Đối với mình, cơ hội = sự chuẩn bị chu đáo + sự sẵn sàng. Khi một cơ hội công việc tốt đến với mình mà thiếu đi sự chuẩn bị, ví dụ như kiến thức-bằng cấp, trình độ ngoại ngữ, kĩ năng mềm…, thì cho dù có quyết tâm cao độ đến mấy cũng khó có thể đạt được. Hơn nữa, cho dù là bản thân đã được trang bị tốt những điều đó, nhưng thiếu sự tự tin, tinh thần sẵn sàng và vượt qua nỗi sợ hãi thì khả năng bắt lấy thời cơ cũng không cao. Vì thế, sự chuẩn bị và tinh thần sẵn sàng là những yếu tố thiết yếu để đạt được mục tiêu và nắm lấy cơ hội đó.
Những điều mình cho là cần thiết khi xin việc:
– Bằng JLPT N2, bằng tiếng Anh (đã thi từ hơn 1 năm trước)
– Sơ yếu lý lịch, 自己PR, phân tích bản thân, các kiến thức và công việc cần thiết khi xin việc (tham khảo từ Tomoni, My Navi, Hellowork,…)
– Giao tiếp và phát âm, khả năng nghe hiểu và phản xạ
– Tinh thần chiến đấu và sự tự tin.
Thực sự là mình đã gặp khá nhiều khó khăn, vì mình đã có sự chuẩn bị chưa thực sự tốt về tiếng Nhật. Hồi ấy mình thấy bạn mình tiếng Anh chưa biết gì mà qua Mỹ 1 năm tiếng Anh nói vèo vèo như gió nên mình đã nghĩ tiếng Nhật chắc cũng vậy, qua Nhật 1-2 năm tự động tiếng Nhật sẽ giỏi lên thôi, rồi mình lại có tiếng Anh nữa nên chắc xin việc cũng không khó. Quả thật điều này xảy ra ở phần lớn các bạn du học sinh, khi du học với niềm tin kiểu như vậy nên tiếng Nhật không học nhiều khi còn ở Việt Nam.
Đó là lý do vì sao thời gian mới qua Nhật với trình độ tiếng Nhật gần như là từ số 0, mình rất shock và chưa gì đã có cảm giác thua cuộc. Mình đã nhận ra là không phải cứ sống tại nước ngoài thì ngoại ngữ mình tự động giỏi lên, nó còn phụ thuộc vào độ chịu khó rèn luyện và trau dồi vốn từ của bản thân mình. Ngoài ra, tiếng Nhật chưa tốt còn khiến mình khó tìm được những công việc làm thêm tốt để trang trải cuộc sống, phải làm những việc làm thêm chân tay, ít giao tiếp, khiến cho mình cảm thấy mệt mỏi và thụt lùi ý chí hơn nữa. Vì vậy sự thiếu hụt trong sự chuẩn bị về tiếng Nhật là khó khăn bước đầu khiến mình vô số lần nản chí…
Trong hoàn cảnh đó, bỏ cuộc thì coi như mình mất trắng, vì vậy không còn cách nào khác ngoài việc cố gắng phấn đấu mà tiến lên. Thực ra còn có lời khuyên khác ví dụ như học tiếp lên senmon, cố gắng vào cao học,… để tiếng Nhật giỏi hơn rồi hãy xin việc. Tuy nhiên nếu làm vậy mình sẽ tốn đi rất nhiều thời gian, tiền bạc và biết bao chi phí cơ hội khác, vì vậy mình đã quyết định vẫn đi trên con đường đã chọn, nhưng với tốc độ gấp bội lần! Từ đó cuộc sống hàng ngày của mình là ban ngày đi học, cày tiếng Nhật để thi N2(vì nếu có bằng N2 thì dễ qua được bước tuyển chọn hồ sơ hơn), tối đi làm baito, một cách liên tục và không cho phép bản thân chần chừ thêm 1 phút giây nào nữa, ngay cả trên tàu mình cũng đã ôn từ vựng hoặc luyện nghe, tận dụng thời gian tối đa hết sức có thể. Tuy nhiên, không phải cứ học như vậy là đủ để thi, trước khi thi N2 khoảng 2 tuần mình cũng đã ra nhà sách mua các bộ đề thi thử (問題集) và bấm đúng thời gian làm bài để thi thử, để chuẩn bị tâm lý và áp lực khi thi thì mình nghĩ là sẽ dễ đậu hơn. Và mình nghĩ sự chuẩn bị đó đã giúp mình phần nào vớt vát được hy vọng cho mục tiêu ban đầu, khi mà nhận được kết quả đỗ N2 và bước đầu chuẩn bị cho hoạt động xin việc. Lúc đó là khoảng tháng 7/2017.
Giới thiệu sách luyện đề JLPT
Tuy nhiên, khi nhà tuyển dụng ghi “yêu cầu tiếng Nhật N2” thì không có nghĩa là có bằng N2 là đủ. Họ thường là yêu cầu trình độ Giao tiếp tương đương N2 chứ không phải N2 là cái bằng giấy, ngoài ra là các yếu tố như độ hiểu biết về công việc và thông tin về công ty, thần thái bề ngoài, độ khao khát được làm việc,… Cho nên không phải có bằng N2 là có thể chắc chắn là xin được việc, mà lại nhờ vào “sự chuẩn bị”. Trước đây khi mà tiếng Nhật mình chưa tốt thì mình chưa đọc được những bài viết hướng dẫn xin việc trên các trang như My navi…, thì lúc đó, fanpage của MPKEN và Tomoni đã trở thành kim chỉ nam cho mình, từ những bước cơ bản như phân tích bản thân đến các cách chuẩn bị, đối ứng khi phỏng vấn và sau khi hoàn thành phỏng vấn. Thực sự thì phân tích bản thân dành cho những sinh viên mới ra trường rất khó, đôi khi chính bản thân mình còn chưa hiểu nổi thì làm sao mà biết được mình muốn làm công việc như thế nào. Vì vậy nếu không chuẩn bị trước thì khi phỏng vấn chắc là mình đã không để tự tin đối đáp với nhà tuyển dụng, thì chắc hẳn là khó đạt được kết quả tốt.
Quan trọng nhất là khả năng giao tiếp, mình nhận ra là nếu chỉ giao tiếp trong phạm vi trường học, baito,…thì rất khó đẩy khả năng nghe nói, phát âm lên cao, do đó không còn cách nào khác ngoài việc giao tiếp trực tiếp với người Nhật. Mình đã tìm đến các câu lạc bộ, hội nhóm của người Nhật, kết bạn với nhiều người để có thể đặt bản thân vào nhiều tình huống, tăng độ phản xạ và bắt chước phát âm sao cho nghe giống người Nhật nhất.
“Mình đã tận dụng mọi phương tiện hỗ trợ”
Mình nghĩ ở Nhật các công ty giới thiệu việc làm miễn phí rất nhiều, khi họ giới thiệu người thành công họ cũng có nhiều lợi ích, do vậy họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ mình nếu mình ứng tuyển vào công việc của họ, ví dụ như chỉnh sửa lại CV, manner khi phỏng vấn,… thậm chí có cả việc “phỏng vấn thử”. Do đó nếu mình chịu bỏ thời gian để chuẩn bị 1 cách công phu và không ngại nhận sự giúp đỡ từ họ thì mình sẽ tích lũy khá nhiều kinh nghiệm và tăng xác suất thành công 1 cách nhanh chóng. Trong số nhiều công ty tuyển dụng đó thì tất nhiên là cuối cùng mình chỉ chọn 1 công ty để làm việc thôi, sẽ có nhiều công ty mình phải nói là “rất tiếc, tôi quyết định không nhận công việc này”. Mình cũng cảm thấy áy náy vì các công ty giới thiệu họ đã chăm sóc mình nhiệt tình là thế, tuy nhiên việc đó mình phải chấp nhận.
Theo như mình biết, sinh viên Nhật mới ra trường cũng phỏng vấn từ rất sớm, phỏng vấn trên dưới 100 công ty không phải là điều quá bất ngờ, và họ cũng chỉ chọn 1 công ty thôi, và hàng chục công ty khác cũng phải từ chối, đồng nghĩa là lãng phí đi công sức của rất nhiều công ty shokai. Đó là việc hết sức bình thường và hoàn toàn vui vẻ với nhau nên mình không cảm thấy áy náy nữa.
“Cho đến cuối cùng cũng không được từ bỏ”
Mình bắt đầu hoạt động xin việc vào khoảng tháng 7 cho đến tháng 12 là khoảng 5 tháng, nhưng thực sự tập trung xin việc và phỏng vấn thì khoảng 2 tháng thôi. Mình phỏng vấn khá là nhiều công ty, rớt cũng rất nhiều, có những thời điểm số lượng công ty tuyển dụng phù hợp với mình rất ít, nhất là khoảng thời gian Giáng sinh hầu như cả tuần không tìm thấy công việc nào, visa thì gần hết hạn, lúc đó mình thực sự muốn hoảng loạn và buông xuôi, bao nhiêu cảm xúc tiêu cực nó ùa đến, nào là tự trách bản thân trước đây không lo học sớm, đổ lỗi cho hoàn cảnh số phận,..vv.. Nhưng người ta có câu “còn nước còn tát”, mình lại ôm laptop tìm kiếm và tìm kiếm, tự hỏi xem mình còn thiếu gì, cần phải chuẩn bị thêm điều gì nữa,…
Và mình nghĩ khi có 1 tâm lý tốt, khi đi phỏng vấn mình sẽ không thể hiện cảm xúc của 1 người đến để cầu xin 1 công việc, mà là thông qua phỏng vấn mình hiểu thêm về công ty và thể hiện tính cách của bản thân để xem có phù hợp với công việc hay không. Với tâm lý này mình nghĩ mình có thể có 1 nụ cười rạng rỡ và tỉnh táo nói chuyện 1 cách thông minh hơn trước nhà tuyển dụng. Kết quả là tháng 12 vừa rồi, cuối cùng mình cũng đã tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành và ước mơ của bản thân, đó là làm vị trí kinh doanh quốc tế (海外営業)tại một công ty điện tử có lịch sử gần 70 năm.
“Không ngừng mài dũa và rút kinh nghiệm, không quên những việc làm dù mình cho là nhỏ nhặt”
Khi phỏng vấn, mình thường ghi vắn tắt những câu hỏi đã được hỏi vào sổ và câu trả lời của bản thân, tự rút kinh nghiệm xem mình trả lời như vậy đã hay chưa, có tính thuyết phục không, nếu mình là nhà tuyển dụng thì sẽ đánh giá thế nào. Mình cũng đã đọc qua những bài viết trên mạng về những lỗi cần tránh khi trả lời, tuy nhiên không phải lúc nào trên mạng cũng ghi đầy đủ và phù hợp bối cảnh. Do đó, mình nghĩ việc review là việc cần thiết, tránh bị lặp lại sai lầm và tăng độ hoàn hảo hơn cho những lần sau.
Ngoài ra, ngoài việc trao đổi email với nhà tuyển dụng như là xác nhận lịch phỏng vấn, sau khi phỏng vấn gửi thư cảm ơn là quan trọng. Thường thì tối hôm ấy mình gửi luôn. Thư cảm ơn (お礼) thì ở trên Google có rất nhiều mẫu, câu văn cũng hay và “chuẩn người Nhật”. Tuy nhiên mình nghĩ nếu copy thì người ta đọc sẽ thấy rất cứng nhắc, khác xa hoàn toàn với trình độ tiếng Nhật vừa phỏng vấn. Vì vậy thư mẫu chỉ nên dùng tham khảo, xem cần viết những nội dung gì, format ra sao. Mình nghĩ thư cảm ơn cũng đã góp phần chứng minh mức độ khao khát với công việc, và cũng đã góp phần để nhà tuyển dụng đánh giá mình cao hơn. Dù việc này chắc hẳn là không phổ biến ở Việt Nam, vì vậy chúng ta thường xem đó là việc nhỏ nhặt hoặc là không quan trọng.
Ở Nhật xin việc luôn là nỗi vất vả lớn của bất kì ai, dù là người Nhật hay người nước ngoài. Mình nghĩ trường hợp của mình cũng khá phổ biến ở các bạn du học sinh, mồ hôi nước mắt đều có đủ. Công việc mình được trúng tuyển cũng không phải là gì lớn lao, tầm cỡ lắm để tự hào. Nó chẳng qua là kết quả bước đầu của sự thử thách, mở màn cho những ngày tháng phấn đấu và nỗ lực học hỏi tiếp theo. Mình chỉ muốn nói rằng, cơ hội luôn nằm trong tay bạn nếu bạn chuẩn bị tốt và một tinh thần vững vàng. Jim Rohn cũng có câu “If you want to get more, become more”, có nghĩa là “nếu bạn muốn đạt được nhiều thứ hơn, bạn phải trở nên xứng đáng hơn”. Cho dù bạn cảm thấy không đủ thời gian, bạn cũng không được phép ngừng tăng tốc, vì bạn có thể đẩy giới hạn và khả năng của bạn lên cao hơn nếu bạn vẫn luôn nắm lấy mục tiêu.
Tokyo, tháng 1/2018
MPKEN mới khai trương dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi.
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
![]()
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận