Tổng hợp: Trò chuyện về nghề kỹ sư cầu nối

Kỹ sư cầu nối (Bridge System Engineer – BrSE) là một trong những nghề được được nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin quan tâm và tìm hiểu. Rất nhiều bạn sinh viên hay kỹ sư IT mới đi làm mong muốn phát triển sự nghiệp theo hướng này, nhưng lại chưa có nhiều thông tin về nghề nên vẫn thường hiểu nhầm rằng: chỉ cần tiếng Nhật khá và có chút kiến thức về IT là có thể làm được.

Trên thực tế, một kỹ sư cầu nối thường phải đảm nhận gần như toàn bộ các khâu trong quy trình phát triển phần mềm. Bởi thế, ngoài các kỹ năng cần thiết của một SE (System Engineer) như: nền tảng kỹ thuật IT vững chắc, hiểu biết sâu về một lĩnh vực nghiệp vụ (ngân hàng, y tế, giáo dục,…), BrSE cần có những hiểu biết nhất định về ngôn ngữ, văn hóa của 2 nước (Nhật-Việt), cần năng lực quản lý của một PM… để có thể đứng giữa team phát triển offshore và khách hàng nhằm đảm bảo cho tất cả các luồng công việc được tiến triển một cách thuận lợi

Trong buổi Online Meetup qua Zoom do MPKEN và VTI Japan đồng tổ chức vào ngày 8/8/2020 vừa qua, các bạn quan tâm và muốn đi theo con đường trở thành 1 BrSE tại Nhật đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện về những yêu cầu cũng như cơ hội và thách thức của nghề này cùng 2 kỹ sư cầu nối đến từ VTI Japan để có thêm cái nhìn rõ ràng hơn về nghề, biết được rõ hơn những kinh nghiệm, kiến thức mà mình cần và nên trang bị khi còn đi học hay khi mới bắt đầu đi làm.

Buổi Meetup còn có sự tham gia của chị Linh – phụ trách tuyển dụng của VTI Japan. Chị Linh đã chia sẻ rất cụ thể và chi tiết về những điều cần lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ hay phỏng vấn để nâng cao khả năng nhận được offer khi ứng tuyển.

Chương trình được chia làm 2 phần:
Phần 1 bao gồm phần trò chuyện giữa 2 khách mời và MC của chương trình xoay quanh nội dung công việc, những vất vả, khó khăn, cơ hội của nghề kỹ sư cầu nối cũng như những kỹ năng, tố chất cần có để làm nghề.
Phần 2 của chương trình là phần hỏi đáp trực tiếp giữa người tham gia với 2 khách mời của chương trình.

Buổi Online Meetup kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ và thu hút gần 90 người tham gia, trong đó phần lớn là các bạn sinh viên – kỹ sư IT mới ra trường hiện đang học tập và làm việc ở Nhật.

Sau đây là thông tin về 2 khách mời của chương trình cùng phần tổng kết nội dung các câu hỏi và câu trả lời xuất hiện trong phần 1 và phần 2 của buổi Meetup. Mời các bạn cùng theo dõi.

THÔNG TIN KHÁCH MỜI
Anh Nguyễn Hữu Đăng – General Manager tại VTI Japan
Anh Hồ Hải Sơn – Phụ trách đào tạo Fresher tại VTI Japan 

1. TRÒ CHUYỆN GIỮA MC VÀ KHÁCH MỜI
1.1 Tổng quan về nghề BrSE
Câu hỏi: Nếu hiểu theo cách gọi tên nghề, kỹ sư cầu nối (BrSE) là một kỹ sư đứng ở giữa và đóng vai trò là cầu nối giữa 2 bên A và B khác nhau. Vậy anh có thể cho biết cụ thể hơn vai về 2 bên A, B này được không? Kỹ sư cầu nối thường là người của bên nào và đảm nhận những công việc cụ thể gì?
Anh Đăng: BrSE là từ nối giữa “bridge” và SE (system engineer), theo nghĩa hẹp thì BrSE là người đóng vai trò cầu nối giữa công ty khách hàng và team phát triển (cụ thể ở đây là offshore), hiểu được mong muốn (yêu cầu) của khách hàng và truyền tải được cho team phát triển. Theo nghĩa rộng hơn thì BrSE có thể đóng vai trò trong tất cả các công đoạn phát triển phần mềm từ công đoạn phân tích yêu cầu ~ phát triển ~ vận hành hệ thống. Ở level cao hơn thì có thể phải thực hiện công việc consulting cho khách hàng.
Câu hỏi: Tại sao BrSE lại phải tổng hợp nhiều vai trò vậy?
Anh Sơn: Như anh Đăng có chia sẻ ở trên, có thể nói kỹ sư cầu nối là người đi cùng dự án gần như là từ đầu cho tới chặng đường cuối cùng. Và tất nhiên trong 1 dự án, sẽ chia thành các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn thực hiện một phần việc đặc trưng riêng. Trong vai trò là kỹ sư cầu nối, mình là người “kết nối” giữa 2 bên mà, vì vậy cần phải nắm được mọi việc để có thể làm việc và giải quyết tình huống kịp thời.
Ví dụ, tại giai đoạn 提案(đề xuất), không cần thiết và chưa thể có ngay một team hùng hậu. BrSE sẽ là người thực hiện các công việc như liên hệ khách hàng, phân tích yêu cầu, lên kế hoạch, thực hiện tạo và test sản phẩm demo và trình bày, giải thích tới khách hàng.
Nghĩa là, BrSE = BA + SE + PM + Dev + Tester
Sau khi dự án triển khai, anh này ngoài các task của 1 SE là tạo các tài liệu miêu tả yêu cầu từ basic tới detail, thì cũng sẽ theo dõi tiến độ và kiểm tra xem team phát triển đã và đang thực hiện đúng mong muốn của khách hàng hay chưa. Đồng thời, báo cáo với khách hàng về tình hình dự án và thương lượng nếu có vấn đề phát sinh.
Tại giai đoạn này, BrSE = BA + SE + Dev (nếu cần) + Tester + PM
Ngoài ra, có trường hợp BrSE phải thiết kế UI UX cho khách hàng, thậm chí khi chưa chính thức vào dự án nhưng cần tạo sẵn sản phẩm để khách hàng tham khảo.
Bên cạnh đó, ngoài do yêu cầu công việc thì một phần là do bản thân người BrSE mong muốn có nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau.
Trong thực tế, các vai trò này có thể nói là xuất hiện thường xuyên và chắc hẳn mọi BrSE đều đã trải qua.
1.2 Đặc trưng công việc của BrSE
Câu hỏi: BrSE là người kết nối giữa 2 bên, vậy thường BrSE sẽ phải ngồi ở công ty khách hàng hay ngồi ở công ty mình để làm việc?
Anh Sơn: Cả 2 trường hợp đều có. Lý do là phụ thuộc vào từng dự án khác nhau sẽ có vị trí địa lý khác nhau. Ví dụ trong trường hợp dự án với độ bảo mật cao hoặc cần cùng làm cùng đội ngũ nhân viên của khách hàng, thì phần lớn sẽ tới công ty khách hàng. Trong trường hợp này BrSE có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng, hiệu suất trao đổi với khách hàng nhanh hơn so với ngồi tại công ty mình.
Ngược lại, trong trường hợp có thể trao đổi với khách hàng thông qua các kênh online và yêu cầu về trao đổi nội bộ với team phát triển ở nhà nhiều, thì hoàn toàn có thể làm việc tại công ty mình. Lợi thế ở trường hợp này là BrSE có thể tham khảo với đồng nghiệp khác hoặc team phát triển khi có vấn đề phát sinh.
Đối với mình, đây cũng là một điểm hấp dẫn của nghề này. Vì mình có cơ hội tiếp xúc và hòa mình vào nhiều môi trường khác nhau.

Câu hỏi: Mỗi dự án thường chỉ cần 1 kỹ sư cầu nối hay nhiều kỹ sư cầu nối? Trong trường hợp có nhiều kỹ sư cầu nối thì các BrSE thường sẽ phân chia nhiệm vụ như thế nào?
Anh Sơn:
Tùy quy mô dự án. Dự án nhỏ với quy mô team không quá lớn, thì chỉ cần 1 BrSE cũng có thể hoàn thành công việc. Đối với dự án lớn hơn, thì sẽ cần nhiều hơn BrSE tham gia vào. Có thể mỗi anh sẽ đảm nhận một vai trò như ở trên hoặc sẽ đảm nhận một chức năng trong hệ thống.


Theo như mình có tìm hiểu thì bình quân team khoảng 8~10 người trở lại thì có thể chỉ cần 1 BrSE.

Ngoài ra, trường hợp khách hàng chưa định hình rõ vấn đề muốn giải quyết cũng như mục đích sau cùng thì cần nhiều BrSE tham gia để làm rõ vấn đề cho khách hàng. Ví dụ: đưa ra gợi ý, cùng khách hàng điều tra về kỹ thuật, về business, đưa ra phương hướng phát triển cho team. Trong trường hợp dự án có quy mô cực lớn (team phát triển trên 50 người) thì số lượng kỹ sư cần nối cũng cần rất nhiều

Câu hỏi: Công việc hàng ngày của một kỹ sư cầu nối thường bao gồm những gì?
Anh Sơn:
Công việc hàng ngày của một BrSE bao gồm:
– Kiểm tra email, liên lạc từ khách hàng và nội bộ team
– Lên task list cho ngày hôm đấy
– Thực hiện theo list đấy
– Báo cáo tiến độ
Và trọng tâm công việc sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của dự án.
Ví dụ:
・Giai đoạn tiền dự án: đánh giá yêu cầu, lên kế hoạch…
・Giai đoạn chạy dự án: tạo tài liệu, quản lý task, review output, hỗ trợ QA…
・Giai đoạn bàn giao sản phẩm: kiểm thử, tạo guideline…
Ngoài ra, trong một dự án có thể sẽ xuất hiện các biến số đầy bất ngờ như yêu cầu thay đổi, thay đổi member…, khi đó sẽ xuất hiện các công việc không tên khác chẳng hạn.

Anh Đăng:
Bản thân mình được tham gia nhiều dự án cùng lúc (4, 5 dự án) nên có chút khác biệt
Ví dụ cụ thể công việc hàng ngày của mình là:
– Lên danh sách công việc cần làm (ví dụ dành 30 phút check và trả lời email, check lại các task tồn đọng từ ngày hôm trước…)
– Sắp xếp độ ưu tiên cho từng công việc
– Tiến hành công việc dựa trên thứ tự ưu tiên

Câu hỏi: Có sử dụng phần mềm hay công cụ hỗ trợ nào dành riêng cho BrSE trong việc quản lý task list không?
Anh Sơn:
– Quản lý tiến độ dự án bằng các công cụ quản lý dự án như Jira, Redmine
– Quản lý tiến độ công việc của bản thân bằng cách liệt kê thành 1 checklist trên Trello
Anh Đăng:
– Quản lý tiến độ công việc bản thân bằng 2 công cụ: Google Spreadsheet và Trello
– Quản lý tiến độ dự án bằng các công cụ quản lý dự án như Redmine

1.3 Những tố chất, kỹ năng mà BrSE cần có

Câu hỏi: BrSE bao gồm những tố chất nào?
Anh Đăng: Để có thể tồn tại lâu trong ngành IT thì cần chịu khó học hỏi những công nghệ mới, không ngại đối mặt với những điều chưa từng làm bởi vì đây là một lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh. Điển hình như sự biến mất của Nokia trên bản đồ smartphone. Vì vậy, việc không ngừng tìm hiểu những cái mới, những điều mình chưa có một chút kiến thức nào là điều đầu tiên.

Tiếp theo, nói về BrSe, đặc biệt BrSE ở Nhật đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, BrSE là cầu nối là trung gian giữa team phát triển và khách hàng nên cần thực sự tỉnh táo để xác nhận được mong muốn của khách hàng và xác nhận được năng lực của team phát triển.

Một tố chất cần thiết khác là sự mềm dẻo để có thể đối ứng được yêu cầu của cả 2 bên. Nếu một BrSE không khéo léo có thể phải chịu áp lực từ 2 phía, điều này rất dễ dẫn đến stress.

Theo mình nhận thấy, trên đây là 4 yếu tố quan trọng nhất đối với một BrSE. Ngoài ra, mình thấy luôn lạc quan, vui vẻ cũng là một yếu tố cần thiết của BrSE vì công việc thực sự khá áp lực.

Câu hỏi: Làm thế nào để đánh giá ứng viên có những tố chất cần thiết cho một BrSE hay không?

Anh Đăng: Là một người từng tham gia phỏng vấn ở VTI, thông thường mình đánh giá ứng viên theo 2 tiêu chí: chịu khó học hỏi và có tinh thần trách nhiệm cao không?
Về yếu tố chịu khó học hỏi, mình xoay quanh những câu hỏi như: ứng viên có thể tự học không? Mình đánh giá cao khả năng tự học của ứng viên hơn kỹ năng mà ứng viên đang có.
Kế tiếp, là một BrSE mình cần đáp ứng được yêu cầu từ khách hàng, từ công ty, từ team phát triển nên nếu không có tinh thần trách nhiệm cao thì có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người. Về tố chất này thì mình hay đưa ra các câu hỏi tình huống để xem khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên.
Ngoài ra, về sự “tỉnh táo” và “mềm dẻo” thì các bạn có thể sẽ tích lũy được trong quá trình làm việc.

Câu hỏi: Kỹ sư cầu nối cần những kỹ năng gì?
Anh Sơn: Theo mình, kỹ sư cầu nối cần các kỹ năng như sau:
Kỹ năng code
Có thể nhiều bạn nghĩ làm BrSE không cần code. Điều này có thể đúng. Tuy nhiên không code không phải là không biết code. Lý do tại sao thì nó đã nằm ngay trong tên BrSE rồi. Bridge System Engineer.
Như mọi người cũng biết, công việc của một SE là phân tích yêu cầu, tạo tài liệu mô tả hệ thống, viết mã, và cả kiểm thử. Để tạo được một tài liệu miêu tả tốt thì cũng cần có một nền tảng lập trình nhất định.
・Ví dụ như giai đoạn tiền dự án, lúc đó đang là giai đoạn lấy dự án về, BrSE là người tiếp cận gần nhất với khách hàng, sẽ thực hiện các việc như làm ra sản phẩm demo để trình bày với khách hàng. Lấy được về rồi mới chuyển qua các việc như estimate…
・Khi cần trình bày một solution, nếu không biết lập trình thì khó có thể trình bày chính xác được.
・Có các trường hợp vì bảo mật cao, chỉ member tại Nhật mới được truy cập vào hệ thống để sửa.

Có một so sánh rất hay của một anh BrSE đi trước mình thấy rất hay.
“Ngư phủ không phải lúc nào cũng bơi nhưng bắt buộc phải biết bơi.
BrSE không phải lúc nào cũng code nhưng bắt buộc phải biết code.”

Kỹ năng giao tiếp
Cực kỳ quan trọng. Mình là cầu nối mà. Cần giao tiếp với khách hàng, giao tiếp với team phát triển. Với khách hàng, với đặc thù về văn hóa, về lối sống, chúng ta sẽ cần cách tiếp cận và trao  đổi riêng. Để có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng và đạt được sự tin cậy.
Đặc biệt, là người Nhật, cách nói vòng quanh rồi mới đi vào kết luận, đôi khi kết luận nằm phân tán trong các ý trước đó. Vì vậy yêu cầu khả năng lắng nghe khá là cao.
Với team phát triển, mình cần truyền đạt một cách chính xác, súc tích nhất. Và phần lớn BrSE sẽ làm việc với khoảng cách địa lý lớn với team phát triển, nên hầu như là trao đổi online. Trong quá trình làm việc, làm sao để đạt được hiệu suất cao nhất là kỹ năng mà mình nghĩ mọi BrSE đều cần có.

Kỹ năng ngoại ngữ
Thực ra ngoại ngữ có thể gộp vào kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên đối với mình, đặc biệt trong ngành này, ngoại ngữ là một yếu tố không thể thiếu. Trước hết, nếu làm việc với khách hàng nào, thì nếu mình có thể giao tiếp bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, thì độ tin cậy và sự thân thiết sẽ được nâng cao hơn phải không nào.

Tất nhiên, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nên nếu chỉ cần có tiếng Anh thì hoàn toàn có thể làm việc và sinh sống thoải mái. Tuy nhiên, có các quốc gia khá đặc trưng như Nhật Bản chẳng hạn, tiếng Nhật vẫn là một điều gì đó vượt lên hẳn thế giới ngoài kia. Và quan điểm cá nhân của mình, nếu có ai đó làm việc cùng mình có thể trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ của mình, thì mình khá là thích người đấy.

Ngoài ra, IT là một ngành đòi hỏi đọc tài liệu khá nhiều, mà tài liệu thì phần lớn là viết bằng ngoại ngữ, nên việc có ngoại ngữ vững chắc sẽ giúp ích rất nhiều.

Kỹ năng giải quyết vấn đề
Đặc biệt là trong ngành này, mình thấy kỹ năng cực kỳ quan trọng. Vì sao ư? Vì chúng ta không biết ngày mai thình lình có bug to ơi là to xảy ra không, có member nào tự dưng không đi làm được dù dự án đang vào giai đoạn gay go, làm đã đời rồi mới phát hiện ra hiểu sai hoàn toàn yêu cầu của khách hàng…

Vậy khi có vấn đề phát sinh, thì cách tiếp cận sẽ rất quan trọng. Với cách tiếp cận hợp lý, việc to có thể dần dần được giải quyết, nếu không hợp lý hoàn toàn có thể gây nên vấn đề nghiêm trọng hơn tới dự án. Có thể nói kỹ năng này cần và sẽ được hoàn thiện dần khi chinh chiến nhiều.Và bản thân mình cũng đang trau dồi nó mỗi ngày. Dạo này cứ có vấn đề là vui hẳn, vì coi như đó là cơ hội để rèn luyện bản thân.

Kỹ năng tự học
Cuối cùng, đó là tự học. IT phát triển rất nhanh, các kiến thức mới xuất hiện với tần suất dày đặc. Nên kỹ năng tự trau dồi là rất cần thiết. Chúng ta có thể học từ rất nhiều nơi, như là internet, tài liệu, các đàn anh đi trước, và ngay trong từng task đang thực hiện.Tiếp theo, tùy theo định hướng mà mỗi cá nhân sẽ đi sâu vào từng nội dung cụ thể. Trong các BrSE mà mình biết, mình thấy ai cũng đều siêu kỹ năng này.

Câu hỏi: Trong những kỹ năng trên, theo bạn kỹ năng nào là kỹ năng khó nhất?
Anh Đăng: Theo mình, kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng khó, mình cũng không biết đây có phải là kỹ năng khó nhất chưa, nhưng kỹ năng này không thể nâng cao nếu chỉ tự học mà đòi hỏi phải “thực chiến” rất nhiều. Bạn phải giao tiếp với bạn bè, khách hàng rất nhiều để có thể bình tĩnh trong nhiều tình huống.

Câu hỏi: Bạn có thể cho biết yêu cầu cụ thể về khả năng code và trình độ tiếng Nhật của BrSE không?
Anh Đăng: Mức cơ bản nhất là có thể hiểu được cấu trúc máy tính và mã code mà chúng ta code được sẽ hoạt động trên máy tính như thế nào. Kế tiếp, phải tối ưu khả năng xử lý của máy tính đối với ngôn ngữ lặp trình mình sử dụng (Thông thường mỗi máy tính có thể thực thi khoảng 100 lệnh).
Về Tiếng Nhật, để có thể làm việc suôn sẻ và giao tiếp trôi chảy với khách hàng mình nghĩ các bạn cần đạt có trình độ tiếng Nhật tương đương N2

1.4 Điểm hấp dẫn và khó khăn của nghề BrSE

Câu hỏi: Đối với các bạn, nghề BrSE hấp dẫn ở điểm nào?
Anh Sơn: Có thể tiếp xúc được với rất nhiều người (khách hàng, team phát triển…), mỗi người có quan điểm sống, giá trị quan khác nhau. Nhờ đó có thể thấy bản thân trưởng thành hơn trong suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề.

Kế tiếp là khám phá được nhiều nơi hơn trong những chuyến công tác hay các chuyến thăm đến văn phòng khách hàng…

Bên cạnh đó, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, cảm giác thành công khi hoàn thành một dự án, cảm giác ức chế khi không thể giải thích cho khách hàng hiểu hay hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp.

Điểm cuối cùng khiến mình yêu thích công việc này là nhờ công việc này mà bản thân mình được trau dồi rất nhiều, khiến bản thân trưởng thành hơn rất nhiều so với thời điểm còn là học sinh

Anh Đăng: Điểm đầu tiên hấp dẫn mình ở nghề BrSE là mình được tiếp xúc với nhiều business khác nhau. Khi làm BrSE, mình tiếp xúc với nhiều khách hàng, mỗi khách hàng có 1 business và cách triển khai business khác nhau giúp mình mở rộng hiểu biết trên rất nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, mình còn có cơ hội vận dụng những kiến thức mình có đề xuất với khách hàng giúp khách hàng có nhận định rõ ràng hơn trong việc triển khai business…

Câu hỏi: Trong cả quá trình là BrSE thì điều gì là khó khăn nhất?
Anh Sơn: Khó khăn lớn nhất là giao tiếp. Giao tiếp ở đây không đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ mà làm thế nào để có thể đạt được hiệu quả nhất mà mình mong muốn, làm thế nào để hài hoà giữa team phát triển và khách hàng.

Anh Đăng: Khó khăn lớn nhất với mình không đơn thuần là giao tiếp, báo cáo công việc với khách hàng mà cần tìm hiểu, tiếp chuyện được với khách hàng để hiểu rõ hơn về mối quan tâm của khách hàng nhằm mục đích đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

2. HỎI ĐÁP TRỰC TIẾP GIỮA NGƯỜI THAM GIA VÀ KHÁCH MỜI

2.1 Chương trình đào tạo BrSE tại VTI

Câu hỏi: Bạn có thể cho biết chi tiết về chương trình training BrSE của VTI hiện nay không?
Trả lời: Hiện tại, VTI có một chương trình đào tạo cho những bạn mới ra trường với mục đích giúp các bạn chuyển từ trạng thái ‘học sinh” sang “shakaijin” và học tập những kỹ năng cơ bản cần thiết liên quan đến kiến thức lập trình, những giai đoạn phát triển trong dự án, làm quen với công việc của một SE. Chương trình gồm 2 giai đoạn lớn là training tập trung và OJT.

– Ở giai đoạn training tập trung (kéo dài 3 tháng) bạn sẽ học tập tại VTI bao gồm 3 giai đoạn nhỏ gồm: kiến thức về kỹ năng mềm, kiến thức của một SE và tham gia 1 project nhỏ để trau dồi, trải nghiệm trước những phần việc của một BrSE phải làm.

– Sau 3 tháng training bạn sẽ được tham gia vào dự án với sự kèm cặp của sempai đi trước để có thể đảm nhận 1, 2 vai trò của BrSE. Sau khi đã quen với công việc hơn sẽ được chia sẻ thêm những vai trò khác. Giai đoạn này kéo dài từ 3 đến 6 tháng tuỳ từng bạn. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào việc bạn muốn phát triển theo phương hướng nào nữa. Công ty sẽ cố gắng kết hợp với phương hướng bạn muốn và đưa ra lời khuyên thích hợp.  

Câu hỏi: Nên học thêm những gì để chuẩn bị cho khóa training?
Trả lời: Trước hết, nên học về tư duy lập trình, nếu được, trước khi vào công ty bạn nên trau dồi cho mình một ngôn ngữ lập trình nào đó hoặc thi các chứng chỉ như IT passport, FE (基本情報技術者試験). Chương trình training của VTI được xây dựng dựa trên nội dung chứng chỉ FE nên nếu bạn đã có kiến thức liên quan đến chứng chỉ này và hiểu nắm được 1 ngôn ngữ lập trình thì có thể nhanh chóng theo kịp công việc một cách nhanh chóng. Thông thường một BrSE cần nắm được ngôn ngữ Java, vì đây là ngôn ngữ lập trình có số lượng tài liệu và khái niệm về lập trình tương đối nhiều.

2.2 Career path và hướng phát triển của BrSE

Câu hỏi: Đối với 1 BrSE thì career path sẽ thường như thế nào?

Trả lời: Giống với hầu hết các công ty khác, BrSE ở VTI có 2 hướng phát triển chính, 1 là hướng trở thành quản lý, 2 là hướng chuyên sâu về kỹ thuật.
Nếu đi theo hướng quản lý, bạn sẽ được đào tạo trên các mảng như quản lý nhân sự, quản lý project, quản lý product,.. Đầu tiên, bạn đảm nhận vị trí engineer, sau đó có thể trở thành sub leader, leader, manager… (Hướng đi này phù hợp với những bạn không thích code)

Nếu đi theo hướng chuyên sâu về kỹ thuật, bạn có thể chuyên sâu về kỹ thuật lập trình, kỹ thuật cloud hoặc một số kỹ thuật mới như AI, IoT… Có khá nhiều ngạch nhỏ nhưng chúng ta sẽ chỉ chọn ra 1 mảng mạnh nhất và cố gắng tham gia vào các dự án chuyên về mảng đó. Ví dụ nếu chuyên sâu về mảng Cloud, bạn có thể phát triển thành technical expert và đảm nhận công việc consulting cho khách hàng về những điểm như hệ thống hiện tại của khách hàng cần cải thiện những điểm nào…

Nếu bạn mạnh ở cả quản lý và kỹ thuật thì hướng phát triển càng đa dạng hơn: có thể trở thành project manager, product manager, consulting hoặc khởi nghiệp…

Câu hỏi: Có nhiều nữ là BrSE không? Career path với nữ có khác biệt gì so với nam không?
Trả lời: Hiện tại VTI chỉ có 1 bạn BrSE là nữ, tuy nhiên mình thấy không có quá nhiều khác biệt giữa nam và nữ là BrSE, chỉ là BrSE đòi hỏi khả năng tư duy logic cao nên nếu bạn nữ nào cảm thấy bản thân có tư duy logic tốt, không gặp vấn đề gì trong việc đọc các tài liệu về lập trình thì hoàn toàn có thể trở thành BrSE

Câu hỏi: Triển vọng nghề nghiệp của BrSE trong các lĩnh vực như phát triển hệ thống kế toán, quản lý zaiko so với BrSE trong các lĩnh vực như games?
Trả lời: Các hệ thống về kế toán hay quản lý zaiko thường ít thay đổi và đã tồn tại khá lâu (trên 20 năm) nên hiện nay nhu cầu về các hệ thống này có vẻ giảm và ít hơn so với các mảng khác.

Câu hỏi: VTI có chuẩn bị gì cho sự chuyển dịch nghề offshore sang các nước khác? Hướng phát triển của VTI trong tương lai?
Trả lời: VTI hoàn toàn nhận thức được vấn đề về sự chuyển dịch nghề offshore sang các nước khác trong 1 ngày nào đó. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình hiện tại ở Nhật là 45, ở Việt Nam là 30 nên nguồn lao động của chúng ta vẫn đang hỗ trợ cho phía Nhật rất tốt, ít nhất trong 10 năm nữa. VTI từ ngay khi thành lập đã xác định không đơn thuần chỉ là offshore mà muốn phát triển những gì của riêng mình. VTI học từ các công ty Nhật kỹ thuật, cách triển khai business, ý tưởng… để triển khai thêm những gì thuộc về VTI

Vị thế của VTI: ở Nhật VTI có thể là offshore. Tuy nhiên ở Việt Nam VTI chủ yếu hoạt động ở mảng consulting về kỹ thuật, cloud, AI… Ngoài ra, ở Nhật VTI cũng không đơn thuần là offshore mà sẽ làm consulting cho các công ty Nhật. Để có thể làm được như thể VTI phải luôn đầu tư, phát triển và học hỏi những kỹ thuật mới nhất mà đây chính là điểm yếu của các công ty Nhật.

THÔNG TIN TUYỂN DỤNG TẠI VTI
Hiện nay VTI đang tuyển BrSE (tuyển cả sinh viên mới ra trường và người có kinh nghiệm), với nhiều đãi ngộ, xem chi tiết tại https://www.mpkenhr.jp/rikei/it/J0251

Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp

MPKEN khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.

  • Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
  • Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
  • Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man  ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...