Tháng 2/2020, mình từng có dịp xuất hiện trong số 58 của series Voice of Asean Sempai để chia sẻ cùng mọi người hành trình những năm đầu sang Nhật làm kỹ sư cầu nối và tự học lấy chứng chỉ tiếng Nhật N1. Thấm thoắt cũng đã 4 năm trôi qua, và hôm nay mình rất vui vì lại có dịp gặp lại mọi người qua series này để chia sẻ thêm về chặng đường học tập tiếp theo. Hy vọng câu chuyện học thi liên tiếp 5 chứng chỉ trong 1.5 năm sẽ tiếp tục mang lại nhiều thông tin bổ ích và truyền cảm hứng học tập tới mọi người.
Xem lại bài chia sẻ trước đây của chị Hiền:
Voice of Asean Sempai (Vol 58)
THỬ THÁCH 1.5 NĂM THI 5 CHỨNG CHỈ
Tháng 1/2020, sau khi đỗ chứng chỉ tiếng Nhật N1, mình bắt đầu thử thách bản thân với việc học thi chứng chỉ Quản lý dự án chuyên nghiệp PMP (Project Management Professional). Đây là một trong những chứng chỉ quốc tế nổi tiếng nhất về lĩnh vực quản lý dự án do Viện Quản Lý Dự Án Hoa Kỳ (Project Management Institute – PMI) cấp.
Lý do mình quyết định thử thách bản thân với chứng chỉ nổi tiếng…khó nhằn này vì công việc lúc đó đòi hỏi nhiều kiến thức chuẩn về quản trị dự án. Tuy vậy, do chưa từng được học qua 1 khoá học nào, nên tới thời điểm đó, mình chỉ làm theo bản năng hoặc theo những kinh nghiệm được người đi trước truyền lại. Với việc quyết định học và thi PMP, mình muốn trang bị cho bản thân những kiến thức chuẩn để có thể tự tin làm tốt công việc hiện tại và tạo tiền đề phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Ngoài PMP, Viện Quản lý Dự án Mỹ còn có nhiều chứng chỉ liên quan khác cũng rất hay và có ích cho công việc quản lý dự án nên mình đã lên kế hoạch học và thi 5 chứng chỉ của PMI trong thời gian 1.5 năm.
Danh sách 5 chứng chỉ mà mình đã học và thi:
2020/8: PMP Chứng chỉ Quản lý dự án chuyên nghiệp
2021/1: PMI-PBA Chứng chỉ Phân tích nghiệp vụ chuyên nghiệp
2021/5: PMI-RMP Chứng chỉ Quản lý rủi ro chuyên nghiệp
2021/7: PMI-SP Chứng chỉ Quản lý kế hoạch chuyên nghiệp
2022/3: PMI-ACP Chứng chỉ Quản lý dự án Agile
Để đạt được mục tiêu hoàn thành 5 chứng chỉ trong 1.5 năm, mình đã lên kế hoạch chi tiết với thời gian học ôn trung bình một chứng chỉ là từ 2-3 tháng. Thường khi chuẩn bị học thi, mình sẽ dựa theo lịch trình công việc dự án, hàng ngày sẽ cố gắng hết sức để bám sát kế hoạch đã đặt ra.
Ngày phải đi làm, mình tranh thủ 2 tiếng ngồi trên tàu để ôn bài qua các ứng dụng luyện thi. Buổi tối, sau khi làm xong việc nhà, mình sẽ tiếp tục học thêm 2-3 tiếng nữa. Hai ngày cuối tuần là khoảng thời gian mình có thể tập trung cao độ nhất, mỗi ngày đều dành trọn 8 tiếng cho việc học. Có những đợt ôn thi rơi vào các ngày nghỉ lễ dài như Tuần lễ Vàng hay Tết dương lịch, mình vẫn dặn bản thân phải kiềm chế ham muốn được đi chơi, được xả hơi của bản thân lại để thực hiện đúng kế hoạch ngày học 8 tiếng đã đề ra.
Tập trung cho việc học thi là vậy, nhưng cũng có những đợt mình vẫn phải xếp lại thứ tự ưu tiên, dành nhiều thời gian hơn cho công việc khi dự án bận đột xuất hoặc vào giai đoạn nước rút. Mình vẫn nhớ khi học thi chứng chỉ thứ PMI- ACP đúng vào giai đoạn Việt Nam bị phong toả trong đại dịch Corona. Dù đã lên kế hoạch học ôn từ trước, nhưng do ảnh hưởng của việc lockdown, toàn bộ đồng nghiệp của mình ở Việt Nam không thể đi làm, lượng công việc của phía Việt Nam đổ dồn sang đầu Nhật. Hàng ngày đều phải ở lại làm đến rất muộn, thời gian học buổi tối không có nhiều nên mình đành lùi lại việc ôn thi chậm 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Sau khi hoàn thành một chứng chỉ, mình đều cố gắng thu xếp thời gian về Việt Nam hoặc đi du lịch để nạp lại năng lượng.
CHẮT LỌC KINH NGHIỆM TỪ NGƯỜI ĐI TRƯỚC
Một trong những khó khăn lớn nhất với mình khi ôn thi 5 chứng chỉ này là rào cản ngôn ngữ. Giáo trình ôn thi hoàn toàn bằng tiếng Anh, có quyển dày tới gần 900 trang và có rất nhiều từ mới chuyên ngành. Thời gian bắt đầu học mình bị ngợp trước lượng kiến thức khổng lồ, không biết phải bắt đầu từ đâu. Có nhiều lúc đã có ý nghĩ từ bỏ vì cảm thấy vừa đi làm full-time mỗi ngày, vừa lo toan nhà cửa con cái, giờ còn ôm thêm mớ kiến thức mênh mông này thật quá sức với bản thân. Nhưng khi nhìn xung quanh, thấy có nhiều đồng nghiệp cùng công ty cũng đã thi và đỗ, mình lại nghĩ: “Họ cũng đi làm như mình mà họ làm được, vậy có lý do gì mình lại bỏ cuộc. Có chăng mình chưa đủ quyết tâm hay chưa tìm ra cách học đúng”.
Mình bắt đầu tìm hiểu kinh nghiệm ôn thi từ những người đi trước. Có những kinh nghiệm rất hay, phù hợp với bản thân, nhưng cũng có những kinh nghiệm mình không áp dụng được do nhiều nguyên nhân,…nên mình phải chắt lọc những cách phù hợp, dễ áp dụng để tìm ra hướng ôn thi phù hợp.
Một trong những bí quyết mình đã áp dụng cho toàn bộ quá trình ôn thi 5 chứng chỉ, là việc ghi chép lại toàn bộ những kiến thức đã học. Không chỉ ngồi đọc sách chay, hay đơn thuần gạch chân, ghi chú vào sách, mình sẽ hệ thống lại nội dung đọc được theo cách hiểu của bản thân, vẽ sơ đồ mind map để tổng hợp kiến thức. Việc tự ghi chép biến kiến thức trong sách trở thành của mình, và mình có thể ôn lại kiến thức đã học nhanh chóng mà không cần phải mở lại cả quyển sách dày. Đối với mình, đây là cách học vô cùng lợi hại, nhờ cách này mà cho tới nay, có những kiến thức đã học từ 3-4 năm trước, mình vẫn có thể nhớ lại khi mở cuốn sổ ghi chép ra. Nếu bạn nào đang gặp khó khăn trong việc học ôn những chứng chỉ, kỳ thi có quá nhiều kiến thức, hãy thử áp dụng cách này xem sao nhé!
Xem thêm:
Tìm hiểu công việc kỹ sư cầu nối
TẬN DỤNG INTERNET NHƯ MỘT CÔNG CỤ HỌC TẬP
Nghe mình kể về quá trình học ôn 5 chứng chỉ, nhiều bạn bảo “Thi 1 chứng chỉ đã thấy khó, làm thế nào để chị có động lực vượt qua tận 5 kỳ thi liên tiếp như vậy?”. Thực ra hành trình nào cũng khó khăn nhất ở giai đoạn khởi động. Vượt qua được những trở ngại ban đầu, là sẽ vào guồng.
Quá trình học ôn chứng chỉ đầu tiên là vất vả nhất vì mình vừa phải mò mẫm tìm cách học thi phù hợp với lịch trình công việc, vừa phải làm quen với việc đọc và tra các từ mới chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nhưng khi đã vượt qua được thử thách đầu tiên, thì tới các chứng chỉ sau, việc ôn thi trở nên nhẹ nhàng hơn. Lượng từ mình phải tra cũng bớt dần đi một phần vì vốn từ vựng của mình nhiều lên, một phần vì các từ vựng chuyên ngành cũng lặp đi lặp lại.
Mấy năm gần đây nhờ sự phát triển của mạng xã hội, việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trở nên dễ dàng hơn. Mình đã kết nối được với nhiều người có kinh nghiệm học thi các chứng chỉ này nhờ tham gia vào các group trên Facebook dành cho các nhà quản trị dự án Việt Nam và tham khảo được bộ từ vựng Anh – Việt vô cùng hữu ích cho việc học thi được mọi người chia sẻ. Với các chứng chỉ có ít người Việt Nam thi, mình tìm thông tin bằng tiếng Anh và tham gia các nhóm các diễn đàn chia sẻ của người Ấn Độ.
Trong thế giới phẳng như hiện nay, khi mình biết tận dụng Internet như một công cụ để học và kết nối, sẽ nắm bắt được rất nhiều thông tin hữu ích.
TRƯỞNG THÀNH HƠN QUA MỖI KỲ THI
Việc học và thi 5 chứng chỉ trong 1.5 năm đã giúp mình biết cách sắp xếp mọi thứ hợp lý hơn để có thể vừa cân bằng được việc nhà, việc học thi và công việc ở công ty, nắm được cách để có thể nhớ được lượng kiến thức nhiều, xử lý được lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn.
Trong quá trình vừa học thi vừa làm việc, mình cũng cố gắng để áp dụng các kiến thức vào thực tế công việc. Không chỉ học lý thuyết đơn thuần mà vừa học vừa áp dụng giúp mình nhớ kiến thức lâu và hiểu sâu hơn. Có rất nhiều vấn đề trong công việc trước giờ làm theo bản năng mình cứ nghĩ làm thế này là đúng, sau này khi học xong mình mới biết có cách khác hợp lý hơn. Hoặc có những vấn đề mình đã từng gặp và giải quyết đúng, nhưng không hiểu bản chất tại sao lại cần làm như vậy thì sau khi học, mình đã hiểu tại sao cần làm thế và tự tin hơn quyết đoán hơn mỗi khi phải ra quyết định.
Vốn tiếng Anh tốt hơn cũng giúp mình tiếp thu được kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu như trước đây cần tham khảo vấn đề gì, mình chỉ học được từ đồng nghiệp hoặc từ các trang tiếng Nhật thì giờ mình có thể tham khảo được từ những nhà quản trị dự án người Mỹ hay Ấn Độ. Bản thân khi bước vào các dự án lớn, mình cũng cảm thấy tự tin hơn vì đã lường trước được những khó khăn, rủi ro của dự án.
Vậy nên đối với các bạn đang đi làm và muốn học thêm một kiến thức gì đó mới để phát triển bản thân, mình nghĩ mọi người có thể cân nhắc ưu tiên học những kiến thức giúp ích trực tiếp cho công việc hiện tại. Như vậy mình sẽ cảm thấy những gì đang học rất thiết thực, không viển vông thì sẽ kiên trì với việc học hơn.
Xem thêm:
Gợi ý những phương pháp học hiệu quả cho người đi làm
CHIA SẺ – CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI
Trong quá trình học thi, mình đã nhận được nhiều thông tin hữu ích từ những người đi trước nên sau này mình đều cố gắng viết lại bài chia sẻ kinh nghiệm thật chi tiết để những bạn đi sau có thêm nguồn tham khảo.
Trong 3 năm liên tiếp, 2021, 2022, 2023 được vinh danh trong lễ tổng kết cuối năm tại công ty, giải thưởng Life Time Learning là giải thưởng mình thích nhất vì những nỗ lực cố gắng trong học tập của bản thân đã được đồng nghiệp, cấp trên công nhận và là nguồn cảm hứng để nhiều bạn đồng nghiệp cùng công ty cũng đặt quyết tâm thử thách bản thân.
Từ cuối năm 2021 đến nay, qua sự gợi ý từ phía công ty, mình bắt đầu tham gia vào công tác đào tạo nội bộ để truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức học thi các chứng chỉ của PMI tới đồng nghiệp.
Ngoài việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho đồng nghiệp trong nội bộ công ty, mình cũng muốn chia sẻ kiến thức tới phạm vi rộng hơn, nên đã quyết định lập Nhóm “Tiếng Nhật cho BrSE”. Ý định ban đầu của mình chỉ là tạo một nơi để chia sẻ kiến thức tiếng Nhật hay dùng trong nghề để mọi người có nơi giao lưu, học hỏi, nhưng không ngờ được nhiều người hưởng ứng và hiện nhóm đã có hơn 10.000 thành viên.
Có rất nhiều bạn khi tham gia group biết đến mình và tâm sự là đã chọn ứng tuyển vào công ty vì biết mình đang làm ở đây. Nhiều bạn đang ở Việt Nam ước mơ sang Nhật làm onsite, trình độ tiếng Nhật ban đầu tuy không đủ, nhưng nhờ tham gia vào group, các bạn có động lực học tiếng Nhật tốt hơn. Sau khi thi đỗ và sang được Nhật, người đầu tiên bạn ấy nhắn tin khi xuống máy bay là mình, lúc nhận được tin nhắn mình rất xúc động. Những gì bản thân đang cố gắng làm đã được lan toả và có sức ảnh hưởng tích cực tới các bạn làm mình rất vui.
LỜI NHẮN
Cũng đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi thi đỗ 5 chứng chỉ của PMI. Trong thời gian tới, mình dự định sẽ thi chứng chỉ khó nhất của PMI mà trước đây mình chưa học và thi được vì chưa tích luỹ đủ số năm kinh nghiệm. Hy vọng sẽ sớm được chia sẻ với mọi người kinh nghiệm thi đỗ chứng chỉ này trong thời gian tới.
Steve Jobs có một câu nói rất hay: “Có nhiều người không có bằng cấp vẫn thành công, nhưng không có ai không học mà thành công cả”. Nhất là trong thời đại mọi thứ đều dần được thay thế bằng AI như hiện tại, thì việc đứng tại chỗ và không học hỏi những kiến thức mới sẽ làm mình nhanh chóng bị bỏ lại phía sau.
Mỗi chúng ta, khi đã đi làm và lại có gia đình riêng thì đều có những khó khăn nhất định cản trở việc tiếp tục học thêm một điều gì đó. Nếu cứ ngồi hình dung ra những khó khăn rồi bàn lùi thì sẽ mãi không thể bắt đầu. Điều quan trọng để bắt đầu một thử thách mới là chúng ta phải giữ vững tinh thần “cái khó ló cái khôn“, cứ thử đi rồi gặp vấn đề đến đâu thì tìm hướng giải quyết đến đó. Có quyết tâm, và đủ kiên trì, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những gì mình muốn.
Theo các bạn, điều gì là quan trọng nhất trong học tập? Trí thông minh? Động lực học? Phương pháp học? … Theo mình tất cả những điều đó đều không quan trọng bằng sự KIÊN TRÌ. Động lực chỉ có thể dắt ta đi một đoạn đường ngắn, sự kiên trì sẽ đưa chúng ta đi rất xa.
Hãy kiên trì ngay cả khi không có động lực!
Osaka, tháng 2/2024
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận