Voice of Asean sempai (Vol 113)

THỬ SỨC VỚI HƯỚNG ĐI MỚI

 Năm 2016, mình tốt nghiệp khoa tiếng Nhật tại Đại học Hà Nội. Sau khi ra trường, như bao bạn sinh viên khác mình vẫn cảm thấy mơ hồ và chưa xác định được rõ ràng con đường sự nghiệp cho bản thân. Đúng lúc này mình được một người bạn giới thiệu cơ hội nhận học bổng du học ngắn hạn tại 1 trường tiếng Nhật ở Hokkaido nên quyết định thử sức. Hokkaido là một vùng đất đặc biệt với phong cảnh tuyệt đẹp và con người hiền hòa. Ban đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản là đến đây để trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, nhưng chuyến đi này đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn của mình về đất nước này. Từ chỗ không mấy ấn tượng, mình dần cảm thấy yêu mến và gắn bó với Nhật Bản hơn bao giờ hết và quyết định tìm kiếm cơ hội ở lại đây làm việc. 

Thời gian học ở Hokkaido

 Lúc đầu mình có suy nghĩ về việc đi phỏng vấn các công ty ở quanh Hokkaido, tuy nhiên, khí hậu quá lạnh giá và khắc nghiệt vào mùa đông ở đây đã khiến mình suy nghĩ lại. Mình bắt đầu chuyển hướng qua tìm kiếm cơ hội công việc ở những thành phố lớn có nhịp sống năng động và thời tiết dễ chịu hơn. Bạn trai mình và một người bác người Nhật quen khi đó cũng phân tích cho mình hiểu rằng, dù mình rất yêu Hokkaido, nhưng đây chỉ nên là nơi để mình quay trở về khi cần tìm một chốn nghỉ ngơi, chứ không nên là điểm khởi đầu cho hành trình sự nghiệp của mình. 

 Năm 2017, mình tham gia Vysa Jobfair tại Tokyo, và tại đây, mình đã may mắn gặp giám đốc công ty FPT Japan từ Việt Nam. Dù chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực sales, nhưng mình vẫn quyết định mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí này. Lúc ấy, mình chỉ nghĩ: “Liều một phen, nếu không được thì mình sẽ tìm việc khác, đâu có mất mát gì mà phải sợ!” Có lẽ nhờ vào sự tự tin ấy mà mình đã được chọn và chính thức trở thành nhân viên sales tại FPT từ tháng 6 năm 2017.

Thời gian làm việc tại FPT

 Những ngày đầu làm việc thật sự không dễ dàng chút nào. Mình đã phải đối mặt với nhiều thử thách, từ việc làm quen với môi trường làm việc khắt khe cho đến việc học hỏi từ những lần bị khiển trách. Tuy nhiên, chính nhờ những khó khăn đó mà mình đã trưởng thành hơn và rèn luyện được nhiều kỹ năng quý báu.

 Tuy vậy sau một thời gian làm việc, sức khỏe của mình bắt đầu giảm sút do áp lực công việc, hiệu suất làm việc cũng giảm đi trông thấy. Có những ngày mình mệt mỏi đến nỗi ngủ gật trong cuộc họp và bị khách hàng khiển trách. Đó chính là lúc mình nhận ra h cần phải chăm sóc sức khỏe của bản thân tốt hơn. 

 Thời điểm đó, mình thường xuyên bị đau cổ vai gáy nên đã đến phòng khám chuyên nắn xương khớp để điều trị. Dù được ấn rất nhẹ, mình vẫn cảm thấy đau nên có hỏi nhân viên ở đó xem liệu có phương pháp nào khác không thì được gợi ý là mình có thể sử dụng máy, tuy vậy chi phí sẽ khá cao. Thấy mình băn khoăn về chi phí, một bạn nhân viên ở đó liền gợi ý mình trải nghiệm thử phương pháp châm cứu kiểu Nhật. Lúc đầu mình tưởng châm kim vào người như thế sẽ rất đau, nhưng trải nghiệm thử mới biết chả hề đau một xíu nào. Quan trọng hơn là ngày hôm sau, cơn đau mỏi cổ vai gáy của mình đã giảm hẳn, điều đó khiến mình vô cùng tò mò và quyết định tìm hiểu sâu hơn về ngành này. Hỏi bạn nhân viên làm châm cứu cho mình thì được biết ở Nhật có các trường chuyên môn (senmon) chuyên về châm cứu. Thế là mình bắt đầu lên mạng tìm kiếm thông tin và đặt lịch tới thăm và trò chuyện với các thầy cô ở 1 trường mà mình cảm thấy phù hợp nhất.

 Khi nghe mình chia sẻ về nguyện vọng muốn được học về ngành này (dù không có 1 chút kiến thức nền tảng về y khoa và đang đi làm), các thầy cô tại trường đã gợi ý cho mình về Chế độ trợ cấp đào tạo giáo dục (教育訓練給付制度) dành cho những người muốn chuyển việc của Nhật. Đây là một chương trình hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản nhằm giúp người lao động phát triển kỹ năng và xây dựng sự nghiệp. Khi tham gia các khóa học được Bộ trưởng Bộ Lao động chỉ định và hoàn thành, người tham gia sẽ được hỗ trợ một phần chi phí học tập. Nếu đăng ký chế độ này, mình có thể yên tâm nghỉ việc và tập trung 100% vào việc học mà vẫn không cần quá lo lắng về chi phí sinh hoạt hàng tháng do chỉ cần đi học đầy đủ là sẽ nhận được tiền trợ cấp tính theo số giờ lên lớp. Với ngành y mình định học, số tiền được hỗ trợ khá lớn, lên tới gần 20 man/tháng.  

 Dù công việc sales có thể mang lại thu nhập hấp dẫn, nhưng mình nhận ra rằng nó không hoàn toàn phù hợp với con người mình. Ngược lại, với nghề châm cứu nói riêng và nghề chăm sóc sức khoẻ nói chung, mình cảm nhận rõ được thấy sự kết nối sâu sắc với ý nghĩa cuộc sống. Đối với phụ nữ, việc duy trì sức khỏe là điều kiện tiên quyết để luôn giữ được vẻ tươi tắn. Vì lẽ đó, mình đã quyết định theo đuổi con đường học tập này và chính thức nhập học trường 新宿医療専門学校 (Trường Y tế Chuyên môn Shinjuku) từ tháng 4 năm 2020.

Xem thêm

 Hướng dẫn thủ tục chuyển từ visa lao động sang visa du học

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN ĐỂ ĐẠT THÀNH TÍCH TỐT

 Ba năm học ở trường thực sự là một hành trình đầy thử thách đối với mình. Ngay từ những ngày đầu, mình đã cảm thấy choáng ngợp trước khối lượng kiến thức khổng lồ và mới mẻ. Trước khi bước vào học, mình từng nghĩ học châm cứu chỉ đơn giản là nắm rõ các huyệt đạo, nhưng thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều. Bên cạnh châm cứu, mình phải học thêm các môn Tây y như y đa khoa, giải phẫu học và sinh lý học.

Giờ học thực hành giải phẫu và châm cứu

 Ngôn ngữ chuyên ngành toàn chữ Hán cổ khiến việc học trở nên vô cùng gian nan. Tỉ dụ như trong môn học về huyệt đạo, bọn mình phải đứng trước cô giáo và đọc thuộc lòng hết 365 huyệt toàn các chữ Hán cổ không được dừng quá 5 giây. Việc học khó tới nỗi mà chưa kết thúc năm thứ nhất đã có tới gần 1/3 bạn cùng khóa bỏ học vì quá áp lực. Để vượt qua những khó khăn ban đầu, mình đã tìm đọc các tài liệu y học bằng tiếng Việt để hiểu rõ kiến thức cơ bản trước khi tiếp tục với sách chuyên ngành tiếng Nhật.

Sức nặng kiến thức của chồng sách Đông Y và Tây Y

 Nhờ sự cố gắng không ngừng, mình đã vượt qua năm đầu tiên dù kết quả không quá xuất sắc, nhưng đủ để tiếp tục hành trình. Năm thứ hai, chương trình học bắt đầu chuyển sang thực hành nhiều hơn. Phần lý thuyết bọn mình học online qua Zoom do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn giờ thực hành thì vẫn phải đến trường. Mỗi lần đến trường, mình đều phải đeo khẩu trang, kiểm tra móng tay móng chân và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt phòng dịch. Trong giờ thực hành, các sinh viên sẽ bốc thăm ngẫu nhiên để ghép cặp thực hành, nhưng nhiều bạn người Nhật khá lo lắng khi phải làm việc cùng mình. Họ sợ tiếng Nhật mình yếu, không hiểu rõ hướng dẫn sẽ làm họ bị đau khi thực hành. 

 Vượt qua sự ái ngại của các bạn, mình cố gắng đọc thật kỹ lý thuyết và chăm chỉ luyện tập mỗi ngày để thực hành được tốt hơn. Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ này, cuối năm thứ 2, mình xuất sắc đứng đầu lớp trong phần thực hành và được thầy khen ngợi trước cả lớp. Thành tích này giúp mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khiến các bạn trong lớp có cái nhìn khác về mình. Các bạn dần cởi mở và bắt đầu hỏi han, trao đổi bài vở với mình hơn.

 Xem thêm:

Chọn trường Senmon nào để thuận lợi khi xin việc ở Nhật 

KHÓ KHĂN VỀ VISA VÀ CHẶNG ĐƯỜNG CHÔNG GAI ĐỂ ĐẠT CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

 Trước thời gian nhập học mình đã biết rằng chế độ visa kỹ thuật – tri thức nhân văn và nghiệp vụ quốc tế (người Việt Nam mình hay gọi là visa shu, visa kỹ sư) hiện tại không hỗ trợ bác sĩ châm cứu làm việc tại các công ty, nên mình xác định sẽ xin visa kinh doanh hoặc phụ thuộc vĩnh trú vào chồng để có thể mở phòng khám riêng. Rất may là lúc đó chồng mình sắp đủ điều kiện để xin vĩnh trú. Nếu mọi thứ diễn ra đúng theo kế hoạch, mình có thể nhận được visa phụ thuộc của người có vĩnh trú, từ đó tự do mở phòng khám cho riêng mình. Thách thức còn lại là làm sao vượt qua kỳ thi tốt nghiệp ở trường cũng như kỳ thi chứng chỉ quốc gia.

 Mỗi ngày, mình dành rất nhiều thời gian để ôn tập từ lý thuyết đến thực hành. Không chỉ học từ sách, mình còn cố gắng học hỏi từ những trải nghiệm thực tế tại trường. Mình thường tham gia các buổi học nhóm để cùng nhau thảo luận và giải đáp những câu hỏi khó. Điều đó giúp mình cảm thấy tự tin hơn và hiểu rõ hơn về các kiến thức. Bên cạnh đó, mình còn đọc thêm rất nhiều các tài liệu liên quan tới kỳ thi và hỏi thầy cô để làm rõ những vấn đề bản thân còn thắc mắc. Dù có những lúc cảm thấy mệt mỏi và áp lực, nhưng đam mê với nghề châm cứu luôn thúc đẩy mình tiến bước. Những đêm thức khuya ôn bài, những lần thi lại đã giúp mình rèn luyện sự kiên trì và bền bỉ. Cuối cùng, nỗ lực của mình đã được đền đáp khi mình vượt qua kỳ thi, mở ra cánh cửa cho sự nghiệp mà mình luôn mơ ước.

Lễ tốt nghiệp và nhận Chứng Chỉ Hành Nghề Châm Cứu Quốc Gia

PHÒNG KHÁM NHỎ VỚI GIẤC MƠ LỚN

 Sau khi tốt nghiệp, mình đã nhận được visa phụ thuộc vĩnh trú và may mắn được nhận vào làm tại một viện châm cứu lớn ở Yotsuya, nơi phục vụ cho những khách hàng đặc biệt như nghệ sĩ, vận động viên sumo và cầu thủ bóng chày. Tạm gác việc tự mở viện qua một bên, mình muốn tiếp tục được học hỏi và thử sức nhiều hơn nữa. Với khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật, mình được viện giao nhiệm vụ làm việc với khách quốc tế.  Ở đây mình đã học hỏi được rất nhiều về phong cách phục vụ Omotenashi – một phong cách phục vụ tận tâm và chu đáo đặc trưng của Nhật Bản.

Công việc tại viện châm cứu ở Yotsuya

 Sau đó, mình có bầu nhưng vẫn quyết định duy trì công việc. Tuy nhiên, khi thai kỳ tiến triển, việc đi lại trở nên nặng nề hơn, để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé, mình quyết định nghỉ việc . Mặc dù vậy, mình vẫn không từ bỏ đam mê với châm cứu. Thay vào đó, mình tận dụng mạng xã hội để tuyển mẫu thực hành, và dần dần, khách hàng tìm đến mình qua những lời giới thiệu từ người khác.

 Mình thực hành những gì đã học, vừa làm vừa trò chuyện về sức khỏe với khách. Nhiều đồng nghiệp cũ từ thời ở FPT cũng đến thăm, và dần dần họ trở thành khách hàng của mình. Thậm chí, họ còn giới thiệu bạn bè đến, tạo ra một mối liên kết ngày càng mở rộng. Hiện mình cũng đã sắm sửa được 1 phòng khám nho nhỏ tại gia. Đồ đạc châm cứu thì mình đã có sẵn, chuẩn bị từ hồi còn học thực hành ở trường, bao gồm đồ giác hơi, dụng cụ làm ngải cứu, kim, giường và gối.

 Khách hàng của mình hiện chủ yếu là từ giới thiệu của các bệnh nhân mình từng điều trị, bao gồm cả người Việt, Nhật và khách nước ngoài. Hiện mình cũng đã tạo một trang Facebook là Fuji Wellness để chia sẻ thông tin, giúp khách hàng biết đến mình nhiều hơn và thời gian tới mình dự tính xây cả kênh Tiktok nữa.  

 Những bệnh nhân của mình chủ yếu bị một số bệnh như đau cổ vai gáy, đau đầu, mất ngủ, rối loạn nội tiết do công việc ở Nhật quá áp lực, và bị nhiễm hàn vì khí hậu ở Nhật lạnh hơn ở Việt Nam rất nhiều. Họ cũng đã đi khám Tây Y hoặc đi nắn chỉnh xương khớp ở 整骨院 nhưng chưa khỏi hẳn, vì thế đã tìm đến châm cứu. 

 Hiện con còn nhỏ nên mình chưa nhận lịch quá nhiều, khách chủ yếu tới nhà mình để điều trị hoặc mình sẽ đạp xe tới nhà để làm cho khách nếu họ ở gần. Mặc dù bé nhà mình còn nhỏ, nhưng trộm vía, bé ăn ngủ rất ngoan nên công việc của mẹ cũng thuận lợi. Nhiều khi khách tới, con ngủ trong nhà mà mọi người tưởng 2 bố con đi chơi đâu không có nhà vì quá yên tĩnh. 

Phòng châm cứu tại nhà ở Edogawa

 Trong thời gian tới, khi bé cứng cáp hơn và xin được nhà trẻ, mình dự định sẽ mở rộng phạm vi công việc hơn và cố gắng để tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn, không chỉ ở khu vực xung quanh mà còn xa hơn, để giúp đỡ nhiều người cần đến châm cứu. Mình rất háo hức với những kế hoạch tương lai và hy vọng sẽ mang lại được nhiều lợi ích hơn cho sức khoẻ của cộng đồng. 

 Xem thêm:

Tìm hiểu về visa kinh doanh tại Nhật

LỜI NHẮN

 Mình rất tự hào vì trải qua bao nhiêu khó khăn, mình cũng có thể tự tin giới thiệu mình là người Việt Nam đầu tiên trở thành bác sĩ Đông Y – Châm Cứu tại Nhật. Quan trọng nhất là mình đã tìm được ý nghĩa cho cuộc sống, đó là thấy nụ cười và ánh mắt ngạc nhiên của bệnh nhân mỗi khi mình châm cứu xong giúp họ xua tan đi cơn đau. Vì thế mình muốn nhắn nhủ với các bạn đọc rằng, để tìm kiếm được bản thân, hãy dũng cảm đi đến nhưng nơi mình chưa biết, hãy dũng cảm làm người tiên phong, và dũng cảm tiếp tục học thật nhiều để tìm được điều mình muốn và có thể làm cho đời. 

 Mình hy vọng rằng những chia sẻ từ kinh nghiệm của bản thân qua bài viết này sẽ mang đến cho mọi người một cái nhìn mới về các lựa chọn trong tương lai, cũng như nhắc nhở mọi người chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

 Tokyo, tháng 9/2024

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...