Voice of Asean Sempai (Vol 17)

Du học theo chồng

   Mình sang Nhật lần đầu tiên năm 2005, khi chưa tròn 25 tuổi, bỏ lại sau lưng hơn 2 năm kinh nghiệm “nhảy việc”: làm cho nước ngoài – có, tư nhân trong nước – có, và thậm chí có cả cơ quan hành chính công quyền chính hiệu…

   Câu chuyện bắt đầu từ một tờ báo tuyển phiên dịch tiếng Nhật đi làm dự án cho một tập đoàn khai thác than của Nhật ở Nagasaki, anh chồng mình (khi đó còn là người yêu) nghĩ thế nào đăng kí đi thi, rồi thì chắc vì tờ báo Nhân Dân hay Hà Nội mới gì gì, ngày đó không còn ai đọc nữa, nên chắc có mỗi một thí sinh đến, nên là anh ấy đỗ, và đúng kế hoạch, sang Nhật làm việc theo hợp đồng năm một, bắt đầu từ giữa năm 2004.

   Chúng mình khi ấy đã yêu nhau được khoảng hơn 4 năm, cũng chưa có ý định cưới xin gì, nhưng nghĩ lại mù quáng thế nào, anh ấy rủ phát, là mình quyết tâm sống chết cũng phải đi Nhật theo luôn. Thế là mình học rất chăm chỉ, rất quyết tâm… Đi làm ngày nào cũng giắt theo quyển sổ từ vựng tiếng Anh, học ngày học đêm… Lúc nào đầu óc cũng tâm niệm việc đi học, lúc nào cũng Japan, cũng APU. APU là nơi duy nhất có khóa học sau đại học bằng tiếng Anh phù hợp với ngành của mình (Hợp tác quốc tế) mà lại ở gần nơi người yêu làm việc (Nagasaki). Đấy là con đường duy nhất để mình đi nếu không muốn phải chịu cảnh bảo lãnh theo chồng. Và mình sang Nhật cuối tháng 3 năm 2005, học thạc sĩ bằng tiếng Anh ở APU, với một bồ tiếng Trung trong đầu và nửa chữ tiếng Nhật không biết.

Cuộc sống không biết tiếng Nhật

   Mình đã học 1 năm rưỡi ở APU với 50% học phí từ tiền tiết kiệm của bố mẹ (50% còn lại được miễn giảm), sinh hoạt phí thì từ học bổng mang tên chồng. Môi trường ở APU nhiều bạn bè quốc tế, sử dụng tiếng Anh là chủ yếu, cộng thêm phần tiếc nuối vốn tiếng Trung tích lũy suốt 4 năm đại học, mình nhất quyết không học một chữ tiếng Nhật nào.

   Chồng mình khi ấy vẫn làm phiên dịch cho dự án Chính phủ ở Nagasaki, thỉnh thoảng lên APU thăm vợ, mình thì cứ dịp nghỉ dài là lại về Nagasaki câu cá, “luyện phim”, vô cùng enjoy cuộc sống của một đứa câm điếc mù chữ: đi bệnh viện bác sĩ nói gì không hiểu, rút phắt cái điện thoại ra gọi điện cho chồng rồi dí vào mặt bác sĩ… đại loại là như thế.

   Cuộc sống bao cấp ở Nagasaki phải nói là không màng cơm áo gạo tiền, vì là dự án của Chính phủ Nhật, nên lương khá cao, bao cấp từ bữa ăn cho đến nhà ở. Nhưng bù lại thì vô cùng buồn chán… Chồng mình tan làm 4h chiều (nói ra các bạn đang đi làm ở Nhật không tin), thì đúng 4 giờ 5 phút kính coong về đến cửa nhà, 2 vợ chồng rủ nhau đi câu cá, tụ tập với các anh em người Việt cùng làm… hết ngày… Nơi bọn mình sống khi ấy là một hòn đảo gần giống đảo chiến hạm Gunkanjima nổi tiếng, tức là một phần di tích còn sót lại của thời cách mạng công nghiệp, sau những năm tháng thịnh vượng của ngành than, chính phủ cho đóng mỏ, và cư dân rời đảo đi hết, bỏ lại một đàn mèo hoang, cùng với vô số những chung cư không người… Cuộc sống thực sự không vướng bụi trần, cuối tháng lương vào tài khoản không buồn đi rút, vì không có lí do tiêu và cũng không có chỗ để tiêu tiền…

   Đến khi mình chuẩn bị tốt nghiệp APU, hai vợ chồng tính chuyện an cư, dọn chung về một chỗ thì mới giật mình ngồi nhìn nhau: nếu chúng mình cứ ở đảo mãi thế này, thì nước Nhật thật vô cùng nhỏ bé, chẳng biết ngoài kia thế giới ra sao, chẳng trải nghiệm được gì, thật phí hoài tuổi trẻ quá. Thế là chồng mình quyết định nghỉ việc ở dự án của chính phủ, chuyển sang một công ty thương mại ở Fukuoka và hai vợ chồng khăn gói ra đi…

FUKUOKA VÀ NHỮNG CÚ SHOCK

   Về đến Fukuoka, cú sốc đầu tiên là công việc của chồng. Lương giảm còn một nửa, thời gian làm việc gấp 3, bao cấp bị xóa sổ, chồng thay vì 4h5’ về đến cửa thì thường xuyên là 8~9h, có hôm phải ra khỏi nhà từ 5~6h sáng, hàng tháng mòn mỏi chờ đến ngày lĩnh lương… Cú sốc thứ 2 là chuyện tìm việc. Không đơn giản như mình nghĩ trước kia, cứ có tấm bằng APU ra là mình rải truyền đơn xin việc, kiểu gì chả có chỗ phù hợp. Mình thậm chí còn không tìm được quảng cáo nào đăng tuyển người nói được tiếng Anh mà lại không phải là người bản xứ ở Fukuoka này. Đây thực sự là giai đoạn tuyệt vọng nhất kể từ ngày sang Nhật.

   Bế tắc với tiếng Anh quá, mình đành phải “xuống nước” quyết định đi học tiếng Nhật. Vì câu chuyện học phí ở APU vẫn còn ám ảnh, nên mình quyết tâm phải tự kiếm đủ tiền xong mới đi học chứ không xin bố mẹ hay lấy lương của chồng nữa. Mình vừa tự học ở nhà, vừa ra sức tìm việc. Những chữ cái hiragana đầu tiên là do 1 anh thợ đến lắp mạng dậy cho, vì mình tranh thủ cứ thấy người Nhật là khoa tay hỏi… Mãi, rồi mình cũng xin được đi làm cho 1 nhà máy khăn mặt, thời gian chỉ 2-3 tiếng một ngày, số tiền vừa đủ để học kiểu thỉnh giảng ở 1 trường tiếng gần nhà. Kế hoạch khi ấy của mình thì hoàn hảo lắm: sáng đi học, chiều đi làm, sẽ học khoảng 1 năm, trong thời gian đó tranh thủ chuẩn bị sinh em bé, học xong cũng đến lúc sinh con là vừa… Ai dè, vừa học được 3 tháng thì những cơn nghén nặng vật mình thẳng cẳng, nằm bẹp dí trên giường, liên tục trong liền 3 tháng sút 7 cân, không làm được gì…Nhớ ngày nhắn tin cho cô giáo về quyết định bỏ học hẳn chứ không phải là nghỉ tạm thời mà nước mắt cứ chảy ầng ậc, không ngăn nổi.

   Sinh em bé xong được khoảng 4 tháng, bé bắt đầu ăn dặm, dời được mẹ lâu lâu, mình trở lại trường tiếng, xin học thêm 3 tháng nữa, hết 3 tháng là vừa lúc ông bà về VN, không ai trông con cho đi học nữa… Và… quay lại những chuỗi ngày u uất: không công việc, ở nhà chăm con… Khi con được 1 tuổi, mình cho đi gửi trẻ, và quyết tâm đi làm thêm để luyện tiếng… Mình đi làm 4 tiếng một ngày, lại lao động giản đơn, tự nhủ với lòng nếu trong vòng 1 năm tới không ra khỏi được nơi này, mình sẽ quay về VN làm lại từ đầu. Đây có lẽ là những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời.

   Trẻ con qua 1 tuổi ốm sốt thường xuyên, chồng thì công việc vất vả, thường xuyên vắng nhà, một mình mình tự xoay xở chăm con, đi làm, và tự học tiếng Nhật. Cứ lên xe, bất kể đi làm, đi chợ, đi đón con… là cắm tai nghe tiếng Nhật, nghe đi nghe lại các bài luyện thi kyu, nghe tin tức… Mỗi ngày ghi ra 1 tờ giấy nhỏ độ 10~20 từ mới, mẫu câu, rồi đi đâu cứ khư khư cầm, nghỉ ăn trưa giữa giờ làm cũng cứ để tờ giấy trước mặt, có gì khó lại tranh thủ hỏi mấy bác già làm cùng… Tối đến, chờ con ngủ xong bắt đầu ngồi vào bàn làm bài tập, luyện chữ Hán đến khuya, có những hôm con ốm không đặt được, thì cứ thế một tay ôm con rung rung, một tay viết… Mục tiêu của mình lúc ấy là tự luyện để nửa năm sau lấy được bằng 2kyu (giống với N2 bây giờ), và mình đã làm được…

GIAN NAN XIN VIỆC

Khi biết kết quả thi, con mình gần 2 tuổi, mình lục tục chuẩn bị hồ sơ, tính xin việc văn phòng, đến khi con 2 tuổi bớt ốm, đi làm là vừa đẹp. Không nhớ khi đó đã đi đến bao nhiêu cuộc phỏng vấn, gửi đi bao nhiêu bộ hồ sơ, nhưng cách đây độ một tuần, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tình cờ ngồi xem lại đống hồ sơ xin việc, kèm thư từ chối hồi đó nhận được, cùng với sổ ngân hàng nhận lương những ngày đầu tiên đi làm, tự dưng thấy buồn mãi, dù chuyện đã qua đến 7~8 năm rồi, mà cảm xúc vẫn không tài nào ngăn nổi…

   Đây thực sự là những ngày tháng vô cùng bế tắc. Giấc mơ công việc văn phòng, chắc chắn sẽ đi làm được thôi khi mình đã có bằng cấp, lại có cả tiếng Nhật… dần trở thành ác mộng với những điều kiện tối thiểu để đến văn phòng là 8 tiếng một ngày, thậm chí có nơi còn phải đi công tác vài tháng 1 chuyến. Có hôm tuyệt vọng quá, mình đã gọi điện về cho mẹ, năn nỉ bà sang chỉ cần 3 tháng thôi, trông cháu giúp, để mình đi làm 3 tháng xong nghỉ việc cũng được, còn lấy cái ghi vào lí lịch sau này về Việt Nam xin việc cho dễ. Mẹ mình khi ấy vướng bà nội ốm, không tài nào sắp xếp được, mình giập điện thoại xuống mà cứ thế ngồi khóc tu tu…

   Và cứ thế, vì không muốn gửi con đi nhà trẻ đến tối mịt mới về đón, mình từ chối một vài công việc đã được nhận một cách đầy tiếc nuối, trong lòng tự nhủ, chỉ cần mình cố gắng, không có gì mình không làm được, cơ hội rồi sẽ đến, xin việc thất bại, không phải vì mình kém cỏi mà chỉ là vì cung cầu chưa gặp được nhau thôi, cứ kiên trì, rồi mình sẽ tìm được chỗ làm phù hợp…

   Rồi thì cơ duyên cũng đến, mình vào làm bán thời gian cho một công ty thương mại, phụ trách thị trường Việt Nam, mỗi ngày 4 tiếng. Công việc đúng sở trường, được sếp cũng như đồng nghiệp vô cùng quý mến… Con mình thi thoảng vẫn ốm, vẫn phải từ văn phòng tất tả về đón giữa chừng, hay phải bỏ lại con khóc ngằn ngặt trong lớp học đặc biệt của các bệnh viện, dành riêng cho các bé bị ốm để đến văn phòng mấy tiếng giải quyết công việc, rồi lại phi về đón con, cho uống thuốc…. Vẫn vất vả, nhưng được làm công việc mình yêu thích, môi trường thoải mái… Giai đoạn này thực sự là những tháng ngày tươi đẹp….

KHỞI NGHIỆP

   Tròn 5 năm ở Nhật, đúng với điều kiện tối thiểu để nhập tịch của Nhật, cả nhà mình quyết định làm thủ tục xin đổi quốc tịch Nhật, vì không thể chờ thêm 5 năm nữa mới đủ điều kiện xin visa vĩnh trú, mà lại muốn số phận của mình do chính mình quyết định, không phụ thuộc vào visa làm việc theo công ty nữa. Chồng mình lúc này, sau 6 năm làm việc cho một công ty bán lẻ tương đối lớn, đã lên được vị trí khá cao, do là người Việt duy nhất ở đây. Bọn mình mới bàn với nhau, làm salary man mãi cũng chán, tự có cái gì đó của mình, dù nhỏ thôi, nhưng tự do tự tại vẫn thích hơn. Thế là quyết định khởi nghiệp, kế hoạch được chuẩn bị hàng năm trời, trước cả khi có kết quả xét quốc tịch.

   Cũng nhiều băn khoăn, nhiều lấn bấn… Nhưng nghĩ bụng hơn 30 tuổi mà không dám làm, đến ngoài 40 tuổi thì còn sợ nữa… Lúc đấy, mới có 1 đứa đi nhà trẻ, 1 đứa còn trong bụng mẹ, chi phí nuôi dạy là tối thiểu rồi. Thêm nữa, nếu dám làm, đen nhất là trắng tay, về mo, đi làm thuê lại từ đầu, còn nếu không dám làm, thì có lẽ cả đời sẽ day dứt với câu hỏi: nếu ngày đó chúng mình dám bỏ hết ra làm riêng thì có phải A có phải B hay không???

   Sau rất nhiều chuẩn bị, công ty của bọn mình cũng ra đời đúng vào tháng 4/2013, cũng là tháng sinh của con gái út.  Kế hoạch là mình cứ đi làm, lo kinh tế, đảm bảo cho cả gia đình sống đủ và trả tiền góp nhà, xác định là phải “trường kì kháng chiến” 1-2 năm, kiên trì thì mới đến đích. Như vậy, chồng mình mới có thể toàn tâm toàn ý với công ty mới, với những dự án bay bổng 2-3 năm sau mới biết thành công hay thất bại… Được một thời gian, công việc bắt đầu đi vào ổn định, mình xin nghỉ việc công ty cũ trong quyến luyến, và về đầu quân cho công ty gia đình, với thương hiệu HSC JAPAN.

   Lại một giai đoạn vất vả, vất vả kiểu hoàn toàn khác: không cần đúng giờ đi làm nhưng cũng không có giờ tan sở, không phải gửi con đến bệnh viện để chạy đi làm nhưng nếu con ốm thì phải bế nó đến ngủ ngay dưới chân bàn làm việc của mẹ… Không có một ai đi trước hướng dẫn, bọn mình tự đi, tự mò… Mà thật lòng, một cái công ty bé như mắt muỗi thôi mà muốn làm bài bản, đúng luật, hướng đến thương hiệu để phát triển bền vững thì có ti tỉ thứ lặt vặt phải làm, có ti tỉ điều phải học… Đến nay, đứa con chung thứ 3 của vợ chồng mình đã bước sang tuổi thứ 4, doanh số cũng đạt được mức rất khá, từ một cái bàn làm việc kê cạnh chỗ để đồ chơi của con, đến nay đã có văn phòng, kho bãi, xe tải chở hàng đầy đủ. Từ một anh giám đốc kiêm bảo vệ ngày đêm gõ gõ bấm bấm, đến nay đã có 3 nhân viên chính thức, 3 nhân viên bán thời gian, cộng với hội đồng quản trị nữa, tổng cộng gần 10 người….

MỘT GIAI ĐOẠN MỚI

   Từ năm ngoái, HSC JAPAN chập chững bước qua ranh giới của một công ty thương mại đơn thuần, mở rộng sang mảng bán vé máy bay với sự ra đời thương hiệu HSC AIR và đang lấn sân sang nhiều lĩnh vực mới mẻ khác nữa như nông nghiệp, môi trường, hoá chất xét nghiệm, thiết bị y tế.

   Thực ra khi bắt đầu mảng vé máy bay, mình một phần muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tạo ra một địa chỉ tin tưởng uy tín có công ty đứng đằng sau để các bạn sinh viên có thể yên tâm mua vé, một phần cũng muốn tạo tiền đề cho sự ra đời của một Quỹ học bổng của người Việt Nam hỗ trợ các sinh viên Việt Nam.

   Toàn bộ số tiền lãi thu được từ mảng kinh doanh vé máy bay qua thương hiệu HSC AIR bên mình dự kiến sẽ dành cho các hoạt động tài trợ cho các tổ chức sinh viên học sinh Việt Nam tại Nhật, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn của người Việt, và cho quỹ học bổng HSC Scholarship. Quỹ học bổng của mình ban đầu sẽ trao 2 lần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm, mỗi lần 3 suất, mỗi suất 50,000 yên cho các bạn sinh viên Việt Nam đang học ở các trường tiếng Nhật trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Mục tiêu của mình là sẽ cố gắng để có thể trao định kì theo tháng, mỗi tháng tối thiểu 2 suất 30,000 đến 50,000 yên cho các bạn sinh viên Việt Nam. Mình không biết ở Nhật đã có quỹ học bổng nào dành riêng cho người Việt hay chưa, và mình rất vui nếu quỹ của mình trở thành 1 trong các quỹ đầu tiên như thế.

   Dù mới bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trong hoạt động này, nhưng mình hi vọng trong năm tới bọn mình sẽ mau chóng trưởng thành và có thể phát triển trở thành một địa chỉ uy tín để hỗ trợ các bạn sinh viên, tu nghiệp sinh, các bạn sang làm việc và sinh sống tại Nhật… trong cuộc sống, học tập, cũng như công việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các bạn ở đây.

LỜI NHẮN

   Mình biết sẽ có rất nhiều bạn sang Nhật theo chồng, ở nhà nội trợ chăm con giống mình ngày trước, nếu không quá khó khăn về kinh tế, hãy đầu tư đi học tiếng Nhật hay học ngành gì đó ở Nhật đi, đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn trải nghiệm, học hỏi, thu nạp kiến thức, và sẽ vô cùng có ích bất kể khi ở lại hay về nước đó. Cơ hội sẽ đến với những người luôn cố gắng và chuẩn bị sẵn sàng!

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...