Voice of Asean sempai (Vol 105)

QUYẾT ĐỊNH CHỚP NHOÁNG

 Năm 2018, sau khi đã hoàn thành hết các tín chỉ cần thiết, mình xin vào thực tập mấy tháng tại một công ty truyền thông ở Bình Thạnh để đủ điều kiện tốt nghiệp đại học. Hồi đó ở gần nhà mình có mấy người quen đi xuất khẩu lao động ở Nhật kể sang đó kiếm được khá lắm, nên mẹ và em gái mình cứ giục mình ra trường xong thì mau tìm đường sang đó xem sao. Tuy nhiên, vì vẫn muốn sau khi ra trường được làm đúng ngành nghề mình yêu thích, nên mình cứ ngần ngừ chưa hỏi dù công ty mà mình đi thực tập ở ngay cạnh một công ty chuyên về xuất khẩu lao động. 

Lúc chuẩn bị tốt nghiệp

 Thế rồi đùng một cái, gia đình mình gặp biến cố và mắc một khoản nợ khổng lồ. Khi nghe ba mẹ báo tin, mình cảm thấy vô cùng hoang mang và bế tắc, không biết lựa chọn hướng đi nào cho phải. Một mặt mình rất muốn được ở lại Việt Nam và làm công việc liên quan đến chuyên ngành được đào tạo. Nhưng mặt khác, mình lại gánh trên vai trách nhiệm phải giải quyết khoản nợ cho gia đình. Với mức lương bình quân dành cho 1 sinh viên mới ra trường ở Việt Nam lúc đó, có lẽ sẽ phải mất rất nhiều năm mình mới giải quyết được khoản nợ này. Trong khi nếu sang Nhật làm việc và nhận được mức lương cao như các anh chị đi trước vẫn kể, thì thời gian mình có thể trả hết được khoản nợ lớn của gia đình sẽ rút ngắn được khá nhiều. 

 Sẵn tiện chỗ thực tập lại ngay gần một công ty XKLD, nên một buổi trưa nọ trong giờ nghỉ giảo lao, mình đã quyết định chạy sang đó hỏi xem có hướng đi nào phù hợp cho mình không. Bên công ty giới thiệu cho mình vài công việc với nội dung khá hấp dẫn, lương nhận về tay cao, …thế là mình quyết định chốt đăng ký đơn đi theo diện thực tập sinh qua Nhật tại đó luôn. Hồi đó chắc do bị kẹt nợ quá, nên mình cũng không chín chắn suy nghĩ được nhiều. Đáng nhẽ ra dù có quyết định sang Nhật làm đi nữa, thì cũng nên hoàn thành hết kỳ thực tập, lấy xong tấm bằng đại học rồi đi đâu mới đi. Nhưng mình lại quyết định bỏ dở luôn giữa chừng, với lối suy nghĩ rất đơn giản và có…đôi phần ngây ngô, đó là “đằng nào cũng đi con đường mới (sang Nhật) rồi thì cần gì lưu luyến những cái cũ nữa”. 

Bán hết xe và các tài sản dành dụm được trong mấy năm đi làm thêm lúc học đại học, mượn thêm bạn bè người quen mỗi người một ít, mình dồn hết tiền để nộp cho công ty XKLD lo thủ tục giúp mình sang Nhật làm việc. Tháng 3/2019, sau một thời gian chờ đợi, mình chính thức nhập cảnh vào Nhật và làm việc liên quan tới dập kim loại. 

Cùng mẹ và em gái ở sân bay Tân Sơn Nhất

NHỮNG NGÀY THÁNG TIẾT KIỆM ĐỂ TRẢ NỢ

 Tháng đầu tiên vừa qua tới nơi và vẫn còn đang ở nghiệp đoàn để học thêm mà mình đã phải đi viện tới 3-4 lần vì…gặp phải triệu chứng lạ. Hồi đó không hiểu sao một bên hông của mình cứ đau suốt. Lúc đầu mình nén đau vì tiếng tăm chưa biết không tự đi khám được, mà nhờ ai đưa đi cũng sợ phiền phức. Nhưng sau đau quá không chịu nổi nữa nên mình đành báo cho chị quản lý thực tập sinh của nghiệp đoàn nhờ chị chở đi. Suốt 1 tháng ròng chị chở đi 3-4 phòng khám khác nhau, nhưng họ đều không khám được ra mình bị bệnh gì. Lúc đó mình hoang mang ghê lắm, lo không biết có phải mình bị bệnh nan y gì cần nhập viện điều trị lâu dài, tốn nhiều tiền không. Lúc nào trong đầu mình cũng hoang mang với ý nghĩ kiểu: “Ôi vừa vay nợ mất cả đống tiền để sang được đây, chưa kiếm lại được đồng nào, giờ mà đổ bệnh ra thì chết..”. Cũng may là tới lần thứ 4, khi lên tới bệnh viện lớn của tỉnh Aichi thì họ phát hiện ra là mình bị…sỏi thận. Lúc bác sĩ khám ra bệnh và giải thích hướng điều trị, dù bị bệnh nhưng mình lại cảm thấy thở phào nhẹ nhõm vì may quá đó không phải bệnh gì khó chữa, ảnh hưởng lâu dài tới tương lai.

 Vì sang làm việc với mục đích chính là kiếm tiền để trả nợ cho gia đình, nên khoảng 1.5 năm đầu mới sang, cứ làm được bao nhiêu là cuối tháng mình lại gửi hết về nhà để giúp gia đình trả nợ, chỉ để lại một số tiền nhỏ đủ để ăn dè ăn xẻn trong tháng. Số tiền mình gửi về hàng tháng cứ 50% thì dùng để trả phần nợ của gia đình, 50% dùng để trả người đã cho mình vay để trả tiền phí đi và vé máy bay qua Nhật. Mọi chuyện về cơ bản cũng thuận lợi cho tới đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Corona nên công việc của mình ở nhà máy bị cắt giảm khá nhiều, lương mỗi tháng về tay chỉ còn khoảng 6-7 man. Đúng đợt này người cho mình vay tiền để bay lại có việc cần đòi gấp, phải gửi nhiều thêm, nên có những đợt mà sau khi gửi hết tiền về nhà xong, trong túi mình chỉ còn đúng hơn…900 yên để ăn trong 10 ngày. Đợt đó mình đã xoay xở bằng cách ra siêu thị tìm mua bịch thịt rẻ nhất, có nhiều mỡ rồi về xào lên, mỗi hôm ăn 1 ít cùng với bịch mì gói được bạn cho. Nghĩ lại hồi đấy ăn uống kham khổ quá mà không hiểu sao rồi cũng vẫn vượt qua được. 

Còn lại hơn… 900 yên để ăn trong 10 ngày

Xem thêm:
Sang Nhật theo diện kỹ sư – con đường nào nhanh và tiết kiệm chi phí?

HỌC TIẾNG NHẬT MỌI LÚC MỌI NƠI

 Dù mục đích chính khi sang Nhật là làm việc để kiếm tiền trả nợ, nhưng mình vẫn xác định phải học thật tốt tiếng Nhật. Tháng 3 vừa sang tới nơi là 2 tháng sau mình đã lục tục đăng ký thi N4 rồi mua sách về tự học. Vừa nhận được kết quả đỗ N4 xong thì mình lại tiếp tục mua sách ôn tiếp lên N3. 

 Khoảng thời gian đầu năm 2020, khi công việc giảm sút đột ngột do ảnh hưởng bởi dịch, tiền thì gửi về nhà hết chẳng còn dư để làm gì hay đi chơi đâu, mình đã dành toàn bộ thời gian trống trong ngày để tập trung học và thi tiếp N2. Chẳng có tiền để đăng ký các khoá học online, nên cách học ôn duy nhất của mình lúc đó là mua giáo trình về tự học, kết hợp thêm với các nguồn tài liệu học miễn phí như: xem phim Nhật, nghe nhạc Nhật. Để tránh dàn trải, khi ôn mình chỉ chọn mua và theo một giáo trình duy nhất, và Sou Matome là giáo trình mình đã chọn để học theo suốt từ lúc ôn N4 cho tới N1 sau này.

 Hồi công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Corona thì có nhiều thời gian học, sau này dịch lắng dịu, công việc ổn định trở lại, phải ở lại làm muộn hơn thì mình lại sắp xếp lịch học kiểu khác cho phù hợp hơn. Những hôm làm ca ngày, về cơm nước dọn dẹp xong thì cũng tới 9-10h tối, tới giờ nghỉ ngơi của mọi người trong phòng. Để tránh ảnh hưởng các bạn, mình sẽ ra ngoài chỗ ăn cơm bật đèn ngồi học tiếp tới khuya. Còn những hôm làm ca đêm thì mình sẽ tranh thủ sau khi đi làm về ngồi học một chút rồi mới đi ngủ.

 Mình cũng hay tranh thủ tận dụng các khoảng thời gian trống trên công ty để học. Ví dụ những lúc nghỉ giải lao ngắn 10 phút thì mình sẽ tranh thủ học thêm ít từ vựng, Kanji, còn tới giờ ăn trưa được nghỉ 1 tiếng thì mình sẽ ăn rất nhanh trong 15-20p thôi, thời gian 40-45p còn lại là lại lôi sách ra học. Làm ca đêm có những hôm 12h đêm được nghỉ nhưng mình cũng ít khi ngủ mà tận dụng thời gian đó để học. Trên công ty có phòng nghỉ dành cho người làm ca đêm, nhưng tầm đó những người làm cùng ca thường tranh thủ ngủ trong phòng, nên để tránh ảnh hưởng mọi người mình thường hay lên phòng thay đồ bật đèn ngồi tranh thủ học.

 Mình chăm học trên công ty tới mức…nổi tiếng khắp công ty vì ham học. Bác trưởng nhóm thấy thế nên cũng tạo điều kiện cho mình lắm. Có đợt thấy mình sắp thi N2, còn 30p nữa mới hết giờ làm mà việc đã xử lý xong hết rồi, bác lại bảo mình tranh thủ lên phòng nghỉ ngồi ôn thi đi. Nhiều người Nhật làm chung thấy mình ham học cũng hay cho phiếu mua sách để mình mua thêm sách tham khảo, trau dồi. Mình cũng tận dụng lúc nói chuyện với mọi người trong công ty để luyện thêm về hội thoại, giao tiếp và hỏi thêm về cách dùng các mẫu câu, cách nói trong tiếng Nhật. 

 Cứ chăm chỉ tận dụng những khoảng thời gian trống trong ngày để học như vậy thì tới tháng 12/2020 mình cũng thi đỗ N2 và tới tháng 12 năm ngoái, mình đã lấy được chứng chỉ N1. 

Xem thêm: 

Voice of Asean sempai (Vol 103) – Trần Thế Anh

HÀNH TRÌNH XÂY KÊNH TIKTOK

 Ngày 2/5/2022 là một cột mốc đáng nhớ với mình, vì đó là ngày đầu tiên mình up thử video lên Tik Tok, khởi đầu cho kênh với hơn 200.000 người theo dõi hiện nay. 

 Thật ra hồi đó mình hoàn toàn không có chủ ý xây kênh, mà chỉ là vô tình có một hôm đúng dịp cao điểm sắp thi N1, nên đi làm đêm về lúc 3h sáng mình ko đi ngủ luôn mà tranh thủ ngồi làm xong một đề thi cho tới 6h sáng mới đi ngủ. Lúc làm đề mình có để camera đằng sau quanh lại cảnh bản thân ngồi học, thấy hay hay nên sau đó mình edit lại rồi up lên TikTok. Video được lên xu hướng, mình nhận được quá trời tim và bình luận từ mọi người. Nhìn thấy video được hưởng ứng, năng lượng học tập của mình được lan toả như vậy, mình mới nảy ra ý định hay là xây một kênh TikTok chia sẻ các nội dung liên quan tiếng Nhật. 

 Mục đích chính của mình khi bắt tay vào xây kênh, đó là: Muốn chia sẻ năng lượng học tập của bản thân tới người xem, qua đó giúp mọi người có thêm động lực để học tiếng Nhật, đồng thời cũng là nơi mình chia sẻ lại những kinh nghiệm tự học và kiến thức của bản thân. 

 Vì bản thân cũng là thực tập sinh nên mình hiểu là các bạn thực tập sinh ở bên Nhật mà không có tiếng Nhật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhiều khi đi làm về mệt mà bảo ngồi vào bàn học tiếng Nhật 30 phút – 1 tiếng đi thì mọi người lại ngại, không muốn học, chỉ ngồi lướt TikTok xem video. Vậy mình sẽ tận dụng luôn thói quen đó của các bạn, tạo ra các clip tiếng Nhật ngắn, dễ xem, như vậy khi vô tình lướt qua và xem clip của mình, biết đâu các bạn sẽ có hứng thú với học tiếng Nhật hơn, và dù không ngồi vào bàn học, các bạn vẫn biết thêm 1 từ, 1 cách nói mới, có thể áp dụng luôn vào hôm sau. 

 Thời gian đầu mới xây kênh do không có nhiều thời gian để quay nên 2-3 ngày mình mới đăng 1 clip dù trong đầu lúc nào cũng có rất nhiều ý tưởng. Dần dần quay, dựng quen hơn thì mình tăng tần suất đăng lên. Mình không xem video trên TikTok mấy, nhưng lại rất nghiền quay, dựng. Có những hôm đi làm bận rộn ko có thời gian cho bản thân nhưng video vẫn phải làm đều. Nhiều hôm quay xong mình mải ngồi edit tới nỗi quên cả ăn cơm, chạy vội đi làm chỉ mang theo một thanh kẹo protein vừa chạy đi làm vừa ăn cho bớt đói. 

 Video lên nhiều, số người theo dõi nhiều hơn, thì cũng bắt đầu xuất hiện các bình luận khen chê trái chiều. Hồi đầu mỗi lần đọc được những bình luận chê bảo nọ kia mình cũng thấy buồn và suy nghĩ ghê lắm. Nhưng sau mình nghĩ khi đăng nội dung lên các mạng xã hội thì cũng không thể tránh được các ý kiến trái chiều như vậy, nên dần dần cũng quen hơn. Những bình luận góp ý chân thành thì mình ghi nhận, những bình luận kiểu không thiện chí thì mình bỏ qua hoặc lọc bớt đi. 

 Việc làm video về tiếng Nhật cũng giúp mình ôn lại và biết thêm được rất nhiều kiến thức mới. Mỗi lần trước khi làm 1 video về mẫu ngữ pháp hay cách nói nào đó là mình phải chuẩn bị rất kỹ, vì mình sợ đưa kiến thức sai sẽ làm các bạn theo dõi kênh của mình sai theo. Có những khi làm video về chủ đề này, các bạn lại nhắn hỏi thêm về chủ đề khác, vấn đề nào không biết mình lại có động lực để tra cứu, tìm hiểu thêm. 

 Vì làm ca đêm nên sự tương tác của mình với các bạn theo dõi kênh thời gian đầu chủ yếu là qua video. Khi xem các kênh khác trên TikTok, mình thấy nhiều người sử dụng tính năng livestream thu về tương tác ổn quá nhưng mình vẫn chưa biết phải sắp xếp thời gian live thế nào cho ổn. Thế rồi có đợt nhiều bạn hỏi muốn học Kanji với mình quá mà mình mà ko phản hồi hết được qua tin nhắn, thế là mới đánh liều quyết định thử live một buổi vào tối Thứ 7 (ngày nghỉ) xem sao. Mấy buổi đầu mình live chưa quen, tương tác cũng ít nên thường số mắt xem cũng chỉ dừng ở con số tối đa 20 mắt thôi, nhưng mình vẫn quyết tâm duy trì live mỗi tuần 1 buổi.  

 Rồi bỗng một ngày nọ, một clip chia sẻ về cách nói tiếng Nhật của mình được một bạn du học sinh đưa lên kênh của bạn ấy và nói mình chia sẻ sai. Sau đó mình có nhờ anh bạn người Nhật đã dạy cách dùng câu đó cho mình lên quay cùng giải thích, 2 phía đối qua đáp lại lại một hồi thế nào mà buổi livestream sau đó của mình có tới tận hơn 500 người xem. Các buổi live sau dù số mắt xem có giảm đi chút nhưng cũng được quan tâm hơn nhiều so với đợt đầu.

 Để không làm phí phạm khoảng thời gian mọi người tham gia các buổi live của mình, trước mỗi buổi trước khi live mình đề chuẩn bị khá kỹ. Ví dụ trước mỗi buổi live về Kanji mình đều chuẩn bị khoảng 10 chữ, sau đó chia sẻ kỹ về cách đọc, cách viết. Hoặc các buổi live về ngữ pháp thì sau khi hướng dẫn cách dùng các mẫu, mình thường nhờ các bạn đặt câu, trả lời thắc mắc của các bạn về mẫu câu đó, ví dụ như sự khác nhau giữa mẫu đó và 1 mẫu khác cũng có cách dùng tương tự. Đôi lúc trong buổi live cũng có những câu các bạn hỏi mà mình không chắc chắn lắm về câu trả lời, thì thường sau đó mình sẽ ghi chú lại để tra cứu thêm và làm 1 video khác giải đáp riêng. 

 Từ khi xây kênh TikTok và chăm chỉ live học kèm các bạn, mình nhận thấy bản thân rất thích cảm giác được kèm mọi người học tiếng Nhật. Nhiều bạn thực tập sinh rất siêng, chỉ có điều khi học một mình các bạn chưa có lộ trình, định hướng nhất định đâm ra dễ nản thôi. Khi có một người đồng hành, một nhóm học cùng, các bạn rất nỗ lực và cố gắng. Càng học cùng các bạn, mình càng cảm thấy đam mê với tiếng Nhật và mong muốn được làm công việc liên quan tới giáo dục tiếng Nhật hơn. Và tháng 12 vừa qua, sau rất nhiều trăn trở, suy nghĩ về định hướng phía trước, mình đã quyết định nghỉ công việc hiện tại để tìm hướng đi mới. 

 Công việc mình làm trước đây là dập kim loại, rất nặng nhọc và thường xuyên phải làm đêm nên thật sự cũng không phải là công việc mà mình xác định sẽ gắn bó lâu dài. Dù rất cố gắng để cân bằng giữa việc đi làm, và việc xây kênh TikTok dạy tiếng Nhật, livestream đồng hành cùng các bạn vào Thứ 7, Chủ Nhật, nhưng dạo gần đây mình bắt đầu cảm thấy đã tới lúc cần tập trung vào một thứ mà mình thật sự muốn làm và gắn bó trong tương lai thôi. Hiện mình đã nghỉ việc và đang cân nhắc giữa 2 hướng đi trước mắt. Một là tìm cách chuyển qua visa du học để ở lại Nhật học thêm về giảng dạy tiếng Nhật, hai là về Việt Nam và làm các công việc liên quan tới đào tạo tiếng Nhật cho các bạn thực tập sinh. Hiện mình vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cuối cùng, nhưng dù chọn hướng nào thì điều mình muốn làm trong thời gian tới, vẫn là tiếp tục được gắn bó sâu hơn với tiếng Nhật và giảng dạy tiếng Nhật. 

Xem thêm:
Tu nghiệp sinh tại Nhật: Muốn quay trở lại du học phải làm thế nào

LỜI NHẮN

 Vậy là cũng đã hơn 5 năm kể từ ngày mình quyết định sang Nhật làm việc trả nợ giúp gia đình. Dù ban đầu quyết định ấy có phần do hoàn cảnh xô đẩy, nhưng cũng nhờ những biến cố ngày đó mà mình mới có duyên với nước Nhật, biết thêm được một ngôn ngữ mới và biết mình yêu thứ ngôn ngữ ấy đến nhường nào.

 Nhờ những cố gắng học tiếng Nhật không ngừng nghỉ trong suốt từng ấy năm, mình đã từng bước đạt được những chứng chỉ tiếng Nhật quan trọng, và có đủ tự tin để giao tiếp trong công việc, có những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp trong công ty.

 Mình rất hy vọng trong thời gian tới có thể tiếp tục truyền cảm hứng học tiếng Nhật, cũng như chia sẻ những kiến thức tiếng Nhật mình biết tới nhiều bạn Việt Nam đang sống ở Nhật hơn, để ngày càng có nhiều bạn thực tập sinh người Việt có thể tự tin với vốn tiếng Nhật của bản thân khi sống và làm việc ở đây. 

 

Aichi, tháng 1/2024 

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...