Shukatsu Diary (Vol 18) – Nhật ký xin việc tại Nhật

Có bao giờ bạn tự hỏi mình “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” chưa?

Nếu bạn đang ở cái ngưỡng “đáng giá” này nhất định bạn phải cố gắng và cố gắng hơn nữa!

“Đừng bao giờ tự nói về mình. Hãy cố gắng phấn đấu. Cho đến một ngày nào đó người khác phải nói về bạn”. Câu nói này mình đã, đang và nhất định sẽ mang theo như 1 hành trang để từng bước cố gắng trong cuộc sống và kể cả khi tìm việc.

Câu chuyện tìm việc với mình cũng giống như việc đi xem mặt (お見合い – Omiai) vậy. Khi đối phương chưa hề biết gì về bạn thì việc đầu tiên bạn phải làm là gây thiện cảm, bằng lời nói, những câu hỏi đáp để hiểu về nhau hơn. Và cuối cùng đối phương là người sẽ quyết định có tiến tới với bạn hay không. Thì tìm việc cũng vậy. Những công ty tiềm năng ai cũng muốn “nhảy vào” hết. Vậy thì sao? Vấn đề bạn muốn vào đó là việc không sai. Nó hoàn toàn đúng! Nhưng muốn vào bạn phải chuẩn bị tinh thần, chấp nhận cạnh tranh. Để có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng bạn phải nổi bật và khác biệt!

Điều đầu tiên: “Hãy luôn là chính mình”

Nhưng! Bạn không thể là chính mình khi không biết mình là “Ai”. Lại càng không thể biết mình là “Ai” khi không tự khám phá bản thân mình.
“Cuộc sống mà không có những trải nghiệm thì thực sự không đáng sống”. Mặc dù “Cứ làm đi” có lẽ sẽ là một phương châm tốt áp dụng cho nhiều trường hợp. Nhưng mình thấy nó không đúng cho hành trình tìm kiếm, nhất là tìm việc. Bởi vậy hãy hiểu mình là ai, mình muốn gì trước đã!
Chắc chắn rất nhiều bạn còn đang mông lung không biết mình hợp làm nghề gì, không biết mình nên làm công ty nào để có thể phát triển được bản thân. Và mình cũng vậy.

Với quyết tâm xin việc ở Nhật sau khi tốt nghiệp từ năm thứ 2 đại học mình đã tự đặt ra hàng loạt câu hỏi, đọc và tìm hiểu. Từ sempai, internet và thực sự hiểu mình đang “muốn” gì khi đọc bài phân tích bản thân trên Tomoni. Và “thực sự phân tích bản thân”-自己分析 là điều mình thấy quan trọng nhất khi bắt đầu tìm việc. Hãy bắt đầu phân tích bản thân mình thật kỹ và sâu các bạn nhé!

Sau đó hãy tìm 1 công việc phù hợp với tính cách và dự định sau này của bạn chứ đừng tìm một công việc tốt nhất, lương cao nhất. Bởi chỉ khi đó dù công việc có áp lực hay con đường bạn chọn có gập gềnh bạn mới có thể tìm được chút niềm vui trong công việc bạn đang làm!

Điều thứ hai: Chuẩn bị “hành trang” thật kỹ

“Hành trang ở đây là gì ?”
Nếu như bạn đã nghe rất nhiều sempai đã từng chia sẻ thì có lẽ đó là
– Chuẩn bị một bộ vest, một đôi giày chuyên dùng để đi 就活 – Shukatsu
– Một bộ CV được chỉnh sửa cẩn thận và ấn tượng
– Hàng loạt câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi như (自己PR、志望動機、日本に来た理由、将来の夢、長所、短所、…) Và rất rất nhiều câu hỏi liên quan.
– Đăng ký thành viên ở một số trang tin tuyển dụng như Mynavi, Rikunavi, Topcareer, Hallowork, Aseancareer, v.v..
– Theo dõi những bài viết trên Tomoni và MPKEN để học hỏi trau dồi kiến thức khi viết CV cũng như khi đi phỏng vấn.
Ngoài ra đối với mình thì “hành trang” của mình lại là sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mặt “Tâm lý” hay nói cách khác là sự
“Quyết Tâm”
Có thể đối với nhiều bạn câu chuyện 就活 chỉ mất vẻn vẹn 1 tháng. Nhưng đối với rất nhiều bạn và kể cả bản thân mình 就活 đúng nghĩa như là “1 cuộc chiến”. Từ khâu chuẩn bị đến khi phỏng vấn thi viết và nhận Naitei có khi mất đến cả 1 năm cố gắng và “hành xác”. Bởi vậy nên chính sự chuẩn bị về mặt “tâm lý” mới là điều mình đề cao trước hết.
Tại sao lại nói tìm việc như 1 cuộc chiến?

Bởi bạn sẽ phải cạnh tranh với rất rất nhiều người. Có những công ty tỉ lệ đỗ chỉ là 1:200 hay 1:50,60 là điều hết sức bình thường. Nếu bạn không ra sức thì cơ hội sẽ về tay người khác.
Hơn nữa rất ít bạn nhận Naitei ngay từ công ty đầu tiên. Mình cũng phỏng vấn trên dưới 20 công ty mới có cơ hội tiến gần đến Naitei. Có những công ty mình theo đuổi đến vòng cuối cùng, 2 tháng vật lộn từ setsumekai đến thi viết, vòng 1,2,3 rồi tới vòng cuối lại….Trượt. Và thế là lại bắt đầu lại từ con số 0.


Cảm giác “chán nản, thất vọng” nhiều khi là tu”tuyệt vọng” và muốn “buông xuôi” chắc chắn là những cảm giác ai đã và đang tìm việc đều hiểu và trải qua. Bởi vậy nếu “Tâm lý ” không vững thì rất dễ buông xuôi là vì thế.
Nhưng mình luôn tin vào 1 điều : “Không có áp lực thì sẽ không bao giờ vượt qua được sự lười biếng của bản thân” Và “Muốn nhìn thấy cầu vồng phải biết chấp nhận những cơn mưa”.

Vậy nên hãy chuẩn bị thật kĩ về cả kiến thức và tinh thần để “chiến đấu” các bạn nhé!

Hãy cứ đi và vấp ngã

Có nhiều bạn sẽ thấy lạ vì tại sao mình lại muốn các bạn hãy cứ “Vấp Ngã”….

Các bạn sẽ hiểu ra điều này ngay thôi.

Trước tiên mình xin phép được nói đôi chút về con đường học không mấy cao siêu, giỏi giang gì của mình để các bạn thấy mình cũng xuất phát điểm như mọi người và thậm chí còn thấp hơn rất rất nhiều bạn. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 mình qua Nhật theo diện tự phí – Học 2 năm tiếng Nhật -> Học đại học 4 năm ở 1 trường cực kì bình thường. Mình cũng chỉ có N2 và chưa hề thi N1.

Vậy nên để mọi người thấy con đường học của mình cũng cơ bản như các bạn vậy. Nhưng mình ý thức được rằng nếu không quá cao siêu về tiếng Nhật hay về kinh nghiệm thì hãy bù lại bằng sự cố gắng, chăm chỉ rèn luyện. Nếu các sempai ung dung bắt đầu xin việc từ cuối năm 3 thì mình nghiên cứu từ năm 2. Vì khi có sự chuẩn bị kĩ lưỡng bạn đã giành 50% chiến thắng rồi.

Xác định rõ mục tiêu làm việc để tích luỹ kinh nghiệm nên mình cực kì “chai mặt”. Hầu hết các trang tin tuyển dụng người nước ngoài mình đều follow. Hình như chưa từng bỏ qua một jobfair nào từ của trường mình học, Mynavi, Rikunavi, Hallowork, Hội Vysa,v.v.. phải đến hơn 10 jobfair mình lê lết tìm đến và nghe. Với đúng 1 mục tiêu là tìm công ty phù hợp với bản thân!

Chưa kể mình cũng “đánh liều” nộp CV vào những công ty lớn (大手企業) và tham gia 説明会 của họ dù biết là cơ hội vào chỉ là 1% hoặc không có hi vọng nhưng mình vẫn thử. Chấp nhận giành thời gian để “Đi”.Thường các công ty khi đi 説明会 họ sẽ có phần hỏi đáp giữa sinh viên và các 先輩 trong công ty để trao đổi về nội dung công việc cũng như việc tuyển dụng. Có những công ty mình tham gia chỉ toàn các bạn Trung Quốc học trường Top công lập mỗi mình là người Việt. Nhưng mình vẫn “Đi” chỉ để học hỏi, đôi khi chỉ để nghe “cách họ đặt câu hỏi cho sempai”. Có những công ty họ để ý bạn ngay từ vòng 説明会 nên việc đặt câu hỏi ngay khi kết thúc buổi giới thiệu rất quan trọng. Đầu tiên mình cũng khá e dè trong việc đặt câu hỏi vì “Ngại” trước đám đông. Nhưng sau khi “Đi” nhiều mình mạnh dạn hơn và câu hỏi đưa ra cũng hay hơn.

Sau vòng jobfair và 説明会 chắc chắn sẽ đến vòng quyết định là phỏng vấn rồi. Đến tận bây giờ khi đang ngồi viết những dòng này gửi tới các bạn mình vẫn còn rất bồi hồi khi nhắc tới hai từ 面接. Lại tự nhủ: Cần cù bù thông minh”.

Mình cũng vẫn phải vừa học, vừa đi làm để trang trải học phí, vậy nên trong khi tìm việc thời gian thực sự là thứ đáng giá hơn bao giờ hết. Xác định ngay từ đầu việc tập trung cao độ để tìm việc nên mình phải chấp nhận rút ngắn lại việc làm thêm. Vì hiện tại tìm việc mới là “mục tiêu chính” không bắt đầu bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ cả.

Một tuần mình đi làm 3,4 buổi tối. Mình tranh thủ học cả khi đi ngoài đường, trên tàu và cả khi làm thêm! Thực sự nghe rất ngớ ngẩn nhưng phải thú thật với các bạn mình bị “ám ảnh” chuyện tìm việc đến mức trong giấc mơ cũng mơ mình đi phỏng vấn. Ra khỏi nhà, lúc trên tàu, lúc làm thêm rảnh là đều lẩm nhẩm 志望動機、自己PR, 長所短所. Tóm lại trong đầu mình chỉ nghĩ đến việc phải luyện sao để thuộc nhưng phải nói tự nhiên nhất có thể, để nhà tuyển dụng hiểu được tính cách, sự quyết tâm của bản thân mình. Đúng! Đã có lúc mình như bị “tảu hoả nhập ma” bởi list những câu hỏi câu trả lời, đầu óc quay cuồng nhưng vẫn quyết tâm phải “Đi” thôi. “Đi” nhiều đồng nghĩa với việc mình Thất Bại cũng không hề ít. Quyết tâm là thế, chuẩn bị kỹ là thế… vẫn trượt bình thường.

Mình nhớ nhất một kỉ niệm khi mình giành tâm huyết để vào một công ty vì thấy khá hợp với mục tiêu của mình. Đi 説明会 rồi lại 面談 rất xa đổi tàu cũng 3 lần. Đúng đợt đó thì bị cảm, cúm, sốt đúng đợt phải đi nhiều, đi bộ rất xa dưới thời tiết 40 độ khiến mình càng đuối. “Combo” đó đến đúng lúc đang rất rất quyết tâm và mình không muốn đầu hàng. Thế là vừa ngồi nhà gõ CV vừa khóc ngon lành. Nghĩ sao không ốm vào lúc khác, đúng lúc đang cần sức khoẻ để “Đi” thì lại bất hạnh thế này.

Chưa kể nhiều công ty phỏng vấn xong rất ok hi vọng tràn trề rồi cuối cùng lại…. Trượt ở vòng thi SPI – Kì thi viết. Hình ảnh “lê lết” bộ vest dưới trời nắng như thiêu, hớt hải chạy tàu, tra đường. Rồi có những hôm phỏng vấn ở những ga nghe lạ hoắc, lo đến muộn nên đi sớm hơn 1 tiếng ngồi vật vờ ở Combini ăn Onigiri xong lẩm nhẩm ôn qua đợi tới gần giờ phỏng vấn.

Có những ngày lịch 説明会 công ty nọ chồng chéo công ty kia, một ngày chạy 2,3 ca liền. Có hôm thì phỏng vấn hai công ty liền. Mà cuối cùng vẫn hàng loạt mail báo Trượt gửi về. Cảm giác thấy hòm thư báo mail …nhấn vào việc đầu tiên bao giờ mình cũng đưa mắt xuống phía cuối, nhìn thấy ” 残念ながら” hay ” ご活躍をお祈りいたします” là lại 1 Combo “Buồn, chán nản, thất vọng” ập đến.

Nhưng thú thật nếu không có “Vấp ngã” thì chắc chắn mình không luyện được tính kiên trì như bây giờ. Thất bại nối tiếp nhưng mình luôn rút ra được những kinh nghiệm, trải nghiệm khác nhau mà không phải tự nhiên mà có được. Nếu không có “Vấp ngã” thì chắc chắn mình không bao giờ biết trân trọng những giây phút khi nhận được mail báo đỗ qua các vòng. Có “Vấp ngã” mới hiểu được cảm giác cầm tờ Naitei hạnh phúc hơn bất cứ thứ gì trên đời tại thời điểm đó. Cảm giác mọi “Vấp ngã” hay khó khăn đã qua được ghi nhận và đền đáp xứng đáng mọi người ạ.

Chia sẻ đến đây có lẽ mọi người đã phần nào hiểu được chuyện “Đi” và “Vấp ngã” rồi đúng không ạ? Mình luôn cho rằng người có thể cản bước chân của Bạn chỉ có thể là Chính Bạn mà thôi. Vậy nên đừng né tránh sự thất bại hãy để cho 2 từ “Đi ” và “Vấp Ngã” được song hành cùng nhau. Mình tin đó mới là động lực để tạo nên giá trị con người Bạn.

Đích đến và Khởi đầu mới

Có thể nói hành trình tìm việc của mình đã đổ không ít mồ hôi và nước mắt. Thực sự cảm giác cầm trên tay tờ Naitei thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba mà rưng rưng, hạnh phúc đến lạ lùng. Nhưng! Việc nhận được Naitei với mình chưa phải là điều đáng tự hào! Thành tích chưa có gì lớn lao cả nhưng thành công với mình là việc đã luôn can đảm bước về phía trước dù khó khăn đến mấy! Ai cũng có một đích đến cho riêng mình, và trên con đường chạy về đích ấy, người ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách cam go. Bạn không đạt được thành công trước mắt không có nghĩa là bạn mãi mãi chẳng thể bước tới đỉnh vinh quang. Nếu chẳng may bị vấp ngã, hãy mạnh dạn đứng dậy và bước tiếp. Nếu chưa từng nằm trên bàn chông, người ta sao có thể cảm nhận được giường đệm êm ái đến mức nào? Có rất nhiều bạn đã thực sự đang rất nỗ lực nhưng may mắn chưa mỉm cười với bạn thì hôm nay, ngày mai, hoặc ngày kia thôi mình tin bạn sẽ làm được. Naitei chỉ là mục tiêu chứ chưa phải Đích đến! Naitei chỉ là Khởi đầu cho nhiều sự Bắt đầu khác mà thôi! Hãy nghĩ đến tương lai của bản thân và cả sự kì vọng của gia đình, lấy đó là động lực để cố gắng mọi người nhé. Bản thân mình luôn nhớ mãi câu nói của bố trước khi mình qua Nhật “Bố Mẹ có thể bán sạch nhà cửa để đầu tư cho con đi học, bố mẹ về quê sống cũng được nhưng 2 chị em phải học hành đàng hoàng!”- câu nói vừa là nguồn động viên tinh thần vừa như sự truyền lửa về việc mình phải cố gắng từng ngày, từng ngày một. Vâng! Đây là câu chuyện của riêng mình và có đan xen một vài lời nhắn nhủ tới những bạn chuẩn bị bắt đầu bước vào công cuộc xin việc. Mình hi vọng có thể tiếp thêm 1 chút năng lượng cho Bạn! Hãy quyết tâm để viết lên câu chuyện của chính mình – Bạn nhé!

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...