Ước mơ bị trì hoãn
Thời cấp 3, mình thích học các môn tự nhiên nên lớp 12, khi cân nhắc chọn trường để thi vào đại học thì anh trai có hướng cho mình thi vào Bách Khoa để theo học ngành kỹ thuật. Dù khá thích làm về kinh doanh, thương mại, nhưng vì mới 18 tuổi, cũng chưa có định hướng rõ ràng về tương lai nên cuối cùng mình quyết định nghe theo tư vấn của anh, chọn thi và sau đó là vào học tại khoa Điện của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau 4 năm đầu chỉ lo học hành và thi cử, bước sang năm cuối đại học, mình bắt đầu có suy nghĩ nghiêm túc và rõ ràng hơn về tương lai. Mình thường xuyên tự đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Sau khi ra trường mình sẽ làm công việc gì? Đi theo các dự án hay làm cố định tại một công ty điện nào đó? “Một sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, tiếng Anh chỉ ở mức trung bình như mình liệu sẽ kiếm được bao nhiêu?” “Liệu mình có thể cảm thấy bằng lòng với cuộc sống, công việc đều đều như vậy không hay muốn được thoả chí tang bồng với những công việc nhiều thử thách ở một thế giới rộng lớn hơn?”.
Giữa lúc đang băn khoăn trước hàng loạt câu hỏi về tương lai như vậy, mình được anh sempai từng học 5 năm ở Bách Khoa chia sẻ về cơ hội sang Nhật làm việc và mức lương đáng mơ ước mà anh có được sau khi học tiếng Nhật 1 năm. Nghe được câu chuyện của anh, mình thích thú lắm. Ước mơ được sang Nhật, sang một đất nước phát triển làm việc vốn mình cũng từng nghĩ đến nhưng chưa biết đường đi nước bước ra sao. Giờ thấy cơ hội để đi ở rất gần như vậy, mình cảm thấy quyết tâm và tự tin hẳn. Mình bắt đầu kế hoạch hiện thực hoá ước mơ vừa tìm thấy đó bằng cách đăng ký học tiếng Nhật tại trung tâm VCI. Ở đó, mình có cơ hội được học với giáo viên người Việt và cả Nhật, càng học càng mê và trong đầu lúc nào cũng mong nhanh đến ngày đỗ phỏng vấn và đặt chân sang Nhật.
Nhưng người tính không bằng thời thế tính. Thời điểm mình kết thúc việc học tiếng Nhật ở Việt Nam lại rơi đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới và nước Nhật cũng không phải ngoại lệ. Các công ty Nhật có nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài sang giảm mạnh, các đơn hàng phỏng vấn kỹ sư, đặc biệt là trong ngành điện của mình gần như không có. Mất công chuẩn bị cả năm mà gần đến lúc bắt đầu nhìn thấy đích thì cơ hội lại tuột khỏi tầm tay làm mình có chút hụt hẫng. Vừa buồn vừa lo lắng nhưng cũng không thể cứ thế chỉ ngồi không mà chờ, mình quyết định tìm việc tại một công ty Nhật ở Việt Nam để có thể vừa tích luỹ thêm kinh nghiệm làm việc, vừa trau dồi thêm vốn tiếng Nhật trong lúc chờ cơ hội lại đến.
Tuy vậy, do tính chất công việc làm ở xưởng nhiều, ít có cơ hội tiếp xúc với quản lý người Nhật nên một ngày tính tổng ra thời gian sử dụng tiếng Nhật của mình ở công ty chỉ khoảng 10-15 phút, lại chỉ toàn là những câu chào hỏi cơ bản. Vì thế, khả năng ngôn ngữ không đi lên mà còn bị giảm đi. Cũng may, sau khoảng 2 năm làm việc tại Việt Nam, tình hình kinh tế sáng sủa hơn nên cơ hội sang Nhật bắt đầu quay trở lại. Khi nhận được thông báo từ trung tâm cũ nơi mình từng học tiếng Nhật về việc sắp có công ty Nhật sang phỏng vấn, mình mừng như bắt được vàng vì cảm thấy giấc mơ sang Nhật lại bắt đầu lại có những tia hy vọng mới. Mình vội vã ôn tập lại những câu tiếng Nhật từng một thời quen thuộc giờ đã rơi rớt ít nhiều để chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn và may mắn được trúng tuyển vào một công ty về điện có trụ sở tại Kawagoe-Saitama.
Học ăn học nói, học gói học mở
Tháng 4/2011, mình đặt những bước chân đầu tiên lên xứ sở hoa anh đào vào đúng những ngày mà cả nước Nhật vừa oằn mình hứng chịu thảm hoạ kép động đất, sóng thần. Dù đã học trước tiếng Nhật ở Việt Nam cả năm trời, lại có kinh nghiệm làm về điện tại công ty Nhật, thời gian đầu mình cũng gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen với công việc ở công ty mới.
Công ty mình làm khi mới sang Nhật là một công ty chuyên về chế tạo máy móc tự động hoá, và nhiệm vụ của mình là lập trình PLC cho các máy này. Dù chuyên ngành của mình ở đại học là về điện, lại đã có 2 năm kinh nghiệm làm ở Việt Nam nhưng do quy trình, cách làm việc của 2 bên khác nhau, nên những cái đã học, đã làm gần như không áp dụng được gì nhiều. Suốt 6 tháng đầu mới sang, mình hầu như chỉ ở dưới xưởng để học đấu dây, đọc thêm sách và làm theo sự chỉ dẫn của các sempai người Việt. Thời gian học việc của mình ở công ty tính ra phải kéo dài tới gần 2 năm, trong đó cũng có nhiều phen vì cái tính cầm đèn chạy trước ôtô, cậy cái này ở Việt Nam mình từng làm rồi, biết rồi nên không chờ nghe sempai hướng dẫn mà cứ thế làm trước, cuối cùng lại thành ra sai hết quy định, quy chuẩn của công ty, vừa mất công làm lại, vừa làm phiền mọi người. Sau vài lần như vậy, dần dần mình cũng rút kinh nghiệm, khi làm việc gì cũng cẩn thận kiểm tra trước các quy chuẩn của công ty để không gây ra sai sót, mất thời gian.
Không chỉ trong công việc, mà các thói quen về văn hoá, sinh hoạt, hay lối sống mình cũng phải để ý xung quanh và tự sửa rất nhiều. Ví dụ như người Việt Nam mình ít có thói quen dùng khăn tay, nên hồi mới sang mình cũng không để ý mấy. Mãi cho đến khi anh sếp người Nhật cùng bộ phận góp ý, bảo nếu đi toilet xong rồi rửa tay mà không dùng khăn tay để lau cho khô, cứ thế sờ tay vẫn còn ướt vào các nắm cửa thì khi người khác chạm vào sẽ rất khó chịu, mình mới biết để sửa. Sau một vài lần như vậy, mình nhận thấy các khác biệt trong văn hoá, thói quen sinh hoạt này nếu mình không để ý sửa lâu dần có thể gây ra ác cảm cho người khác, và to hơn có thể trở thành nguồn cơn cho những bất đồng trong giao tiếp giữa mình và người bản địa. Từ đó về sau, để tránh những hiểu lầm hay bất đồng đáng tiếc phát sinh, mình chủ động nhờ các anh người Nhật trong công ty lưu ý chỉ giúp những điểm khác biệt không phù hợp trong thói quen sinh hoạt để lưu ý sửa dần.
Bước ngoặt
Khi cuộc sống và công việc tại Nhật dần đi vào ổn định, mình bắt đầu tích cực để ý tham gia các hoạt động vào cuối tuần hơn để xây dựng network cho bản thân. Trong một lần tình cờ tham gia một festival giới thiệu về văn hoá các nước ở Kawagoe, mình đã bắt gặp thông báo tuyển tình nguyện viên của Ban Tổ chức và quyết định đăng ký tham gia ngay vì cảm thấy rất hứng thú với các hoạt động của hội. Đây là một hội gồm rất nhiều các bác trung niên người Nhật rất yêu quý và thích giao lưu với người nước ngoài, nên thường tổ chức những hoạt động quảng bá văn hoá các nước đến với người Nhật ở địa phương nhằm giúp người Nhật hiểu hơn về người nước ngoài, góp phần tạo môi trường tốt hơn cho những người nước ngoài đang sống tại Nhật.
Là thanh niên trẻ tuổi hiếm hoi tham gia hội nên mình được các bác trong hội rất yêu quý và thường xuyên được cùng các bác hỗ trợ công tác tổ chức các sự kiện. Qua mỗi lần như vậy, mình lại học hỏi thêm được nhiều kỹ năng khác rất có ích cho sau này như: cách lên kế hoạch, cách phân công, điều phối mọi người khi muốn tổ chức một hoạt động, sự kiện nào đó. Cũng nhờ tham gia hội và thường xuyên tiếp xúc với những người có liên quan trong các sự kiện, mà mình có cơ hội giao tiếp được với rất nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, có cái nhìn rộng mở hơn về văn hoá các nước, biết được những khó khăn mà các bạn nước ngoài khi sinh sống tại Nhật thường gặp phải, có thêm được nhiều mối quan hệ với các bác phụ trách ở trên shi, quen thêm các anh luật sư cùng sinh hoạt trong hội…
Thời gian làm việc ở công ty cũ cứ thế thấm thoắt trôi đi, công việc của mình cũng dần đi vào quỹ đạo và đến năm thứ 6 thì mình đã được giao phụ trách chính mảng điện trong công ty. Trọng trách mới khiến khối lượng công việc mình phải phụ trách ngày một tăng lên. Một mình mình phải vừa lo công việc của bản thân, vừa đưa ra chỉ thi cho 2 bạn tu nghiệp sinh cùng làm trong xưởng, vừa quản lý và giao công việc cho những đồng nghiệp khác không có chuyên môn trong ngành điện. Khối lượng công việc lớn, trách nhiệm cao nên áp lực cũng rất lớn. Có thời điểm mình phải ở lại công ty làm suốt 36 tiếng đồng hồ không ngủ do hôm sau là ngày phải đưa máy cho bên công ty đặt hàng xem thử mà ngày hôm đó máy vẫn không chạy nên cả đêm mình phải ở lại mày mò để giải quyết.
Áp lực công việc kéo dài, cuộc sống và công việc không cân bằng được như ý nghĩ khiến mình mất dần cảm giác háo hức, đam mê chờ đợi ngày mới. Mình bắt đầu suy nghĩ về con đường phía trước và suy nghĩ muốn được thử sức với công việc kinh doanh, thương mại năm xưa lại một lần nữa quay trở lại. Máy móc, những đường dây điện, thiết bị điện,…đã theo mình suốt 6 năm kể từ khi sang Nhật, đã cho mình một công việc với mức lương ổn định, đã dạy mình nhiều bài học hay về cách làm việc, suy nghĩ của người Nhật,…nhưng đã đến lúc mình cần dừng lại để rẽ sang một hướng khác. Một hướng đi mới, nhiều thử thách hơn, nhưng sẽ cho mình cảm giác mới mẻ, háo hức mỗi ngày. Tháng 4/2017, mình quyết định nghỉ việc để tìm hướng mở công ty riêng.
Cuộc phiêu lưu mới
Lĩnh vực mình quyết định dấn thân là lĩnh vực giới thiệu nhà ở cho người nước ngoài. Đây là lĩnh vực không có liên quan chút nào với chuyên môn và kinh nghiệm mà mình có, nhưng lại là vấn đề mà mình đã trăn trở suốt nhiều năm.Trong suốt thời gian ở Nhật và đặc biệt là khi tham gia hội tình nguyện, mình đã có dịp tiếp xúc với nhiều bạn Việt Nam và nước ngoài và nhận thấy mọi người thường gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm nhà do những rào cản về ngôn ngữ, do sự phân biệt của chủ nhà đối với người nước ngoài, do sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt,… Chính vì thế, mà khi quyết định ra mở công ty riêng, mình đã chọn lĩnh vực mới mẻ này để thử sức để có thể vừa thoả mãn được đam mê kinh doanh, vừa vận dụng được những kinh nghiệm, vốn sống, quan hệ mà mình có để hỗ trợ được phần nào các bạn mới sang.
Chuyển sang một ngành nghề hoàn toàn mới mà mình không có chuyên môn quả thực là một sự mạo hiểm không hề nhỏ. Thay vì được nhận lương cố định hàng tháng, giờ phải tự bươn chải hết để lo các chi phí cho công ty, lo tìm người, tìm mối…cũng nhiều cái mạo hiểm, nhưng mình vẫn quyết định làm vì nghĩ giờ còn trẻ, chưa vướng bận gì, nếu không làm thì có lẽ sau này cũng chẳng đủ đam mê, nhiệt huyết mà bắt tay vào được.
Để có thêm kiến thức chuyên môn, sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, mình nhờ bạn bè giới thiệu vào làm thử tại một công ty bất động sản của Nhật trong 3 tháng để học hỏi các kinh nghiệm và quy trình làm việc. Để có thêm nguồn thu nhập giúp duy trì công ty những ngày mới thành lập, bên cạnh mảng bất động sản, mình phối hợp cùng anh trai làm thêm cả mảng xuất nhập khẩu các thiết bị điện phụ trợ công nghiệp của Nhật về Việt Nam. Đây là mảng mà mình có khá nhiều kiến thức cũng như mối quen biết với các hãng sản xuất nhờ 6 năm làm việc về ngành điện tại công ty cũ, anh trai mình thì lại có mối quen muốn nhập khẩu những thiết bị này. Các kinh nghiệm, kiến thức cũng như mối quan hệ có được trong thời gian đi làm đã giúp mình rất nhiều trong việc tìm nguồn hàng, khảo sát và đàm phán, giúp công ty ký được nhiều hợp đồng và đưa mảng xuất nhập khẩu dần đi vào hoạt động ổn định. Nguồn thu đều từ mảng này đã giúp cho mình có thêm vốn để tự tin triển khai dịch vụ bất động sản theo hướng win-win, chậm mà chắc, vẫn có lợi nhuận cho công ty mà vẫn đem lại các giá trị cho cộng đồng.
Khác với mảng xuất khẩu đã có mối quan hệ và khách hàng từ trước, mình cùng các thành viên đầu tiên của công ty đã phải mất khá lâu để có thể đưa mảng bất động sản của công ty đi vào quỹ đạo. Thời gian đầu khi mới hoạt động, do là công ty mới nên độ tin tưởng của khách hàng còn chưa cao, không ít trường hợp khách sau khi nghe bên mình tư vấn xong lại nhờ thuê qua một công ty bất động sản khác có tiếng hơn. Để khắc phục tình trạng này, mình tập trung vào triển khai các dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho khách hàng trước và sau khi thuê nhà để tạo thành lợi thế so sánh riêng về dịch vụ cho công ty như: Gọi điện đăng ký điện nước gas cho các khách hàng không thạo tiếng Nhật, hướng dẫn các địa điểm siêu thị, bệnh viện, hướng dẫn báo thay đổi địa chỉ trên cơ quan hành chính, bưu điện,..giúp các bạn sớm hoà nhập được với cuộc sống tại ngôi nhà mới hơn. Song song với đó, sau khi các bạn vào nhà, bên mình cũng lưu ý hướng dẫn các vấn đề liên quan tới sinh hoạt, rác thải, …bằng tiếng Việt, hay giới thiệu các bạn vào làm baito tại Yamato, khách sạn, quán ăn,..
Sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhờ kiên trì triển khai những dịch vụ phụ trợ bên lề trên mà dần dần công ty đã có được sự tin tưởng của khách hàng, mảng kinh doanh bất động sản dần đi vào ổn định, bắt đầu phát triển song song được với mảng xuất khẩu thiết bị phụ trợ công nghiệp. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng mỗi ngày đối với mình giờ đều tràn đầy niềm vui và háo hức với những công việc và dự định mới.
Lời kết
Tưởng như mới ngày nào vừa đăng ký đi học tiếng Nhật rồi háo hức khi đọc được những chữ hiragana đầu tiên, vậy mà thoắt một cái gần 10 năm đã trôi qua. Dù ước mơ bị trì hoãn gần 2 năm do những ảnh hưởng khách quan, nhưng mình vẫn luôn cảm thấy may mắn vì ngày đó đã có cơ hội gặp gỡ và được nghe kể về con đường đi Nhật của sempai, nhờ vậy mới có đủ quyết tâm và dũng khí để lựa chọn 1 hướng đi mới cho mình. 8 năm ở Nhật là quãng thời gian mình đã học được vô cùng nhiều thứ, không chỉ là tiếng Nhật, là những kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ trong công việc mà còn là cả những cách suy nghĩ, những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại chính là nền tảng tạo nên cách làm việc được cả thế giới tín nhiệm của người Nhật.
Người Nhật có câu: “Cách bạn làm 1 việc là cách bạn làm tất cả mọi việc”. Cách chúng ta làm những công việc nhỏ nhặt hàng ngày thực ra sẽ phản ánh cách làm việc chung của chúng ta và được cấp trên, để ý rất kỹ. Nên các em mới vào công ty Nhật mà chưa có kinh nghiệm thì đừng quá tự ti, lo lắng, cũng đừng quá nóng vội muốn thể hiện năng lực của mình mà làm nhanh, làm ẩu,…hãy tập trung học tốt cách làm của công ty từ những chi tiết nhỏ nhất. Đừng nên xấu hổ, sợ nói ra người ta sẽ đánh giá năng lực của mình rồi cứ thể để những cái không hiểu, không biết chồng chất lên nhau. Học ăn học nói, học gói học mở, luôn để ý học hỏi từ cả những chi tiết nhỏ nhất trong công việc và cuộc sống, theo mình, chính là cách tốt nhất giúp chúng ta có thể trưởng thành từng ngày ở đất nước này.
Tokyo, tháng 12/2019
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận