ có 2 mẹ con lủi thủi ở nhà với nhau, vợ lại không biết tiếng Nhật nên sợ con sau này sẽ chậm nói và không giao tiếp được với bạn bè xung quanh, cô hiệu trưởng đã rất đồng cảm và nói sẽ gọi lên quận để trao đổi về việc cho bé nhà mình vào học chính tại trường luôn. Chỉ định tìm chỗ cho con được học 2-3 tiếng/ngày cho khuây khoả, vậy mà cuối cùng lại được hỗ trợ vào học chính luôn, mình mừng lắm. Tuy vậy, do quy định của quận là dù trường có đồng ý nhận, nhưng mẹ muốn gửi con lâu dài thì vẫn phải đi học hoặc đi làm nên mình lại đăng ký đi học trở lại ở trường tiếng Nhật.
Xem thêm:
Dành cho các mẹ đi làm: Làm gì khi con ốm sốt hoặc ko về kịp giờ đón con?
Chế độ nghỉ chăm con cho các bố mẹ làm việc ở Nhật
Đăng ký xin đi nhà trẻ ở Nhật
Nhà trẻ mà bé nhà mình được nhận vào cách nhà gần 5km, hàng ngày lóc cóc đạp xe đưa con đi học xong mới vội vàng đi tàu hơn 1 tiếng để đến trường được, nên ngày nào mình cũng vào học muộn gần 2 tiếng (giờ học từ 8-12h mỗi ngày nhưng ngày nào cũng phải 10h mình mới tới được). Thời gian học ngắn, khung giờ lại dở dở dang dang, nên giai đoạn này mình vẫn gần như không học được mấy chữ vào đầu dù vẫn phải đi học điểm danh mỗi ngày để đủ điều kiện duy trì việc học cho con.
Quãng thời gian này kéo dài được khoảng gần 5 tháng thì gia đình mình chuyển sang chỗ ở mới cách nhà cũ khoảng hơn 10km, thế là cuộc chiến xin học cho con lại một lần nữa lặp lại. Tuy nhiên, lần này do đã có kinh nghiệm hơn, nên trước khi chuyển tới khu mới 1 tháng mình đã sắp xếp xin vào làm baito được một siêu thị cách nhà mới chừng 5km để đủ điều kiện đăng ký xin nhà trẻ cho con. Lần xin học này, dù cũng tương đối vất vả vì phải lên quận hết lần này tới lần khác để trao đổi nhờ quận xếp lịch với trường để có thể cho con vào học sớm kịp lịch đi làm, nhưng cuối cùng thì mọi chuyện cũng được sắp xếp ổn thoả đâu vào đấy. Đúng là dù chưa đạt tới mức giao tiếp lưu loát hay đỗ chứng chỉ N3 này nọ, nhưng có chút vốn tiếng Nhật vào cũng giúp mình chủ động trong cuộc sống hơn rất nhiều, từ việc đi xin baito cho tới lo các thủ tục hành chính và xin học cho con.
Xem thêm:
Chuyển việc trong thời gian nghỉ chăm con: Những điểm cần lưu ý
Cơ hội nào cho các mẹ có con nhỏ trên thị trường chuyển việc mùa Covid?
Các mẹ vừa chăm con vừa đi làm ở Nhật vất vả như thế nào?
HỌC LÁI XE ĐỂ CHỦ ĐỘNG HƠN TRONG CUỘC SỐNG
Thời gian đầu khi mới chuyển tới nhà mới, mình vẫn đưa đón con đi học rồi đi làm trên chiếc xe đạp mua từ ngày mới sang Nhật. Thời tiết ở Nhật vào mùa đông buổi chiều tối khi 2 mẹ con đi học về trời thường rất lạnh, nếu lại trúng vào những hôm trời mưa nữa thì còn mệt và vất vả hơn. Thế là sau một hồi bàn bạc với chồng, mình quyết định đón bà ngoại sang hỗ trợ việc đưa đón và chăm con buổi tối một thời gian để đi học lấy bằng lái xe.
Vốn tiếng Nhật chưa tới N3 mà lại quyết định đi học lái xe bằng tiếng Nhật nên thời gian đầu vào học mình căng thẳng lắm. Giờ học lý thuyết, những nội dung thầy nói mình chỉ nghe bập bõm, kết hợp thêm với hình ảnh trong bài hoặc video thầy chiếu cho xem nữa thì cũng chỉ “nghe nhạc hiệu đoán chương trình” được khoảng 10% thôi. Còn lại là cứ thấy thầy bảo gạch chân chỗ nào là mình cắm cúi gạch chân theo hết vì đoán những chỗ đó là những nội dung quan trọng, cần ghi nhớ.
Về nhà, có thời gian hơn, mình dùng từ điển tra lại tất cả các từ xuất hiện trong bài (cũng may là sách học lý thuyết lái xe tuy rất nhiều Kanji nhưng trên mỗi chữ Kanji đều có gắn phiên âm Furigana) để đọc và hiểu thật kỹ các nội dung trong sách, rồi trước khi thi thì cầy đề cật lực. Phần thực hành học lái thì đỡ vất vả hơn vì thầy giáo cũng tìm cách để hướng dẫn trực quan cho mình, kết hợp thêm là trước mỗi buổi thực hành thì chồng mình đều cho mình ngồi trên xe của nhà để chỉ qua trước bằng tiếng Việt nữa.
Cứ thế đằng đẵng hơn 3 tháng trời, ban ngày thì đi làm ở siêu thị, chiều tới đến lại chạy đi học lái xe thì cuối cùng mình cũng lấy được bằng. Và đây có lẽ cũng chính là bước ngoặt lớn giúp cuộc sống ở Nhật của mình trở nên “dễ thở” và nhiều màu sắc hơn.
Có trong tay tấm bằng lái xe, mình cảm thấy chủ động trong mọi việc hơn hẳn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mình đều có thể chủ động đưa đón con đi học mà không lo con bị lạnh, bị ướt, khi cần đi siêu thị nào xa một chút, mua nhiều đồ một chút mình cũng không cần phải phụ thuộc chờ chồng đi làm về như hồi xưa.
Có bằng lái xe, chủ động đi xa được nên mình đăng ký học thêm tiếng Nhật tại một lớp tình nguyện ở cách nhà 20km và học tại đây cho tới khi thi đỗ N3.
Xem thêm:
Tìm hiểu về học bằng lái xe ôtô ở Nhật
Hướng dẫn chi tiết cách đổi bằng lái xe Việt Nam sang bằng Nhật
Trò chuyện cùng nhân viên trường lái xe ở Nhật
TIỆM SÁCH ONLINE
Như mình đã nói ở đoạn trước, không hiểu sao mình luôn mang trong mình nỗi lo con sinh ra và lớn lên ở nước ngoài sẽ dễ bị chậm nói, nên từ khi con còn nhỏ mình đã rất tích cực đưa con đến các khu vui chơi chung cho trẻ con ở Nhật (Kodomo no Hiroba) và năng tìm hiểu các phương pháp giáo dục sớm dành cho trẻ để đồng hành được cùng con tốt hơn.
Trong quá trình đưa con tới chơi ở các khu Hiroba để chơi, mình có biết tới các trò chơi kích thích phát triển trí não mà các cô nhân viên người Nhật ở đây hay tương tác với các bé. Thấy bé nào bé nấy khi được chơi đều rất háo hức tiếp nhận, nên mình cảm thấy rất hứng thú và muốn cho bé nhà mình được tiếp xúc nhiều hơn, nhưng do điều kiện lúc đó có nhiều thứ chưa hợp lý nên mình đành tạm hoãn lại.
Sau khi chuyển sang nhà mới, có bằng lái xe tiện đi lại đưa đón con hơn nên mình bắt đầu tìm hiểu và đưa con tới tham gia lớp học theo mô hình Shichida. Thấy con hào hứng với việc học ngoại khoá, mình lại tiếp tục tìm thêm các lớp học bơi và piano cho con theo học.
Song song với việc cho con học ngoại khoá để tăng khả năng giao tiếp và tiếng Nhật, mình cũng chú trọng giữ gìn văn hoá Việt và tiếng Việt cho con bằng cách thường xuyên đem sách truyện thiếu nhi tiếng Việt từ Việt Nam qua và đọc cho con nghe mỗi ngày.
Tiếp xúc và tìm hiểu sách thiếu nhi cho con nhiều, niềm đam mê với sách thiếu nhi tiếng Việt của mình lớn dần lên từ lúc nào không biết. Cứ nhìn thấy bạn bán sách quen đăng bài giới thiệu bộ sách mới nào là mình đều xem một cách say sưa, mê mẩn, rồi tưởng tượng con sẽ thích thú ra sao khi được cùng mẹ đọc bộ sách đó,… Thấy bộ nào mới ra hay hay một chút là mình lại nhờ người nhà mua sẵn để đó, chờ tới lúc mình về Việt Nam chơi (1 năm mình về 1-2 lần) hoặc có người quen bay sang Nhật sẽ cầm qua giúp.
Một lần tình cờ qua bạn bè giới thiệu, mình biết tới một địa chỉ vận chuyển sách từ Việt sang Nhật với giá khá phải chăng, lại thấy có nhiều mẹ mình quen trên các group cộng đồng dành cho mẹ Việt ở Nhật cũng có nhu cầu đem sách truyện từ Việt Nam qua để dạy tiếng Việt cho con, thế là mình quyết định lập 1 group Facebook nhỏ có tên là “Sách hay cho bé ở Nhật” để giới thiệu các bộ sách hay, rủ mọi người cùng gom vào gửi chung cho rẻ.
Như được gãi đúng chỗ người, tuy chỉ là 1 group rất mới nhưng các bài đăng giới thiệu sách của mình nhận được sự hưởng ứng và tương tác lớn từ các chị em, ai cũng hào hứng đăng ký muốn được mua chung sách.
Xem thêm:
TOP những sách business bán chạy đầu năm 2021
Top 10 sách về công việc và kinh doanh bán chạy trong năm 2020
TOP những sách mà sinh viên nên đọc
Số lượng mọi người đăng ký quá nhiều, vượt quá khả năng của mình nên ban đầu mình cũng rất hoang mang. Nhưng càng làm lại càng thấy nhiệt huyết với việc được góp sức chung tay đưa những bộ sách đẹp lung linh từ Việt Nam sang Nhật cho các bé, nên mình lại xoay xở đủ mọi cách để xử lý được tất cả các yêu cầu đặt hàng của mọi người: từ việc gom mua sách ở đầu Việt Nam, cho tới khâu vận chuyển Việt- Nhật và vận chuyển nội địa.
Qua vài tháng vận hành, thấy nhu cầu mọi người quá lớn, mọi thứ đã vào guồng, bản thân cũng cảm thấy rất vui và nhiệt huyết với công việc đang làm nên mình quyết định nghỉ công việc baito ở siêu thị, đăng ký kinh doanh hộ cá thể và khai báo thuế trên quận để tập trung 100% sức lực vào công việc kinh doanh tiệm sách online cho các bé Việt Nam ở Nhật này.
Tính từ lúc lập group tới nay thì tiệm sách online của mình đã hoạt động được hơn 2 năm, mỗi tháng đều chuyển hàng nghìn đầu sách từ Việt Nam qua Nhật để gửi tới tay hàng trăm gia đình Việt Nam ở Nhật.
Ban đầu mình chỉ tập trung vào mảng sách, nhưng sau đó thấy mọi người hay hỏi thêm cả các món đồ khác nữa, nên hiện mình có mở rộng sang làm cả mảng đồ chơi trí tuệ, và đưa cả các món đồ chơi, đồ trang trí thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết truyền thống như đèn ông sao, bao lì xì, câu đối Tết,… sang để các mẹ có thêm công cụ giới thiệu văn hoá truyền thống cho các con.
Ngày nhỏ, thị trấn mà mình sống chỉ có 2 hiệu sách, trong đó có một hiệu sách tư nhân lúc nào cũng ngập tràn sách và mỗi lần được tới đó mình đều cảm giác vô cùng háo hức, cảm giác nơi đó thật vô cùng kỳ diệu và có nhiều thứ để khám phá, nên mình luôn mong lớn lên sẽ có được một hiệu sách của riêng mình. Dù tiệm sách online hiện nay được hình thành và phát triển ngoài dự kiến ban đầu của mình, và hình thức thì cũng có hơi khác so với hiệu sách ngày nhỏ mà mình từng tưởng tượng ra, nhưng mình cảm thấy rất vui vì có thể biến ước mơ ngày nhỏ thành hiện thực.
Công việc của hiệu sách online khá vất vả, phải thường xuyên tìm tòi thông tin các bộ sách mới, phải ghi chú các đơn đặt hàng rồi điều phối vận chuyển 2 đầu Nhật – Việt, nhiều đợt gần Tết hay Trung thu hàng có khi phải thức tới tận 2-3 giờ sáng để kịp kiểm hàng và đóng gói trả sách, trả đồ chơi kịp cho các bé, nhưng mình vẫn cảm thấy vô cùng nhiệt huyết vì có thể góp chút sức đưa được tiếng Việt và văn hoá Việt Nam đến gần hơn với các em bé phải sống xa quê hương.
Xem thêm:
Giới thiệu sách hay về xin việc tại Nhật
Giải pháp giúp kinh doanh online hợp pháp tại Nhật
LỜI NHẮN
Thi thoảng có dịp trò chuyện, tư vấn với các chị em sắp hay vừa mới sang Nhật theo chồng giống mình ngày xưa, mình đều nhắn nhủ mọi người nếu có điều kiện thì trước khi sang Nhật hãy học sẵn chút tiếng Nhật ở nhà chứ đừng “tay không bắt giặc” giống mình. Có chút vốn tiếng Nhật “giắt lưng” sẽ giúp các chị em chủ động hơn rất nhiều trong cuộc sống, từ việc tìm baito, học lái xe đến xin học hay đồng hành cùng con sau này. Tự học tiếng Nhật khi không có thầy cô ráo riết bên cạnh nhắc nhở, khi mỗi ngày đều phải bận rộn với hàng trăm thứ việc không tên đòi hỏi sự quyết tâm lớn, nhưng thành quả có được chắc chắn sẽ không làm mọi người phải hối hận.
Đối với các chị em đang sống ở những vùng không có tàu xe tiện như Tokyo, mình rất khuyến khích mọi người nếu được hãy mạnh dạn học và thi lấy bằng lái xe, vì nó thật sự sẽ như “một đôi cánh” giúp chúng ta bay cao hơn để khám phá những chân trời mới.
Cuộc sống ở Nhật nhiều khó khăn nhưng cũng đầy những trải nghiệm, hy vọng các chị em sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu để từng bước làm quen và chủ động hơn với cuộc sống ở nơi đây.
Shizuoka, tháng 10/2021
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
![]()
Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận