Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, mình xin được vào làm điều dưỡng tại bệnh viên đa khoa tỉnh Thanh Hóa và công tác tại đây trong khoảng thời gian từ 2010- 2012.
Nửa cuối năm 2012, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (EPA) được kí kết, chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý VN sang làm việc tại Nhật Bản chính thức được phát động rộng rãi khắp cả nước. Được cấp trên động viên, mình quyết định thử sức, và sau khi trải qua các vòng thi test, phỏng vấn khá cam go, mình may mắn trúng tuyển. Cuối năm 2012, mình bắt đầu đi học tiếng Nhật tại cơ sở đào tạo của chương trình, với mục tiêu sau 1 năm học sẽ phải lấy được chứng chỉ N3 để đủ điều kiện sang Nhật.
Những tuần đầu tiên học tiếng Nhật thực sự là khoảng thời gian khá vất vả đối với mình. Suốt 3 tuần đầu tiên mình phải cố gắng lắm mới học thuộc được 2 bảng chữ cái tiếng Nhật, trong khi ở trên lớp các cô đã dạy tới tận bài 7 của giáo trình Minna no Nihongo. Mình gần như bị shock trước khối lượng kiến thức khá lớn trên lớp,và bắt đầu phải nghĩ cách để đuổi kịp mọi người. Mình quyết định ko lò dò học đuổi nữa, mà chấp nhận bỏ qua từ bài 1 đến bài 7, học theo luôn mọi người từ bài 8, còn cuối tuần được nghỉ thì tự tra cứu để học lại 7 bài đầu. Duy trì nhịp độ học này đúng một tháng rưỡi thì mình bắt nhịp được với tốc độ học trên lớp và quen dần với việc học tiếng Nhật hơn.
Đến tháng 7/2013, sau hơn nửa năm theo học tiếng Nhật, mình thi chứng chỉ N3 và nhận được kết quả báo đỗ 2 tháng sau đó. Vậy là mình chính thức hoàn thiện điều kiện cuối cùng để được bước chân sang Nhật.
Tháng 6/2014, mình cùng 20 bạn điều dưỡng và 127 bạn hộ lý khác cùng đi theo chương trình EPA đặt chân tới Nhật. Trong 2 tháng đầu, bọn mình tiếp tục được học tập trung tại trung tâm do chương trình bố trí để bồi dưỡng thêm vốn tiếng Nhật và từng bước làm quen với môi trường sống ở Nhật. Tháng 8/2014, mình được phân về bệnh viên Shodeugara ở tỉnh Chiba để vừa làm việc, vừa tự học các kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho kì thi chứng chỉ quốc gia của Nhật về điều dưỡng. Dù đã từng có kinh nghiệm 3 năm làm điều dưỡng ở bệnh viện tại Việt Nam, nhưng do chưa có chứng chỉ về điều dưỡng của Nhật, nên mình chỉ làm các công việc phổ thông như thay bỉm, trợ giúp ăn uống, giúp tắm rửa….cho bệnh nhân như một hộ lý thông thường.
Những ngày đầu làm việc tại bệnh viên, khó khăn lớn nhất mà mình gặp phải đó là việc phải nhớ và đọc tên bệnh nhân cho đúng. Số bệnh nhân điều trị tại khoa rất đông, mỗi người lại một tên gọi, một cách viết tên chữ Hán khác nhau, không nhận và gọi được đúng tên các bệnh nhân thì không thể làm việc được.
Sau một vài buổi loay hoay, cuối cùng mình cũng nghĩ ra một cách. Mình ghi chữ Hán và cách đọc tên từng bệnh nhân vào một cuốn sổ riêng, rồi tối về nhà đọc tên từng người và ghi âm vào điện thoại. Mỗi tối trước khi đi ngủ mình lại ngồi đọc lại một lượt các tên ghi trong sổ, rồi bật điện thoại lên để nghe lại. Cứ như vậy sau khoảng hơn 1 tuần thì mình cũng dần nhớ được tên của các bệnh nhân trong khoa.
Sau ca làm việc buổi sáng từ 8h-12 hàng ngày, mình được nghỉ 1 tiếng và bắt đầu tự học từ 1h đến 5h mỗi ngày. Tại văn phòng khoa có rất nhiều tài liệu về y khoa để mình có thể thoải mái đọc và tìm hiểu…nhưng lại không có bất kì ai hướng dẫn mình cần phải học gì, đọc gì để chuẩn bị cho kì thi chứng chỉ quốc gia cả. Ngay cả tổ chức đứng ra đỡ đầu và cử bọn mình đi từ Việt Nam cũng chỉ phát cho bọn mình 1 số đầu sách nhập môn để nắm được các từ ngữ y khoa cần thiết ban đầu.
Vậy là hàng ngày, mình vừa đọc những tài liệu có trên văn phòng khoa để học thêm từ mới, vừa lên mạng tìm hiểu các thông tin bằng tiếng Nhật mà các bạn người Nhật chia sẻ về kì thi này. Thời gian đầu học không định hướng nên mình khá mông lung, nhưng sau 2 tháng trời tổng hợp thông tin từ khắp các trang mạng của Nhật, cuối cùng, mình cùng tìm ra được 2 cuốn sách giúp ôn thi hiệu quả cho kì thi này, đó là 2 cuốn Question Bank (過去問題) và Review Book.
Sau khi tìm được đúng nguồn tài liệu, mình học có định hướng và chọn lọc hơn. Thay vì đọc dàn trải tài liệu, mình đọc và làm thử các câu hỏi xuất hiện trong đề các năm cũ, có phần kiến thức hay từ mới gì xuất hiện trong đề mà ko hiểu mình lại memo lại để hỏi các đồng nghiệp, bác sĩ trong khoa, hoặc đọc thêm trong sách để tìm hiểu rõ hơn. Ngoài giờ tự học, trong giờ làm việc tại bệnh viện, mình cũng cố gắng nhớ tên tất cả các dụng cụ, thiết bị y tế, các khái niệm y tế được tiếp xúc. Các ngôn ngữ y khoa có đặc thù là rất nhiều chữ Hán lạ, và có tính chuyên môn cao, ngay cả người Nhật nếu ko có chuyên môn về ngành đó thì cũng khó có thể đọc hiểu được, nên việc tự tra cứu, luyện tập hàng ngày để ghi nhớ là cực kì cần thiết.
Ngoài ra, có những khái niệm như “điều dưỡng tại nhà” chỉ có ở Nhật mà Việt Nam không có, nên khi học về những phần kiến thức này, mình thường vừa đọc tiếng Nhật, vừa chủ động dịch nói sang tiếng Việt rồi ghi âm vào điện thoại. Tối ngủ hoặc khi ngồi trên tàu thì bật lên nghe để ghi nhớ được mọi lúc mọi nơi.
Suốt trong khoảng thời gian từ khi sang Nhật đến 1/2015, cứ túc tắc bền bỉ với cách học như vậy, mình cũng đỗ được chứng chỉ về điều dưỡng đầu tiên ở Nhật, đó là chứng chỉ về điều dưỡng của tỉnh Chiba.
Sau khi lấy được chứng chỉ về điều dưỡng của tỉnh Chiba, mình bắt đầu được làm các công việc cần sử dụng đến các thiết bị y tế và mang tính chuyên môn hơn như : xử trí vết thương cho bệnh nhân, hỗ trợ các bác sĩ khi cấp cứu, báo cáo tình hình bệnh nhân mình phụ trách lên bác sĩ,…
Kỉ niệm mình nhớ nhất khi mới được lên làm điều dưỡng là lần tiếp nhận một bệnh nhân vừa bị ngã được chuyển vào khoa để cấp cứu. Để nắm được tình hình của bệnh nhân, mình có ra hỏi một số câu hỏi cơ bản, nhưng khi bệnh nhân trả lời thì một phần do tiếng Nhật còn hơi hạn chế, một phần do hoàn cảnh lúc đó khá khẩn trương nên mình nghe không được rõ, đành phải hỏi đi hỏi lại vài lần. Được một lúc thì bệnh nhân mất bình tĩnh và trở nên cáu gắt, ên mình đành nhờ một điều dưỡng người Nhật khác ra xử trí giúp.
Từ sau lần đó, mình trao đổi với bác sĩ trưởng khoa và bác sĩ quyết định tránh cho mình phụ trách các trường hợp bệnh nhân vừa chuyển đến, vì tâm lý bệnh nhân khi đó chưa ổn định, còn nhiều lo lắng về bệnh tật, nên sẽ dễ bất an và cáu gắt nếu như gặp điều dưỡng người nước ngoài và nói mãi mà không hiểu ý mình. Thay vào đó, hàng ngày, mình luôn lưu ý trò chuyện và hỏi thăm những bệnh nhân đang điều trị sẵn ở trong khoa để quen dần với cách nói chuyện tiếng Nhật của từng người, cũng như tạo mối quan hệ thân thiết sẵn có, để khi mình phụ trách chăm sóc họ, thì cả 2 bên sẽ dễ làm việc hơn.
Mọi người thường bảo làm việc trong ngành y, xung quanh toàn là những người ốm bệnh, chắc hẳn là vất vả lắm, nhưng thật ra cũng có nhiều kỉ niệm rất vui với bệnh nhân. Ví dụ như mình làm điều dưỡng, mỗi ngày sẽ được phân công phụ trách chăm sóc theo dõi tình hình 1 vài bệnh nhân. Mình nhớ có hôm vừa bước vào phòng bệnh, thì có đến 4 bệnh nhân mình hay nói chuyện hàng ngày giơ tay rồi bảo, hôm nay Hà san nhớ phụ trách tôi đấy nhé, có người còn ra kéo mình về chỗ họ rất thân thiết,.. làm mình cảm thấy rất vui vì được bệnh nhân tin tưởng và mọi mệt mỏi cũng theo đó mà tan biến hết.
Sau hơn 2 năm sang Nhật, hiện giờ mình đã đỗ chứng chỉ quốc gia và được chuyển lên làm nhân viên chính thức của bệnh viện. Ngoài giờ làm việc tại bệnh viện, buổi tối mình cùng một bạn khác cùng khóa 1 tham gia dạy tình nguyện tại một lớp ôn thi chuyên hỗ trợ các bạn điều dưỡng viên vừa từ VN sang. Ngoài ra, bọn mình cũng cùng lập 1 group trên Facebook dành riêng cho các bạn đi theo chương trình này, và post lên đó các bài tổng hợp các kiến thức về y khoa bằng tiếng Nhật, giải đáp các thắc mắc mà các bạn hỏi khi học bài….để hỗ trợ phần nào các bạn trong kì thi này.
Khi mới sang, tụi mình là khóa đầu tiên nên phải tự mò mẫm khá nhiều nên rất vất vả, nên mình hi vọng có thể dùng những kinh nghiệm của mình hỗ trợ được phần nào cho các em khóa sau, để có thêm nhiều em sẽ thi đỗ và đạt được ước mơ được làm điều dưỡng chính thức tại các bệnh viện của Nhật.
Mình cũng như các bạn, khi sang Nhật mỗi người chắc hẳn đều mang theo những dự định, mục tiêu nhất định. Trên con đường đi tới các mục tiêu đó, chúng ta có thể gặp phải những khó khăn nhất định như tiếng Nhật, như kiến thức chuyên môn,…nhưng mình tin rằng, chỉ cần luôn bền bỉ, chịu khó và không bao giờ quên mục tiêu mà mình hướng tới, thì không có gì là quá sức đối với chúng ta cả.
Dĩ nhiên để đạt được đến mục tiêu đã đặt ra, mỗi người lại phải trải qua những kì thì khác nhau, có bạn là kì thi đại học, có bạn là kì thi chứng chỉ quốc gia, có bạn thì lại là những vòng phỏng vấn căng thẳng bằng tiếng Nhật. Để vượt qua được những kì thi đó không phải là dễ, nhưng không hề khó nếu các bạn có quyết tâm, và mình tin là mình và các sempai khác luôn sẵn lòng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn kohai đi sau.
Nếu không hiểu gì thì đừng ngại, hãy tận dụng các trang cộng đồng để tích cực tìm hiểu và hỏi các sempai nhé. Chỉ cần bạn nỗ lực, thì mình tin là mọi mục tiêu đều có thể hoàn thành.
Chiba, 20/7/2016
Về hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (EPA)
Chương trình EPA (Economic Partnership Agreement) là chương trình được ký kết giữa 2 chính phủ Việt Nam và Nhật Bản theo hiệp định kinh tế, trong đó có quy định cho phép đưa các ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang Nhật vừa làm việc vừa học tập tại các bệnh viện và cơ sở ý tế của Nhật để thi đỗ chứng chỉ quốc gia (về điều dưỡng và hộ lý) của Nhật.
Trong thời hạn quy định (3 năm đối với điều dưỡng viên, 4 năm đối với hộ lý), nếu các ứng viên đỗ được chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản thì sẽ được tiếp tục làm việc dài hạn tại các cơ sở ý tế của Nhật Bản tùy theo nguyện vọng của cá nhân.
※ Ngành y tế vốn là ngành không cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận