Giới thiệu một chút về công việc của bạn đi ?
Hiện tại mình đang làm việc cho một văn phòng kiến trúc tại Tokyo. Văn phòng kiến trúc với quy mô tầm 10-12 người, khá điển hình đối với những văn phòng kiến trúc gắn với tên tuổi của người đứng đầu là kiến trúc sư trưởng ( ví dụ như văn phòng các kiến trúc sư nổi tiếng như Tadao Ando hay Kengo Kuma…cũng theo mô hình này dù có khác về quy mô nhân sự). Khác với mô hình công ty xây dựng lớn(Nihon sekkei, Obayashi,hay Nikken sekkei…) có phân chia các phòng ban cụ thể mang tính hệ thống, tính chuyên môn hóa cao cho từng bộ phận thì ở một văn phòng kiến trúc nhỏ cơ hội một người được tham gia vào nhiều giai đoạn trong dự án cũng như được tiếp cận với sự đa dạng về loại hình dự án cũng cao hơn ngược lại phải “kiêm nhiệm” thêm khá nhiều những vai trò khác ( Lập hợp đồng thiết kế, quản lý nghiệp vụ kiến trúc.v…v…)
Hiện tại công việc của mình là tham gia thiết kế và triển khai các dự án về kiến trúc ở giai đoạn đầu.Loại hình thiết kế ở văn phòng mình khá đa dạng từ các công trình kiến trúc dân dụng(nhà ở…), công cộng (trường học, bảo tàng,…) công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp…) cho tới quy hoạch đô thị.
Trước đây sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc trường Đại học Xây Dựng mình cũng có thời gian làm việc tại 1 văn phòng kiến trúc ở Việt Nam được 3 năm với quy mô khá giống văn phòng hiện tại đang làm nên sau khi vào công ty thì mình nhận nhiệm vụ và làm việc luôn chứ không có khoảng thời gian được đào tạo(研修) như các công ty lớn khác. Mỗi dự án bên này đều được chia ra cho mỗi đội nhóm phụ trách ( mỗi nhóm tầm 2-4 người) và sẽ có một trưởng nhóm phụ trách để quản lý về tiến độ cũng như chất lượng thiết kế nhằm hướng đến mục tiêu chung là tạo ra một sản phẩm sáng tạo, đảm bảo kỹ thuật và tính thẩm mỹ cao.
Lý do bạn lựa chọn công việc hiện tại là gì?
A/ Trải nghiệm và thử thách bản thân ở môi trường mới.
Mỗi đất nước đều có những đặc điểm khác biệt về yếu tố xã hội, văn hóa và con người, điều đó ảnh hưởng khá lớn tới lối suy nghĩ, tư duy trong cách làm việc và giải quyết vấn đề. Việt Nam hiện nay có thể coi là một hình ảnh của Nhật bản từ nhiều năm về trước. cũng có rất nhiều những vấn đề và bất cập trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng và phải cần thời gian để khắc phục.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển và hoàn thiện thì ở đâu cũng đều có những bài học chung và đối với ngành kiến trúc thì điều này cũng không ngoại lệ ( ví dụ như khi kinh tế còn khó khăn, người ta thường chưa chú trọng quá nhiều tới vấn đề về thẩm mỹ,việc hưởng thụ tinh thần thì việc thiết kế còn chưa được đánh giá đúng mức nên có nhiều hạn chế nhưng khi kinh tế phát triển, nhu cầu về một không gian sống chất lượng, thì những vấn đề đó sẽ dần được giải quyết.v..v…vai trò của kiến trúc sư được công nhận và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng nói riêng và xã hội nói chung )
Với một môi trường ở nhật thì sẽ có nhiều những điều kiện thuận lợi ( thời gian dành cho nghiên cứu phương án khá dài, giá trị của bản thiết kế được trả xứng đáng, hệ thống quy chuẩn và luật pháp rõ ràng…) để giúp những người làm trong ngành kiến trúc phát huy được nhiều những yếu tố về chuyên môn. tạo ra được những sản phẩm thiết kế thực sự chất lượng. Làm việc trong môi trường như vậy không chỉ là thử thách mà còn giúp hoàn thiện hơn cái nhìn tổng thể trong công việc mình đang làm, rút ra được trải nghiệm cho bản thân và một lúc nào đó, có thể áp dụng những điều đó ngay trên Đất nước mình thì chẳng phải rất hữu ích sao.
B/ Một môi trường chuyên nghiệp để học hỏi và trau dồi kiến thức.
- Học tập chủ động qua sách, tài liệu chuyên ngành.
Ở Nhật sách chuyên ngành về kiến trúc nhiều và phong phú, sách viết rất chi tiết, mang tính thực tiễn cao, do chính người Nhật viết và tạo thành một kho tri thức chuyên ngành hữu dụng, có tính kế thừa. Từ những sách mang tính học thuyết, tạp chí kiến trúc cho tới cả những cuốn sách chuyên ngành được minh hoạ bằng manga cho dễ hiểu. Có thể nói rằng khi bạn gặp bất cứ vấn đề nào đó thì chỉ cần tra cứu là sẽ có cuốn sách phù hợp để bạn nghiên cứu và giải quyết được vấn đề chưa hiểu. Nhất là với ngành kiến trúc, việc tự học là rất quan trọng. Vì vậy mỗi văn phòng kiến trúc tại nhật đều có kho sách chuyên ngành không khác gì một thư viện thu nhỏ. Là điều kiện tốt để vừa làm, vừa học và nghiên cứu.
Trước đây ở Việt Nam khi còn là sinh viên mình hay ra khu Hoa Lư (khu phố nổi tiếng về sách chuyên ngành cho dân xây dựng-kiến trúc tại Hà Nội) cũng khó tìm được những cuốn tham khảo ưng ý, và hầu hết sách tham khảo cũng chỉ dừng lại ở tính giáo khoa, nội dung có từ nhiều năm về trước. Phần nào ảnh hưởng tới quá trình hoàn thiện kiến thức của những người hành nghề kiến trúc. Hy vọng trong tương lai người Việt mình cũng có thể tạo ra một kho tàng tri thức phù hợp với điều kiện xây dựng trong nước để có một cộng đồng kiến trúc phát triển.
- Học tập thông qua sempai, đồng nghiệp.
Ngoài việc chủ động học tập thì việc trực tiếp làm việc hàng ngày với những đồng nghiệp cũng chính là một cơ hội học tập. Văn phòng mình làm việc nhóm, vì thế việc trao đổi và giải quyết các vấn đề đều được diễn ra mỗi ngày. Ngay những vấn đề nhỏ nhưng những sempai hay trưởng nhóm họ đều giải thích rất cặn kẽ bằng các dẫn chứng minh họa, kèm theo đó là những kiến thức đã được kiểm tra rõ ràng, rất hiếm khi có những câu giải thích theo hướng cảm tính.Chỉ khi hiểu đúng kiến thức thì mới có thể tạo ra một công trình chất lượng, đó là điều mình thực sự cảm nhận được khi làm việc tại đây.
C/Cơ hội kết nối
Làm việc tại một văn phòng kiến trúc với những đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia thực sự là một điều thú vị. Cùng một vấn đề song với mỗi cá nhân đến từ những nơi khác nhau lại có quan điểm và cách nhìn khác biệt. Bản thân sẽ có những cái nhìn đa chiều hơn, điều đó cũng tạo ra cơ hội kết nối trong tương lai với chính những đồng nghiệp mà mình đang làm việc cùng.
Lịch làm việc 1 ngày thông thường của bạn như thế nào?
Thông thường thì một ngày làm việc tại văn phòng của mình thường được bắt đầu khá muộn. Công việc buổi sáng bắt đầu từ 9:30-12:00 được nghỉ trưa 1h đồng hồ để ăn uống và tiếp tục công việc buổi chiều từ 13:00-18:00. Là một văn phòng kiến trúc nhỏ nên hầu như mọi người đều phải làm khá “đa nhiệm” . Sự tỉ mỉ với giá trị cốt lõi là tạo ra sản phẩm với chất lượng tốt nhất vì thế mà thời gian tan làm khá muộn so với giờ quy định.
Để mọi người có thể hình dung cụ thể hơn về công việc mình đang làm thì mình xin chia sẻ về cách thức tổ chức và cách triển khai dự án thông thường trong văn phòng kiến trúc mình làm như sau:
- Về hình thức tổ chức:
Văn phòng bên mình thì bộ máy tổ chức hoạt động khá đơn giản với đứng đầu là Kiến trúc sư trưởng (người sở hữu Văn phòng kiến trúc) và 2 phó kiến trúc sư trưởng. Cơ cấu bao gồm bộ phận thiết kế (11 người) và bộ phận hành chính (1 người, chủ yếu xử lý các vấn đề về thuế, thu chi cũng như các thủ tục có liên quan tới thủ tục hành chính, bảo hiểm v…v…)
Bộ phận thiết kế thường được chia ra làm các nhóm nhỏ từ 2-4 người ( phụ thuộc vào quy mô dự án) đứng đầu mỗi dự án là 1 nhóm trưởng ( Bên nhật gọi là 担当者 -người chịu trách nhiệm chính cho dự án đó ).
- Cách thức triển khai dự án:
1/Quyết định nhân sự cho dự án ( Xây dựng team work cho 1 project)
Trước khi bắt đầu tiến hành một dự án thì việc quyết định nhân sự cho dự án đó là rất quan trọng, mỗi nhóm khi được xây dựng đều đảm bảo sao cho đảm bảo sự cân bằng về kinh nghiệm, kỹ năng giữa các thành viên để có thể hộ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình làm việc. Người Trưởng nhóm là người có trách nhiệm đảm bảo tiến độ, đưa ra những góp ý mang tính định hướng để mỗi thành viên đều có thể phát huy khả năng.
2/Xây dựng tiến độ xuyên suốt cho dự án.
Mỗi dự án đều được xây dựng các mốc thời gian theo từng giai đoạn thiết kế ( giai đoạn nghiên cứu ban đầu(計画), thiết kế cơ sở(基本設計), thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công(実施設計) cho đến giai đoạn giám sát(監理). Việc làm này được xây dựng ngay từ lúc bắt đầu, và sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với mong muốn của chủ đầu tư. Tiến độ được báo cáo định kỳ vào mỗi thứ 2 hàng tuần trong buổi meeting đầu tuần của văn phòng.
3/Quá trình triển khai dự án và thuyết trình cho chủ đầu tư:
Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định đến nội dung công việc cũng như chiếm nhiều thời gian nhất. Dựa trên nhiệm vụ thiết kế mà chủ đầu tư đưa ra, nhóm phụ trách sẽ phải nghiên cứu để đưa ra được các phương án thiết kế để trao đổi trực tiếp với kiến trúc sư trưởng (Công việc này khá giống như hồi học đại học, các bạn sinh viên sau khi nghiên cứu đồ án thì sẽ gặp các thày phụ trách để thông qua đồ án) để có thể đi đến thống nhất cuối cùng. Việc trao đổi thảo luận phương án (打ち合わせ) giữa các thành viên trong một nhóm được diễn ra hàng ngày, đây là giai đoạn mà mình cảm thấy vừa gấp rút lại vừa thú vị.
Để trao đổi và tư vấn cho chủ đầu tư, thì song song với quá trình triển khai , thiết kế dự án sẽ có những buổi thuyết trình với chủ đầu tư (プレゼンテーション) để báo cáo và đi đến sự thống nhất giữa hai bên. Đây là những buổi thuyết trình rất quan trọng, khi mà công sức của cả 1 tập thể được thể hiện qua những bản vẽ, tài liệu thuyết trình và ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng thiết kế. Vì thế thường trước ngày này, mọi người thường làm việc hết sức khẩn trương và tập trung. Sau khi đã đi đến thống nhất về concept và ý đồ thiết kế thì giai đoạn tiếp theo là triển khai thiết kế cơ bản và xuất bản vẽ kỹ thuật thi công, song song với việc xin phép xây dựng (申請段階) xuyên suốt quá trình thiết kế là việc liên tục thảo luận với những bộ môn liên quan khác nhau như thiết bị công trình, kết cấu, điện, ánh sáng v..v… đây cũng là giai đoạn mà thực sự đối với người nước ngoài như mình thì đó là rào cản khá lớn và thực sự khó vì đòi hỏi ngoài nền tảng kiến thức chuyên môn thì còn cần một trình độ tiếng Nhật đủ giỏi để trao đổi các vấn đề một cách thuận lợi.
4/Quá trình giám sát công trình.
Trong quá trình thi công, người thiết kế phải trực tiếp hàng tuần cố định 1 ngày để xuống công trường, làm việc với công ty xây dựng để đảm bảo mọi thứ được làm đúng như trên bản vẽ cũng như trao đổi và giải quyết các vấn đề phát sinh mà chỉ có làm tại công trường mới có thể kiểm tra được. Đây cũng là một việc rất quan trọng.
5/Hoàn thiện
Khi mọi thứ đã kết thúc, việc set up nội thất, cũng như test ánh sáng, bố cục đồ trang trí cũng là những phần việc cuối cùng thuộc trách nhiệm của văn phòng kiến trúc. Đây là giai đoạn mà mọi thành viên trong công ty đều được động viên tới để cùng xem và đúc kết những cái hay, nhằm nâng cao tư duy thẩm mỹ và trực tiếp cảm nhận được giá trị lao động của tập thể.
Khi mới đi làm bạn có gặp khó khăn gì không? Và bạn đã khắc phục nó như thế nào?
- Khó khăn về ngôn ngữ, khối lượng từ vựng chuyên ngành lớn
Khi mới vào làm, vấn đề ngôn ngữ thực sự là một vấn đề lớn đối với mình ( trước khi sang nhật mình có học tiếng nhật trong 6 tháng, trình độ tầm khoảng N4) có những lúc hiểu sai truyền đạt của trưởng nhóm dẫn đến việc mất thời gian phải làm lại. Tuy nhiên cũng rất may mắn vì một phần hầu như mọi công việc kiến trúc thì việc trao đổi trên bản vẽ là khá lớn, có thể trực tiếp vừa quan sát, vừa hỏi ngay được những vấn đề còn chưa rõ. Vì thế, trong khoảng 6 tháng sau đó mình tập trung học 1 số từ vựng chuyên ngành quan trọng cũng như nắm được cách làm việc mà việc trao đổi công việc với các đồng nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy thực sự thì cho đến bây giờ dù đã làm việc 2 năm tại đây nhưng có rất nhiều từ vựng chuyên ngành mà mình vẫn không thể biết hết.
- Sự khác biệt về lối sống, văn hóa tác động đến tư duy thẩm mỹ thiết kế.
Lối sống và tập quán văn hóa ảnh hưởng sau sắc tới kiến trúc trên mỗi quốc gia. Hồi mới vào làm, còn chưa nắm rõ được những điều đó, những phương án mình đưa ra thường không phù hợp với lối sinh hoạt của người nhật (hay gọi nôm na là chưa đúng gu) nhưng được đồng nghiệp giới thiệu tài liệu, cũng như giải thích và được trực tiếp trải nghiệm những điều đó trong cuộc sống hàng ngày mà mình cũng đã dần hiểu được những điều đó một cách rất tự nhiên. Kiến trúc là một con đường dài. Và đó là lý do tại sao tại Nhật bản, các kiến trúc sư thường có khái niệm đi ra nước ngoài để tham quan kiến trúc và học tập (勉強旅行)
- Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Đây có lẽ là vấn đề lớn đối với người nước ngoài làm việc tại các văn phòng kiến trúc tại Nhật. Hầu như đa số người nước ngoài đều không hiểu và khó chấp nhận với việc phải làm thêm giờ cũng như về khá muộn so với giờ làm chính thức. Với người Nhật thì công việc luôn được ưu tiên trước hết, họ có thể sẵn sàng về muộn mà không hề thấy đó có vấn đề gì. Trong suốt thời gian làm việc tại đây mình luôn phải cố gắng để làm sao vừa đảm bảo được tiến độ về công việc ( làm việc nhóm vì thể chỉ cần 1 thành viên về đúng giờ là các thành viên khác bị ảnh hưởng theo,nên cũng không thể nào về được), mặt khác vừa phải lo ôn tập thêm ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành để giải quyết được các vấn đề trong công việc, với người nước ngoài thì đó thực sự là một thử thách lớn. Nên dù tiến bộ chậm một chút trong việc học tiếng Nhật nhưng mỗi khi đi làm trên tàu, mình vẫn tranh thủ để ôn tập thêm từ vựng, đi học thêm tiếng vào mỗi cuối tuần đều đặn. Vẫn duy trì những sở thích của bản thân để cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Và mình nghĩ đây là vấn đề mà ai cũng có thể gặp. Nên ngoài cố gắng và nỗ lực của mỗi người ra thì không còn cách nào khác 😀
Điều gì ở công việc khiến bạn thấy hứng thú?
- Cảm giác hạnh phúc khi dự án hoàn thành.
Một dự án bên Nhật dù là nhỏ như nhà dân thì thời gian cũng kéo dài tầm 1-2 năm. Trong suốt quá trình đó là cả một sự cố gắng, nỗ lực của một tập thể. Khi dự án kết thúc một cách tốt đẹp, cái cảm giác như mình cũng góp công sức vào hành quả đó thực sự là một niềm vui và niềm động lực lớn lao.
- Những điều nhỏ bé tạo nên một công trình có giá trị lớn lao.
Trước đây mình luôn chú trọng tới tính tổng thể trong giải quyết vấn đề mà thường bỏ qua những chi tiết nhỏ vì nghĩ rằng nó không có nhiều ảnh hưởng, có thể khắc phục được bằng cách này hay cách khác miễn là tính tổng thể không bị mất đi. Song qua thời gian làm việc cùng với những đồng nghiệp người Nhật thì yếu tố chi tiết lại chiếm một tầm quan trọng không hề nhỏ.
Bạn có thể làm một công trình đẹp về tổng thể( về hình khối, màu sắc kiến trúc), nhưng nếu thiếu đi những chi tiết nhỏ ( bố trí từng hộp công tắc, vị trí đặt điều hòa , chiều cao của từng chiếc ghế ngồi trong phòng khách,v..v..) thì sẽ không tạo ra được sự tinh tế, thuận lợi cho người sử dụng. Cũng giống như mua 1 món đồ có chung một chức năng, nhưng đôi khi bạn lại thấy có loại thì tinh tế, tạo ra sự thuận tiện, gần gũi với người dùng có loại thì lại không có được điều đó, thì lúc này yếu tố nhỏ đã tạo ra sự khác biệt!
Bạn thấy mình trưởng thành thế nào qua công việc?
Có thể nói rằng sự tỉ mỉ, cận thận trong từng chi tiết nhỏ trong công việc là điều lớn nhất mình đã học được qua mỗi công việc tại đây. Cũng từ đó mà bản thân tạo ra được thói quen quan sát, so sánh.
Thiết kế kiến trúc là một công việc thực sự khó và đòi hỏi cần phải liên tục hoàn thiện, học hỏi để nâng cao kiến thức bản thân, nhất là lại làm việc ở một môi trường không nói tiếng mẹ đẻ. Do đó với mỗi khó khăn, nếu vượt qua sẽ mang lại sự trưởng thành gấp nhiều lần.
🍀Tham khảo các thông tin tuyển dụng hiện có tại MPKEN
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận