Voice of Asean sempai (Vol 110)

 Gần 6 năm trước, cũng thời điểm này, vào 9/2018, mình đã có dịp được chia sẻ những kinh nghiệm của mình về hành trình từ khi đặt chân sang Nhật với tư cách là một du học sinh tư phí cho tới khi có một công việc ổn định tại Nhật và đồng thời thử sức góp vốn khởi nghiệp và vận hành 1 công ty du học có tên Hajime Nippon ở Việt Nam trong series VOICE OF ASEAN SEMPAI của MPKEN. 

 6 năm kể từ ngày đó, mình đã chuyển hướng đi sang một con đường hoàn toàn mới với một mảng dịch vụ hoàn toàn mới: Khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm Việt tại Nhật. Con đường này cho mình rất nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm mới, và hôm nay mình rất vui khi lại có cơ hội được giãi bày cùng các bạn qua VOICE OF ASEAN SEMPAI một lần nữa. Hi vọng câu chuyện trong bài chia sẻ lần 2 này của mình sẽ đem lại chút thông tin hữu ích với các bạn đang và sắp có dự định khởi nghiệp ở Nhật. 

 XEM LẠI PHẦN 1:

Voice of Asean Sempai (Vol 41 )

KHỞI NGUỒN Ý TƯỞNG

 Cuối năm 2018, trong quá trình làm việc tại công ty Hajime Nippon, mình có cơ hội tham gia một dự án liên quan tới lĩnh vực thực phẩm. Đó là dự án hỗ trợ kết nối và tư vấn cho một công ty nhập khẩu và phân phối thực phẩm châu Á tại Nhật về các sản phẩm Việt Nam có tiềm năng bán được tại thị trường Nhật Bản. Thời điểm đó, mình không có chút  kiến thức nào về các nghiệp vụ xuất nhập khẩu cả, chỉ đơn thuần là một người Việt có network với một số công ty thực phẩm ở Việt Nam. Vì vậy phạm vi hỗ trợ của mình chỉ dừng lại ở việc kết nối 2 phía doanh nghiệp. Tuy vậy, có lẽ do không có người Việt hỗ trợ sâu về mảng nghiệp vụ, nên dù làm việc với cả chục doanh nghiệp Việt Nam, phía công ty Nhật cuối cùng chỉ đưa được 1-2 nhãn hàng vào Nhật. Rất nhiều sản phẩm khác bản thân mình thấy rất tiềm năng, nhưng có lẽ do thủ tục để đưa sản phẩm sang Nhật quá phức tạp nên họ đã bỏ cuộc giữa chừng. Trong khi chỉ một thời gian sau, công ty khác nhảy vào lại xúc tiến đưa được sản phẩm vào Nhật luôn, nhìn mà thấy tiếc vô cùng. Qua dự án đó, mình nhận ra 1 điều, đó là: Việc đưa các sản phẩm Việt vào Nhật nên do người Việt làm thì sẽ nhanh, hiệu quả và phát huy được đúng tiềm năng hơn

 Tìm hiểu sâu hơn, mình nhận thấy vào thời điểm đó (năm 2019), mảng bán lẻ thực phẩm Việt tại Nhật có khá nhiều bất cập. Tuy số lượng shop bán đồ Việt tăng lên nhiều so với trước đây, nhưng đa số các cửa hàng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, các khu đông dân cư. Còn các bạn sống ở các địa phương nhỏ của Nhật muốn đi mua đồ Việt sẽ phải đi rất xa, hoặc đặt mua online qua 1 số shop hoặc cá nhân. Hoạt động bán hàng chủ yếu qua các hội nhóm trên Facebook và các vấn đề như hàng đặt không đúng như quảng cáo, chuyển tiền mua hàng xong bị chặn nick, nhận hàng xong bùng tiền rồi bóc phốt qua lại nhau diễn ra rất nhiều. Để giải quyết được những bất cập này, cần một dịch vụ thật tốt có thể đảm bảo cả về chất lượng sản phẩm cũng như khâu chăm sóc khách hàng sau khi mua.

 Đặc biệt, thị trường thực phẩm Việt tại Nhật lúc đó phần lớn mới chỉ là các shop nhỏ lẻ, chưa có đơn vị nhập khẩu chính thức nào đủ lực để làm việc với các thương hiệu lớn của Việt Nam. Mình nhận thấy rằng mảng kinh doanh thực phẩm dành cho người Việt ở Nhật vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết và chưa có đơn vị hoạt động một cách chuyên nghiệp. Đó có thể chính là mảnh đất màu mỡ để mình khởi nghiệp.

Xem thêm:
Thủ tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam sang Nhật

TRONG NGUY CÓ CƠ 

 Dù đã bắt đầu nhen nhóm trong đầu ý tưởng kinh doanh như vậy, nhưng do công việc full-time tại công ty nhân lực ở Nhật và công ty riêng ở Việt Nam đều khá bận rộn, tháng 10/2019 lại kết hôn nên suốt gần nửa năm sau đó kế hoạch này của mình không có nhiều tiến triển. 

 Cuối năm 2019, đại dịch Corona ập đến. Công ty Hajime Nippon chuyên mảng tư vấn du học mà mình góp vốn gần như không còn nguồn thu nào để hoạt động, mình phải dồn khá nhiều tiền để lo cho công ty. Kế hoạch khởi nghiệp tưởng chừng như sẽ phải hoãn vô thời hạn vì lúc đó vợ mình cũng đang có bầu. Nếu giờ vừa phải dồn tiền lo cho công ty ở Việt Nam, lại vừa nghỉ công việc full time ở Nhật thì cuộc sống sẽ rất bấp bênh.

 Nhưng cũng đúng trong thời điểm đại dịch đó, mình lại càng thấy rõ hơn cơ hội cho mảng bán thực phẩm Việt online tại Nhật. Để giảm bớt các ca lây nhiễm, chính phủ giới hạn giờ mở cửa các quán ăn, mọi người được khuyến khích ăn ở nha và sử dụng các hình thức mua sắn online để hạn chế tiếp xúc. Đây chính xác là cơ hội vàng để mình triển khai kế hoạch ấp ủ bấy lâu.

 Sau nhiều lần trao đổi bàn bạc với vợ và các anh em bạn bè quen, mình quyết định thử thách bản thân với cơ hội này. Trong nguy có cơ, thách thức cũng chính là cơ hội. Nếu mình bỏ qua thời điểm vàng này vì lo sợ sự bấp bênh, thì chắc gì sau này ổn định hơn, mình đã dám từ bỏ sự ổn định đó để làm. 

 Vậy là mình quyết định nhượng lại toàn bộ số vốn hiện nắm giữ ở Hajime Nippon cho các cổ đông ở Việt Nam, nghỉ công việc chính thức tại công ty nhân sự ở Nhật với mức lương khá ổn định để bắt đầu 1 hành trình mới: KHỞI NGHIỆP KINH DOANH THỰC PHẨM Ở NHẬT. 

Gia đình luôn ủng hộ

TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN

 Mô hình kinh doanh thực phẩm mà mình hướng tới là mô hình tập trung vào bán online để hàng hoá có thể tới tay cả các bạn ở những vùng xa xôi của Nhật. Tuy nhiên, để giải quyết những bất cập hiện có trên thị trường, thì mình cần phải có một mô hình đổi mới và tiện dụng hơn mô hình mở 1 quán kiểu truyền thống rồi bán online qua Facebook như hiện nay. 

 Để có thể phát triển được mô hình này, mình cần có thêm một người đồng hành hiểu biết về công nghệ. Mình cũng cần có nguồn vốn dồi dào hơn để có thể làm mọi thứ thật chỉn chu. Và mình quyết định kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè và những người quen cũ. Mình tổng hợp các dữ liệu và quan sát thực tế, soạn một bản kế hoạch kinh doanh nêu ra ý tưởng kinh doanh và định hướng lâu dài rồi mời họ làm cổ đông. Các cổ đông tham gia vào dự án đều là những người đã biết mình từ rất lâu, mỗi người có một thế mạnh riêng giúp bổ sung vào các phần mà mình còn đang thiếu. Người thì mạnh về Marketing, người lại giỏi về IT, người mạnh về vốn.

 Khi nhân sự và vốn đã bước đầu ổn định, bọn mình quyết định thành lập pháp nhân và hoạt động như một công ty có định hướng phát triển lâu dài. Để các thành viên không phải quá lo lắng về kinh tế trong thời gian đầu vận hành chưa có doanh thu, bọn mình trích ra cho mỗi thành viên trong ban giám đốc một khoản lương nhất định hàng tháng và trừ vào chi phí vận hành của công ty. Việc xin visa kinh doanh của mình cũng không gặp khó khăn gì vì mình đã lên sẵn một bản kế hoạch kinh doanh rất chi tiết và có định hướng phát triển công ty rõ ràng cho từng năm. 

 Vấn đề đầu tiên mà bọn mình cần giải quyết khi bắt tay vào triển khai hoạt động kinh doanh, đó là phải xác định rõ được đối tượng khách hàng mình muốn nhắm tới là ai, và làm thế nào để khách hàng có thể nhận diện được thương hiệu của mình giữa vô vàn các shop thực phẩm Việt đã có trên thị trường lúc đó. 

 Ví dụ, mình không thể chỉ xác định đối tượng khách hàng theo kiểu chung chung là “người Việt Nam đang sống ở Nhật”, mà phải là “những người có nhu cầu tìm kiếm một dịch vụ cung cấp thực phẩm Việt tại Nhật có chăm sóc khách hàng trước và sau mua tốt, thanh toán tiện dụng và an toàn, thực phẩm đảm bảo chất lượng” chẳng hạn. Rồi phải tìm hiểu thói quen mua sắm của khách hàng, họ hay mua hàng qua điện thoại hay máy tính, họ hay sử dụng những hình thanh toán nào? Để làm một website mà khách hàng có thể vào xem, chọn mua sản phẩm và thanh toán luôn trên web như một trang EC thực sự chứ không chỉ là 1 web trưng bày các mặt hàng có sẵn rồi lại phải nhắn qua Facebook Chat thì website mình cần phải đảm bảo những yếu tố gì? v.v. Đó là những câu hỏi mà bọn mình luôn đặt ra kể từ ngày mới bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho trang web của Sesofoods và không ngừng quan sát, cải thiện mỗi ngày cho tới tận bây giờ. 

 Thách thức thứ 2 mà bọn mình gặp phải trong quá trình vận hành kinh doanh, đó là tình trạng thiếu hụt hàng do chưa có kinh nghiệm trong việc tách biệt lượng hàng còn trong kho khi bán online và bán tại cửa hàng. Thời gian đầu, do vốn còn ít, lại xác định chỉ tập trung bán online nên bọn mình chỉ có 1 kho hàng rất nhỏ đồng thời cũng là cửa hàng bán trực tiếp luôn. Rất nhiều lần khách đặt hàng online trên web báo còn hàng, nhưng sau đó khi chuẩn bị xuất mới biết bên cửa hàng đã bán hết mất. Vậy là lại phải nhanh chóng lo bổ sung thêm hàng hoá, hoặc liên hệ với khách nhờ đổi qua sản phẩm khác,v.v.. mất rất nhiều thời gian và công sức của anh em trong công ty, mà khách hàng lại cảm thấy không hài lòng vì dịch vụ. Đây cũng chính là hệ quả của việc công ty đẩy marketing quá mạnh để thu hút khách hàng nhưng cơ sở hạ tầng, hàng hoá, kho bãi lại chưa theo kịp để đảm bảo vận hành trơn tru. 

 Để giải quyết vấn đề này, dù vốn còn ít nhưng bọn mình vẫn quyết định đầu tư tiền để thuê một kho hàng mới to hơn, nhập được nhiều hàng hơn, bảo quản hàng được tốt hơn, giảm bớt các vấn đề phát sinh do thiếu hụt hàng hoá. 

Trong kho hàng mới

 Song song với đó, bọn mình cũng học tập theo các công ty dịch vụ của Nhật trong khâu đóng gói và liên hệ, chăm sóc khách hàng để giúp tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ từ những điều nhỏ nhất, như viết thư cảm ơn và in tờ giới thiệu chi tiết sản phẩm dịch vụ gửi kèm vào thùng hàng, tặng voucher theo ngày, email xác nhận đơn hàng đã được ghi nhận, đã được gửi đi tới từng khách…

Tham gia các Festival để tăng độ nhận diện

 Điều làm mình vui nhất là kể từ khi Sesofoods đi vào hoạt động thì nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt tại Nhật khác cũng bắt đầu chú trọng đầu tư hơn trong khâu thiết kế website bán hàng, hay triển khai các chương trình khuyến mại. Điều đó cho thấy thị trường bán lẻ thực phẩm Việt ở Nhật đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, và người được lợi hơn ai hết chính là khách hàng. 

Đài NHK đến quay và phỏng vấn

Xem thêm:
Tìm hiểu về visa kinh doanh tại Nhật

SÓNG GIÓ 

 Dĩ nhiên trong kinh doanh thì không phải lúc nào công việc cũng toàn là thuận lợi. Sẽ có lúc doanh nghiệp phải trải qua sóng gió từ cả bên ngoài lẫn nội bộ bên trong. Đối với bọn mình, thì sóng gió này chính là thời điểm 2022 khi trên thị trường thực phẩm Việt tại Nhật bắt đầu xuất hiện một hình thức bán hàng mới: bán lẻ mà giá rẻ như bán buôn qua hình thức livestream. 

 Sự xuất hiện của hình thức bán hàng mới này khiến cạnh tranh về giá bán trên thị trường thực phẩm Việt tại Nhật trở nên vô cùng khốc liệt. Các shop đều bị cuốn vào cuộc đua này, trong đó có cả công ty mình. Việc giảm giá dĩ nhiên giúp số đơn hàng tăng lên vào thời gian đầu, nhưng do giá bán giảm, lợi nhuận giảm xuống dẫn tới việc tuy đơn hàng tăng, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều nhưng lợi nhuận không có, không đủ nguồn lực để đầu tư cho dịch vụ tốt. Anh em vất vả, tất bật hơn cũng khiến tình trạng sức khoẻ đi xuống. Điều này khiến một vài cộng sự đã đồng hành sát cánh cùng mình suốt từ những ngày đầu cảm thấy không trụ lại được và bỏ cuộc. 

 Lần lượt từng bạn, từ người phụ trách IT, tới người phụ trách Marketing đều rời đi. Sự lo lắng của các bạn cũng ngấm dần sang mình và trong một thời gian khá dài mình trở nên mất định hướng. Mình vốn luôn tâm niệm về việc làm sao để có thể đưa dịch vụ tốt hơn tới khách hàng, nhưng giá cả vẫn luôn là điều mà nhiều khách hàng bận tâm, và việc cân bằng giữa 2 yếu tố này trong 1 thị trường cạnh tranh về giá khốc liệt như ở thời điểm đó thật sư là rất khó. 

 Mất đi 2 người cộng sự thân thiết từng coi như 2 cánh tay trái, phải của bản thân, mình bắt đầu khởi động lại mọi thứ. Mình nhận ra trước đây bản thân đã quá mải mê với việc làm sao để đưa doanh nghiệp phát triển mà quên đi việc tăng cường kết nối, giao tiếp, sẻ chia những trăn trở, lo toan với những người gần mình nhất cho tới khi các bạn ra đi. Vậy nên lần này, mình không thể để sai lầm ấy lặp lại một lần nữa. Việc đem lại giá trị cho khách hàng là quan trọng, nhưng nếu doanh nghiệp không thể đem lại giá trị cho chính đội ngũ của mình, thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

 Mình định vị lại công ty và quyết tâm không để công ty cuốn theo cuộc cạnh tranh về giá cả nữa. Mình tuyển nhân sự mới, chú tâm vào việc xây dựng chế độ làm việc và phúc lợi cho nhân viên được tốt hơn. Mình chú ý giao tiếp với các bạn nhân viên cũ và mới nhiều hơn. Mình lùi về ngồi văn phòng nhiều hơn để có thời gian kết nối, trao đổi với các cộng sự sâu hơn, lưu tâm tới việc đào tạo và chỉ cho các bạn mới cách làm tốt hơn,..và hiện giờ mọi thứ đã bắt đầu dần quay trở lại quỹ đạo mới. 

Cùng cộng sự cắm trại tăng kết nối

Mâm cơm Tết cho anh em xa nhà

LỜI NHẮN

 Cho những người đang phân vân không biết có nên khởi nghiệp ở Nhật hay không, thì đây là một vài lời khuyên từ mình. Khởi nghiệp ai cũng có thể làm. Chỉ cần 1 số tiền và 1 vài ý tưởng là có thể bắt đầu. Nhưng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chuẩn bị, tích luỹ trước đó. Nếu định khởi nghiệp, các bạn nên định hình sẵn trong đầu kế hoạch phát triển công ty trong ít nhất  5 năm sau đó, phải hình dung được dòng tiền sẽ ra sao, nhân sự sẽ thế nào, thì mới có thể đưa doanh nghiệp đi lâu dài được. Kinh doanh nhiều khi là đam mê, nhưng đam mê phải đi cùng với kiến thức và các mối quan hệ thì mới có thể thành công và đi được đường dài. 

 Thị trường kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ cho người Việt Nam ở Nhật vẫn còn khá nhỏ nhưng nhiều cạnh tranh, để khách hàng có thể nhận diện mình cần rất nhiều nỗ lực. Nếu chỉ đơn thuần thấy nhiều người làm, mình cũng muốn thử mà không tạo ra sự khác biệt thì sẽ chỉ là góp thêm 1 miệng ăn vào 1 miếng bánh sẵn có, sẽ rất khó có thể xây dựng lên một doanh nghiệp thực sự. 

 Một khi đã định khởi nghiệp, thì các bạn sẽ phải xác định tinh thần trước sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và phải luôn vững tâm với những dự định của mình. Phải luôn quan sát, suy nghĩ, trăn trở mỗi ngày để tìm cách giải quyết, cải thiện các vấn đề mình gặp phải trong quá trình vận hành. Nếu thấy công ty đang phát triển nhưng bản thân vẫn mông lung chưa tìm được hướng đi đúng, thì có thể dừng lại một chút để xem lại hướng đi. Dừng lại không phải là đứng lại, mà là để xem lại đường đi, để hít thở lấy lại sức lực để sau đó đi nhanh hơn. 

Chúc các bạn đang có ý định khởi nghiệp ở Nhật sẽ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ và đạt được thành công như mong đợi. 

Xem thêm chia sẻ về khởi nghiệp tại Nhật
Anh Phạm Thanh Hoàng – Siêu thị thực phẩm Việt Nam và châu Á tại Fukuoka

Chị Thân Hoàng Ngân – Smile Cake & Cafe
Anh Khương Minh Huấn – Kinh doanh dịch vụ BĐS tại Nhật
Anh Đỗ Phú Sơn – HSC JAPAN

Tokyo, tháng 6/2024

Liên hệ với văn phòng luật của MPKEN để được tư vấn cụ thể về thủ tục liên quan đến thành lập công ty với nhiều ưu đãi.

  • Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
  • Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
  • Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man  ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...