MỐI DUYÊN TỪ HƠN 20 NĂM TRƯỚC
Mối duyên của mình và nước Nhật đã bắt đầu từ năm 2001, khi mình nhận được học bổng sang du học 1 năm theo diện sinh viên trao đổi tại trường Đại học Ngoại ngữ Nagoya. Hơn 20 năm trước internet chưa phát triển mạnh như bây giờ, việc tìm kiếm baito chủ yếu là thông qua các tạp chí giới thiệu việc làm thêm ở ga hay đi hỏi trực tiếp tại các quán, đâm ra mình đã mất tới tận 3 tháng mới kiếm được công việc làm thêm đầu tiên.
Học bổng hồi đó không quá nhiều nhưng nhà trường cũng hỗ trợ cho đủ thứ, từ tiền học tới ký túc xá giá rẻ,… nên thật ra không cần đi làm thêm cũng đủ tiền để sinh hoạt và đi du lịch, trải nghiệm một vài nơi. Nhưng vì nghĩ nếu chỉ vậy thôi thì khả năng tiếng cũng không lên được nhiều, nên hàng ngày sau khi đi học về, mình vẫn đều đặn đi làm tuần 5 buổi, mỗi buổi 5 tiếng. Nhờ quãng thời gian chăm chỉ đi baito này, mà vốn tiếng Nhật của mình khá lên trông thấy, ngoài ra mình còn có thêm một khoản tích luỹ nhỏ để có thể đi đó đi đây, trải nghiệm thêm những nơi mình thích ở Nhật. Những đồng lương baito đầu tiên trên đất Nhật ấy giúp mình hiểu và biết trân quý hơn những đồng tiền do chính công sức mình làm ra.
Sau một năm du học theo diện sinh viên trao đổi tại Nhật, mình quay trở lại trường ĐH Ngoại Thương để tiếp tục chương trình học còn dang dở. Mình tự hứa sau này khi có cơ hội nhất định sẽ quay trở lại nước Nhật một lần nữa để đi tới nhiều nơi hơn, trải nghiệm nhiều điều hơn, nhưng không ngờ là phải mất tới hơn 15 năm sau, mình mới có cơ hội thực hiện được tâm nguyện này.
CUỘC PHIÊU LƯU MỚI CÙNG CẢ GIA ĐÌNH
Sau khi về nước và hoàn thành tiếp 2 năm cuối tại trường Đại học Ngoại thương, mình thi đỗ vào chương trình quản trị viên tập sự của Unilever và chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Công việc đầu tiên đem lại cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng, nhưng sau 3 năm mình vẫn quyết định quay trở lại trường Đại học Ngoại Thương làm việc vì muốn tìm kiếm cơ hội học lên thạc sĩ để bồi dưỡng cho mình nhiều kiến thức hơn. Mình gặp và kết hôn với vợ mình – cũng là một giảng viên của ĐH Ngoại Thương trong thời gian làm việc tại đây. Năm 2011, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Anh về được một thời gian, mình chuyển qua phụ trách công việc quản lý quỹ tại một ngân hàng lớn trong nước vì muốn tiếp tục thử sức mình với 1 lĩnh vực mới. Mình làm tại đây trong 6 năm, và có thể sẽ còn dài hơn, nếu như không có một sự kiện xảy đến tạo ra bước ngoặt mới thay đổi hẳn cuộc sống của gia đình mình.
Sự kiện đó là việc vợ mình được học bổng đi du học tiến sĩ tại một trường Đại học lớn ở Nhật Bản.
Trước thời điểm vợ mình nhận được tin được học bổng sang Nhật du học, cuộc sống và công việc của mình ở Việt Nam đang khá thuận lợi. Bọn mình có nhà, có xe, có thu nhập ổn định. Hai cháu được bà hỗ trợ chăm sóc, nhà lại có giúp việc, cuối tuần nghỉ có thể tranh thủ đi đá bóng hay uống bia với bạn bè, tận hưởng cuộc sống.
Khi vợ mình nhận được kết quả đỗ học bổng 3 năm đi du học tại Nhật, cả 2 bên gia đình đã ngồi bàn bạc lại rất kỹ xem nên thế nào. Ở tuổi 35, khi mọi thứ ở nhà đã ổn địnhh, có lẽ không ai nghĩ mình sẽ chọn hướng đưa cả gia đình sang Nhật theo vợ để làm lại từ đầu. Nhưng mình đã chọn.
Một phần bởi mình vừa không muốn cả gia đình phải xa nhau suốt tận 3 năm trời, nhưng cũng lại không muốn vợ phải bỏ qua cơ hội học bổng mà cô ấy đã phải cố gắng rất nhiều để đạt được này. Một phần nữa là vì sau mười mấy năm cuộc sống và công việc cuốn trôi đi, những tưởng mong muốn được quay trở lại sống ở Nhật một lần nữa của ngày xưa đã phai nhạt, thì nay khi nghe tin vợ được học bổng du học Nhật, cảm xúc ấy lại quay trở lại cùng biết bao kỷ niệm của ngày xưa. Và lý do cuối cùng khiến vợ chồng mình quyết định chọn hướng đi này là vì suy nghĩ tới các con, muốn các con được sống trong một môi trường trong lành hơn, có điều kiện giáo dục tốt hơn.
Vậy là mình quyết định bỏ lại tất cả sự nghiệp đã xây dựng ở Việt Nam, cùng cả gia đình sang Nhật theo diện visa gia đình do vợ bảo lãnh để thử sức với một môi trường mới. Dĩ nhiên lần này khi chọn đưa cả gia đình sang Nhật, là mình cũng đã xác định sẽ tìm cách để xây dựng sự nghiệp mới tại đây, vì nếu sau 3 năm khi vợ hết học bổng mà cả nhà lại kéo nhau về khi mình đã ở tuổi 38, cái tuổi không dễ để có thể làm lại từ đầu ở Việt Nam thì mọi thứ sẽ rất dở dang. Và cuộc phiêu lưu mới của gia đình mình ở nước Nhật chính thức bắt đầu.
NHỮNG ĐIỀU HỌC HỎI ĐƯỢC TỪ CÔNG VIỆC BAITO Ở MC DONALD
Vốn tiếng Nhật còn rơi rớt lại sau mười mấy năm không giúp mình được nhiều trong thời gian đầu. Mình gặp khá nhiều khó khăn trong việc trao đổi với các thầy cô ở trường của 2 con, và đi xin baito ở đâu cũng đều bị từ chối vì tiếng Nhật còn kém quá. Tuy vậy, nhờ bản tính xởi lởi, quảng giao, luôn chủ động bắt chuyện, giao lưu với phụ huynh bạn bè của con (dù tiếng Nhật chưa tốt) khi đưa đón con tới trường nên mình cũng quen được vài người bạn Nhật. Một trong số họ khi nghe mình tâm sự về nguyện vọng muốn tìm baito để phụ bớt gánh nặng tài chính cho vợ đã giới thiệu cho mình công việc baito tại 1 tiệm Mc Donald gần nhà.
Kyoto cổ kính, ít du học sinh nên nhân viên quán Mc Donald mình vào làm 100% đều là người Nhật. Chính nhờ vậy mà trong thời gian làm tại đây, mình đã học hỏi được rất nhiều từ họ, không chỉ về tiếng Nhật mà còn về cả phong thái làm việc vô cùng nghiêm túc của người Nhật. Công việc của mình ở quán chủ yếu là đổ rác, lau dọn, phụ làm đồ ăn trong khu vực bếp thôi, nhưng tất thẩy mọi thứ đều có những quy tắc, luật lệ cần nhớ. Nhiều khi sự chỉn chu tới mức hơi “cứng nhắc” của những người Nhật cùng làm tại quán cũng khiến một “trung niên” 35 tuổi thuần Việt như mình cảm thấy bức bối, ngột ngạt. Nhưng dần dần, mình hiểu được rằng, sự chỉn chu trong công việc này chính là một nét tính cách vô cùng đáng quý của người Nhật mà mình cần phải học hỏi nếu muốn sống và làm việc lâu dài tại Nhật.
Bạn bè ở nhà thi thoảng hỏi thăm biết mình đang làm baito ở 1 quán ăn nhanh cũng hỏi có thấy chán nản, hối tiếc khi từ bỏ công việc ổn định, lương cao ở nhà rồi sang đó lại phải dọn dẹp, rửa bát như vậy không? Nhưng quả thật trong suốt hơn 1 năm rưỡi làm tại Mc Donald, chưa một giây phút nào mình cảm thấy chán nản hay hối hận về con đường mà bản thân đã chọn. Mình luôn suy nghĩ tích cực, cho rằng việc làm thêm này không chỉ để phụ giúp kinh tế cho gia đình, mà còn là con đường, là bàn đạp mà mình cần đi qua để rèn luyện tiếng Nhật, học hỏi phong cách làm việc của người Nhật cho thật tốt trước khi thật sự thâm nhập sâu hơn vào xã hội Nhật và xin một việc làm fulll-time chính thức tại Nhật.
CÔNG VIỆC CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN
Tháng 5/2019, sau hơn 1 năm rưỡi làm việc tại Mc Donald, cảm thấy vốn tiếng Nhật của mình đã cải thiện đáng kể, và thời gian dành để nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường việc làm ở Nhật cũng đã đủ lâu, mình bắt tay vào tìm kiếm các tin tuyển dụng phù hợp và nộp đơn ứng tuyển.
Sau một vài vòng xét hồ sơ, mình được một công ty IT lớn của Việt Nam có trụ sở tại Nhật gọi phỏng vấn cho vị trí trưởng nhóm báo cáo an toàn tại công ty khách hàng của họ. Do mình ở tận Kyoto mà công ty lại ở Kanagawa, nên lúc đầu họ có đề nghị phỏng vấn với mình qua web meeting. Tuy vậy, nhận thấy việc nói chuyện qua online khó có thể thể hiện được nhiều về bản thân bằng offline, nên mình đã trao đổi với bên nhân sự nhờ sắp xếp giúp một cuộc phỏng vấn trực tiếp, và mình sẽ đi tàu từ Kyoto lên Kanagawa để gặp họ. Quyết định đúng đắn này đã giúp mình nhận được offer công việc chính thức đầu tiên tại Nhật, vì chỉ sau 30p trao đổi trực tiếp, phía công ty khách hàng đã đồng ý nhận mình luôn.
Nhận được tin báo đỗ, mình cảm giác như trút bỏ được cả một gánh nặng đã mang trên vai trong suốt 2 năm trời. Mình nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi visa từ visa gia đình sang visa kỹ sư, sau đó một mình khăn gói lên Kanagawa để ổn định công việc và chỗ ở trước, rồi mới đón vợ và 2 con từ Kyoto lên sau.
Sau khi thu xếp được ổn định công việc và nhà cửa tại Kanagawa, mình đón vợ con từ Kyoto lên để cà nhà cùng đoàn tụ. Vợ mình cũng chuyển từ visa du học sinh sang visa phụ thuộc chồng để tiện làm các thủ tục về sau. Hai bạn nhỏ tuy phải tạm biệt bạn bè đã quen thuộc và gắn bó hơn 2 năm trời ở dưới Kyoto, nhưng cũng may trẻ con thích nghi nhanh, tiếng Nhật sau 2 năm đi học nói có khi còn giỏi hơn bố mẹ rồi, nên cũng không nhiều thời gian để làm quen với môi trường mới.
Công ty khách hàng mà mình được cử tới là một tập đoàn xe hơi khá lớn của Nhật. Mình đảm nhận vai trò trưởng nhóm phụ trách báo cáo an toàn, tổng hợp các báo cáo kỹ thuật của các bộ phận chuyên môn rồi gửi cho cấp trên phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình đảm nhận công việc này, mình cũng gặp phải không ít khó khăn.
Thứ nhất là về tiếng Nhật. Dù khả năng nghe nói đã tiến bộ khá nhiều trong hơn 2 năm sống ở Nhật, nhưng khi đi vào làm việc trong môi trường business, phải trao đổi nhiều từ ngữ chuyên ngành bằng tiếng Nhật, mình vẫn gặp ít nhiều khó khăn. Cảm giác giống như cố gắng truyền đạt thì họ vẫn hiểu, nhưng không được trơn tru, mượt mà lắm.
Thứ hai là do công việc liên quan nhiều tới kỹ thuật, trong khi background của mình lại là kinh tế – tài chính, nên để nắm bắt các vấn đề mà team trao đổi mình cũng mất nhiều thời gian hơn so với các bạn khối kỹ thuật khác.
Đúng lúc đang phân vân lưỡng lự về hướng đi trong công việc, thì Corona bùng phát. Sản xuất đình trệ, kinh tế khó khăn, hàng loạt công ty sản xuất tại Nhật có động thái cắt hợp đồng với nhân viên haken. Trước tình hình như vậy cảm thấy nếu tiếp tục ở lại đây làm với vai trò nhân viên haken đi tới làm việc tại các công ty khách hàng, thì cơ hội phát triển sự nghiệp của mình sẽ rất hẹp, vậy là mình quyết định chuyển việc để tìm kiếm một cơ hội khác phù hợp hơn.
TỔ ẤM NHỎ VÀ NHỮNG THỬ THÁCH MỚI
Như mình có chia sẻ ở trên, từ trước tới giờ mình vốn là người quảng giao, quen và giữ được mối quan hệ tốt với rất nhiều người. Khi còn làm việc ở Việt Nam và phụ trách một vài dự án liên quan tới phía Nhật, mình có quen biết và giữ quan hệ với một bác khách hàng người Nhật và vẫn giữ liên lạc với bác từ hồi đó cho tới tận bây giờ. Hồi ở Kyoto do cách xa về khoảng cách địa lý nên mình chỉ thi thoảng liên lạc với bác qua email, điện thoại, nhưng từ khi lên Kanagawa mình và bác thường xuyên hẹn gặp và trò chuyện với nhau hơn. Khi có ý định chuyển việc, mình cũng tâm sự với bác và được bác giới thiệu vào làm tại một công ty Nhật làm trong ngành thép đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Họ cần người hiểu biết về môi trường đầu tư ở Việt Nam, tiếng Nhật ổn, hiểu về dòng tiền,…đúng mảng mà mình có kinh nghiệm, vậy là mình lại có cơ hội thử sức với công việc thứ hai ở Nhật.
Công việc chính của mình ở công ty mới là hỗ trợ cho công ty trong các dự án đầu tư vào Việt Nam, như xin giấy phép đầu tư và xây dựng nhà máy ở Việt Nam, quản lý quỹ đầu tư, quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. Toàn bộ những kinh nghiệm, mối quan hệ có được trong hơn 10 năm hoạt động trong ngành tài chính – ngân hàng ở Việt Nam của mình được dịp phát huy triệt để. Mình cảm thấy vô cùng thoải mái và tự tin khi có thể phát huy toàn bộ những sở trường của bản thân.
Cuối năm 2022, sau gần 3 năm làm việc tại công ty thứ 2, cuộc sống của gia đình tại Kanagawa cũng bước đầu ổn định, mình quyết định mua một căn nhà nhỏ ở Tokyo để ổn định cuộc sống ở đây. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình về mặt tài chính, và nhờ một em kohai cùng trường hỗ trợ trong quá trình tìm nhà, cuối cùng mình cũng tìm được căn nhà ưng ý.
Mọi thứ tưởng chừng cứ thế êm đề trôi đi, nhưng bước ngoặt mới lại đến với mình và gia đình. Sau 3 năm đầu tư vào Việt Nam, công ty đã xây xong nhà máy và bác Chủ tịch có ý định cử mình về Việt Nam để quản lý trực tiếp nhà máy trong 1-3 năm. Tuy vậy, 2 bạn nhỏ nhà mình đang trong độ tuổi lớn, cần nhiều sự dạy dỗ, chỉ bảo của cha, nên mình cảm thấy không sẵn sàng xa gia đình để về Việt Nam công tác trong thời điểm này.
Sau nhiều lần trao đổi mà không tìm được tiếng nói chung, mình quyết định nghỉ việc để tìm một nơi mới phù hợp với hoàn cảnh của gia đình hơn. Đúng lúc này thì em kohai cùng học Ngoại Thương đã từng giúp mình mua nhà đăng thông tin tuyển người mới vào làm cùng, thế là mình quyết định ứng tuyển, thử sức mình với một lĩnh vực mới, vì trong quá trình làm việc cùng trước đây, mình thấy bản thân và em kohai có nhiều tiếng nói chung, và tiềm năng của ngành bất động sản cho người Việt ở Nhật trong vài năm tới cũng rất lớn. Dù là khách hàng cũ, lại còn là sempai ở trường đại học, nhưng mình cũng phải trải qua các đủ tất cả các vòng xét hồ sơ và phỏng vấn như tất cả các ứng viên khác trước khi được nhận vào làm.
Hiện giờ mình đã vào công ty mới được nửa năm rồi, dù có rất nhiều điều vẫn phải học thêm mỗi ngày, nhưng mình cảm thấy rất có động lực cố gắng với công việc mới. Dù là một ngành mới, nhưng lại có rất nhiều kỹ năng có được từ những công việc trước đây mình có thể tận dụng để phát huy được: ví dụ như kỹ năng sales học được từ thời còn ở Unilever giúp mình dễ dàng nói chuyện được với khách hàng hơn, kiến thức và kinh nghiệm trong mảng tài chính giúp mình thuận lợi hơn khi làm việc với ngân hàng hay tư vấn về dòng tiền cho khách. Ngoài ra, với tư cách là 1 người đã từng mua nhà, mình có thể tự tin hơn để tư vấn cho khách hàng dựa vào chính kinh nghiệm thực tế của bản thân, thấu hiểu được những sự quan tâm hay lo lắng của người mua trong quá trình tìm hiểu thủ tục mua nhà.
Để có thể phát triển hơn nữa trong ngành này, mình cần thi đỗ chứng chỉ Takkenshi. Đây là một chứng chỉ quốc gia khá khó của Nhật, ngay cả nhiều người Nhật có kinh nghiệm làm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cũng phải thi tới 2-3 năm mới đỗ nên mình cũng xác định sẽ phải dành nhiều thời gian cố gắng thì mới đạt được mục tiêu này. Hiện nay mỗi ngày dù đi làm về sớm hay muộn, mình đều dành thời gian để ôn thi với mục tiêu sẽ thi đỗ Takken-shi trong vòng muộn nhất là 2 năm tới.
LỜI NHẮN
6 năm trước khi mình quyết định rời bỏ cuộc sống ổn định, công việc đang đà thăng tiến ở Việt Nam tuổi 35 để sang Nhật bắt đầu lại từ đầu, nhiều bạn bè cũng can ngăn vì cho rằng đó là một quyết định quá mạo hiểm. Bản thân mình và gia đình nhỏ của mình cũng không tránh khỏi những lo lắng, bất an nhất định trong những ngày đầu đặt chân đến đây. Nhưng nhờ luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực và cởi mở trong mọi mối quan hệ với những người xung quanh, nên mình đã được rất nhiều “quý nhân” là bạn bè, người quen ở Nhật hỗ trợ trong mọi việc. Từ việc tìm kiếm baito trong những ngày đầu khi tiếng kém, tới sau này khi chuyển việc, hay tìm nhà,…Nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà sau 6 năm, mình cũng đã bước đầu gây dựng lại được cuộc sống ổn định như ngày còn ở Việt Nam.
35 tuổi bỏ lại tất cả để sang Nhật, 37 tuổi kiếm được công việc full-time đầu tiên ở Nhật, vừa bước qua tuổi 40 lại bắt đầu học hỏi lại từ đầu với công việc ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Hy vọng câu chuyện về hành trình của mình trong 6 năm qua sẽ ít nhiều đem tới chút cảm hứng khám phá cuộc sống mới ở Nhật cho những bạn sắp hay mới đặt chân sang Nhật để bắt đầu mọi thứ khi đã qua độ tuổi 30. Chỉ cần chúng ta thật sự mong muốn, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một cuộc phiêu lưu.
Tokyo, tháng 9/2023
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận