CON ĐƯỜNG ĐẾN NHẬT
Gần 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình ôn và thi vào đại học như bao bạn cùng trang lứa khác. Hồi đó chẳng có ai định hướng cụ thể cho, mà internet cũng chưa phát triển như bây giờ để có thể lên Facebook và vào các hội nhóm là tha hồ được tư vấn, nên mình chẳng biết bản thân muốn gì và hợp với nghề gì. Loay hoay một hồi, mình quyết định đăng ký thi nguyện vọng 1 vào khoa Kế toán – ngành hot thời đó, và nguyện vọng 2 là theo chân bạn mình thi vào khoa Sư phạm tiếng Anh của một trường cao đẳng.
Kết quả, mình trượt đại học và đỗ vào cao đẳng, nhưng bố mình không đồng ý cho học vì cho rằng dù có vào học trường đó thì sau này ra trường bố mẹ cũng không có đủ “cơ” để xin được việc cho mình. Tin trượt đại học không chỉ là cú sốc đầu đời đối với mình, mà còn là nỗi buồn khôn nguôi của bố mẹ. Nhà mình ở quê, hàng xóm rất hay hỏi han rồi so sánh con nhà này con nhà kia, nên khi thấy con mình thất bại, không được như con nhà người ta, bố mẹ mình rất xấu hổ. Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt đượm buồn của bố mẹ khi nhận được lời mời đi ăn liên hoan đỗ đại học của bạn bè xung quanh, mình lại cảm thấy bản thân thật tội lỗi. Mình đã nghĩ sẽ ở nhà một năm để ôn thi cho kỹ rồi năm sau thi lại vào một trường đại học nào đó để bố mẹ được mở mày mở mặt, nhưng rồi bước ngoặt cuộc đời mình đã đến chỉ sau một cuộc điện thoại giữa bố mẹ mình với người chị họ đang sống ở Nhật.
Biết tin mình trượt đại học, chị gọi về động viên và khuyên bố mẹ mình không nên quá buồn phiền, không học đại học được ở Việt Nam thì cũng có thể tính đường sang Nhật học như chị cũng là một hướng hay. Chị nói đi du học tự túc ở Nhật thật ra cũng không quá tốn kém, bố mẹ mình chỉ cần lo khoản phí ban đầu để mình sang được tới nơi, còn sau khi sang rồi mình có thể tự học, tự làm được. Đối với một đứa đang cảm tưởng mọi cánh cửa dẫn đến tương lai đều đã đóng sập trước mắt như mình, thì lời gợi ý của chị quả thật như một tia sáng cuối đường hầm. Đó là năm 2011 – đúng thời điểm vừa xảy ra cơn động đất kinh hoàng phía Đông Nhật Bản.
Xem thêm: Du học Nhật Bản – Những điều nên biết
Những tin tức về phóng xạ, dư chấn liên tục được báo đài đưa tin khiến bố mẹ mình rất lo lắng và không muốn cho mình đi vì nhà mình chỉ có 2 chị em, bố mẹ lo lỡ mình sang đó có mệnh hệ gì thì bố mẹ sẽ ân hận cả đời. Nhưng với quyết tâm muốn đi sang một đất nước khác, trốn chạy khỏi quá khứ thất bại của bản thân, mình đã thuyết phục được bố mẹ. Sau 7 tháng học tiếng và chờ làm thủ tục, tháng 4/2012, mình chính thức tạm biệt gia đình và bước những bước chân đầu tiên trong hành trình du học Nhật Bản. Hành trang mình mang theo sang Nhật là ánh mắt buồn của bố cộng với quyết tâm sẽ đỗ đại học của bản thân.
HỌC – ĐỂ THỰC SỰ LÀ MỘT DU HỌC SINH
Nhìn qua phần giới thiệu ở profile phía trên của mình, chắc hẳn mọi người cũng tính được là mình đã học ở Nhật được bao lâu rồi phải không? Nếu hoàn thành xong luận văn thạc sĩ và tốt nghiệp được đúng hạn vào tháng 3 năm 2022 tới, thì thời gian du học ở Nhật của mình sẽ kéo dài tổng cộng là 10 năm. Rất nhiều người mình quen khi nghe vậy đều thốt lên rằng “Oanh học gì mà học nhiều vậy ?”, “Học mãi không thấy chán à?”. Đúng là con đường học hành của mình khá dài nếu so với các bạn cùng trang lứa, nhưng mình học lên lâu như vậy bởi mình đã phải đi một con đường vòng khá dài để có thể tìm được ước mơ thực sự của bản thân.
Cũng như bao du học sinh tư phí khác, mình nhập học khóa tháng 4 và học ở trường tiếng 2 năm. Ngày đó, nhờ chăm chỉ học tiếng trước từ khi còn ở Việt Nam, nên trình độ tiếng Nhật của mình có nhỉnh hơn đôi chút so với các bạn khác sang cùng đợt, vì vậy mà trong kỳ thi xếp lớp đầu tiên, mình đã được xếp vào lớp học cùng những sempai sang trước mình khoảng 3 tháng. Được các anh chị đi trước giới thiệu, nên việc xin baito của mình cũng thuận lợi hơn.
Hàng ngày, sau khi kết thúc giờ học, mình và các sempai ai nấy đều vội vội vàng vàng chạy về để kịp “cày baito”. Những câu chuyện trên lớp của bọn mình ngày ấy không có những câu hỏi han về bài tập hay chuyện học hành, mà là những câu hỏi về tình hình “cày baito” của nhau như “Dạo này làm mấy việc?”, “Tháng làm được bao nhiêu?”, sau rồi ai nấy đều lăn ra bàn ngủ ngon lành để chờ hết giờ lại chạy đi baito tiếp. Mới đầu mình thấy lạ, nhưng riết rồi cũng quen với những cảnh đó. Có lần mình hỏi một sempai ngồi gần: “Anh không thấy phí tiền đóng học sao mà anh toàn ngủ, không học vậy?” – Anh đáp: “Anh chỉ cần tiền thôi, học hành làm cái gì?”. Nghe câu nói đó xong, mình giật bắn người và tự hỏi: “Đây là đâu? Đây có phải là cuộc sống của một du học sinh không?”.
Cuộc hội thoại hôm đấy với anh đã khiến mình như tỉnh ra. Mình tự dặn bản thân không thể để mình bị cuốn theo việc cày baito kiếm tiền mà quên mất chuyện học như vậy được. Mình phải học, phải học tốt hơn, tiếng Nhật phải giỏi thêm để thoát khỏi cảnh này. Mình dành nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Nhật để được chuyển sang lớp có nhiều bạn nước ngoài hơn, có môi trường để bản thân dùng tiếng Nhật nhiều hơn và mọi người cũng chú tâm với việc học hơn. Sau bao tháng ngày cố gắng, cuối cùng mình đã được chuyển sang lớp khác. Lớp mình vào là lớp chuyên dành cho các bạn ôn thi vào đại học nên bài vở trên lớp khá nhiều và không khí học tập trên lớp thì sôi nổi khác hẳn lớp học cũ.
Môi trường học tập tốt hơn nhưng áp lực từ việc phải “cày baito” đủ để đóng học phí và sinh hoạt phí thì không thay đổi, nên hàng ngày mình phải rất cố gắng để có thể cân bằng giữa việc đi làm thêm và việc học hành, ôn thi ở trường. Suốt một khoảng thời gian dài, lịch học và lịch làm của mình luôn kín mít từ sáng tới tối: Từ 9:00 -12:30 học ở trường, từ 14:00-17:00 làm ở xưởng bánh mì gần trường, rồi chiều tối lại chạy đi làm ở siêu thị xa nhà, tối nào cũng về đến nhà là đúng 24:00. Thời gian học ít nhưng bài vở nhiều nên mỗi ngày mình đều phải tranh thủ từng chút thời gian trống ở giữa (như lúc đi tàu hay lúc nghỉ giữa giờ) để xem lại bài trên lớp hay ôn thêm ít từ mới từ cuốn sổ tay luôn mang theo người. Nhờ những nỗ lực không ngừng này, mà sang năm thứ 2 trường tiếng, mình đã được nhận học bổng đầu tiên trong đời. Học bổng chỉ 5000 yên mỗi tháng thôi nhưng nó là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với mình ngày đó.
Gần tốt nghiệp trường tiếng cũng là lúc mình phải đưa ra lựa chọn ngành và trường để học tiếp. Và lại một lần nữa, sai lầm khi chọn trường để thi của mình hồi cuối cấp 3 lại lặp lại. Mình cố sống cố chết muốn thi bằng được vào đại học, nhưng lại không biết bản thân muốn học cái gì, nên tiêu chuẩn chọn trường của mình lúc đó chỉ là học phí rẻ, dễ vào và trường phải trong Tokyo vì như thế thì mới dễ kiếm được việc làm thêm.
Xem thêm: Làm gì sau khi tốt nghiệp trường tiếng?
Theo lời giới thiệu của thầy ở trường tiếng, mình chọn thi vào Đại học Meikai. Và lại một lần nữa, mình thất bại trong cuộc cạnh tranh giành vé vào giảng đường đại học vì không biết lượng sức mình và cũng không biết cách học ôn hay luyện phỏng vấn sao cho tốt. Chính vì chuẩn bị chưa tốt nên khi cô hỏi lý do tại sao mình chọn thi vào trường, mình đã chẳng suy nghĩ gì mà dõng dạc trả lời luôn là vì… trường gần nhà. Sau đó mình vẫn hồn nhiên gọi điện báo tình hình cho thầy chủ nhiệm và bị thầy mắng cho tơi bời.
Xem thêm: Đại học Meikai – Nơi trang bị hành trang giúp bạn hiện thực hóa những ước mơ!
Nhưng cũng may ngày đó, có một cô giáo trong trường rất nhiệt tình đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mình và cho mình lời khuyên để đi tiếp. Cô khuyên mình nên ôn thi thêm 1 năm ở một trường dự bị rồi chọn thi lại vào một trường đại học tốt một chút sẽ ổn hơn. Bản thân mình cũng tự nhận ra rằng, với trình độ tiếng Nhật N2 như lúc đó, dù có đỗ thì mình cũng sẽ khó có đủ khả năng để hiểu các bài giảng ở trường đại học. Mặc cho nhiều bạn cùng học khác dù trình độ tiếng Nhật chỉ tầm N3 nhưng vì muốn nhanh chóng được vào đại học và lấy được visa nên chọn các trường đại học tư chất lượng không ổn lắm, mình vẫn quyết định nghe cô và chọn thi vào một trường senmon có khóa dự bị đại học để tiếp tục ôn luyện chuẩn bị thi lại lần 2.
LÊN GOOGLE TÌM ƯỚC MƠ
Trường senmon nơi mình theo học dự bị đại học có 95% các bạn sinh viên là người Trung Quốc, khóa mình nhập học chỉ có đúng 7 người Việt Nam nhưng tất cả đều có chung một ước mơ là đỗ đại học. Vào đây rồi mình mới thực sự biết cần phải chuẩn bị gì và học gì để ôn thi đại học. Năm đầu tiên mình tập trung ôn thi EJU. Quãng thời gian này thực sự khá căng thẳng vì mình vừa phải học tiếng Nhật, vừa phải học toán, vừa phải học môn Xã hội tổng hợp về kinh tế, chính trị, lịch sử. Suốt một năm bổ sung kiến thức nền và tiếng Nhật, mình đã cố gắng hết sức để có thể cân bằng tất cả các môn, nhưng khi thi thì điểm đọc hiểu tiếng Nhật của mình vẫn khá thấp và cả 2 lần đều chỉ dừng lại ở số điểm 260. Với số điểm này, chắc chắn mình không thể thi vào một trường đại học công lập, quốc lập nào cả. Cộng thêm hồi đó, mình vẫn chưa xác định được bản thân muốn học ngành gì và tương lai muốn làm gì nên sau một thời gian cân nhắc, mình đã quyết định học thêm 1 năm dự bị nữa.
Xem thêm:
Kỳ thi EJU – Điểm sàn và điểm chuẩn
Thông tin các trường đại học Nhật Bản
Lên năm 2 trường senmon, tinh thần mình khá sa sút so với thời kỳ đầu vì các bạn Trung Quốc cùng nhập học với mình năm trước đã thi đỗ và vào đại học cả rồi, trong khi mình mãi vẫn chưa đỗ được trường nào. Thật sự lúc đó mình chỉ biết tự an ủi bản thân phải biết đối diện với sự thật là năng lực của mình còn hạn chế nên phải cố gắng củng cố kiến thức và ngưng so sánh bản thân với bạn bè xung quanh. Lên năm thứ 2, các giờ học chú trọng hơn vào phần luyện phỏng vấn và phân tích bản thân. Hàng ngày, hàng tiết học mình đều được thầy cô hỏi “Em chọn ngành nào và khoa nào? Lý do là gì? Điểm mạnh, điểm yếu của em là gì ?”. Ngày nào cũng bị hỏi đi hỏi lại những câu hỏi đó, trong khi bản thân chưa có một định hướng cụ thể gì nên nhiều lúc mình cảm thấy vô cùng căng thẳng. Đã có những lúc mình áp lực và bế tắc đến mức lên Google và gõ từ khoá “Ước mơ của tôi là gì” để xem những người khác trả lời ra sao.
Lúc đó mình thực muốn có ai đó đưa tay kéo mình ra khỏi sự bế tắc đó, và lần này mình lại may mắn khi được gặp một cô giáo tốt thứ 2 – đó là cô giáo chủ nhiệm của mình. Cô lắng nghe những tâm sự của mình và giúp mình tìm ra những điểm mạnh của bản thân. Cô đưa ra những câu hỏi gợi ý giúp mình tìm thấy ước mơ cho chính mình. Dần dần, mình bắt đầu nhận ra bản thân muốn gì và làm gì, cần chọn trường theo tiêu chí ra sao. Trải qua nhiều khó khăn, trưởng thành và vỡ ra được nhiều điều khi được các thầy cô gợi mở và dìu dắt, mình cảm nhận rõ được việc tương lai của một người có thể thay đổi ra sao khi gặp được một người dìu dắt tốt. Mình biết ơn các thầy cô và muốn bản thân cũng sẽ trở thành người có thể chia sẻ và dìu dắt những thế hệ sau. Vì vậy, mình quyết định lựa chọn học chuyên sâu thêm về chuyên ngành giáo dục tiếng Nhật để trở thành một giáo viên tiếng Nhật trong tương lai.
Sau khi xác định được chuyên ngành muốn học, mình tiếp tục làm rõ tiếp các tiêu chí để chọn trường khác. Vẫn là tiêu chí học phí rẻ, ở trong Tokyo, chất lượng trường tốt, mình đã chọn thi một vài trường, trong đó có trường dân lập Musashino. Lần này, có lẽ do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng qua 2 năm dự bị, nên mình đã thi đỗ vào trường và còn nhận được học bổng miễn học phí cho 4 năm học đại học nữa. Đối với một du học sinh tư phí tự làm tự đóng học như mình, không có gì sung sướng hơn là được đi học miễn phí. Dù cô giáo chủ nhiệm động viên mình nên từ từ lựa chọn thi các trường công lập tốt hơn, nhưng mình vẫn quyết định chọn vào trường này vì cảm thấy đó là một bến đỗ phù hợp với bản thân, và cũng đã đến lúc mình nên dừng chặng đường ôn thi dài tưởng như bất tận này để bước sang một ngã rẽ mới.
Xem thêm: Giới thiệu về Đại học Musashino
Mình đã hứa với cô dù học trường tư lập nhưng sẽ cố gắng học thật tốt để không thua kém các bạn công lập và quốc lập. Tháng 10/2015, mình chính thức hoàn thành xong thủ tục nhập học, khép lại 2 năm ôn thi đầy căng thẳng và áp lực nhưng bù lại nó giúp mình có một nền tảng kiến thức và trình độ tiếng Nhật vừa đủ để có thể tiếp thu các bài giảng trên giảng đường đại học.
TÌM THẤY ĐAM MÊ
Ở đại học, mình học chuyên ngành Giáo dục Tiếng Nhật. Mới đầu mình cũng lo lắng không biết bản thân có hợp với nghề giáo viên tiếng Nhật không. Nhưng qua các giờ dạy thực tập tại trường, được các bạn người Nhật cùng lớp và các thầy cô khen là “rất có tướng giáo viên” nên mình dần tự tin và ngày càng say mê học tập, nghiên cứu hơn. Trong đầu mình luôn tự nhắc phải luôn cố gắng gấp nhiều lần người khác. Mình chỉn chu và tỉ mỉ hơn khi viết giáo án và khi được đứng giảng trước mọi người.
Khi lên năm 2 đại học, mình biết tới học bổng của tổ chức JEES dành cho các bạn có dự định trở thành giáo viên tiếng Nhật và đã quyết định thử sức đăng ký. Trong bản đăng ký có mục “Ước mơ của em là gì?”, ”Kế hoạch sau khi tốt nghiệp đại học là gì ?” và mình thực sự đã suy nghĩ nghiêm túc và tự hỏi bản thân nhiều lần để có thể trả lời một cách thành thực nhất. Ước mơ của mình là có thể trở thành một giảng viên đại học ở Việt Nam và đóng góp cho giáo dục tiếng Nhật ở quê nhà. Nhờ bản đăng ký này, một lần nữa, may mắn lại mỉm cười với mình. Nhận được học bổng từ JEES là động lực rất lớn cho mình, và mình càng có thêm quyết tâm để phấn đấu trở thành một giáo viên tốt hơn.
Xem thêm: Học bổng du học đại học tại Nhật Bản
Sau gần 3 năm được học kiến thức về giảng dạy, cuối năm 3 mình được về trường Đại học quốc gia Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thực tập giảng dạy 1 tháng. Quãng thời gian thực tập quý báu này đã giúp mình nhận ra bản thân thiếu gì và cần gì. Mình nhận ra một điều rằng điều quan trọng của một giáo viên khi dạy tiếng Nhật, đó là ngoài tiếng Nhật ra, mình còn cần truyền tải đến các bạn học sinh những kiến thức về văn hóa để các bạn có thể hiểu văn hóa nước bạn hơn. Như vậy các bạn sẽ có tư duy ngôn ngữ tốt hơn và có cái nhìn đa chiều đa về văn hóa hơn. Đây chính là động cơ thôi thúc mình học tiếp lên thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa sau khi tốt nghiệp đại học.
Xem thêm: Chia sẻ của sempai: Thi Cao học tại Nhật có khó không
Có lẽ lại là cái duyên, khi đúng lúc quyết định thi lên cao học thì mình nhận được thông tin về học bổng của tập đoàn Hasegawa khi chỉ còn 4 ngày nữa là hết hạn đăng ký. Vì quá gấp rút, sợ không chuẩn bị kịp hồ sơ nên lúc đầu mình phân vân không biết có nên nộp không, nhưng rồi cuối cùng mình đã gấp rút chuẩn bị và mang hồ sơ lên nộp vào phút chót ngay trước khi hết giờ 2 phút. Qua được vòng xét duyệt ở trường, mình lại tiếp tục chờ thêm gần 3 tháng cho tới lúc bên tổ chức xét hồ sơ xong và gọi phỏng vấn. Nhìn xung quanh toàn các bạn trường top và đang học đại học, thạc sĩ, có mỗi mình mình vừa tốt nghiệp đại học và chưa đỗ thạc sĩ trường nào, mình cũng khá run. Nhưng với ý chí quyết tâm và sự tự tin đã được tôi luyện qua năm tháng, cuối cùng mình đã thuyết phục được các bác ở quỹ học bổng và giành được một suất học bổng đủ để chi trả cho học phí của 2 năm cao học tiếp theo.
CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI
Trong quãng thời gian ở Nhật, bên cạnh việc học và ôn thi, mình cũng rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Bản thân là người đã từng trải qua quãng thời gian bế tắc vì không xác định được hướng đi, cũng như cách ôn luyện cho tốt, mình rất muốn có thể làm được một cái gì đó để giúp đỡ cho những em kohai cũng ở hoàn cảnh giống mình hồi xưa. Mình muốn chia sẻ những kiến thức ôn thi mình đã học được ở trường dự bị đến các em kohai, để các em không phải mất nhiều thời gian lòng vòng mãi mới chạm được cánh cửa đại học như mình.
Sau một lần tình cờ chia sẻ bí quyết học tiếng Nhật hiệu quả bằng phương pháp chép báo, học từ tin tức của trang Cộng đồng Việt – Nhật và được rất nhiều phản hồi tích cực từ mọi người, mình đã được các anh chị sempai khác rủ cùng tham gia vào nhóm admin Sugoi – một trang cộng đồng khá phổ biến thời đó. Sau khi tham gia vào Sugoi, mình tiếp tục chia sẻ nhiều kiến thức khác và lại tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Điều đó chính là động lực để mình chia sẻ cho các em kohai trẻ cho đến tận bây dù, dù không còn là admin của Sugoi nữa. Hiện mình vẫn chia sẻ trên trang cá nhân và trên Page いいね những gì mình học được.
Ngoài chia sẻ kiến thức, thông tin xã hội, mình còn tham gia hỗ trợ dạy tiếng Nhật miễn phí cho trẻ em ngoại quốc, dạy tiếng Nhật miễn phí cho các bạn tu nghiệp sinh, chia sẻ kinh nghiệm ôn thi EJU, kiến thức thi đại học cho các bạn du học sinh, những bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay những bạn muốn học thực sự nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Động lực giúp mình có thể làm được những điều đó là mình cảm thấy vui khi nhìn thấy sự đổi khác của người khác theo hướng tích cực. Hơn nữa, mình may mắn hơn vì nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn các bạn nên muốn san sẻ sự may mắn đó. Khi mình cho đi mình không nhất thiết sẽ được nhận lại từ người đó, mà mình sẽ nhận lại từ người khác nên ngại gì mà không cho đi khi còn có thể, phải không các bạn?
LỜI NHẮN
Cuộc đời của mỗi người không ai giống ai nên hãy lựa chọn con đường phù hợp và khiến mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Nếu bạn không có sẵn ước mơ như người khác hãy từ từ tìm kiếm, hãy thử thách bản thân nhiều thật nhiều để tìm ra công việc phù hợp với mình nhất. Nếu gặp khó khăn cũng đừng vội bi quan, không đi đường thẳng thì ta quay đầu đi đường vòng, vì đường thẳng hay vòng thì cũng sẽ đến đích thôi mà! Điều cuối cùng mình muốn gửi đến các bạn là hãy cố gắng trau dồi tiếng Nhật và giữ tinh thần luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng học hỏi. Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ cố gắng thì may mắn sẽ mỉm cười với bạn.
Tokyo, tháng 11/2020
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn ko mất phí: https://www.mpkenhr.jp
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận