Thời gian gần đây, trong công việc của mình tại MPKEN, tôi có phụ trách một seminar nho nhỏ về giao tiếp liên văn hoá dành cho các doanh nghiệp Nhật đang tuyển dụng kỹ sư Việt Nam. Seminar này được chia thành 2 phần, một phần dành cho các kỹ sư Việt Nam để tìm hiểu những sự khác biệt trong giao tiếp và trong suy nghĩ về công việc của người Nhật, và một phần nữa với thời lượng tương đương dành cho các nhân viên người Nhật để hiểu về người Việt Nam.
Bài giảng của tôi được trình bày dựa theo mô hình về khác biệt văn hoá quốc gia của Trompenaars, người đặt nền móng cho các nghiên cứu về sự khác biệt văn hóa quốc gia. Trong bài giảng này, tôi nhận thấy có một chủ đề mà rất nhiều người Nhật và người Việt quan tâm, đó là sự khác nhau giữa người Việt Nam và người Nhật trong việc “ký hợp đồng”, mà cụ thể ở đây là hợp đồng lao động.
Tại sao chúng ta lại phải ký hợp đồng với nhau?
Đa số các bạn Việt Nam cho rằng cần phải ký hợp đồng. Và hợp đồng nên quy định càng cụ thể càng tốt các điều khoản và cách xử lý/trừng phạt khi một bên không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã được thoả thuận. Còn nhiều người Nhật lại cho rằng hợp đồng là thứ có thể thay đổi và linh hoạt được khi hoàn cảnh hai bên thay đổi. Hợp đồng chỉ là sự hiển thị trên giấy niềm tin giữa hai bên. Hợp đồng quy định một số thoả thuận mang tính nguyên tắc ban đầu về cách thức các bên sẽ làm việc với nhau, còn những mâu thuẫn và khúc mắc nếu có phát sinh, sẽ được các bên thoả thuận và thương lượng với nhau.
Sự khác biệt này khiến nhiều bạn trẻ Việt Nam khá bất ngờ. Lễ vào công ty ở Nhật thì cực kỳ hoành tráng, có hàng trăm hàng ngàn người với đủ các sếp to đến sếp nhỏ, nhân viên cũ nhân viên mới tham gia. Thế nhưng, cái mà các bạn trẻ mong đợi là một hợp đồng dày cộp để hai bên ngồi đưa bút ký thì không thấy đâu. Thay vào đó chỉ là một cái gọi là “nội định” naitei, một mẩu giấy không có giá trị pháp lý lắm, ghi một thoả thuận mơ hồ rằng công ty X đồng ý nhận anh A vào làm việc kể từ ngày này năm nọ.
Nói một cách khác, người Việt Nam vì không tin nhau nên mới ký hợp đồng. Còn người Nhật thì vì tin nhau nên mới ký hợp đồng. Hai đất nước này có xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau cho cùng một loại thoả thuận xã hội. Và chính vì xuất phát điểm cho thoả thuận chung đó là khác nhau, nên cách giải quyết mâu thuẫn cũng thường khác nhau.
Tôi thấy trên nhiều diễn đàn online của người Việt Nam đang sống tại Nhật, khi gặp mâu thuẫn với công ty hay sếp, các bạn trẻ Việt Nam thường thể hiện sự bức xúc của tôi và đòi hỏi sự công bằng bằng một câu cửa miệng rất Holywood, “Em cần tìm luật sư…” Ở Nhật thì ngược lại, mỗi khi có vấn đề xảy ra, trong đa số trường hợp, người ta tìm nói chuyện trực tiếp với nhau để thương lượng giải quyết vấn đề, hơn là mời thêm bên thứ ba đến.
Việc này được cho là có gốc rễ nằm sâu trong văn hoá Hoà hợp (和 – Harmony) của người Nhật cũng như là một phần của một nền văn hoá giàu ngữ cảnh, nền văn hoá đồng nhất. Luật sư vẫn là một chứng chỉ không phải ai cũng có được, và vẫn là một nghề hái ra tiền ở Nhật, nhưng họ không sẵn việc đến mức đó. Chỉ trong những trường hợp mâu thuẫn cực điểm, hay có tổn thất nghiêm trọng các bên mới tìm luật sư để làm giúp cac thủ tục phức tạp hay để bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa.
Về cơ bản trong một xã hội, thì việc chúng ta tin nhau đến đâu, thoả thuận những gì và sẵn sàng cùng nhau giải quyết vấn đề cả to lẫn nhỏ như thế nào là câu hỏi lớn và cơ bản nhất.
Lấy một ví dụ đơn giản về một thoả thuận xã hội khác, đó là “nhân dân tổ dân phố Z cùng xây dựng khu phố sạch đẹp” chẳng hạn. Ở Nhật cũng dán những khẩu hiệu tương tự như thế này khắp nơi, giống như Việt Nam, nhưng họ xài (gần như là lạm dụng) các thể loại hoạt hình anime xanh đỏ tím vàng hơn mà thôi. Và một điều khác biệt quan trọng nữa, các con phố ở Nhật sạch thật, các con phố ở Việt Nam thì thỉnh thoảng mới sạch.
Đó không phải là vì lương công nhân vệ sinh môi trường ở Nhật cao gấp mấy lần người xả rác. Cũng không phải vì cứ 5m chính phủ lại đặt một thùng rác to và chắc chắn để bất kỳ ai dù có hậu đậu đến đâu cũng không thể ném trượt rác vào thùng. Và tất nhiên đó cũng không phải vì luôn có cảnh sát/chính quyền/chính phủ kè kè ở đó để nhắc nhở người dân hay ký các biên bản phạt hành chính. Đó là vì các thoả thuận xã hội ở đây được chấp hành, giám sát và giải quyết trực tiếp bởi chính những cá nhân và giữa những cá nhân với nhau. Sự tham gia của bên thứ ba như cảnh sát hay chính quyền là khong cần thiết.
Phải nhắc lại một điều, ở Nhật hầu như không có thùng rác trên đường. Mỗi người đều phải là một cô/chú vệ sinh môi trường, xả rác ra bao nhiêu thì tự mang rác về nhà từng ấy. Hơn nữa, mỗi người còn là một người giám sát việc người khác có thực hiện đúng trách nhiệm của họ không.
Nếu bạn đi trên đường, trong lúc chờ đèn đỏ, bạn bóc kẹo ăn và ném xuống đường một cái vỏ kẹo. Hàng trăm người xung quanh đó sẽ nhìn chằm chằm vào bạn, cho đến khi bạn thấy nổi gai cả người và buộc phải nhặt rác lên và xin lỗi. Hoặc cũng có những người tinh tế hơn, họ nhặt mẩu rác đó bỏ vào túi quần họ, cố tình cho bạn nhìn thấy, rồi họ mang về nhà, phân loại cẩn thận và vứt giùm bạn. Họ khiến bạn trông thật xấu xí khi không tuân thủ các thoả thuận này.
Ở Nhật, có lẽ không có lời nhận xét nào sâu cay hơn bằng việc nói ai đó là kẻ “gây phiền hà cho người khác”.
Khi tôi hỏi các bạn kỹ sư trẻ Việt Nam, ngày bé khi họ nghịch ngợm gì đó, làm ồn hay làm phiền người khác, những người xung quanh (bố mẹ) sẽ nói như thế nào. Các bạn đều có những câu trả lời giống nhau như “Tao đập cho mày bây giờ”, hay “Mày đừng có làm tao cáu lên. Mày sẽ ăn đủ đấy”, hoặc tệ hơn là mang chú công an, ông Ba Bị ra doạ. Lại là những bên thứ ba mơ hồ nào đó. Lần đầu nghe như vậy có thể nhiều đứa trẻ sẽ thấy sợ. Nhưng từ lần thứ 2, thứ 3 thì bắt đầu tin là bố mẹ không thể đánh được tôi, hoặc có đánh xong cũng chỉ khiến chúng thấy ấm ức vài ngày, chứ nhất định sẽ không trở nên tuân thủ hơn.
Thật bất ngờ khi cùng một câu hỏi, các bạn Nhật nói rằng, những khi như vậy, bố mẹ họ sẽ chỉ nói “con đang làm phiền người khác đấy”. Các bạn Nhật nói rằng, ban đầu họ nghe nhưng không hiểu và cũng chẳng để tâm, mà cũng chẳng thấy sợ ai hết. Nhưng dần dà, khi ra đường, khi đi tàu, khi lên trường họ thấy mọi người đều nói như vậy. Họ bắt đầu tin vào một nỗi sợ hãi mơ hồ, khi trở thành “kẻ-gây-phiền-hà” cho người khác, một kẻ có vẻ như không ai ưa, và chắc chắn sẽ không được chấp nhận trong xã hội.
Tôi nghĩ rằng, một phản ứng khác nhau tí tẹo như thế khi xảy ra mâu thuẫn con con nào đó mà có thể biến một xã hội náo nhiệt nơi nhân viên “bật” sếp ầm ầm như Việt Nam sang một xã hội tẻ nhạt hơn khi người ta chỉ dùng-ánh-mắt-lạnh-lùng để nói với bạn là bạn-đã-quá-sai rồi như ở Nhật được. Điều quan trọng là phải nói cái câu tí tẹo đó hàng giờ, hàng ngày, trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, từ khi ai đó là một đứa trẻ cho đến khi nó lớn lên.
Khi những vấn đề khó chịu dai dẳng tưởng như không thể giải quyết được như vứt rác ra đường, hút thuốc nơi công cộng, không chịu xếp hàng có thể được giải quyết một cách gọn gàng, đơn giản, không cần công an chính quyền hay một bên thứ ba mơ hồ nào đó, tôi tin rằng người ta hoàn toàn có thể bắt đầu nói về những thứ to tát hơn trong xã hội như niềm tin hay sự tăng trưởng kinh tế.
Tokyo, tháng 10 năm 2018
Hãy gửi những suy nghĩ, cảm nhận và chia sẻ của bạn về cho chúng mình. Chúng mình sẽ đem nó tới với nhiều người bạn khác trên khắp nước Nhật qua TOMONI
Gửi bài viết và thông tin của bạn về cho TOMONI qua link: https://goo.gl/DQDp2R
TOMONI và rất nhiều bạn đọc đang đón chờ những chia sẻ từ bạn <3
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận