Voice of Asean Sempai Vol 28

HÀNH TRANG DU HỌC

  Khoảng gần chục năm về trước, khi tôi còn là một thằng nhóc học cấp 3 mặt đen xì vì suốt ngày chơi bóng rổ, thì cũng là lúc bộ truyện tranh Slam Dunk nổi tiếng được phát hành ở Việt Nam. Đội bóng rổ của chúng tôi ngày ấy cũng nhiều trò và cũng nhiệt huyết y như những anh chàng trong truyện, nên mỗi tập mới ra là tôi lại say sưa đọc, và rồi từ đấy tôi bắt đầu tò mò về nước Nhật từ lúc nào không hay.

   Lên lớp 12, bố định hướng cho tôi đi Nhật vì công việc của ông cũng có liên quan khá nhiều tới Nhật, có dịp tiếp xúc nhiều với người Nhật, thấy họ hay, họ giỏi, nên bố muốn cho tôi đi học cho biết đó biết đây. Ý định là như vậy, nhưng tháng 7 năm ấy tôi vẫn lò dò đi thi Đại học và kết quả là trượt chổng vó. Chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi quyết định học tiếng Nhật để đi du học theo đúng như dự định ban đầu. Vầng, cái duyên của tôi với nước Nhật bắt đầu một cách “bất- khả-kháng” như vậy đấy.

   Nhiệm vụ đầu tiên của một đứa muốn du học ở Nhật, tất nhiên là học tiếng Nhật. Ngày đấy ở Hà Nội nổi tiếng nhất là trung tâm Núi Trúc, nhưng họ lại không nhận học viên vào giữa chừng, nên tôi đành chọn vào học một trung tâm nho nhỏ ở trên đường Giải Phóng. Trung tâm tuy nhỏ, nhưng cũng có giáo viên người Nhật, và cực kì nghiêm. Vì cô nghiêm quá nên mỗi buổi đi học tôi đều phải chuẩn bị bài rất kỹ vì sợ bị cô mắng. Cộng thêm hồi đấy mới trượt Đại học xong, nên cả ngày ngoài đi học tiếng Nhật ra tôi chả dám ló mặt ra ngoài đường, chỉ sợ bị người quen tóm được lại hỏi nọ hỏi kia thì thật không biết chui vào cái lỗ nào cho đỡ xấu hổ, đâm ra chỉ chưa đầy 1 tuần mà tôi đã học thuộc hết cả 2 bảng chữ cái.

   Ngày đấy mới học bập bẹ, gần như chưa nói được gì nhiều, nhưng tôi đã có thói quen để ý và học theo cách phát âm của cô giáo người Nhật ở trung tâm. Tôi nhớ có mỗi 1 câu giới thiệu bản thân mà cô hay nói trên lớp là “Tôi là Matsumoto, tôi là người Nhật” thôi, mà tối nào về tôi cũng ngồi nhắm mắt nhớ lại cách cô mở miệng khi phát âm, rồi âm cô nói xong bắt chước lại cho giống bằng được thì thôi.

   Đang học vào đà như thế thì 2 tuần sau tôi lại buộc phải chuyển sang một trung tâm khác vì trung tâm tôi đang học không đủ điều kiện cấp chứng chỉ để đi du học. Trung tâm tôi mới sang này thì đông học viên hơn, to hơn, nhưng lại chẳng có giáo viên người Nhật. Trung tâm mới có 2 ca học sáng và chiều để học viên chọn, nhưng vì về nhà cũng chả biết làm gì nên tôi xin phép được học cả 2 buổi cho chắc ngữ pháp. Nhờ vậy, sau 3 tháng học ở đây, tôi đã học hết ngữ pháp bài 45 trong quyển Minna no Nihongo và nắm khá chắc ngữ nghĩa của những phần đã học, chỉ có điều phần tập nói thì vẫn không đâu vào đâu vì không được tiếp xúc với giáo viên người Nhật nữa. Tháng 4/2009, sau khi nhận được COE, tôi lên đường sang Nhật và bắt đầu quãng đường 8 năm phiêu dạt của mình.

QUYẾT TÂM HỌC NÓI

  Sang đến nơi, chúng tôi được làm ngay một bài kiểm tra đầu vào để phân lớp ở trường tiếng. Vì ngữ pháp khá chắc nên tôi đỗ vào lớp cao nhất, học từ bài 43 của quyển Minna. Các bạn trong lớp này hầu hết đều là người Hàn Quốc, Trung Quốc, lại đã theo học từ kì trước nên ai nấy đều bắn tiếng Nhật như gió. Tôi ngồi học cùng được 2 buổi mà thấy ong hết cả đầu, thấy mình như kiểu …tượng đá trong lớp, nghĩ cứ ngồi học mà câm như hến thế này thì không ổn, nên quyết định xin rút xuống học lớp dưới – bắt đầu lại từ bài 22 để có thời gian học nói thêm.

  Hồi đấy tôi ở kí túc xá của trường, cùng phòng với một anh bạn người Trung Quốc cũng thích chơi bóng rổ. Hàng ngày cứ đi học về là 2 thằng lại vác bóng ra công viên gần đấy chơi, rồi lôi các mẫu câu- từ vựng vừa được học trên lớp ra để tập buôn chuyện với nhau cho mau nhớ. Lúc đầu chưa quen thì câu chuyện chỉ có dăm ba câu vớ vẩn hôm nay ăn gì, đi đâu, sau quen dần thì bắt đầu được những mẫu dài hơn, cảm thán các kiểu. Nói chung cứ có mẫu nào vừa học xong là phải cố vắt óc nghĩ ra một chuyện trong ngày phù hợp ngữ cảnh để kể với đứa kia, xong thằng kia nghe được hiểu được lại gật gù đáp lại, vui mà thấy dễ nhớ bài hẳn. Tôi nhớ có một hôm cũng như thường lệ, 2 đứa đang chơi bóng ngoài công viên thì gặp 1 anh người Thượng Hải, khi đó là SV năm 3 trường Tokyo Kokusai Daigaku, nói giọng y như người Nhật. Ấn tượng với anh này quá, tôi mới lân la lại hỏi bí quyết thì ông ấy chả nói gì, chỉ bảo tôi với thằng bạn nói thử cho ông ấy nghe xem thế nào.

  Vừa nói được vài câu, ông ấy đã kết luận là giọng tôi hơi trầm ồm, kiểu này nói tiếng Anh thì hay chứ tiếng Nhật thì không hợp lắm. Tôi nghe xong về buồn mất mấy hôm rồi nghĩ mình không hợp với tiếng Nhật thế này rồi thì chắc cố cũng không nói hay được….Nhưng càng nghĩ lại thì lại càng thấy cú, bảo Nhật cũng đầy ông giọng trầm ồm đấy thôi, chả nhẽ người ta cũng không nói tiếng Nhật hay được à?? Mình nói chưa hay chẳng qua là mình chưa cố đủ, phải cố thêm. Từ hôm đấy, ngoài việc học nói ra, tôi bắt đầu chú tâm hơn vào việc luyện phát âm sao cho giống người Nhật. Ở trên lớp thì tôi tranh thủ nhờ cô giáo người Nhật sửa giúp, còn khi đi làm thêm thì cũng cố để ý phát âm của cả chủ quán lẫn khách hàng để học theo.

   Hồi đó nhờ người quen của sempai giới thiệu mà tôi xin được làm chân chạy bàn trong một quán cafe nhỏ kiểu cổ chỉ có ông chủ quán và 1-2 đứa baito làm thay ca nhau. Quán nhỏ với không gian yên tĩnh giúp tôi vừa làm vừa để ý nghe được những câu chuyện của những vị khách thường lui tới quán. Mỗi khi bê đồ ra cho khách tôi thường để ý những mẩu hội thoại họ nói, xem có từ mới hay cấu trúc hội thoại nào mình vừa được học ở trên trường không, âm điệu, cách nhấn nhá của họ ra sao rồi lẩm bẩm trong đầu ghi nhớ để tối về nhà tập nói lại theo thành tiếng cho đến khi cảm thấy giống với những gì mình đã nghe lúc chiều. Kể cả cách ông chủ quán chào khách hay nói chuyện với khách tôi cũng để ý. Ví dụ như chỉ 1 cụm từ “Irasshaimase” thôi nhưng tôi để ý tuỳ tâm trạng hay vị khách bước vào mà âm điệu ông chủ quán nói ra cũng khác nhau, thế là tôi cũng để ý rồi về tập nói đi nói lại cụm từ ấy theo các sắc thái khác nhau.

   Việc lặp đi lặp lại đều đặn quy trình quan sát- nhớ âm- luyện bật ra thành tiếng này giúp tôi dần biết điều chỉnh cơ miệng khi nói tiếng Nhật, không còn nhịu hay vấp khi phải nói những cụm từ dài nữa. Và rồi đến một ngày tôi nhận ra hình như giọng tiếng Nhật của mình đã dần giống người bản xứ hơn, những câu nói bật ra trong từng hoàn cảnh cũng tự nhiên hơn và khả năng hội thoại đã lên dần đến mức có thể tranh luận khá thoải mái với các bạn người Hàn, người Trung Quốc mà tôi vốn rất hâm mộ về khả năng nói tiếng Nhật trước đây.

THỬ SỨC

   Sau 2 năm học trường tiếng, cuối cùng tôi cũng thi đỗ vào khoa Thương Mại trường Đại học Takushoku. Khoa tôi ngày đó không có sempai người Việt nào nên tôi phải tự lực cánh sinh tự tìm hiểu tất cả mọi thứ, từ thông tin môn học, đăng ký học trình, đến các hoạt động cần tham gia ở trường, rồi làm quen với bạn mới,…Cũng may nhờ thói quen chủ động nói và giao tiếp bằng tiếng Nhật mọi lúc mọi nơi có được từ ngày học trường tiếng, nên tôi không bị bỡ ngỡ nhiều và nhanh chóng làm quen được với môi trường mới.

 Sau khi lên đại học, tuy đã giao tiếp khá hơn nhiều so với hồi mới sang nhưng tôi vẫn giữ thói quen luôn để ý quan sát cách nói của bạn bè người Nhật xung quanh để học theo. Vì có dự định sẽ ở lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp nên bên cạnh phần tiếng Nhật giao tiếp thông thường, tôi cũng bắt đầu chú tâm tham khảo thêm kinh nghiệm đi shu của các sempai và xem thêm các video hướng dẫn phỏng vấn trên Youtube để học thêm về kính ngữ về Business Nihongo, v.v..

    Năm thứ 3 đại học, trong một lần về Việt Nam nghỉ hè, tôi được anh bạn đang làm ở 1 trung tâm tiếng Nhật nhờ đứng lớp vài buổi. Mỗi buổi đứng lớp, thấy các bạn học viên trong lớp háo hức nghe bài giảng của mình, rồi nhớ lại quãng thời gian mình học tiếng Nhật khi xưa, tự dưng tôi lại muốn thử sức với việc dạy tiếng Nhật, đem những kinh nghiệm của bản thân để truyền đạt lại cho các kohai. Tuy nhiên, có lẽ khi đó cái duyên của tôi với việc dạy tiếng Nhật chưa tới, nên tâm trạng “muốn thử sức” của tôi chỉ dừng lại ở đó. Quay trở lại Nhật sau kì nghỉ hè, tôi lại tiếp tục vừa học ở trường vừa kết hợp đi shu cho tới khi nhận được naitei từ một công ty thiết kế của Nhật.

    Làm ở đây hơn 1.5 năm, tuy học được rất nhiều về cách làm việc và tiếng Nhật cũng khá lên nhiều nhưng tôi luôn trăn trở vì cảm thấy mình chỉ “quen việc” chứ không “hoà hợp” được vào môi trường làm việc. Hơn nữa, các thế mạnh của bản thân cũng không được phát huy hết trong môi trường toàn là người Nhật.

  Trong lúc loay hoay tìm hướng đi mới, tôi nhớ lại cảm giác “muốn thử sức với giáo dục tiếng Nhật” của mình hồi năm 3. Vậy là sau nhiều lần trăn trở, được bạn bè và thầy cô giáo cũ động viên, tôi quyết định xin nghỉ việc ở công ty thiết kế , và bắt đầu dò dẫm những bước đi đầu tiên trên con đường giáo dục tiếng Nhật.

TRỞ VỀ

  Từ kinh nghiệm và quan sát của bản thân, tôi nhận thấy việc tự tin giao tiếp được bằng tiếng Nhật đóng vai trò quan trọng không kém gì chứng chỉ N1-N2 nhưng lại chưa được các bạn sinh viên Việt Nam chú trọng nhiều. Các tài liệu dạy tiếng Nhật do người Việt nam biên soạn trên mạng tuy có nhiều nhưng chủ yếu vẫn thiên về giảng giải ngữ pháp, từ vựng chứ hầu như không có các video về giao tiếp, học nói,…Vậy là tôi nảy ra ý định tận dụng lợi thế về nói và phát âm của mình để thử làm các clip về các hoạt cảnh giao tiếp thường gặp ở Nhật rồi post lên trang Facebook có tên là Samuraichan lập cùng cậu bạn.

   Song song với việc làm clip tiếng Nhật trên Facebook, tôi cũng xin vào làm tại một trường tiếng Nhật ở Tokyo để học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên ở đây, và nắm bắt được nhu cầu của các trường tiếng, trường senmon đối với du học sinh Việt Nam.

   Tháng 11/2016, sau gần nửa năm xây dựng kênh Samurai và cũng nắm bắt được khá khá kinh nghiệm ở trường tiếng, tôi quyết định quay trở về Việt Nam mở một trung tâm tiếng Nhật của riêng mình, chính thức hiện thực hoá giấc mơ được giảng dạy tiếng Nhật ấp ủ từ năm thứ 3 Đại Học.

   Hiện giờ trung tâm của tôi vẫn còn rất nhỏ, nhưng bước đầu cũng đã có những học viên của riêng mình. Bản thân vốn không có nghiệp vụ sư phạm, chỉ có kinh nghiệm tự học của bản thân nên hàng ngày tôi vẫn phải cố gắng đọc và học hỏi thêm rất nhiều để tìm ra cách truyền đạt kiến thức dễ hiểu nhất, tạo được môi trường trực quan nhất để khuyến khích các bạn tập nói, tập thực hành. Tuy chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan, nhưng tôi tin là chỉ cần mình đủ nhiệt huyết và nỗ lực, cứ đi rồi sẽ có lúc đến.

 LỜI NHẮN

   Cho đến giờ tôi cũng đã gắn bó với tiếng Nhật và nước Nhật được hơn 8 năm, có dịp tiếp xúc với rất nhiều bạn du học sinh cả Việt Nam lẫn du học sinh nước bạn. Tôi nhận thấy những bạn du học sinh tự tin và đạt được thành công nhất định trong học tập hay công việc ở Nhật đều là những người có khả năng giao tiếp tiếng Nhật tốt. Khả năng này không phải do bẩm sinh mà có, mà nó được tích luỹ qua một quá trình dài chịu khó quan sát – vượt qua sự ngại ngùng của bản thân và tự tạo ra môi trường để thực hành thật nhiều. Chúc các bạn sớm tìm ra được cách học giao tiếp tốt nhất và hi vọng những chia sẻ của tôi trong bài viết này hay trong các clip của Samuraichan sẽ đem lại cho các bạn niềm cảm hứng để luyện nói tiếng Nhật nhiều hơn nữa.

Hà Nội, tháng 8/2017

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...