Quay trở lại công việc sau khi nghỉ sinh: nỗi lo và hướng giải quyết

Tháng 4 là thời điểm nhiều mẹ quay trở lại công việc sau khi có kết quả con đỗ nhà trẻ. Cùng với niềm vui vì con được đi học và mẹ có thể quay trở lại làm việc, chắc hẳn các mẹ cũng có nhiều nỗi lo lắng. Trong bài viết dưới đây Tomoni sẽ đưa ra gợi ý các hướng giải quyết để các mẹ có thể yên tâm hơn khi quay trở lại làm việc.

Vấn đề cân bằng giữa gia đình và công việc 

Các mẹ khi quay trở lại làm chắc hẳn có nhiều nỗi lo về vấn đề cân bằng giữa gia đình và công việc như: cho con đi trẻ sớm có tội con không, liệu có thể làm việc được như trước khi nghỉ sinh khi mà thời gian làm việc bị hạn chế, không làm thêm giờ được hay không,…

Điều giảm bớt các lo lắng này, điều quan trọng ở đây là các mẹ phải luôn nhớ không nên một mình cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề, mà hãy tận dụng các dịch vụ của nơi sinh sống cũng như nhận sự trợ giúp của bạn bè, người thân để tìm ra cách phù hợp với gia đình của mình.

Về việc cho con đi nhà trẻ, trước khi quay trở lại làm việc, nhiều mẹ dù đã quyết định cho con đi nhà trẻ nhưng vẫn băn khoăn sợ cho con đi nhà trẻ sớm, khi bé vẫn chưa biết uống sữa bình, vẫn chưa tập ăn dặm xong, vẫn đang quen cả ngày ở cạnh mẹ từ khi mới sinh,…sẽ tội cho con.

Tuy nhiên, việc cho con đi nhà trẻ sớm cũng có rất nhiều lợi ích như dưới đây:

  • Tạo được nếp sinh hoạt điều độ cho con
  • Con được trải nghiệm những việc mà ở nhà khó có như: tiếp xúc với các bé bằng tuổi cũng như nhỏ hơn và các anh chị lớn hơn, tham gia các hoạt động của tập thể.
  • Con làm quen với nhà trẻ nhanh hơn
  • Mẹ có thể hỏi ý kiến của các cô giáo nhà trẻ – những chuyên gia về mặt chăm sóc trẻ khi có điều muốn hỏi về bé.

Các cô giáo ở nhà trẻ đều là  những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc chăm sóc trẻ, và cũng đã tập cho không ít bé biết uống sữa bình, hay tập ăn dặm từ đầu cho các bé, nên các mẹ không nên quá lo lắng, mà cứ thoải mái theo dõi sự trưởng thành của con và thường xuyên trao đổi với các cô để có sự phối hợp chăm sóc bé tốt nhất theo từng giai đoạn trưởng thành. 

Về việc nhà, đó là một hoạt động diễn ra hàng ngày, và 365 ngày không có ngày nghỉ. Chỉ với sức của một người không thể cầu toàn cả công việc và việc chăm sóc con cái được. Các mẹ hãy thu xếp trong khả năng phù hợp với sức khoẻ cũng như điều kiện của bản thân bằng cách trao đổi với chồng để san sẻ giúp bớt một phần việc nhà so với trước đây (ví dụ: nhờ bố đưa con đi học buổi sáng để mẹ có thêm thời gian chuẩn bị sẵn cơm tối, cuối tuần trông giúp bé để mẹ chuẩn bị sơ chế đồ ăn, thỉnh thoảng về sớm để cùng mẹ chăm con sau giờ làm,…), hay sử dụng các dịch vụ, thiết bị máy móc hỗ trợ để giúp giảm tải thời gian làm việc nhà.

Ví dụ như để giảm bớt thời gian đi chợ, các mẹ có thể sử dụng dịch vụ giao thực phẩm tại nhà 食材宅配. Để giảm tải thời gian làm việc nhà các mẹ cũng có thể đầu tư sắm các loại máy móc như robot hút bụi, robot lau nhà, máy rửa sấy bát, mặt giặt sấy quần áo,… Khi các mẹ quá bận rộn cũng dễ trở nên mệt mỏi và cáu gắt, nhưng bằng việc giảm tải thời gian làm việc nhà, các mẹ đỡ mệt mỏi và có thời gian hơn cho con, khoảng thời gian mẹ và con ở cùng nhau cũng được sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều mẹ lo đi cả ngày rồi lại về lo việc nhà, cơm nước sẽ không có thời gian chơi với con, sợ con buồn, tủi thân…Nhưng thật ra bé không cần thời gian quá dài bên mẹ, mà chỉ cần thời gian đó thật sự chất lượng, mẹ vui vẻ, tập trung chơi với bé,…nên sau khi đi làm về và kết thúc việc cơm nước, các mẹ chỉ cần cùng con đi tắm, rồi đọc chuyện, tâm sự với bé tầm 1 tiếng là cũng đủ rồi. Bù lại, vào cuối tuần, các mẹ có thể dành thời gian nhiều hơn cho con. 

Tham khảo chi tiết các dịch vụ hỗ trợ để giảm tải thời gian làm việc nhà (Mục 3)

Mẹ Việt đi làm fulltime – Điều kiện, thời điểm và cách cân bằng

Các giải pháp khi con bị ốm sốt

Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất hay ốm vặt và việc phải nghỉ học cũng diễn ra với tần suất khá nhiều. Bố mẹ nào cũng muốn ở bên và chăm sóc khi con ốm, tuy nhiên cũng có những ngày không thể xin nghỉ được như có cuộc hẹn quan trọng hay deadline của công việc quan trọng nào đó. Ngoài việc nhận được sự hỗ trợ từ chồng, các mẹ có thể tận dụng các chế độ như Family Support có ở từng quận hay các dịch vụ nhận giữ trẻ ốm sốt 病児保育施設. Các dịch vụ này cần đăng ký trước, nên các mẹ hãy tra cứu trước thông tin về nơi giữ trẻ bị ốm và đăng ký sớm nhé.

Tham khảo bài viết chi tiết về các dịch vụ hỗ trợ khi con ốm sốt hoặc ko về kịp giờ đón con.

Làm gì khi con ốm sốt hoặc không về kịp đón con

Rèn luyện thêm các kỹ năng và tạo mối quan hệ với đồng nghiệp

Thời gian nghỉ sinh và nghỉ chăm con của các mẹ thường trên dưới 1 năm. Trong khoảng thời gian này, rất có khả năng công ty đã có sự thay đổi lớn về hệ thống nhân sự, cũng như chế độ và quy trình làm việc. Để việc quay trở lại làm được thuận lợi, các mẹ có thể lưu ý về những điều có thể làm khi đang nghỉ chăm con, cũng như sau khi quay trở lại làm như dưới đây.

Trong thời gian nghỉ sinh và nghỉ chăm con, các mẹ có thể tận dụng thời gian để rèn luyên tăng thêm cho mình các kỹ năng trước khi quay trở lại làm như: thi chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ nghiệp vụ (kế toán, tin học,..),… Ngoài ra, gần đây số công ty cho phép làm 副業 ふくぎょう(công việc khác ngoài công việc chính) cũng tăng lên nhiều. Nếu công ty của bạn cho phép副業 bạn có thể tận dụng thời gian nghỉ chăm con để thử sức với một công việc mới cho phép làm tại nhà cũng là một cách hay để duy trì những kỹ năng của bản thân. 

Khi quay trở lại làm việc, có thể tăng hiệu suất công việc bằng cách lưu trữ file vào serve chung, lập manual hướng dẫn công việc, báo cáo thường xuyên về tiến độ công việc,… để đồng nghiệp/sếp dễ dàng nắm bắt và xử lý công việc khi bạn cần nghỉ.

Tiếp theo, đừng quên việc bày tỏ sự cảm ơn đến những đồng nghiệp cùng làm việc. Gần đây có các chế độ rút ngắn giờ làm hay chế độ nghỉ chăm con, giúp các mẹ thuận lợi hơn khi quay trở lại làm việc. Tuy nhiên đừng nghĩ đương nhiên mình được sử dụng chế độ, mà hãy nghĩ đến việc nhờ có sự trợ giúp của đồng nghiệp mà bạn mới có thể sắp xếp thời gian về sớm hay nghỉ để chăm con. Sau khi nghỉ chăm con ốm và quay lại làm việc, hãy bày tỏ sự cảm ơn đến với đồng nghiệp bằng những câu nói như 「〇〇さんのおかげで、息子(娘)も回復しました。」Ngoài ra, khi đồng nghiệp sức khỏe không tốt phải nghỉ làm, hãy chủ động đề nghị giúp đỡ 「お手伝いできることありますか?」

Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng thời gian nghỉ trưa để tạo mối quan hệ với đồng nghiệp, giúp việc trao đổi công việc và khi nhờ giúp đỡ khi cần nghỉ được thuận lợi hơn.

Cuối cùng, sau khi quay trở lại làm và cảm thấy quá sức, mệt mỏi không muốn tiếp tục nữa, hãy cố gắng ít nhất nửa năm. Khoảng thời gian sau khi mới quay trở lại công việc là khoảng thời gian khó khăn nhất khi thời gian làm việc bị hạn chế, phải nghỉ vì con ốm, công việc không thuận lợi,.. Tuy nhiên, đây là việc mà mẹ nào cũng sẽ phải trải qua khi mới quay trở lại làm. Cần có thời gian nhất định cho cả mẹ và con quen với nhịp sống mới, cũng như khoảng thời gian cần thiết để thử nghiệm nhiều cách cho phù hợp với công việc và gia đình.

Tham khảo chia sẻ của mẹ Việt về cách cân bằng giữa công việc và gia đình

Hy vọng Tomoni đã giới thiệu được các thông tin giúp các mẹ giảm bớt nỗi lo khi quay trở lại làm sau khi nghỉ sinh và chăm con. Chúc các bé đi học quen với môi trường nhà trẻ nhanh, và mẹ cũng có nhiều tự tin khi quay trở lại công việc!

Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.

Bình luận

Loading...