CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN VÀ QUYẾT ĐỊNH DU HỌC
Sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương, mình từng có gần 4 năm làm việc tại một công ty giao nhận vận tải ở Hà Nội trước khi nhận được học bổng du học ở Nhật. Ở trường, mình được học khá bài bản về các nghiệp vụ thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu, có khả năng nói được tương đối lưu loát cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Nhưng khi bước chân vào công việc thực tế, mình vẫn shock toàn tập vì nó quá khác so với những gì mình từng tưởng tượng.
Một phần công việc hàng ngày của mình là điện thoại và email qua lại với nhiều khách hàng và hãng tàu bằng cả tiếng Anh, tiếng Nhật, và tiếng Việt. Thi thoảng đi dịch cho sếp, đi bàn bạc giá thuê tàu, các phương án logistics, nói chung cũng có khá nhiều trải nghiệm thú vị.
Nhưng phần lớn lượng thời gian còn lại trong ngày mình phải gọi điện nói chuyện với các bác xe ôm, với các chú lái xe tải, với mấy anh chuyển phát nhanh, hỏi xem hàng và chứng từ đang ở đâu, có bị kẹt ở đâu không, có kịp đóng hàng không, có kịp chất lên tàu trước khi tàu xuất bến không. Thỉnh thoảng mình còn phải đi xuống các bến container, kiểm tra quy cách và mang chổi với khăn ra vệ sinh container để kịp hôm sau đóng hàng.
Đó là chưa kể những lần bộ hồ sơ dày cộp bị trả lại, bị lưu chờ hôm sau mới xử lý trong khi hàng phải rời cảng ngay trong đêm. Có những ngày mình nghe hàng mấy chục cuộc điện thoại phàn nàn, bị chị khách hàng mắng vì hàng không được giao đúng giờ, bị anh hải quan bắt chạy về làm lại giấy tờ từ đầu, bị chú lái xe tải mắng vì gọi điện lắm trong khi sếp thì sốt ruột cũng mắng vì khi sếp hỏi mình không biết hàng đang ở đoạn nào trên Quốc lộ 5.
Nói chung là vất vả.
Không biết bao nhiêu lần trong 1 năm đầu tiên mình tự hỏi, mình đang làm cái gì ở đây và sẽ học được cái gì từ những “đối tác” xung quanh mình.
Nhưng ngẫm lại thì từ những công việc nghe chẳng có chút hoa mỹ nào ở trên, mình đã học được rất nhiều thứ. Mình học được các loại chi phí xăng xe, chi phí “ngầm” trên mấy trục đường chính ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, học nhiều kỹ năng văn phòng, kỹ năng giao tiếp với tất cả mọi người với đủ kiểu tính cách và background khác nhau.
Hồi đó những bất cập gặp phải trong quá trình làm việc khiến mình tò mò và bắt đầu tìm hiểu về chính sách phát triển kinh tế và quản lý hành chính của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mình tò mò về những điểm khác biệt, quá trình cải cách để tăng hiệu suất và giảm tham nhũng hơn so với ở Việt Nam. Mình bắt đầu tìm kiếm các thông tin để xin học bổng đi học thạc sĩ ở nước ngoài, bắt đầu từ những keyword liên quan tới chính sách công, quản lý nhà nước và các vấn đề liên quan. Trong quá trình viết hồ sơ và phỏng vấn vào các trường đại học, nhờ có những trải nghiệm trong gần 4 năm làm việc thực tế ấy đã giúp mình may mắn đỗ vào chương trình thạc sĩ chính sách công của một trường sau đại học thuộc Đại học Tokyo và được nhận được 1 suất học bổng từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), suất học bổng vốn dĩ thường chỉ dành cho công chức nhà nước và những người trong giới nghiên cứu, học thuật.
Xem thêm:
Du học Nhật Bản – Những điều nên biết
NHỮNG TRẢI NGHIỆM VÀ NGÃ RẼ
Tháng 8/2012, mình chính thức có cơ hội đặt chân sang Nhật lần đầu sau hơn 8 năm kể từ ngày bắt đầu học tiếng Nhật. Cuộc sống du học của mình trong khoảng hơn 1 năm đầu khá tươi đẹp. Mình được học tại một ngôi trường tốt, có danh tiếng, hàng tháng nhận được một khoản học bổng đều đặn, không phải baito vẫn đủ chi phí sinh hoạt và trải nghiệm nhiều thứ.
Năm học đầu tiên đối với mình thật sự đáng nhớ. Mình được tham gia nhiều event của trường, đi tham quan thực tế tại các cơ quan hành chính của Nhật, tới thăm trụ sở của các Đảng chính trị, các tổ chức dân sự tại các địa phương ở Nhật. Lớp mình có 25 người, tới từ 20 quốc gia thuộc đủ mọi châu lục từ châu Á, châu Âu tới châu Mỹ, châu Phi, rất đa sắc màu. Mình được học tham gia nhiều cuộc tranh luận thú vị về nhiều lĩnh vực trong khoa học chính sách, giao lưu và quen biết với nhiều người có cùng mối quan tâm khiến mình cảm thấy cuộc sống du học quả thật không có gì có thể tuyệt vời hơn được nữa.
Nhưng mọi thứ chỉ ổn cho tới hết năm đầu tiên.
Sang tới năm thứ 2, khi chương trình học của mình dần bước vào giai đoạn kết thúc, bạn bè xung quanh ai cũng có những dự định riêng sau khi tốt nghiệp: người thì về nước, người thì quyết định đi làm, người thì học lên, chỉ có mình mình là vẫn mông lung không biết nên chọn hướng nào. Mình bắt đầu rơi vào khủng hoảng lần 2 khi đứng trước “áp lực đồng trang lứa” và áp lực phải đưa ra những lựa chọn quan trọng mà mình nghĩ mình sẽ phải chịu trách nhiệm trong suốt cuộc đời như ở lại hay đi về, học lên hay đi làm, đi làm thì đi làm công việc gì, học lên thì học như thế nào, cần thu xếp thời gian, tài chính, công việc và chuyện riêng tư ra sao.
Mình học khối xã hội, lại là chuyên ngành chính sách công, nghiên cứu tìm hiểu về rất nhiều chủ đề, nhưng không thực sự chuyên sâu vào một vấn đề nào cả. Nên nếu chọn học lên tiến sĩ cũng thách thức vì mình sẽ cần dành nhiều thời gian để tìm kiếm một chủ đề chuyên sâu hơn và viết kế hoạch nghiên cứu. Việc xin đi việc tại Nhật cũng khó khăn không kém vì mình đã bỏ lỡ mùa xin việc dành cho sinh viên mới tốt nghiệp tại Nhật và cũng ít cơ hội tìm được những đơn vị tuyển dụng có liên quan gì tới ngành mình học. Về nước và làm việc tại các cơ quan hành chính cũng là một hướng tốt để phát huy kiến thức được học trong 2 năm thạc sĩ. Tuy nhiên lúc đó mình lại cảm thấy bản thân không đủ tự tin để về và bắt kịp được với nhịp làm việc ở các cơ quan tại Việt Nam.
Sau rất nhiều băn khoăn, trăn trở không biết phải chọn con đường nào, mình quyết định cứ làm tiếp việc mình đang làm khá tốt – tức là tiếp tục ở lại trong môi trường học thuật mà mình đã “trú ngụ” suốt 2 năm qua: Mình thi lên tiến sĩ.
Mình tính để chuẩn bị đề tài nghiên cứu và ôn thi vào chương trình tiến sĩ, mình cần thêm khoảng 6 tháng tới 1 năm làm nghiên cứu sinh để ôn thi vào các chương trình bậc tiến sĩ. Học bổng mà mình nhận được từ Ngân hàng ADB chỉ dành cho 2 năm học thạc sĩ. Để tiếp tục học lên, mình cần chuẩn bị một khoản tiền đủ để trang trải học phí và sinh hoạt phí cho ít nhất là 1 năm tiếp theo, trước khi tìm được học bổng mới.
Và mình bén duyên với MPKEN – một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật trong khoảng thời gian này. Đó là lúc MPKEN bắt đầu mở rộng các hoạt động hỗ trợ du học sinh và cộng đồng người nước ngoài tại Nhật, như tổ chức các lớp học kỹ năng, lớp học nấu ăn và giới thiệu văn hoá ẩm thực Nhật, đang cần tuyển nhân viên baito người Việt. Mình tình cờ xem trúng tin tuyển dụng của MPKEN trong lúc đang lang thang tìm trên mạng tìm các công việc kiểu dịch thuật, nhập liệu,… để kiếm thêm tiền tích lũy cho khoảng thời gian 1 năm sắp tới.
Công việc chủ yếu của mình ở MPKEN khi mới vào là dọn dẹp văn phòng, chuẩn bị hồ sơ tài liệu, dịch thuật, hỗ trợ các lớp học và event, đăng bài Facebook, gọi điện thoại cho các bạn du học sinh đang tìm việc. Quãng thời gian đầu làm ở MPKEN với các công việc nói trên đã giúp mình kết nối được nhiều hơn với cuộc sống và công việc thực tế, với những mối quan hệ đồng nghiệp, với những người có đủ kiểu background thay vì chỉ quanh quẩn với môi trường học thuật, và các mối quan hệ chỉ gói gọn giữa bạn bè cùng lớp và các giáo sư như trước đây, là bước đệm giúp mình bớt cảm giác “sợ” đi làm hơn.
Xem thêm:
Chia sẻ của người trong cuộc: Với tôi, trầm cảm là một trải nghiệm
HỘI CHỨNG KẺ MẠO DANH
Mình dành toàn bộ kỳ nghỉ hè cuối cùng ở chương trình thạc sỹ để vừa làm baito tại MPKEN vừa tìm kiếm trường, gặp gỡ giáo sư, làm hồ sơ vào nghiên cứu sinh ở một chương trình khác trong trường Đại học Tokyo. Sau thời gian làm nghiên cứu sinh, mình đỗ vào chương trình tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản và may mắn được sempai giới thiệu học bổng của quỹ Hirose.
Thời gian đầu mình thấy rất thú vị với chương trình học và nghiên cứu tại trường mới. Mình cũng có nhiều bạn hơn, các chủ đề nghiên cứu cũng trở nên rõ ràng hơn, sâu hơn.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm thứ 2, mình nhận ra có gì đó thay đổi trong con người mình. Mình thường xuyên rơi vào trạng thái trống rỗng, mất động lực và sự tích cực trong học tập và công việc. Những môn học trước đây mình đã từng thấy rất thú vị tự dưng không còn thu hút mình như trước nữa. Nếu trước đây mình rất hào hứng đi thư viện, tìm đọc tài liệu tham khảo, tham gia các buổi thuyết trình nghiên cứu, tranh luận với bạn bè về các bài báo, các phương pháp nghiên cứu thì thời gian đó tự dưng mình có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực chống đối lại với tất cả những thứ đó. Mình đã cố gắng điều chỉnh thời gian sinh hoạt, chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn hơn, nhưng mình cảm thấy không cải thiện được.
Mình có tâm sự với nhiều người, cả giáo sư hướng dẫn và những người bạn xung quanh mình và nhận được rất nhiều lời khuyên về việc sắp xếp kế hoạch nghiên cứu sao cho có thể giúp mình tạo ra động lực. Nhưng mình vẫn stress đến nổi mụn nổi khắp mặt và các mối quan hệ xã hội cũng xấu dần đi.
Mình nửa không muốn bỏ chương trình PhD, không muốn trở thành một người bỏ cuộc, nửa lại muốn thoát khỏi trạng thái tâm lý chán nản không hồi kết này. Hết 3 năm, mình không thể tốt nghiệp được như kế hoạch. Quỹ học bổng Hirose cho phép sinh viên có thể gia hạn thêm cho tới khi tốt nghiệp nếu họ chứng minh được tiến độ nghiên cứu cũng như những nỗ lực mình đang làm để hoàn thành chương trình. Nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian mình bị rơi vào trạng thái chán ghét bản thân, cảm giác mình đang lừa dối tất cả mọi người về năng lực và nỗ lực thực sự của bản thân (mà thường được gọi là “hội chứng kẻ mạo danh” trong tâm lý học – Imposter Syndrome). Việc ngồi và viết những bức thư thể hiện mình đang rất nỗ lực và nói về những kế hoạch trong tương lai khi đó là cực kỳ đau khổ với mình.
Mình quyết định không làm hồ sơ gia hạn học bổng nữa, vì mình nghĩ bản thân là gánh nặng của quỹ, và suất học bổng đó sẽ có ích cho những người có năng lực và biết cố gắng hơn. Mình quyết định “trừng phạt” bản thân bằng cách ép mình phải học trong điều kiện không có học bổng. Mình đã nghĩ mình sẽ có động lực hơn khi phải tự lo tài chính…
Sau khi quyết định từ bỏ học bổng, mình giảm bớt áp lực tâm lý đè nặng lên ngực bấy lâu, và cũng tạo động lực để mình tăng giờ làm baito hơn để có thể tiếp tục trang trải học phí và sinh hoạt phí. Nếu ngày trước mình chỉ lên văn phòng 1 ngày/tuần thì lúc ấy mình lên văn phòng 2-3 ngày, nhận nhiều việc và trách nhiệm hơn trong một số dự án. Việc này giúp mình có thêm cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người hơn, được nghe rất nhiều câu chuyện, trải nghiệm từ mọi người, giúp mình cảm nhận rõ hơn về thực tế cuộc sống ngay xung quanh mình, thứ mình có vẻ như mình đã hơi “xa rời” trong khoảng thời gian chỉ tập trung vào học tập và nghiên cứu trước đây.
1 năm vừa học vừa làm mà không có học bổng với tình trạng sức khỏe tinh thần vẫn chưa cải thiện được nhiều, mình bắt đầu nhìn nhận lại các giá trị quan của bản thân, định nghĩa lại khái niệm “kẻ thất bại” ở trong lòng mình. Mình nhận ra việc bỏ học tiến sĩ giữa chừng thật ra cũng không phải là cái gì đó quá kinh khủng và thất bại. Nó cũng không đồng nghĩa với việc sự nghiệp của mình đã bị huỷ hoại. Mà ngược lại, mình có nhiều hứng thú hơn với các chủ đề mới, với những con người thực tế xung quanh mình. Mình nghiên cứu thêm các tài liệu khoa học, sách báo về trầm cảm, về các hội chứng tâm lý, về sự hình thành của cảm xúc và liên hệ chúng với những thứ mình đang cảm thấy khi đó. Mình chia sẻ về những trải nghiệm tâm lý này trên Facebook, và nhận được nhiều sự đồng cảm từ rất nhiều người. Mình thấy mình không phải hoàn toàn là một kẻ mạo danh, hay một kẻ vô giá trị. Mình có thể có ích, chỉ là theo một cách khác với kế hoạch ban đầu của mình.
Mình chuyên tâm hơn vào công việc tại MPKEN và cũng có một số kết quả tích cực trong công việc. Mình được đề nghị vào MPKEN làm chính thức sau khi học xong. Nhưng mình đã xin ban giám đốc cho phép làm việc ngay vì đó là khoảng thời gian mà cộng đồng người Việt Nam đang bùng nổ tại Nhật và có nhiều ý tưởng mình muốn thực hiện ngay. Mình quyết định bỏ ngang chương trình học tiến si. Mình tìm gặp và nói chuyện với các giáo sư hướng dẫn, trái ngược với những gì mình tưởng tượng về sự thất bại, mình thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Các giáo sư, bạn bè, đồng nghiệp, không ai coi mình là kẻ thất bại như trước đây mình vẫn lo sợ, mọi người đều động viên và khích lệ mình với lựa chọn mới, hướng đi mới. Thời gian này giúp mình nhận ra, nếu chúng ta có rơi và ngã xuống đáy hồ đi nữa, điều đó cũng không hề đáng sợ như chính nỗi lo sợ của chúng ta. Cái đáy khi đó sẽ trở thành một cái nền vững chắc để giúp chúng ta bật lên và trở nên dũng cảm hơn.
Xem thêm:
Chia sẻ từ người trong cuộc: Nhật Bản và những cơn khủng hoảng
CÔNG VIỆC VÀ HƯỚNG ĐI MỚI
Thấm thoắt vậy mà cũng đã 10 năm kể từ ngày mình vào làm baito ở MPKEN, và 4 năm kể từ ngày mình quyết định trở thành nhân viên chính thức của tổ chức phi lợi nhuận với quy mô nhân viên chỉ dao động ở mức 5-6 người này. Bạn bè thi thoảng vẫn hỏi mình sao không thử sức ở một công ty nào đó quy mô to hơn, môi trường làm việc thử thách hơn, nhưng đối với mình, công việc ở đây có những điểm thú vị, hấp dẫn đủ để khiến mình không bị cảm giác ghen tị hay so sánh khi biết bạn bè cùng trường cũ đang làm ở các tập đoàn to, công ty lớn. Mình hoàn toàn có thể tự tin nói “Tớ không có ý định chuyển việc” khi có ai đó giới thiệu một công việc hấp dẫn nào đó ở một tập đoàn nào đó cho mình.
Mỗi ngày ở đây, mình được nói chuyện với khoảng 10-20 bạn mới, với rất nhiều background với những trải nghiệm và câu chuyện khác nhau. Mỗi câu chuyện mà các bạn chia sẻ, mỗi vấn đề mà các bạn gặp phải trong cuộc sống lại là một gợi ý để mình và các đồng nghiệp lên ý tưởng cho một content, hay một event/seminar gì đó hữu ích và hướng tới cộng đồng.
Dạo gần đây ngoài công việc ở MPKEN, mình cũng bắt đầu một dự án nhỏ của bản thân liên quan tới hỗ trợ tâm lý cho người Việt Nam ở Nhật (và cả 1 số quốc gia khác). Xuất phát điểm của dự án này bắt đầu từ những trải nghiệm của chính bản thân mình trong thời gian bản thân gặp khủng hoảng. Khi đó, mình chia sẻ khá nhiều bài viết về trải nghiệm tâm lý của bản thân lên Facebook cá nhân và có một số bạn khi đọc được đã nhắn tin và chia sẻ cảm xúc với mình mỗi khi gặp phải các đợt sóng tâm lý.
Ban đầu mình chỉ chia sẻ trong quy mô nhỏ với những người bạn xung quanh mình, nhưng khi đại dịch Corona bùng lên, số lượt nhờ tư vấn tăng lên, và mình cảm thấy mình không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tư vấn cho mọi người được nữa. Mình quyết định đăng ký học lấy chứng chỉ tư vấn tâm lý của một tổ chức tư nhân bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Nhưng tư vấn tâm lý hay coaching, trị liệu đối với mình là công việc cần nhiều kiến thức sâu, không chỉ là về tâm lý học, mà còn là xã hội học và triết học, mà khoá học kia lại không cung cấp đủ cho mình những kiến thức ấy, nên mình đăng ký học thêm cả chương trình tâm lý học tại một trường đại học từ xa của Nhật.
Và để mọi người có một địa chỉ để liên lạc, không bị trôi đi trên mạng xã hội, mình phát triển dự án tư vấn tâm lý của mình dưới tên Tomorrow.Care, lập website và đăng tải những bài test tâm lý, những bài viết chia sẻ trải nghiệm về tâm lý lên đó.
Kể từ khi đăng thông tin trên website, mình bắt đầu nhận được nhiều liên lạc từ các bạn nằm ngoài network của mình trên mạng xã hội hơn, không chỉ các bạn ở Nhật, mà còn nhiều nơi trên thế giới. Các câu chuyện mọi người chia sẻ cũng rộng hơn, với các vấn đề rộng hơn như bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, sang chấn tâm lý, đòi hỏi mình thường xuyên phải học tập và nghiên cứu về các chủ đề này.
Trong 3 năm vừa qua kể từ khi bắt tay vào thực hiện dự án, mình đã tổ chức gần 20 buổi seminar và khoá học dài kỳ miễn phí về kỹ năng đối mặt với trầm cảm. Mình đã tư vấn qua tin nhắn và video call với vài trăm lượt người đăng ký tư vấn.
Bài test trầm cảm đăng trên website của mình cũng có hơn 1200 lượt người làm , cho mình có thêm nhiều số liệu và thông tin về sức khỏe tinh thần của mọi người trong cộng đồng. Mình nhận được đề nghị làm tư vấn tâm lý tiếng Việt cho một số công ty và trung tâm giao lưu quốc tế ở Nhật.
Bạn bè thi thoảng vẫn hỏi liệu mình có dự định phát triển mạnh hơn nữa dự án này trong tương lai không. Nhưng đã từ lâu rồi mình không còn nghĩ quá xa về tương lai, mà chỉ rèn luyện thói quen làm tốt những việc mình đang làm hiện tại. Mình không mưu cầu gì to tát, không nghĩ tới chuyện sẽ trở thành người này người nọ, mình chỉ muốn làm sao để có đủ động lực và chi phí trang trải để tiếp tục những gì mình đang làm, vậy là đủ.
Xem thêm:
MPKEN tham gia tư vấn tâm lý cho người nước ngoài (người Việt Nam)
LỜI NHẮN
Khi còn trẻ, chắc hẳn chúng ta đều có tham vọng, muốn khẳng định mình, muốn tìm được ý nghĩa và mục tiêu cho cuộc sống của mình. Chúng ta đi tìm nó trong những thứ mới mẻ, những thứ đẹp đẽ và thú vị, những thứ được yêu thích và được công nhận. Dù vậy, vẫn sẽ có nhiều lúc chúng ta vẫn cảm thấy mông lung và mất phương hướng. Mình đã mất nhiều năm để nhận ra cách tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời mình bằng cách tự hỏi “mình có thể làm gì có ích cho ai vào lúc này?”. Câu hỏi ấy giúp mình nhận ra những gì mình có thể làm và những gì mình không thể làm, giúp mình định rõ mục đích cũng như ý nghĩa của từng việc nho nhỏ trong cuộc sống của mình. Mình không còn một cái đích cao xa nào nên mình không sợ lạc nữa. Việc của mình chỉ là bước những bước tiếp theo thật chậm, thật nhỏ và thật chắc. Mình không nghĩ tới nơi muốn đến nữa, mình chỉ muốn đi mà thôi.
Tokyo, tháng 7/2023
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận