Voice of Asean Sempai (Vol 36)

QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG


   Mười năm trước, mình đặt chân sang Nhật lần đầu tiên theo diện visa gia đình sau gần 1 năm kết hôn. Sau 5 tháng tự học tiếng Nhật ở nhà, mình xin được vào làm baito tại công ty của chồng và khoảng 1 năm rưỡi sau đó thì biết tin có bầu song thai. Nhận thấy việc chăm cùng lúc 2 bé mới sinh khi nhà chỉ có 2 vợ chồng là việc không hề đơn giản, nên khi bầu được hơn 6 tháng, mình về Việt Nam sinh và ở cùng ông bà cho tới khi 2 bé được gần 1 tuổi rưỡi mới đưa các bé qua lại Nhật để cả nhà cùng đoàn tụ. Đây cũng là những ngày tháng khởi đầu của cuộc hành trình cùng con gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt Nam trên đất Nhật của cả gia đình mình.

   Trước đây, khi mới kết hôn, chồng mình từng được nghe một người bạn kể lại việc bạn của anh ấy vì không chú ý dạy con tiếng Việt từ nhỏ, nên khi bé lên cấp 2 thì gần như không nói được tiếng Việt nữa, ý thức cội nguồn của bé cũng vì thế mà mất dần. Thậm chí có lần vô tình gặp bố khi đang trên đường đi học về cùng bạn bè, cậu bé còn tránh đi coi như không biết bố vì ngại không muốn bạn bè nhớ ra mình là người Việt Nam. Khi nghe được chuyện này, vợ chồng mình cảm thấy việc phải duy trì tiếng Việt các con thật sự rất quan trọng, bởi chỉ có thế, con mới luôn nhớ mình là người Việt Nam.

   Dự định ban đầu của vợ chồng mình là sau khi 2 bé đã quen với môi trường mới ở Nhật thì sẽ cho đi học để các con vừa có thêm bạn, mà mẹ cũng có thêm thời gian để đi làm cho khuây khoả, hỗ trợ một phần kinh tế cho bố. Tuy nhiên, sau khi đưa 2 con sang Nhật một thời gian, vợ chồng mình bắt đầu nhận thấy kế hoạch này có khá nhiều điểm bất cập. Đây là khoảng thời gian các con mình bắt đầu bi bô học nói, nhưng do không còn ông bà ở gần, mà môi trường xung quanh cũng hoàn toàn không còn tiếng Việt nữa, nên bố mẹ trở thành nguồn tiếp cận tiếng Việt duy nhất còn lại của 2 bạn. Nếu mình cho 2 bé đi học luôn khi đó, thời gian các bé tiếp xúc với tiếng Nhật gần như sẽ chiếm trọn nguyên ngày, trong khi thời gian bé có thể trò chuyện với ba mẹ chỉ còn vài tiếng. Việc này sẽ dễ làm 2 bạn bị chậm biết nói tiếng Việt, mà như đã nói ở trên, đối với vợ chồng mình, thì việc duy trì tiếng Việt và cội gốc người Việt trong các con là việc vô cùng quan trọng.

   Vậy là sau khi bàn bạc và cân nhắc, vợ chồng mình quyết định cho 2 bé ở nhà thêm đến khi 3 tuổi, cùng mẹ học tiếng Việt cho thật tốt, rồi sau đó mới cho đi nhà trẻ.

HỌC TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT

   Việc cả ngày chỉ ờ nhà cơm nước và chăm 2 bé con thoạt nhìn sẽ khiến nhiều người cảm tưởng nó rất quanh quẩn và nhàm chán, vì mẹ cả ngày chẳng đi được đâu, em bé thì không được giao lưu, tiếp xúc với bạn bè. Tuy vậy, từ thực tế gia đình mình, mình thấy nếu biết tận dụng tối đa thời gian bên con cho các hoạt động vừa học vừa chơi, kết hợp tham gia thêm các hoạt động vui chơi miễn phí cho mẹ và bé của Nhật, thì khoảng thời gian này không hề nhàm chán mà trái lại còn vô cùng bổ ích và nhiều kỉ niệm.

   Quán triệt mục tiêu ở nhà thêm một thời gian là để cùng con học tiếng mẹ đẻ, nên hàng ngày mình đều cố gắng tận dụng tất cả các khoảng thời gian trong sinh hoạt hàng ngày:  từ lúc ăn, lúc tắm, tới lúc đi dạo,… để trò chuyện, chỉ dạy cho con mọi thứ xung quanh bằng tiếng Việt. Ví dụ khi cho con ăn cơm, mình sẽ tranh thủ chỉ cho con biết về các đồ vật, món ăn, nguyên liệu xuất hiện trong mâm cơm, và lặp đi lặp lại mỗi ngày vì trẻ con rất mau quên. Dần dà, bé nhớ và biết gọi vật mình vẫn dùng để xúc cơm hàng ngày tiếng miền Nam gọi là cái muỗng, tiếng miền Bắc gọi là cái thìa,…

   Ngoài ra, mình còn đọc sách hoặc tham khảo trên mạng các trò chơi giúp 2 bé vừa giải trí, vừa học được thêm nhiều từ vựng như đọc thơ, ghép chữ, nối âm,… Ngoài vốn từ, mình cũng chú ý làm những hoạt động nho nhỏ trong phạm vi gia đình để dạy cho các bé biết về văn hoá Việt Nam. Ví dụ khi gần đến Trung Thu, hay Tết cổ truyền,… mình sẽ bày cho các bé cách cắt dán các vật dụng thủ công để cùng mẹ trang trí nhà cửa. Tranh thủ vừa làm, mẹ vừa giải thích thêm cho các bé về ý nghĩa của những ngày lễ hoặc các đồ vật xuất hiện trong các dịp lễ hội đó. Mưa dầm thấm lâu, qua mỗi năm, kiến thức về văn hoá Việt của bé ngày một phong phú hơn và dần có cảm giác háo hức mong chờ mỗi khi đến các dịp lễ Tết truyền thống của dân tộc để được cùng ba mẹ trang trí nhà cửa, ăn các món ăn truyền thống,..

   Song song với các hoạt động trong nhà kể trên, mình cũng lưu ý sắp xếp để đưa 2 bé đi ra ngoài dạo chơi và tham gia thêm các hoạt động cộng đồng khác. Hồi mới qua, mình còn chưa có bằng lái nên mỗi lần 3 mẹ con đi đâu ra ngoài, mình đều chỉ dùng xe đẩy hoặc xe đạp. Đường đất ở Yamanashi thì rất nhiều dốc cao, có những lần nhìn mình 1 mình khệ nệ đẩy 2 đứa nhỏ cùng 1 lô hành lý mà các bác người Nhật gặp ở đường đều phải thốt lên bảo 「お母さんが大変だね」(Mẹ vất vả quá). Dù đi lại cực như vậy, nhưng hầu như tuần nào mình cũng đưa 2 bé ra ngoài đi dạo, tới các khu vui chơi miễn phí của quận – thành phố, hoặc dẫn con đi tham gia các sự kiện, lễ hội được tổ chức quanh vùng. Những hoạt động này giúp các con có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè cùng lứa tuổi, học được thêm nhiều điều hay, mà bản thân mẹ cũng quên đi cảm giác quanh quẩn, tù túng khi chỉ ở nhà với con cả ngày.

CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

   Khoảng thời gian gần 2 năm ở nhà cùng mẹ trôi qua nhanh chóng. Nhờ được tiếp xúc với tiếng Việt cả ngày, được nghe mẹ giảng giải về mọi thứ xung quanh cả khi đi dạo cũng như lúc ăn cơm, lúc đi tắm, lúc chơi trò chơi, nên khi được hơn 3 tuổi, hai bạn nhà mình đã nói tương đối sõi tiếng Việt, vốn từ vựng không khác gì nhiều so với những bé được nuôi dậy ở Việt Nam. Khi 2 con đã có nền tảng tiếng Việt vững chắc, mình yên tâm cho 2 bé đi học.

   Vì suốt khoảng thời gian trước đó ở nhà cùng mẹ chỉ dùng tiếng Việt, nên 2 bạn nhà mình cũng mất chừng gần 2 tháng đầu chưa hiểu cô hay bạn bè ở trên lớp nói gì mấy. Tuy vậy, các bạn nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo có đặc điểm là khả năng tiếp thu ngôn ngữ và hoà nhập với môi trường mới rất nhanh, nên chỉ sau đó một thời gian ngắn, 2 bạn đã tự tin nói chuyện và giao tiếp với thầy cô và các bạn ở trường bằng tiếng Nhật. Thậm chí, chỉ sau một thời gian ngắn, khả năng tiếng Nhật của các con đã dần vượt qua cả khả năng tiếng Việt (do môi trường tiếng xung quanh toàn tiếng Nhật) và tiếng Việt lúc này lại trở thành… một thứ ngoại ngữ phải-suy-nghĩ-mới-nói-ra-được đối với các con.

   Chính vì thế, mà có không ít lần các bé  buột miệng nói tiếng Nhật ở nhà với mình và ông xã, nhưng hai vợ chồng mình đều thống nhất chỉ nói tiếng Việt với con và yêu cầu con cũng chỉ được dùng tiếng Việt khi nói chuyện với ba mẹ để các con phải luôn ý thức sử dụng tiếng Việt mỗi ngày.

   Khi con bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè người Nhật, biết để ý đến sự khác biệt giữa mình và bạn bè xung quanh, thì lại xuất hiện thêm một vấn đề mới cần giải quyết: Đó là việc phải làm sao để cho các bé hiểu và chấp nhận việc mình là người Việt Nam và mình khác biệt so với các bạn Nhật khác. Mình từng tìm hiểu qua sách báo và được biết một đứa trẻ có thể gặp phải khá nhiều khủng hoảng tinh thần khi phải sống trong 2 nền văn hóa khác nhau – vì chúng dường như phải diễn 2 vai cùng 1 lúc, khi ở trường là Nhật, khi về nhà lại là Việt Nam. Điều này sẽ dễ khiến các bạn nhỏ cảm giác như  “mình khác biệt” với xung quanh và dần dần xuất hiện cảm giác muốn che giấu sự khác biệt đó đi, không muốn thể hiện chúng ra với bạn bè cùng lớp. Điển hình nhất là các bạn sẽ có tâm lý ngại không muốn nói tiếng Việt ở trường khi bố mẹ tới đón, lảng đi hoặc thậm chí tỏ ý khó chịu khi bố mẹ nói chuyện với mình bằng tiếng Việt mà có bạn bè người Nhật ở quanh. Hai bé nhà mình cũng không phải là ngoại lệ.

   Mình vẫn nhớ có lần mình đến đón con sau giờ học, nhưng khi vẫn còn ở trong trường bé nhất quyết không chịu chào mẹ (vì mẹ thường yêu cầu bé phải nói với mẹ bằng tiếng Việt), mà ra tận xe mới chào vì ngại không muốn bạn bè thấy. Khi đó, tự dưng mình nhớ lại câu chuyện về người bạn của chồng mà mình đã từng nghe trước kia, cảm thấy vô cùng buồn và giận con. Tuy vậy, sau khi suy nghĩ thật kĩ, mình nhận ra, để con có thể vượt qua “khủng hoảng” đó, mình cần phải giải thích, chia sẻ và trò chuyện thẳng thắn với con, chứ không thể cứ thế cho qua hoặc thoả hiệp với con. Mình lựa lời giải thích cho con biết tại sao con lại khác với các bạn Nhật xung quanh, và việc khác biệt đó không phải là xấu, mà có thể nó sẽ là điểm mạnh của con nếu con thật sự biết cố gắng, như bố mẹ cũng đang cố gắng mỗi ngày học và dùng tiếng Nhật trong công việc vì tương lai của các con. Ngoài ra, mỗi khi có dịp, vợ chồng mình cũng thường cho con tham dự các buổi cắm trại có đông bạn bè người Việt, để các con được gặp gỡ các bé người Việt Nam đang sống tại Nhật khác và thấy rằng, cũng có rất nhiều bạn bè khác đang sống ở Nhật cũng… khác biệt giống con. Dần dà, qua nhiều lần đối mặt và vượt qua những cuộc “khủng hoảng” nho nhỏ như thế, các bé không còn cảm giác ngại ngùng vì khác biệt nữa, mà dần chuyển sang thích vì mình hiểu  được 2 thứ tiếng, thích vì mình nói được tiếng Việt.

   Mình cũng tận dụng thêm cả Ipad như là một công cụ tích cực để giúp con vừa giải trí, vừa tiếp cận được gần hơn với tiếng Việt. Hàng ngày, mình cho phép các con được xem Ipad trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng hướng các con xem các chương trình của Việt Nam như: “Quà tặng cuộc sống”, series video dạy về kỹ năng sống của Vinacartoon như “Lịch sự khi dự tiệc”, “Lịch sự khi đến nhà người khác”… Qua các video này, các con không những hiểu biết thêm nhiều điều về cuộc sống, mà còn học được cách nói, cách dùng từ của trẻ con một cách rất tự nhiên – điều mà cha mẹ khó có thể dạy được, mà bản thân các bé cũng thấy thú vị khi nhờ biết tiếng Việt mà các bé hiểu được nhiều chương trình hay.

   Từ khi 2 bé lên lớp 1, song song với việc học nói, mình cũng dành thêm thời gian để dạy các bé đánh vần, đọc sách, đọc thơ,… Nhiều khi học khó quá, các bé cũng nản vì phải cùng lúc học đọc, học viết cả 2 thứ tiếng, vất vả hơn các bạn người Nhật chỉ cần học mỗi tiếng Nhật, nhưng khi được ba mẹ động viên và lấy ví dụ cho thấy nếu học tốt tiếng Việt, tương lai các bạn sẽ có được nhiều lợi thế thế nào, thì các bạn lại hăm hở tiếp tục cố gắng.

LỜI NHẮN

   Sau hơn 5 năm kiên trì rèn rũa, 2 bé nhà mình giờ đã 7 tuổi, song song với việc học ở trường, các con đều có thể nói và đọc – viết tiếng Việt tương đối tốt, có thể nghe ba mẹ giải thích nhiều vấn đề khó bằng tiếng Việt, và quan trọng nhất là bé rất thích đọc, nói và hát tiếng Việt, luôn ý thức phải nói tiếng Việt khi gặp các cô chú, bác người Việt Nam. Hiện giờ, mình cũng đã quay trở lại với công việc, nhưng hàng ngày vẫn luôn cố gắng duy trì việc học tiếng Việt cùng các con.

   Mình nghĩ khi nuôi day con ở nước ngoài, các bậc cha mẹ ai cũng sẽ muốn con mình không quên cội nguồn và tiếng mẹ đẻ, nhưng việc duy trì tiếng Việt cho con khi môi trường xung quanh hầu như không có tiếng Việt là điều không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn của ba mẹ và cả các con. Qua bài viết này, mình hi vọng có thể đem chút kinh nghiệm của bản thân và gia đình chia sẻ cùng mọi người, để các bố mẹ thêm kiên trì và luôn nỗ lực đồng hành cùng con trên chặng đường gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt Nam trên đất Nhật Bản.

Yamanashi, tháng 4 năm 2018

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...