Mình đặt chân sang Nhật khoảng hơn 4 năm trước, theo diện visa đoàn tụ gia đình. Thời điểm đó, dự án đường sắt mà mình làm từ sau khi ra trường vừa kết thúc, và mình quyết định ngừng công việc để sang Nhật đoàn tụ cùng vợ mình, khi đó đang theo học tại 1 trường ĐH ở Tokyo.
Cũng giống như nhiều bạn khác sang theo diện visa gia đình, trước khi sang đây, mình cũng không tránh khỏi những lo lắng về ngôn ngữ, về công việc, sự nghiệp của mình… nhưng sau 1 hành trình dài xin việc, mình đã được nhận vào làm nhân viên chính thức cho một công ty IT và bắt đầu đi làm vào tháng 4 vừa rồi.
Trong bài nhật ký xin việc này mình sẽ tổng hợp lại những thông tin, những khó khăn gặp phải trong quá trình tìm việc của mình. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích được ít nhiều cho các bạn sẽ và đang trong quá trình đi shuu, đặc biệt đối tượng là các bạn đến Nhật theo diện visa gia đình và khi sang Nhật chưa hề biết tiếng Nhật giống như mình.
Thời gian đầu khi mới sang Nhật, mình không có ý định đi tìm việc do tiếng Nhật nằm ở mức cận mù chữ và level tiếng Anh cũng nằm mức ngang ngửa tiếng Nhật, nên ban đầu chỉ tính là thôi thì đã sang đến Nhật rồi, thì cố học tiếng Nhật cho tốt được chừng nào hay chừng đó.
Để tiết kiệm chi phí, mình không học tại các trường tiếng Nhật mà học cùng các thầy cô tình nguyện người Nhật tại các trung tâm giao lưu quốc tế. Ngàylàm baito, tối về nghỉ ngơi học tập. Kế hoạch là vậy và đời cứ thế nhẹ trôi nếu không có cái anh facebook. Thi thoảng đâu đó trong news feed lại thấy thông tin tuyển dụng người Việt từ công ty Nhật do người Việt đăng lấp loé, mình bắt đầu tò mò xem và tự hỏi.
- Đối tượng như mình, có được tuyển dụng và đổi được sang visa lao động để đi làm full time không?
- Đi xin việc (đi shuu) thì cần những điều kiện gì, phải chuẩn bị những gì?
- 3.Làm sao để thu thập thông tin tuyển dụng và tiếp cận, liên lạc được với công ty mình muốn ứng tuyển?
Để tìm câu trả lời, mỗi buổi học với các thầy cô tại trung tâm, mình lại đưa ra chủ đề tìm việc của sinh viên Nhật để hỏi thêm thông tin từ các thầy cô. Các thầy cô rất nhiệt tình chỉ bảo và hướng dẫn giúp mình. Qua các cuộc trò chuyện này, mình dần biết tới các keyword như Halowork, Mynavi, shuukatsu …v.v,. Theo những keyword đó mình bắt đầu dùng các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo,.. để tìm hiểu về cách xin việc tại Nhật trên internet, đồng thời cũng kết hợp ứng tuyển về Việt Nam đối với những công việc dành cho đối tượng người Việt đang sống tại Nhật.
Trung tâm giới thiệu việc làm mình đến đầu tiên là hệ thống Halowork, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín của chính phủ. Theo thông tin từ thầy cô của mình thì trên Shinjuku, trung tâm này còn hỗ trợ ngôn ngữ cả cho những người không biết tiếng Nhật. Mình đến trực tiếp văn phòng của Halowork để tiến hành đăng ký thông tin cá nhân và ứng tuyển công việc.
Phải công nhận rằng, hệ thống này làm việc rất logic và nhanh chóng, đầu tiên là lấy số thứ tự -> đăng ký -> tìm việc muốn làm từ hệ thống dữ liệu của trung tâm -> lấy mã số công việc đưa lại cho nhân viên phụ trách liên lạc và hẹn ngày phỏng vấn giúp mình -> việc còn lại là mình đến trực tiếp công ty đó để phỏng vấn là xong.
Đọc đến đây chắc hẳn có bạn sẽ thắc mắc, sao mình không tự tiếp liên lạc đến công ty để ứng tuyển công việc? Thì câu trả lời là cách làm đó được, nhưng tỷ lệ đỗ không cao. Nhật có văn hoá shoukai, việc shoukai này giúp bên phía tuyển dụng họ có thể yên tâm về lý lịch ứng viên, hay nói cách khác là có thể tin tưởng được người sẽ làm việc cùng mình trong tương lai.
Tại Halowork mình ứng tuyển luôn 3 công ty và đến phỏng vấn trực tiếp tại những công ty đó, kết quả là không trúng tuyển công ty nào. Lý do chính ở đây là tiếng Nhật vẫn còn quá kém, CV thì viết lởm khởm, thiếu kiến thức đi shuu trầm trọng.
Vậy là mình lại bắt đầu lại từ vạch xuất phát, quay lại tìm hiểu các kiến thức đi shuu : từ cách chuẩn bị CV, cách vào phòng phỏng vấn, cách chào hỏi,… qua các bài viết tổng hợp dành cho sinh viên Nhật trên website của Mynavi. Vì Mynavi không có tiếng Việt nên nhân tiện có máy in free tại ký túc mình ở, mình in cả một xấp rồi vừa đánh vần chữ vừa tra từ điển để hiểu được nội dung các khâu cần chuẩn bị cho phỏng vấn và các điểm cần lưu ý khi viết phần PR bản thân, lý do xin việc, các manner khi đi phỏng vấn…
Rút kinh nghiệm mấy lần ứng tuyển trước, lần này mình dành thời gian để chuẩn bị thật kỹ CV và nhờ bà xã check hộ tiếng Nhật giúp, nên trông cũng sáng sủa, dễ đọc hơn hẳn. Kèm theo đó mình đi sắm hẳn một bộ suit dành cho shukatsu đúng kiểu Nhật luôn, giá đắt quá nên lúc mua cũng nâng lên đặt xuống mãi, nhưng bấm bụng thôi thì coi như đầu tư.
Mãi rồi cũng đến ngày Job Fair do My Navi, mình xúng xính mặc bộ vest mới mua đi dự. Oai như các bạn sinh viên Nhật, sơ mi trắng vest đen, giày tây bóng loáng, sách cặp mang theo bộ CV đến hội trường. Sau khi lượn một hồi vòng quanh các gian quầy giới thiệu của các công ty tham gia, dừng lại một quầy và mạnh dạn hỏi: em người nước này, em đã học và tốt nghiệp trường này, hiện nay em không phải là sinh viên, em có thể vào nghe và ứng tuyển không? Phía nhà tuyển dụng rất nhiệt tình hướng dẫn và giải thích cho mình rất cụ thể về điều kiện ứng tuyển công việc.
Đến đây mình mình mới biết ở Nhật việc chuyên ngành mình học và chuyên ngành mình muốn làm sau khi tốt nghiệp hoàn toàn không liên quan cũng có thể ứng tuyển. Ví dụ: học chuyên ngành về kinh tế bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển công việc về lập trình IT miễn là bạn có đam mê và sở thích …v.v, thế là mình hăng hái ứng tuyển rất nhiều cơ hội.
Thế nhưng đi shu không hề đơn giản tí nào. Suốt một thời gian dài, chuỗi ngày vòng luẩn quẩn ứng tuyển -> phỏng vấn -> trượt cứ thế lặp lại liên tục. Thời gian đi shuu nhiều không làm được baito, nguồn tài chính bắt đầu cạn kiệt, tinh thần xuống dốc, nản thực sự.
Tinh thần xuống dốc trầm trọng nhất là khi mình tham gia phỏng vấn tại công ty về lĩnh vực IT gần Gotanda. Phỏng vấn diễn ra theo hình thức workshop và thảo luận nhóm mà người nước ngoài tham gia duy nhất chỉ có duy nhất mình. Bản thân tiếng Nhật thì nghe câu được câu không, nói thì bập bõm buổi phỏng vấn diễn ra như thế nào thì chắc các bạn hình dung ra được rồi. Cảm giác mình là người thừa của xã hội xâm chiếm cái đầu và những suy nghĩ như: đất Nhật chắc không có chỗ cho mình bắt đầu xuất hiện.
Lúc này thầy dạy tiếng Nhật cho mình cũng quan tâm hỏi han mình đi tìm việc như thế nào và rủ mình đi đến một buổi giao lưu liên quan đến Việt Nam có cả bạn thầy tham dự. Và chính tại buổi đi ăn hôm đó mà mình tình cờ được gặp anh Tanaka – giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật chuyên hỗ trợ du học sinh xin việc tại Nhật, và được anh giới thiệu tham gia vào học khoá hỗ trợ kỹ năng xin việc dành cho du học sinh do MPKEN tổ chức.
Tại đây, mọi kiến thức shuu mình được hoc rất đầy đủ cụ thể. Thông qua những giờ học tại MPKEN mình có môi trường để luyện tập nói tiếng Nhật, môi trường giao lưu trao đổi thông tin người Việt, môi trường để phân tích bản thân (自己分析), tự hiểu rõ mình hơn để PR với nhà tuyển dụng. Nếu được biết đến MPKEN sớm hơn nữa thì có lẽ cái vòng luẩn quẩn kia sẽ ngắn hơn và kinh phí, công sức đến đích của mình sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều.
Cuối cùng sau gần 6 tháng đi shuu mình cũng đã nhận được thông báo tuyển dụng và kết thúc quãng ngày khủng hoảng vui buồn lẫn lộn. Giờ nghĩ lại, đi shuu ở Nhật cũng rất nhiều điều thú vị, những trải nghiệm rất đáng có đối với mình.
Bạn đi theo diện visa gia đình, đang muốn tìm một công việc full time tại Nhật để tiếp tục sự nghiệp còn dang dở ở Việt Nam nhưng vẫn đang băn khoăn không biết liệu mình có đủ điều kiện không? Nếu:
- Bạn đã học và tốt nghiệp chuyên ngành tại các trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam hoặc Nhật Bản?
- Bạn có chứng chỉ tiếng Nhật, tiếng Anh của các kỳ thi như: JLPT, NATTEST, BJT, TOEIC, IELTS…v.v. Hoặc có khả năng giao tiếp tốt tương đương.
- Bạn có thực sự muốn làm việc full time tại các công ty Nhật? (Là người có gia đình, việc đi làm full time có ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái của bạn hiện tại hoặc sắp tới không?)
=> Khi bạn clear được 3 câu hỏi trên, chỉ cần đủ nỗ lực, chắc chắn là bạn sẽ tìm được công ty phù hợp với khả năng của mình. Hãy thử trải nghiệm và khám phá cuộc sống lắm thú nhiều vị tại Nhật Bản nhé.
Tokyo, 9/2016
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận