Voice of Asean Sempai (Vol 37)

Vạch ra mục tiêu – Chọn trường, chọn ngành

Trước một cuộc chiến, đương nhiên khâu chuẩn bị là vô cùng quan trọng. Trước tiên, hãy tự hỏi bản thân: Bạn đi du học vì lý do gì?

Khi còn 18 tuổi, mình tốt nghiệp lớp chuyên tiếng Nhật Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, rồi tiếp tục thi vào trường Đại học, trong đầu luôn ấp ủ ước mơ du học. Lúc nhận học bổng cũng là lúc mình phải quyết từ bỏ học bạ ở trường ĐH (mình học chưa đủ lâu nên không được bảo lưu). Học bổng khi đó cho mình thời hạn hơn 1 năm để ôn thi EJU và phải thi đỗ vào trường ĐH ở bên này. Tức là, nếu mình thất bại – như mình với lũ bạn hay đùa nhau – chỉ có về nhà bán rau ở chợ sáng thôi. Mình không quá thích manga, cosplay, hay nhạc JPOP, nhưng có một điều mẹ mình nói mà mình luôn ghi nhớ trong lòng: Học tiếng nước ngoài mà không đến tận nước họ để tôi luyện thêm và thấu hiểu về văn hoá của họ thì không bao giờ giỏi được. Cái lý do tưởng chừng như rất mơ hồ này thế mà đã cho mình đủ can đảm để dứt áo ra đi không nuối tiếc, và cũng cứu mình rất nhiều trong những lúc khó khăn sau này. Du học không phải tất cả mọi thứ đều đẹp đẽ và hào nhoáng như người ta vẫn thấy trên Youtube. Sẽ có những lúc lung lay, sẽ có những lúc lạc đường.  Thế nên, trước khi đưa ra quyết định du học, bạn hãy tìm cho mình một lý do đủ lớn, đủ ý nghĩa để bạn bước đi vững vàng nhé.

Sau khi đã định rõ lý do mình muốn đi du học ở Nhật, bước tiếp theo bạn cần làm là: Tìm hiểu những “kiếp nạn” mà bạn sẽ phải trải qua trên con đường đi lấy kinh. Đối với các bạn muốn nhắm tới mục tiêu là vào học tại trường Đại học ở  Nhật, thì chướng ngại vật lớn nhất chính là kì thi EJU rồi.

Như các cụ nhà ta có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, việc tìm hiểu đối phương là vô cùng quan trọng. Đầu tiên, bạn hãy bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản như “Kì thi EJU là gì?” “EJU được tổ chức khi nào, một năm mấy lần?” “Thi EJU là thi những môn gì?” “Nội dung thi ra sao?” “Cần phải học những quyển sách nào?” “Ở VN có trung tâm nào dạy EJU không nhỉ?”,… Bằng cách tìm câu trả lời cho các câu hỏi này, chúng ta dần dần sẽ hiểu hơn về kì thi cũng như tiến gần hơn tới cái đích mình nhắm tới. Việc tìm hiểu trước thực tế có rất nhiều ích lợi: Giúp chuẩn bị sẵn tâm lý (để sau khỏi giật mình ngã ngửa trước độ khoai của đề bài); Xác định khả năng của bản thân (trong quỹ thời gian có hạn liệu trình độ tiếng Nhật của bạn có cho phép bạn thực hiện mục tiêu không); Mua sẵn sách vở tài liệu cần thiết ở nhà (sách bên Nhật đắt vô cùng các bạn à),…

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa mà các bạn cũng cần tìm hiểu sớm, đó là việc chọn trường. Ở Nhật, có rất nhiều trường đại học để cho bạn chọn lựa. Câu hỏi đặt ra là chọn từ đâu? Bản thân mình bắt đầu từ ngành học. Mình tìm hiểu những trường có ngành mình muốn học trước, rồi mới chọn ra khoảng 5 trường trong Tokyo để thi. Lúc đầu mình cũng có ý định thi thêm trường ở Kyoto hay Osaka nữa, nhưng nghĩ tới chuyện thuê trọ rồi phải bay đi bay lại tốn kém quá nên…. thôi. Trừ phi trái tim bạn đã thuộc về một ngôi trường nào đó mất rồi, việc chọn từ ngành học, rồi cân nhắc điều kiện đi thi, mức tiền học cũng như sinh hoạt phí sau này sao cho phù hợp để chọn ra khoảng 3-4 trường mà thi cũng là một phương án hay. Việc chọn trường và tìm hiểu điều kiện tuyển sinh của trường nên được thực hiện càng sớm càng tốt, vì mỗi trường, thậm chí mỗi khoa bên Nhật lại có chế độ và thời gian tuyển sinh khác nhau. Ví như Waseda, khoa Kinh tế – Chính trị tuyển sinh từ khoảng giữa hè còn khoa mình lại bắt đầu mở nhận hồ sơ từ… đầu đông. Các bạn vào trang web trường để tìm 募集要項 (điều kiện tuyển sinh), nếu không tìm được thì cũng đừng ngại gửi e-mail trực tiếp cho trường hỏi nhé!

Thực hiện mục tiêu – Ôn thi đại học ở Nhật, điều gì là cần thiết?

Sang Nhật rồi, nơi đầu tiên mình đến không phải là Tokyo sầm uất mà là một ngôi trường cấp ba nằm trên trọn một quả đồi, nơi mà cái cửa hàng tiện lợi gần nhất phải đi bộ 30 phút mới tới, và cứ đến 7h tối là đường xá xung quanh tối om không một bóng đèn. Mình đã tự học ôn thi EJU từ con số 0 trong suốt 1 năm rưỡi ở đó. Những niềm vui và háo hức ban đầu nhanh chóng thay bằng nỗi nhớ nhà, nỗi lo lắng trượt đại học tột độ, thêm vào đó nữa là sự thiếu thốn wifi trong suốt thời gian đầu khiến mình và lũ bạn cực kì bế tắc. Thiếu thông tin, thiếu môi trường học tập (trường không giúp bọn mình học EJU vì chính các thầy cô cũng lắc đầu không biết EJU là gì luôn), lại không có mạng để xem phim ngắm các oppa nên thiếu luôn cách giải trí. Ngày mạng về bản, mình mới bắt đầu tìm hiểu và chỉ biết khóc mếu vì thi đại học bên này không chỉ có EJU phải học lượng kiến thức khá lớn mà còn cần điểm tiếng Anh (TOEFL), phỏng vấn, viết luận,… Lúc ấy, trong tay mình không có bất cứ một quyển sách dù là bằng bất cứ ngôn ngữ gì để ôn thi bất cứ kì thi nào. Trong áp lực về mặt thời gian và tâm lý cộng một cái đầu rỗng tuếch như thế, mình và lũ bạn cuối cùng cũng vào được đại học ngon lành. Dưới đây là những điều đúng đắn nhất mình đã làm khi đó.

  • Chăm chỉ học chữ Hán và luyện đọc hiểu

Khi bắt đầu ôn thi ĐH, trình độ tiếng Nhật của mình rơi vào khoảng giữa N3-N2, vẫn còn khá non để thi EJU đạt kết quả đủ đỗ những trường đại học top đầu. Lúc đó mình đọc văn bản khá chậm, có khi đọc đến vài lần cũng không hiểu hết được nghĩa của đoạn văn. Mỗi lần đọc bài, mình cảm thấy cực kỳ mệt mỏi và buồn ngủ. Nguyên do nằm ở chỗ mình vẫn chưa nắm chắc hai yếu tố rất quan trọng để hiểu được nghĩa và đọc nhanh trong tiếng Nhật, đó là ngữ pháp và chữ Hán. Nhờ có thầy hiệu phó ở trường bắt chúng mình học thêm chữ Hán và bài đọc, phân tích câu hàng tuần, mình dần học cách đoán nghĩa qua mặt chữ Hán, và khả năng đọc hiểu của mình tăng lên đáng kể. Kết quả là sau khi thi EJU xong mình đã thi luôn N1 mà không phải ôn tập gì 😀 Túm lại, mình rút ra rằng với nhóm các ngôn ngữ tượng hình, chữ Hán là huyết mạch, là kết tinh ngữ nghĩa hình tượng trong câu, là thứ sẽ giúp ta “nhìn một hiểu mười” văn bản.

  • Thi tiếng Anh sớm

Phần lớn các trường đại học ở Nhật đều yêu cầu sinh viên có điểm thi EJU cùng với bằng tiếng Anh, TOEIC hoặc TOEFL tuỳ trường. Sau thời gian 6 tháng đầu cảm thấy lộn xộn và loạn trí kinh khủng vì ôn mỗi thứ một chút song song nhau, mình đã nghe lời một sempai quyết tập trung ôn TOEFL trong 1 tháng và thi 3 tháng trước khi thi EJU (thật ra vẫn là hơi muộn). Quả thật trước khi bắt tay vào làm gì thì sẽ thấy ngại, nhưng một khi đã làm xong được thì cảm giác khoan khoái như uống nước đá ngày hè. Thi xong TOEFL, mình trút được một gánh nặng không hề nhỏ và dành thời gian còn lại dồn hết sức lực vào ôn thi đại học. Đúng như bí kíp lúc đi thi: dễ làm trước, khó để sau, để tập trung ôn thi cho mục tiêu dài hơi hơn là EJU, chúng mình nên giải quyết hết những cái râu ria càng sớm càng tốt, và một trong những cái râu đó chính là chứng chỉ tiếng Anh. Vả lại, nếu EJU chỉ tổ chức 2 lần/ năm thì TOEIC và TOEFL được tổ chức thường xuyên hơn, nên nếu kết quả chưa ưng ý thì còn có thể thi lại nữa, đúng không nào?

  • Thi thử

Từ khi còn chưa biết nửa chữ trong đề thi, cho đến khi đã ôn tập kĩ càng, mình thường cùng bạn bè “thi thử”. Nói là thi thử nhưng chỉ là mấy đứa cùng giở đề ra làm, bấm thời gian theo đúng quy định và chấm bài cho nhau. Mặc dù thi thử có vẻ tốn thời gian, kèm theo tâm lý “ngại thi” chắc chắc sẽ khiến nhiều bạn lắc đầu lè lưỡi, nhưng thi thử là một bước rất rất cần thiết. Trước hết, hơn bất kì bài viết trên mạng nào, một bài thi thử sẽ cho chúng mình hình dung rõ nhất về kì thi sắp phải đối mặt: cấu trúc đề thế nào, áp lực ra sao, độ khó thế nào,… Kết quả ban đầu sẽ cho các bạn biết mình đang ở đâu, yếu những mặt nào và còn phải bổ sung thêm gì nữa. Trong quá trình học, thi thử chính là một cách để kiểm tra lại những gì mình đã học và xem mình đã “rớt” mất đoạn nào mà ôn lại. Quá trình ôn EJU hay TOEFL của mình đều bắt đầu bằng một bài thi thử. Những kết quả ban đầu của mình cũng đầy tuyệt vọng luôn, nhưng sau đó nhìn vào điểm số tăng dần và thấy bản thân tiến bộ, lòng tự tin của mình được củng cố vững chắc. Dần dần, mình cũng quen với đề thi hơn, không mất thời gian nghe giải thích đề hay cách làm, bớt cảm thấy áp lực hơn nữa. Những người đi thi nhiều thường thi rất giỏi, đâu phải do ngẫu nhiên!

  • Ngủ đủ, và tập thể dục

Hai từ “ngủ đủ” nghe sao mà xa xỉ đối với bao nhiêu bạn đang phải vừa đi làm ngày đêm vừa học. Ở đây, “ngủ đủ” không có nghĩa là “ngủ 8 tiếng một ngày” mà có nghĩa là ngủ sao cho cơ thể và não bộ của bạn cảm thấy khoẻ mạnh. Tuy mỗi người có một nhu cầu ngủ khác nhau, nhưng có một điểm chung là sức khoẻ của bộ não tỉ lệ thuận với thời gian ngủ. Ngủ ít, lại trong thời gian dài gây mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm trí nhớ và kém hiệu quả trong việc “nhồi” kiến thức mới. Với tư cách là một đứa hám ăn hám ngủ, mình đảm bảo điều đó luôn.  Thế nên, mình mà đã buồn ngủ díp mắt, thì sẽ phi thẳng lên giường không đắn đo suy nghĩ chứ nhất quyết không cố học lúc lờ đờ mắt mở có nửa con ngươi.

Ngoài ra, mình cũng xả stress bằng nhiều hình thức khác nhau như hát hò, vẽ vời, tám chuyện, squat, đi bộ và… chạy thể dục. Trường mình nằm trên một quả đồi – địa hình rất hợp lý để luyện tập chạy dốc. Mặc dù mình chạy cũng thường xuyên theo kiểu… hứng lên là đi, cảm giác mồ hôi vã ra và bắp chân rắn chắc (nếu không nói là đô) cũng khá là khoan khoái. Kết luận lại là nhớ ngủ đủ và tìm cách giữ cho sức khoẻ cũng như tinh thần thoải mái hết sức có thể nhé.

Hoàn thành mục tiêu – Đừng ngủ quên trên chiến thắng

Sau một hành trình dài tìm trường – học ôn – thi thử – thi thật, cuối cùng thì mình cũng leo qua được cánh cổng trường Đại học trong niềm vui sướng được lên thủ đô nhộn nhịp và háo hức được làm quen với bạn bè năm châu bốn bể.

Tuy vậy, niềm vui của mình kéo dài không lâu thì cái gọi là “shock văn hoá” và “mối lo mưu sinh” bắt đầu tràn đến. Quả không hổ danh là thủ đô Tokyo giá đắt đỏ đội trời, học bổng của mình cũng chỉ gần đủ tiền học và tiền nhà hàng tháng. Mình bắt đầu phải tìm việc để có xiền mua cơm ăn cũng như trang trải những chi phí khác, lần đầu tiên có một file excel “chi tiêu” ở trong máy tính, và lần đầu tiên phải đau đầu nghĩ xem tối nay, sáng mai ăn gì. Mình đối mặt với cảm giác bực bội, cô đơn, chán chường khi người Nhật thật khó để làm thân và không có ai để chia sẻ, nhờ cậy lúc khó khăn. Điều tệ hơn mình nhận ra đó là tiếng Nhật của mình vẫn chưa đủ để nghe giảng thuận lợi, còn xa để đạt tới ngưỡng xông vào cuộc nói chuyện của các bạn sinh viên Nhật, và có vẻ mình không hợp cách suy nghĩ của người Nhật cho lắm. Mình ghét Nhật Bản, rồi gần như rơi vào trầm cảm trong suốt một năm rưỡi đầu đại học.

Có thể bạn đang, hoặc có thể bạn sẽ trải qua những gì mình cảm thấy. Shock văn hoá là điều hoàn toàn bình thường mà bạn sẽ có thể gặp phải trong quá trình sinh sống ở nước ngoài. Nhìn về mặt tích cực hơn, nước Nhật đã cho mình nhiều hơn những gì mình mong đợi: Một môi trường học quốc tế, một cuộc sống tiện nghi, cơ hội để trường thành và mạnh mẽ hơn, những cảm hứng sáng tạo, một cái nhìn mới về thế giới, những cơ hội việc làm mình có lẽ sẽ không bao giờ nghĩ tới khi ở trong nước. Thế nên, mình đã quyết định chấp nhận đất nước Nhật như đúng những gì nó vốn là. Thay vì cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh, mình đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn về nước Nhật, và lý giải tại sao họ lại như vậy. Mình cố gắng học thêm tiếng Nhật và tìm hiểu khiếu hài hước của họ qua việc để ý cách nói chuyện của các bạn ở trường, xem các show truyền hình, để mình có thể giao tiếp tốt hơn và tự lập hơn nữa. Như cô giáo cấp ba mình từ nói: Học ngôn ngữ, phải như đứa trẻ con, bắt đầu từ tai nghe rồi mới nói ra miệng, sau đó viết lại và đọc, mới là hiệu quả nhất. Chuẩn là như vậy.

Mình cũng không cố ép bản thân vào guồng của đất nước Nhật nữa. Trong suốt 2 năm đầu ở đại học, lý do khiến mình căng thẳng nhất có lẽ chính là vì mình không được sống đúng với bản thân. Mình đã mong bắt chước các bạn Nhật thì sẽ có thể “vào chung hội”. Nhưng sau dần mình thấy điều đó chỉ làm bản thân mình không thoải mái. Từ bỏ “bẻ cong” bản thân theo cách người khác sống, mình tìm hiểu bạn bè theo cách tự nhiên nhất của mình, kết thân với những ai hiểu và yêu quý mình, và tập trung vào công việc mình yêu thích. Nhờ thế, năm ba đại học của mình đã trở nên lạc quan, vui vẻ và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Lời nhắn

Mình ở Nhật cũng khoảng 3 năm, không quá ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để mình tìm hiểu hết về đất nước này. Mong những gì mình chia sẻ qua bài viết này sẽ giúp phần nào cho các bạn có một mùa thi đại học “bình yên”, thành công, có những tháng ngày du học thật vui vẻ và ý nghĩa nhé!

Tokyo, tháng 5 năm 2018

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...