Shukatsu Diary (Vol 15) – Nhật ký xin việc tại Nhật

Đừng vội chết! For dreamers! 

2017 là một năm hành xác với hành trình tìm việc tại Nhật Bản của mình. Ở đây họ sẽ không dùng từ xin việc, mà là tìm việc. Bạn có thể tra bất cứ từ điển nào, từ 就職 sẽ chỉ cho ra kết quả với nghĩa tìm việc. Và việc đỗ phỏng vấn chính là giao điểm của nhu cầu giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Không có sự xin xỏ nào ở đây cả. Các nhà tuyển dụng cũng sẽ không tìm kiếm một ứng viên nổi trội nhất, họ tìm kiếm một người phù hợp nhất. Và một năm qua chính là hành trình đi tìm cho ra giao điểm ấy của mình.

Những chuyến bus đêm hút máu người

Tính trung bình 2 tuần mình lại có một chuyến đi xa từ Niigata đến một tỉnh thành nào đó của Nhật, từ Bắc tới Nam xẻ dọc Nhật, mà phần lớn là Tokyo. Vào những đợt cao điểm một tuần lên vài lần. Và mỗi chuyến đi chi phí có thể bằng tiền ăn cả tháng của mình. Những ngày đó, bạn chỉ cần đến ga Tokyo hoặc Shinjuku sẽ thấy 1 đứa con gái mặc nguyên bộ vest đen, vật vờ góc nào đó, luôn lăm lăm một cuốn sách trên tay, đâu cũng nằm vạ và đâu cũng rạch ra được.

Một năm hằn đậm kí ức về những chuyến bus đêm kéo dài miên man vô tận với giấc ngủ bập bềnh trên những chuyến xe như hút máu người. Hầu như nó là những đêm trắng. Đi quá nhiều kiến mình không có đủ kinh phí để đi shinkansen. Và hôm sau dù thê thảm tới mức nào cũng phải tỉnh táo và tươi tắn nhất có thể đế bước vào các cuộc phỏng vấn. Một năm dù mệt mỏi tới đâu cũng không được phép để mình gục ốm, vì chỉ gục một trận thôi, mọi thứ của cả 1 năm sẽ đổ hết xuống sông xuống bể. Thật đau khổ khi phải nhìn số tiền cạn dần theo các chuyến xe, tiền ăn cũng bị cắt xén tới mức không ít lần nhịn đói uống nước lọc qua bữa. Sáng nào dậy mình cũng tự huyễn hoặc bản thân như một người nghệ sỹ thực thụ, nghèo đói và miệt mài đi tìm chân lý cho riêng mình.

Tokyo quá rộng. Những dòng người không ngớt với gam màu đen và xám chủ đạo. Những khuôn mặt không chút cảm xúc biểu lộ. Mình luôn tự hỏi, liệu thực sự Nhật Bản là miền đất hứa? Cảm giác mình như một con bò được lùa theo dòng người điên cuồng tìm kiếm việc vào những mùa cao điểm. Đâu đâu khắp các ga đều là những sinh viên mặc vest đen. Họ lặng lẽ, họ trầm ngâm. Họ đơn độc.

Bài học số 1: Cái giá của trưởng thành là sự cô độc.

Giai đoạn 1: Tìm định hướng

Mình thấy rất nhiều người đam mê âm nhạc làm trong công ty cơ khí, một anh chàng yêu cơ khí cưới điện tử và than vãn cả ngày dài về công việc nhàm chán. Với lý do ai cũng có một nghề để nuôi sống bản thân và một nghề nuôi sống đam mê. Và mình thấy cơ hội rất lớn ở đây. Tìm việc tại Nhật sẽ cho mình cơ hội len lỏi vào mọi công ty, mọi ngóc ngách ngành nghề một cách công khai. Mình muốn thử tất cả để xem mình thực sự phù hợp với môi trường nào.

Xuất phát điểm là dân chuyên tiếng Nhật và tìm hiểu về Nhật gần chục năm, nhưng tìm việc tại Nhật là khoảng mù của khá nhiều sinh viên như mình. Mình bị stress nặng nhất vào khoảng thời gian 3 tháng này, do không thực sự biết rõ bản thân mong muốn gì, không biết làm sao trước cả biển công ty tại Nhật với vô số cái tên lạ hoắc. Không nhiều sempai đứng cùng góc độ và cho mình định hướng được. Về tới nhà là ôm máy tính tra và mò tới mức gần như ném cả thế giới sang 1 góc vậy. Rình mò từng bài đăng của Tomoni, mọi cuốn sách liên quan tới tìm việc, mọi tip, bài báo, trang mạng cả Nhật và Việt mình đều bới nát. Nhưng sau đó suốt nửa năm cứ đi nghe seminar rồi phỏng vấn và đi lạc mãi.

Bài học số 2: Đừng bới móc như một vị giáo sư, rồi hành động như một người mù vậy.

Giai đoạn 2: Được ăn cả, ngã về không

Do đợt đầu xin việc cũng là giao đoạn ra quân rầm rộ nhất của các công ty lớn. Mặc dù hiểu xuất phát điểm của mình tại Nhật cực kỳ thấp, và gần như không hề có cơ hội cho mình. Trong suốt ba tháng trước, mình luôn tự hỏi bản thân, liệu có dám dấn thân? Liệu có hối hận với những phép chọn đơn giản. Câu trả lời luôn là có.  Mình quyết định giai đoạn đầu sẽ chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn nhất Nhật Bản. Người ta khuyên bạn “thinks for the best and do for the wost”- nên hướng tới những điều tuyệt vời nhất, nhưng luôn phải chuẩn bị ít nhất một phương án dự phòng. Nhưng bản tính thích chinh chiến kiến mình tự cắt tất cả để có thể dồn tâm sức vào đánh một mẻ các công ty lớn này.

Các tập đoàn này thực sự có những phương thức tuyển dụng khá thú vị. ANA yêu cầu bạn tạo cả một hệ thống tích hợp với facebook hoặc gmail để lấy ý kiến đánh giá từ bạn bè của bạn. Nhằm chiêu mộ nhân tài, trước hạn nộp ES (entry sheet) vài ngày một số tập đoàn còn phát “sớ” giới thiệu công ty, hay các mẹo và thống kê xin việc tới nhà từng bạn đã tham sự semina hoặc đã làm 1 số bài test nhỏ trên wep của công ty. Các bài SPI muôn hình vạn trạng, nếu có dạng câu hỏi trắc nghiệm, cũng lên tới gần chục đáp án. Hoặc thẳng thừng như NTT Docomo, điền đáp án vô chứ khỏi chọn lựa.

Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm những cuộc chiến cực kỳ khốc liệt, nơi mà những người thiếu năng lực sẽ bị loại bỏ một cách không thương tiếc. Như trải nghiệm sau buổi seminar của Itochu, bạn sẽ có vài chục phút để hoàn thành ES, thứ gói gọn mười mấy năm đèn sách và rèn luyện của bạn chỉ vẻn vẹn trong một trang giấy. Cả hội trường vài trăm người điên cuồng gồng gắng viết, không gian tĩnh lặng chỉ nghe tiếng bút viết điên loạn mà không một tiếng thở. Tỉ lệ chọi của các tập đoàn hàng đầu bên Nhật kinh khủng hơn vài chục lần tỉ lệ chọi vào đại học, buộc bạn phải chuẩn bị trước rất rất nhiều năm.

Bài học số 3: Bắt đầu sớm vẫn là quá muộn, mà phải là RẤT SỚM.

Điều mình thấy rõ nhất qua những seminar ấy là Nhật Bản thực sự rất nhân văn. Họ tuyển dụng bao quát cả con người thông qua các bài test tính cách, kiểu bạn cưng chó hay mèo hơn, bạn là động vật ăn cỏ hay ăn thịt? Hoặc sau các buổi seminar bên nhân sự luôn cho các sinh viên những lời khuyên bổ ích trong quá trình xin việc hay định hình nghề nghiệp. Và thấm nhất là lời khuyên của một vị giám đốc khi ông nói chúng mày giống Nhật quá. Mặc vest hòa vào đám đông như người Nhật, ăn nói và đáp lễ trả lời không khác người Nhật, tới mức không phân biệt nổi sinh viên nước ngoài là ai. Và tại sao họ lại phải tìm một nhân bản trong khi họ hoàn toàn có thể tuyển dụng một phiên bản hoàn hảo. Nhờ đó, càng về sau mình càng lưu tâm đến những tính các riêng biệt của mình và dừng việc biến mình thành một người Nhật. Giúp mình tìm thấy bản thân đã đánh mất từ 9 năm trước.

Bài học số 4: Hòa nhập không hòa tan.

Giai đoạn 3: Thất bại liên tiếp

Mình vẫn luôn cho rằng, việc vô làm tại các tập đoàn lớn là không sáng suốt với những người mới tốt nghiệp. Bạn sẽ là một mắt xích cực kỳ êm trên cả một cỗ máy đã tồn tại hàng trăm năm tại Nhật, rất khó để tạo đòn bẩy hay những gì nổi trội tại đó. Nó đi ngược lại với lối tư duy người Nhật vẫn luôn nghĩ. Nhưng đến cuối cùng mình ném tất cả, quyết định lựa chọn dựa vào yếu tố nội dung công việc và sự phát triển của công ty, theo như Lean In của Sheryl Sandberg. Nhưng bản tính thích khai phá khiến mình muốn thử tất cả, cho dù chỉ là 1% thành công. Và chắc chắn rằng, dù làm bất kỳ nơi nào, bạn đều sẽ trưởng thành và học được rất nhiều thứ cho riêng mình. Nhật Bản áp dụng nguyên tắc 1000 giờ cực kỳ tốt, họ sẵn sàng đào tạo một sinh viên từ không biết gì, sau 2, 3 năm có thể thành thạo nghiệp vụ. Vì vậy có thể nói chế độ đào tạo của Nhật khá toàn diện và hấp dẫn.

Và cái giá phải trả cho những lần thử nghiệm ấy, cực kỳ đắt.

Thứ gì đến cuối cùng cũng đến. Mình lần lượt trượt tất cả các tập đoàn này. Khi phỏng vấn cũng vậy, nếu như bạn nộp hồ sơ và thời gian hồi âm càng lâu, càng chứng tỏ độ ưu tiên cho bạn và tỉ lệ vào các vòng trong càng thấp. Điều này rất quan trọng, giúp mình quyết định chiến lược nếu cùng lúc xin nhiều công ty, hay đang nhận được naitei của một số công ty nhưng không phải nguyện vọng hàng đầu.

Mất 1 tuần để mình bình tâm và sau đó tinh thần còn được up hơn lúc trước gấp đôi, mình tiếp tục hạ ranking của các công ty xuống dần đều. Trượt dần đều. Khiến hành trình xin việc của mình kéo dài lê thê gần cả năm trời. Mình định hướng phát triển bản thân theo sale và marketing. Nhưng một số công ty ưu tiên những người đã có chuyên môn về IT, về maker và bốc dỡ họ đào tạo thành những tay sale chuyên nghiệp trên nền chuyên môn vững chắc của họ. Sau đó mình tiếp tục thay đổi chiến lược khác khi thấy không còn phù hợp. Càng dấn sâu mình càng thấy những gì mình tìm hiểu, những lời khuyên khác xa với thực tế mình trải nghiệm. Mình học được bài học rất lớn: không nên đợi lấy được 1 bằng cấp, hay mình đủ chín, tìm hiểu đủ sâu mới bắt đầu. Cứ làm và sai dần sẽ rút được cả một rổ kinh nghiệm để đi tiếp.

Bài học số 5: Không tìm kiếm sự hoàn hảo, chỉ có cách chúng ta biến mọi lựa chọn thành hoàn hảo thông qua từng hành động nhỏ hàng ngày.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Mình may mắn khi có những người bạn cực kỳ thiện chiến và đồng hành cùng mình qua mùa shu. Nhóm đi shu của mình luôn chia sẻ thông tin các Jobfair với nhau, mỗi lần phỏng vấn lại rút ra các tip riêng và đưa ra cùng bàn luận. Ai cũng hết mình và dù có nhận được naitei của một số công ty, mọi người vẫn tiếp tục hành trình đi shu đến khi tìm được công ty phù hợp với nguyện vọng bản thân. Tất nhiên, không ai có thể phỏng vấn thay bạn, nhưng cảm giác có ai đó đang chiến đấu cùng mình, nó thực sự rất ấm áp.

Ngoài ra, còn có những bữa ăn tình thương của thầy cô bạn bè, chỗ ngủ vạ vật từ bạn của bạn. Những viên kẹo hay lời an ủi động viên từ những người lạ.

Tất cả cho mình cực kỳ nhiều động lực để hành xác đến cùng.

Bài học số 6: Đúng sai nhanh chậm không quan trọng, quan trọng ai là người đi đến cuối cùng.

Những kinh nghiệm để lại

Mình đã trải qua những cuộc phỏng vấn từ những tập đoàn tới những công ty start-up mới nổi, lần ngắn nhất kéo dài 2 phút, lần dài nhất kéo dài lê thê cả 2 tiếng. Với những câu hỏi gần như quyết định cả vận mệnh tương lai của mình và phải đưa ra câu trả lời cho chúng trong vòng vài tích tắc. Nó là những buổi thực sự rất cân não. Và đến cuối ngày, mình luôn kiệt sức đến mức nằm bò ra bàn hoặc ngồi bệt tại sân ga, tới chút sức lực cầm điện thoại lên cũng gần như mất sạch.

Nếu bạn thực sự dấn thân vào cuộc chiến này, việc bắt đầu hành trình tìm việc trước khi tốt nghiệp 1 năm theo văn hóa của Nhật kiến bất kỳ một ai dù là quốc tịch nào, đều sẽ trưởng thành lên vài phần, nếu không muốn nói là cả con người. Đơn cử như việc bạn sẽ không thể nào không mất ngủ suy nghĩ khi bất cứ công ty nào đều hỏi về kế hoạch cho tương lai 5 – 10 năm tới của bản thân được. Và hành trình shushoku một năm qua, mình có thể viết thành vài chục trang giấy, ép hoa hồng và tặng một số agency vẫn đang miệt mài spam hòm mail của mình. Tới giờ, nó đã lên gần 7 nghìn. Nhưng đó cũng là một phương thức hữu hiệu để tìm kiếm thông tin các công ty.

Và quả nhiên, nhờ những buổi phỏng vấn đó mình thực sự trưởng thành lên trông thấy. Hiểu được mình nằm ở đâu trên thị trường lao động quốc tế. Hiểu mình có gì và thiếu gì. Bình thản trong ánh mắt, có cái nhìn bằng phẳng giữa tất cả các tập đoàn, các công ty và tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp. Thế giới vốn ngày một phẳng. Trên 20 cuộc phỏng vấn qua 1 năm, với lộ trình tại Việt Nam, chắc chắn mình sẽ mất tới chục năm để có thể trải ngiệm đủ.

Và cũng lần đầu tiên mình hiểu ý chí con người có thể vượt qua mọi nghịch cảnh. Một năm qua, mọi thứ sát cánh cùng mình cứ lần lượt rời bỏ mình đi. Chiếc điện thoại tan nát màn hình, tai nghe cũng hỏng vài cái. Đi bạc mặt tới mức mòn nát cả đôi dày đi shu và chiếc cặp sách, bộ vest đen cũng sờn bạc vải. Chúng cứ lần lượt lăn ra hỏng như để phản chủ vì hành hạ chúng suốt 1 năm ròng rã.

Chỉ có lòng người sắt đá, không dừng khi thấy hướng đi cho riêng mình. Suốt nửa năm sợ sệt lo lắng với tất cả và nghi ngờ về bản thân, về thứ gọi là tương lai. Nhưng sợ đến mấy, mình vẫn đi.

Bài học số 7: Cam đảm không phải là không sợ thứ gì, cam đảm là sợ đến mấy vẫn làm đến cùng.

Các tip riêng cho xin việc:
  1. Trước khi tham dự các Jobfair luôn có một list các công ty, mục tiêu 5-10 công ty chủ chốt để tập trung đầu tư và tránh bị loãng với hàng loạt các công ty khác.
  2. Luôn hỏi han khi có cơ hội tại Jobfair, mục đích để bạn phỏng vấn ngược phía công ty xem mình thực sự hợp với con người và công ty này không. Ngoài ra tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Và quan trọng nhất là để mình trơ mặt với không khí tuyển dụng.
  3. Tuyển dụng tại Nhật theo mùa, nhưng luôn có ngoại lệ. Họ tuyển người nước ngoài quanh năm đến khi nào tuyển đủ.
  4. Nếu không nhanh tay đăng ký seminar của 1 số công ty, nhiều trường hợp full chỗ và bạn cũng sẽ mất cơ hội.
  5. Trong hai mảng đầu tư chính khi xin việc, tìm hiểu sâu về công ty nên được ưu tiên nhiều hơn tìm hiểu về bản thân.
  6. Với chế độ tuyển dụng suốt đời, công việc đầu đời cực kỳ quan trọng với các sinh viên Nhật. Nhưng ngày càng có nhiều sinh viên nhảy việc, không chỉ với người nước ngoài.
  7. Tiếng Nhật không là tất cả, nó là điều kiện cần chưa phải đủ.
  8. Họ ưu tiên những sinh viên mới tốt nghiệp, việc bạn có kinh nghiệm làm việc trước khi sang Nhật du học đối với 1 số công ty có thể là điểm trừ.

Và cuối cùng, sau khi kinh qua đủ các lĩnh vực, mình quyết định dừng lại với bất động sản. Một phần vì bên tuyển dụng đồng ý với định hướng phát triển 10 năm tới của mình. Và việc bổ sung kiến thức về kiến trúc nhà cửa sẽ khiến não trái của mình không phá cả ngày. Nhưng hơn tất cả, việc được trực tiếp lắng nghe giải quyết các vấn đề của mọi người khiến mình thấy cuộc sống bản thân ý nghĩa mỗi ngày. Chỉ cần sống xanh, chắc chắn đời sẽ nở hoa.

Bài học số 8: Tấm lòng sẽ đến với tấm lòng. Bằng không sẽ xuống thẳng ruột già, kiểu gì cũng sẽ tiêu hóa được.

Tổng kết

Với mình, một năm tìm việc vừa qua cực thảm họa, nhưng nó thực sự đáng. Một năm trải nghiệm vô giá đủ cung bậc cảm xúc, thoát khỏi safe-zone và đi theo những cung đường riêng mình tự vạch ra. Thật khó để biết thứ gì thực sự phù hợp nếu không xắn tay vô làm thật. Nhưng mình sẽ tập yêu những gì mình đã chọn và biến chúng thành hoàn hảo. Bản thân mình cũng đang chật vật hoàn thiện mình từng ngày, và bài viết này cũng giống như bọt biển trong cả núi bài về tìm việc tại Nhật vậy.

Và nếu để cho các bạn lời khuyên cuối: hãy ném tất cả những gì mình viết phía trên đi. Đừng quá đa nghi, nhưng khôn ngoan là luôn chỉ nghe một nửa câu chuyện, thông minh là biết nên nghe nửa nào. Hãy cứ dấn thân và trải nghiệm. Rồi một ngày, bạn sẽ tìm thấy con đường và chính bản thân mình.

Bài học số 9: Hãy biết lắng nghe trái tim mình, nó là tâm linh của vũ trụ, nó luôn biết tất cả mọi câu trả lời.

Chúc các bạn tìm thấy 1 công việc phù hợp với mình, và hơn hết là tìm thấy chính bản thân mình. 

Luôn ủng hộ bạn!

Niigata, tháng 3/2018

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...