Cái tính kiêu ngạo của một thằng kỹ sư non choẹt vừa ra trường làm tôi chả thèm nộp đơn xin việc đi đâu, cứ cắm cọc lì ở trường với cái cửa hàng linh kiện con con mở từ hồi năm thứ 3, tiền thì kiếm mãi chẳng ra vì không có vốn đầu tư.
Gần Tết năm ấy mẹ tôi bảo “Mày có đi Nhật không?” . Hàng trăm luồng suy nghĩ xẹt qua trong đầu, cứ kinh doanh mãi mà không có vốn cũng không xong, thấy mẹ bảo cho sang đi học tiếp, đi cho biết đây biết đó, tôi gật đầu cái rụp, lòng mừng rơn vì sắp được đi nước ngoài.
Sau Tết, sau khi bố tôi lo hết thủ tục giấy tờ cho tôi thì tôi được cho đi học một lớp huấn luyện 20 ngày. Ở đó có những mục tiêu đặt ra cao đến nỗi mà tôi đã nghĩ là không với được: học thuộc hết bảng chữ cái tiếng Nhật, một danh sách dài các danh động tính từ các loại, chưa kể còn bắt tập thể lực mỗi ngày, chỉ để đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Khi làm hồ sơ đi, mẹ tôi cũng chỉ nói là đi học theo chương trình của Bộ, nhà có cơ cấu lắm mới xin được một suất đi, nên tôi ngồi vẽ ra nhiều viễn cảnh lắm. Nhưng vào đến nơi mới biết, là chương trình phái cử tu nghiệp sinh (mãi đến về sau mới biết tu nghiệp sinh là gì @@) .
Dù biết thế, tôi vẫn tặc lưỡi “Cứ sang được là ngon rồi, bên ấy kiếm ra tiền, vất vả tí cũng không sao”. Thế là cứ yên tâm học cho đến ngày có đơn hàng phỏng vấn. Nghe đâu là đơn giàn giáo. Nghe mấy anh sempai nói nghề này vất vả lắm, mà cũng chưa biết thực tế thế nào. Lúc đấy vẫn tặc lưỡi “Sang được là được”.
Việc học khá là vất vả, giáo viên thì cứ bắn tiếng Nhật như chim hót, tôi ngồi dưới nghe tai không khác gì đàn gảy tai trâu. Học từ mới thì gào khản cả cổ vì cả lớp phải đọc đồng thanh để cho nhớ.
Trong đầu tôi luôn nghĩ, liệu có cách nào học hay hơn không? Vốn thích chữ tượng hình nên tôi bắt đầu lao đầu vào học chữ Hán, dù ngày nào cũng vừa về đến phòng là lại phải làm ngay một núi bài tập cô giao. Ở trên lớp tôi cũng tranh thủ lén học thêm chữ Hán, đến nỗi vài lần suýt bị thu sách vì làm việc riêng trong giờ.
Lúc đầu học thì thấy khó vậy, nhưng khi dần quen, tôi thấy học khá vào, và bắt đầu chịu khó mày mò tìm hiểu thêm ngoài những điều được dạy. Dần dần tôi phát hiện ra rằng giữa chữ Hán trong tiếng Nhật với từ vựng tiếng Việt, mà cụ thể hơn là Hán Việt, có một sự liên kết đặc biệt, nó khá là giống nhau về phát âm cũng như ý nghĩa. Việc đó làm tôi rất vui, việc học từ mới cũng trở nên rất nhẹ nhàng khi không phải học thuộc lòng máy móc nhiều nữa.
Khi mọi thứ đã vào guồng quay của nó, tôi thấy 4 tháng với 25 bài “Minna no Nihongo” khá là chậm, và tôi tự học theo lịch của mình, kết quả sau thời gian đó, tôi cũng tự leo lên hết 50 bài, và một vốn chữ hán không tệ, khoảng tầm 1000 chữ. Chủ động tìm kiếm nguồn kiến thức trong tiếng Nhật khiến tôi khá tự tin rằng mình có thể vươn xa hơn trong thứ ngôn ngữ được coi là khó nhất thế giới này.
Cuối cùng khi dự tuyển, tôi đạt thành tích khá cao phần tiếng Nhật, dù cho phần thể lực gần như là trượt, vì chạy được nửa đường đã thở bắt hơi không kịp. May mắn là vẫn qua vòng gửi xe để được học thêm 4 tháng trước khi được phái cử sang Nhật.
Thời gian cứ thế trôi, rồi cũng đến ngày sang đến Nhật. Ấn tượng đầu tiên là ở đây cái gì cũng sạch sẽ ngăn nắp hết, cảm giác rất là thích. Sau một tháng quanh quẩn trong trung tâm đào tạo, cuối cùng tôi cũng được về công ty, mang theo tâm trạng háo hức.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi còn nhớ như in cái cảm giác ấy, cảm giác vác hai cái cột giáo dài 3m6 nặng 13.6kg một cái, leo lên tầng 2 trong nguyên 1 ngày, miệng khô khốc, đắng chát, vai bên phải đỏ rát như phải bỏng, hai chân thì nhũn hết cả ra.
Trong đầu thầm nghĩ “Mình đang làm cái quái gì đây??? Đang mơ à? Phải làm thế này 3 năm sao “.
Nhưng hóa ra, đấy mới là ngày nhan hạ nhất. Vì sau này toàn phải vác rất nặng, leo những giàn giáo 3-40m, nhìn người thì nhỏ như con kiến, sảy chân phát là tan biến hết. Công việc ngoài trời, bất chấp thời tiết, nắng, mưa, gió, tuyết vẫn phải đi làm bình thường, chưa kể là hồi mới đầu đi làm, không hiểu công việc bị tụi làm cùng chửi mắng, lắm lúc ức chế mà không chịu được. Lúc đấy, tôi còn hạ quyết tâm cố gắng chịu đựng 1 năm và lập kế hoạch bỏ về vì khổ quá.
Nhưng dần sau, tôi cũng nghĩ tích cực được hơn một chút. Tôi nghĩ rằng, ở đây cái mình được lớn nhất không phải là tiền, vì lương tháng trừ ăn đi cũng chỉ được có 8 man, mà cái được lớn nhất là có cơ hội giao tiếp tiếng nhật hằng ngày.
Tôi tranh thủ học chăm hơn vì tôi biết, nếu mình mang kiến thức trong tay, sẽ kiếm được nhiều hơn bây giờ nhiều. Hàng ngày tôi phải dậy rất sớm, từ 4h sáng để đi đến công trường vì xa, và về thì dĩ nhiên cũng rất muộn, 8-9h tối. Nhưng thuận lợi ở chỗ là tôi có thể học bài trên xe, dù buồn ngủ hay mệt đến đâu cũng cố căng mắt ra mà học, đến mức ông phụ trách phải nói bao lần “mày học làm gì, học công việc đi, học cái này không ra tiền đâu”.
Nhờ thế, sau vài tháng tôi có thể nghe đại khái họ nói cái gì và tự tin để giao tiếp.
Một ngày chủ nhật cuối tháng 1/2015, tự dưng cao hứng ghép mấy cái từ vựng vào thơ và muốn chia sẻ với mọi người, chủ yếu là mấy kohai đi cùng chương trình xem, thế là quyết định lập page.
Tôi rất thích trang tiếng Trung dễ như ăn kẹo, nên đặt tên page là “Học tiếng Nhật dễ như ăn bánh” cho nó vui.
Sau mấy tháng nung nấu, cuối cùng tôi cũng có dũng khí để làm clip đầu tiên hướng dẫn về chữ Hán, cái mà tôi cảm thấy nếu mọi người đều biết phương pháp học này thì tiếng Nhật sẽ không còn khó quá nữa.
Rồi một hôm tình cờ, tôi xem được 1 clip thầy giáo Tây dạy tiếng Anh bằng nhạc Rap, cũng đơn giản, mà hay hay. Tôi nghĩ bụng: “ Thế này thì mình cũng làm dược”. Thế là đi làm về ngồi viết một mạch một bài kiểu dạng vè, nói về 50 bộ thủ chữ Hán thông dụng, xong sau đó đọc trên nền nhạc, rồi lại mất công làm hình minh họa nữa. Làm xong xuôi mệt quá, tôi up lên page rồi đi ngủ luôn.
Sáng hôm sau giật mình khi xem kết quả, như kiểu trúng số khi mà nhận được hàng mấy chục nghìn lượt view, hàng nghìn like và share trên face book, Được mọi người đánh giá là trực quan, sinh động và hiệu quả nên trong lòng mừng rơn, chỉ thiếu nước chạy vòng vòng kêu “eureka” thôi. Khi đã có ý tưởng đó, tôi tiếp tục suy nghĩ, làm cách nào để lấy được âm nhạc để truyền tải kiến thức. Hôm 20/10, tôi có hát tặng mẹ một bài hát, là bài “Nhật ký của mẹ”, thế xong nghe đi nghe lại nhẩm mãi trong đầu, thế nào mà nó ra ” me thì là mắt, te thì là tay, mayuge cái đôi lông mày”. Và bài đó của tôi lại tiếp tục được đón nhận như một món ăn mới, một cách học thú vị đối với tiếng Nhật. Và Bánh cứ như vậy lớn lên cho tới bây giờ.
Cuộc sống của tôi có thêm rất nhiều thay đổi kề từ khi “LÀM BÁNH”.
Đầu tiên phải kể đến sản phẩm của mình được nhiều người quan tâm, nên tôi có thêm động lực phát triển. Tôi nhận được khá nhiều sự chia sẻ từ các bạn đang học tập tiếng Nhật, có cả những lời cảm ơn chân thành từ các bạn.
Tôi vui lắm. Tuy nhiên Bánh càng lớn, thì áp lực đè lên vai tôi càng nặng, vì thế tôi luôn tự thôi thúc mình học tập mạnh mẽ, ép mình phải cố gắng để làm tốt hơn những gì mình đang có, để mang lại nhiều điều có ích hơn cho cộng đồng.
Thứ hai, tôi cảm thấy bản thân mình đang làm một việc có ý nghĩa khi thay vì ngồi kêu than đời bất công, công việc vất vả, thì tôi dành thời gian đó để học tập, chia sẻ, tạo nguồn động lực cho các bạn trẻ đang bước vào con đường học tập tiếng Nhật gian nan.
Tôi cảm thấy mình cũng dần trưởng thành lên theo đó. Tôi đã quen thêm được rất nhiều bạn bè, những anh chị đi trước, họ cho tôi lời khuyên và giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi đã tìm kiếm được những đồng đội, những người có cùng chí hướng với mình, đều muốn mang kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình, góp phần nhỏ bé tạo nên một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh và hiệu quả hơn cho những người đi sau. Điều đó khiến tôi cảm thấy, mình không còn phải bước đi một mình, không phải cô đơn nữa. Và thật sung sướng vì điều ấy.
Thời gian tu nghiệp của tôi mới trải qua một nửa, tôi còn phải tiếp tục công việc giàn giáo thêm 1 năm rưỡi nữa, tuy vất vả, nhưng cũng là thêm một chút thời gian để tôi trải nghiệm và học tập thêm nhiều thứ ở Nhật, để một ngày nào đó có thể cùng anh em đồng đội, làm nên một điều gì đó từ Bánh. Nhân đây tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng, dù cho mình có vô tình bị đẩy vào hoàn cảnh ko như ý muốn, cũng đừng nên than vãn, hay buông xuôi để thời gian trôi qua một cách lãng phí. Hãy nuôi tương lai của mình ngay từ hôm nay, hãy bắt tay vào thực hiện ước mơ từ những đuổi nhỏ nhất, rồi một ngày nào đó, thành công sẽ theo đuổi bạn.
Saitama, tháng 3 năm 2016
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận