Xem lại phần 1 tại đây: Voice of Asean sempai vol 25
KHỞI NGHIỆP Ở NHẬT
Khi Wakuwaku Tabi – cộng đồng du lịch Nhật Bản do mình và chồng lập ra vào cuối năm 2016 phát triển tương đối ổn định, mọi người dần trở nên thân thiết – gắn bó với nhau hơn, nhu cầu có một địa điểm thật để mọi người được gặp gỡ – giao lưu – giúp đỡ nhau thường xuyên lớn dần cũng là lúc chồng mình quyết định hiện thực hoá dự định mở quán đã ấp ủ từ lâu.
Bản thân mình vốn không phải là người đam mê kinh doanh, riêng về mảng quán ăn thì chỉ có kinh nghiệm đi làm baito ở mấy quán udon, bánh mì, crepe, nhưng vì thấy chồng rất nhiệt huyết với việc mở quán nên mình quyết định đồng hành cùng chồng thực hiện dự định này. Khó khăn đầu tiên chính là việc tìm địa điểm phù hợp với số vốn hạn hẹp ban đầu của 2 vợ chồng.
Địa điểm mà bọn mình nhắm tới là khu Hadano thuộc Kanagawa. Khu vực này xa trung tâm Tokyo nên giá thuê không quá đắt đỏ, xung quanh có công ty của Nissan (chuyên về thiết kế ô tô) và trường tiếng Nhật (nơi mình đang làm việc) có khá đông sinh viên Việt Nam theo học nhưng lại chưa có quán ăn Việt Nam nào, nên lượng khách hàng tiềm năng có thể nói là tương đối ổn định. Sau khi chốt được địa điểm, mình bắt tay vào làm các thủ tục thành lập công ty, tìm hiểu set-up mở quán,…Hồi 2017 cộng đồng người Việt ở Nhật chưa có nhiều hội nhóm chia sẻ thông tin như bây giờ, số lượng người Việt mở quán ở Nhật và chia sẻ thông tin trên mạng cũng rất ít nên bọn mình không hỏi được kinh nghiệm ai, phải tự mày mò tìm thông tin tiếng Nhật trên mạng để làm.
Việc bài trí, ốp lát, sơn sửa, vẽ trang trí tường quán bọn mình cũng gần như không phải thuê ngoài vì đều được bạn bè nhiệt tình mỗi người tới giúp một tay, nên công việc tiến triển rất nhanh gọn mà lại tiết kiệm được tương đối chi phí. Cứ thế, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, các vật dụng và điều kiện cần thiết để mở quán dần đầy đủ, và tháng 10/2017, quán ăn Việt Nam nhỏ ở Hadano của bọn mình chính thức khai trương. Quán tuy nhỏ nhưng đối với mình đó là nơi đầy ắp tình yêu thương, quý mến của bạn bè.
Trong quá trình tìm hiểu về set-up quán, mình được chị đã quen lâu năm giúp đỡ. Chị là người đã sống tại Nhật 1 thời gian khá dài, có kinh nghiệm vận hành mấy quán ăn ở dưới Okayama. Khi biết mình đang có ý định mở quán, chị đã lặn lội cất công từ tận dưới Okayama lên để hướng dẫn mình thêm về cách làm nhiều món ăn Việt Nam cũng như các vấn đề cần lưu ý khi mở quán mà không lấy của mình đồng nào. Chị nói chị giúp mình và chồng vì bọn mình rất chịu khó làm các hoạt đồng vì cộng đồng (bọn mình có tổ chức một số hoạt động quyên góp từ thiện tại Nhật như gói “Bánh chưng nhân ái” gây quỹ từ thiện….) nên chị cảm kích và muốn giúp lại bọn mình coi như 1 đóng góp nhỏ của chị cho cộng đồng. Thật sự nhờ có chị mà nhà mình đã tránh được rất nhiều bỡ ngỡ trong những ngày đầu mở quán. Ngoài các món ăn được chị chỉ dạy, vợ chồng mình cũng đầu tư thời gian về Việt Nam để học thêm các khóa học dạy về làm đồ uống, đồ ăn bán quán,…để menu thêm phong phú hơn.
Việc mở quán khá thuận lợi nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, nhưng sau khi bắt đầu hoạt động thì bọn mình cũng gặp một số khó khăn. Khó khăn nhất phải kể đến là thời gian đầu khi mới mở quán, do vốn ít, không có tiền thuê baito nên vợ chồng mình phải thức khuya dậy sớm tự mình lo hết từ A-Z tất cả các khâu: từ nhập nguyên liệu, sơ chế, làm món ăn, rồi bưng bê, dọn dẹp, rửa bát, tính toán sổ sách… Gần đó có trường tiếng Nhật đông sinh viên Việt Nam, nên hồi đầu để thu hút khách, bọn mình có mở quán từ 7h sáng luôn để các em qua ăn sáng rồi đi học. Vì thế mà việc chuẩn bị có khi phải bắt đầu từ 5h sáng. Nếu đêm hôm trước mà khách ngồi muộn, 1-2h sáng mới dọn dẹp xong thì xác định phải ngủ lại quán luôn để kịp hôm sau chuẩn bị. Những lúc bớt bận một chút thì phải nghiên cứu thử nghiệm món mới để làm phong phú thêm menu, điều chỉnh cách nấu để ngon hơn, phù hợp hơn với khẩu vị của mọi người,… Bọn mình cũng thường xuyên hỏi ý kiến khách, quan sát và nghĩ ra những chương trình hay để hút thêm khách mới, duy trì khách cũ vì không thể trông chờ mỗi vào sự ủng hộ ban đầu của mọi người.
Thời gian đầu khi mới mở quả thực rất nhiều vất vả, thời gian nghỉ ngơi gần như không có, nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩ đối với vợ chồng mình vì được tiếp xúc, giao lưu và quen thêm rất nhiều bạn bè mới. Để tạo không gian cho mọi người được thoải mái gặp gỡ, giao lưu, bọn mình dành một phần không gian quán để làm góc karaoke mở. Nhiều khi các em sinh viên học gần đó không ăn gì ở quán nhưng vẫn chạy qua nói chuyện tâm sự, hát một vài bài rồi đi… Nhóm phượt WakuWaku Tabi của tụi mình khi cần có không gian để tụ tập, họp nhóm cũng không cần phải đau đầu tìm địa điểm như trước nữa. Quán và những vị khách thân yêu thực sự đã trở thành một gia đình thứ 2 của bọn mình.
Hai vợ chồng mình đều có chung sở thích đi xe phân khối lớn, nên ngoài việc bán tại quán, bọn mình cũng mở rộng độ nhận diện của quán bằng cách tham gia bán hàng tại những lễ hội xe máy của Harley được tổ chức hàng năm. Việc này vừa giúp 2 vợ chồng được thỏa mãn niềm đam mê xe, vừa giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua những món ăn thuần Việt. Nhờ vậy, quán cũng được nhiều người Nhật biết tới và ủng hộ hơn.
Ngoài ra, để tăng kết nối giữa người dân địa phương với cộng đồng người Việt quanh khu, mình cũng tham gia hội doanh nghiệp địa phương và thường cho mọi người mượn quán để làm địa điểm giao lưu, trao đổi khi có dịp. Vào các dịp lễ Tết, thi thoảng quán mình lại tổ chức các chương trình như gói bánh chưng từ thiện để các bạn Việt Nam sống quanh đó và người Nhật có thể cùng tham gia, giao lưu, gặp gỡ và hiểu nhau hơn.Trong năm 2019 mình còn mở rộng, xây thêm 2 phòng karaoke riêng trên tầng 2 để phục vụ nhu cầu hát hò của mọi người.
Năm 2020, dịch Corona lan rộng khắp toàn cầu. Lệnh cấm mở cửa các quán được chính phủ siết khá chặt nên thời gian đầu quán mình cũng ảnh hưởng ít nhiều. Để khắc phục, bọn mình đã mở rộng sang làm cả đồ ăn để bán online, cộng thêm với các đợt chính phủ nới lỏng thì khách quen vẫn tới ủng hộ quán và có thêm hỗ trợ từ nhà nước nên bọn mình vẫn túc tắc hoạt động tương đối tốt trong 2 năm dịch.
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Tưởng chừng vượt qua được 2 năm Covid thuận lợi thì mọi thứ sau đó cứ thế dần êm xuôi, thì một bước ngoặt mới lại đến với nhà mình. Sau 2 năm dịch bệnh không về được Việt Nam, chồng mình bắt đầu có những trăn trở, lo lắng về việc sống xa gia đình và muốn được về Việt Nam ở hẳn để được gần mẹ, người thân. Công việc kinh doanh của quán dù đang thuận lợi, nhưng cũng bắt đầu tới ngưỡng chỉ duy trì chứ khó phát triển hơn được, trong khi ở Việt Nam thì từ 2019 nhà mình cũng có đầu tư vốn và quản lý từ xa 3 quán cà phê vận hành khá ổn, nên chồng mình càng muốn được về Việt Nam để bắt đầu 1 cuộc sống mới.
Tính tới thời điểm đó, mình đã ở Nhật được gần 16 năm. Cuộc sống xa nhà quá lâu khiến mình vô cùng bối rối trước quyết định này của chồng. Mình nửa muốn về Việt Nam trải nghiệm thử cuộc sống mới, nửa không muốn về vì lo ngại không biết bản thân có thể hòa nhập được với môi trường sống mới ở chính nơi mình đã từng sinh ra và lớn lên không. Mình đã sang Nhật sống và làm việc từ năm 18 tuổi, kiến thức về xã hội ở Việt Nam gần như không có, mà Việt Nam thì trong mười mấy năm mình đi đã phát triển quá nhanh. Mình sợ bản thân không thích ứng được, không tìm được công việc phù hợp, sợ phải đối mặt với những vấn đề “đối nội, đối ngoại” mà khi ở xa ít phải đối mặt. Những lo lắng ấy cứ dày vò làm suốt một thời gian mình không biết nên về hay nên ở, nhưng mong muốn được trở về của chồng lại quá mạnh, tới mức anh còn đề nghị hay 3 mẹ con mình cứ tiếp tục ở Nhật cho ổn định, còn anh sẽ đi đi về về giữa 2 nơi một thời gian. Nhưng đối với mình, gia đình là phải ở cùng nhau, chia làm 2 ngả mỗi người mỗi nơi thế không ổn chút nào, nên cuối cùng mình vẫn quyết định theo chồng trở về Việt Nam bắt đầu cuộc sống mới.
Quyết định về hẳn nên bọn mình phải sang nhượng lại quán và bán xe. Quán không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là nơi chất chứa bao tâm huyết không phải chỉ của riêng 2 vợ chồng, mà của rất nhiều anh em, bạn bè nên khi sang nhượng mình đã tìm hiểu rất kỹ người sẽ mua lại là ai. Rất may là cuối cùng 2 vợ chồng cũng tìm được một bạn người Việt đang làm mảng thực phẩm ở gần đó có kế hoạch sẽ kinh doanh lâu dài để nhượng lại nên cũng yên tâm phần nào.
Thông thường mọi người khi quyết định về thường dành thời gian ít nhất 1 năm để làm công tác chuẩn bị, còn nhà mình thì mọi thứ diễn ra rất chóng vánh. Tháng 1 quyết định cùng về, tháng 2-3 lo giải quyết các thủ tục bán quán, bán xe, trả nhà, xin nghỉ cho con ở Nhật xong là tháng 4 đã khăn gói nhau về. Có lẽ chính vì quyết định chóng vánh và không có sự nghiên cứu, tìm hiểu trước cho những kế hoạch sau khi trở về như vậy, nên trong gần 2 năm sống ở Việt Nam sau đó, bọn mình đã gặp rất nhiều khó khăn.
NHỮNG THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN
Do thời gian chuẩn bị quá ngắn, gần như không có một kế hoạch định trước về những việc sẽ làm sau khi trở về nên cả nhà mình gặp rất nhiều vấn đề trong thời gian nửa năm đầu sau khi về Việt Nam.
Đầu tiên là về vấn đề sức khoẻ. Chồng mình vừa về được một thời gian không lâu thì bị ngộ độc thức ăn nằm bẹp mất mấy tuần. Hai bạn nhỏ thì có lẽ do thay đổi thời tiết và không gian sống nên thay phiên nhau ốm lên ốm xuống, cứ bé này vừa khỏi bé kia lại ốm. Phải mất tới gần nửa năm cả nhà mình mới quen được với môi trường mới và ổn định dần sức khoẻ.
Thời gian này cũng là thời điểm mình sắp xếp nhà cửa, sinh hoạt và suy nghĩ xem 2 vợ chồng sẽ làm gì để sinh sống ở Việt Nam. Lúc này cả nhà mình vẫn đang ở Việt Trì nên vấn đề nhà cửa tạm ổn. Hai bạn nhỏ thì đau ốm suốt nên cũng chưa đi học được, chỉ quanh quẩn ở nhà, cơ hội công việc liên quan tới tiếng Nhật ở Việt Trì lại gần như không có nên tạm thời nguồn thu của nhà mình chỉ dựa vào lợi nhuận có được từ mấy quán cafe hùn vốn kinh doanh từ xưa và các lớp học online về tiếng Nhật và coaching đồng hành cùng cha mẹ nuôi dạy con của mình.
Khi sinh hoạt dần đi vào ổn định thì cũng là lúc cơ hội khởi nghiệp ở Việt Nam tới với 2 vợ chồng. Đợt đó mình có cơ hội trò chuyện với một bạn Việt nam từng là đối tác của trường senmon mà mình từng làm ở Nhật và bạn có rủ 2 vợ chồng mình cũng bạn góp vốn và góp sức mở 1 công ty du học ở Việt Nam. Cảm thấy công việc này có thể giúp mình tận dụng được những kinh nghiệm, thế mạnh bản thân tích luỹ được trong thời gian ở Nhật nên hai vợ chồng quyết định làm cùng luôn. Thế là cả nhà lại kéo nhau xuống Hà Nội để bắt đầu chương 2 của cuộc sống mới sau khi về nước.
KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì 2 đứa mới thấy việc có kinh nghiệm thực tế tư vấn hỗ trợ du học sinh Việt Nam ở Nhật và việc làm business liên quan tới du học ở Việt Nam hay không là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Khi làm công việc hỗ trợ du học sinh ở trường senmon tại Nhật là mình đã có sẵn sinh viên, chỉ cần tư vấn, hướng dẫn các bạn những kiến thức, thông tin về sinh hoạt, cuộc sống, định hướng học lên. Còn ở Việt Nam thì lại khâu tìm người, thuyết phục các bạn đăng ký sang Nhật du học mới là khâu quyết định. Trong khi thời điểm đó tỷ giá đồng Yên đang giảm mạnh, thị trường Nhật đã giảm sức hút tương đối nhiều so với các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, nên việc chỉ đơn thuần chia sẻ về cuộc sống hay những trải nghiệm sẽ có được khi sang Nhật không đủ sức để thuyết phục các bạn. Thêm vào đó vì đã nhiều năm không sống ở Việt Nam nên các mối quan hệ, những nguồn tiếp cận các bạn trẻ có nhu cầu sang Nhật du học của bọn mình gần như không có, việc tìm được học sinh là cả 1 vấn đề khó khăn.
Để duy trì được hoạt động của công ty, bọn mình phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian để tìm nguồn học sinh từ con số 0, phải tổ chức các seminar online và offline, phải đi tới các trường,…Các con thì vẫn còn quá nhỏ, xuống Hà Nội đi lớp lại ốm đau triền miên. Bạn thứ 2 còn ốm nhiều tới mức không ăn uống được, gần như là bị suy dinh dưỡng. Công việc khởi nghiệp bận rộn, ngày nào cũng ở công ty tới 8-9h tối nhưng về vẫn phải tiếp tục việc duy trì các lớp học online tới hơn 10h nên mình gần như không có thời gian để lo cho con nhỏ, để đi phát triển các mối quan hệ.
Dù được mẹ xuống hỗ trợ một phần việc nhà như nấu ăn, chăm sóc và đưa đón các con, nhưng mình vẫn cảm thấy mọi thứ như một mớ bòng bong. Mình lúc nào cũng trong tâm trạng rối bời vì công việc thì quá nhiều, không thể xử lý hết được mà ham việc quá thì lại không thể tự tay chăm lo cho các con trong khi con còn quá nhỏ.
Bản thân chồng mình cũng gặp khó khăn vì tính cách vốn dĩ không phù hợp với công việc văn phòng mà lại ngày ngày phải đến công ty, soạn tài liệu, đóng bộ mặc vest rồi đi tư vấn du học. Mấy quán cafe góp vốn vận hành dù vượt qua được dịch Covid khó khăn, nhưng sau dịch lại giảm sút doanh thu rõ rệt vì kinh tế Việt Nam sau dịch khó khăn, mọi người cũng giảm bớt nhiều nhu cầu đi cafe hơn so với trước.
Sau 6 tháng xuống Hà Nội để khởi nghiệp, cả 2 vợ chồng mình lúc nào cũng trong trạng thái quay cuồng và bế tắc. Cả 2 đều cũng cảm thấy nếu cứ tiếp tục bị cuốn theo vòng quay khởi nghiệp thế này thì cuộc sống gia đình thật sự không ổn chút nào.
Đúng là bọn mình đã từng có kinh nghiệm khởi nghiệp và có chút thành công khi khởi nghiệp ở Nhật, nhưng lần thứ 2 này mọi thứ thật sự khác. Khi khởi nghiệp ở Nhật, bọn mình có nhiều mối quan hệ, có sự xông pha của tuổi trẻ và…chưa có con. Còn lần khởi nghiệp thứ 2 ở Việt Nam này, bọn mình không có quan hệ, không người trợ giúp, lại có 2 em bé nhỏ cần chăm lo và…1 em bé thứ 3 sắp chào đời.
Khi vừa biết tin có bầu bé thứ 3 vào thời điểm vừa khởi nghiệp được 6 tháng và mọi thứ đang ở đỉnh điểm của sự rối tung, 2 vợ chồng quyết định chọn dừng lại và quay trở lại Việt Trì một thời gian để tĩnh tâm, suy nghĩ về con đường phía trước. Việc tiếp tục ở lại Hà Nội lúc này là quá sức với bọn mình vì chi phí để duy trì cuộc sống ở Hà Nội khi đó cho 2 vợ chồng và 2 em bé đã khá cao đối với bọn mình, giờ lại chuẩn bị có thêm 1 em bé thứ 3.
TRỞ LẠI NHẬT BẢN
Về Việt Trì được một thời gian thì bọn mình lại tiếp tục rơi vào bế tắc. Cuộc sống ở Việt Trì tuy bớt áp lực về kinh tế hơn so với khi ở Hà Nội, nhưng môi trường và cách giáo dục các bé ở trường mầm non tại đây khác hẳn so với Hà Nội và càng khác hẳn so với Nhật, khiến không chỉ các bé cảm thấy không quen mà bản thân mình cũng thấy không ổn.
Cộng thêm việc về lâu dài nếu cứ tiếp tục ở Việt Trì thì lựa chọn công việc của bọn mình sẽ rất khó khăn, còn lại xuống Hà Nội tiếp thì chi phí để thuê nhà, để cho con đi học, tiền bảo hiểm, tiền khám chữa bệnh con, tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cho 1 gia đình gồm 2 vợ chồng và 3 em bé quá lớn so với mức dự tính của nhà mình, nên 2 vợ chồng mình quyết định cân nhắc thêm cả lựa chọn…quay lại Nhật sinh sống.
Trong thời gian mang bầu bé thứ 3, cả nhà quyết định quay lại Nhật 4 tháng để sống thử xem nếu quay trở lại và bắt đầu mọi thứ lại từ đầu thì liệu cuộc sống ở Nhật có còn thích hợp với bọn mình không. Rất may là mình đã có vĩnh trú từ trước khi về Việt Nam sống nên không gặp khó khăn gì về vấn đề visa trong lần quay trở lại này.
Trong 4 tháng quay trở lại Nhật đó, vợ chồng mình không nhận làm công việc gì cả. Cả nhà chỉ ở bên nhau mỗi ngày, cùng nấu nướng, sinh hoạt và trò chuyện về những dự định, mong muốn của mọi người trong gia đình. Đối với mình quãng thời gian dừng lại, sống chậm rãi từng ngày này là một trải nghiệm thật sự quý giá, khoảng thời gian chữa lành cần thiết giúp mình sắp xếp lại được những suy nghĩ của bản thân sau những ngày tháng miết mải chạy theo công việc trước đây. Và trong lần quay trở lại này, mình cảm thấy cuộc sống ở Nhật có lẽ vẫn ổn hơn với gia đình mình, ít nhất là trong giai đoạn này, khi con còn nhỏ và tài chính gia đình chưa thực sự ổn định. Tất cả mọi mối quan hệ mình có, mọi nguồn lực mình cần để duy trì cuộc sống và phát triển bản thân đều có sẵn ở Nhật. Có lẽ một phần cũng vì mình đã sống ở Nhật quá lâu và khi trở về Việt Nam thì công tác chuẩn bị lại quá vội. Vậy là 2 vợ chồng lại cùng ngồi lại nói chuyện và quyết định cả nhà sẽ quay lại Nhật để bắt đầu lại cuộc sống mới, làm lại mọi thứ từ đầu.
KHỞI ĐẦU MỚI
Sau 4 tháng sống ở Nhật để trải nghiệm lại mọi thứ từ đầu, cả nhà mình quay lại Việt Nam chuẩn bị mọi thứ trong vòng 6 tháng và chính thức quay trở lại Nhật vào 4/2024. Do nhà có 3 bạn nhỏ cần đưa đón nên 2 vợ chồng quyết định trong nhà sẽ chỉ có 1 người đi làm chính, còn người còn lại sẽ làm công việc tự do, không bó buộc thời gian. Chồng mình tính không thích bị bó buộc trong 4 bức tường văn phòng nên chọn làm công việc tự do liên quan tới phiên dịch y tế, còn mình thì xin vào làm nhân viên chính thức cho một công ty liên quan tới mảng nhân sự ở Nhật. Hiện cũng đã gần 1 năm kể từ ngày cả nhà mình quay trở lại, dù vẫn còn nhiều thứ phải sắp xếp lại, nhưng cuộc sống của cả nhà cũng bước đầu ổn định và an yên trở lại. Mình và chồng có nhiều thời gian để chia sẻ suy nghĩ với nhau hơn, dù không có ông bà ở bên hỗ trợ, nhưng cả 2 vợ chồng lại có thời gian ở bên và đồng hành với các con nhiều hơn.
Ngày xưa khi chưa từng trở về Việt Nam, mình từng có những khoảng thời gian cảm thấy rất chán cuộc sống đều đều, có đôi phần nhàm chán và lặp đi lặp lại ở Nhật, khác hẳn với nhịp sống vui tươi, sôi động mỗi lần về Việt Nam nên suốt bao năm cứ băn khoăn giữa ở hay về. Rất nhiều lần nhìn bạn bè đồng trang lứa ở nhà đạt được những thành công trong công việc, sự nghiệp, nhìn thấy các cơ hội tốt ở Việt Nam, mình đã từng suy nghĩ không biết mình có đang bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, biết đâu khi về mình sẽ có khi phát triển hơn, và được sống một cuộc sống tự do hơn chăng.
Nhưng sau khi về Việt Nam và trải nghiệm cuộc sống rồi lại quay trở lại, mình cảm thấy gắn bó với nước Nhật hơn và yên lòng với lựa chọn sống lâu dài ở Nhật của mình hơn. Về Việt Nam rất vui, rất năng động, nhưng trong trường hợp của cá nhân mình, thì nhưng nền tảng mình đã tạo dựng được trong suốt mười mấy năm ở Nhật giúp mình cảm thấy thuận lợi hơn khi sống ở đây hơn so với về Việt Nam. Để về Việt Nam xây dựng lại mọi thứ từ đầu như gia đình mình, thì thời gian cần thiết có lẽ không phải chỉ 6 tháng, 1 năm hay 2 năm, mà cần 5-7 năm, và nó quá dài so với hoàn cảnh lúc đó của cả nhà mình.
LỜI NHẮN
Nhìn lại chặng đường đã qua, mình nhận ra rằng quyết định về Việt Nam hay ở lại Nhật Bản không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn địa lý, mà quan trọng hơn là sự chuẩn bị và đồng lòng của cả gia đình. Nếu quyết định về Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần có một kế hoạch rõ ràng và dự phòng tài chính đủ ít nhất trong một năm, để tránh rơi vào tình trạng bế tắc vì không có nguồn thu cố định. Không thể chỉ suy nghĩ đơn giản rằng “cứ về rồi mọi thứ sẽ ổn”, mà cần tính toán kỹ lưỡng, chia sẻ thẳng thắn giữa hai vợ chồng về những dự định, khó khăn và hướng đi trong tương lai.
Dù hai năm trở về Việt Nam vừa qua đầy thử thách, nhưng điều quý giá nhất là mình hiểu bản thân hơn, kết nối lại với gia đình và có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam một cách thực tế. Quan trọng hơn, vợ chồng mình đã đồng hành qua những giai đoạn khó khăn, từ những lúc chưa hiểu nhau đến khi có thể tìm được tiếng nói chung, cùng dung hòa và xây dựng cuộc sống gia đình tốt hơn.
Lần quay lại Nhật này, mình đã có kế hoạch rõ ràng và chủ động hơn trong việc phát triển bản thân. Mình thử sức với Tiktok, khám phá những cơ hội mới và cảm thấy thực sự hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Có lẽ điều quan trọng nhất không phải là ở đâu, mà là cách mình chuẩn bị và xây dựng cuộc sống cho chính mình và gia đình.
Tokyo, tháng 1/2025
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận