BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Mình đặt chân sang Nhật lần đầu vào năm 2009, sau khi vượt qua một kỳ thi và phỏng vấn khá cam go để nhận được học bổng du học từ chính phủ Nhật Bản. Sau một năm đầu tập trung học tiếng tại 2 trường Đại học Ngoại Ngữ Tokyo và Osaka, sang năm thứ 2 nhóm sinh viên quốc phí bọn mình được phân vào các trường Đại học Quốc lập khác nhau trên khắp nước Nhật dựa theo nguyện vọng và điểm thi. Năm đó, mình đỗ vào khoa kinh tế của trường ĐH Osaka, ngôi trường có khá nhiều hoạt động ngoại khoá, đúng với sở thích ưa giao lưu và học hỏi từ hoạt động ngoại khoá của mình.
Dù có học bổng, nhưng vì muốn tăng khả năng giao tiếp tiếng Nhật và tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân sau này, nên ngay từ năm thứ 1 mình đã đi làm thêm công việc thông dịch cho một công ty thương mại. Sau một thời gian làm việc ở công ty, thấy mình cũng chăm chỉ, chịu khó nên cấp trên tin tưởng giao cho mình phụ trách thêm cả mảng nhập hàng. Trong quá trình tìm hiểu, mình nhận thấy có khá nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể xuất sang Nhật với triển vọng doanh thu rất tốt, nên mạnh dạn đề xuất việc nhập hàng từ Việt Nam sang Nhật bán, nhưng cuối cùng sếp mình từ chối vì cho rằng có một vài điểm chưa phù hợp. Không muốn bỏ qua cơ hội tốt, mình quyết định phối hợp cùng một người bạn mở công ty thương mại ở Việt Nam, rồi tìm đối tác ở Nhật để chào bán các mặt hàng mà bọn mình thấy rất hợp để bán ở chuỗi cửa hàng 100 yên của Nhật như khăn ăn, túi lọc rác, túi vải,…
Những trải nghiệm ở những năm đầu này để lại ấn tượng sâu sắc cho mình và nó cũng là nền tảng tinh thần cho mình trong những năm tiếp theo. Bọn mình thường nhập các sản phẩm dệt vải từ 1 làng vốn dĩ rất nghèo ở Thái Bình, người dân quanh năm chỉ biết làm nông và dệt thêm vải để bán những lúc nông nhàn. Cả làng có gần 3000 máy dệt, nhưng do đầu ra không có mấy, nên các máy dệt cứ thể bị để không quanh năm, mà người dân thì vẫn cứ nghèo. Năm 2012, khi làn sóng China Plus One trở nên mạnh mẽ, số lượng các công ty Nhật đầu tư sang Việt Nam ngày một nhiều, lượng đơn hàng bọn mình đặt ở làng nghề này cũng tăng lên trông thấy. Nhờ vậy, cuộc sống của mọi người trong làng cũng khá lên rất nhiều, và những người Nhật cùng hợp tác kinh doanh với bọn mình cũng đạt được doanh thu tốt nên thu nhập – cuộc sống cũng tốt lên. Từ đó mình nhận thấy, kết quả được tạo nên bởi mối quan hệ win-win do business tạo ra này có khả năng đem lại lợi ích lâu dài cho các bên, khác với các hoạt động trợ giúp tình nguyện từ 1 phía sẽ chỉ có hiệu quả nhất thời và khó duy trì lâu dài nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ. Bài học này khiến mình cảm thấy rất thấm thía và nuôi dưỡng trong mình ước mơ được tiếp tục tạo ra được những business có thể đem lại mối quan hệ win-win và lợi ích cho nhiều người.
NHỮNG CỘT MỐC QUAN TRỌNG
Năm 2013, khi đang chuẩn bị tốt nghiệp Đại học, mình kết hôn cùng người đồng sáng lập công ty riêng và quyết định sẽ sinh con sớm trong thời gian học MBA để khi tốt nghiệp, con cứng cáp hơn là mình có thể thu xếp đi làm và phát triển sự nghiệp luôn mà không mất thêm thời gian chờ đợi nhiều. Cũng may mắn là mọi chuyện thuận lợi đúng theo dự tính, 1/4/2014 mình nhập học cao học thì ngày 28/6 năm đó, mình sinh bé đầu tiên. 3 tháng đầu khi mới nhập học MBA – cũng là 3 tháng cuối của thai kỳ là khoảng thời gian mình phải chạy đua để có thể vừa nghiên cứu chuẩn bị luận văn, vừa đi học và thi đủ số môn cần thiết để lấy kịp toàn bộ credit cho kì đầu trước khi con chào đời.
Lần đầu làm cha mẹ, các giấy tờ thủ tục xin visa, hộ chiếu, bảo hiểm,… cần làm cho con bọn mình đều bỡ ngỡ mà tra trên mạng thì hầu như không có mấy thông tin tiếng Việt. Vậy là vừa tra cứu, vừa làm thủ tục cho con, bọn mình vừa nảy ra ý tưởng lập 1 trang web có thể chia sẻ những thông tin hữu ích về cuộc sống cho các bạn VIệt Nam đang sống ở Nhật. Rủ thêm vài người bạn cùng làm, bọn mình lập trang web và fan page Facebook tổng hợp những bài chia sẻ về đủ mặt trong cuộc sống ở Nhật, lấy tên là isenpai.jp (良い先輩). Cho đến giờ, isenpai vẫn là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của mình, giờ bọn mình cũng mở thêm chuyên trang du lịch ở Nhật i-tabi và giới thiệu công việc cho người Việt isenpai job nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng lên của người VIệt.
Khi con được 57 ngày tuổi, cũng là vừa lúc kỳ nghỉ hè đầu tiên kết thúc, mình gửi con đi nhà trẻ để trở lại học ở trường và bắt đầu hành trình đi xin việc như tất cả các sinh viên cao học năm 2 khác, mục đích là để có kinh nghiệm vận hành công ty.
Trong quá trình đi xin việc, thật sự mình cũng rất lo lắng, không biết nếu nhận được naitei rồi, thì sau đó mình sẽ thu xếp thế nào để có thể cân bằng giữa công việc với gia đình đây, khi con còn nhỏ như vậy. Nhưng rồi mình vẫn quyết định cố hết sức vì mình không muốn từ bỏ ước mơ mà bản thân đã ấp ủ bấy lâu để chỉ chuyên tâm ở nhà chăm con, nội trợ hay đi làm part-time. Sự cố gắng của mình cuối cùng cũng được đền đáp, mình nhận được naitei từ 6 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, tư vấn, thương mại…. Trong quá trình phỏng vấn, do không được hỏi nhiều về thông tin cá nhân của ứng viên như gia đình, con cái, nên hầu như các công ty chỉ biết việc mình đã có con sau khi đã gửi naitei. Tuy vậy, vì đều là các công ty lớn, đã lên sàn, có chế độ hỗ trợ nhân viên rất tốt, nên sau khi biết mình đã có con nhỏ, nhiều công ty thậm chí còn offer mình vào làm 時短 (làm nhân viên chính thức nhưng với số giờ ít hơn do phải về chăm con nhỏ) với mức lương như nhân viên bình thường. Cuối cùng, mình quyết định chọn vào Sojitz – một công ty thương mại và đồng thời cũng tự đề xuất phía nhân sự cho mình được phụ trách chuỗi cửa hàng Ministop ở Việt Nam để thoả mãn ước mơ được làm về business ấp ủ bấy lâu.
Tháng 4/2016, sau khi tốt nghiệp, cả gia đình mình chuyển từ Osaka lên Tokyo để bắt đầu công việc mới. Vì trước đó 2 vợ chồng mình đều là du học sinh, nên khi xét điểm tuyển vào nhà trẻ của con thì điểm số của bọn mình ở rank khá thấp, bé chỉ vào được một trường ở khá xa nhà mà lại chỉ gửi được tới 17h30 hàng ngày mà thôi. Dù là người mới vào, nhưng hàng ngày, cứ đến trước 17h là mình phải bỏ lại tất cả công việc còn đang dang dở ở văn phòng để chạy về nhà kịp giờ đón con. Phòng mình làm lại không có nữ, các sempai người Nhật đều khá lớn tuổi, người trẻ nhất cũng hơn mình 7 tuổi, còn trên nữa thì là những bác, những anh hơn mình tận 14, 22 tuổi. Vợ các bác- các anh đều không đi làm, nên thành ra mình là người duy nhất trong phòng cứ đến giờ là đứng dậy về sớm, cảm giác cô đơn, lạc lõng vô cùng. Vào công ty với bao dự định, nhiệt huyết muốn được chứng tỏ bản thân, nhưng cuối cùng mãi mình vẫn chẳng chứng tỏ được gì, cứ mãi dậm chân ở mấy công việc lặt vặt…Điều này đã khiến mình chới với, mất phương hướng trong một khoảng thời gian khá dài. Đã không ít lần mình cảm thấy việc cân bằng giữa công việc với gia đình, con cái ở Nhật quả thật là bất khả thi, và có lẽ mình phải chọn một trong 2 thôi… Nhưng rồi ước mơ được học hỏi, được kinh doanh, được chứng tỏ bản thân lại giữ cho mình tiếp tục cố gắng.
THAY ĐỔI BẢN THÂN
Để giải phóng bản thân khỏi tình trạng mất phương hướng đó, mình bắt đầu tìm hiểu và tham gia các khoá học khai thác bản thân, bắt đầu từ các buổi seminar miễn phí mà mình tìm được qua mạng. Bước ngoặt cuộc đời đã đến với mình khi mình được một người bạn cũng cùng tham gia seminar giới thiệu về 1 khoá học cách đây 17 năm đã giúp cô thay đổi hoàn toàn bản thân mình. Khoá học đó hiện vẫn đang được duy trì tổ chức, nhưng có giá tận 3 man 6 cho 1 buổi duy nhất.
Nghe cô bạn kể, mình rất tò mò, muốn học thử, nhưng lại chần chừ vì số tiền học phí cho 1 buổi khá cao. Đối với một con bé mà suốt mấy năm trời chưa từng phải bỏ một đồng ra để đi học như mình, thì cái giá hơn 3 man cho 1 buổi học quả là một con số đáng để suy nghĩ. Nhưng cuối cùng, mình vẫn quyết định đi học thử với hi vọng nếu khoá học đó thật sự hiệu quả, mình sẽ có được một bước ngoặt mới, một ánh sáng mới giúp mình thoát ra khỏi mớ bòng bong hiện tại. Còn nếu không, coi như mình chỉ mất hơn 3 man, vẫn còn tốt hơn là ngồi tại chỗ và không làm gì cả.
Buổi seminar mình tham gia hôm đó là một buổi tổng hợp kiến thức của các quyển self-help nổi tiếng như: 7 thói quen để thành công, Cha giàu cha nghèo, Bí mật của sự may mắn…với sự tham gia của gần 300 người. Tuy bản thân nội dung của buổi học không có gì quá mới mẻ so với nội dung từng được viết trong các quyển sách mình từng đọc trước đây, nhưng tại buổi học đó, mình đã được gặp, được tiếp xúc và trao đổi với những người có tư tưởng rất tích cực. Cách họ nói chuyện, cách họ nhiệt huyết với mọi thứ xung quanh như truyền đến cho mình một nguồn năng lượng mới, khiến mình thay đổi và bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn.
Mình nhận thấy để cân bằng được công việc và gia đình, trước hết mình cần phải biết cách làm việc và sắp xếp thời gian thật hiệu quả, khoa học. Mình đăng ký học thêm các khoá học về cách khai thác bản thân, về Time Management, về quản lý chi tiêu, về coaching,… Qua mỗi khoá học, mình lại có thêm một kĩ năng mềm mới, thêm những người bạn mới và khả năng giao tiếp (communication) – mấu chốt quan trọng để có thể thành công trong công việc- cũng ngày một tăng lên.
CÂN BẰNG
Sau một thời gian làm ở phòng cũ mà không thấy mình đóng góp được gì nhiều, mình mạnh dạn trao đổi với phòng nhân sự xin chuyển sang bộ phận tài chính để có nhiều cơ hội học hỏi thêm về phần kiến thức mà mình vẫn quan tâm. Khác hẳn với phòng cũ, bộ phận mới mình làm có 12 người thì có tận 5 người đã có con nhỏ, vì vậy mọi người rất thân thiện và quan tâm hỏi han, giúp đỡ lẫn nhau. May thêm nữa là đúng thời gian đó, thì bé nhà mình được quận đồng ý cho nhập học vào một trường gần nhà hơn và thời gian gửi cũng dài hơn, tới 9h tối, có bữa tối ở trường. Môi trường xung quanh thay đổi, thời gian gửi con cũng được dài hơn giúp mình chuyên tâm được nhiều hơn vào công việc. Có những đợt quyết toán bận rộn, phải làm việc từ 7h15 sáng tới tận 7-8h tối rồi chạy về đón con cho kịp 9h nhưng mình vẫn không hề thấy mệt mỏi chút nào, ngược lại còn thấy rất vui vì được phát huy, chứng tỏ bản thân trong công việc mà mình yêu thích.
Để bù lại thời gian không ở bên cạnh con được nhiều vào những ngày trong tuần, mình luôn chịu khó đọc- viết sổ liên lạc hàng ngày để trao đổi với cô giáo ở nhà trẻ về những thay đổi nhỏ nhất của con. Cuối tuần, cả gia đình mình dành thời gian nhiều hơn bên nhau để con cảm nhận được nhiều hơn sự quan tâm của bố và mẹ.
Khi đã quen dần với công việc ở phòng mới, mình bắt đầu tìm cách để vừa cắt bớt thời gian phải ở lại làm muộn mà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc được giao. Mình chủ động mang máy tính về nhà để làm việc khi cần, soạn các tài liệu hướng dẫn (manual) chi tiết để khi mình không có ở văn phòng mọi người cũng có thể thay mình giải quyết, sắp xếp chỗ để tài liệu thật gọn gàng, dễ hiểu và chú trọng việc trao đổi, báo cáo tình hình trong team để trong trường hợp có việc gấp cần đưa con đi khám có thể dễ dàng trao đổi mọi thứ qua điện thoại,.. Cứ thế, bằng cách thay đổi, sắp xếp làm cách làm việc của bản thân, mình ngày càng “lôi kéo” được nhiều đồng nghiệp xung quanh cùng giúp đỡ, chia sẻ công việc với mình để mình có thể tạo ra được kết quả công việc tốt nhất trong khoảng thời gian giới hạn của một bà mẹ có con nhỏ.
Mình cũng luôn cố gắng tận dụng thời gian 1 tiếng nghỉ trưa ít ỏi để tạo mối quan hệ với các đồng nghiệp xung quanh bằng cách đi ăn trưa cùng đồng nghiệp một vài buổi trong tuần vì mình không đi uống buổi tối với mọi người. Người Nhật khi mới quen thường chỉ nói vài ba câu chuyện phiếm, nhưng khi đã trở nên thân thiết hơn, họ sẽ rất cởi mở và mở lòng chia sẻ với chúng ta rất nhiều chuyện. Việc xây dựng được mối quan hệ thân thiết, tin tưởng lẫn nhau với các đồng nghiệp cùng khả năng giao tiếp tích luỹ được qua những buổi học kỹ năng mềm đã giúp mình rất nhiều trong công việc.
Mình từng có nhiều lần phải phụ trách thẩm định thông tin cho các dự án đầu tư mua lại các công ty venture mà phòng kinh doanh mang về. Thời gian để thẩm định thường rất ngắn, số tiền đầu tư lại lớn nên để đảm bởi được lợi ích tốt nhất cho công ty, mình thường phải trao đổi với bên phòng kinh doanh rất kĩ về từng chi tiết của dự án. Trong quá trình trao đổi, có rất nhiều kiến thức chuyên môn mình không biết, nhiều thông tin mình cần phải tìm cách để bên phòng kinh doanh nói thật,…thì chính những lúc đó, khả năng giao tiếp cùng mối quan hệ được tạo dựng từ trước đã giúp mình rất nhiều.
Song song với việc sắp xếp công việc thật khoa học, mình cũng điều chỉnh lại việc nhà để phù hợp nhất với lịch sinh hoạt và thói quen của cả gia đình. Vì cả nhà mình đều không thích ăn ngoài, nên buổi tối bao giờ mình cũng nấu ăn. Để tiết kiệm thời gian nấu nướng vào những ngày thường đi làm bận rộn, cuối tuần mình đi chợ mua thức ăn cho cả 1 tuần rồi cuối tuần cả nhà cùng nhau sơ chế sẵn, bỏ vào từng hộp- túi Zip nhỏ cất trong ngăn đá. Hôm nào nấu món nào là mình lại bỏ hộp chứa thức ăn từ ngăn đá lên ngăn mát từ hôm trước để giải đông sẵn, nhờ vậy tối đi làm về thường chỉ cần 30p là mình nấu xong một bữa ăn nóng sốt cho cả nhà. Mình cũng tiết kiệm thời gian giặt giũ làm việc nhà bằng cách tận dụng máy rửa bát, robot hút bụi,…và tất nhiên, là cả sự giúp đỡ từ chồng nữa. Khoảng thời gian tiết kiệm được nhờ sự trợ giúp của máy móc, mình dành để chơi cùng con hoặc đọc thêm các cuốn sách hay khác.
LỜI NHẮN
Sau một thời gian tích cực thay đổi bản thân, sắp xếp lại cách làm việc cho phù hợp và bố trí- phân bổ thời gian làm việc nhà khoa học, hiện nay mình cảm thấy bản thân đã cân bằng khá tốt giữa công việc làm vợ- làm mẹ và công việc ở công ty. Thiên thần nhỏ thứ 2 của nhà mình cũng vừa chào đời cuối tháng 9 vừa rồi, và hiện giờ mình đang rất hạnh phúc với những bận rộn bỉm sữa hàng ngày trước khi lại trở lại với công việc trong vài tháng tới.
Mình rất thích câu nói: “Nếu bạn nghĩ bạn làm được thì bạn đúng và nếu bạn nghĩ bạn không làm được thì bạn cũng đúng”. Việc cân bằng giữa công việc với gia đình và con cái ở Nhật đúng là rất khó, nhưng không phải là không thể. Việc có thể làm được hay không thật ra chỉ phụ thuộc vào bạn có muốn hay không mà thôi.
Tokyo, tháng 10 năm 2018
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận