Voice of Asean sempai (Vol 108)

VƯỢT KHỎI LŨY TRE LÀNG ĐI DU HỌC NHẬT

 Không học trường chuyên lớp chọn, không điều kiện tài chính, từ vùng quê trồng lúa thì có thể đi du học Nhật, vào những trường Đại học từ tốt đến TOP ở Nhật không?

 Với mình thì câu trả lời là “CÓ THỂ”. Có rất nhiều anh chị mình quen có nền tảng như vậy nhưng qua Nhật vào được những trường Đại học vô cùng xịn, và mình cũng thế. Mình cũng sinh ra, lớn lên và học tập hoàn toàn ở vùng quê rồi tự tìm đường qua Nhật, và bằng may mắn cộng nỗ lực nên cũng vào được những trường tốt ở cả bậc đại học và cao học. 

 Xuất thân, hoàn cảnh là thứ chúng ta không chọn lựa được nhưng tương lai của chúng ta là thứ chúng ta có khả năng gây dựng lên.

 Mình sinh ra ở một vùng quê, quê mình giờ còn trồng lúa nhiều lắm. Cho đến khi học xong cấp 3, có thể nói là mình không vượt qua khỏi “lũy tre làng”! Mình chỉ biết hằng ngày đi đến trường rồi đi về thôi, không được đi tới đâu khác. Phần vì nhát, phần vì không có điều kiện tài chính để đi.

 Ở quê mình mọi người chủ yếu làm nông nghiệp. Thời mình đi qua Nhật thì lúc đó không mấy ai đi du học và học hành bài bản cả. Ở khu mình sống số người đi học Đại học chính quy ở Việt Nam thậm chí còn rất ít. Nhiều người chỉ học cao đẳng nghề rồi đi làm luôn. Thậm chí những người bạn của mình có những người chỉ học hết cấp 2, cấp 3 rồi đi làm. 

 Trên mình có 2 chị gái đều học Đại học ở trong nước. Việc nuôi 2 chị học Đại học cùng lúc và nuôi cả mình nữa đã gây áp lực rất lớn cho bố mẹ rồi. Đi du học dường như là một thứ gì đó quá xa vời với mình, nên bản thân mình cũng chưa từng nghĩ sẽ có ngày sang Nhật du học.

 Cho đến tình cờ một ngày mình nghe bạn học cấp 3 kể về chuyện bạn có anh họ vừa sang Nhật theo diện tự túc, anh tự học, tự nuôi được mình, không cần bố mẹ hỗ trợ thêm. Chính thời điểm đó, mình biết rằng đây là con đường mình muốn đi và mình sẽ đi. Đó là năm mình học lớp 11.

 Mình sống ở một vùng quê khá là hẻo lánh, mà có khi gọi là vùng núi thì chính xác hơn. Ngày ấy các anh chị thi đại học còn được cộng điểm vì thuộc khu vực miền núi mà. Vùng quê ấy không có trung tâm dạy tiếng Nhật nào cả nên cho tới khi học hết cấp 3, mình vẫn không biết một chút gì về tiếng Nhật. Không có điều kiện học tiếng Nhật, mình quyết định tập trung học thật chắc các  kiến thức nền tảng trước. 

 Từ năm lớp 11 mình có nói sơ qua với bố mẹ về việc mình muốn đi Nhật du học nhưng chưa bàn sâu. Mình vẫn cố gắng học ở trường cho ổn ổn một chút đã rồi tính tiếp. Hết lớp 12 mình vẫn thi đại học ngành Y, và sau đó mình thuyết phục bố mẹ cho mình đi Nhật.

Ảnh 10 năm trước

 Có nhiều bạn bố mẹ không cho đi du học vì bố mẹ sợ chúng ta không đủ trưởng thành, sợ chúng ta vất vả, áp lực về tài chính nhưng bố mẹ nào cũng thương con cả nên là phải thuyết phục, chứng minh cho bố mẹ thấy, khiến bố mẹ tin tưởng. 

 Về học lực, nếu đã xác định đi nước ngoài du học, thì bản thân mình cần cố gắng học ở Việt Nam cho thật tốt trước đã. Ở Việt Nam học chưa tốt thì qua Nhật học cũng khó mà tốt được. Mình chỉ học ở trường quê thôi, không phải trường chuyên của tỉnh gì cả nhưng nhờ học chắc kiến thức nền tảng nên qua Nhật học lên đại học vẫn rất ổn. Nên các bạn nào đang ở vùng quê thì đừng nghĩ mình thua kém nhiều mà không dám thử sức. Ở quê nhưng chăm chỉ học tốt thì kiến thức nền tảng đó cũng rất ổn rồi. 

 Về tài chính, vì gia đình không có điều kiện nên mình đã xác định là qua đó sẽ tự đi làm, tự nuôi mình, cố gắng học tốt tốt một chút để xin học bổng. Chấp nhận chịu khổ chịu cực được, khổ không than, cứ một đường cố gắng thôi. 

 Đã có những ngày mình học ở trên lớp từ 9h-12h30 rồi đi làm 2 thêm 2 nơi. Cực không? Cực chứ! Nhưng nếu hỏi mình có bao giờ suy nghĩ tới việc từ bỏ chưa thì là chưa từng! Mình biết cứ một ngày qua đi thì bản thân lại đến gần với mục tiêu thêm một chút, lại trưởng thành hơn một chút.

 Ý chí quyết tâm cao độ và sự cam kết kiên trì đến cùng sẽ là chìa khóa mở ra những cánh cửa tuyệt vời. Từ ngày qua Nhật, mình cùng những người bạn bè cùng chí hướng động viên nhau, cặm cụi cố gắng từng ngày.

 Sau khi kết thúc 1 năm rưỡi học trường tiếng, mình thi đỗ và vào học tại 1 trường đại học Quốc lập tại tỉnh Iwate, rồi sau đó lại học tiếp lên Cao học tại Đại học Nagoya. Nếu tính cả những học bổng nhỏ thì từ lúc học trường tiếng cho tới khi tốt nghiệp Thạc sĩ, năm nào mình cũng có học bổng. Mình luôn tự nói với bản thân: “Nỗ lực chắc chắn tạo kết quả. Kết quả có rồi thì không ai quan tâm xuất thân, đi từ quê hay phố, có phải trường chuyên lớp chọn hay không nữa.”  Và mình thì vẫn luôn tự hào là mình đi từ quê qua. 

 Xuất thân không tốt, đó có thể là rào cản hoặc động lực, tuỳ vào sự lựa chọn của chúng ta. Khát khao đủ lớn thì hãy tìm cách. Luôn có cách giải quyết, vấn đề là chúng ta có chấp nhận được cái giá phải trả hay không? Nhật Bản không phải màu hồng với tất cả mọi người nhưng sẽ là màu hồng với những ai nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, dám dấn thân.

Xem thêm:
Học bổng du học đại học tại Nhật Bản

BÍ QUYẾT HỌC NGOẠI NGỮ

 Có bạn nào từng học 12 năm tiếng Anh nhưng không biết chút gì như mình không? Mình học lệch, các môn văn hoá khác mình học khá ổn nhưng riêng tiếng Anh mình lại kém. Năm lớp 12 mình đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong trạng thái bất an, sợ không tốt nghiệp được vì có khả năng bị liệt điểm tiếng Anh. Nhưng may mắn vẫn được 4.75, vẫn tốt nghiệp bình thường được cả nhà ạ!

 Sau này đi du học, mình mới biết để vào được ngôi trường mình yêu thích, cần phải có tiếng Anh TOEIC tầm ít nhất trên 700, vậy là lúc đó mình quyết tâm ôn, khoảng 5,6 tháng gì đó, mình đi thi tiếng Anh được hơn 850 điểm và ngoài ra khi học năm 3 Đại học, trong khoảng hơn 3 tháng học tập luyện thi mình đỗ HSK 5 tiếng Trung trong lần thi đầu tiên. Sau đó mình không thi thêm nữa vì lệ phí thi khá cao. 

 Nhìn lại hành trình học tiếng Anh suốt những năm tháng ở Việt Nam của mình, mình học kém hoá ra không phải vì mình tiếp thu kém, mà một phần lí do bị mọi người xung quanh nói mình không có năng khiếu ngoại ngữ, ở quê thì học ngoại ngữ làm gì,… Vì nhãn dán mọi người dán cho mình đó mà mình tin là bản thân mình không học được thật và kết quả mình không học được thật vì mình không hề dành thời gian nghiêm túc học nó. Mình nghĩ đã thuộc về năng khiếu thì bản thân có là gì đi chăng nữa cũng không cải thiện được, nhưng đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Học ngoại ngữ không cần thông minh, không cần thiên phú, quan trọng hơn là sự kiên trì, chăm chỉ, đều đặn. Có thiên phú thì tốt, giúp bạn đi nhanh nhưng không thiên phú không có nghĩa là không học được.

Sau khi trải nghiệm học 3 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật mình rút ra một vài tip học ngoại ngữ như sau:

① Các bạn phải có niềm tin là các bạn học được nó, chinh phục được nó, dùng được nó. 

 Nói là học bằng niềm tin cũng không sai. Niềm tin là khởi đầu quyết định rất lớn tới việc bạn có thể tiếp thu được một điều gì đó hay không. Vậy nên hãy cho bản thân một niềm tin mạnh mẽ rằng bạn sẽ chinh phục được tiếng Nhật.

 Từ lúc bắt đầu học tiếng Nhật, mình luôn tin bản thân sẽ dùng được nó, bắt buộc phải dùng được nó vì mình đã từ bỏ Đại học Y ở Việt Nam để qua Nhật du học, giờ không dùng được tiếng Nhật thì học hành gì. Như vậy là có lỗi với chính bản thân, có lỗi với cha mẹ, nên bản thân mình nhất định phải dùng được tiếng Nhật, nó là công cụ cần thiết để mình tiếp thu tốt kiến thức khi du học Nhật. Và các bạn cũng vậy, mỗi bạn học tiếng Nhật sẽ có một mục đích của riêng mình, nhưng bước đầu tiên, nhất định phải tin là bản thân học được nó đã nhé.

② Đặt một mục tiêu cao cho bản thân

 Chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ mục tiêu thấp còn chưa đạt được tính gì đến mục tiêu cao.

 Nếu có suy nghĩ đó thì mình mong các bạn có thể thay đổi suy nghĩ ngay từ bây giờ. Việc đặt một mục tiêu cao có tính toán vừa đủ sẽ giúp các bạn vượt được giới hạn của bản thân, có nhiều động lực để đạt mục tiêu nhanh chóng. 

 Lấy ví dụ đơn giản, bản thân mình có thói quen chạy bộ hằng ngày. Ngày trước mỗi ngày mục tiêu chạy của mình là 5km. Khi mục tiêu là 5km thì mình chạy mốc 3km, 4km sẽ cảm thấy nhàn tênh. Còn giai đoạn mình đặt mục tiêu là chạy 3km thì khi chạy được tầm 2km thôi là mình đã thấy oải rồi. Vậy nên đặt một mục tiêu cao sẽ giúp các bạn được trang bị về tâm lý, và có một động lực tốt hơn cho bản thân.

 Rất nhiều anh chị sempai và ngay cả bản thân mình đã đạt N1 trong chỉ 2 năm bắt đầu học tiếng Nhật từ con số 0. Một điểm chung mình tìm được của mọi người đó là các anh chị và minh không đặt mục tiêu có N1 làm đích đến cuối cùng mà N1 chỉ là bước đệm nhỏ để chinh phục đại học Quốc lập. Chinh phục ĐH Quốc lập là mục tiêu lớn hơn, khó hơn nên chúng mình đã vượt qua N1 một cách nhanh gọn như vậy.

 Các bạn hãy thử dời mục tiêu của mình xa thêm một chút xem sao nha!

③  Lên kế hoạch và tuân thủ kế hoạch, đảm bảo học liên tục, học đều đặn

 Động lực là thứ giúp chúng ta bắt đầu nhưng chỉ có kỷ luật mới là thứ giúp chúng ta đi xa. 2 tip phía trên cho chúng ta động lực, ở bước này chúng ta phải rèn cho bản thân sự kỉ luật.

 Hồi học trường tiếng, bên cạnh việc tập trung tuyệt đối cho 3 tiếng rưỡi học ở trên trường có thầy cô dạy thì sau mỗi buổi học, mình đều dành thời gian ôn tập kĩ kiến thức hôm đó, và chuẩn bị trước cho bài hôm sau. 

 Duy trì kỉ luật như thế và mình đã vượt quá tốc độ dạy ở trên trường. Vượt chương trình học trên trường thì mình vẫn kiên trì tự học đều đặn như thế vì mình biết tốc độ dạy của trường không phải là dạy để hướng học sinh thi vào Công-Quốc lập. Mục tiêu của mình khác, mình phải học theo tốc độ khác, không thể phụ thuộc, trách móc hay đổ lỗi cho trường dạy chậm được.

 Hãy luôn ở tâm thế làm chủ cuộc đời, tuyệt đối đừng đóng vai nạn nhân nếu các bạn muốn việc học hay bất cứ việc gì khác của các bạn nó suôn sẻ hơn. Và hãy lên kế hoạch cho việc học của các bạn, kế hoạch bao gồm mục tiêu dài hạn, ngắn hạn và hành động cụ thể các bạn phải làm hằng ngày là gì nhé.

④ Output thật nhiều

 Nhiều bạn nghĩ đọc sách nhiều, nghe nhiều là giỏi nhưng đó là quan niệm sai lầm. Học sẽ gồm input tức tiếp nhận thông tin vào, bao gồm hành vi như nghe, đọc. Và output tức truyền tải thông tin ra, bao gồm hoạt động là nói, viết. Học hiệu quả là phải làm được cả input và output.

 Chúng ta, bao gồm cả bản thân mình sẽ có khuynh hướng input nhiều hơn output. Biết được điều đó nên mình luôn nhắc nhở bản thân phải output nhiều hơn. Và việc viết bài chia sẻ qua trang Facebook Page “Lan và chuyện ở Nhật” (hiện có 14.000 người theo dõi) hằng ngày cũng là một trong các hoạt động output của mình.

 Các bạn hãy quay lại phía bản thân mình, phân tích xem các bạn đã input-output đủ chưa, có kiên trì, kỉ luật học hằng ngày chưa? 4 tip mình chia sẻ trên, nếu các bạn làm tốt chắc chắn 100% các bạn sẽ tiến bộ.  4 tip này học chỉ áp dụng cho việc học tiếng Nhật không, mà nó là công thức để các bạn học bất cứ điều gì.

 Và bản thân mình cũng đang áp dụng hằng ngày!

Xem thêm:
Các trường đại học ở Tokyo không còn là lựa chọn hàng đầu

HÃY TRẢI NGHIỆM THẬT NHIỀU, CHIA SẺ THẬT NHIỀU

 Chúng ta đến với cuộc đời này với 2 bàn tay trắng, và ra đi cũng chỉ với 2 bàn tay trắng, thứ tài sản duy nhất thuộc về chúng ta là những gì mà chúng ta đã trải nghiệm. Đó là quan niệm của mình nên mình tích cực trải nghiệm những điều mới lắm. 

Có một câu nó mà mình rất thích đó là  “やらない後悔よりやる後悔 “ (hối hận vì đã làm còn hơn là hối hận vì không làm). Chỉ cần việc không vi phạm đạo đức, pháp luật, không hại người, nếu bản thân có ý tưởng thì mình đều lên kế hoạch bắt tay vào thực hiện.

 Bạn bè mình hay thắc mắc sao mà mình giàu năng lượng, trong khi mình học Thạc sĩ còn tham gia nhiều hoạt động khác, nhiều khi là làm từ sáng tới đêm muộn mà mặt lúc nào cũng hớn hở?

 Đó là bởi vì mình đang làm những việc mình thích và mình đang tận hưởng cảm giác tích luỹ tài sản mang tên  “Trải nghiệm”,  nên mình muốn tranh thủ lúc còn trẻ, còn sung sức nhất để trải nghiệm được thật nhiều! Khi bản thân còn trẻ, chưa có nhiều điều để mất thì đừng lo sợ được mất quá nhiều, cứ trải nghiệm đi, kiểu gì cũng được nha các bạn.

 Và ngay cả những việc baito các bạn làm trong khi đi du học cũng là những trải nghiệm, hành trang quý báu sau này. Mình may mắn nhận được một vài học bổng nhưng cũng rất tích cực đi làm thêm. Các công việc mình từng trải qua đó là: Làm quán cơm thịt bò, tiệm mì udon, cửa hàng tiện lợi, xưởng cơm hộp, làm tư vấn viên ở Hiệp hội giao lưu Quốc tế, đi phiên dịch cho cảnh sát, luật sư, nhà đài NHK, dạy tiếng Việt cho người Nhật, làm trợ giảng cho Giáo sư,…

Bạn cùng Lab

 Những việc làm thêm này đã giúp mình trưởng thành rất nhiều, trang bị được cho bản thân những kỹ năng mềm mà khó học được ở trong trường học. Vậy nên khi đi du học Nhật nếu có học bổng, dư giả tài chính thì cũng thử làm ít nhất 1 công việc baito xem sao nha!

 Và mình có mong  muốn mang những điều mình trải nghiệm đó tới các bạn trẻ, các Kohai đi sau thông qua fanpage  Lan và chuyện ở Nhật. Góc nhỏ này là nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân. Có thể những gì mình biết, mình trải nghiệm chưa phải là nhiều so với rất nhiều anh chị sempai đã sống và làm việc lâu năm ở Nhật, nhưng mình tin là mỗi người có một hành trình riêng, một trải nghiệm riêng, và trải nghiệm của ai cũng đều quý và có thể giúp ích cho người khác cả. V ậy nên bạn nào muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với mong muốn giúp người khác thì cứ mạnh dạn chia sẻ nha. Các bạn sẽ gặp gỡ được rất nhiều mối lương duyên tốt đẹp thông qua hành động CHIA SẺ đó.

LỜI NHẮN

 Trong phần chia sẻ trên kia mình đã chèn nhiều lời nhắn của mình vào trong đó rồi nên là ở phần cuối này, mình xin được tóm tắt gọn lại trong 3 ý chính: 

1. Hãy tin vào bản thân các bạn, dù có bị phủ nhận, hay hoàn cảnh có khó khăn một chút thì cũng đừng phủ nhận bản thân và đừng từ bỏ một cách dễ dàng.

2. Hãy tích cực trải nghiệm thật nhiều, trải nghiệm mới là tài sản thật sự thuộc về chúng ta.

3. Hãy tích cực chia sẻ điều chúng ta học hỏi được, kinh nghiệm tích lũy được cho người khác. Cho đi là nhận lại, các bạn sẽ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, thuận lợi hơn rất nhiều.

Hãy luôn tin vào chính mình, cố gắng hết sức cho những mục tiêu mà mình muốn đạt được ở Nhật nhé. 

 

Nagoya, tháng 4/2024

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...