“Rất có thể một ngày may mắn sẽ tìm đến bạn, vậy nên để chuẩn bị đón nhận may mắn có thể ập đến bất cứ lúc nào hãy chuẩn bị cho mình hành trang để đón nhận may mắn đó” là một phần chia sẻ của sempai Phạm Thị Quỳnh Liên đến từ trường Đại học Waseda, bạn Liên đã nhận học bổng Quỹ Hirose và đang theo học Khoa Kinh tế Chính trị chương trình học bằng tiếng Anh. Hãy cùng MPKEN JuKu lắng nghe chia sẻ của bạn về hành trình học tập học lên Đại học của bạn nhé!
Câu chuyện nằm trong series Shingaku Memoir của MPKEN JuKu, kể về những trải nghiệm khi đi du học và thi Đại học của các sempai. Hy vọng những câu chuyện ở đây sẽ giúp các bạn cảm thấy ấm áp và vững tin hơn trên chặng đường gian nan này.
Đọc thêm:

- Sempai: Phạm Thị Quỳnh Liên
- Trường học: Đại học Waseda(早稲田大学)
- Chuyên ngành: Kinh tế (経済学科) – Khoa Kinh tế Chính trị
- Học bổng Quỹ Hirose

Không giống như mọi người, lý do biết đến tiếng Nhật, học tiếng Nhật và sang Nhật du học của mình đều nằm ngoài ý định của mình. Mình bắt đầu học tiếng Nhật là do mẹ và chị mình bảo mình học. Đó là năm lớp 8, mẹ nói với mình nên học thêm một ngoại ngữ nữa và vì chị mình đang học tiếng Nhật nên chị mình đã dạy kèm mình luôn.
Chị mình rất nghiêm khắc, tuần 2 buổi học, buổi nào cũng nước mắt nước mũi ròng ròng. Và vì thế mình đã từng rất ghét tiếng Nhật. Mình bỏ cuộc mấy lần, rồi lại bắt đầu lại, rồi lại bỏ… Sau đó mình đến trung tâm tiếng Nhật học thì rất mến bạn bè, thầy cô ở đó. Mình bắt đầu tham gia nhảy Yosakoi, “cày” anime, rồi thích và hâm mộ các idol người Nhật, dần dần mình không còn ác cảm với nước Nhật từ lúc nào không biết, cùng thời gian đó tiếng Nhật không còn là nỗi ám ảnh, không còn là những buổi học căng thẳng nữa.
Vào lớp 10, mình được bố mẹ thưởng cho một chuyến du lịch sang Nhật thăm chị gái đang học tại Tokyo. Mình đi một mình, lại chưa biết nhiều về công nghệ, còn không biết trên đời có một thứ gọi là “wifi”, nên bị lỡ chuyến bay mà không biết làm cách nào để liên lạc với chị mình. Chị mình đã chờ đón mình rất lâu và lo lắng đến nỗi khóc nức nở ngay tại sân bay trong ngày đi đón mình. May sao chị được bác nhân viên vệ sinh trấn an và giúp tìm đăng tin tìm trẻ lạc qua loa thông báo ở sân bay. Nghe được chuyện mình đã rất xúc động và cảm thấy người Nhật thật sự rất tốt bụng. Đây chính là cơ duyên mang mình đến với tiếng Nhật, văn hoá Nhật và biết về lòng tốt của người Nhật.

Mình đã học tiếng Nhật qua những ngày đầy nước mắt, bằng phim ảnh, bằng những hoạt động nhảy Yosakoi, … Mình ôn thi và đậu vào lớp tiếng Nhật trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ. May mắn là ở trường Chuyên Ngữ, chúng mình được thầy cô giới thiệu và được đăng ký một số học bổng. Cuối năm lớp 12, mình xin được học bổng Hirose để sang Nhật học tập.
Khi mới sang Nhật, tiếng Nhật của mình ở khoảng N2, nói được những chuyện thường ngày với các bạn người Nhật, tuy nhiên nghe thầy cô giảng bài thì lúc được lúc không, đọc hiểu vẫn còn rất chậm, sử dụng từ chưa được tự nhiên, chưa biết cách truyền tải được hết ý của mình.
Hồi ở Việt Nam, có một thời gian mình hay xem phim và chơi game trên điện thoại vô tình luyện được nghe, bắt chước lại được những cách dùng từ hay và tự nhiên hơn. Tuy nhiên khi sang Nhật ôn thi đại học thì mình không có nhiều thời gian rảnh như vậy nữa, nên mình chủ yếu biết thêm từ vựng thông qua luyện đọc hiểu. Mình thường học từ mới bằng các ví dụ cụ thể để hiểu rõ nghĩa hơn.

Cuộc sống thời gian đầu ở Nhật của mình khá thuận lợi. Mình không bị “sốc” văn hoá, không bị cô đơn, vì cùng đi với mình là các bạn người Việt trong nhóm nhận được học bổng. Chúng mình ở cùng ký túc, được các sempai chỉ bảo nên cuộc sống khá thoải mái, vui vẻ.
Có điều trường học của mình không phải nơi đô thị sầm uất, chỉ toàn núi với sông, muốn đi siêu thị là phải nhờ thầy hiệu phó lấy ô tô chở đi. Ở kí túc mình chơi thân với các bạn người Việt nên cứ nói tiếng Việt suốt, hơn nữa mình còn phải học lại tiếng Anh từ đầu, vì vậy mình không cảm thấy tiếng Nhật của mình có tiến bộ gì cả. Điều đó khiến mình lo lắng rất nhiều.

Mình muốn thử thách bản thân, và luôn tâm niệm nếu có quyết tâm, nếu muốn chắc chắn mình sẽ làm được. Mình không tìm hiểu nhiều trường đại học vì chị mình đang theo học trường Waseda nên mình cũng muốn thi vào đó. Đây chính là mục tiêu mình đặt ra. Mình nộp hồ sơ vào 3 khoa của đại học Waseda: Khoa Kinh tế Chính trị – chương trình tiếng Nhật, Khoa Kinh tế Chính trị – chương trình tiếng Anh, và khoa Khoa học Xã hội – chương trình tiếng Nhật.
Nghe có vẻ quá mạo hiểm và “dở hơi” nhưng mình đã đặt mục tiêu, và vì có mục tiêu rõ ràng như vậy mình cũng đã cố gắng phấn đấu hơn.

Học bổng mình nhận được cho chúng mình nhập học vào một trường cấp Ba tại Nhật để ôn thi đại học cùng các bạn người Nhật khác. Trong 1 năm rưỡi ở trường cấp Ba này, mình ôn thi EJU và TOEFL – là những điều kiện cơ bản để xin vào đại học (Khi đó mình chưa có ý định học chương trình bằng tiếng Anh). Vì không phải là trường tiếng nên các thầy cô không biết nhiều về EJU, trong thư viện cũng không có sách để ôn thi. Do đó trừ môn toán ra, hầu hết chúng mình đều phải tự tìm tài liệu và tự học. Và thế là suốt một thời gian, mình đến trường học một chương trình, tối đến lại vật lộn ôn thi một chương trình khác, cảm thấy 1 ngày 24 giờ không đủ chút nào.
Trong kỳ nghỉ đông, mình vô tình đọc một cuốn sách chính trị cho người chưa biết gì của tác giả Ikegami Akira. Khi bắt tay vào ôn tập môn Tổng hợp thì mình mới nhận ra nội dung cuốn sách kia bao quát khá nhiều kiến thức trong phần chính trị của kì thi EJU, nhưng với cách hành văn đơn giản và dễ hiểu. Qua việc đọc cuốn sách đó mình có thêm kiến thức để đối mặt với môn thi tổng hợp và khả năng đọc hiểu của mình cũng tiến bộ hơn.
Khi học lịch sử hay văn hóa xã hội về một nơi hoặc sự kiện nào đó, mình thường tìm đất nước, địa danh đó trên bản đồ và cố gắng nhớ luôn bản đồ để tiết kiệm thời gian ôn tập môn địa lý.
Để học chương trình bằng tiếng Anh của khoa Kinh tế Chính trị trường Đại học Waseda mình không cần ôn thi gì nhiều, trường chỉ xét hồ sơ và yêu cầu nộp bằng TOEFL, điểm thi EJU (thi bằng tiếng Anh) hoặc SAT hoặc điểm thi kì thi đại học tại Việt Nam. Mình đã nộp điểm thi đại học tại Việt Nam và được trường chấp nhận mà không cần phỏng vấn.
Mặc dù đã tốn 1 năm rưỡi “thanh xuân” để ôn thi EJU mà cuối cùng đến khi thi đỗ rồi lại rẽ cuộc đời sang ngã rẽ mới chẳng liên quan gì cả, nhưng mình thực sự vui vì những gì mình đã trải nghiệm và học được.

Waseda nổi tiếng là trường có nhiều du học sinh nhất Nhật Bản và không khí học tập cũng như hoạt động ngoại khóa của trường luôn rất sôi nổi. Trường có tới 600 câu lạc bộ lớn nhỏ và hơn 20 thư viện trong 1 khu campus, cơ sở vật chất đầy đủ cho mọi người được vừa học vừa hoạt động ngoại khóa thoải mái. Waseda nổi tiếng với các khoa Kinh tế Chính trị, Luật, Thương mại, Thể thao,… và nằm trong top 2 trong số những trường đại học đào tạo được những sinh viên có khả năng làm việc tốt nhất, có lẽ là do sinh viên được tạo điều kiện phát triển cả về mảng học thuật và kỹ năng trong cuộc sống. Không phải khoa nào của trường cũng khó thi vào, nhưng sau khi nhập học bạn có thể đăng kí học một số môn của các khoa khác nếu có hứng thú. Trường còn hỗ trợ cho học sinh rất nhiều mặt, không chỉ về mặt học tập mà cả sức khỏe (hỗ trợ viện phí, tiền thuốc khi bạn bị ốm), tìm việc làm,… Trường cũng thường xuyên trao học bổng cho các bạn đạt thành tích tốt hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Khoa Kinh tế Chính trị mình đang học có nhiều môn học bắt buộc hơn các khoa khác, kiến thức cũng có vẻ nặng hơn một chút. Nhưng bù lại các thầy cô đều có phương pháp giảng rất tuyệt nên giờ học cũng không quá mệt mỏi. Thỉnh thoảng các thầy dạy seminar còn dẫn chúng mình đi các nơi thăm thú thay cho giờ học trên lớp.
Mình học bằng tiếng Anh nên được tiếp xúc với rất nhiều bạn đến từ các nước khác nhau, biết được nhiều điều thú vị về các nền văn hóa. Mình cảm thấy các bạn học cùng mình vui vẻ, cởi mở và dễ gắn bó hơn các bạn Nhật mà mình đã quen trước đây.
Vì mình chuyên tâm vào tiếng Nhật suốt 7 năm trời nên tiếng Anh của mình rất kém so với các bạn, ngay cả trong điểm thi đại học tại Việt Nam mà mình nộp để đăng kí vào trường, môn ngoại ngữ cũng là tiếng Nhật. Mình tự ti suốt cả kỳ học, nghĩ rằng mình khó mà theo kịp và hòa nhập cùng các bạn. Tuy nhiên, bạn bè xung quanh không ai nghĩ vậy, mọi người đã giúp mình thay đổi bản thân, hòa đồng hơn, tự tin hơn.

Học bổng của Quỹ Hirose mình nhận được hiện tại là nhờ có trường Chuyên Ngữ. Hồi đó Quỹ có trao cho trường mình và trường THPT Chu Văn An 8 suất học bổng sang Nhật học dự bị 1 năm và học đại học (nếu thi đỗ). Tuy nhiên đến năm nay thì Quỹ không còn trao học bổng về Việt Nam nữa. Trước khi biết đến học bổng Hirose, mình có tính đến việc xin học bổng Lawson nhưng chưa thử đăng ký. Nhưng nói chung khi xin học bổng thì học sinh thường phải nộp thành tích học tập của mình (có thể là học bạ, chứng chỉ tiếng Nhật, …) và phỏng vấn. Ngoài ra tùy từng học bổng mà người ta có thể yêu cầu thêm bài viết, bài thi. Phỏng vấn thi học bổng cũng khá giống với khi phỏng vấn vào đại học. Kinh nghiệm phỏng vấn của mình không có nhiều nhưng mình khuyên những ai sắp phải đương đầu với những đợt phỏng vấn là cứ tự tin, thể hiện rõ nguyện vọng, dự định, cá tính của mình là sẽ ổn thôi. Trước khi phỏng vấn hãy nghĩ thật kỹ xem mình là người thế nào, khi bạn hiểu bản thân rồi thì giám khảo có hỏi gì bạn cũng sẽ trả lời được, dù có lưu loát hay không.
Mùa hè trước khi sang Nhật du học mình rất rảnh nên đã đăng ký thi thử EJU ở Việt Nam 1 lần, mặc dù khi đó còn chưa biết “môn tổng hợp” là môn gì. Sau khi nhận kết quả thi EJU một thời gian thì mình nhận được thông báo trao học bổng của JASSO (học bổng 48.000 yên/tháng), nhưng vì mình đã nhận học bổng khác rồi nên không được nhận học bổng JASSO nữa. Mình nghĩ thi EJU ở Việt Nam vừa rẻ (hồi đó mình thi hết 100.000đ cả 3 môn) mà lại vừa dễ nhận được học bổng từ JASSO sau khi sang Nhật học tập, hơn nữa lại giúp các bạn có thêm kinh nghiệm thi.
Mặc dù học bổng không nhiều nhưng cũng đỡ đần các bạn được phần nào, nên nếu có thể các bạn nên thi thử EJU 1 lần ở Việt Nam trước khi sang Nhật nhé. Ngoài ra, sau khi nhập học vào trường đại học (mình không biết các trường khác như thế nào), các bạn du học sinh tại Waseda, với điều kiện là chưa nhận học bổng nào khác, đều có thể nộp đơn đăng kí học bổng JASSO và nhận học bổng trong vòng nửa năm. Ngoài ra còn có học bổng miễn giảm 50% học phí, và nhiều học bổng từ các quỹ học bổng khác nữa. Học bổng càng cao thì càng yêu cầu thành tích học tập tốt.

Học đại học không hề dễ dàng. Học thi đại học ở Việt Nam đã khó để ra trường, là cả một con đường dài nhiều chông gai. Học thi đại học ở nước ngoài càng khó khăn hơn. Phải giỏi ngoại ngữ, vừa để tiếp thu thông tin bằng ngôn ngữ đó, vừa để sử dụng nó, không chỉ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, mà còn phải hiểu và tự diễn đạt được những nội dung học thuật mà người bản xứ nếu không phải trong ngành có khi cũng không hiểu được. Biết bao lần mình cay cú không hiểu thầy cô, bạn bè nói gì, cảm giác như súng bắn bên tai; cũng có nhiều khi đành ngậm ngùi bỏ dở bài thi vì không hiểu đề bài viết gì. Không chỉ có vậy, ngoài mặt ngôn ngữ, du học sinh còn phải làm quen với một nền văn hóa mới, lối sống mới, thậm chí tư tưởng mới, không phải là để bị “Nhật hóa”, mà là để biết cách ứng xử với những người xung quanh cho phù hợp. Nhiều lúc mình cảm thấy đầu óc mình không thể xử lý được nổi những thông tin ấy nữa. Nhưng nhờ những người bạn mới trong trường, những hoạt động ngoại khoá mình đã có những giây phú giải toả căng thẳng và mỗi năm nhìn lại mình thấy tự hào về những trải nghiệm đó. Từ một đứa rụt rè trong xó lớp, bây giờ mình đã đủ tự tin để bàn bạc, tranh luận với lũ bạn, dẫn bạn bè mình đi chơi, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Mình hài lòng về mình ngày hôm nay hơn là mình của 2 năm trước, và mình cũng không hối hận về lựa chọn của mình.

Mình cảm thấy mình đã thật may mắn vì nhận được học bổng, nhưng nếu như mình từ bỏ tiếng Nhật ngay từ những buổi đầu khó khăn đó thì may mắn cũng chẳng tự tìm đến. Mình biết các kohai đang ôn thi đều vất vả hơn mình rất nhiều vì các bạn còn nhiều mối lo khác: lo làm thêm để chi trả học phí, lo tìm trường,… Mình mong các bạn đừng vội chùn bước, cũng đừng ngần ngại thử thách bản thân, vì nếu bạn đánh mất niềm tin thì những cơ hội và may mắn cũng sẽ vuột khỏi tầm tay. Đôi khi bạn giỏi và tuyệt vời hơn bạn nghĩ rất nhiều!
Xin cảm ơn bạn rất nhiều!
Các bạn xem thêm series bài viết về các trường Đại học tại Nhật Bản của MPKEN JuKu để tìm được trường phù hợp với mình nhé!
MPKEN JUKU chuẩn bị mở lớp ôn thi EJU online với sự hỗ trợ và kèm chặt liên tục của 2 sensei trong suốt 7 tháng (từ tháng 4 ~ tháng 11 hàng năm) để các bạn có thể tiện tham gia và giữ được nhịp học của mình.
Xem thông tin chi tiết tại: https://www.facebook.com/mpkenjuku/photos/a.1984913745089897/2585730038341595/?type=3&theater
Link đăng ký: Bit.ly/MpkenJuku
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận