Voice of Asean Sempai (Vol 70)

ĐẾN NHẬT ĐỂ HỌC THÊM MỘT NGÔN NGỮ MỚI 

    Mình đặt chân tới Nhật lần đầu vào khoảng 5 năm trước, 3 tháng sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương thành phố Hồ Chí Minh. Ngôn ngữ chính mình học khi còn ở trường là tiếng Anh, nên khi mình quyết định đi du học Nhật và học tiếng Nhật từ đầu thay vì tìm học bổng học lên cao học tại Úc hay New Zealand như nhiều bạn cùng khoá khác, mọi người xung quanh đã rất ngạc nhiên.

    Lý do mình chọn đi du học một thứ tiếng mới thay vì học lên cao học là vì khi đó mình vừa ra trường, chưa từng đi làm nên chưa có định hướng rõ ràng về việc bản thân cần học sâu thêm về lĩnh vực gì thì sẽ có ích cho công việc sau này. Tiếng Anh – ngôn ngữ chính mình học trong trường đại học – lại đang ngày một trở nên bão hoà, nên mình cảm thấy thay vì học lên cao học để có thêm 1 tấm bằng trong khi chưa biết bản thân thật sự muốn gì, việc học thêm một ngoại ngữ mới có lẽ sẽ giúp mình nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường việc làm hơn. 

   Ba đất nước mà mình cân nhắc khi lựa chọn để đi du học tiếng khi đó là Trung Quốc, Nhật Bản Và Hàn Quốc. Sau khi cân nhắc và so sánh kỹ càng về văn hoá, môi trường làm việc, cơ hội việc làm sau này, mình đã quyết định chọn Nhật Bản vì thấy văn hoá làm việc của người Nhật rất hay và Nhật cũng đang dần chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam nên sẽ có nhiều cơ hội công việc trong tương lai. Dự định ban đầu của mình là sẽ sang Nhật du học tiếng 1-2 năm để có vốn tiếng Nhật thật tốt, có hiểu biết về văn hoá và cách thức làm việc của người bản địa, rồi sẽ tìm kiếm cơ hội để ở lại đây làm việc một vài năm. Sau một vài tháng chọn trường và chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, học một chút tiếng Nhật (chủ yếu là bảng chữ cái và một vài mẫu tiếng Nhật cơ bản trong Minna no Nihongo), mình khăn gói lên đường qua Nhật vào một ngày hè tháng 7/2016.

KẾ HOẠCH “THẦN TỐC” VÀ “BẤT KHẢ THI”

    Khi quyết định du học, mình đã đặt quyết tâm là chậm nhất là tới trước khi tốt nghiệp trường tiếng (mình học khoá 1.5 năm) sẽ phải có được vốn tiếng Nhật đủ khá để xin được việc ở Nhật. Có lẽ các bạn ở đây lâu và có kinh nghiệm tìm việc ở Nhật sẽ phì cười khi nhìn thấy kế hoạch “thần tốc” của một đứa “sang Nhật với vốn tiếng Nhật gần bằng 0” như mình, nhưng hồi đó mình đã chẳng mảy may lăn tăn suy nghĩ gì về mức độ “bất khả thi” của nó.

    Hồi ở Việt Nam, mình thấy bạn mình tiếng Anh chưa biết gì mà qua Mỹ chưa đầy 1 năm đã nói vèo vèo như gió nên nghĩ tiếng Nhật chắc cũng vậy. Qua Nhật 1-2 năm tự động tiếng Nhật sẽ giỏi lên thôi, mình lại có tiếng Anh nữa nên chắc xin việc cũng không khó. Đây có lẽ cũng là suy nghĩ của phần lớn các bạn du học sinh khi đi du học ở Nhật, nhất là những bạn đã tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam và có vốn tiếng Anh dắt lưng kha khá như mình. Chính vì có niềm tin như vậy nên trước khi đi, mình cũng không quá chú trọng tới việc học để có 1 nền tảng cơ bản vững chắc về tiếng Nhật, và dĩ nhiên, cũng không mảy may tìm hiểu gì nhiều về lịch trình xin việc đầy vất vả cam go của Nhật. 

    Kết quả là, thời gian đầu mới qua Nhật, mình đã rất sốc và chưa gì đã có cảm giác thua cuộc. Chỉ sau một thời gian ngắn qua đây và học tiếng Nhật một cách thực sự nghiêm túc, mình đã nhận ra một sự thật “đau lòng”, đó là không phải cứ sống tại Nhật thì tiếng Nhật của mình sẽ tự động giỏi lên, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào độ chịu khó rèn luyện và trau dồi vốn từ của bản thân mình nữa. Tiếng Nhật chưa tốt còn khiến mình khó tìm được những công việc làm thêm tốt để trang trải cuộc sống, phải làm những việc làm thêm chân tay, ít giao tiếp, khiến cho mình càng thêm mệt mỏi và thụt lùi ý chí hơn nữa.

    Trong hoàn cảnh đó, bỏ cuộc thì coi như mình mất trắng, mình đành phải tìm mọi cách để tiến lên. Mình tra cứu thông tin trên Google, lân la hỏi han kinh nghiệm của thầy cô và tất cả các sempai mà mình biết, thậm chí còn chủ động nhắn tin hỏi thăm cả những anh chị mà mình chỉ vô tình biết thông qua các trang mạng xã hội. Có anh chị động viên bảo nếu thực sự quyết tâm thì vẫn làm được, nhưng sẽ phải nỗ lực rất nhiều, có người thì lại khuyên nên học tiếp lên senmon hoặc cố thi vào cao học để tiếng Nhật giỏi hơn rồi hãy đi xin việc. Tuy vậy, mình cảm thấy nếu đi theo con đường học lên tiếp thì sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian, tiền bạc và biết bao chi phí cơ hội khác, nên đã quyết định vẫn kiên định theo con đường mà bản thân đã vạch ra từ đầu, nhưng với tốc độ và quyết tâm gấp đôi. Và để thực hiện nó, mục tiêu đầu tiên mà mình cần đạt được là phải thi đỗ bằng được N2 vào kỳ thi 7/2017 (1 năm kể từ ngày bắt đầu học tiếng Nhật) để đủ điều kiện đi xin việc ở Nhật.

    Kể từ đó, cuộc sống hàng ngày của mình là những chuỗi ngày ban ngày thì đi học, cày tiếng Nhật để thi N2, buổi tối thì đi làm baito rồi đêm về lại tranh thủ học tiếp. Thời gian 1 năm là quá ngắn nên mình đã không cho phép bản thân chần chừ thêm 1 phút giây nào, ngay cả trên tàu mình cũng tranh thủ ôn từ vựng, làm trắc nghiệm hoặc luyện nghe, tận dụng thời gian tối đa hết sức có thể. Lịch học ở trường tiếng chỉ có 1 buổi 1 ngày, nhưng vì sợ về nhà sẽ mải mê ngủ hay làm việc khác nên hàng ngày mình đều ở lại thư viện trường học cho tới sát giờ baito. Cuối tuần mình cũng không ở nhà mà lên thư viện của quận, vừa rộng, vừa nhiều sách, vừa có mọi người chăm chỉ học hành xung quanh để thêm động lực ngồi cày tiếng Nhật.

    Vì thời gian không còn nhiều nên mình đã rút gọn thời gian làm baito tới mức tối thiểu, chỉ vừa đủ để bản thân có thêm môi trường luyện nghe nói và có thêm chút chi phí trang trải tiền sinh hoạt. Mình cũng chuyển nơi làm baito từ một quán nhậu xa nhà sang một quán cơm bò gần nhà, dù tiền baito giảm đi nhưng nằm luôn trên tuyến tàu mình đi từ trường về nhà nên tiết kiệm được nhiều thời gian để học hơn. Dù xung quanh các bạn cùng lớp tiếng Nhật của mình đều đi làm và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng vì xác định mục đích chính của mình khi sang Nhật là để trau dồi tiếng Nhật và sớm tìm được một công việc phù hợp với nguyện vọng của bản thân nên mình vẫn kiên định với việc giảm giờ baito để tập trung hết sức vào việc học để thi đỗ N2 trong thời gian ngắn nhất.

    Nhờ những nỗ lực không ngừng trong suốt một thời gian dài cùng sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và bố mẹ, mình đã thi đỗ N2 vào kỳ thi 7/2017, có thêm chút tự tin để đặt chân chính thức vào cuộc đua mang tên “Tìm việc ở Nhật”.

Xem thêm:
Các chứng chỉ tạo lợi thế khi đi xin việc
Tự học tiếng Nhật – không khó như bạn tưởng
Tu nghiệp sinh tại Nhật: Làm sao để học tốt tiếng Nhật

CUỘC CHIẾN TÌM VIỆC 

   Một năm đầu khi mới sang, vì phải dồn tất cả tâm sức để ôn thi N2 nên mình chưa tìm hiểu nhiều gì về việc đi xin việc ở Nhật. Khi thi đỗ N2 và thực sự bước chân vào con đường tìm việc ở Nhật rồi, mình mới thấy ngoài chứng chỉ N2 ra, mình còn phải chuẩn bị thêm rất, rất nhiều thứ nữa.

   Các công ty ở Nhật khi tuyển người nước ngoài thường ghi yêu cầu tiếng Nhật phải ở mức N2, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ thi đỗ N2 là đủ. Điều mà họ cần ở ứng viên là trình độ giao tiếp cũng phải tương đương N2, ngoài ra các yếu tố như độ hiểu biết về công việc và thông tin về công ty, thần thái bề ngoài, độ khao khát được làm việc,… cũng được đánh giá rất kỹ. Vì thế, việc chuẩn bị kỹ là yếu tố hàng đầu quyết định bạn có sớm về đích được trong cuộc đua này hay không.

    Trước đây khi tiếng Nhật chưa tốt, chưa đọc được những bài viết hướng dẫn xin việc trên các trang của Nhật như My Navi… thì các bài viết trên Facebook của MPKEN và Tomoni đã trở thành kim chỉ nam cho mình, hướng dẫn mình từ những bước cơ bản như phân tích bản thân đến các cách chuẩn bị, đối ứng khi phỏng vấn và sau khi hoàn thành phỏng vấn. Thực sự thì việc phân tích bản thân dành cho những sinh viên mới ra trường rất khó nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, nếu mình không hiểu nổi chính bản thân mình thì làm sao mà biết được mình muốn làm công việc như thế nào. Vì vậy nếu không chuẩn bị trước thì khi phỏng vấn chắc là mình đã không đủ tự tin đối đáp với nhà tuyển dụng và sẽ khó đạt được kết quả tốt. 

Để đồng hành được với nhiều bạn hơn nữa trong hành trình tìm việc, khoá học hỗ trợ kỹ năng xin việc khai giảng tháng 4 tới của MPKEN sẽ tiếp tục được tổ chức hoàn toàn dưới HÌNH THỨC ONLINE.

** LỚP HỌC SẼ CÓ:

– 2 giáo viên người Nhật có kinh nghiệm hỗ trợ hàng trăm bạn du học sinh xin việc tại Nhật trực tiếp giảng dạy.

– Nhiều nội dung hữu ích giúp các bạn có thể ứng dụng ngay khi xin việc như: cách phân tích bản thân, cách viết rirekisho, cách tìm thông tin tuyển dụng,…

– Chia nhóm tương tác thảo luận và luyện phỏng vấn giúp các bạn có nơi rèn luyện để tự tin hơn khi trình bày ý kiến của mình bằng vốn tiếng Nhật hiện có,…

– Gặp gỡ, giao lưu cùng các sempai đã có kinh nghiệm tìm việc và đi làm ở Nhật để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Và còn nhiều nhiều nội dung rất bổ ích nữa.

■ Link đăng ký: Bit.ly/VieclamMpken (Chọn mục “Lớp hỗ trợ kỹ năng xin việc” —> Lớp kỹ năng xin việc)

    Khả năng giao tiếp cũng là yếu tố quan trọng cần phải trau dồi. Mình nhận ra là nếu chỉ giao tiếp trong phạm vi trường học hay nơi baito thì rất khó đẩy được khả năng nghe nói, phát âm lên cao. Việc tăng cường cơ hội để bản thân tiếp xúc và giao lưu với người Nhật nhiều hơn rất quan trọng. Mình đã tìm đến các câu lạc bộ, hội nhóm của người Nhật, kết bạn với nhiều người để có thể đặt bản thân vào nhiều tình huống, tăng độ phản xạ và bắt chước phát âm sao cho nghe giống người Nhật nhất.

    Sau một thời gian tìm kiếm, mình nhận được naitei đầu tiên từ một công ty nhỏ trong ngành thời trang cho vị trí nhân viên nhập liệu và hỗ trợ khách hàng. Tuy vậy, điều kiện để mình được ký hợp đồng làm nhân viên chính thức là phải internship tại đây 4 tiếng/ngày trong 6 tháng trước khi tốt nghiệp. Đây cũng chính là khoảng thời gian đã giúp mình học hỏi được thêm rất nhiều điều về các manner trong môi trường công sở của Nhật, như cách nghe điện thoại, cách viết email bằng tiếng Nhật, cách sắp xếp chỗ ngồi, pha trà rót nước khi có khách tới thăm công ty,… Việc phải nhập liệu, đánh máy và đọc các bản vẽ liên tục cũng giúp tiếng Nhật của mình tốt lên mỗi ngày. Dù cuối cùng mình đã quyết định từ chối naitei tại công ty này và tiếp tục hành trình tìm việc do cảm thấy có nhiều điểm không phù hợp trong định hướng của cả 2 bên, nhưng những điều học hỏi được trong vài tháng ngắn ngủi làm việc tại đây đã giúp mình vững vàng hơn rất nhiều khi đi làm chính thức sau này. 

Xem thêm: 
Bí quyết tìm việc sớm mùa Corona từ chuyên gia: Sử dụng hình thức “tuyển dụng ngược” (逆求人)

VỀ ĐÍCH

     Vừa chối naitei chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp, mình lại quay trở lại cuộc chiến tìm việc cam go với những chuỗi ngày soạn sửa hồ sơ và chuẩn bị phỏng vấn liên tục. Mình nộp đơn và phỏng vấn khá nhiều công ty, và rớt cũng rất nhiều. Có những thời điểm số lượng công ty tuyển dụng phù hợp với mình rất ít, nhất là khoảng thời gian Giáng sinh hầu như cả tuần không tìm thấy công việc nào, visa thì gần hết hạn, lúc đó mình thực sự muốn hoảng loạn và buông xuôi. Bao nhiêu cảm xúc tiêu cực ùa đến, nào là tự trách bản thân trước đây không lo học sớm, đổ lỗi cho hoàn cảnh số phận, cảm thấy có lẽ mình và nước Nhật không có duyên… Nhưng người ta có câu “còn nước còn tát”, mình lại ôm laptop tìm kiếm và tìm kiếm, tự hỏi xem mình còn thiếu gì, cần phải chuẩn bị thêm điều gì nữa,…

    Trước đây vì muốn làm đúng ngành học nên khi tìm việc mình thường chỉ gõ các từ khoá liên quan tới 貿易 (boeki) hay 貿易事務 (boeki jimu) này nọ. Nhưng sau nhiều lần trượt, mình bắt đầu chú trọng hơn tới việc đặt bản thân ở vị trí của nhà tuyển dụng để xem : “Liệu một công ty như thế nào thì sẽ cần người như mình?”, hay “Thế mạnh của bản thân mình là gì?” thay vì chỉ ráo riết tìm thật nhiều tin tuyển dụng rồi rải đơn mong trúng được 1 chỗ như trước nữa.

    Mình bắt đầu chú ý khai thác nhiều hơn thế mạnh tiếng Anh của mình bên cạnh vốn tiếng Nhật N2. Mình thấy bản thân cũng nhanh nhẹn, thích đi du lịch, thích đi công tác,..nên có lẽ hợp với nghề sales, vậy là mình quyết định mở rộng các từ khoá khi tìm kiếm thông tin tuyển dụng sang cả sales, marketing,…tóm lại là tất cả các công việc liên quan tới khối ngành Bunkei. Nhờ vậy, số tin tuyển dụng mình tiếp cận được cũng nhiều hơn rất nhiều.

    Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm cũng như tận dụng hết sức các trang hỗ trợ du học sinh tìm việc, mình đã nhận được naitei từ 2 công ty và vào làm công việc sales cho thị trường nước ngoài tại một công ty sản xuất thiết bị điện tử có lịch sử hơn 70 năm của Nhật. Dù vẫn luôn yêu thích và muốn làm đúng ngành xuất nhập khẩu đã được đào tạo, nhưng mình vẫn quyết định nhận luôn naitei này vì cảm thấy bản thân khi đó không có quá nhiều sự lựa chọn, vả lại những kinh nghiệm tích luỹ được khi làm sales chắc chắn sẽ giúp mình rất nhiều trong con đường sự nghiệp phía trước.

Xem thêm:
Tổng hợp các trang tin tuyển dụng tại Nhật
Xin việc và làm việc tại Gaishikei
7 lời khuyên dành cho sinh viên tìm việc mùa Corona
Hoạt động tìm việc có những thay đổi nào trong mùa Covid?

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI

    Công ty mình vào làm là một công ty sản xuất hoàn toàn thuần Nhật, nhưng mọi người trong công ty, từ sếp tới các sempai đều rất thân thiện và tận tình chỉ bảo cho nhân viên mới người nước ngoài. Công việc chính của mình là sales, nhưng vì công ty thường xuyên xuất sản phẩm ra thị trường các nước, nên mình vẫn có cơ hội được đảm nhận một số nghiệp vụ liên quan tới xuất khẩu dù không nhiều. Vốn tiếng Anh mình có cũng được phát huy thường xuyên vì mỗi ngày đều có rất nhiều công ty email hỏi về sản phẩm.

    Khi đã thuộc về sản phẩm hơn, mình được sếp cho đi sales cùng, được về Việt Nam công tác, gặp các khách hàng bản địa là người Việt Nam để cùng trao đổi, giới thiệu về sản phẩm… Qua những lần đi sales cùng sếp, mình dần học được thêm nhiều kỹ năng về sales, như cách để chiếm được trái tim của khách hàng, omotenashi của người Nhật, cách kiềm chế tức giận khi làm việc,… Sau một thời gian học hỏi, mình dần được giao phụ trách các khách hàng riêng và cũng dần có được doanh số của riêng mình.

    Dù học hỏi được rất nhiều điều khi làm việc tại công ty, doanh số cũng càng ngày càng tốt, nhưng tháng 8 năm ngoái, sau hơn 2 năm làm việc tại đây, mình vẫn quyết định nghỉ công ty để tìm hướng đi mới phù hợp hơn cho bản thân. Lý do mình chuyển việc thì có rất nhiều: vì muốn tìm được một công việc liên quan nhiều tới ngoại thương hơn, vì sắp có gia đình nên muốn chuyển sang việc gì đó ít phải di chuyển hơn,… cùng một vài lý do cá nhân khác.

    Quyết tâm chuyển việc là vậy, nhưng từ lúc có ý định chuyển tới khi mình xin nghỉ hẳn cũng mất tới gần 8 tháng. Vì rất quý công ty cũ và muốn giữ trọn vẹn mối quan hệ tốt đẹp với mọi người ngay cả sau khi nghỉ, nên mình đã phải cân nhắc rất lâu để tìm thời điểm nghỉ hợp lý.

    Chuyển việc đúng mùa Corona nhưng vì có lẽ vì có duyên nên mình vẫn tìm được một công việc phù hợp với đúng nguyện vọng. Hiện mình đang làm công việc liên quan tới xuất nhập khẩu và hỗ trợ sales cho một công ty có chi nhánh ở Mỹ, Hồng Kông và Việt Nam. Khác với công ty trước, công ty hiện tại làm cả xuất, cả nhập, cả đường biển và đường hàng không nên mình học hỏi và vận dụng được rất nhiều kiến thức ngoại thương. Dù mới vào và vẫn còn nhiều điều phải học và làm quen, nhưng mình cảm thấy rất vui vì cuối cùng cũng đã thực hiện được mong muốn được làm một công việc đúng với chuyên ngành được đào tạo ở đại học.

Xem thêm:
Tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp Nhật
Sử dụng Teikoku Databank để đánh giá mức độ ổn định của các doanh nghiệp khi xin việc

LỜI NHẮN

    Ở Nhật xin việc luôn là nỗi vất vả lớn của bất kỳ ai, dù là người Nhật hay người nước ngoài. Mình nghĩ trường hợp của mình cũng khá phổ biến ở các bạn du học sinh, mồ hôi nước mắt đều có đủ. Kinh nghiệm làm việc ở Nhật của mình cũng chưa phải là nhiều, nhưng cũng là kết quả của những nỗ lực không ngừng và kiên định với mục tiêu của bản thân suốt từ những ngày đầu đặt chân đến Nhật.

    Mình chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn đang đọc bài viết này của mình rằng, cơ hội luôn nằm trong tay bạn nếu bạn chuẩn bị tốt và một tinh thần vững vàng. Jim Rohn cũng có câu “If you want to get more, become more”, có nghĩa là “nếu bạn muốn đạt được nhiều thứ hơn, bạn phải trở nên xứng đáng hơn”. Cho dù bạn cảm thấy không đủ thời gian, bạn cũng không được phép ngừng tăng tốc, vì bạn có thể đẩy giới hạn và khả năng của bạn lên cao hơn nếu bạn vẫn luôn nắm lấy mục tiêu.

Tokyo, tháng 2/2021 

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp

MPKEN có dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.

  • Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
  • Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
  • Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man  ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...