Mình yêu công ty ngay từ ngày đầu tiên bước vào vì chị phụ trách tuyển dụng của công ty lúc đấy xinh đúng kiểu mình ngưỡng mộ, chị sếp nhìn như diễn viên phim Hàn Quốc và cái sàn đá thì lấp lánh cứ như trong truyện Cinderella.
Vài tuần sau đó, mình nhận được đề nghị là mình có thể ở lại luôn công ty sau khi ra trường nếu muốn, và vài tuần sau đó thì… chồng mình cũng trúng tuyển vào công ty này luôn.
Mình từ chối công ty ở Osaka, chính thức chuẩn bị vào công ty và lần đầu tiên tham dự buổi 内定者研修会 cùng các bạn 同期 (Douki) sẽ cùng làm từ 4/2011. Giám đốc nói năm vừa rồi có 13 người đỗ vào công ty trên tổng số gần 4000 ứng viên ứng tuyển. Một con số ấn tượng và mình bắt đầu cảm thấy có tí khớp vì… cái đứa thứ 14 lại vào theo 1 con đường ko thể nào mà dễ dàng hơn.
■3/2011:
Mình lần đầu tiên đi nhậu cùng các bạn 同期. Ngoại trừ một bạn hơn mình 1 tuổi, còn lại đều ít tuổi hơn mình, đại đa số sinh năm 87-88. Mọi người đã cùng 研修 với nhau từ lâu nên có rất nhiều câu chuyện để buôn để kể, đôi khi quay ra bắt chuyện hỏi han mình, mình cũng cố để có thể hoà theo câu chuyện. Nhưng mọi người biết đấy, không dễ gì có thể hoà nhập ngay vào một tập thể 13 người đã thân với nhau gần một năm, đặc biệt là khi đôi lúc thậm chí bạn còn chẳng thể hiểu nổi mọi người đang nói đùa những gì, vì các từ lóng của giới trẻ, vì tốc độ nói quá nhanh, và đôi khi, vì cả những khác biệt văn hoá. Tuy nhiên, mọi người cũng khá hoà đồng và luôn chú ý hỏi han mình.
■4/2011:
Mình tạm thời rời 社長室 (phòng giám đốc), nơi mình đang làm việc để bắt đầu quãng thời gian kenshu cùng các bạn douki. À, trước đó là buổi 入学式 nữa chứ nhỉ. Mỗi người phải đứng lên tự giới thiệu trước 200 nhân viên công ty. Dù mình đã khá quen mặt với mọi người trong công ty vì đã làm ở đây từ cả nửa năm trước đó, nhưng phải tự giới thiệu bằng tiếng Nhật trước đám đông trong một buổi lễ long trọng cũng là một việc không dễ dàng gì. Bạn biết câu nói “đầu tự dưng trắng xoá ra” ko… Đó chính xác là cảm giác của mình lúc đó đấy.
2 tháng đầu vào công ty là khoảng thời gian bọn mình… chẳng phải làm bất cứ công việc gì, chỉ có 14 đứa ngồi tập trung trong một căn phòng lớn để 研修. Các bài giới thiệu về công ty, về business manner,… cũng khá khó nhưng nói chung cũng nằm trong tầm với của một đứa như mình, tuy nhiên bước vào giai đoạn 営業研修 (tập huấn về cách đi sales) thì quả là ác mộng.
Bọn mình phải lên list một loại các nơi có khả năng cho bọn mình để tờ quảng cáo dịch vụ của công ty để đến gặp họ, sau đó thuyết phục họ cho để các tờ rơi đó càng nhiều càng tốt… Mình cùng team với 2 bạn người Nhật khác, bọn mình lên danh sách các cửa hàng triển vọng, soạn lời thoại để nói… nhưng đến khi phải gọi trực tiếp thì… mình sợ rụt cả lại. Mình chỉ nói được một vài câu là lưỡi cứng cả lại, mình chỉ sợ đầu dây bên kia nghe tiếng Nhật của một đứa nước ngoài như mình sẽ bực mình mà cúp máy, sẽ ảnh hưởng tới cả team, nên mãi ko thể vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân để gọi… 2 bạn kia quyết định sẽ hỗ trợ mình, các bạn ấy gọi điện còn mình soạn tài liệu để chuẩn bị đi gặp khách.
Xem thêm:
Những điều cần biết về naiteisha kenshu
■6/2011:
Kết thúc 2 tháng kenshu, mình quay lại phòng giám đốc để tiếp tục công việc mà mình đang làm dở về một dự án Game SNS ở Việt Nam.
Sau giai đoạn tìm hiểu thị trường, lên kế hoạch và code web, khi trang web ra mắt, mình bắt đầu phải đối mặt với một cảm giác mới mỗi buổi meeting mà phòng giám đốc phải báo cáo doanh thu.
Các project khác, từ game đến các website so sánh, đều có doanh thu rất cao, từ vài trăm đến vài nghìn man/tháng, duy chỉ có dự án Việt Nam con số doanh thu là VÀI NGHÌN YÊN.
Bạn thử so vài nghìn yên với vài nghìn man xem, sẽ hiểu cảm giác của mình lúc ấy, kiểu như trong khi xung quanh toàn người tài giỏi với các dự án thành công liên tiếp, chỉ duy nhất mình (và phòng mình) đang ngày ngày sử dụng số doanh thu đấy để bù vào chi phí cho một dự án tháng nào cũng chỉ vài nghìn yên.
Một dự án mới luôn cần có thời gian khởi động để phát triển, nhưng có vẻ như định hướng của bên mình đã có những sai lầm nhất định, nên con số vài nghìn yên ấy mãi chả nhúc nhích lên thêm, và vì thế mình lại càng có dịp trải nghiệm cảm giác mình quả thật là một đứa vô dụng.
■11/2011:
Mình phát hiện có bầu bé đầu tiên. Vậy là ngoài việc dự án làm mãi chả ra tiền, mình còn trở thành 新卒(nhân viên mới vào theo diện sinh viên vừa tốt nghiệp) đầu tiên có bầu ngay trong năm đầu tiên vào công ty. Cảm giác cũng… khó tả phết.
■2-4 /2012:
Dự án mình làm có một vài bước phát triển mới, thêm nhiều ý tưởng được đưa ra và lượng user bắt đầu tăng lên. Mình thường xuyên ở lại làm đến 9h30 dù lúc đấy em bé đang ở trong bụng. Dù biết nó không tốt nhưng nhịp dự án như vậy và… cả công ty như vậy, nên mình cứ bị cuốn theo.
Đúng vào lúc đỉnh điểm đó, thì mình… nhập viện vì doạ sinh non và… nghỉ luôn đến tròn một năm sau đó.
Do mình nghỉ đột ngột nên công ty phải tuyển gấp 2 bạn người Việt Nam khác vào làm tạm thay cho mình, mình dù ở trong viện vẫn rất sốt ruột và thường xuyên theo dõi trang và cảm thấy bất lực vì… hầu như mình ko giúp gì được.
Xem thêm:
Nỗi niềm chung của nhiều phụ nữ khi mang bầu tại công sở Nhật
Chế độ nghỉ chăm con cho các bố mẹ làm việc ở Nhật
■1/2013:
Sau nhiều cố gắng, dự án VN cũng bị dẹp vì sau gần 2 năm chạy mà triển vọng doanh thu không có mấy. Đó là khoảng thời gian mình đang rục rịch chuẩn bị trở lại công ty và… ko biết mình sẽ về đâu.
■4/2013:
Mình quay trở lại công ty sau tròn một năm nghỉ chăm con. Mình tạm thời về lại phòng giám đốc vì mọi người chưa biết phải phân cho mình vào đâu.
Sau một năm nghỉ đẻ, đầu óc mình như bị đóng băng, cảm giác trở lại công ty mà cảm giác chỉ có mình mình là người đứng nguyên ở quá khứ, còn mọi người thì đã đi máy thời gian đến tương lai trước cả năm rồi.
Các bạn 同期 có bạn thậm chí đã lên assistant manager sau một năm. mọi người đều tiến rất nhanh, chỉ có mình mình là đứng lại một chỗ.
Suốt 1 tháng đầu công việc của mình là ngồi thống kê và simulation những dữ liệu chẳng mấy quan trọng trên excel, kiểu như sếp giao cho mình chỉ vì ngoài ra chả có việc gì có thể giao cho mình nữa.
Vì em bé đi nhà trẻ nên ngày nào cũng 5h là mình đứng dậy về, vậy mà vẫn cảm thấy một ngày dài đằng đẵng vì… chả có gì để làm cả.
Lúc đó mình mới cảm nhận rõ rằng, cảm giác 誰にも必要とされていない (mình chẳng cần thiết cho bất kì ai cả) còn đáng sợ và mệt mỏi hơn nhiều so với việc ngày nào cũng phải ngồi làm việc đến 9h30-10h với cái bụng bầu….
■6/2013:
Sau nhiều lần cân nhắc, giám đốc quyết định phân mình sang phòng nhân sự thay vì phòng kế toán hay Marketing như đã định từ trước.
Lý do là vì 2 bộ phận kia vào từng thời kỳ sẽ cực kỳ bận, và mình có con nhỏ nên sẽ rất khó trong những dịp như vậy,..
Vậy là mình bắt đầu bước một chân vào nghề nhân sự…
■ Cuối tháng 6/2013:
Mình chính thức chuyển chỗ ngồi từ phòng giám đốc sang phòng nhân sự. Trước khi đi, sếp cũ của mình gọi ra dặn dò, bảo sang đấy chắc chắn 人間関係, quan hệ trên dưới sẽ khó hơn ở đây, nên phải để ý hơn. Ở đây tao coi mày như con nên lúc nào cũng xuề xoà, nhưng sang kia thì khác… Câu mình nhớ nhất trước khi đi là câu sếp bảo: 早く失敗して、早く成長してください.
Xem thêm:
Giải mã nghề nhân sự tại Nhật: Công việc thực tế và những kỹ năng cần có
■ 7/2013 ~ :
Vừa chuyển sang phòng nhân sự được chưa đầy một tuần, còn đang học việc dở dang thì con mình bị viêm amidan phải nhập viện, mình lại nghỉ nguyên một tuần để chăm con. Cảm giác lúc đấy vừa thương con vừa ngại vô cùng. Ở phòng cũ mình vẫn cứ vài ba ngày đi làm lại phải nghỉ một ngày vì con sốt, nhưng sếp mình lúc đấy rất quý bé nên mình cũng không ngại, phòng mới thì,…
Cũng may sau đợt ốm đó thì bé nhà mình cũng khoẻ lên tương đối, và mình tập trung vào học việc được hơn.
Khó khăn đầu tiên mà mình phải đối mặt, đấy chính là việc phải nghe và gọi điện thoại.
Phòng giám đốc điện thoại ko trực tiếp gọi đến được nên suốt thời gian ở đó mình ko phải nghe máy bao giờ, nhưng sang đến phòng nhân sự thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Tất cả mọi cuộc điện thoại đều đi thẳng tới 管理部 (phòng mình thuộc 管理部 – phòng quản lý) đầu tiên, và mình cũng phải chủ động gọi cho các ứng viên ứng tuyển vào công ty khi đó.
Ác mộng của những ngày 営業研修 lại trở lại. Mình dè dặt nhấc các cuộc điện thoại gọi đến, và mỗi lần gọi đi thì phải hít mấy hơi dài mới dám gọi.
Cũng may, sếp ở phòng mới cũng để ý đến phản ứng ấy của mình, nên thường trước khi mình gọi bao giờ cũng bảo: có gì thì chuyển máy ngay cho tao nhé, tao sẽ trả lời giúp cho, nên mình cũng đánh liều bạo dạn nghe điện thoại hơn, và mỗi lần bạn nữ cùng phòng mình gọi điện cho ứng viên thì mình lại dỏng tai nghe lỏm để học.
Suốt mấy tháng đầu sang phòng nhân sự, mình như trở lại là một đứa 新卒 lần thứ 2, cái gì cũng phải học từ đầu, làm gì cũng phải có người hỗ trợ đằng sau.
Tính mình thì vốn ẩu mà việc ở phòng nhân sự thì lại đòi hỏi khá tỉ mẩn rồi 気遣い (để ý, cẩn thận quan sát) đủ thứ, nhiều khi làm sai bị bạn sempai cùng team khiển trách, mình chỉ muốn chạy về ngay phòng giám đốc khóc lóc kể lể,...
Việc viết mail cũng là một trở ngại nữa của mình.
Vì ngày còn làm dự án Việt Nam, mình gần như chỉ phải trao đổi với các đối tác ở Việt Nam, nên gần như email tiếng Nhật chỉ dùng khi báo cáo với sếp, mà sếp mình thì dễ tính, nên dù sếp mình cũng đôi lần nhắc nhở viết email phải thế nọ thế kia nhưng vì chả có mấy dịp thực hành nên mình cũng nghe tai phải rồi bỏ qua tai trái…
Qua phòng nhân sự thì mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Khối lượng mail mình phải gửi mỗi ngày tăng lên rất nhiều, lại gửi cho người ngoài công ty,… thế là lại bắt đầu một giai đoạn học hành mới.
Những ngày đầu gửi mail, bạn assistant manager phòng mình phải soạn trước để mình chỉ việc copy paste rồi gửi đi, sau chuyển thành mình tự viết rồi bạn ấy sửa,… phải tầm 2 tháng sau đó mình mới dần tự tin để tự viết những email đầu tiên của chính mình.
Mãi rồi thì bé nhà mình cũng dần bớt ốm, và mình cũng dần quen với nhịp độ công việc ở phòng nhân sự, khả năng viết email và gọi điện thoại cũng vững dần lên.
Đúng là nếu cứ được nuông chìu mãi như lúc ở phòng giám đốc, có lẽ bây giờ mình chẳng thể ở đây và thi thoảng lại share những bài viết về business manner này kia với mọi người trên Tomoni như thế này.
Xem thêm:
Viết business email chuẩn Nhật: Cách sử dụng đúng từ ご査収「ごさしゅう」
Cách viết email xin lỗi trong công ty Nhật
Cách viết business mail tiếng Nhật (Phần 1)
■ Cuối năm 2014~:
Công việc ở phòng nhân sự dần đi vào ổn định, mình cũng làm thêm được nhiều thứ hơn như sắp xếp, đối ứng phỏng vấn, hỗ trợ lên lịch, điều phối cho các hoạt động đào tạo nhân viên mới vào, làm tạp chí nội bộ công ty này nọ,… Công việc mỗi ngày đều đều đều, thi thoảng gây ra vấn đề nọ kia, và mỗi lần mendan để đặt mục tiêu cho kỳ mới hay feedback cho kỳ cũ thì kiểu gì mình cũng 未達成 (không đạt mục tiêu đề ra).
Nhưng chả hiểu từ lúc nào, mình bắt đầu có cảm giác mình có vẻ như không còn thích hợp ở đây nữa.
Dù đã quen với công việc, nhưng mình luôn có cảm giác nếu ko phải là mình, một là một bạn người Nhật khác quen với máy tính một chút, quen với các công việc 事務・総務 này kia một chút, thì có lẽ sếp mình và các bạn đồng nghiệp sẽ ko phải thi thoảng lại phải đau đầu xử lý các vấn đề do lỗi tiếng Nhật củ chuối, hay do sự không hiểu biết về các thói quen của người Nhật của mình gây ra…
Có những lần bị bạn nữ cùng team khiển trách vì ko biết 配慮 (để ý, suy nghĩ cho mọi người) nọ kia, sao ko hiểu văn hoá Nhật này nọ, tâm trạng mình lại đi xuống, buồn thảm bức xúc mất mấy ngày.
Ở đây mọi thứ đều ổn định, chỉ duy nhất có một vấn đề, đấy là mình chẳng phát huy được chút gì lợi thế của bản thân (biết cả tiếng Việt và tiếng Nhật chẳng hạn) cả.
Cảm giác thua kém các bạn cùng team và chả có con đường nào để bản thân có thể vượt lên khiến mình suy nghĩ mãi, suy nghĩ mãi…
Đó cũng là giai đoạn mà công việc của chồng mình ở phòng game rất bận, ngày nào cũng 11-12h đêm mới về, nhà cửa lúc nào cũng trong tình trạng bề bộn lộn xộn, đầu tuần sang là chỉ mong cuối tuần mau đến..
■12/2014:
Cuối cùng sau nhiều trăn trở, mình quyết định xin nghỉ dù vẫn còn rất yêu quý công ty, định bụng baito một thời gian rồi tìm hướng phát triển khác, thì đúng lúc chồng mình cũng nhận được offer từ một công ty ở Tokyo, nên mình đi theo lên Tokyo và… vào MPKEN cho đến giờ.
Xem thêm:
Chuyển việc trong thời gian nghỉ chăm con: Những điểm cần lưu ý
Và chẳng hiểu sao, tất cả những điều mình hay bị bạn cùng team chú ý sửa sang này nọ lúc còn ở công ty, lên đây mình dần dần đều nhận thức và sửa được gần hết, đặc biệt là cách để ý khi tiếp xúc, trao đổi với các bạn ứng viên, và cảm thấy những dặn dò, khiển trách của bạn ấy ngày xưa, quả thật là hữu ích.
Giống như kiểu khi ở cùng bố mẹ bị nhắc nọ nhắc kia nhiều khi thấy rất bức xúc, nhưng sau này có con rồi mới thấy bố mẹ nhắc quả ko sai tí nào.
Tổng quãng thời gian mình làm ở công ty cũ kể từ khi baito là 4 năm 5 tháng, dù cuối cùng mình cũng chọn cách rời khỏi đây để tìm con đường mới phù hợp hơn cho bản thân, và dù nhiều lần trong suốt quãng thời gian còn ở công ty, mình cảm thấy khá là vật vã, nhưng có lẽ vì mình rất thích công ty, nên bằng cách này hay cách khác mình cũng đã vượt qua được những khoảng thời gian khủng hoảng ấy.
Mình nghĩ ai đi làm dù ít dù nhiều cũng sẽ gặp phải những trăn trở hay bức xúc nhất định, nếu bạn đủ thích công ty và những đồng nghiệp quanh mình, thì sẽ dễ dàng vượt qua những khủng hoảng ấy hơn… Vì thế, nên trong quá trình tìm việc, hãy tìm hiểu thật kĩ công ty và tìm ra nơi mình thích nhất, nhé.
Còn nữa, nếu chẳng may gặp phải một ông sếp hay đồng nghiệp khó tính quá, thì cũng không cần quá bức xúc làm gì, vì có khi chính sự nghiêm khắc của họ lại giúp mình trưởng thành hơn nhiều đấy.
Chúc các bạn trở thành người xã hội vui vẻ.
Phương Mai
Xem thêm:
MPKEN có dịch vụ hỗ trợ xin visa cho người Việt với nhiều ưu đãi!
- Giảm 1 man cho những bạn đã từng tham gia event, lớp học do MPKEN tổ chức
- Giảm 5 sen cho những bạn đăng ký sớm (từ ngày 1-5 hàng tháng)
- Dịch vụ check hồ sơ do luật sư người Nhật giàu kinh nghiệm với giá chỉ 2 man ➞ Đặc biệt, giảm 2 man khi có nguyện vọng chuyển đổi sang dịch vụ xin visa trọn gói
- Xem chi tiết về dịch vụ tư vấn visa tại link: https://www.mpkenhr.jp/houmu
- Form điền thông tin để nhận tư vấn về visa: bit.ly/VisaMpken
Truy cập ngay trang thông tin tuyển dụng của MPKEN để cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất và hoàn toàn không mất phí: https://www.mpkenhr.jp
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Xin vui lòng liên hệ trước khi đăng lại hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh từ Tomoni.
Bình luận