Voice of Asean Sempai (Vol 69)

BƯỚC NGOẶT 

    Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, mình xin vào làm tại một công ty kiểm toán của nước ngoài để vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế, vừa tìm hướng học lên cao học. Tuy vậy, dự định này của mình đã phải thay đổi hoàn toàn khi chồng sắp cưới nhận được học bổng sang Nhật vào đầu năm 2012.

    Vì thời gian học của chồng ở Nhật dự kiến sẽ kéo dài vài năm, mà mình thì vẫn chưa tìm được chương trình cao học nào phù hợp ở các nước Âu – Mỹ như dự định ban đầu, nên cả 2 thống nhất sẽ cùng nhau sang Nhật. Mình sẽ thử tìm cách xin vào các trường ở Nhật để sang theo diện du học trước, nếu không được thì sẽ đi theo diện bảo lãnh gia đình rồi lại tính tiếp.

    Tháng 5/2012, sau khi thu xếp lấy được 1 đợt nghỉ phép khá dài ở công ty, mình sang Nhật du lịch vừa kết hợp thăm chồng (sắp cưới), vừa tìm hiểu về môi trường sống cũng như việc học cao học tại các trường bên đây. Sang thực tế tìm hiểu rồi mình mới nhận thấy việc tìm được khoá học phù hợp để đi theo visa du học khó khăn hơn mình tưởng rất nhiều. Các chương trình học cao học bằng tiếng Anh ở Nhật khá ít, và ngành Kế toán – Kiểm toán của mình lại chỉ có các chương trình học bằng tiếng Nhật mà thôi. Chưa tìm được hướng học lên phù hợp, mình quyết định tạm thời cứ sang đoàn tụ cùng chồng theo visa gia đình trước, rồi khi ổn định sẽ tìm trường và nộp hồ sơ sau. Tháng 10 năm đó, sau khi thu xếp ổn thoả công việc ở Việt Nam, mình sang Nhật theo visa đoàn tụ gia đình với vốn tiếng Nhật mới chỉ dừng lại vỏn vẹn ở 2 bảng chữ cái.

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục xin visa đoàn tụ gia đình ở Nhật

HỌC TIẾNG NHẬT VÀ CHUẨN BỊ HỒ SƠ

    Một trong những việc đầu tiên mà mình làm sau khi ổn định cuộc sống ở Nhật là đăng ký đi học tiếng Nhật. Rất may là trường đại học nơi chồng mình theo học thạc sĩ lại có riêng một chương trình dạy tiếng Nhật miễn phí cho người nhà của sinh viên, nên mình đã đăng ký luôn. Một tuần mình đến lớp học khoảng 2-3 buổi, mỗi buổi 1-2 tiếng. Thời gian còn lại mình tranh thủ tự học thêm tiếng Nhật ở nhà, lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về chương trình cao học ở các trường, viết hồ sơ và chuẩn bị các chứng chỉ cần thiết.

    Dù xác định sẽ học cao học bằng tiếng Anh, nhưng khi thấy sống ở Nhật mọi người nói tiếng Anh rất ít, lại được chồng và các sempai đi trước chia sẻ rằng nếu muốn sống và học tập ở Nhật mà chỉ biết tiếng Anh thì sẽ rất khó, nên mình đã quyết tâm học tiếng Nhật thật chăm chỉ để có thể sử dụng cả hai thứ tiếng.

    Thêm một động lực nữa khiến mình quyết tâm học tiếng Nhật ngay từ khi mới sang, đó là khi mình từng liên hệ với chi nhánh ở Nhật của công ty kiểm toán mình từng làm ở Hà Nội để hỏi về điều kiện ứng tuyển vào công ty, thì được biết là cần phải có tiếng Nhật ít nhất N2 trở lên mới được, vì công việc cần trao đổi hồ sơ, tài liệu với khách hàng rất nhiều. Vậy là mình quyết định đặt mục tiêu cho bản thân là cho đến lúc tốt nghiệp cao học và đi làm sẽ cố thi cho được N2.

    Sang Nhật, vì có thời gian tìm hiểu thực tế các trường và nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ hơn nên việc tìm trường của mình cũng thuận lợi hơn. Không tìm được trường để học đúng chuyên ngành kế toán, mình quyết định chuyển hướng xin học ngành Chính sách công ngay tại trường đại học nơi ông xã đang theo học và chính thức nhận được kết quả đỗ vào trường vào tháng 4/2013.

Xem thêm: Thi Cao học tại Nhật có khó không

HỌC CAO HỌC 

   Tuy được nhận vào trường, nhưng mình lại không được học bổng và phải tự chi trả 100% học phí. Chồng mình khi đó có được học bổng của chính phủ, nhưng số tiền cũng chỉ đủ chi tiêu cho sinh hoạt của 2 vợ chồng, nên mình quyết định tận dụng khoảng thời gian nửa năm trước khi nhập học (10/2013) xin đi làm thêm để tích lũy thêm chút vốn.

    Qua một người bạn quen biết giới thiệu, mình xin được vào làm công việc dọn dẹp tại một khu tổ hợp văn phòng – thư viện – phòng tập gym lớn tại Tokyo. Hàng ngày có rất nhiều khách người nước ngoài lui tới sử dụng dịch vụ của khu tổ hợp, nên phía công ty chủ quản khá cởi mở với người nước ngoài. Mình khi đó mới sang Nhật được 6 tháng, tiếng Nhật chỉ mới ở mức hội thoại được vài câu cơ bản, nhưng may sao công ty lại phỏng vấn bằng tiếng Anh nên mình đã được nhận vào làm.

Xem thêm:
Cách gọi điện xin baito
Chia sẻ về làm giáo viên tiếng Anh ở Nhật

    Ban đầu mình dự định sẽ làm tại đây 6 tháng cho tới khi nhập học để tiết kiệm đủ tiền học phí cho năm đầu luôn, nhưng mới đi làm được vài tháng thì mình phát hiện có bầu. Lo lắng hóa chất tẩy rửa dùng khi dọn dẹp có thể ảnh hưởng xấu tới em bé, lại thêm bầu bí người dễ mệt, không đủ sức khỏe để đi làm xa mỗi ngày, nên mình đành xin nghỉ giữa chừng. Lúc mới có bầu phải xin nghỉ việc, mình cũng lo lắng về chuyện học phí lắm. Nhưng may sao sau đó lại xin được học bổng của Hội Khuyến học Nhật Bản (JASSO), rồi trường mình thấy chồng học bổng không cao, vợ lại mang bầu không đi làm thêm được, kinh tế vất vả quá nên xét miễn giảm cho mình 100% học phí. Nhờ vậy cuối cùng hai vợ chồng mình cũng xoay sở tạm ổn về mặt kinh tế để đi học.

    Năm đầu tiên học thạc sĩ lại đúng vào thời kỳ vừa sinh con nên vợ chồng mình cũng phải xoay sở để sắp xếp mọi việc. Cũng may 2 vợ chồng mình học cùng trường, lại xin gửi được con vào nhà trẻ ở trong trường luôn, nên việc đưa đón con cũng không quá vất vả. Sáng sáng, bọn mình cùng đưa con đến trường, rồi tới lúc học xong mình lại đón con về, lo sắp xếp cơm nước. Những hôm mình có tiết học muộn phải ở lại trễ, thì anh xã sẽ sắp xếp giờ học để phụ đón con về. Những đợt bận phải làm báo cáo hay phát biểu trên trường, thường mình phải chờ con ngủ hẳn rồi mới tranh thủ dậy ngồi làm tiếp tới 1-2 giờ sáng hôm sau. Cứ thế, rồi mọi chuyện cũng dần đi vào quỹ đạo, 2 năm học cao học trôi qua cái vèo và chẳng mấy chốc đã đến lúc mình phải tính tới chuyện tìm cho mình một chỗ làm.

Xem thêm: Xin đi trẻ cho con ở Nhật

TÌM VIỆC Ở NHẬT

     Vì nhập học vào học kỳ mùa thu, nên mình đi xin việc cũng hơi trễ so với các bạn tốt nghiệp kỳ tháng 4 cùng năm. Khoảng 6 tháng trước khi tốt nghiệp mình mới bắt đầu lục tục tìm hướng xin việc. Mình tham khảo các thông tin tuyển dụng qua phòng giới thiệu việc làm của trường, rồi đăng ký tham dự các job fair,… nhưng mỗi lần đi là lại thêm một lần hoang mang vì chẳng thấy công việc nào phù hợp với mình cả. Các công ty chấp nhận xét hồ sơ và phỏng vấn 100% bằng tiếng Anh thì toàn là bên khối kỹ thuật, còn các job bên khối kinh tế – xã hội thì không có job nào là không đòi tiếng Nhật phải tầm N2 trở lên cả.

Xem thêm: Các mẹ con nhỏ lưu ý gì khi phỏng vấn xin việc

    Thời điểm đó, dù đã sang Nhật được gần 2 năm, nhưng vì sau khi vào cao học khá bận với việc học hành, nghiên cứu, rồi lại con nhỏ, không có thời gian trau dồi thêm tiếng Nhật mấy nên tiếng Nhật của mình vẫn dậm chân tại chỗ mãi chưa giỏi lên được. Chính vì tiếng Nhật không tốt, nên mình có tâm lý rất ngại khi phải tiếp xúc với các thông tin tuyển dụng bằng tiếng Nhật, ngại phải viết CV bằng tiếng Nhật và… không dám đi phỏng vấn bằng tiếng Nhật luôn.

    Đúng lúc việc xin việc tại Nhật sắp rơi vào bế tắc, mình may mắn tìm được một công việc part-time về kế toán tại một công ty mà nhân viên sử dụng 100% tiếng Anh qua GaijinPot – một kênh thông tin tuyển dụng dành cho những người nói tiếng Anh khá phổ biến ở Nhật. Công ty này có quy mô khá nhỏ, ông chủ công ty là người Đức, lấy vợ Nhật và là công ty con của một công ty ở Hồng Kông nên toàn bộ báo cáo phải làm bằng tiếng Anh để gửi về công ty tổng. Thấy làm việc ở đây vừa có cơ hội vừa được sử dụng tiếng Anh, vừa phát huy được chuyên môn kế toán, không khí lại khá thoải mái, tiện giờ đưa đón con nên khi được công ty ngỏ lời mời ở lại làm luôn sau khi tốt nghiệp, mình đã đồng ý luôn. Đây cũng là giai đoạn mình bắt đầu học tiếng Nhật trở lại. Hàng ngày, sau khi đi làm về, cho con ăn uống, tắm rửa và đi ngủ xong, mình lại ngồi học thêm tiếng Nhật từ 10 tới 12h mỗi ngày.

Xem thêm:
Tổng hợp các trang tin tuyển dụng tại Nhật
Tìm hiểu về công việc 経理(kế toán)tại Nhật

Xin việc và làm việc tại Gaishikei

THỬ THÁCH BẢN THÂN VỚI MÔI TRƯỜNG MỚI

    Đối với một bà mẹ có con nhỏ như mình, thì một công việc không phải làm thêm giờ quá nhiều, nghiệp vụ không quá phức tạp, không stress, môi trường cởi mở như thế này… nhẽ ra đã là một sự lựa chọn không có gì phải phàn nàn. Nhưng khi mọi thứ cứ mãi đều đều như thế, thì mình lại bắt đầu thấy không ổn. Mình bắt đầu cảm thấy nếu hàng ngày cứ mãi chỉ làm đi làm lại những nghiệp vụ kế toán đơn giản, trong một môi trường gần như không sử dụng tiếng Nhật thế này thì sẽ chẳng có cơ hội nào để mình có thể phát triển vốn tiếng Nhật hay kinh nghiệm làm nghề. Vậy là mình lại bắt đầu cập nhật hồ sơ, đăng lên Linkedin để tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới.

Xem thêm: 
Mẹ Việt đi làm fulltime – Điều kiện, thời điểm và cách cân bằng
Cơ hội nào cho các mẹ có con nhỏ trên thị trường chuyển việc mùa Covid?

    Hồ sơ vừa đăng lên không lâu thì mình được một bên tư vấn tuyển dụng liên hệ mời ứng tuyển vào một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán cho các công ty nước ngoài làm việc ở Nhật. Công việc đòi hỏi phải dùng khoảng 70% là tiếng Anh (để làm hồ sơ), còn 30% còn lại là tiếng Nhật (để trao đổi nội bộ công ty, vì nhân viên trong công ty toàn là người Nhật). Dù chưa tự tin với vốn tiếng Nhật lắm, nhưng nhận thấy đây là một cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp của bản thân nên mình vẫn quyết định ứng tuyển, và may mắn được nhận vào sau vòng phỏng vấn tiếng Nhật với giám đốc.

    Thời gian đầu khi mới chuyển từ một công ty nhỏ, toàn người nước ngoài với môi trường làm việc tương đối cởi mở (khá giống các công ty nước ngoài ở Việt Nam), sang một công ty Nhật 100%, giờ giấc chặt chẽ, mọi thứ đều quy củ,… mình cũng khá chới với. Trong các cuộc họp của team, mọi người thi thoảng lại quên mình là người nước ngoài, nói rất nhanh làm không ít lần mình không nghe kịp, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Việc nhận ra tiếng Nhật của mình thật sự vẫn chưa đủ để phục vụ công việc đã thôi thúc mình tập trung học lại tiếng Nhật để sớm đạt được chứng chỉ N2.

Xem thêm: Tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp Nhật

    Vừa đi làm lại vừa phải chăm con nhỏ, nên mình cố gắng hết sức tận dụng thời gian ở công ty và thời gian đi lại để học tiếng Nhật. Giờ ăn trưa, thay vì chỉ ngồi một chỗ ăn cơm hộp hay tự đi ăn một mình, mình lân la ra bắt chuyện với các đồng nghiệp khác để tăng phản xạ khi hội thoại. Vốn là người mạnh dạn, không ngại sai khi học ngoại ngữ nên mình rất thoải mái khi nói chuyện với mọi người, tìm đủ mọi đề tài từ công việc cho tới cuộc sống để nói. Các chị người Nhật trong công ty rất thân thiện, thấy mình chịu khó luyện nói tiếng Nhật nên các chị cũng nhiệt tình hỗ trợ chỉnh sửa giúp cách dùng từ hay ngữ pháp. Song song với việc tăng cường luyện giao tiếp ở công ty, hàng ngày, mình còn tận dụng thêm thời gian ngồi tàu để tranh thủ luyện nghe, đọc ngữ pháp, ôn từ vựng. Công ty cũ của mình ở cách nhà gần 1,5 tiếng đi tàu một chiều, nên bằng cách tận dụng khoảng thời gian ngồi trên tàu này, hàng ngày mình có thêm được hơn 2 tiếng học thi. Mình thường lưu file audio các bài tập nghe và file PDF của các giáo trình ôn N2 như Sou Matome, Nameraka Nihongo vào trong điện thoại rồi ngồi trên tàu vừa tập nghe, vừa tranh thủ xem thêm chút từ vựng, ngữ pháp. Hôm nào đi làm về mệt quá thì mình chỉ cắm tai vào nghe một cách vô thức, còn hôm nào nhiều năng lượng hơn thì mình lại mở file PDF ra xem rồi ghi tự mình ghi chép ra sổ. Nỗ lực suốt nhiều tháng học trên tàu của mình cuối cùng cũng được đền đáp, cuối năm đó, mình thi đỗ N2.

Xem thêm: Tự học tiếng Nhật – không khó như bạn tưởng

ĐI RẤT XA ĐỂ ĐƯỢC TRỞ VỀ

    Sau khi đỗ N2, mình tạm xếp việc ôn thi tiếng Nhật lại, chuyển sang học các chứng chỉ kế toán – kiểm toán, nâng cao chuyên môn để có thể chuyển sang một công ty lớn hơn, làm đúng mảng kiểm toán mà mình đã từng gắn bó ngày mới ra trường.

    Để có thể hành nghề kiểm toán ở Nhật, yêu cầu bắt buộc là phải có các chứng chỉ hành nghề. Vì nhân lực ngành này ở Nhật rất khan hiếm, nên ai có chứng chỉ kiểm toán, dù là của Nhật (公認会計士) hay của Mỹ (CPA), của Anh (ACCA) thì cơ hội công việc đều rất cao. Khi còn làm ở Việt Nam, mình đã từng ôn thi chứng chỉ ACCA (bằng kiểm toán viên công chứng Anh) được gần một nửa (chứng chỉ yêu cầu học và thi 14 môn thì ở Việt Nam mình đã thi xong 6 môn), nên quyết định sẽ tiếp tục học thi nốt 8 môn còn lại để lấy chứng chỉ này.

    Giáo trình học ACCA rất to, lại cần đặt bút tính toán nhiều nên không thể áp dụng cách học trên tàu như hồi học ôn N2 được. Để có thời gian ôn thi tập trung, hàng ngày mình đều phải chờ tới tối muộn, khi việc nhà đã xong, con đã ngon giấc mới lại ngồi vào bàn để ôn thi. Cuối tuần, mình cũng tranh thủ nhờ chồng coi con giúp rồi lên công ty hoặc ra quán cà phê để tập trung ngồi học.

    Cứ mỗi lần hoàn thành thêm được 1 môn, mình lại cập nhật hồ sơ vào CV trên Linkedin kèm cả ngày dự kiến mình sẽ hoàn thành xong tất cả 14 môn và lấy được bằng. Cuối năm 2017, mình được một công ty môi giới liên hệ đề nghị gửi hồ sơ của mình cho công ty con ở Nhật của tập đoàn kiểm toán nước ngoài mà mình từng làm khi còn ở Việt Nam. Sau 2 năm rèn luyện ở công ty mới, cảm thấy tiếng Nhật đã vững vàng hơn, bằng ACCA cũng đã hoàn thành được 12/14 môn, mình nhận lời đi phỏng vấn và nhận được kết quả báo đỗ ngay trong ngày. Cho đến giờ mình vẫn còn nhớ như in cảm giác vỡ oà khi nhận được tin báo đỗ, cảm giác như mình đã phải đi một chặng đường rất dài để trở lại tập đoàn vậy.

    Sang công ty mới bận rộn hơn, nhiều trách nhiệm hơn, nhưng phúc lợi cũng tốt hơn và nhiều cơ hội để mình trưởng thành hơn. Để tiết kiệm thời gian đưa đón con, gia đình mình chuyển về một căn hộ mới cách ga chỉ khoảng 1 phút, lại ngay gần siêu thị. Dù chi phí thuê có đắt hơn một chút, nhưng khoảng thời gian tiết kiệm được do không phải đi lại nhiều giúp mình có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, và gần gũi con hơn. Công việc hiện giờ tuy rất bận rộn, thi thoảng còn phải làm đêm mỗi khi có dự án với khách ở các nước Âu – Mỹ, nhưng mình cảm thấy rất vui vì được học hỏi, trưởng thành hơn mỗi ngày và được làm đúng ngành nghề mà mình yêu thích.

👉👉Xem thêm chia sẻ của bạn Hải Yến tại Gặp gỡ online mẹ Việt ở Nhật: Học tiếng Nhật để xin việc full-time do MPKEN tổ chức tại đây nhé

LỜI NHẮN

    Mình có rất nhiều bạn bè ở Nhật: Có bạn do chồng quá bận nên chọn ở nhà chăm 2 con, đưa đón con đi học. Có bạn chăm con và làm baito do muốn dành thời gian cho gia đình nhiều. Cũng có nhiều bạn cả hai vợ chồng đi làm và khá bận rộn. Vì có nhiều bạn bè, nhiều hoàn cảnh như vậy nên mình cũng có chút thông tin và hiểu biết về các lựa chọn của các chị em khi theo chồng sang Nhật với vốn tiếng Nhật gần như giống mình ngày trước. Thực tế là không có lựa chọn nào là hoàn hảo, chúng ta sẽ luôn phải chấp nhận đánh đổi một chút gì đó cho cái mình muốn ưu tiên hơn.

    Qua bài viết hồi tưởng lại 8 năm kể từ khi sang Nhật này, mình rất mong có thể đem lại một chút thông tin cũng như cảm hứng để học tiếng Nhật và nâng cao chuyên môn cho các chị em cũng đang tìm hướng đi nào đó cho sự nghiệp của bản thân ở Nhật.

    Cho dù lựa chọn như thế nào, nếu sau một ngày mệt nhoài vì công việc và con cái, mà các chị em lúc nghỉ ngơi cảm thấy ngủ ngon giấc và sáng hôm sau vẫn cảm thấy vui tươi đón chào ngày mới, thì hãy cứ tin là lựa chọn của mình đúng và tiếp tục cố gắng nhé.

Tokyo, tháng 1/2021

MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.

  • Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
  • Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
  • Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man  ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn ko mất phí: https://www.mpkenhr.jp

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...