Giới thiệu một chút về công việc của bạn đi ?
Hiện giờ mình đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế (International NGO – Non Government Organization) của Nhật Bản.
Trước khi giới thiệu về công việc của mình, mình xin được giải thích một chút về tính chất, nội dung các hoạt động của tổ chức phi chính phủ vì có nhiều người còn chưa thực sự hiểu rõ.
Tổ chức NGO/NPO là gì?
Mọi người khi mới nghe về “Tổ chức Phi Chính phủ”(NGO) , “Tổ chức Phi lợi nhuận” (NPO – Non Profit organization) thì đều hỏi mình là: “Sao lại làm công việc tình nguyện à? Đi làm như vậy là không có lương à? Hay bạn mang đồ đi từ thiện cho ai đó?”v.v. Vậy mình sẽ trả lời như này nhé:
Thứ nhất, các tổ chức NGO/NPO hoạt động với mục đích giải quyết các vấn đề xã hội (ví dụ như vấn đề nghèo đói, an ninh lương thực, môi trường, nhân quyền..), chứ không phải với mục đích tạo ra lợi nhuận (như các doanh nghiệp kinh doanh), nên có thể coi là công việc mang tính chất nhân đạo, thiện nguyện.
Thứ hai, tiền lương cho nhân viên cũng nằm trong chi phí quản lý của các tổ chức, nên không có chuyện nhân viên của các tổ chức này làm việc không lương. Tuy nhiên, do có những quy định về cơ cấu của chi phí quản lý (phần trăm của chi phí quản lý trong tổng số ngân sách hoạt động), nên tiền lương nhân viên, cũng như các chi phí khác đều phải được tính toán một cách vừa phải, hợp lý, không được lãng phí nhưng vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả cao.
Thứ ba, có rất nhiều tổ chức NGO/NPO với các hoạt động, cách thức làm việc khác nhau. Có những tổ chức quyên góp đồ, hoặc thực hiện các dịch vụ (ví dụ như khám chữa bệnh),cung cấp các đồ vật, dịch vụ đó miễn phí cho đối tượng hưởng lợi. Tuy nhiên, có những tổ chức khác, như nơi mình đang làm việc hiện tại, lại không cung cấp đồ vật hay dịch vụ miễn phí. Ngược lại, chúng mình tập trung vào phát triển con người, cung cấp cách thức để người dân có thể tự sản xuất hay nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Người ta hay ví von là, cho người dân cái cần câu, chứ không phải cho con cá.
Vậy các bạn có thể thắc mắc là, các tổ chức này lấy tiền từ đâu để hoạt động?
Thông thường, các tổ chức này có một số nguồn ngân sách như: phí hội viên hàng năm (các nhà tài trợ sẽ tham gia đóng góp vào tổ chức với tư cách là các hội viên), tiền quyên góp ủng hộ (số tiền này thường tăng đột biến khi có các sự kiện lớn xảy ra như thiên tai hoặc của một Mạnh thường quân đặc biệt nào đó), tiền hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, v.v.
Hoạt động của tổ chức NGO/NPO là gì?
Như mình đã nói ở trên, mỗi tổ chức sẽ có mission, nội dung và quy mô hoạt động khác nhau, nhưng có điểm chung là tập trung vào các đối tượng yếu thế trong xã hội, ví dụ như người dân ở các nước/ khu vực kém phát triển, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tị nạn, người dân ở các khu vực vừa trải qua thiên tai…
Ví dụ như tổ chức của mình, chúng mình có văn phòng chính ở Tokyo và văn phòng đại diện ở 3 nước là Việt Nam, Campuchia và Nepal. Các hoạt động chính của chúng mình gồm có:
- Phát triển cộng đồng bà con dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam, phát triển nông thôn tại Campuchia, Nepal
- Cải thiện năng suất trồng lúa, nâng cao thu nhập thông qua nông nghiệp cho người dân.
- Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em
- Hỗ trợ người dân phục hồi người dân sau thảm họa (Nhật bản, Nepal)
- Quan hệ công chúng…
Công việc hàng ngày của bạn là gì?
Thông thường, có 2 hình thức nhân viên làm việc cho các tổ chức NGO như này. Hình thức thứ nhất là nhân viên làm việc tại địa phương (現場) với các công việc liên quan trực tiếp đến lập kế hoạch, thực hiện triển khai và đánh giá dự án. Còn mình thuộc hình thức thứ hai, là nhân viên làm việc ở back office. Hiện giờ mình phụ trách các công việc như, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động gây quỹ (chuẩn bị hồ sơ để xin tiền hỗ trợ từ cơ quan chính phủ của Nhật Bản cho dự án ở Campuchia, lập báo cáo hoạt động và tài chính hàng tháng, hàng năm trong suốt thời gian thực hiện Dự án), lập báo cáo hoạt động tới các nhà tài trợ về các dự án khác, hỗ trợ giám sát hoạt động tại địa phương, hỗ trợ các hoạt động tại văn phòng địa phương (Nepal).
Ngoài các công việc chính trên, mình cũng hỗ trợ các ban khác tổ chức các buổi họp báo cáo nhà tài trợ, viết tin bài để đăng lên bản tin, tạp chí định kỳ, tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ thông tin để giúp người dân Nhật Bản có hiểu biết rõ hơn về cuộc sống của người dân ở những nước kém và đang phát triển, và gần đây nhất là đi điều tra và thực hiện hoạt động phục hồi sau thảm họa lũ lụt tại miền Tây Nhật Bản…
Lý do bạn lựa chọn công việc hiện tại là gì?
Hồi còn học Đại học, mình làm thêm tại “Trung tâm phát triển nguồn nhân lực VIệt Nam – Nhật Bản (VJCC)”, rồi sau khi tốt nghiệp Đại học, mình làm cho hai dự án chuyển giao kĩ thuật về nông nghiệp và kiểm nghiệm thực phẩm cho cán bộ Việt Nam của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản). Từ đó, mình thấy hứng thú với công việc phát triển xã hội, phát triển con người và muốn được làm việc thêm trong ngành này(国際協力、国際開発)
Trong quãng thời gian học Thạc sĩ ở Nhật, mình cũng tìm hiểu thêm về NPO/NGO cũng như các doanh nghiệp xã hội. Mình cũng đi shukatsu ở những công ty bình thường, và có cả các tổ chức NGO. Tuy nhiên, có lẽ do tâm trí mình lúc đó hướng đến các tổ chức NGO hơn, nên mình không tập trung quá nhiều sức lực và chuẩn bị cho các công ty bình thường, nên việc mình bị trượt gần hết là điều dễ hiểu. Và cũng trong một vài tổ chức NGO mình nộp hồ sơ và phỏng vấn, có duy nhất tổ chức này là mình cảm thấy thích ngay từ lần đầu tiên, thấy đồng cảm vì có chung “mission” – đó là xây dựng một xã hội trong đó trẻ em được phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Ngoài ra, tổ chức này cũng có các hoạt động ở Việt Nam, như vậy là mình sẽ có cơ hội được hỗ trợ cho người dân nghèo của đất nước mình. Và rất may, mình đã nhận được naitei tại đây.
Khi mới đi làm bạn có gặp khó khăn gì không? Và bạn đã khắc phục nó như thế nào?
Khi mới vào làm, mình được phân công chuẩn bị hồ sơ xin cấp tiền hỗ trợ cho một dự án ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó do một số thay đổi, mình lại chuyển sang hỗ trợ cho Dự án ở Campuchia, và sau đó là Nepal. Bởi vậy, vừa bắt tay chuẩn bị hồ sơ, mình vừa phải tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều về đất nước, tình hình kinh tế, giáo dục, xã hội, cuộc sống người dân… ở 2 nước này. Cũng may, sau đó mình có dịp được đi công tác tại cả 2 nước, được gặp trực tiếp và nói chuyện với những người dân tại vùng dự án, hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ nên giờ cũng có tự tin hơn khi chia sẻ về các dự án này.
Ngoài ra, còn khó khăn khác đến giờ mình vẫn phải cố gắng cải thiện hàng ngày, đó chính là tiếng Nhật. Khó khăn ở đây không phải là về các kĩ năng nữa, mà là sử dụng cách diễn đạt thế nào để truyền đạt ý muốn nói tới các đối tượng khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như, khi báo cáo với cơ quan chính phủ, mình phải sử dụng từ ngữ theo văn phong hành chính nhà nước, nhưng khi viết bài bản tin cho tạp chí, hướng đến đối tượng độc giả rộng hơn thì mình lại phải dùng các từ ngữ dễ hiểu, tránh gây hiểu lầm….Đây là khó khăn mà kể cả nhân viên người Nhật cũng gặp phải, nên đối với nhân viên nước ngoài như mình thì lại càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, và nên nhờ sự hỗ trợ, kiểm tra từ những đồng nghiệp.
Điều gì ở công việc khiến bạn thích thú? Có điều gì khiến bạn thấy không thích không?
Điều mình thích nhất khi làm công việc này là được thấy những nụ cười của người dân, hay của các trẻ em ở vùng dự án, và thấy được sự thay đổi của họ, từ nhút nhát, lo lắng, kém tự tin, cuộc sống khó khăn (khi mới bắt đầu dự án), cho đến khi họ trở nên tự tin, dám mạnh dạn đứng phát biểu trước nhiều người, cuộc sống khá hơn, bắt đầu có tiền để dành cho con đi học…
Đối với những nước không phải Việt Nam, cho dù mình không nói được tiếng của người dân và trẻ em, nhưng khi gặp lại người dân sau một thời gian, họ vẫn nhớ đến mình, kéo mình vào nhà, ngồi cùng mâm cơm ăn với họ, tay bắt mặt mừng, thì những lúc đó mình thấy thật hạnh phúc khi làm công việc này.
Ngoài ra, còn một điều mình thích nữa đó là, do văn phòng có ít người nên mọi người phải hỗ trợ lẫn nhau, nên mình được giao cho nhiều công việc, từ viết lách, phát biểu, đến tính toán sổ sách giấy tờ, từ hỗ trợ hoạt động liên quan đến nông nghiệp cho đến hoạt động về y tế, dinh dưỡng, xây dựng, marketing…Bởi vậy, mình phải học hỏi kiến thức và cải thiện các kĩ năng liên tục, thường xuyên.
Điều mình không thích hiện giờ có lẽ là chưa có, nhưng có thể với một số người với nhu cầu chi tiêu nhiều, hoặc những người đã có gia đình thì công việc này có lẽ không phù hợp lắm, vì như mình nói ban đầu, lương của các tổ chức NGO không quá cao, công việc đòi hỏi đi công tác nhiều, và những địa điểm công tác thường là những nơi có điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Nên nếu bạn thực sự muốn làm công việc này, trước tiên, bạn cần có sức khỏe, sự quyết tâm muốn cống hiến cho xã hội, và cả sự thông cảm, thấu hiểu từ gia đình của bạn nữa.
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
![]()
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn ko mất phí:
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận