Ngoài kỳ thi EJU mà nhiều trường Đại học ở Nhật áp dụng để tuyển sinh thì có nhiều trường Đại học khác còn áp dụng phương pháp viết bài luận và phỏng vấn để tuyển sinh nữa.
Hãy lắng nghe chia sẻ của sempai Trần Đức Trung, sinh viên trường Đại học Seibu Bunri (西武文理大学), về những kinh nghiệm của bản thân về tiêu chí chọn trường, kinh nghiệm viết luận và hành trang bạn chuẩn bị cho con đường vào Đại học của mình nhé!
Câu chuyện này nằm trong series Shingaku Memoir của MPKEN JuKu, kể về những trải nghiệm khi đi du học và thi Đại học của các sempai. Hy vọng những câu chuyện ở đây sẽ giúp các bạn cảm thấy ấm áp và vững tin hơn trên chặng đường gian nan này.
Đọc thêm: Shingaku Memoir Vol. 1

- Sempai: Trần Đức Trung
- Trường học: Đại học Seibu Bunri (西武文理大学)
- Chuyên ngành: Dịch vụ Kinh doanh (サービス経営学部)
- Trường tiếng Nhật:Trường tiếng Nhật Yamate (山手日本語学校)

Nhật Bản là nước có nền kinh tế phát triển, đặc biệt mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển trong giao thương về kinh tế, thương mại, v.v..Trong gia đình mình, bố mình là người đặc biệt ấn tượng về chuẩn mực giáo dục con người của Nhật Bản. Chính vì vậy, khi học xong cấp 3 mình đã được bố mẹ định hướng đi du học Nhật. Chính bản thân mình cũng muốn trải nghiệm cuộc sống tự lập của du học sinh nên đã quyết định làm hồ sơ đi du học trường tiếng Nhật.

Khi bước chân sang Nhật vào tháng 10/2013 như đa số các bạn khác mình cũng chỉ có bằng N5. Nhưng theo kinh nghiệm rút ra được của bản thân và của những sempai đi trước, các bạn nên chuẩn bị vốn tiếng Nhật kha khá trước, tối thiểu là bằng N3 để giảm bớt gánh nặng về rào cản ngôn ngữ và dễ dàng bắt nhịp với cuộc sống ở Nhật hơn.
Hàng ngày mình học tiếng Nhật ở trường từ 9h đến 12h15, rồi vội vàng về nhà ăn trưa và chuẩn bị để đi làm thêm cách nhà 30 phút đạp xe. Mình làm từ 14h đến 22h và về nhà khi đã tối muộn, dù mệt nhưng mình vẫn nhanh chóng vệ sinh cá nhân và ôn bài đến 1-2h sáng mới ngủ.
Thời gian đầu mình thật sự cảm thấy mệt mỏi với thời gian biểu này, một tuần 4 đến 5 buổi lặp đi lặp lại khiến mình mệt và thiếu ngủ không muốn học bài nữa. Hơn nữa, cuộc sống tự lập ở nơi đất khách không chỉ nhiều điều mới mẻ mà còn cả rào cản ngôn ngữ khiến mình cảm thấy thực sự khó khăn. Nhưng rồi mình cũng nghĩ lạc quan hơn rằng “khó khăn sẽ làm mình cứng rắn và trưởng thành hơn”, với cố gắng của bản thân và sự động viên, giúp đỡ của mọi người và thầy cô trường tiếng mình đã dần thích ghi với cuộc sống bên này.

Ngay từ khi học trường tiếng mình đã có dự định thi vào Đại học sau khi tốt nghiệp vì mình chưa có bằng Đại học ở Việt Nam. Mình nghĩ cũng như ở Việt Nam dù sao có bằng Đại học vẫn tốt hơn bằng senmon và môi trường học tập ở Đại học sẽ tốt và có nhiều điều để mình học hỏi và tích lũy cho bản thân.

Khi lựa chọn trường Đại học, mình dựa vào các tiêu chí như: môi trường học tập như người Nhật, học phí phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình (đối với mình thì học phí trong khoảng 60-65 vạn yên là hợp lý) bên cạnh đó mình cũng muốn tập trung vào việc học khi lên Đại học, giảm thời gian làm baito và quan trọng hơn là mình muốn học ở môi trường có nhiều người Nhật. Vì là người nước ngoài nên mình nghĩ điều quan trọng nhất khi ôn thi là phải trau dồi trình độ tiếng Nhật hàng ngày.

Trường mình áp dụng 2 phương pháp tuyển sinh dành cho du học sinh:
Phương pháp 1:
Phỏng vấn những sinh viên được trường tiếng tiến cử (những bạn này được coi là đã đỗ vào trường). Đương nhiên mỗi trường tiếng chỉ tiến cử 1-2 học sinh tiêu biểu (những bạn có 出席 cao nhất và thành tích học tập tốt nhất) nên nếu bạn muốn được tiến cử theo hình thức này thì hãy cố gắng đi học chăm chỉ và học thật tốt ở trường tiếng nhé!
Phương pháp 2:
Thi viết sakubun và phỏng vấn, với cách thức này sẽ có sự cạnh tranh tùy vào số lượng sinh viên dự thi, chỉ tiêu của trường và điểm số.
Minh muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về hai phần thi này:
Về phần thi viết sakubun, các bạn hãy viết theo hướng phân tích hai mặt đối lập tốt và xấu của vấn đề và nêu ra ví dụ cụ thể nữa, đây là lối suy nghĩ đặc trưng của người Nhật.
Còn về phần phỏng vấn các bạn hãy nhờ thầy cô ở trường tiếng luyện phỏng vấn như một cuộc phỏng vấn thật để quen với cách thức phỏng vấn cũng như không khí hồi hộp và căng thẳng của một phỏng vấn thật.
Trong quá trình chuẩn bị, khó khăn nhất mình gặp phải là phải vượt qua những tác động bên ngoài như có trận bóng đá yêu thích vào khung giờ học hay những cuộc gặp gỡ bạn bè, v.v.. dù rất muốn tham gia nhưng mình phải cố gắng tự giác vượt qua những “cám dỗ” này để thực hiện đúng như kế hoạch đã đề ra.
Điều mình hài lòng nhất khi đỗ được vào trường mà mình mong muốn là ngoài khả năng tiếng Nhật được cải thiện mình còn rút ra được kinh nghiệm cho bản thân là khi làm việc gì cũng phải vạch ra kế hoạch rõ ràng, chi tiết, và phải tự giác nghiêm khắc với bản thân để thực hiện theo.

Ở trường mình, sinh viên đăng ký tín chỉ chọn môn học nên giờ học sẽ phụ thuộc vào tín chỉ mà bạn đăng ký. Vì vậy nếu trong những năm học đầu bạn đăng ký và lấy được càng nhiều tín chỉ thì những năm cuối các bạn sẽ càng có nhiều thời gian để làm việc khác hơn như: chuẩn bị cho hoạt động xin việc chẳng hạn.
Nếu những năm đầu bạn muốn tập trung học nhiều tín chỉ thì thông thường tiết 1 sẽ bắt đầu lúc 9h20 và tiết 2 sẽ tan lúc 15h hoặc 16h50 nếu có tiết 4.
Trường mình có chế độ miễn giảm học phí cho du học sinh, năm đầu tiên sinh viên phải đóng 90 vạn yên bao gồm cả phí nhập học, từ năm thứ 2 trở đi sẽ là 60 vạn yên. Ngoài ra còn có chế độ học bổng 5 vạn yên/tháng hoặc 10 vạn yên/tháng nhưng phải vượt qua 2,3 vòng thi.
Hoạt động ngoại khóa:
Trường có tổ chức các chuyến đi 見学 ở nước ngoài vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ xuân.
Đặc biệt, trường mình có áp dụng chế độ tiếp nhận các bạn sinh viên trường senmon chuyển tiếp lên có nguyện vọng học Đại học, sau 2 năm học cũng sẽ được nhận bằng Đại học như sinh viên khác của trường.

Cuộc sống ở trường Đại học khác nhiều so với cuộc sống ở trường tiếng vì ở trường tiếng các thầy cô sẽ chăm sóc cho cuộc sống của học sinh nhiều hơn, còn ở trường Đại học đòi hỏi bản thân phải tự giác và cố gắng để theo kịp bài giảng vì phương pháp giảng dạy không thay đổi dù bạn là người nước ngoài.
Đa số sinh viên trường mình lại là người Nhật nên sinh viên nước ngoài phải chuẩn bị vốn tiếng Nhật tốt, kiến thức văn hóa và lối suy nghĩ như người Nhật để có thể thích nghi hòa nhập tốt với môi trường học tập này.
Bản thân mình phải đến học kỳ 2 năm thứ hai mới thích nghi và quen hẳn với môi trường học tập này.
Cho đến giờ mình khá hài lòng với quyết định học Đại học của mình vì những kinh nghiệm bổ ích và trải nghiệm mới mẻ có được trong thời gian qua.

Bản thân mình chưa có nhiều kinh nghiệm như những sempai khác nhưng từ kinh nghiệm của bản thân, mình khuyên các bạn hãy luôn có ý thức không ngừng rèn luyện, hoàn thiện, lắng nghe và nâng cao bản thân không chỉ trong việc học tiếng Nhật (là điều kiện cần và rất quan trọng đối với một du học sinh) mà còn cả các phương diện khác trong cuộc sống nữa (đặc biệt là cuộc sống của du học sinh như chúng mình).
Xin cảm ơn bạn rất nhiều!
Các bạn xem thêm series bài viết về các trường Đại học tại Nhật Bản của MPKEN JuKu để tìm được trường phù hợp với mình nhé!
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận