Theo đuổi ước mơ học đại học tại Nhật Bản, bạn cần gì cho hành trang trên con đường này? Học thi thế nào cho hiệu quả, lựa chọn trường đại học dựa trên những tiêu chí gì, hay nhiều những câu hỏi khác mà bạn đang mắc phải nhưng không có lời giải đáp. MPKEN Juku đã tìm gặp các bạn sempai hiện đang là sinh viên các trường đại học tại Nhật, lắng nghe chia sẻ của các bạn về những trải nghiệm trên con đường chinh phục đại học tại Nhật Bản, hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn vững tin hơn trên con đường học thi đại học tại Nhật.
Trong chia sẻ Shingaku Memoir Vol.7 lần này hãy cùng gặp gỡ bạn sempai Trần Thị Thanh Thanh đến từ trường Đại học Chuo, bạn Thanh đã nhận học bổng Quỹ Hirose và đang theo học Khoa Marketing và Thương Mại, chương trình học bằng tiếng Nhật. Hãy cùng MPKEN JuKu lắng nghe chia sẻ của bạn về những trải nghiệm học tập, những khó khăn bạn phải đối mặt khi thi đại học tại Nhật của bạn nhé!
Câu chuyện nằm trong series Shingaku Memoir của MPKEN JuKu, kể về những trải nghiệm khi đi du học và thi Đại học của các sempai. Hy vọng những câu chuyện ở đây sẽ giúp các bạn cảm thấy ấm áp và vững tin hơn trên chặng đường gian nan này.
Đọc thêm:
- Sempai: Trần Thị Thanh Thanh
- Trường học: Đại học Chuo(中央大学)
- Chuyên ngành: Marketing và Thương Mại (商学部―商業・貿易学科)
- Học bổng Quỹ Hirose
Mình được biết đến Nhật Bản từ khá sớm, trước tiên là qua những bộ truyện tranh Doremon, thám tử lừng danh Conan, và thêm nữa là trường cấp 2 mình theo học lại là một trong những trường thí điểm đưa tiếng Nhật vào chương trình giảng dạy đầu tiên ở Hà Nội.
Vì là trường thí điểm dạy tiếng Nhật nên trường mình có một số quỹ học bổng tìm đến. Đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp học tập của mình, mình đã cố gắng học thật chăm chỉ tiếng Nhật và đặt mục tiêu xin được học bổng.
Mình không hề nghĩ sẽ được học bổng du học tại Nhật vì mình hoàn toàn chỉ muốn thử thách bản thân, nên khi đăng ký học bổng mình không thảo luận với ba mẹ. Vì thế khi biết mình nhận được học bổng đi du học mình đã phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục mẹ vì mẹ mình là người phản đối kịch liệt nhất khi biết tin này.
Vì có cơ hội làm quen với tiếng Nhật từ những năm cấp 2, nên mình đã có ý định học chuyên về tiếng Nhật, đặt mục tiêu đạt N2 năm lớp 12 nữa. Tất nhiên, mình không tránh khỏi những khoảng thời gian muốn từ bỏ tiếng Nhật vì khó, vì ngữ pháp phức tạp, cách thể hiện tiếng Nhật khác hoàn toàn với tiếng Việt hay tiếng Anh mà mình đã học.
Bao nhiêu lần muốn dừng lại cũng là bấy nhiêu lần mình ép bản thân phải cố gắng. Dù tiếng Nhật là 1 ngôn ngữ khó, nhưng mình thấy cũng giống như cách học các ngôn ngữ khác, điều quan trọng nhất vẫn là sự chăm chỉ và rèn luyện thói quen. Chăm chỉ học theo sách, tìm tòi tài liệu tham khảo, rèn luyện thói quen luyện tập ngôn ngữ theo kế hoạch. Đương nhiên mỗi người sẽ có 1 cách học khác nhau, nhưng sự chăm chỉ vẫn luôn là chìa khoá thành công để học một ngôn ngữ mới.
Hồi mới sang mình đã bị sốc văn hoá, bị sốc vì cứ tưởng rằng mình sẽ không gặp phải khó khăn gì trong giao tiếp, vì mình đã học tiếng Nhật khá lâu vậy mà mình cũng vẫn không hiểu hết được những gì người Nhật nói.
Không những vậy còn là văn hoá, mình mới chỉ biết đến Nhật Bản qua truyện tranh, qua ngôn ngữ, chưa hiểu nhiều về văn hoá của họ. Vậy là khi mới sang mình không thể giao lưu với ai. Phần vì rào cản ngôn ngữ, phần vì người Nhật đã nổi tiếng lạnh lùng, không cởi mở.
Mình đã trải qua những ngày tháng thiếu người chia sẻ, thiếu giao tiếp, đối với một đứa thích giao lưu trò chuyện như mình thì đây là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Mình mất dần khả năng tự tin và cả hứng thú học tập nữa. Nhưng được bố mẹ khuyên nhủ, an ủi mình đã thay đổi cách suy nghĩ, và sống tích cực hơn. Mở lòng mình với các bạn người Việt đi cùng trong quỹ học bổng, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian đó và cùng vượt qua quãng thời gian đầu đó.
Ban đầu mình không có dự định đi du học sau cấp 3, vậy nên mình cũng như các bạn khác ôn thi đại học tại Việt Nam. Mình luôn nghĩ mình sẽ học lên Đại học, vì học lên Đại học sẽ khiến cho mình có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Mình đã đỗ Khoa Ngôn ngữ Nhật của trường Đại Học Ngoại Ngữ và Khoa tiếng Nhật Thương mại của Đại học Ngoại Thương.
Biết tin đỗ đại học mình có cảm giác như trút bỏ được hết gánh nặng, có cảm giác rồi đây sẽ không còn gì phải lo lắng nữa, sẽ không còn phải đối mặt với kỳ thi nào nhiều áp lực như vậy nữa.
Nhưng rồi học bổng mình nhận được, lại yêu cầu mình phải ôn thi đại học ở Nhật. Mình đã không hề nghĩ sẽ phải làm lại từ đầu như vậy.
Ôn thi đại học lại từ đầu.
Tuy đã có chút ý nghĩ chùn bước nhưng mình vẫn cố gắng giữ thái độ nghiêm túc và quyết tâm học đại học. Mình tự đặt mục tiêu lựa chọn trường đại học với 3 tiêu chí thi đại học dựa vào điểm EJU: nguy hiểm giới hạn trên, an toàn, an toàn giới hạn dưới. Hơn thế mình chọn theo tiêu chí khoa mình thích và các chế độ ưu đãi dành cho du học sinh nữa.
Mình đã thi EJU 2 lần vào kỳ tháng 6 và tháng 11. Mình đã phân chia lịch trình ôn thi 3 môn Tiếng Nhật, Toán và Xã hội Tổng hợp theo tỷ lệ 50-15-35. Lý do mình phân chia học tập như vậy là do vốn kiến thức tại thời điểm đó của mình. Môn tiếng Nhật cần thời gian để luyện nghe và đọc nhanh, viết luận thì cần nhiều thời gian nhất, phần Toán trong EJU khá giống với nội dung toán cấp 3 ở Việt Nam nên học nhanh hơn cần ít thời gian nhất trong khi đó môn Xã hội chủ yếu là cần thời gian luyện đề tăng khả năng phán đoán thì thời gian tập trung học ở khoảng giữa 2 môn trên.
Năm 1 mình khá bỡ ngỡ, ngại ngùng thêm cả những lo lắng, sợ sệt khi lần đầu tham gia các hoạt động học tập như thuyết trình, trao đổi nhóm, v.v.. Nhưng chính quãng thời gian ấy, mình đã dần quen hơn và thích nghi với những hoạt động này. Đây cũng có thể coi là bước đệm để mình tham gia vào nhiều hoạt động xã hội. Một trong số đó là hoạt động trong Hội thanh niên Việt Nam ở Nhật (VYSA) từ năm thứ nhất.
Hiện tại thì mình đang là intern ở công ty SPeak, một công ty ứng dụng web tìm việc dành cho du học sinh. Có rất nhiều điều mình muốn tìm hiểu và học hỏi, có thêm nhiều cách nhìn mới và cơ hội gặp nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau và chính những hoạt động này đã mang lại cho mình cơ hội đó.
Mình luôn tâm niệm, vốn dĩ cuộc đời con người sẽ giống biểu đồ hình sin vậy. Lúc lên, lúc xuống. Lúc vui, lúc buồn. Hỷ, nộ, ái, ố, đủ, cả. Đó mới chính là 1 cuộc sống thú vị và đa sắc thái.
Khi bắt đầu muốn buông xuôi hay từ bỏ điều gì, hãy nhớ lại lý do mình đã bắt đầu. Bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng là sự lựa chọn đánh đổi. Muốn đạt được điều không phải ai cũng có thể đạt được thì phải làm được điều mà không phải ai cũng làm được”. Chúc các bạn may mắn!!!
Xin cảm ơn bạn rất nhiều!
Các bạn xem thêm series bài viết về các trường Đại học tại Nhật Bản của MPKEN JuKu để tìm được trường phù hợp với mình nhé!
MPKEN JUKU chuẩn bị mở lớp ôn thi EJU online với sự hỗ trợ và kèm chặt liên tục của 2 sensei trong suốt 7 tháng (từ tháng 4 ~ tháng 11 hàng năm) để các bạn có thể tiện tham gia và giữ được nhịp học của mình.
Link đăng ký: Bit.ly/MpkenJuku
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận