NHỮNG LỜI MỜI HỢP TÁC SAU KHI VỀ NƯỚC
8 năm trước, cũng thời điểm này, vào cuối năm 2016, mình đã có dịp được chia sẻ những kinh nghiệm của mình về việc học tiếng Nhật trong khi đang là thực tập sinh trên series VOICE OF ASEAN SEMPAI của MPKEN.
Sau 8 năm, bản thân mình cũng đã về nước và trải nghiệm khá nhiều thứ, rất vui khi hôm nay lại có cơ hội được giãi bày cùng các bạn qua VOICE OF ASEAN SEMPAI một lần nữa. Hi vọng hành trình sau khi về nước của mình sẽ đem lại chút thông tin hữu ích với mọi người, nhất là các bạn thực tập sinh sắp hoặc vừa về nước được một thời gian.
Các bạn có thể xem phần chia sẻ cũ tại đây:
Voice of Asean Sempai (Vol 11)
Giai đoạn cuối cùng của hành trình thực tập sinh, mình đã dành ra hẳn 1 tuần chỉ để đi quanh Nhật Bản. Lúc đó mình nghĩ không biết khi nào mới có dịp quay trở lại, nên phải đi cho biết. Mình đã đi Osaka, Kyoto, Nagoya, Nara, Kobe… chỉ để thỏa mãn mong muốn được trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống, cảnh đẹp Nhật Bản. Đó cũng là lần đầu tiên trong suốt 3 năm làm thực tập sinh, mình có dịp được đặt chân tới những nơi mà trước đây chỉ được xem ảnh trên mạng, được tận hưởng cảm giác du lịch và khám phá Nhật Bản thật sự.
Tuy là cũng tiêu mất đôi chút vào số tiền dành dụm được, nhưng mình thấy đó là 1 khoản chi xứng đáng để đổi lấy những trải nghiệm và kỷ niệm đẹp vào những ngày cuối còn sống và học tập ở nước Nhật. Ngày 26/9/2017, tròn 3 năm kể từ ngày đặt chân sang Nhật, mình lên máy bay về nước, bắt đầu một hành trình mới của cuộc đời.
Thời điểm năm 2017 khi vừa trở về từ Nhật, mình có một khởi đầu khá thuận lợi, vì trong thời gian ở Nhật, mình đã xây dựng được một cộng đồng khá lớn và thương hiệu cá nhân ổn định qua trang Facebook Page “Học tiếng Nhật dễ như ăn Bánh” mà mình từng chia sẻ trong lần đầu khi xuất hiện trên VOICE OF ASEAN SEMPAI. Mình đã có rất nhiều lời mời làm việc từ nhiều công ty khác nhau, nhưng có hai công ty bắt đầu khởi nghiệp ở thời điểm đó khiến mình rất quan tâm và kỳ vọng, mình tạm gọi là A và B, cả hai đều là các công ty trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Dù mới về, kinh nghiệm còn chưa có gì nhưng những cơ hội đó khiến cho một người còn chưa hiểu gì về kinh doanh, chưa hiểu gì về thị trường ở Việt Nam như mình nghĩ là thành công đến với mình thật dễ dàng. Các công ty đều mời mình về làm cổ đông, góp vốn chung để làm ăn. Mình đã rất phân vân với những sự lựa chọn đó. Kết quả là mình đã quyết định góp vốn vào công ty B, một trong hai công ty mà mình đánh giá là tiềm năng nhất.
Công việc chính của mình trong công ty đó, trước hết là xây dựng trung tâm đào tạo, mình đảm nhiệm vị trí giám đốc trung tâm đào tạo ngay khi vừa chân ướt chân ráo vào công ty. Hồi ấy, trung tâm đã có sẵn khoảng 30 bạn học viên rồi. Giai đoạn đó, ngoài tiếng Nhật và một chút giá trị về mặt truyền thông, mình là một người mới hoàn toàn. Mình không hiểu việc vận hành một trung tâm đào tạo sẽ phải làm những điều gì, xây dựng chương trình thế nào, quản lý nhân viên cấp dưới ra sao và làm thế nào để học viên học hiệu quả. Và trong một công ty mới, cũng không có cơ hội để cho mình nhìn ai và học, tất cả điều đó khiến mình cảm thấy rất khó khăn, làm việc không hiệu quả.
Tháng 12/2017, mình thi đỗ N1, đây là một niềm vui nho nhỏ đánh dấu thành quả của sự nỗ lực học tập của mình trong suốt giai đoạn ở bên Nhật. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng giúp mình khá hơn khi đứng ở vai trò là người chịu trách nhiệm chính trong mảng đào tạo của công ty, mình vẫn gặp những khó khăn như cũ.
Sau khi làm ở trung tâm đào tạo một thời gian, có thể các anh sếp lớn nghĩ rằng chưa chắc mình đã phát triển tốt nếu như nằm ở trung tâm đào tạo. Vì vậy, mình được giao nhiệm vụ là phát triển thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới và tiếp khách, chăm sóc những khách hàng cũ. Sang mảng này, mình có lợi thế hơn một chút, phần vì bản thân có tiếng Nhật cũng tạm tạm, phần vì mình là người thích giao tiếp, thích chia sẻ nên cảm giác thấy cũng dễ làm hơn. Tuy nhiên, đó là mình nghĩ thế. Thực tế, trong suốt 1 năm chuyển sang làm mảng này, bản thân mình không đưa được khách hàng nào về công ty. Lại là câu chuyện thiếu kỹ năng và thiếu trải nghiệm. Điều đó khiến mình cũng suy nghĩ rất nhiều về năng lực của bản thân, mình nghĩ mình còn thiếu quá nhiều thứ. Mình đã nghĩ là thật sự mình không phù hợp với nghề xuất khẩu lao động, và mình bắt đầu xem xét bước tiếp theo mình phải làm gì.
Xem thêm:
Tu nghiệp sinh tại Nhật: Muốn quay trở lại du học phải làm thế nào
KHỞI NGHIỆP & THẤT BẠI
Tháng 11/2018, hơn 1 năm sau khi chính thức về nước, mình và hai cậu em nữa bàn bạc với nhau và đưa tới quyết định thành lập trung tâm offline đầu tiên, lấy nền móng từ trang Facebook Page “Học tiếng Nhật dễ như ăn Bánh” vốn đã có khá nhiều người theo dõi của mình. Quyết định này được đưa ra ngay khi mình vẫn còn đang là cổ đông và hoạt động trong công ty phái cử kia. Anh em trong công ty rất ủng hộ quyết định khởi nghiệp riêng của mình, nhưng vẫn yêu cầu hoàn thành các công việc mà công ty giao cho.
Ba anh em đóng góp mỗi người một ít, cũng được ít vốn để bắt đầu vận hành công ty mới. Bọn mình dự kiến sử dụng và khai thác trang “Học tiếng Nhật dễ như ăn Bánh” để làm kênh truyền thông tuyển sinh chính, với kỳ vọng sẽ thu hút được rất nhiều học viên tới tham gia các chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế nó khác xa với những điều mình mơ mộng.
Chi phí setup ban đầu bao gồm 6 tháng tiền nhà và tiền cơ sở vật chất, không hiểu mấy anh em thời đó tính toán kiểu gì mà đầu tư hết luôn số vốn góp được, nghĩa là hoàn toàn không có tiền để vận hành! Vô cùng bất hợp lý! Tới giờ mình vẫn không hiểu bằng thế lực nào mà quyết định đó đã được thực thi.
Và kết quả là, có thể bạn đã đoán được. Chúng mình đã không kinh doanh được và lỗ chổng vó! Đáng buồn là giai đoạn đó, sau khi nhìn nhận ra thất bại, anh em đều có lý do để rút lui. Tuy nhiên bản thân mình thời điểm đó là người đứng mũi chịu sào, không tìm ai để thoái thác trách nhiệm được, kết quả là gánh thêm đống nợ kha khá sau khi đã trừ đi khoản vốn góp ban đầu. Một thất bại đau đớn. Đau đến nỗi thời điểm đó nghĩ là không biết bao giờ thì gượng được dậy, vì số tiền đó tương đương với số tiền 3 năm vất vả tích cóp tại Nhật của mình. Mà số tiền tích góp được ấy thì mình đã đưa hầu hết cho bố mẹ để lo việc nhà, nên chẳng còn đồng nào trong túi để trả nợ cả.
Quay trở lại chặng trước một chút, tháng 7/2018, mình được mời tới một sự kiện của công ty A, một trong hai công ty đã gọi mình về làm giai đoạn mới về. Lúc này các anh em bên A đã rất phát triển và xây dựng được nền tảng vô cùng tốt. Mình đã gặp được vợ của mình bây giờ, lúc đó cô ấy đang làm giáo viên ở công ty A. Rất may là trong quá trình ban đầu khi xây dựng trung tâm đầu tiên, mình được cô ấy hỗ trợ rất nhiều trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tuyển sinh và quản lý. Và chính trong những giai đoạn đầu khó khăn nhất, nhìn thấy hướng sụp đổ của công ty mà mình và 2 người anh em vừa lập ra, thì chúng mình kết hôn. Tháng 4/2019 cưới, tháng 6, mình buộc phải tuyên bố phá sản vì không thể hoạt động được nữa. Hai vợ chồng mới cưới, nhìn đống nợ phải trả trong tay mà chỉ cười, vì ngoài cười không biết làm thế nào cả.
Thời đó, lương ở công ty B mình nhận được 12 triệu, cứ theo đà đấy nếu tiếp tục, mình sẽ mất gần 4 năm không ăn không tiêu gì mới trả hết đống nợ. Lại tiếp tục là một quyết định bản thân buộc phải đưa ra trong tình trạng khó khăn đủ bề. Vợ bảo “phi thương bất phú”, nếu không kinh doanh, có lẽ sẽ rất rất lâu sau mới có thể trả được hết nợ, mà anh còn ở công ty B, em nghĩ anh sẽ khó tập trung, nếu mình không cắt hết đường lui, có lẽ mình sẽ khó có thể vượt qua giai đoạn này. Vì vậy, dù rất tiếc nhưng mình đã xin phép anh em rút lui để tìm hướng tự kinh doanh.
Thất bại rồi, không còn đường lui nữa rồi, thay đổi hay là chết, đó là những gì mà mình nghĩ trong lúc ấy. Một thằng đầy tự tin về bản thân mình trong suốt mấy năm ở Nhật, luôn nghĩ là về Việt Nam sẽ thành công, cuối cùng lại đối mặt ngay với thất bại khốc liệt. Đây là một bài học vô cùng lớn và đắt giá mà mình đã phải trả bằng rất nhiều tiền trong những năm đầu về khi mới về nước.
LÀM LẠI TỪ ĐẦU
Bình tâm lại, mình và vợ đã thử nghĩ nhiều phương án kinh doanh khác nhau, tuy nhiên chưa thấy phương án nào khả quan vì không có cái gì là điểm mạnh và tận dụng được những công cụ mà mình đang có. Tình thế khá nguy hiểm và trong đầu mình luôn phải suy nghĩ làm cách nào để tìm được một đường thoát trong tình thế này.
Rồi một ngày mình nghĩ rằng, bản thân là thực tập sinh, trong suốt mấy năm trầy trật học tiếng và làm việc, mình hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của các bạn khi đi làm mà không có tiếng Nhật. Mình đã chứng kiến rất nhiều cảnh thực tập sinh các công ty khác bị bắt nạt ở công trường chỉ vì kém tiếng, những người này nếu mình giúp được họ giải quyết vấn đề, liệu họ có giúp mình thoát ra khỏi được tình thế khó khăn hiện thời không?
Thị trường thời điểm bấy giờ, chưa có quá nhiều công cụ, chương trình hỗ trợ học tập từ xa, nên khi sang Nhật hầu như người học phải tự học. Có những lớp học tiếng Nhật cho người nước ngoài ở các địa phương do từng nơi tổ chức, nhưng hầu như vào cuối tuần. Mà anh em thực tập sinh thì nghỉ được mỗi cuối tuần nên cũng ít người tham gia. Chưa kể việc học thì cần sự liên tục mới ra hiệu quả. Ở Việt Nam cũng có các trung tâm dạy online, nhưng chủ yếu là qua khóa học video. Mà lúc đó mình nghĩ, người học nếu chỉ học qua video đôi khi bị mất động lực, học không liền mạch sẽ dẫn tới không hiệu quả, đâu vẫn đóng đấy. Nhiều người mất tiền mua về nhưng học được vài hôm lại bỏ, rất lãng phí.
Vậy tại sao mình không đưa giáo viên vào giảng dạy trực tiếp? Nghĩ là làm, hai vợ chồng chia công việc. Mình lo truyền thông – marketing, vợ lo xây dựng chương trình, giảng dạy, tuyển giáo viên, tuyển sinh, quản lý lớp học. Những ngày đầu thực sự đã rất khó khăn, vì không có người làm, hai vợ chồng hầu như đã phải cày ngày cày đêm để cùng nhau thiết kế các bài giảng, lên các kế hoạch kinh doanh.
Và vận may đến thật. Mọi người thực sự cần sản phẩm đó. Vợ mình thời điểm đấy mới mang bầu cậu con trai đầu lòng được vài tháng, hầu như đã phải nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ kịp thời cho các bạn học viên tham gia các lớp vì số lượng người quan tâm và ủng hộ chương trình rất lớn. Tới giờ mình vẫn còn nhớ rõ hình ảnh vợ mình tư vấn học viên cho tới trước lúc sinh con trong viện.
Với những nỗ lực và quyết tâm ấy, cùng với sự ủng hộ động viên của rất nhiều học viên là các bạn thực tập sinh thời bấy giờ, hai vợ chồng đã thực sự mừng rơi nước mắt vì đã trả được khoản nợ to đùng kia và bắt đầu có vốn liếng để thuê thêm người làm, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Vì mình cung cấp đúng sản phẩm cho thị trường, nên năm 2019 và 2020 chúng mình kinh doanh khá thuận lợi. Chương trình đào tạo bên mình xoáy sâu vào việc giúp cho các bạn thực tập sinh học đến đâu áp dụng vào công việc đến đó, nhanh chóng hòa nhập tốt hơn với môi trường công việc, giúp được rất nhiều bạn phát triển được năng lực tiếng để các bạn có đời sống tốt hơn ở Nhật. Đội ngũ cứ thế mở rộng, thời điểm đông nhất, bên mình quản lý tới 250 bạn giáo viên online và khoảng gần 30 bạn nhân viên fulltime.
Những tưởng việc kinh doanh cứ thuận lợi như thế mãi cho đến về sau, thì dịch COVID bùng phát.
Xem thêm:
Sang Nhật theo diện kỹ sư – con đường nào nhanh và tiết kiệm chi phí?
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỪ ĐẠI DỊCH & ĐỒNG YÊN MẤT GIÁ
Giai đoạn đầu, chúng mình không cảm nhận được sự ảnh hưởng lớn của đại dịch tới công việc kinh doanh mấy ngoại trừ việc cách ly xã hội và work from home. Với thế mạnh kinh doanh online, chúng mình vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí là phát triển hơn ngay cả trong đại dịch, khi mà người người khó khăn vì không thể duy trì kinh doanh. Tuy nhiên, điều này chẳng kéo dài được bao lâu.
Khi cách ly xã hội và đại dịch còn tiếp diễn, rất nhiều đơn vị như các công ty du học, phái cử…không hoạt động được vì học viên không thể xuất cảnh, cũng không đào tạo tập trung được. Vì lý do đó, các công ty cũng bắt đầu phải tự tổ chức ra các chương trình đào tạo online để đào tạo cho học viên của mình. Và cũng từ đó, rất nhiều tổ chức, cá nhân nhận ra sự chuyển dịch của các phương pháp đào tạo, nhận ra xu hướng đào tạo để phù hợp hơn với giai đoạn mới. Ấy là lúc thị trường đào tạo của công ty mình dần bị thu hẹp lại. Chưa kể tới, việc người lao động không thể nhập cảnh, khiến cho lượng khách hàng mới không có sự luân chuyển, dần dần việc tuyển sinh các khóa học trở nên khó khăn hơn.
Ngay cả khi đại dịch đã kết thúc, thì câu chuyện này cũng chẳng khá hơn là bao. Thị trường đào tạo đã bị định hình, sự cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, bản thân mình khi ấy vẫn đang rất tự tin trên chiến thắng của mình, chưa thay đổi nhận thức kịp để nhận ra và thay đổi. Sau đó là những ngày tháng gồng gánh, duy trì bộ máy và vận hành công ty cho tới tận giữa năm 2023 này – nhưng chỉ ở mức duy trì.
Đồng Yên thấp xuống mốc 160 khiến số tiền học phí mà một bạn học viên nộp phải tăng cao lên tới hơn 30% so với thời điểm những năm 2019 – 2021, điều này khiến việc tuyển sinh bên mình trở nên khó hơn. Chưa kể, cạnh tranh quá lớn khiến các lớp học ở giai đoạn này cũng tuyển sinh ít đi. Mình nghĩ giai đoạn này, có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, những rủi ro về chính trị, kinh tế đang ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của mọi người, khó khăn là khó khăn chung rồi, vấn đề là giải quyết khó khăn như thế nào. Mình lại tiếp tục phải đối diện với khó khăn, lại phải thay đổi nhanh để phù hợp với tình hình thực tế, hoặc lại phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Những anh em còn tiếp tục làm việc và đồng hành cùng mình trong suốt những thời điểm khó khăn này, là những người cộng sự vô cùng tuyệt vời và phù hợp với tinh thần của tổ chức. Nếu vì một điều gì đó mà không thể tiếp tục làm việc được cùng nhau và giúp đỡ họ phát triển sự nghiệp, tăng thêm thu nhập và có một tương lai tốt đẹp hơn, đó là một điều vô cùng nuối tiếc của mình. Chính suy nghĩ ấy thôi thúc mình không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, học tập và đổi mới tư duy và lựa chọn thay đổi để dấn thân sang một lĩnh vực mới – xuất bản và phân phối sách.
Người Việt mỗi khi sang Nhật, đều rất băn khoăn trong việc tìm mua những bộ sách phù hợp với những mục tiêu của mình. Các bạn thực tập sinh như mình ngày xưa cũng không phải là ngoại lệ. Các bạn hầu hết đều sang Nhật khi vốn tiếng Nhật mới chỉ qua được 20-25 bài Minna no Nihongo, khả năng hội thoại chưa có mấy, từ ngữ chuyên ngành mà các bạn cần nắm được để phục vụ cho công việc cũng nhiều nhưng tuỳ vào công ty tiếp nhận hay nghiệp đoàn mà có bạn được đào tạo cẩn thận, có bạn không. Nhưng để làm tốt công việc và có một cuộc sống đỡ vất vả hơn ở Nhật, thì các bạn lại là đối tượng cần phải nỗ lực tự học rất nhiều để tăng vốn tiếng Nhật.
Ở Nhật đã có rất nhiều bộ sách quen thuộc, như Minna no Nihongo, như các bộ sách luyện thi N3-N2-N1, hay các trang web tổng hợp và giải thích ngữ pháp JLPT bằng tiếng Việt. Nhưng bộ sách mà bọn mình hướng tới là bộ sách tổng hợp và giải quyết được tất cả các nhu cầu của các bạn thực tập sinh mới sang Nhật: vừa hỗ trợ học kaiwa cơ bản, lại vừa có ngữ pháp – từ vựng đi kèm giải thích tiếng Việt, vừa có danh sách các từ ngữ chuyên ngành tối thiểu cần biết, lại vừa khơi gợi được hứng thú học lấy chứng chỉ JLPT N3-N2-N1 trong các bạn.
Chưa từng có kinh nghiệm viết sách, chỉ có nhiệt huyết cùng kinh nghiệm đào tạo tiếng Nhật cho các bạn thực tập sinh trong gần 7 năm, nên để thực hiện ý tưởng này nhóm mình đã phải nỗ lực rất nhiều, cũng như nhờ tới sự hỗ trợ của rất nhiều bên. Và rất may là đầu tháng 11 vừa qua, thì bộ sách mà nhóm mình ấp ủ trong suốt 1 năm trời cũng đã được ra mắt và nhận được sự quan tâm của nhiều công ty làm trong lĩnh vực phái cử nhân sự cũng như các bạn thực tập sinh. Mọi sự vẫn mới chỉ ở bước khởi đầu, cũng chưa biết có thành công như mong đợi hay không, nhưng ít ra bộ sách cũng đã hoàn thành và nhiệm vụ của bọn mình trong thời gian tiếp theo là lắng nghe phản hồi của mọi người để ngày một hoàn thiện bộ sách hơn, cũng như gắng sức đưa nó tới tay được nhiều bạn thực tập sinh ở Nhật hơn.
LỜI NHẮN
Vậy là cũng đã gần 7 năm kể từ khi mình về nước và bắt đầu cuộc hành trình mới. Giai đoạn đầu dù có trải qua nhiều thất bại do những lầm tưởng về năng lực và giá trị của bản thân, nhưng nhờ biết vận dụng khả năng tiếng Nhật và những trải nghiệm quý giá có được trong 3 năm ở Nhật mà mình đã từng bước vượt qua được và dần có hướng đi riêng phù hợp hơn cho bản thân mình.
Sau tất cả những gì đã trải qua, mình vẫn thấy rất may mắn vì trong 3 năm ở Nhật làm thực tập sinh, mình đã dành thời gian học thật tốt tiếng Nhật. Chính vì nhờ có nó, mà mình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, khi toàn bộ vốn liếng tiền của tiết kiệm được trong mấy năm đi làm đều đã không còn.
Hiện giờ các phương thức học online đã phát triển hơn xưa rất nhiều, nên chỉ cần đủ quyết tâm, là việc tự học lên N3-N2, thậm chí N1 của anh chị em thực tập sinh không còn là cái gì quá xa vời như xưa nữa. Mỗi ngày chỉ cần 30 phút, trên đường đi làm, trước khi đi ngủ, ngồi đọc thêm một chút, tích tiểu thành đại, chắc chắn rồi tiếng Nhật của mọi người sẽ khá lên và cuộc sống, công việc sẽ dần thuận lợi hơn. Hy vọng sẽ ngày càng đọc được nhiều những tin vui về việc các anh chị em thực tập sinh ở Nhật lấy được chứng chỉ N2-N1 và có cuộc sống, công việc thành công ở Nhật cũng như sau khi về nước.
Hà Nội, tháng 11/2023.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận