Xem lại phần 1 tại: Voice of Asean sempai (Vol 7)
CHUYỂN VIỆC LÊN TOKYO – HÀNH TRÌNH ĐỊNH VỊ BẢN THÂN
Tôi thường chia sẻ với mọi người rằng: Tôi không thông minh, nhưng là một người luôn luôn nhất quán với mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu của tôi là trở thành người làm giáo dục một cách tử tế. Sau 3 năm trải nghiệm công việc tại Sasebo (Nagasaki), tôi mong muốn có cơ hội được thử sức ở môi trường đào tạo năng động hơn. 7 năm ở Kyusyu yên bình có lẽ đã là đủ tại thời điểm đó. Tôi quyết định chuyển việc lên Tokyo để bắt đầu hành trình định vị bản thân ở giai đoạn tiếp theo.
Làm việc tại Nagasaki như một cái duyên kể từ lúc tôi gặp bố mẹ nuôi ở đây. Mọi việc cứ thế đến một cách tự nhiên. Tự nhiên đến mức đã có lúc tôi cảm nhận chóng vánh rằng: “Xin việc gì mà nhàn vậy? Đây có thật sự là xin việc bên Nhật không? Công việc tốt, đồng nghiệp hòa đồng, được gần bố mẹ, còn mong gì hơn với một cô gái nơi xứ người? Nhưng từ lúc thai nghén dự định chuyển việc, có một niềm tin mạnh mẽ bên trong rằng: “Mình có thể làm được điều gì lớn hơn nữa không? Nếu không phải bây giờ thì chờ đến bao giờ mới có thể dám bước ra vỏ bọc an toàn này?”. Khái niệm “định vị bản thân” với tôi thời điểm đó không đơn thuần là sự đo đạc xem năng lực của mình có thể tiến hơn bao xa, mà là niềm tin mình dành cho mình có thật sự đủ lớn? Cảm ơn Linh, vì đã dám can đảm để lựa chọn sự thay đổi.
Là một người khá lý trí khi đưa ra quyết định nếu như bên trong cảm thấy đã đến lúc cần phải làm, tôi lập kế hoạch chuyển việc lên Tokyo. Sau khoảng 3 tháng, tôi nhận được kết quả trúng tuyển tại 2 nơi, nhưng quyết định lựa chọn một trường Senmon với vai trò giảng viên tiếng Việt cho người Nhật.
Khi đã chắc chắn mọi việc tôi mới chia sẻ với bố mẹ nuôi. Cũng giống như bố mẹ ruột, hai người hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi, dù thực lòng mẹ nói rằng mẹ thấy buồn khi Linh chan không còn ở đây nữa. Nhưng bố mẹ tôn trọng vì luôn tin tưởng vào những gì tôi làm. Thật may mắn khi ở xứ người cũng có những người yêu thương và ủng hộ mình vô điều kiện như vậy. Đây thật sự là một nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn để tôi có thể tự tin bước tiếp con đường không dễ dàng phía trước.
TOKYO – NƠI GHI DẤU ẤN CỦA SỰ TRƯỞNG THÀNH VÀ TÔI LUYỆN BẢN LĨNH
Đắt đỏ, vội vã và cô đơn là 3 tính từ thể hiện cảm xúc của tôi vào những ngày đầu tiên đặt chân đến nơi được mệnh danh là “thành phố của ánh sáng”. Chuyển nhà lên Tokyo đã “ngốn” của tôi một số tiền tiết kiệm không nhỏ, cái gì cũng đắt hơn hồi ở còn ở “nhà quê”; những tháng ngày thong thả cùng những chuyến tàu, chuyến xe bus nửa tiếng (thậm chí có khi 1 tiếng) 1 chuyến được thay thế bằng những lần chạy đua cùng tàu dẫu biết rằng chỉ có 1-2 phút đã có chuyến tiếp theo; đến cảm giác cô đơn trống trải dù “nhung nhúc” người kề bên mình. Phải thừa nhận một sự thật rằng trong tôi khi đó là sự đan xen 50/50 giữa sự háo hức với cuộc sống thành thị với sự vấn vương với khung cảnh yên bình ở Kyusyu. Nói sao nhỉ? Nó giống hệt cảm giác như hồi đỗ Đại học, bịn rịn lưu luyến bố mẹ để ra Hà Nội bắt đầu cuộc sống tự lập vậy… Sau 1 tuần tạm gọi là ổn định, tôi chính thức bước vào thời gian thử việc tại ngôi trường mới.
Khác hẳn với cách chào đón vui tươi ở nơi làm việc cũ, nơi làm việc mới chào mừng tôi đến theo phong cách “lướt qua nhau” với những cái gật đầu vội vã cùng một checklist công việc cần hoàn thành trong tuần đầu tiên. Woa! Dẫu vẫn biết đã “nhập gia tùy tục” nhưng 7 năm đủng đỉnh ở Kyusyu đã “nuông chiều” cái nghệ sỹ tính đầy thơ thẩn trong tôi, khiến tôi khá choáng váng khi bắt đầu guồng quay mới này. Chưa kể những lần phải đi bộ khá xa từ tòa này sang tòa kia để dạy học hay tham dự cuộc họp chuyên môn toàn trường,…Những ngày đi làm về mệt quá, chẳng thiết ăn gì, chỉ cần đặt lưng xuống là ngủ được ngay. Nhưng điều này không quan trọng bằng việc bản thân đã bắt đầu thấy cảm thấy tự ti khi xung quanh mình có quá nhiều người giỏi. Cho tôi giải thích chỗ này kỹ hơn. Ở ngôi trường mới này, giáo viên ngoài việc đi dạy cần phải kiêm nhiệm luôn việc tự tuyển sinh viên và làm nhiều việc văn phòng khác. Tôi là một người thuần chuyên môn, nên để phải nghĩ ra cách này, cách kia thu hút một ai đó, tôi không làm được. Nhìn các khoa khác, sinh viên tham gia buổi giới thiệu đông nườm nượp, khoa tiếng Việt tôi phụ trách thì lác đác vài người, có những hôm chẳng có ai. Tôi loay hoay không biết làm gì và cũng không biết hỏi ai để xin lời khuyên. Một đoạn thời gian tôi thu mình như con ốc, làm đúng những gì được giao và nhìn mọi người xung quanh bận rộn. Trong tâm muốn về sớm nhưng về lại không đành, mà ngồi không thì chỉ như giết thời gian. Chẳng thể tin nổi chính mình – một người khá năng động, tự tin nay lại trở nên thụ động đến thế. Tôi đã gọi điện tâm sự và khóc với bố mẹ nuôi. Khi đó, bố tôi đã nói với tôi rằng:
“Con có nhớ vì sao mẹ nuôi lại yêu quý con ngay từ lần gặp đầu tiên khi gặp ở cuộc thi hát hồi đó không?…Đó là vì tiếng hát của con chạm được vào trái tim của người nghe. Nghe tiếng hát đó, mẹ tin rằng con là cô gái có tấm lòng lương thiện, chứ không phải đang cố thể hiện mình hát hay để lấy giải thưởng.”
“Vâng, con nhớ ạ.”
“Một bài hát con tập đi tập lại bao nhiêu lần mới có thể hát được như thế, chứ nói gì tới công việc mới bắt đầu. Con đừng nôn nóng trong việc tạo ra giá trị, mà hãy kiên nhẫn quan sát, học hỏi và làm gì đó có thể ảnh hưởng tới người khác. Như cách con đã hát bằng tất cả tâm hồn mình vậy.”
Tôi òa khóc và cảm thấy được vỗ về sau những câu nói ấm áp đó. Tôi đã hiểu được thông điệp mà bố muốn truyền đạt và đâu đó sự bức bách bấy lâu nay đã tìm được khe hở để thở.
Những ngày làm việc sau đó, khi khoa tôi không có sinh viên đăng ký tìm hiểu, tôi xin sang khoa tiếng Hàn để học hỏi kinh nghiệm từ các cô giáo bên đó. Tuy chỉ dừng ở việc hướng dẫn đường đi tới các phòng học, nơi tham quan hoặc hỗ trợ những công việc lặt vặt khi cần thiết, nhưng khi nhận được phiếu khảo sát cuối buổi của phụ huynh và học sinh tham gia buổi học thử ở khoa tiếng Hàn có ghi rằng: “Các giáo viên ở trường có tác phong rất chuyên nghiệp. Hôm nay, một cô giáo người Việt có nụ cười rất tươi đã hỗ trợ tôi rất tích cực.” Tuy không cần phải rõ tên, nhưng tôi biết tôi đã biết cho đi, đã làm được một việc nhỏ góp phần vào đánh giá tổng quan về chất lượng của trường.
Cứ như thế, sự tự tin dần quay trở lại. Tôi được tin tưởng giao cho những đầu việc mới, trong đó có việc trở thành giáo viên dạy biên phiên dịch Việt-Nhật tại một chi nhánh khác của trường. Đây là chuyên ngành tôi được học ở Đại học. Khỏi phải nói tôi hạnh phúc đến mức nào. Mọi nỗ lực và sự cho đi một cách vô tư cuối cùng đã nở hoa.
Với những kinh nghiệm đã học hỏi được từ đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác, tôi tự tin ứng dụng và đưa ra đề xuất để có thể tạo nguồn cho khoa biên phiên dịch. Năm đầu tiên, tôi tuyển được 3 lớp. Đến năm thứ 2, tôi tuyển được 4 lớp. Như cá gặp nước, tôi cảm thấy mình đang được sống trong trường năng lượng của sự tự do và sáng tạo. Đây cũng chính là một Dương Linh tôi muốn gọi tên sau một thời gian dài. Cảm ơn Linh, vì đã dám tự tin cho đi để nhận lại được rất nhiều.
Xem thêm: Tìm hiểu công việc hỗ trợ du học sinh trường tiếng Nhật
VỀ NƯỚC – BƯỚC NGOẶT MANG TÍNH ĐỘT PHÁ
Tôi có một niềm tin tâm linh rất rõ về tiền kiếp, rằng tôi là người Nhật. Thích viết lách nhưng tôi không thể miêu tả được tình yêu của tôi dành cho nước Nhật qua câu chữ. Chỉ đơn giản yêu là yêu thôi, yêu là muốn gắn bó lâu dài. Nên chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ rời xa tình yêu này sớm đến thế, dẫu số năm ở Nhật cũng đã cán mốc con số 10 tại thời điểm đó.
Vì lý do gia đình, năm 2019 tôi quyết định về nước. Thật không dễ dàng khi sự nghiệp tại Tokyo đang thăng tiến mỗi ngày và tình yêu của tôi dành cho nước Nhật đã lớn đến như vậy. Nếu như hồi ở Kyusyu, tôi từ bỏ một công việc ổn định để chuyển việc lên Tokyo định vị bản thân thì việc từ bỏ một sự nghiệp mình đã dày công xây dựng để trở về với con số 0, bắt đầu lại mọi thứ, xem ra một sự so sánh quá khập khiễng. Dẫu vẫn lý trí như tính cách xưa nay, vẫn biết là chắc chắn sẽ về nhưng khác với lần trước, trong tôi xảy ra nhiều sự giao tranh trong hàng tá câu hỏi tự vấn nhưng đều chung một ý: “Liệu sự lựa chọn lần này có thật sự ổn không?”
Ngày về nước, bước chân tôi nặng trĩu khi đến Haneda. Nỗi nhớ Nhật “hành hạ” mỗi ngày dẫu đang được ở bên gia đình. Lại mất một thời gian tôi đắm chìm trong cảm xúc lãng đãng, bâng khuâng đó và không muốn bắt đầu. Quả thực là một giai đoạn vô cùng khó khăn. Người mà tôi nhớ đến và muốn xin lời khuyên khi đó nhất là người sếp đáng kính của tôi ở Tokyo. Chị ấy đã nhắn cho tôi một tin với đại ý rằng: “Đôi khi chúng ta cứ cho rằng, mình chọn nơi này để ở, để gắn bó. Nhưng thật ra là nơi ấy chọn chúng ta. Nếu như thật sự Linh sensei có duyên với nước Nhật thì một ngày sớm thôi, nước Nhật sẽ chào đón em trở lại”. Những câu nói ý nghĩa vào đúng thời điểm thích hợp quả thật có thể tạo ra được hiệu ứng rất lớn. Câu nói đó đã giúp tinh thần của tôi phấn chấn hơn và lại có thêm động lực để bắt tay viết tiếp một chương mới cho cuộc đời của mình.
Thời gian đầu mới về nước, sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi bị shock toàn tập. Không phải là shock văn hóa ngược như bao nhiêu người vẫn nói, mà là shock khi Việt Nam ngày càng phát triển, giới trẻ Việt Nam quá giỏi giang và năng động. Các bạn “định vị bản thân” qua chuyển việc tính bằng đơn vị tháng chứ không phải năm như tôi trước đây. Nhìn lại bản thân mình nhìn lại ngoài tiếng Nhật, kinh nghiệm làm việc với người Nhật và chút hiểu biết về văn hóa Nhật, thì chẳng có gì. Đúng là làm lại từ con số 0, học lại từ con số 0 theo đúng nghĩa đen. Tôi dành ra nửa năm để dạy tự do vừa để có thời gian hòa nhập cuộc sống mới vừa học hỏi thêm kiến thức mới. Trong 2 năm tiếp theo, tôi chuyển việc 3 lần từ trải nghiệm với công việc BPO, tư vấn du học, đến làm truyền thông nội bộ, marketing cho công ty công nghệ, có thời gian thì đi dịch, làm MC song ngữ,…Điều này không quá xa lạ với văn hóa “nhảy việc” ở Việt Nam, nhưng với một tư duy kiểu Nhật thì hơi khó tưởng tượng. Nếu ai đó hỏi tôi: “Làm thế nào và mất bao lâu để thích nghi lại với cuộc sống ở Việt Nam?” thì tôi sẽ trả lời rằng: “Ở đâu cũng có sẽ cái hay của nó, quan trọng là chúng ta có muốn nhìn ra những điều đó hay không? Từ ngày về nước, tôi thấy mình dốt hẳn vì có quá nhiều khái niệm phải làm quen, có quá nhiều điều cần học. Vì vậy, “xóa dốt” là phương pháp thúc đẩy tôi thích nghi nhanh hơn với cuộc sống ở đây.” Quả thật vậy, chính nhờ sự “không ổn định” sau những lần chuyển việc đã giúp tôi có cơ hội tiếp cận với coaching (khai vấn), digital marketing, hay những khái niệm trong đào tạo rất thú vị khác.
Hiện tại, tôi đang đảm nhận vai trò Giám đốc Đào tạo tại công ty Haio Education – một công ty phái cử tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lấy đào tạo làm kim chỉ nam và với mức chi phí thấp để không tạo gánh nặng tài chính cho các bạn, tôi đang tiếp tục hành trình cho đi của mình. Tuy không trực tiếp đứng lớp nhiều như trước nhưng vai trò mới này là sự đâm chồi của cả một quá trình dài tôi tích lũy bên Nhật và đang từng bước áp dụng những kiến thức mới được học sau khi về nước. Đây là thực sự là không gian để tôi có thể sáng tạo và nhảy múa trong giáo dục.
Ngoài ra, công việc này cũng tạo điều kiện cho tôi quay lại Nhật vào mỗi chuyến công tác. Nhắc đến đây, tôi nhớ lại chuyến công tác đầu tiên vào cuối tháng 3/2023, sau đúng 5 năm tôi mới được ngắm Sakura. Cảm xúc thật khó tả. Đúng như lời đồng nghiệp cũng là sếp cũ của tôi đã nói: “Chỉ cần có duyên, nước Nhật sẽ chào đón em trở lại”. Tôi không chọn cách so sánh Việt Nam và Nhật Bản thế nào để bảo vệ cho quyết định trở về của mình hay nuối tiếc khi phải rời xa Nhật, tôi chọn dung hòa những điểm sáng, điểm tốt có thể học hỏi được ở cả hai quốc gia. Tôi chưa một ngày nào dừng học tiếng Nhật sau khi về nước, thậm chí còn phải học gấp đôi so với hồi bên Nhật; tôi chưa từng dừng hát tiếng Nhật như đam mê thuở nào; tôi chưa từng dừng thói quen luyện nói tiếng Nhật trước gương mỗi ngày để nuôi dưỡng tình yêu dành cho thứ ngôn ngữ đã chọn tôi. Đó là cách tôi giữ kết nối với Nhật và như một lời nhắc nhở bản thân rằng: Mình cần đột phá bản thân hơn nữa.
LỜI NHẮN
Đọc lại bài viết đầu tiên của tôi trên “Voice of Asean Sempai” ngày 19/11/2015, tôi nhận ra một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên khi lần quay trở lại này cũng vào tháng 11. Thật xúc động. Nếu như 9 năm trước, tôi gửi tới kohai đôi lời về sự tự đi, tự mắc sai lầm, để có những bài học, đừng để những tháng ngày ở Nhật phí hoài. Thì đến bây giờ, về cơ bản vẫn là tâm thế đó, nhưng với sự rực rỡ hơn trong trải nghiệm, tôi mong rằng các bạn sẽ luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những sự an bài đến với cuộc đời mình. Dù các bạn ở đâu, chỉ cần có niềm tin vào chính mình, khiêm tốn học hỏi, và chịu khó quan sát, các bạn sẽ luôn tìm thấy cơ hội để nâng cấp bản thân, trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2024
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận