Ước mơ được sang Nhật của tôi bắt đầu nhen nhóm từ năm học lớp 9 qua những câu chuyện bố kể về đất nước mặt trời mọc. Bố tôi tuy chưa từng đặt chân đến Nhật nhưng ông luôn khâm phục sự cần cù, chịu khó của người dân đất nước này. Ông luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ đưa được anh em tôi sang Nhật để chúng tôi học hỏi được những đức tính ấy của họ, và trang bị thêm cho mình nhiều vốn sống quý để có một cuộc sống khấm khá hơn sau này.
Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, giấc mơ của bố cũng thành hiện thực khi anh trai cả của tôi cuối cùng cũng đặt chân được tới Nhật Bản. Nhưng thật không may, khi anh tôi vừa sang Nhật được 2 tháng và vẫn chưa kịp cho bố nhìn thấy được bất kì thành quả gì thì bố tôi qua đời. Sự ra đi của bố làm anh em tôi chống chếnh trong suốt 1 thời gian dài, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Bố mất, điều kiện kinh tế không còn, tôi đã định gác giấc mơ đi Nhật lại để thi vào học một trường đại học ở Việt Nam. Nhưng rồi được anh trai động viên và giúp đỡ, tôi tiếp tục vừa ôn thi đại học ở nhà vừa làm hồ sơ đi du học Nhật Bản, và chính thức đặt chân tới Nhật vào tháng 11/2014 với chỉ 1 chút vốn tiếng Nhật ít ỏi học được ở nhà.
Như nhiều bạn học sinh tư phí khác, tôi cũng bắt đầu cuộc sống tự lập nơi xứ người với một công việc làm thêm không-yêu-cầu-tiếng: làm bốc vác tại Sagawa và Yamato. Chỗ tôi làm có rất nhiều các anh người Việt Nam, có người mới sang 6 tháng, cũng có người đã sang được vài ba năm, nhưng điểm chung là tiếng của mọi người đều khá kém vì lớp học và chỗ làm thêm đều chẳng có mấy cơ hội để thực hành, và công việc làm thêm chiếm quá nhiều thời gian khiến các anh chẳng còn mấy thời gian để tự học sau giờ lên lớp.
Tuy là công việc không yêu cầu tiếng Nhật mấy, chỉ cần nhìn theo cách họ làm trước rồi bắt chước theo, nhưng tôi thấy không hiểu tiếng quả thật là rất bất tiện. Nhiều khi có cái này cái kia không rõ lắm, muốn hỏi lại mà do tiếng kém nên hỏi xong được họ giải thích lại cũng không hiểu nổi. Thời gian học việc cũng bị kéo dài hơn do cứ phải chờ người ta làm cho xem tận mắt mới biết được. Thế là tôi quyết tâm bằng mọi giá phải học tiếng Nhật cho thật tốt, ít nhất là phải giao tiếp được với mọi người ở chỗ làm.
Hàng ngày đi làm, tôi luôn mang theo bên mình quyển sổ với cái bút. Cứ có gì không hiểu là tôi lại hỏi, câu hỏi quen thuộc nhất tôi hay dùng thời đấy là : “それはどういう意味ですか”. Hỏi xong họ giải thích tôi lại ghi lại, rồi về nhà học. Cứ thế sau một thời gian, tiếng Nhật của tôi cũng khá dần lên và có thể hiểu được kha khá những nội dung trao đổi giao tiếp ở chỗ làm. Thấy mình bắt đầu giao tiếp được ổn ổn ở chỗ bốc vác, tôi bắt đầu muốn tìm một môi trường mới có nhiều cơ hội thực hành hơn.
Được bạn bè gợi ý, tôi bắt đầu tìm công việc baito ở các quán ăn và may mắn được nhận vào làm ở một quán ngay gần nhà. Vui mừng chưa được bao lâu thì tôi bắt đầu cảm thấy shock vì… tiếng Nhật giao tiếp ở quán sao mà khác xa so với những gì mình được học ở trường, và ở chỗ bốc vác, đặc biệt là phát âm. Thế là tôi lại áp dụng lại cách học cũ, lại hỏi, lại ghi chép, lại bắt chước và nhờ luôn mọi người ở quán sửa phát âm. Cứ có gì không rõ tôi lại đặt câu hỏi, rồi ghi lại câu trả lời của họ để hôm sau đem tới lớp hỏi cô giáo hoặc tự tra lại rồi nhờ anh trai giải thích nghĩa. Nhiều khi hỏi nhiều, tôi bị mọi người ở chỗ làm phát cáu lên nói “cái thằng này mày hỏi gì hỏi nhiều vậy”… Nhưng tôi vẫn không ngại, vẫn xác định mình muốn khá lên thì phải chịu khó hỏi, chịu khó học nên vẫn vừa làm vừa hỏi, vừa ghi chép. Lâu dần mọi người ở chỗ làm cũng quen, thấy tôi chịu khó hỏi như vậy họ cũng kiên nhẫn giảng giải lại cho tôi hiểu, nhiều khi còn khen là tôi chịu khó quá. Cứ thế, nhờ áp dụng cách hỏi và học ngay tại chỗ làm mà tôi tận dụng thêm được một khoản thời gian tương đối để học, vừa không tốn tiền, lại thực tiễn, sử dụng được ngay. Cứ cần cù như vậy mỗi ngày, trình độ tiếng Nhật của tôi lên tăng lên nhanh chóng và tôi thanh toán xong N3 chỉ sau 6 tháng qua Nhật.
Đạt được mốc N3 rồi, tôi bắt đầu tìm cho mình những mục tiêu mới. Ngày trước, khi mới sang, tiếng Nhật còn mù tịt, tôi vẫn nghĩ đạt được N3 là siêu lắm rồi, nhưng hóa ra không phải. Dù đã học xong N3, giao tiếp ở quán cũng thoải mái hơn trước nhiều, nhưng khi cô giáo giao cho bài tập sakubun viết về gia đình, tôi ngồi cắt bút mãi vẫn chỉ viết được mấy câu văn ngô nghê vì vốn từ vựng và ngữ pháp còn khá nghèo nàn.
Sau một hồi viết đi viết lại mãi không xong, tôi quyết định gác bài viết sang một bên, chuyển qua ngồi… cày ngữ pháp và từ vựng. Mấy đêm liền, ngày nào đi làm về tôi cũng thức thông từ 2 rưỡi đến 7 giờ sáng để ngồi học. Kết quả là tuy người có hơi… lả lướt vì mệt, nhưng nhờ mấy đêm thức trắng ấy mà vốn từ vựng, ngữ pháp của tôi lên kha khá và bài sakubun nộp cho cô vì thế cũng đỡ ngô nghê đi rất nhiều. Sau lần đấy, tôi bắt đầu có hứng với việc học ngữ pháp, từ vựng để luyện viết. Tôi nhận thấy nếu mình cứ chỉ học theo các giáo trình được chỉ cho ở trường hoặc chỉ học để đối phó với kì thi lấy chứng chỉ N1-N2, thì trình độ tiếng Nhật của mình cũng sẽ chỉ ngừng lại ở giới hạn trong khuôn khổ trường học mà thôi, không thể đi ra ngoài cuộc sống được. Thế là thay vì mua những quyển sách luyện thi N2, N1 để học tiếp, tôi dành tiền mua những cuốn hướng dẫn viết tiểu luận tiếng Nhật, hướng dẫn cách sử dụng kính ngữ,… như 小論文への12ステップ、日本語敬語トレーニング,… những cuốn sách giúp tôi tiếp cận và học hỏi được thứ tiếng Nhật thực tiễn hơn. Học được cái gì hay tôi lại lôi ra thực hành viết lách, lúc thì viết mấy bài sakubun, lúc lại tập viết status up lên Facebook bằng tiếng Nhật. Mỗi lần viết được đoạn nào hay hay nghe giống người Nhật là tôi lại thấy tâm đắc, lại quyết tâm phải học thêm được những cấu trúc và cách dùng từ mới để viết được hay hơn, dài hơn.
Niềm say mê được học, được sử dụng những thứ mình học được giúp tôi học không biết mệt, không biết chán. Cứ đi làm về, cơm nước nghỉ ngơi xong là tôi lại bật đèn, ôm sách bút ngồi cày. Để các kĩ năng không bị lệch, tôi cũng chia các buổi học của mình ra theo từng kỹ năng. Hôm nay học về viết luận rồi thì ngày hôm sau tôi lại nghe băng, đĩa, xem phim hoạt hình để luyện phát âm, luyện nghe nói… Cứ thế kiên trì mỗi ngày một ít, sau 1 năm sang Nhật, tôi đã đạt trình độ N2 khá cứng cả về 4 kỹ năng nghe – nói- đọc – viết, và tròn 2 năm kể từ ngày sang Nhật, tôi thi đỗ kì thi năng lực tiếng Nhật JLPT N1 vào tháng 12/2016.
Tháng 9/2016, sau khi sang Nhật được gần 2 năm, tôi bắt đầu bước vào giai đoạn phải cân nhắc lựa chọn hướng đi tiếp theo cho mình sau khi tốt nghiệp trường tiếng. Với vốn tiếng Nhật N2 khá cứng thời điểm đó, tôi đã rục rịch chuẩn bị hồ sơ để thi vào Đại học. Nhưng một lần nữa, chuyện không may lại xảy đến với gia đình tôi… Anh trai thứ 2 của tôi đột ngột qua đời. Bỏ dở hết cả công việc và học hành, tôi lao về Việt Nam để cùng mẹ và anh trai, em gái lo chuyện hậu sự cho anh. Những ngày ở nhà lo cho anh là những ngày tôi lại một lần nữa phải đối mặt với cú shock mất người thân từng gặp phải khi bố ra đi nhiều năm về trước. Nhìn mẹ một mình ở lại Việt Nam lo cho em gái ăn học, tôi quyết định không học tiếp lên đại học nữa mà học senmon, rút ngắn thời gian học tiếp xuống còn 2 năm để có thể nhanh chóng đi làm và phụ lo cuộc sống được cho mẹ và em gái.
Vốn yêu thích tiếng Nhật, nên sau khi tìm hiểu và cân nhắc kỹ, tôi quyết định thi vào khoa Tiếng Nhật Thương Mại của trường Senmon Ngoại ngữ Nhật Bản – một ngôi trường khá có tiếng về đào tạo ngoại ngữ ở Nhật và chính thức nhập học vào 4/2017. Tôi hi vọng với vốn tiếng Nhật tích luỹ được trong thời gian học ở đây, tôi sẽ kiếm được một công việc tốt ở Nhật sau khi ra trường và phụ giúp được thêm cho cuộc sống, sinh hoạt của mẹ ở nhà.
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi quen anh Thế Anh – một sempai khá nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh – thực tập sinh ở Nhật với trang Facebook giúp mọi người tự học tiếng Nhật có cái tên dài nhưng rất “cute” “ Học tiếng Nhật dễ như ăn bánh”. Thấy tôi rất say mê học tiếng Nhật, lại có hứng thú với việc truyền đạt phương pháp học tiếng Nhật với cộng đồng, anh Thế Anh đã rủ tôi tham gia cùng vào nhóm. Hàng ngày, sau khi đã cày xong kha khá, tôi thường lên page để livestream cùng học ôn tiếng Nhật với các bạn các mẫu ngữ pháp – từ vựng trong sách N1-N2, hoặc kết hợp cùng anh Thế Anh làm những video tiếng Nhật giúp các bạn dễ học, dễ nhớ hơn. Từ ngày tham gia vào Bánh, tôi lại có thêm một niềm vui học mới khi học tiếng Nhật mỗi ngày – không chỉ là học để biết, để dùng, mà còn để sẻ chia, giúp đỡ mọi người.
Nhìn đi nhìn lại, mới ngày nào vừa đặt chân sang Nhật nghe mấy anh Nhật ở Yamato nói còn thấy ù hết cả tai, đọc mấy bảng hiệu ga tàu còn như nhìn bức vách, vậy mà giờ sau hơn 2 năm tôi đã có thể làm chủ phần nào thứ tiếng khó nhằn này và ngày càng có hứng thú hơn với việc khám phá và vận dụng vào cuộc sống mỗi ngày. Tiếng Nhật giúp tôi quen thêm được nhiều người bạn mới, giúp tôi hiểu thêm được văn hoá Nhật Bản, cách suy nghĩ, làm việc của họ, giúp tôi tiến dần đến được ước mơ của bố tôi khi còn sống. Dù đoạn đường phía trước còn rất dài, tôi tin là chỉ cần mình tiếp tục nỗ lực và cố gắng kiên trì học hỏi, thì tôi sẽ sớm thực hiện được ước mơ của bố và cả của tôi.
Qua bài chia sẻ này, tôi cũng muốn gửi đến những bạn đang ôm ủ giấc mơ đến Nhật, những bạn đang gặp rắc rối với tiếng Nhật rằng hãy yêu tiếng Nhật, nỗ lực hơn nữa, kiên trì, cố gắng học mỗi ngày 1 ít thì 1 ngày nào đó tiếng Nhật của bạn sẽ tốt lên rất nhiều. Dù hoàn cảnh cuộc sống có khắc nghiệt thế nào đi chăng nữa, mình tin với tinh thần ham học hỏi của các bạn, các bạn sẽ biến tiếng Nhật thành ngôn ngữ mẹ đẻ thứ 2 của mình.
Tokyo, tháng 7 năm 2017
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận