Shukatsu Diary (Vol 20) – Nhật ký xin việc tại Nhật

Xin chào các bạn,

Mình tên Nguyễn Quỳnh Trâm, mình sang Nhật vào tháng 4 năm 2007.  Sau khi học xong hai năm Nhật ngữ và hoàn thành xong bậc đại học và thạc sĩ  tại trường đại học của Nhật, mình đã đậu vào nguyện vọng một là một ngân hàng của Nhật và cũng vào làm tại đây cho đến bây giờ.

Tháng hai này cũng là thời điểm bận rộn đỉnh điểm của quá trình 就職活動, mình biết có nhiều bạn đang ngày đêm cố gắng trong cuộc chiến khốc liệt nơi mặt trận tìm việc. Mình viết bài này với mong muốn góp thêm chút thông tin và tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trong quá trình tìm được công việc vừa ý với bản thân.

Bài chia sẻ này của mình sẽ gồm có hai phần chính: ① Nhật ký thi tuyển vào ngân hàng mình đang làm② Chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm mình đúc rút được trong quá trình săn việc, nội dung cụ thể như sau:

PHẦN 1: NHẬT KÝ THI TUYỂN VÀO NGÂN HÀNG

Đầu tiên mình xin kể lại quá trình thi tuyển vào ngân hàng mình đang làm, hy vọng sẽ giúp các bạn đang muốn tìm việc ở ngành này tham khảo được ít nhiều.

Quá trình săn việc tại ngân hàng của mình gồm các bước sau: tham gia seminar giới thiệu, làm 1 vòng nộp hồ sơ trên mạng kết hợp web test, phỏng vấn 6 vòng gồm: 1 vòng phỏng vấn theo nhóm 3 người; 1 vòng thi viết và phỏng vấn 1 đối 1 bởi hai người của phòng nhân sự mỗi người 15 phút ; 2 vòng phỏng vấn của 部長 các phòng ban liên quan đến nguyện vọng của mình; một vòng phỏng vấn bởi trưởng phòng nhân sự và vòng cuối là phỏng vấn với giám đốc nhân sự.

Mình đăng ký thông tin tại một công ty chuyên giới thiệu nhân sự cho người nước ngoài là Global Leader và nhận mail thông báo về buổi giới thiệu công ty của 1 ngân hàng của Nhật, đây là cơ duyên gặp gỡ đầu tiên của mình và nơi làm việc hiện tại.

Tham dự seminar:  Khi tìm việc mình chú trọng hai điểm là công ty có triển vọng đầu tư ra nước ngoài không và bầu không khí trong buổi seminar như thế nào, đây có phải là một môi trường làm việc thân thiện với nữ giới không. Khi đến tham gia vào buổi seminar của ngân hàng mình ứng tuyển, mình cảm nhận nơi đây có hai điều trên, vì từ người phụ trách phát biểu giới thiệu công ty cho đến phần giao lưu với sempai cũng đều là nữ, và mình đặt câu hỏi ngân hàng có quan tâm và dự định đầu tư ra Đông Nam Á không, và họ trả lời là có quan tâm (thực tế là tháng 3 năm đó họ ký hiệp định hợp tác với một ngân hàng của Việt Nam). Vậy nên mình nghĩ các bạn nên tận dụng những buổi seminar để tìm hiểu công ty, chú ý xem công ty có phù hợp với những điều kiện bạn đặt ra hay không nhé.

Các vòng thi mình đã trải qua cụ thể như sau:

Vòng thứ nhất: nộp hồ sơ trên web và webtest

Sau khi nhập thông tin đăng ký, trả lời câu hỏi, làm trắc nghiệm tâm lý xong, bạn sẽ làm một bài webtest ( bài hồi đó mình làm thuộc dạng đề của quyển 玉手箱(Tamatebako): có đọc hiểu tiếng Nhật, phân tích graph hoặc biểu đồ hoặc bảng dữ liệu…)

Vòng thứ hai: phỏng vấn theo nhóm

Một đợt phỏng vấn gồm 3 ứng viên, có 1 giám khảo đặt 1 câu hỏi chung cho 3 người cùng trả lời. Thứ tự trả lời sẽ thay đổi tuỳ theo lựa chọn ngẫu nhiên của giám khảo. Giám khảo hỏi khoảng 4 câu, cũng đã khá lâu rồi nên mình chỉ còn nhớ hai câu là: Bạn thuộc tuýp người nào ( thận trọng cẩn thận? hay quyết đoán tốc độ?), cho một ví dụ để chứng minh, tin tức gần đây làm bạn lưu tâm là gì ( Câu này rất hay xuất hiện nên bạn nhớ chuẩn bị kỹ nhé. Nếu bạn nào hứng thú ngành tài chính thì nhớ check thông tin sáng nay trên trang nhất báo Nikkei trước khi đi phỏng vấn nhé). Vì phỏng vấn nhóm nên bạn nói quá dài sẽ dành mất thời gian của người khác còn nói quá ngắn thì sẽ không tóm hết được ý mình cần truyền đạt, nên bạn nhớ để ý điều chỉnh thời gian và lượng nội dung phù hợp nhé ( hồi đó đối với mỗi câu hỏi mình trả lời khoảng 5 câu trở lại, cái này tuỳ vào bạn phán đoán)

Vòng thứ ba: viết luận và phỏng vấn.

Họ sẽ cho mình 1 tờ giấy yêu cầu viết luận trong 30 phút. Mình không biết nội dung có thay đổi mỗi năm hay không, nhưng năm của mình là: “Hãy viết về những dự định và điều bạn muốn thực hiện nếu bạn trở thành nhân viên của nhân hàng chúng tôi.” Sau khi viết luận xong, mình sang phòng phỏng vấn.

Đầu tiên là 1 giám khảo phỏng vấn khoảng 15 phút, hỏi về đề tài luận văn, nội dung học… Sau đó họ lại thay một giám khảo khác phỏng vấn thêm 15 phút nữa, hỏi về lý do sang Nhật, trình độ Nhật ngữ, có những chứng chỉ gì về tài chính chưa…

Vòng thứ tư: phỏng vấn với phòng ban chuyên môn

Vòng này mình gặp 2 người thuộc hai phòng ban khác nhau, mỗi người phỏng vấn lần lượt tầm 10-15 phút. Mình không nhớ, nhưng nội dung cũng không khó lắm, một số câu hỏi mình còn nhớ là: vì sao muốn vào ngân hàng, Việt Nam dạo này thế nào, tình hình đầu tư thế nào, có muốn hỏi gì không…

Vòng thứ năm: phỏng vấn với 部長 của phòng mình sẽ vào làm trong tương lai.

Hồi đó là phòng Nghiệp vụ quốc tế. Mình được hỏi một số câu về thông tin về kinh tế Việt Nam, có những mảng nào đang hot, vì sao lại muốn vào làm ở đây, hiện đang xin vào những công ty nào mảng nào, có dự định ở Nhật lâu dài không…. Mình cũng được phỏng vấn tầm 30 phút.

Vòng thứ sáu: phỏng vấn với Trưởng phòng nhân sự.

Ở vòng này, chị Trưởng phòng check và hỏi khá kỹ hồ sơ của mình, ví dụ như năng lực tiếng Anh thế nào, tiếng Nhật thế nào, dự định làm ở Nhật bao lâu, đã nhận naitei công ty nào chưa, khi tìm việc thì chú trọng đến những điểm nào (軸), bạn hãy nói 1 điểm tích cực và 1 điểm tiêu cực của người Nhật, bạn thấy xã hội Việt Nam cần gìn giữ phát huy điều gì và có điểm nào cần cải thiện, bạn có câu hỏi nào thêm không. Vì mình thấy chị trưởng phòng nhân sự thành đạt và lại là nữ nên cũng hỏi luôn “Lý do lựa chọn làm việc tại ngân hàng này là gì?”, vì mình muốn biết thêm về môi trường làm việc tại đây và kết hợp có thêm cơ hội giao tiếp thoải mái hơn với giám khảo. Chị ấy cũng kể lại rất tận tình và bầu không khí nói chuyện càng lúc càng thư giãn thoải mái hơn.

Vòng cuối: phỏng vấn với Giám đốc nhân sự.

Mặc dù là vòng cuối nhưng vẫn không được chủ quan. Giám đốc nhân sự vào gặp mình nói chuyện khoảng 20 câu, tầm 10 phút, không hỏi gì chuyên sâu cả, như một buổi làm quen có không khí nhẹ nhàng, chỉ cười và cười thôi. Tuy nhiên sau này mình nghe nói cùng khoa của mình có một bạn Trung Quốc cũng vào vòng cuối giống mình nhưng lại không được chọn. Vậy nên tuyệt đối không được sơ sẩy các bạn nhé, để tránh cái chết bất ngờ vào giờ G!

PHẦN 2: MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHUNG KHI TÌM VIỆC

Mình xin chia sẻ một số điểm theo mình là quan trọng trong quá trình tìm việc như sau:

Chụp ảnh thẻ

Bạn nên đến hẳn studio chuyên chụp ảnh thẻ để tìm việc chứ đừng chụp trong buồng chụp ảnh tự động. Có hai lý do: một là chất lượng ảnh sẽ tốt hơn nhiều, khi chụp nhân viên studio còn tư vấn và hỗ trợ chăm chút nhan sắc cho bạn gọn gàng sáng sủa hơn ngày thường, và hai là người tuyển dụng sẽ nhìn vào ảnh để đánh giá độ chỉn chu của bạn. Mình đọc trong một tài liệu về tuyển dụng có ghi rằng, những công ty lớn nhận một lúc vài nghìn hồ sơ, thì họ sẽ qua bước lọc đầu tiên là nhìn ảnh để loại ra khoảng hơn một nửa ứng viên, sau đó mới bắt đầu đọc nội dung và lọc dần. Chính vì vậy bạn nên đầu tư một chút để dễ có được chiếc vé thông hành đầu tiên qua vòng lọc hồ sơ hơn nhé.

Tìm hiểu về những quy tắc về phục trang, tác phong khi đi tìm việc

Tìm hiểu xem về quần áo, cách trang điểm cho phù hợp (con gái trang điểm không quá đậm cũng không quá nhạt…)

Phân tích bản thân

Biết mình là ai và thế mạnh là gì.  Quá trình tìm việc của mình bắt đầu từ việc phân tích bản thân: đọc quyển 絶対内定――自己分析とキャリアデザインの描き方, viết ra mọi thứ theo hướng dẫn của quyển sách này. Việc này tương đối mất thời gian nhưng thành quả khá ngọt ngào: giúp mình nhìn lại quá khứ, đào sâu hiểu rõ bản thân hơn, thông qua việc viết ra những thành tựu nho nhỏ trong cuộc sống cũng giúp mình biết được thế mạnh bản thân là gì… Ngoài ra để biết được thế mạnh bản thân là gì bạn cũng có thể kết hợp hỏi thêm những người thân, những người bạn quen có góc nhìn sâu sắc về bạn và đưa ra những nhận xét bổ ích nhé.

Luyện SPI và các dạng đề làm test trên web

Bên ngành phi kỹ thuật, các công ty lớn  thường dùng nội dung đề web test của sách 玉手箱 hay các sách luyện SPI, còn ngành kỹ thuật còn có thêm sách về test logic. Mình cũng luyện khoảng 2 quyển SPI và 1 quyển 玉手.

Viết hồ sơ tìm việc

Sau khi viết hồ sơ xong, mình có nhờ các cô giáo người Nhật xem lại và chỉnh sửa cho văn phong được tự nhiên như người Nhật. Ngoài ra, các bạn nhớ kiểm tra kỹ lưỡng các lỗi chính tả nhé. Về việc viết hồ sơ là viết tay hay đánh máy, ngoại trừ những công ty quy định hẳn là phải viết tay, còn mình hầu như đều dùng bản đánh máy in ra, và may mắn là về cơ bản đều qua hết vòng hồ sơ. Tất nhiên nếu bạn thích viết tay và muốn PR khả năng viết chữ tiếng Nhật của mình thì cứ dùng bản viết tay nhé, mình chỉ muốn nhấn mạnh là có thể các công ty họ sẽ chú trọng vào nội dung hơn là việc có viết tay hay không, nên quan trọng nhất là vẫn là trau chuốt nội dung câu chữ cho thật kỹ bạn nhé.

 

Chọn đúng nguồn thông tin và luồng tuyển chọn

Để có được quá trình tìm việc trơn tru, kinh nghiệm xương máu của mình là nên chọn các buổi giới thiệu dành riêng cho người nước ngoài sẽ nhanh và hiệu quả hơn tìm việc cùng với người Nhật.

Cách đây vài năm lúc mình đi tìm việc, các công ty đã bắt đầu mở seminar từ đầu tháng 12 (hiện giờ thì là tháng 3), mình cũng theo luồng đó khởi động tìm việc khá sớm. Trường mình học thạc sỹ hồi đó có liên kết với nhiều công ty nên có hàng trăm công ty đến giới thiệu, mình đi được chục công ty xong thì rã rời, bắt đầu bấn loạn vì các bạn Nhật vào đông như quân Nguyên, ở những công ty lớn thuộc các ngành nghề được yêu thích thì sinh viên đứng chật cả hành lang. Số lượng công ty cũng rất nhiều và không biết được công ty nào có nhu cầu tuyển người nước ngoài. Thế là vào tầm cuối tháng 1 mình bắt đầu tìm đến với những công ty chuyên giới thiệu công việc cho người nước ngoài, ví dụ như Global Leader, Top Career, Intelligence, Asean Jobfair, và bây giờ các bạn đừng quên thì có cả MPKEN nữa nhé ^^ .

Hồi đó mình có nhờ Công ty Global leader tư vấn thêm trước khi tìm việc, họ đã cho mình rất nhiều lời khuyên và nhận xét hữu ích cho quá trình tìm việc của mình. Những công ty giới thiệu nhân lực này mở các buổi seminar tập trung chuyên dành cho sinh viên nước ngoài, nên mình sẽ bớt được một khâu quan trọng là lọc xem những công ty nào đang cần người nước ngoài, nhiều khi sẽ lọc được luôn những công ty nào đang cần người Việt Nam cho các dự án business của họ nữa đó.

Sau khi đi seminar của khoảng 15 công ty, mình rút lại nộp hồ sơ khoảng 5 công ty. Ngoài ra trước khi phỏng vấn những công ty nguyện vọng chính, mình có đăng ký một số công ty không phải là nguyện vọng chính để luyện thêm về sự tự tin và quen với tâm lý phỏng vấn, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quan trọng cho đợt phỏng vấn chính.   

Trước khi đi phỏng vấn mình đều tìm hiểu qua về nội dung, phương châm của công ty và xem lại những thông tin về bản thân để khi vào phỏng vấn thì nội dung nói phải luôn nhất quán.

Memo lại ngay những câu đã được hỏi

Sau mỗi lần phỏng vấn thì mình đều memo lại những câu hỏi đã xuất hiện trong buổi phỏng vấn để có những chuẩn bị tốt hơn cho các buổi phỏng vấn sau. Mình cũng rút ra rằng các nội dung chủ yếu đều xoay quanh những câu như: lý do tìm việc, khi đi tìm việc thì bạn chú trọng đến điểm nào nhất (thường hay được hỏi câu 仕事探しの軸について教えてください.) , gần đây có đọc sách gì không, tin tức trên báo sáng nay bạn quan tâm là gì, … Các bạn nhớ luôn để ý thông tin trên báo mỗi sáng để luôn cập nhật tin tức, không rơi vào trường hợp bị động khi bị hỏi nhé. Gần đây có một app trên iphone tên là Business on Demand, luôn cập nhật những thông tin về kinh tế và xã hội nóng hổi của các chương trình ti vi như ビジネスモーニングサテライト、日経プラス10…

Cố “bỏ túi” ít nhất một công ty ngoài công ty nguyện vọng 1

Đến khoảng tầm đầu tháng 3 mình nhận được naitei đầu tiên, điều này tạo tự tin cho bản thân rất lớn để hướng đến công ty nguyện vọng một. Khi đã đỗ được1,2 công ty, bạn sẽ tự tin hơn hẳn, vì mình có một bệ bảo vệ an toàn và năng lực của mình được khẳng định. Chính vì vậy xây một chiến lược hợp lý, đừng chỉ lao vào toàn những công ty lớn khó nhằng mà nên tìm ít nhất một công ty bỏ túi phòng trường hợp rủi ro. Ngoài ra khi vào sâu các vòng trong thì sẽ hay bị hỏi câu “Bạn đã nhận naitei nào chưa”, nếu chưa được cái nào thì cũng là một điểm trừ cho bạn.

Hiểu rõ mình muốn làm trong một công ty như thế nào

Về trường hợp của mình, đó là môi trường làm việc trong công ty, xem đó có phải là một môi trường dễ làm việc đối với nữ giới không, và ngoài ra cũng quan tâm xem công ty hiện có quan tâm đến Việt Nam hay không, vì mình muốn làm một công việc có kết nối liên quan với Việt Nam. Vì vậy khi đi seminar, mình có để ý đến những thành viên tham gia buổi seminar có nữ không, và trong phần giới thiệu về công ty thì mình cũng hỏi rõ luôn là có dự định mở rộng thêm các hoạt động ra nước ngoài không.  Vậy nên bạn cần hiểu rõ mình muốn làm ở một công ty như thế nào nhé.

Đọc thêm 1 vài quyển sách nổi tiếng và thông dụng ở Nhật

Ví dụ như 学問のおすすめ(Khuyến học)、武士道 để có thêm nhiều ý để triển khai và nói chuyện với giám khảo. Có hai công ty mình phỏng vấn có hỏi câu về xã hội, mình cứ trả lời chêm vài điểm quan trọng có liên quan trong quyển Khuyến học, vậy là nhận được naitei cả hai. Biết đâu mình đã nhận được điểm cộng rất lớn nhờ đọc những quyển kinh điển này cũng nên.

Trong bài chia sẻ này, nếu để ý bạn sẽ thấy mình dùng chữ “tìm việc” hoặc “săn việc” chứ không phải “xin việc” (điều này cũng đã có nhiều người đề cập đến), với lời nhắn gửi các bạn rằng: Yếu tố đầu tiên tạo nên một mùa săn việc thành công chính là sự TỰ TIN, rằng mình có năng lực và sẽ tìm gặp được một công việc vừa ý với bản thân, chứ không phải đi xin công ty người ta ban công việc cho mình. Đương nhiên, không phải là tự tin một cách vô căn cứ, tay không đi bắt giặc, mà tự tin đó hình thành từ việc bồi dưỡng nội lực và sự chuẩn bị kỹ càng cho mỗi cuộc chạy đua của bạn, còn khi bạn đã cố gắng hết sức và cảm thấy mình đủ năng lực nhưng công ty đó không cho bạn đậu thì đó là do “Chúng ta không thuộc về nhau”, mong muốn và thế mạnh của bạn không phù hợp với phương châm của công ty đó chứ không phải vì bạn yếu kém. Hãy TỰ TIN, chuẩn bị kỹ càng, không từ bỏ và luôn trau dồi thêm năng lực, rồi những cố gắng của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Chúc các bạn sẽ gặp được công việc như ý nhé!

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...